NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÀ XUẤT BẢN MAI LĨNH TRONG TÌNH HÌNH XUẤT BẢN NỬA ĐẦU THẾ KỶ XX

( 12-11-2017 - 07:29 AM ) - Lượt xem: 1223

Nhà in – Nhà xuất bản Mai Lĩnh ra đời lúc nền văn chương dân tộc đang thời hưng thịnh. Đây là giai đoạn thơ mới chịu ảnh hưởng từ phương pháp sáng tạo phương Tây – chủ yếu là thơ Pháp, đã chiến thắng “thơ cũ” với niêm luật gò bó, cấu trúc công thức, đơn điệu. Lối văn biền ngẫu từ thời Nam Phong mà cách đó không lâu còn ăn khách cũng đang dần dần thay đổi cả về hình thức lẫn diễn đạt, lẫn chiều sau tâm lý nhân vật.

Nho học bắt đầu suy tàn từ khi chính quyền “bảo hộ” bãi bỏ các kỳ thi Hương, thi Hội (1919). Giờ đây, các nhà cựu học hoặc cố sức chạy theo con đường canh tân của thời thế đổi thay, hoặc chỉ còn than thân trách phận: Con nhà Nho cũ thi rồi còn đâu.  Hệ thống các trường sơ học (ở làng, xã), tiểu học (ở các huyện, lỵ, tỉnh lỵ), trung học và trung học chuyên khoa (ở thị xã, thành phố lớn), được thiết lập trong cả nước, là nền móng của xu thế tân học đang phát triển – Lớp người được đào tạo từ nền giáo dục mới – chủ yếu từ bậc tiểu học trở lên – là tầng lớp bạn đọc đông đảo, tạo cơ sở thuận lợi cho việc truyền bá kiến thức, tư tưởng của các cơ quan ngôn luận, xuất bản, tùng thư, thư quán không ngừng được mở rộng khắp ba kỳ từ những năm ba mươi – bồn mươi của thế kỷ XX.

Thời ấy, tuy trung tâm chính trị của bộ máy Nam triều được đặt ở Huế, nhưng Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa của cả nước. Số lượng sách báo phát hành ở Hà Nội hàng năm, nhiều gấp mấy lần số lượng sách báo được phát hành từ Huế, Sài Gòn… cộng lại. (Khác với Bắc Kỳ, Trung Kỳ là đất bảo hộ, đất thuộc địa Nam Kỳ thiên về xuất bản báo hơn là sách: cả báo tiếng Việt và tiếng Pháp).

Cũng cần nói thêm rằng, Nhà in – Nhà xuất bản Mai Lĩnh ra đời vừa lúc Mặt trận Dân chủ (1936 – 1939) hình thành, đẩy tới một cao trào báo chí sôi nổi với nhiều xu hướng, chính kiến thức khác nhau trong một tình thế luôn có những biến đổi về thời cuộc, Do đó, dư luận xã hội thường căn cứ vào thái độ đối với dân tộc và văn hóa dân tộc mà đánh giá sản phẩm tinh thần của nhà xuất bản và cơ quan ngôn luận. Sách của Nhà Mai Lĩnh được bạn đọc gần xa – ngoài Bắc trong Nam – biết đến, một phần rất quan trọng là do xu thế hướng về văn hóa dân tộc.

   Thiết tưởng, cũng cần điểm qua một số nhà xuất bản hoạt động cùng thời với nhà Mai Lĩnh ở Hà Nội để thấy rõ hơn vai trò và vị trí của Mai Lĩnh trong thời gian hoạt động vừa tròn mười năm (1936-1946). Trở về với việc in ấn, xuất bản giai đoạn này, cũng phải thấy một thực tế: trong hoàn cảnh khách quan và điều kiện chủ quan khi ấy chưa có thể có được một tổ chức quy mô, khoa học như hiện nay. Nhưng, điều cần khẳng định: Đó là những bước đi ban đầu vô cùng quan trọng, mở đường cho việc hoàn thiện các tổ chức xuất bản, báo chí, in ấn sau này.

Nhà xuất bản Đời Nay  của nhóm Tự lực văn đoàn là một trung tâm văn hóa, được giới công chúng, đặc biệt lớp học sinh trung học và tầng lớp viên chức, trí thức thời ấy rất quan tâm – cũng tương tự như Tao Đàn thi xã ở Việt Nam trước đây, hoặc như Pléiada ở Pháp, nhóm này tập hợp những cây bút cùng chí hướng, cùng mục đích dấn thân, cùng khuynh hướng văn chương thành một tổ chức, có “tuyên ngôn” và cơ quan xuất bản riêng. Tham gia Tự lực văn đoàn có nhiều nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của văn học tiền chiến Việt Nam: Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Hoàng Đạo, Thế Lữ, Tú Mỡ… sau có thêm Xuân Diệu, Huy Cận, Thanh Tịnh và các họa sĩ: Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân… Nhiều tập thơ nổi tiếng trong phong trào “thơ mới” được Đời Nay xuất bản: Mấy vần thơ (Thế Lữ), Thơ thơ (Xuân Diệu), Lửa thiêng (Huy Cận), Thơ say (Vũ Hoàng Chương), Dòng nước ngược (Tú  Mỡ)… Hàng chục tiểu thuyết hấp dẫn với bút pháp tân kỳ, chủ yếu của các nhà văn trong nhóm, được Đời Nay xuất bản liên tục trong mười năm kể từ sau tiều thuyết Hồn bướm mơ tiên  của Khái Hưng. Tự lực văn đoàn cũng đã trao nhiều giải thưởng văn chương (chính thức và khuyến khích) cho các nhà văn, nhà thơ: Nguyên Hồng (Bỉ vỏ), Nguyễn Bính (Tâm hồn tôi), Mạnh Phú Tứ (Làm lẽ), Anh Thơ (Bức tranh quê), Tế Hanh (Nghẹn ngào)

Ngoài tủ sách Tự lực văn đoàn, Nhà xuất bản Đời Nay  còn có cả báo Phong hóa, Ngày nay, báo Chủ nhật và xuất bản Sách Hồng đều đặn, phục vụ học sinh tiểu học, sơ học. Khuynh hướng xã hội của Tự lực văn đoàn  chi phối nội dung hoạt động của Nhà xuất bản Đời nay: Chống lễ giáo phong kiến, giải phóng phụ nữ, giải phóng con người khỏi những ràng buộc của gia đình phong kiến cũ, đấu tranh cho tự do hôn nhân, ủng hộ cải cách xã hội… Trong bài tựa Gió đầu mùa, Thạch Lam – một thành viên của nhóm viết “… Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly, sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực của chúng ta để vừa tố cáo, vừa thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác…”

Qua Nhà xuất bản Đời Nay, nhómTự lực văn đoàn đã mang đến cho công chúng và văn chương Việt Nam những cách tân đáng quý cả về nội dung và nghệ thuật. Nhà xuất bản Đời Nay có một vị trí nhất định trong giới xuất bản lớn mà nhờ đã ấn hành được nhiều tác phẩm được công chúng đương thời hâm mộ.

Có lẽ nhà xuất bản đầu tiên tự xác định tư cách của một nhà xuất bản và cũng có quy mô bề thế hơn cả, ra đời vào khoảng thập kỷ ba mươi là Nhà xuất bản Tân Dân của Vũ Đình Long. Ông giám đốc này có vốn lớn, có hiểu biết về kinh doanh, biết cách sắp đặt làm cho Nhà xuất bản có nề nếp. Ông lại có tài giao tiếp khôn khéo, tập hợp được nhiều cây bút để nguồn xuất bản của mình không bao giờ cạn. Tân Dân có nhà in riêng, có cả báo và tạp chí xuất bản rất đều đặn. Báo của nhà Tân Dân thiên về văn nghệ, là món ăn tinh thần, hợp với nhu cầu bạn đọc lúc bấy giờ. Vũ Đình Long cho phát hành Tiều thuyết thứ bảy ra hằng tuần, khuôn khổ tạp chí cỡ vừa, rồi tờ Ích Hữu báo văn nghệ có kết hợp cả chính trị thời sự, sau đó, ông còn cho in cả Tao Đàn, một dạng tập san cũng khá dày dặn. Về sách, nhà Tân Dân cho ra loại Phổ thông bán nguyệt san, danh nghĩa là nguyệt san, nhưng thật ra mỗi số là một cuốn tiểu thuyết cỡ vừa. Đồng thời ông lại cho ra mắt bạn đọc những tủ sách riêng. Ví dụ như tủ sách: “Những tác phẩm hay”, cũng toàn là tiểu thuyết tình, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết lịch sử. Rất nhiều người cộng tác vời Nhà xuất bản Tân Dân, có người rất gần như chuyên trách như Lê Văn Trương, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Trúc Khê (về sách), Thanh Châu, Ngọc Giao, J.Leiba v.v…(về báo) nhà Tân Dân còn thu hút được các bạn viết xa gần, chỉ có nhóm Tự lực văn đoàn là không cùng hợp tác.

Sau khi phát xít Nhật đã tràn vào biên giới Việt Nam và thực dân Pháp từng bước nhượng bộ đầu hàng phát xít Nhật, nhóm Hàn Thuyên tập hợp chung quanh họ một số nhà khảo cứu có quan tâm đến lịch sử và thời cuộc nước nhà. Họ lập ra Hàn Thuyên xuất bản cục và ra tạp chí Văn mới với tuyên ngôn: “Đi tìm một chân lý về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống của người dân Việt Nam”. Chương trình hành động của nhóm khá quy mô: biên soạn nhiều sách phổ biến kiến thức về triết học, kinh tế học, sử học. Họ tự xưng là áp dụng biện pháp duy vật và duy vật sử quan để lý giải những vấn đề lịch sử và văn hóa, văn học.

Những cây bút chủ chốt của nhóm là Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu), Lương Đức Thiệp, Nguyễn Tế Mỹ, Lê Văn Siêu… Những cây bút khác cộng tác với nhóm vì khát khao được học hỏi, nghiên cứu, nhưng hầu hết họ lại có nhận thức mơ hồ về nhiều vấn đề. Chẳng hạn trong công trình biên khảo Hai Bà Trưng khởi nghĩa (1944) Nguyễn Tế Mỹ cho rằng: Xã hội Việt Nam thời Hai Bà Trưng thuộc chế độ Mẫu hệ, còn xã hội Trung Quốc thời Hán đã ở một trình độ phát triển cao hơn. Vì vậy, cuộc khởi nghĩa đó đi ngược lại quy luật, phải tiến hóa, và tất nhiên không tránh khỏi thất bại (!).

Hoặc Nguyễn Bách Khoa trong công trình Nguyễn Du Truyện Kiều đã phân tích bệnh lý, ông cho rằng Kiều là “cô gái đến thời kỳ xuân tình phát động”, nhưng do lề thói phong kiến nên “tính dâm đãng không thể thực hiện được”, từ đó, ông đi đến kết luận: Truyện Kiều là loại dâm thư và Nguyễn Du là kẻ gây bệnh (!).

Do lỗi tư duy dung tục, thô thiển nên nhiều tác phẩm của nhóm Hàn Thuyên trở nên phản khoa học, lấy quan điểm duy vật tầm thường thay cho duy vật biện chứng. Tuy vậy, do tính chất học thuật (có phần nữa vời) của nó, ấn phẩm, của nhà xuất bản này cũng tạo được sự chú ý với bạn đọc là học sinh trung học thời bấy giờ.

Trước đây, nhiều người cho rằng Nhà xuất bản Hàn Thuyên có khuynh hướng Tơ-rốt-kít nhưng thực ra không ai trong số họ am hiểu nhiều về hệ tư tưởng này. Nhưng rõ ràng – qua sách báo phương Tây – họ cũng muốn nêu lên một khuynh hướng riêng, song còn mơ hồ nên cuối cùng cũng chưa có một quan điểm học thuật chính thống.

Đời Nay, Tân Dân và Hàn Thuyên là những nhà xuất bản vào loại tiêu biểu trong số hàng chục cơ sở xuất bản khác ở Hà Nội hoạt động cùng thời với Mai Lĩnh. Các nhà xuất bản này theo khuynh hướng xã hội khác nhau, hoạt động trên quy mô nhỏ và ảnh hưởng cũng hạn hẹp hơn. Nhà xuất bản  Tân Việt, có khuynh hướng giới thiệu một số nền văn minh thế giới và lịch sử tư tưởng dân tộc, nhưng với số đầu sách ấn hành còn ít ỏi về triết học phương Tây và cổ sử Trung Hoa, Nho giáo… chưa đủ tạo thành một nhà xuất bản có tầm cở theo hoàn cảnh khi ấy. Ngược lại, có nhà xuất bản, tuy số đầu sách phát hành nhiều nhưng không gây ấn  tượng trong lòng bạn đọc, vì họ tung ra thị trường những sản phẩm văn chương vô bổ. Đó là trường hợp Nhà xuất bản Đời Mới với hàng loạt tiểu thuyết của Lê Văn Trương rất bình dân cả nội dung và nghệ thuật biểu hiện.

Những nhà xuất bản còn lại, phần lớn không có khuynh hướng rõ ràng, lại càng không có chức năng riêng của mỗi cơ sở xuất bản. Tủ sách của trường phái Bạch Nga in ở các cơ sở xuất bản khác nhau: Đông Tây, Minh Phương, Nam Ký, Bảo Ngọc… Ngoài ra, các cơ sở xuất bản như Lê Cường, Á Châu, Cộng Lực … cũng xuất bản những tác phẩm văn học có giá trị của nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu, nhưng đáng tiếc không tồn tại được lâu dài. Cũng có những tác phẩm do nhà sáng tác biên soạn hoặc Thư quán (Librairie) đứng ra xuất bản, như trường hợp Nguyễn Đức Phiên (Hoài Chân) xuất bản cuốn Thi nhân Việt  Nam của Hoài Thanh và Hoài Chân. Thi quán tùng thư xuất bản cuốn Việt Nam văn hóa sử của Đào Duy Anh…

Nhìn chung, những thập kỷ đầu thế kỷ XX, ngoài một số ít nhà xuất bản có quy mô, có tổ chức tương đối quy củ, phần lớn các nhà xuất bản khác có tên “xuất bản” nhưng thực chất đó chỉ là những cơ sở vừa xuất bản, vừa phát hành, có khi cả in ấn: thường là gặp bản thảo nào có thể có bạn đọc, cơ sở đó liền xin giấy phép và chịu trách nhiệm xuất bản trước cơ quan kiểm duyệt. Thậm chí, có nhà xuất bản chỉ có các tên không chứ không hình thành một tổ chức, không có ban phụ trách và điều hành (như Nhà xuất bản Sinh Minh ở Vinh, Nhà xuất bản Ngàn Thống Hà Nội..).

Trong hoàn cảnh chung như vậy, Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã ra đời, góp phần công sức với giới học thuật, giới sáng tác và nâng cao dân trí nước nhà. Khi mới lập nghiệp Mai Lĩnh cũng chỉ là một nhà in, sau đó dần dần tự hình thành nên từ cách xuất bản riêng, tuy không đề ra phương hướng học nghệ thuật như những nhà xuất bản cùng thời. Song Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã chiếm được cảm tình của bạn đọc.

Lúc đầu, có lẻ cần “in đại đi” để có sách bán, Nhà in Mai Lĩnh cho in hàng loạt những sách gọi là kiếm hiệp. Loại sách này thường rất mỏng, bán mỗi quyển có ba xu, ra hàng tuần, liên tiếp số này số khác. Có nhà văn chuyên trách loại sách này, tiêu biểu là Văn Tuyền (một bút danh của Phạm Cao Củng) với những: Chu long kiếm, Lục kiếm đồng, Hồng giang nữ hiệp, Khánh sơn tiêu hiệp, Phi hành đao, Dã quang tình hợp v.v… Toàn là những câu chuyện bịa đặt nào là phi kiếm quang, võ Thiếu Lâm, hoặc những truyện tranh chấp nhau giữa các phái Côn Lôn, Nga My.v.v… Truyện kiếm hiệp ba xu tuy còn bị dư luận chê trách, nhưng phải nói thật là lúc đó đã khá hấp dẫn với thiếu niên, nam nữ. Và kể ra tuy là những cốt truyện hoang đường bịa đặt, lối xây dựng tản mạn, nhưng một số quyển cũng gây được hào hứng cho lớp trẻ. Những hành vi nghĩa hiệp được đề cao, các tình tiết cũng khêu được trí tò mò. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, loại sách này tự nó không còn chỗ đứng nữa.

Cùng lúc này, có một loại sách nữa không được quần chúng ham thích: loại truyện trinh thám.  Từ một vài quyển lẻ tẻ

chìm ngày vào quên lãng, Nxb Đời Nay cho in một số cuốn của Thế Lữ (như quyển Gói thuốc lá) được bạn đọc chú ý; song thực ra phải công nhận là Nxb Mai Lĩnh đã có công trong việc giới thiệu thể loại này. Tác giả Phạm Cao Củng được Nhà xuất bản in cho một loại tiểu thuyết lấy Kỳ Phát làm nhân vật trung tâm. Tuy nghệ thuật viết trinh thám chưa cao lắm, song Phạm Cao Củng đã gây được ít nhiều cảm tình với bạn đọc. Không biết vì sao, sau này lại không thấy ông tiếp tục ra mắt làng văn. Những truyện tình báo, phản gián mới đây đều theo một hướng riêng, không ai nối tiếp con đường của Thế Lữ và Phạm Cao Củng.

Dần dần, Nhà in Mai Lĩnh trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu hơn. Mấy chữ “Mai Lĩnh xuất bản” hay “Edition Mai Lĩnh” được chính thức ghi lên các bìa sách. Lớp thiếu niên học sinh thời trước ham truyện kiếm hiệp thì nay lại được làm quen với những truyện cổ dân gian, nhưng là bằng tiếng Pháp! Loại sách: Livre du Petit (sách cho trẻ) do ông Lê Doãn Vỹ chủ trương, lần lượt kể chuyện đời xưa và xuất bản được rất hiếu kỳ. Bên Nhà Đời Nay có loại Sách Hồng, bên Nhà Tân Dân  có loại sách Truyền Bá, bên Nhà Cộng Lực có loại sách Hoa Mai, đều dành cho trẻ em; thì loại này của nhà Mai Lĩnh được các nhà trường sử dụng. Tôi đã thấy nhiều trường phổ thông (lúc ấy gọi là Cao đẳng Tiểu học) mua cả bộ sách làm phần thường hàng năm cho học sinh các lớp đệ nhất, đệ nhị v.v…

Cũng dần dần, các nhà văn tên tuổi các bộ sách giới thiệu hoạt động cách mạng các chí sĩ thời “ cận đại”.

Đầu tiên có lẽ là Đào Trinh Nhất với những cuốn như: Đông kinh nghĩa thục, (1937), Phan Đình Phùng (1937), Đời cách mạng Phan Bội Châu (1938) v.v… Cái khéo của người soạn giả và người chịu trách nhiệm Giám đốc – là ở chỗ, viết về các chí sĩ Việt Nam chống Pháp mà trình bày được một cách trót lọt, qua được vòng kiểm duyệt của chính quyền thực dân, để truyền bá lòng yêu nước cho quần chúng. Những sách này được đánh giá cao lúc bấy giờ. Tiếp đến, Ngô Tất Tố có thể gọi là cộng tác viên gần gũi nhất với  nhà Mai Lĩnh. Tiểu thuyết Tắt đèn, sách Việc Làng, sách Phê bình nho giáo của Trần Trọng Kim, Mặc tử và cả bộ Việt Nam văn học: Đời Lý, đời Trần v.v… của ông Ngô đều do Mai Lĩnh xuất bản. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng… cũng lần lượt góp đầu sách vào Nxb này, Những cuốn như: Làm đĩ, Ngọn đèn dầu lạc đều ra đời một lúc. Một trong hai người viết bài này thời đó ít tuổi, đôi khi được “chầu rìa” các vị đàn anh, thì không nghe các nhà văn phàn nàn gì lắm về chuyện thù lao của Nxb (trong khi ở một Nxb khác có lúc họ phải trực tiếp với Giám đốc để đòi tăng gia tiền cho các trang viết!).

Sau năm 1944, khi nhà Mai Lĩnh, lần đầu tiên giới thiệu một cái tên mới mẻ: Phan Khoang với bộ sách Trung Quốc sử lược (trước đó Đào Duy Anh có Trung Hoa sử cương xuất bản ở Huế), chắc vì nhiều lý do, không thấy Nhà Mai Lĩnh in thêm sách gì nữa. Nhưng phải công nhận là Mai Lĩnh đã thực sự có một quá trình có ý thức và cũng đã đóng góp phần hữu ích với học thuật nước nhà. /.

 

                                                VŨ NGỌC KHÁNH và MAI HƯƠNG

Các Bài viết khác