NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHỚ DỊCH GIẢ LÊ KHÁNH TRƯỜNG, NGƯỜI ANH, NGƯỜI BẠN LỚN

( 18-03-2016 - 06:36 AM ) - Lượt xem: 1778

Lê Khánh Trường học giỏi nổi tiếng từ Trung hoc. Anh ham đọc, Văn-Thơ, ngay cả thứ khó ”nhằn” như Triết học, Văn học cổ, lý luận văn học, ngôn ngữ học vv… của Việt nam, các nước, nhất là của Nga.

1/Đôi điều về dịch giả Lê Khánh Trường.

Ở Việt Nam vào những năm1980-1990 và sau đó, bầu trời sán lạn của nền văn học Nga như hừng sáng,rạng rỡ hơn khi lần lượt đón nhận nhiều tác phẩm được dịch từ nguyên bản tiếng Nga bởi một dịch giả trước đó còn chưa định danh, ít người biết tới.

Dịch giả Lê Khánh Trường với tác phẩm dịch từ tiếng Nga đầu tay”Đôi mắt trẻ thơ”  năm 1970, không lâu sau là ”Người kỹ sư tâm hồn” (Xukhomlinxki) ra mắt bạn đọc miền Bắc lúc đó. “Người kỹ sư tâm hồn” chinh phục ngay khi vừa phát hành, nhiều trường học coi là cẩm nang sư phạm.Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên đánh giá cao cuốn sách, gửi thư khen tới dịch giả Lê Khánh Trường.

Từ đó những tác phẩm dịch từ nguyên bản tiếng Nga của anh  xuất hiện liên tiếp ngày càng nâng cao  về chất lượng lẫn số lượng.

 Thời gian trôi qua,có lẽ những tác phẩm dịch từ tiếng Nga của  Lê Khánh Trường nhiều hơn số tuổi của ông được hiện diện trên trái đất này? Vì căn bệnh phổi hiểm nghèo, anh đã sớm ra đi.

Lê Khánh Trường sinh tháng 11 năm 1942.

Anh giã biệt chúng ta vào tháng 3-2008, hưởng thọ 67 tuổi!

Tiếc là cho đến nay chưa có một thống kê khoa học những tác phẩm dịch của nhà văn-dịch giả Lê Khánh Trường theo năm tháng xuất bản được tổng hợp lại. Chúng tôi chỉ sơ lược điểm qua một vài đầu sách, một vài cuốn trong các tác phẩm  đọc nguyên tác và một số đọc qua bản dịch của anh.

Những tác phẩm này in từ những năm 80-90- TK 20 và đầu những năm 2000: Tiểu thuyết trào phúng “ Mười hai chiếc ghế”( I.Ilf), “Bò tót” của Danul Granin “Trò chơi” của Iuri Bondarev, “Mười bảy khoảnh khắc mùa Xuân” của I. Xemionov, “Muối của đất” của G. Marcov (dịch cùng Bằng Việt-Đức Vinh), “Những đứa trẻ phố Arbat” của A. Rưbacov, đặc biệt tác phẩm đồ sộ “Bác sỹ Zivago” của nhà văn Nga danh tiếng thế giới  Boris Pasternak, đoạt  giải Nobel văn học năm 1958 nhưng không được nhận vì bất đồng chính kiến với nhà nước Xô Viết lúc đó. Bên cạnh là tác phẩm của nhà văn lừng danh toàn Chinghits Turekulevik Aitmatov.

Quê hương Ch.T. Aitmatov, xứ Kyrgistan, vùng Trung Á núi đồi hiểm trở, thảo nguyên bao la khu vực Châu Á  của Liên Xô,nơi khởi nguồn cảm hứng bất tận của nhà văn. Để từ đó cho ra đời bao tác phẩm về tình yêu, thân phận con người, quyền được sống…, không chỉ riêng cho con người mà dường như còn cho cả loài muông thú, mọi sinh vật trên trái đất cùng tồn tại. Tính nhân văn thấm đẫm trong các tác phẩm độc đáo của Chinghits Aitmtov  đã đưa tên tuổi ông trở nên chói sáng vang xa trên thế giới.

Trong nhiều tác phẩm của ông có ”Ngày dài hơn thế kỷ”, đặc sắc nhất là ”Đoạn đầu đài” được Lê Khánh Trường chuyển sang Việt ngữ.

Tác phẩm tầm cỡ như “Bác sỹ Zivago” của Boris Pasternak , “Đoạn đầu đài” của Chinghits Aitmatov cầm nguyên tác trên tay, đọc ít trang đã nhìn ra sự tinh tế của ngôn từ trong tác phẩm, rồi từ từ “thấm” dần độ khó! Chỉ ngồi ngẫm ý nghĩa câu văn đã là việc không dễ dàng gì, chưa nói đến tìm chữ  so nghĩa hai ngôn ngữ để mà dịch!

Ấy vậy mà anh Trường cứ làm băng băng, ngôn từ dường như “chảy” từ đôi bàn tay viết lia lịa của anh mà ra mặt giấy, thứ giấy một mặt gom từ nhiều nguồn! Ngày đó giấy viết còn thiếu, chưa có computer, anh lại  ưa viết tay, mãi sau mới dùng máy chữ.

Trong gian phòng hẹp 18 m2  Gostinhisa, Khách sạn cho sinh viên ngoại quốc, Viện quốc tế Tiếng Nga mang tên Puskin ở Matxcova sinh viên, NCS từ 53 nước trên thế giới đến học, anh Trường làm việc không ngơi nghỉ, nói  nôm na là “Làm đến rạc cả người!”.

Đúng vậy khóa học 10 tháng anh lên lớp gần 2 tháng đầu,  vì anh đã “học” qua những gì cần học từ trước khi sang Matxcova.

Niên học 1986-1987 chúng tôi là thực tập sinh tại Viện Tiếng Nga Pushkin. Có một thực tế : các giáo sư, thầy cô giảng viên đã chọn ra ba (03) thực tập sinh có trình độ trội hơn được theo quy chế tự nghiên cứu bậc thạc sỹ, không dự lớp đại trà nữa.

Được cơ hội quý đó Lê Khánh Trường miệt mài trong thư viện trường, viết các khảo luận, nghiên cứu chuyên đề ngôn ngữ, thực sự ở trình độ Nghiên cứu sinh Tiến sỹ .

Anh tìm đến thư viện trung tâm Matxcova với kho sách vĩ đại nhiều đầu sách quý của các tác giả Nga danh tiếng mà ở Việt nam không có được. Anh đọc rồi tầm mua nguyên tác trong tiệm sách cũ để dịch. “Đoạn đầu đài” của Aitmatov được tiến hành dịch vào lúc chỉ còn gần 2 tháng  mãn khóa về nước.

Lê Khánh Trường sẻ sách ra từng “tao”, chia để anh Phi Hùng cùng “gánh”, anh Hùng dịch 130 trang đầu tiên, 450 trang sau anh Trường lo.

Anh Phi Hùng cũng là một tài năng Nga ngữ, sau khi về nước ít lâu, anh Hùng qua đời vì bệnh nan y khi còn rất trẻ. Thật xót xa thương tiếc một người giỏi và yêu tiếng Nga như Anh!

Những năm tháng Matxcova đó quả thực  việc lên lớp học hàng ngày với anh Trường gần như là “ thừa”, là điều không nhất thiết. Việc đào tạo ở nước Nga thời chúng tôi  rất hay, bài bản khúc triết thâm sâu, luôn phát huy sự tìm tòi sáng tạo mỗi cá nhân người học, không gò bó  nhưng theo  quy chế, nội quy giữ kỷ cương.

Giáo sư, thầy cô không khó khăn nhận ra năng lực học tập của mỗi người trong khóa. Với Lê Khánh Trường kiến thức đạt mức  uyên thâm không chỉ  ngôn ngữ Nga, mà  hiểu biết sâu sắc chung nền văn học vô cùng phong phú Liên Xô và một phần văn học  thế giới, được tạo quy chế riêng để phát triển tài năng.

Trong số 03 thực tập sinh theo quy chế tự nghiên cứu đó gồm anh Trường, anh Phi Hùng và tôi, Bùi Bích Ngọc,đến từ Đài Truyền Hình Việt Nam, nhà báo, phóng viên thường trú tại phía Nam. Anh Trường đương nhiên  đứng đầu nhóm.

Sau tốt nghiệp đại học nhiều năm chúng tôi lại cùng nghiên cứu trong Viện Pushkin. Tôi lại học hỏi anh một số kỹ năng chuyên sâu ngôn ngữ Nga, thứ tiếng mà “Càng học thì thấy mình càng phải học” với những ai yêu tiếng Nga!

Anh bảo tôi: ”Bích Ngọc có khả năng về biên tập, cô lại đang làm Truyền hình Việt Nam, diện hoạt động khá rộng, nên tìm đọc tạp chí chuyên ngành, đa dạng ngành nghề đi. Hay lắm đấy!”.

Tôi mò tìm hàng loạt tạp chí chuyên ngành, đọc và chăm chú ghi chép: không chỉ những sách, tạp chí về phát thanh-truyền hình, cả về chuyên đề  kinh tế của phương Tây, của Mỹ được dịch sang tiếng Nga :Tạp chí kinh tế toàn cầu, những phân tích đa chiều, Marketing, quảng cáo vv… lúc đó ở Việt Nam còn xa lạ chưa có khái niệm chứ đừng nói đã ứng dụng.

Lời khuyên ấy của anh Trường sau này thành hiện thực trong công việc của tôi tại Đài THVN ( VTV1).

Trở về Đài làm việc, ngoài những tin tức cập nhật, phóng sự điều tra, phản ánh tích cực, tiêu cực trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi thực hiện hàng loạt phóng sự :” Giới thiệu năng lực kinh tế”, “Vấn đề hôm nay”, ”Công nghiệp nhẹ của VN ở phía Nam”, ”Ngành thép Tp Hồ chí Minh”vv..…nêu những khó khăn, tích cực tháo gỡ, nêu sản phẩm nhiều ngành sản xuất của thành phố HCM, nơi luôn chiếm tới 1/3 GDP toàn quốc. Đặc biệt sản phẩm mới của nhiều đơn vị kinh tế được quảng bá rộng khắp cả nước.

Những phóng sự gửi từ phía Nam  ra  Đài Trung ương luôn được phát sóng đều đặn, góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới vừa diễn tiến  trên đất nước ta.

Rất nhiều quảng cáo hình (Television), quảng bá phát thanh (Radio) xuất hiện tạo luồng gió mới thổi vào sản xuất cho các doanh nghiệp, nơi trực tiếp làm ra sản phẩm qua truyền thông  giới thiệu đến người tiêu dùng.

Hiệu quả kinh doanh tăng  đột biến. Những công ty  danh tiếng hàng đầu lúc đó: Nhựa Bình Minh, Xi măng Hà Tiên, Thực phẩm VISSAN (sau này là Công ty hàng đầu VN xuất khẩu thực phẩm chất lượng cao), Thép Miền Nam, Phân bón Bình Điền mới ra lò sản phẩm..vv…

Về phía anh em chúng tôi ở  Đài kết quả (cũng vui lắm) : Tết Đinh Mùi 1987 cơ quan Thường trú Đài Truyền Hình Việt Nam tại phía Nam được nhiều cty gửi thư cảm ơn, động viên, riêng  Vissan “thưởng“ cho mấy chục đầu heo, phóng viên và công nhân viên của cơ quan thường trú được tặng 01kg Lạp xưởng đón Xuân. Ngày ấy cuộc sống thiếu thốn, nhận quà tặng vậy cũng làm nhà báo chúng tôi  vui lắm.

Lê Khánh Trường học giỏi nổi tiếng từ Trung hoc. Anh ham đọc, Văn-Thơ, ngay cả thứ khó ”nhằn” như Triết học, Văn học cổ, lý luận văn học, ngôn ngữ học vv… của Việt nam, các nước, nhất là của Nga.

Tôi hiểu rằng những tác phẩm anh dịch sau này ngôn từ dùng được hay phản ánh trọn vẹn cảm xúc từ nguyên tác là nhờ những tích lũy cần mẫn mài  giũa anh có từ trong kho tàng văn hóa phong phú của Việt nam, Nga và thế giới.

Thành ngữ, ngạn ngữ, nói ý, nói ví, cả tiếng lóng, ngôn từ  nhiều tầng lớp trong xã hội.. những  chi tiết đó…có được trong bản dịch là nhờ anh thực sự giỏi tiếng Việt.

Lê Khánh Trường là một tài năng trong lĩnh vực của mình: không ỷ vào trí  thông mình, nhất thiết phải kiên trì lao động trí tuệ tới quên mình mới đưa đến thành công.

 

Có thể nói Lê Khánh Trường thành công một phần nhờ môi trường anh  có: Anh may mắn theo học ở trường Lý Nhân, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi có truyền thống “Dạy tốt-Học tốt” nổi tiếng với phong trào “Hai Tốt”, liên tục là lá cờ đầu ngành giáo dục miền Bắc thời mới hòa bình lập lại (1954). Những nhà giáo đích thực dù đời sống lúc đó thiếu thốn, thậm chí quá thiếu thốn nhưng luôn hết lòng vì học sinh thân yêu.

Những kiến thức văn học-văn hóa truyền thống anh được tiếp nhận chính ở nơi ngôi trường miền quê đồng chiêm trũng nhiều tháng lội nước, trong căn nhà  đèn dầu mỗi tối để học, thiếu sách thiếu ăn thiếu đủ điều, nhưng vẫn đủ sức nâng bước vượt khó đi lên.

Tôi  chỉ loáng thoáng biết rằng, khi ra Hà Nội học đại học, Lê Khánh Trường luôn phải vừa học vừa làm: hết việc này tìm việc khác anh làm để nuôi thân.

Anh còn dạy kèm cả các môn tự nhiên cho con em nhân viên trong trường để có thêm tiền mua sách, mua đồ dùng. Chiếc xe đạp là một thứ xa xỉ thời đó mấy ai sắm nổi nên anh làm gì có xe đạp.

Anh ít đi đâu khỏi ký túc xá và thư viện, có lẽ chính nhờ vậy mà anh học  “siêu giỏi” chăng?

Trong những năm chuyển vào Tp Hồ chí Minh tiếp tục giảng dạy như ở ĐHSP ngoại ngữ Hà Nội, Lê Khánh Trường còn là một trong hai người (cùng anh Lê Năng, Từ học viện Dubna danh giá Matxcova về), đứng lớp dịch trực tiếp, dịch “tại trận”, các giáo sư Triết học, Gs lý luận về chủ nghĩa Mác –Lê, chủ nghĩa cộng sản… từ Liên xô sang giảng. Đó là những khóa, lớp bồi dưỡng chính trị cao cấp cho cán bộ lãnh đạo Tp HCM và các tỉnh được lựa chọn tham dự. Phải nói đấy là công việc khó khăn ”mạo hiểm” nhất, phải có thần kinh vững, linh hoạt trong sử dụng ngôn từ mới làm nổi, ai từng trải qua mới “thấm”. Những  vấn đề lý luận gồ ghề lại đan xen thực tiễn khó nắm bắt ngay nội dung để chuyển ngữ.

 Lê Khánh Trường khi đó chưa đi Nga. Vậy mà vốn kiến thức và cách diễn giải của anh trong dịch trực tiếp giầu sức thuyết phục khóa học. Các giáo sư, những cán bộ dự lớp đều thấy hài lòng với kết quả đào tạo chính trị đặc biệt này.

Giáo trình đào tạo mà hai anh theo dịch đó xếp cao cả vài gang tay. Có lần anh bận nhờ tôi dịch thay vài tuần, tôi đã mầy mò tra cứu “gần chết” để may ra đủ kiến thức mà ứng phó.

Về dịch văn học, những tác phẩm của Lê Khánh Trường được nhiều  nhiều nhà xuất bản khác nhau đặt hàng, ngày càng có nhiều độc giả khắp Việt Nam và người đọc yêu văn học Nga  ở nước ngoài.

Những người uyên thâm, nghiên cứu ngôn ngữ Nga đều hiểu rằng, để có thể chuyển ngữ một cách nhuần nhuyễn, ngoài nội dung tác phẩm, hình tượng văn học nhà văn phản ánh, dịch giả phải làm sao chuyển tải được hồn cốt văn hóa dân tộc của nguyên tác với văn hóa  của dân tộc người đọc,người tiếp nhận bản dịch.

Điều tác giả văn học muốn gửi đến người đọc ngoài nội dung xuyên suốt còn là tính giáo dục sâu sa, văn hóa đất nước của họ trong nguyên tác, thì đương nhiên dịch giả trước hết và nhất thiết phải đảm đương được trách nhiệm chuyển tải khó khăn đó.

Phong văn người dịch cuốn hút được người đọc bằng ngôn ngữ của dân tộc mình hay không, đưa tác phẩm phù hợp nhất với văn hóa người đọc của anh, tác phẩm mới gọi là thành công.

Hiện thực được điều ấy quả là vô cùng khó khăn không mấy người làm được. Dù có người  am tường tiếng nước ngoài: có thể đọc làu làu nguyên tác nhưng không chuyển nổi qua tiếng mẹ đẻ  mà mình dùng nói, đọc hàng ngày.

Lê Khánh Trường đã làm xuất sắc điều khó khăn đó!

Qua nhiều tác phẩm dịch của mình, anh đưa người đọc đến các tầng văn hóa khác nhau, các miền đất xa lạ trở nên gần gũi. Độc giả bị cuốn hút, đọc bản dịch mà say mê như đang đọc văn học của nước mình, tinh thần được thăng hoa qua bản dịch khá hoàn mỹ của anh.

Trong dịch thuật Lê Khánh Trường luôn học hỏi tiếp thu tinh hoa những bậc đàn anh: Dịch giả lừng danh Cao Xuân Hạo và cộng  sự của ông- với tác phẩm vĩ đại của Lep Tolstoi” Chiến Tranh và Hòa Bình”, “ Con đường đau khổ”( Alecxay Tolstoi)… và nhiều tác phẩm văn học Nga đồ sộ khác. Như dịch giả  Dương Tường với Anna Karenina, cũng của Lep Tolstoi … và nhiều dịch giả danh tiếng  khác. Anh đọc anh học, nhưng anh không dập khuôn, mà sáng tạo theo phong cách riêng, làm tác phẩm văn học tuyệt vời của Nga chuyển sang Việt ngữ cứ “nhẹ” như không, làm mối gắn kết để hai nền văn hóa Nga-Việt dường như bền chặt hơn.

Vậy thì, tố chất nào đã “làm nên”, đã “tạo ra” một dịch giả là Lê Khánh Trường (còn khá trẻ vào những năm 70-80 của thế kỷ trước) được như vậy?

Chỉ có thể nói điều  hiển nhiên giản dị nhất, là trước hết nhờ thầy cô trong trường Phổ thông, rồi ở  đại học đã giảng dạy Nga văn cho sinh viên. Sau nữa nhờ trí thông minh mẫn tiệp hiếm ai bì, lòng kiên trì học tập làm việc hết mình đáng nể phục của anh từ ngày tóc còn xanh đến khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh.

Bất cứ thành công nào cũng không chỉ thông minh mà phải lao động sáng tạo không ngừng mới có được.

Trong cuộc đời công tác của mình Lê Khánh Trường chịu nhiều thiệt thòi, dù rất giỏi giang xuất chúng trong cả giảng dạy và dịch thuật, anh không gặp thuận lợi, không được chú ý để được “nâng đỡ”, “thăng tiến”. Nhưng trong đời riêng anh lại may mắn vô cùng khi gặp và có người bạn đời tuyệt vời là chị Phạm Thị Liên.

Tôi có dịp biết chị Liên từ khi anh chị chưa cưới nhau. Đầu năm 1967 anh Trường đưa chị về khu sơ tán Thanh Miện, Hải Dương nhắn tôi sang chơi.

Chị Liên là người vợ đảm đang, là“ nội tướng” đích thực của bốn bố con toàn đàn ông nhà anh. Chị làm tất cả dường (như) bù cho những “thiệt thòi” mà một trí thức như anh đã dấn thân.

 Điều ấy mấy ai có: được sống trong yêu thương, chăm sóc, phải nói là “chăm bẵm” mới đúng của vợ hiền, của con hiếu thảo. Cho đến ngày anh lâm bệnh nan y, mấy năm liền gia đình chạy tìm đủ thầy đủ thuốc cho anh.

Nhưng sao chống được mệnh trời: Lê Khánh Trường không qua khỏi, anh giã biệt cuộc đời, ra đi bên vợ con và các cháu nội vây quanh với bao tiếc thương đau đớn.

Lê Khánh Trường mất đi để lại một gia tài tinh thần đồ sộ cho văn học Nga tại Việt Nam. Tôi thầm ước,giá như có thể “giữ lại”, “lấy lại” được một phần kiến thức tích lũy trong anh, cho những người ở lại  và thế hệ mai sau?

Thì câu trả lời: Vẫn còn đó  hàng chục tác phẩm từ tiếng Nga, tiếng Trung quốc (ở đây tôi chưa đề cập trong bài này, anh tự học tiếng Trung vào năm 1995, khi đã 53 tuổi, mà đã kịp dịch hàng vài chục tác phẩm lớn, đồng thời soạn cả từ điển để lại cho hậu thế).

Thật là một cái đầu với bộ óc siêu phàm!

Lê Khánh Trường  (đúng đầu từ phải sang) và một số nhà văn chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại ĐH nhà văn VN lần thứ 7

2/Kỷ niệm về những ngày trên giảng đường đại học.

Tháng 8/1963 chúng tôi có tên trong danh sách đỗ đại học sư phạm, được coi là những kẻ may mắn: đỗ đại học trong khi phần lớn thanh niên thi bị đánh trượt. Lúc đó vừa phát động phong trào thanh niên đi kinh tế miền núi.

Nhiều người học không kém nhưng thi lại bị trượt để hưởng ứng (bắt buộc) phong trào này.

Lớp Nga 1C của chúng tôi có 20 người, học ngoại ngữ nên sỹ số chỉ ít như thế. Ngày đầu gặp gỡ  làm quen cả lớp tập trung vào phòng KTX của Nam Sinh ở khu nhà xây hai tầng, lúc đó là “to” và “sang” nhất trường ĐHSP Hà Nội.

Lớp chỉ có 6-7 nữ, còn lại là nam sinh viên. Nhiều anh-chị lớn tuổi hơn vì là cán bộ đi học, hay  đã đi làm vài năm, thảng hoặc thi trượt mấy năm vì lí lịch hay nguyên nhân khác ngoài kiến thức.

Trong cuộc họp ra mắt tôi còn nhớ nguyên, anh Trường ngồi ở tầng dưới giường hai  tầng, vừa nghe lớp trưởng( là anh Chỉnh, bộ đội cử đi học) phổ biến nội quy nhà trường, tay vừa thoăn thoắt gấp giấy.

Tôi là học sinh ở trường phổ thông lên chưa đi khỏi nhà ra sống tập thể  bao giờ vốn còn lơ ngơ. Tò mò tôi mới tới chỗ anh ngồi rón rén hỏi: ”Anh gấp giấy này làm gì đó ạ?”.

Anh Trường, dáng gầy gương mặt xương xương góc cạnh nét khắc khổ từng trải, cặp mắt sáng , nước da tai tái của người “chuyên” đèn sách.

Nghe tôi hỏi, anh bảo. ”Tôi làm phong bì cho bưu điện. Bạn có rảnh và thích làm, tôi chỉ cho mà làm?”. ”-Thế làm làm gì ạ?”

- Làm để có tiền, có tiền để tiêu… . Anh nói giọng đùa đùa.

Mãi  sau giải phóng miền Nam vào Sài-gòn sống và làm việc gặp lại anh tôi mới biết là ông cụ sinh ra anh di cư vào Nam nên anh thi hoài mà cứ trượt. Nên dù là học sinh xuất sắc nhiều năm liền, anh không được vào đại học phải đi làm mấy năm mới đỗ. Tôi kém anh mấy tuổi mà học cùng lớp vì lẽ đó!

Từ buổi họp đầu tiên “gấp-dán phong bì ấy” tôi tìm mọi cơ hội khi học nhóm, lúc thảo luận chính trị… làm đỡ anh. Sau anh còn khen tôi: ”Bích Ngọc giờ làm thạo hơn cả anh rồi”. Đến khi lĩnh tiền gia công, anh đưa cho tôi phần tiền, bảo công của Ngọc đây, cầm lấy mà tiêu…

Tôi lắc đầu quầy quậy, em làm giúp anh mà, sao anh đưa thế, em không dám nhận đâu.

Lê Khánh Trường ngay từ năm Nhất đã nổi tiếng học giỏi: anh học ngay trên từ điển, được gọi là “từ điển sống” của khóa.

Tôi hỏi và anh chỉ ngay cho cách “khai thác” kiến thức từ Từ điển, các nhận biết những ký hiệu (khá nhiều và rắc rối) để học.

Ngày ấy làm gì có nhiều sách tham khảo như bây giờ.

Và chúng tôi trưởng thành dần dưới sự dẫn dắt của Thầy Cô, trong việc học hỏi nhau ngay  bạn cùng khóa.

Hôm nay, nhớ về người Anh, người bạn học, tôi không khỏi bùi ngùi. Anh ra đi sớm hơn điều có thể: Anh cũng có lỗi lớn với người ham đọc sách, yêu trang sách: là không lường trước sức khỏe của mình mà gìn giữ cẩn trọng hơn.

Ngày xưa vào đúng kỳ hè 1967 sau thi tốt nghiệp trên đường từ Hà Nội về Thanh Miện, Hải Dương nơi khoa Nga sơ tán, anh không may gặp trận bom máy bay Mỹ bắn phá cầu Lai vu.

Lê Khánh Trường thoát chết trong gang tấc, nhưng anh bị đất đá vùi, dập một bên phổi.

Tạng anh gầy yếu lại làm việc quá say mê, quá sức nên anh bị tái đau phổi trước khi mất.

Trong sự nghiệp “tay trái” là dịch thuật của mình, anh là “kỷ lục gia” về dịch nhiều, dịch nhanh, dịch xuất sắc những tác phẩm văn học Nga.

Trong sự nghiệp “tay phải” là đào tạo sinh viên Nga Ngữ, anh là người Thầy không chỉ truyền kiến thức về tiếng Nga cho nhiều thế hệ học trò từ ngoài Bắc đến trong Nam mà còn truyền lửa tình yêu ngôn ngữ tuyệt vời này cho thế hệ nối tiếp nhau.

Biết bao người học anh nhận từ anh lòng yêu tiếng Nga, yêu nền văn hóa- văn học đồ sộ của nước Nga vĩ đại. Đất nước mà nhiều người Việt Nam được học hành đào tạo luôn yêu quý, thấy thân quen gắn bó với bao kỷ niệm bền chặt trong tâm.

Anh an nghỉ nhé, anh Lê Khánh Trường thân quý!

Học trò của Anh, bạn bè Anh, người yêu văn học Nga của Việt Nam luôn mãi nhớ Anh.

---------------------

Tiến sỹ Bùi Bích Ngọc-Nhà Báo-Nhà giáo.

 

Nguyên Biên Tập Viên-Phóng viên-Xướng ngôn viên

Đài Phát Thanh tiếng nói Việt Nam & Đài Truyền Hình Việt Nam.

Giảng viên Đại học Ngôn Ngữ văn học Nga.

Các Bài viết khác