NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

RONG RUỖI VỚI THU BỒN

( 13-09-2017 - 07:12 AM ) - Lượt xem: 961

Gần nửa đời rong ruổi với Thu Bồn,biên soạn TRÁNG Sĩ HỀ… DÂU BỂ,coi như nén nhang chung của người thân,bạn bè,gửi đến trò chuyện, nhân 10 năm ngày nhà thơ Tạm biệt cõi thế. Bởi chắc chắn thơ Thu Bồn sẽ còn mãi trong lòng những thế hệ biết yêu thương và không lưu giữ hận thù :

   Cơn giông chiều tháng 6 đổ tới đột ngột, ồn ào ,dữ dội. Sấm rồi chớp bùng lên như một trận B52 đổ xuống đường phố Sài Gòn vào lúc tan tầm,người xe chen chúc chạy táo tác. Ấy là lúc chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện hú còi,vượt lên đám đông,xông vào giông bão đưa nhà thơ Thu Bồn đang thở  ô xy về  nhà ở suối LỒ Ô,Bình Dương,xa hơn 30 km,theo nguyện vọng cuối cùng của ông.Chợt nhớ câu thơ như một lời tiên tri: Hỡi xứ sở ngập tràn ánh nắng/ Sao bây giờ ta tới chỉ toàn mưa?

  Biết tin Thu Bồn vào Viện cấp cứu từ trước,nhưng mãi đến khi chị Lý Bạch Huệ đưa điện thoại để  Thu Bồn nói chuyện,nghe giọng anh thật yếu,tôi hô phải cố lên ,ví anh là Thu Bồn. Nhưng buổi tối,khi tôi bay vào được thì Thu Bồn đã hôn mê. Bác sĩ ,con gái nhà thơ Lương An trực ở Bệnh viện cho biết  không còn  hy vọng. Mấy đêm,thức canh cơn hấp hối cùng chị Huệ,mụ mị vì nắng nóng,vì không khí oi ngạt,nơi hàng trăm thân nhân của người bệnh nằm ngồi la liệt ở bãi chờ khối bệnh nhân nặng,- xa khu điều trị đến mấy trăm mét-mệt mỏi,gà gật,chốc chốc hốt hoảng lắng nghe tiếng thông báo từ cái loa phát ở phòng cấp cứu,tiếng mệt mỏi,âm u ,lạnh lùng như một lời báo tử: - Ai là người nhà bệnh nhân X…tới phòng cấp cứu có việc cần. Có 9 phần biết là người thân ấy sắp ra đi.Trong những giờ phút dài như vô tận ấy,trong tôi văng vẳng câu thơ,không nhớ của ai : Chuông đâu hãy rung vang trời đất/ Báo tin buồn đi khắp mọi nơi/ Trên cành,một nhánh hoa rơi/ Muôn người đau đớn cùng tôi khóc chàng.Đêm thứ hai trực ở Bệnh viện,người nhà vào báo cho biết,ông  Năm Ngọc,một người thân của chúng tôi,cán bộ tỉnh Tiền Giang,sau được điều ra Ban kinh tế Trung ương,trên đường đi công chuyện ,bị tai nạn vừa mất. Trưa hôm sau,tôi rời Bệnh viện ,cùng nhà văn Nguyễn Quang Sáng và mấy vị cán bộ Ban Tổ chức Thành Ủy về Tiền Giang để viếng. Xe chưa ra khỏi Quận V,chị Huệ gọi báo là Viện cho đưa về nhà ,vì khó qua khỏi đêm nay.Tôi nhảy xuống,gọi taxi quay về kịp lúc chi Huệ đã làm xong thủ tục để đưa anh  lên xe. Tiến Toàn đi xe nhà hộ tống,tôi cùng nhà văn Nguyễn Chí Trung cùng chị Lý Bạch Huệ và cháu Băng Ngàn  ngồi xe cấp cứu theo dõi bình tiếp ô xy.Suốt dọc đường,mưa to gió lớn,sấm chớp gào lên như thông báo với hàng vạn người và xe đang dạt ra hai bên để nhường đường cho nhà thơ trở về ngôi nhà nơi những năm cuối đời ông giành bao tâm huyết và sức lực để tạo dựng.Không là người mê tín ,đang lo làm sao cho nhà thơ khỏi ướt khi cơn mưa vần vũ đất trời suốt trên đường dài,khi xe đỗ trước cửa nhà,bổng nhiên trời tạnh ráo hẳn. Chỉ khi tất cả đã vào nhà,cơn mưa lớn lại ập đến cho tới tận đêm.Hình như đất trời vẫn nhớ lời cầu xin thuở nào:  Xin giông bão đừng vào đây nữa/ Và gió mưa thôi hãy ở ngoài sân/ Vì trái tim đã trụi trần thân xác/Người hỡi người xin hãy nhẹ bàn chân

        Theo nếp quen,để chọn giờ lành cho người ra đi,tôi gọi về Hà Nội ,nhờ nhạc sỉ Hồng Đăng xem giúp. Chi Huệ lại hỏi xin nhà Chùa chọn giờ. Hai bên trùng khớp . Tiến  Toàn cạo râu  lần cuối cho nhà thơ. Đến giờ đã chọn, không hy vọng ở một sự hồi sức kỳ diệu nào nữa,tôi và Băng Ngàn,lòng đau như cắt ngắt ồng thở ô xy để Người thoát khỏi mọi hệ lụy trần thế. Đêm dó,cùng với người thân trong gia đình,mấy anh em thức trọn với Thu Bồn. Anh Hà Ban,bấy giờ là phó Chủ tịch Kon tum,người gọi nhà thơ bằng cậu thức cùng .Lễ khâm liệm được tổ chức vào sáng hôm sau. Chiếc quan tài được chị Huệ đặt bằng một thân gỗ nguyên khối,phải 7 đòn khiêng. Khâm liệm theo nghi thức nhà chùa,bọc nilon trước rồi đến vải liệm xanh đỏ vàng mấy lớp. Ngoài ra là chè khô,nhụy sen. Vậy mà vẫn không đầy ,vì vốn là người cao lớn,mà lúc này,nhà thơ chỉ còn hơn 30kg. Chờ đợi xe tang tới, người thân và bạn bè vây quanh ,lo hương khói. Đứng cạnh tôi,một chàng trai ôm một bó hồng đỏ thắm lớn chưa biết đặt vào đâu,tự giới thiệu: Em là Nguyễn Việt Hải. Tôi à lên vì biết đó là một họa sỉ trẻ tài năng,người vừa chăm lo trình bày  cho mấy tập  Trường ca tuyển tậpĐánh đu cùng dâu bể của Thu Bồn.Cùng chị Huệ ,chị Thu,Hà Ban,Băng Ngàn và mấy người cháu,tôi và anh Nguyễn Chí Trung,Nguyễn Tiến Toàn  ngồi bên quan tài trên xe tang đưa nhà thơ trở lại Nhà tang lễ Thành phố ở 25 Lê Quý Đôn.Có lẻ,do được ưu tiên,xe hú còi,chạy với tốc độ chóng mặt.Vừa đưa được quan tài nhà thơ vào một trong ba ngăn của nhà tang lễ,chúng tôi bàng hoàng nghe tin xe máy của họa sỉ Nguyễn Việt Hải  bị  va quệt,họa sỉ đã mất. Yêu nhau đến thế ,đời này liệu có mấy ai!Buổi chiều quan tài của Hải được đặt ở ngăn bên cạnh. Vậy là họ còn ở bên nhau hai đêm ngày trên trần thế,trước khi Hải được đưa về quê.Đó thật sự là một đám tang lớn.,tràn ngập tình cảm thương tiếc và yêu mến của rất nhiều người. Một đêm thơ được tổ chức ngay bên quan tài được đông đảo bạn bè thân thiết tham gia. Sáng 20-6, tang lễ được cử hành trọng thể trước khi đưa về an táng ở nghĩa trang thành phố.Lại một lần rong ruỗi trên đường phố,và là lần cuối cùng theo xe tang đưa nhà thơ lớn,người bạn lớn về nơi an nghỉ cuối cùng. Trong đám tang,ngoài chị Thu,chị Huệ,còn có nhiều người phụ nữ là chỗ thân thiết của nhà thơ ở nhũng thời gian khác nhau cũng mặc áo màu tang.Không có ai trong họ nói một lời chê trách người ra đi.

   Kiểm lại tiền phúng điếu,chi Huệ cho biết đã đủ chi cho tang lễ và việc xây mộ nhà thơ . Cũng như những ngày tang lễ long trọng và ấm cúng,chính cách sống, phẩm chất và tính cách của nhà thơ đã là sự chuẩn bị chu đáo và hoàn chĩnh nhất cho sự ra đi của mình.Để chuẩn bị xây mộ,nhà văn Nguyễn Chi Trung đã tới nhiều nơi nhà thơ từng sống và chiến đấu thu gom nhiều kỷ vật. Hơn 160 kỷ vật đã được bàn giao cho chị Lý Bạch Huệ. Câu thơ ghi trên bia mộ,sau khi tham khảo nhiều câu do các bạn đề nghị,,tôi gợi ý và được chị Huệ chọn một câu rất đúng tính cách hào phóng của Thu Bồn :

                                 Rồi mai mưa gió qua đây

                        Anh còn ở với cỏ cây ,em về .

     Vậy mà đã mười năm.

                                X  X  X

Với bạn bè,Thu Bồn như vẫn luôn hiện diện.Hình như tới bất cứ nơi đâu trên đất nước,tôi đều nhớ lại kỷ niệm những lần đã cùng nhau rong ruỗi qua đây.

 Đọc và yêu Trường ca chim Chơ rao từ cuối 1964. Đi bộ đội rồi vào chiến trường,vẫn có ao ước được đặt chân tới nơi đã làm nên bản trường ca hào hùng ấy.Nhưng mấy năm chiến đấu pháo binh ở miền tây Trị Thiên thi thoảng lắm mới có dịp tiếp xúc với bà con Tà ôi, Pa cô, Vân Kiều . Năm 1971 về Văn nghệ quân đội,mới lần đầu gặp Thu Bồn. Nhưng dạo đó,anh còn ở khu Văn công Mai Dịch,nên cũng ít có dịp gần gủi. Những ngày đầu giải phóng,gặp lại nhau ở Đà Nẵng,qua chuyện trò và thông tin cho nhau những uẩn khúc trong chuyện gia đình và tình cảm,anh em mới có dịp hiểu nhau hơn.Rồi không biết từ bao giờ, cái bóng cao lừng lững,lối sống phóng khoáng,những vần thơ hào sảng mà mượt mà một tình cảm không quen dấu che có sức lôi cuốn đối với anh cán bộ chính trị nửa mùa là tôi. Từ đó có dịp là tôi lại bám theo Thu Bồn. Bởi trong bất cứ hoàn cảnh nào,kể cả những năm cả nước còn đói khó sau chiến tranh,có Thu Bồn là có ngay những ngày sinh hoạt vui vẻ,rôm rả. Nhiều sáng kiến,tháo vát,miệng nói tay làm,có niềm say mê trong công việc ,thường xuyên thích mang lại niềm vui cho người khác,không che dấu những tình cảm bất chợt nảy sinh ,sẳn sàng tiêu đến đồng tiền cuối cùng để đãi bạn bè, biết biến những cái tưởng không thể thành có thể, ở đâu,bao giờ cũng có khả năng tổ chức cuộc sồng đàng hoàng và vui vẻ.Thu Bồn là một người đàn ông đầy hấp lực,không chỉ với người khác giới.Lao động tăng gia ở Mỏ Chén,dựng nhà ở số 6 Đặng Thái Thân rồi làm báo tết cho Quận V, cùng Nguyễn Duy buôn gạo từ Nam ra Băc tiếp tề cho anh em thuở còn ngăn sông cấm chợ,theo chân bộ đội lên biên giới Lạng Sơn,Cao Bằng trước,trong và sau chiến tranh biên giới phía Bắc,lại vào Nam rồi theo chân Nguyễn Chí Trung sang với bộ đội chiến đấu ở Campuchia ,nơi Lê Dung hát mà bộ đội phải núp sau từng lùm cây để nghe vì áo quần đã rách nát.Khi tôi chuyển về Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN,chúng tôi còn bên nhau khi Thu Bồn mang súng ngắn đi bảo vệ Ban nhạc Rock end Rol đầu tiên có tên Laxton bank của Thụy Điển đi biểu diễn ở Hà Nội,Hải Phòng,Nha Trang,TP Hồ Chí Minh ,một bọn liều lĩnh,đúng là điếc không sợ súng,mà may sao tất cả đều an toàn,trót lọt.Tôi nhớ lần mời Thu Bồn về Hạ Long dự Đại hội văn nghệ tỉnh Quảng Ninh. Bầu bán xong,trong khi chờ công bố kết quả,các bạn mời tôi là đại diện Hội NSSK phát biểu chào mừng . Sau dăm câu ba điều cho phải phêp,tôi giới thiệu với Đại hội một vị khách không mời, Khi tôi nói tới tên anh,rất nhiều người đứng dậy,nháo nhác nhìn anh,mà họ lại là người của sân khấu. Hóa ra đó là các nghệ sĩ của Đoàn Chèo Quảng Ninh. Năm 1968,khi đi phục vụ chiến trường,họ đã gặp nhà thơ Thu Bồn cùng vợ cõng con trai ra Bắc. Ở một chặng nghỉ,họ đã gặp nhau và nghe Thu Bồn đọc thơ.Không khí hội trường sôi nổi hẳn. Hình như họ quên cả việc theo dõi kết quả bầu cử,mà chỉ chăm chú lắng nghe nhà thơ nói chuyện và đọc thơ.Sau bao năm gặp lại, nhiều chị em đã già mà nhà thơ xem ra vẫn trẻ trung sung sức. Đó là những năm đẹp nhất trong  đời nhà thơ.Anh yêu nhiều và cũng được nhiều người yêu.Một người con gái xinh đẹp nhất của Hà Nội bấy giờ,từng gắn bó với anh,.Anh đã đưa nàng về quê,hình như cả chuẩn bị áo cưới. Một hôm,anh bảo tôi chuẩn bị dự lễ cưới, đinh ninh vẫn là người đó ,tôi chỉ nói chúc mừng. Nào ngờ mấy ngày sau,cô dâu lại là một người quen biết nhưng là một nhà thơ khác. Nhiều năm sau,gặp lại,người đàn bà xinh đẹp xưa,nhan sắc vẫn rực rỡ,sang trọng, chỉ quen bỏ rơi những kẻ bám theo mình,vẫn còn ngạc nhiên không hiểu tại sao mình bỗng dưng bị bỏ rơi ? Gần đây ,nhà thơ cho tôi xem bức thư nhỏ giúp hiểu thêm sự lựa chọn của Thu Bồn.. Bức thư được viết trên mặt sau của tờ thư một người bạn từ Nga gửi về,báo là việc anh nhờ không thực hiện được. Thư Thu Bồn viết :Ngày cuối năm 1979(31-12) : Anh đến thăm em lần nầy là lần thứ ba nhưng chỉ thấy cánh đồng hoang vắng. Chắc đó là ý của Chúa đã sắp đặt ra khung cảnh này rồi. Khi nào về,đến cơ quan gặp anh có chuyện rất cần. Ký tên.Dạo đó,mấy mẹ con chị sống trong một căn nhà dột nát ở một cánh đồng trũng hoang vắng và không ai khỏe mạnh. Từ bỏ một người con gái xinh đẹp,đến Dương Thu Hương,Xuân Quỳnh,còn phải công nhận để tam cố thảo lư  tìm tới cầu hôn một người đàn bà ba con nhỏ một cách nghiêm túc rồi tiến hành lễ cưới,có đăng ký đàng hoàng,hẳn Thu Bồn đã thể hiện phẩm chất trượng phu của mình. Nữ sĩ cho là định mệnh,khi mặt trước của bức thư là chữ của người chồng chị bây giờ.

    Mấy năm sau rồi mối tình lớn ấy cũng lặng lẽ kết thúc. Do chữ viết xấu,mấy lần tôi phải viết thư bằng máy chữ mổ cò để thay Thu Bồn phúc đáp những bức thư.Thế giới tưởng rộng mà hẹp,quanh quẩn chỉ có mấy người quen mà sao mang lại cho nhau niềm vui thì ít,mà buồn khổ lại quá nhiều !Đã có lần Thu Bồn về Vĩnh Linh quê tôi giúp tôi xây mộ mẹ. Cảm phục tấm lòng kiên trinh của người con gái làng quê quyết chờ đợi chàng trai mình yêu mặc cho anh ta đang bị tù vì làm Công Sản,khi cha tôi ra tù,vào Huế, tới trụ sở báo Tiếng Dân,cám ơn báo đã có bài viết ca ngợi người con gái quê khí phách và  báo tin mừng,Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã tặng cho hai người đôi câu đối chữ Nôm :

 Ừ,một tiếng sắt đanh,mặc cho vật đổi sao dời,kết tóc giữ nguyên lời ước nguyện

 Duyên ba sinh hương lửa ,sau lúc mù quang mây tạnh,trông trăng mừng thấy cuộc đoàn viên.

  Mẹ tôi mất trong những ngày tàn cư khi vỡ mặt trận Quảng Trị ngày đầu kháng chiến chống Pháp.Mộ mẹ tôi trong mảnh vườn xưa ông bà khai khẩn,giờ đã thành đất hợp tác,chỉ xây một nấm nhỏ để kỷ niệm. Nhưng với quê tôi ,nơi là huyện duy nhất trong cả nước mấy mươi năm bom đạn,người muôn phương về hy sinh vô số  kể,nhưng cho đến nay,vẫn không được phép xây đền,chùa,nhà thờ,thì đó là một sự kiện lớn.Còn lớn hơn,khi biết người về giúp làm bếp đãi bà con bửa cổ,với những món ăn làng quê chưa bao giờ biết tới, là nhà thơ nổi tiếng,mà thơ của ông,bao năm qua dân làng vùng giới tuyến  đã nghe đến thuộc lòng nhiều bài. Chẳng biết con cháu mình làm gì,chỉ cần biết nó quen và thuê được một ông to như rứa,nổi tiếng như rứa về làm bếp là dân gốc làng Trạng Vĩnh Hoàng  sung sướng rồi.Thu Bồn từng tham gia trại sáng tác kịch bản ở Đà Lạt một đợt với nhà văn Nguyễn Quang Sáng,tham gia nhiều Hội diễn sân khấu ỏ mọi miền. Và ở đâu ,anh cũng là một thỏi nam châm có sức hút lớn và mang lại nhiều  niềm vui cho bạn bè. Chuyến rong ruổi cuối cùng của chúng tôi có lẻ là chuyến đi từ Hà Nội vào Đà Nẳng. Chiều muộn,mấy anh em gồm NSND Trọng Khôi,NSND Trần Tiến,cùng Thu Bồn quyết định lên Bà Nà. Dạo đó đường đi vừa mới mở,lại đi lúc trời tối, sương mù dày đặc,đèn đóm chưa có,đường sá lạ lùng,về khuya càng đi càng hun hút ,không có ai để hỏi đường. Đúng là một chuyến đi liều lĩnh,kinh hoàng. Nhưng khi tới đích,chúng tôi như được bù lại sự phiêu lưu bằng một ngày nghỉ tuyệt vời.Sau chuyến đi ấy chẳng bao lâu,Thu Bồn trở lại Tây Nguyên và bị đột quỵ trong một buổi đọc thơ. Nhưng năm sau,có dịp lên Tây Nguyên với nhóm làm lịch của mấy nhà xuất bản,chúng tôi đã gặp Thu Bồn cùng chị Huệ ,được Phó Chủ tịch Hà Ban đón tiếp nhiệt tình. Nhóm Giám đốc các Nhà xuất bản chúng tôi cũng được ăn theo vì là bạn của nhà thơ.

  Nhà thơ yêu nước,thương người,thuở trai trẻ luôn có mặt ở những điểm nóng nhất của bốn cuộc chiến tranh,cũng vì yêu thương bạn bè và tự tin ở phẩm chất chiến sĩ- tráng sĩ của mình mà luôn gặp những hệ lụy. Đi kháng chiến từ đầu chống Pháp khi mới 12 tuổi,chiến trường nào cũng có mặt,Thơ văn có sức động viên như một Sư đoàn, trông đi trông lại,cấp bậc quân hàm chỉ ngang hoặc còn thua mấy đàn em tham gia quân đội sau ngày kết thúc chống Mỹ.Đã thế,mấy lần bị thổi còì,tên tuổi được ghi vào sổ đen ban Tư Tưởng khi đi chơi với những Hoàng Cầm,Phùng Quán,thưở họ chưa được khôi phục tư cách hội viên. Khi Dương Thu Hương bị bắt,lại còn đi quyên góp khắp nơi để giúp các cháu còn nhỏ. Có lẻ vì thế,mà toàn bộ các bài thơ Thu Bồn,kể cả những bài xưa được coi như có sức mạnh ngang một Sư đoàn bị loại khỏi sách giáo khoa nhà trường. Tôi đã được nhờ gửi thư của Thu Bồn tới các cấp hữu quan,trong đó có gửi đích danh nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm,bấy giờ đang ở Ban Bí thư,nhưng không được nơi nào hồi âm. Trông lại tương quan đánh giá tác động xã hội của tác phẩm để trao Giải thưởng,thì có lẻ Giải thưởng Nhà nước về VHNT cho nhà thơ Thu Bồn vẫn là chưa tương xứng. Một Giải thưởng văn học Mêkong còn bỏ quên tên Thu Bồn ,tác giả các trường ca Campuchia hy vọng,Ôran 76 ngọn và nhiều bài thơ hay khác về đất nước này là không nên. Cuối đời,cũng đã có nơi này,nơi kia hứa hẹn,nhưng cho đến khi mất ,một tấc đất ở quê,một địa chỉ lưu giử kỷ niệm của nhà thơ thật sự tài năng,cũng không có. Mãnh đất ở suối Lồ Ô ,có bạn bè giúp đỡ thêm để mua,sau bao năm tự tay nhà thơ tạo dựng,vun đắp,nhiều năm đã thực sự thành một địa chỉ văn hóa ,nơi tụ hội bạn bè thân quý trong nước và quốc tế,mới đây đã bán cho chủ khác ;người xưa đã kịp qua mấy  chuyến đò,mà đứa con trai duy nhất còn lại,cháu Hà Băng Ngàn,nhiễm chất độc da cam,bị tâm thần phân liệt,mấy lần lên cơn,phải vào khoa tâm thần,lại không được đoái hoài đến. Chỉ nói xót xa hẳn không đủ. Nhưng người thân ruột thịt vì tự trọng, không lên tiếng ; bản thân Băng Ngàn vì bệnh tâm thần,không đủ tư cách pháp nhân,thì bạn bè có thể làm gì được ?Theo luật pháp hiện hành,10 năm là hết hạn khiếu kiện rồi.

  Hàng năm ,bạn bè vẫn tổ chức ngày giỗ nhà thơ. Hồi 6 năm,nhân ngày giỗ ở Sài Gòn,bạn bè vận động quyên góp,vợ chồng anh chị Nguyễn Tiến Toàn,người bạn thân thiết,nhiều năm cưu mang nhà thơ thưở hai người còn hàn vi,đã gom được gần 60 triệu gửi về nhờ anh Hà Trình,anh ruột nhà thơ hiện ở quê,làm Quỹ khuyến học . Ngày kỷ niệm 9 năm,trong buổi tụ bạn đông vui,bạn bè quyết định ra một tập sách kỷ niệm 10 năm ngày mất, nhằm lưu lại những kỷ niệm đẹp về nhà thơ.. Nói thì dễ,thực hiện lại không đơn giản.

    Ấn phẩm chắc chắn chưa làm vừa lòng được hết mọi bạn bè gần xa vì khuôn khổ và thời gian có hạn,không gom chứa được hết  các bài đã viết về nhà thơ.

   Một trong những câu thơ cuối cùng của nhà thơ trong bài Gói nhân tình :

      Non nước cách xa,bạn bè lận đận

      Ta nằm đây trò chuyện với riêng mình.

Gần nửa đời rong ruổi với Thu Bồn,biên soạn  TRÁNG Sĩ HỀ… DÂU BỂ,coi như nén nhang chung của người thân,bạn bè,gửi đến trò chuyện, nhân 10 năm ngày nhà thơ Tạm biệt cõi thế. Bởi chắc chắn thơ Thu Bồn sẽ còn mãi trong lòng những thế hệ biết yêu thương và không lưu giữ hận thù :

       Hãy tha thứ ! Có đôi lần ta lỗi bạn

       Nhưng yêu thương năm tháng vẫn còn đấy

                                                                Ngô Thảo

                                                         Hà Nội 13-5-2013

Các Bài viết khác