NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NHÀ IN VÀ NHÀ XUẤT BẢN MAI LĨNH

( 11-11-2017 - 04:34 PM ) - Lượt xem: 1155

Sau khi chú thứ 3 (Đỗ Văn Kỳ) đi tù Sơn La về (1923) gia đình mới có chủ trương mở của hàng buôn bán song song với việc làm ruộng ở Xuân Mai và Hiền Lương. Cửa hàng mang tên hiệu Mai Lĩnh

Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh là một hoạt động kinh tế xã hội của Đại gia đình Mai Lĩnh.

Người đứng đầu đại gia đình Mai Lĩnh là ông tôi tên là Đỗ Văn Phong (thế hệ 1): quê ở làng Xuân Phương Mai hay Mai thôn hay Xuân Mai, huyện Kim Anh tỉnh Phúc Yên là con thứ ba trong một gia đình, có dạy học chữ nho cho nên người ta thường gọi là “ông Ba Nghệ” Vì chứng kiến thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông tôi hoạt động trong “ Đông kinh nghĩa thục “và phong trào “Đàn thiện” bị Pháp bắt và đày đi Guyane, một thuộc địa của Pháp ở phía Bắc châu Nam Mỹ (vào khoảng năm 1909 hay 1910). Khoảng năm 1923 – 1924 ông tôi làm bè trốn khỏi Guyane qua Canada và Trung Quốc về tới miền Nam bí mật nhắn tin về Phúc Yên cho gia đình. Gia đình cử bố tôi (con thứ hai thay ông Nghệ con giai lớn đã mất) anh Đỗ Văn Thụ (con giai lớn, con bác cả Nghệ) và chú Đỗ Văn Năm vào miền Nam để gặp ông và bố. Sau đó bố tôi trở ra miền Bắc, chỉ để lại thứ chú năm và anh Đỗ Văn Thụ ở lại làm ăn để phục vụ ông và bố. Ông tiếp tục hoạt động cho đến khi mất vào năm 1930. Sau khi ông tôi mất, chú thứ năm và anh Đỗ Văn Thụ đều trở về miền Bắc và mở nhà bán sách báo, bút máy, thuốc đông y: Nhà Mai Lĩnh Hải Phòng, vào năm 1932.

Bà nội tôi Lê Thị Nhu quê ở làng Phù Xá Đoài, huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên cách quê ông nội tôi 14km là con gái lớn của một gia đình khá giả trong làng. Nhưng khi tôi được 4-6 tuổi, lần đầu tiên về sống ở không khí đại gia đình Mai Lĩnh tôi không thấy ông tôi đâu, mà chỉ thấy bà tôi. Về sau mới biết ông tôi bị Pháp bắt và đưa đi đày biệt xứ. Tình hình gia đình gặp nhiều khó khăn: bác cả (Đỗ Văn Nghệ) mất sớm, bố tôi là con thứ hai được bà tôi cho về Phù Xá làm con nuôi em trai ruột của bà tôi (ông ấm Xiển) rồi bố tôi lấy vợ ở Phù Xá, đẻ tôi cũng ở Phù Xá, nhưng khi khai sinh thì lại lấy quê gốc của bố tôi là Xuân Phương Mai. Thành ra Phù Xá vừa là quê bà tôi, vừa là quê ông nuôi của bố tôi vừa là quê của mẹ tôi.

Những khó khăn mà Pháp gây ra cho đại gia đình Mai Lĩnh chưa chấm dứt ở đây: cùng với việc bắt và đưa đi đày ông tôi, Pháp còn bắt chú thứ ba tôi là Đỗ Văn Kỳ kêu án tù 10 năm đưa đi Sơn La, sau giảm còn 8 năm và đến 1923 được về.

Trong thời gian ông tôi bị đi đày, chú thứ ba Đỗ Văn Kỳ bị đi tù ở Sơn La về tội tham gia đầu độc lính Pháp ở Hà Nội. Bà tôi, gia đình bác cả chỉ sống bằng trồng trọt chăn nuôi trên diện tích ruộng ở Xuân Mai và ở ấp Hiền Lương gần đó. Một số người có tham gia buôn bán nhỏ lặt vặt nhưng không có tên hiệu gì cả.

Sau khi chú thứ 3 (Đỗ Văn Kỳ) đi tù Sơn La về (1923) gia đình mới có chủ trương mở của hàng buôn bán song song với việc làm ruộng ở Xuân Mai và Hiền Lương. Cửa hàng mang tên hiệu Mai Lĩnh (do cụ đồ Chưng, bạn của gia đình đặt cho). Cửa hàng đặt tại phố chợ, một phố chính thức của thị xã Phúc Yên, buôn bán đủ mọi thứ: sách vở, giấy bút cho học trò, cho thuê truyện, cắt và dán câu đối (thời đó khi mừng đám cưới hay phúng viếng đám ma, người ta thường thuê cắt câu đối bằng vải đem đến mừng hay đến viếng), hiệu Mai Lĩnh còn chữa và cho thuê xe đạp. Thời đó xe đạp rất hiếm và đắt, nhiều người không đủ tiền mua xe, phải thuê giờ. Cũng thời đó, Pháp bắt các làng xã phải đo lại ruộng đất, bố tôi học và biết đo ruộng đất muâ máy cho thuê thợ vẽ và hiệu Mai Lĩnh lại thêm nghề đo ruộng gọi là nghề “đạc điền”. Có một thời gian gia đình Mai Lĩnh ở Phúc Yên còn mở trường dạy học: lấy tên Trường tư thục Mai Lĩnh. Người đứng đầu trường là chú thứ sáu của tôi (Đỗ Xuân Mai). Chú tôi là người được học và đậu cao nhất gia đình chúng tôi hồi đó, nhưng cũng chỉ đậu cao nhất là bậc tiểu học có thêm bằng sư phạm. Sau khi tốt nghiệp, chú tôi được bổ nhiệm đi dạy học ở trường đặt tại làng Trình Phố thuộc huyện Kiến Xương tỉnh Thái Bình, sau đó được chuyển về trường đặt tại làng Cổ Loa thuộc huyện Đông Anh tỉnh Phúc Yên. Chỗ này, cho đến nay tôi vẫn chưa hiểu nỗi trí nhớ của tôi hồi đó: Tại làm sao cho đến nay tôi vẫn nhớ tên trường làng Trình Phố, huyện Kiến Xương, nhưng không nhớ được thời gian ở trường Trình Phố là bao nhiêu lâu? Nhưng chắc chắn ở làng Trình Phố trước rồi mới đến Cổ Loa. Khi ấy tôi mới 5, 6 tuổi, lần đầu tiên rời bố mẹ để cùng với người anh con thứ hai của bác tôi, hơn tôi một tuổi (Đỗ Đình Kế) để đi theo chú thứ sáu theo quy ước trong đại gia đình chúng tôi hồi đó: khi chú thứ sáu (Đỗ Xuân Mai) và chú thứ bảy (Đỗ Như Ngọc) còn nhỏ, bố tôi là người vai vế lớn nhất lại có điều kiện kinh tế hơn người khác có trách nhiệm lo nuôi và ăn học cho các em nhỏ thì đến khi các chú tôi trưởng thành, các chú tôi có trách nhiệm chăm lo cho chúng tôi. Thời gian anh em chúng tôi ở Thái Bình, không có gì đặc biệt, nhưng thời gian chúng tôi theo chú thứ sáu (Đỗ Xuân Mai) ở Cổ Loa có một số việc gợi trí tò mò của chúng tôi:

Mỗi khi chú tôi dạy đến bài thơ Người đi đày biệt xứ tôi thấy chú tôi khóc. Người lớn khóc đã là một chuyện lạ, thầy giáo khóc trước mặt học trò lại còn lạ hơn.

Trong thời gian chúng tôi ở Cổ Loa, tôi thấy chú thứ năm (Đỗ Văn Năm) và anh lớn con bác cả (Đỗ Văn Thụ) đến thăm. Bố tôi không đến. Hai câu chuyện này đến khi tôi về về thị xã Phúc Yên học (1926-1929) mới biết được rằng ông tôi bị bắt và bị đày, rồi ông trốn được khỏi Guyane, nhắn tin về nhà thông qua một người Hoa kiều (Đồng Nhân Trường) ở gần nhà, nên bà tôi và gia đình đã cử bố tôi cùng chú thứ năm và anh lớn con bác tôi vào gặp và phân công người ở lại chăm sóc như đã nói ở trên.

Một việc nữa tôi được chứng kiến là chú tôi to tiếng với một ông quan ở tỉnh đến thăm trường không đúng nguyên tắc. Về đến thị xã Phúc Yên tôi mới biết ông quan ấy là Tổng đốc Vi Văn Định, rồi cũng vì chuyện này mà chú tôi không dạy học nữa mà về mở trường tư thục Mai Lĩnh. Nhưng mở trường tư thục cũng không được yên với chúng. Chúng lục soát rất tỉ mỉ. Chúng lôi ra một bài thơ mới nói về con gà mẹ bảo vệ đàn gà con khỏi loài quạ là ám chỉ người Pháp, kết hợp gia đình có người bị tù đày nên bắt đóng cửa trường. Thấy không sống được ở thị xã Phúc Yên, lại được người bạn của bố tôi ở Hải Phòng giới thiệu, chú thứ sáu tôi xuống Hải Phòng làm tư chức cho một hãng bảo hiểm do người Pháp đứng đầu (hãng Sauvage Hải Phòng).

Sau mấy năm đời sống ổn định, chú tôi nhắn anh con bác tôi, tôi và em tôi (Đỗ Hữu Bảo kém tôi một tuổi) xuống Hải Phòng từ năm học 1929 – 1930 để chú tôi nuôi cho ăn học. Mặc dầu đã về sinh sống ở Hải Phòng, chú tôi vẫn cảnh giác với Vi Văn Định, nhất là vào những năm 1929 – 1930, giấu kin địa chỉ tông tích của mình.

Như vậy từ năm 1924 đến 1932 chỉ có một hiệu Mai Lĩnh ở thị xã Phúc Yên do bà tôi, chú thứ ba (Đỗ Văn Kỳ), chú thứ tư (Đỗ Như Phượng) cũng một số cháu chắt trông nom. Chú thứ tư ngoài của hiệu còn phải chạy về khi làng He (Xuân Mai) khi về làng Na để trông nom số ruộng ở He và làng Na. Bố tôi ngoài hiệu Mai Lĩnh ở thị xã còn ấp Mai Lĩnh ở Lập Chí cách thị xã Phúc Yên 7 km, khi thì lại về Phù Xá, quê bố nuôi và nơi mẹ tôi ở làm ruộng.

Hiệu Mai Lĩnh lần đầu tiên đã ra mắt nhân dân tỉnh Phúc Yên vào năm 1925 dưới hình thức một hiệu tạp hóa mang tên Mai Lĩnh ở phố chợ thị xã Phúc Yên, bán đủ các thứ từ sách vở, giấy bút, mực cho học sinh, cho thuê truyện, đến ngày tết có bán cả măng, miến, mứt kẹo. Tại cửa hàng có cả một phản và bàn dán câu đối mừng hay phúng viếng, chữa vá xe đạp hay cho thuê xe đạp. Nhà Mai Lĩnh ấy còn nhận cả đo ruộng đất (đạc điền) cho các làng xã. Cách xa hiệu Mai Lĩnh bán tạp hóa ấy (cứ tạm dùng chữ  tạp hóa để chỉ tất cả những sản phẩm vừa kể trên) chừng 200m, còn có một trường tư thục cũng mang tên trường học Mai Lĩnh nhận dạy học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 (sơ học yếu lược), đứng tên hiệu trưởng là chú sáu (Đỗ Xuân Mai). Khi ấy có bằng cấp cao nhất trong đại gia đình, nhưng cũng chỉ là bằng “tốt nghiệp tiểu học” Certificat d’etudes, primaires) kèm bằng tốt nghiệp trợ giáo (ecole normale).

Tên Mai Lĩnh do ông tôi là Đỗ Văn Phong (thế hệ 1 trong đại gia đình Mai Lĩnh) đặt khi ông tôi bị bắt giam cũng với ông Đồ Chưng (con thứ ba ông tôi là Đỗ Văn Kỹ lấy cháu gái ông Đồ Chưng, vậy hai ông là thông gia với nhau, cùng hoạt động trong phong trào Đông kinh nghĩa thục và cùng bị bắt). Biết mình sẽ bị đi đày biệt xứ, ông tôi bàn và nhờ ông Đồ Chưng, ở nhà trông nom và giúp đỡ các con cháu trong mọi hoạt động đều thống nhất mang một tên chung là Mai Lĩnh vừa nhắc nhở đùm bọc lấy nhau, vừa nhớ đến xã quê hương Xuân Mai hay Mai thôn, xã trông ra ngọn núi Lĩnh, ngọn núi thấp thuộc làng Thanh Tước, đọc ngược lại thành Linh mãi, nghĩa là bền vững lâu dài. Bàn và thống nhất với nhau chưa được bao lâu thì ông tôi bị đày sang Guyane, một thuộc địa của Pháp ở châu Nam Mỹ. Còn cụ Đồ Chưng ở nhà phải chờ đến năm 1923 là năm chú thứ ba (Đỗ Văn Kỹ) cũng vì tham gia vào một tổ chức chống Pháp, bị bắt, đi tù ở Sơn La về, mới truyền đạt ý kiến của cụ Đỗ Văn Phong (ông tôi) cho gia đình, cháu rể, hiệu Mai Lĩnh mới được thành lập đầu tiên ở thị xã Phúc Yên như trên đã nói.

Từ năm 1932, sau khi ông tôi mất đi, chú thứ năm và anh Đỗ Văn Thụ từ các tỉnh miền Nam trở về, đại gia đình chúng tôi đã thu hẹp phạm vi hoạt động của hiệu Mai Lĩnh Phúc Yên lại để dồn sức mở hiệu Mai Lĩnh Hải Phòng tại 60, 62 Cầu Đất. Đến năm 1935, gia đình chúng tôi còn nhượng hẳn cửa hàng Mai Lĩnh ở Phúc Yên cho người khác, chỉ còn giữ lại phần ruộng nương ở quê Xuân Mai để bà chúng tôi ở lúc tuổi già với chú tư (Đỗ Văn Phượng) và một số con cháu. Thỉnh thoảng bà tôi xuống Hải Phòng chơi với các con các cháu.

Thế hệ thứ 3 nhà Mai Lĩnh, từ phải qua:Hàng sau ĐỗNhư Lân(con trưởng của ông tư Đỗ Như Phượng)GS Đỗ Tất Lợi ( con trai trưởng của ông Hai),Trần Nguyên Phi (con rể của ông hai Đỗ Văn Kiêm), Đỗ Kính Tùng, Đỗ Như Bách (con trai trưởng, trai thứ của ông năm Đỗ Văn Năm), Nguyễn Hữu Lược(con rể trưởng của ông hai Đỗ Văn Kiêm)...

Hiệu Mai Lĩnh Hải Phòng, khi mới mở năm 1932 cũng hoạt động theo mô hình Mai Lĩnh Phúc Yên trước đây nghĩa là tất cả mọi việc mà người dân có nhu cầu, mà hiệu Mai Lĩnh bán mọi mặt hàng cho học sinh (giấy bút, sách vở…) đại lý cả báo chí in và phát hành tại Hà Nội. Trước kia cả Hải Phòng chỉ có một hiệu sách làm đại lý. Vì là độc quyền cho nên báo thường đến tay bạn đọc chậm. Khi các chú tôi nhận làm đại lý sách báo, tôi đang học lớp 5 lớp 6 trung học. Trước đi học, tôi đưa sách báo đến các nhà các khách hàng để họ có thể đọc báo trước khi đi làm… dần dần mới phá được thế độc quyền của hiệu sách nói trên. Ngoài sách báo mới, các chú tôi còn mua bán sách báo cũ. Khi ở miền Nam, chú thứ năm tôi có học được của người bạn nghề bán kính và một nghề ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề của tôi sau này; đó là nghề các chú tôi làm đại lý cho các nhà thuốc Đông y danh tiếng. Xin lưu ý các bạn rằng thuốc đông y khi ấy không thuộc y tế, mà chỉ là một mặt hàng buôn bán, thương mại. Việc buôn bán sản xuất được tự do, miễn là không xảy ra chết người và không pha trộn thuốc Tây giả làm thuốc Đông y. Nếu xảy ra chết người hay pha trộn thuốc Tây thì cả người sản xuất hay buôn bán đều bị truy tố trước pháp luật. Trong thời gian tôi ở với các chú tôi ở Hải Phòng (1932-1937) tôi thấy thuốc Đông y rất được tín nhiệm. Các chú tôi còn được nhà văn Ngô Tất Tố giới thiệu đơn thuốc chữa giun bằng vỏ rễ xoan, lại giới thiệu cả người làm cụ thể, được người dùng rất tín nhiệm. Chính giai đoạn này đã ảnh hưởng rất nhiều đến lựa chọn nghề của tôi sau này và củng cố lòng tin đối với nền y học cổ truyền dân tộc của nước nhà.

Trong những năm đầu, khi cửa hàng Mai Lĩnh mới mở, chú thứ sáu (Đỗ Xuân Mai) vẫn tiếp tục đi làm ở công ty bảo hiểm tư của Pháp, và chú thứ bảy vẫn làm y tá ở nhà thương Hải Phòng (Đỗ Như Ngọc). Nhưng từ năm 1935, các chú tôi đều xin nghỉ để dồn sức vào xây dựng hiệu Mai Lĩnh.

Có thể nói rằng Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh được bắt đầu từ năm 1936 khi chú Đỗ Xuân Mai cho ra tờ Hải Phòng tuần báo đầu tiên. Chủ bút là nhà văn kiêm nhà báo Phùng Bảo Thạch. Khi báo mới ra, khi nhà in chưa có, chú tôi thuê in báo tại nhà in Viễn Đông, một nhà in lớn của Pháp, nên báo được trình bày và in rất đẹp, thu hút nhiều độc giả, kéo theo nhiều nhà buôn đăng quảng cáo. Cùng với tờ “Hải Phòng tuần báo” là những tiểu thuyết kiếm hiệp in thành nhiều tập, mỗi tập 16 trang, thời đó bán 3 xu một tập, mỗi tuần ra 1 – 2 tập. Nói là sách dịch từ tiểu thuyết mua từ bên “Tàu” nhưng thực tế do nhà văn người Việt viết ra 100 %. Nhà xuất bản  Mai Lĩnh khi đó có một “dịch giả” ký tên Văn Tuyền nhưng thực tế là do nhà văn Phạm Cao Củng “viết” ra những truyện kiếm hiệp như “Chu long kiếm, Lục kiếm đồng” được người đọc cả nước say mê. Ngoài truyện kiếm hiệp ra, Phạm Cao Củng còn viết tiểu thuyết trinh thám, khoa học truyền bí (thôi miên khi ấy còn thuộc vào khoa học huyền bí). Để chủ động trong việc in ấn, ngoài việc thuê in, chú tôi đã mua một máy in nhỏ cho nhà in và xuất bản Mai Lĩnh Hải Phòng.

Hiệu sách Mai Lĩnh Hải Phòng (60-62 phố Cầu Đất) từ sau khi thêm phần hoạt động về nhà in và xuất bản trở thành chật hẹp, nên gia đình bàn giao cửa hàng ở Hải Phòng cho chú thứ năm và chú thứ bảy (Đỗ Như Ngọc), chú thứ sáu (Đỗ Xuân Mai) vẫn lo phần việc nhà in và xuất bản ở Hải Phòng, còn chú thứ ba (Đỗ Văn Kỷ) lo phát triển lên Hà Nội, cùng lên Hà Nội có anh Đỗ Văn Thụ (con trai lớn của bác cả tôi) và anh Nguyễn Hữu Lược (rể lớn của bố tôi). Mai Lĩnh Hà Nội bắt đầu ở 73 Hàng Bông, sau chuyến về 7 Hàng Phèn và 57 Phúc Kiến (nay là phố Lãn Ông).

Từ khi hiệu Mai Lĩnh  Hà Nội chuyển về 57 Phúc Kiến, chú Đỗ Xuân Mai chuyển từ Hải Phòng lên vào đầu năm 1937. Mai Lĩnh Hà Nội trở thành Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh do chú Đỗ Xuân Mai làm Giám đốc. Máy móc cũng được trang bị thêm, do mua được máy in của nhà in Thano ở phố Hàng Trống bị phá sản, bán đấu giá. Năm 1941, nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh được chuyển đến 21 phố Hàng Điếu cho được rộng rãi hơn, và tiếp tục hoạt động cho đến tháng 12 năm 1946. Như vậy nếu kể từ ngày ra số báo “Hải Phòng tuần báo” vào năm 1936 thì Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh đã hoạt động vừa đúng 10 năm. Trong những tháng đầu chiến tranh đạn pháo của Pháp bắn vào nhà in gây cháy và làm hỏng hết máy móc. Toàn bộ công việc Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh coi như bị đình trệ. Theo chú Đỗ Xuân Mai kể lại (trong thư gửi cho chúng tôi viết vào cuối năm 1975) sau năm 1955, sau khi thử làm một nghề khác không thành công, chú tôi định trở lại nghề xuất bản in lại sách của Vũ Trọng Phụng và Ngô Tất Tố v.v… Nhưng trong hoàn cảnh đơn thương độc mã, vốn chẳng có vừa vất vả mà chẳng ăn thua gì. Sách in ra phải bán cả lô cho các chủ thầu trừ 50-60 phần trăm. Có cuốn không bán lô được thì đem gửi các nhà sách, bán đến đâu lấy tiền đến đó, thu lặt vặt không đủ ăn mà còn ăn hết cả vốn.

Trở lại thời kỳ sau khi xây dựng được Nhà in và Nhà xuất bản Mai Lĩnh ở Hà Nội và Hải Phòng, chú thứ ba chúng tôi (Đỗ Văn Kỳ) vào Sài Gòn và thành lập hiệu Mai Lĩnh tại 120 George Guynemer (nay là đường Chợ cũ) vào năm 1938. Cùng vào Sài Gòn có Đỗ Hữu Bảo (em trai của Đỗ Tất Lợi) và Nguyễn Hữu Lược (anh rể của Đỗ Tất Lợi). Lúc đầu cũng chỉ bán sách báo, nhưng sau cũng mở thêm nhà in, đồng thời có tậu thêm 100 ha ruộng của ông Phan Cao Đoán cháu cụ Phan Vân Trường với ý định lập ấp, nhưng đến năm 1944, anh Lược rút về miền Bắc còn Đỗ Hữu Bảo mải mê với vai trò huynh trưởng của hướng đạo sinh theo phong trào cách mạng của mình, nên không có ai giúp đỡ, nhất là khi quân Anh trao lại quyền giải giáp quân đội Nhật cho Pháp, quân Pháp thấy gia đình này theo Cách mạng nên phá phách tan hoang, Đầu năm 1946, chú tôi bán tên hiệu Mai Lĩnh cho một người tên Ù (chỉ là một người chú tôi đánh giá tốt chứ không có họ hàng gì cả). Anh Ù sau này mở một nhà in lớn mang tên Nhà in Mai Lĩnh ở đường Trần Hưng Đạo chính là do sự thỏa thuận này. Sau khi bán tên hiệu, em tôi đi theo hoạt động cho cách mạng, nên chú thứ ba tôi ra Hà Nội vào tháng 6 -1946. Đến tháng 12-1946 thì toàn quốc kháng chiến, chú Ba tôi bị kẹt ở Hà Nội, không vào Nam được nữa mà mất ở Hà Nội năm 1947. Còn em Đỗ Hữu Bảo thì về sau được tin bị giặc Pháp giết ở vùng Rạch Giá trên đường đi một chuyến công tác.

Trở lên trên, cho đến nay, chúng tôi mới kể lại hoạt động của đại gia đình Mai Lĩnh thuộc thế hệ 1 và 2 (bà và bác, các chú tôi), một số rất ít thế hệ thứ 3. Để cho đầy đủ chúng tôi ghi lại ở đây một thế hệ thứ 3 cũng đã mang tên Mai Lĩnh cho hoạt động kinh tế xã hội của mình. Người thứ nhất là anh Hoàng Văn Tiếp (rể của bác cả - lấy con gái lớn) mở lại cửa hàng Mai Lĩnh tại Phúc Yên, sau khi vào giúp ông Ba ở Sài Gòn năm 1938 không thành (vì có nhiều ý không hợp với bà Ba nhỏ của ông Ba). Người thứ hai là anh Nguyễn Hữu Lược (rể ông Hai) mở của hàng Mai Lĩnh ở Phú Thọ năm 1939, nhưng chỉ được mấy tháng, thì theo lời khuyên của ông Mai, anh Lược vào Sài Gòn giúp ông Ba, như trên đã nói. Năm 1945 Đỗ Tất Lợi mở hiệu thuốc tây tại góc đường Bờ Hồ, Hàng Gai Hà Nội cũng theo đúng truyền thống đặt tên hiệu thuốc tây Mai Lĩnh. Như vậy chỉ trừ trường hợp anh Ù (người ngoài đại gia đình Mai Lĩnh được ông Ba cho phép) còn tất cả đều là con cháu trong đại gia đình Mai Lĩnh. Trong tất cả những hiệu Mai Lĩnh ấy chỉ có Mai Lĩnh Hà Nội do chú Đỗ Xuân Mai làm Giám đốc điều hành mọi công việc in và xuất bản. Mai Lĩnh Hải Phòng và Sài Gòn tuy có thời gian có máy in nhưng cuối cũng cũng đưa cả về Hà Nội.

Và chú Đỗ Xuân Mai của chúng tôi được đại gia đình giao toàn quyền trách nhiệm điều hành và quản lý. Là một người cháu thuộc thế hệ thứ 3 (Đỗ Tất Lợi) được sống lâu nhất với chú tôi; từ 5,6 tuổi theo chú tôi đi dạy học ở Thái Bình và Cổ Loa (trước các năm 1926-1929 là thời gian tôi học ở thị xã Phú Yên, khi ấy tôi sống với bà nội, các chú thím đang buôn bán ở thị xã Phúc Yên), rồi từ năm học 1929 đến 1937 thì sống với đại gia đình gồm bà và các chú thím tôi cùng các anh chị và các em, bà tôi khi thì ở Hải Phòng, khi thì về Phúc Yên). Trong thời gian ở Hải Phòng, tôi học hết tiểu học và trung học cấp 2. Trong thời gian học trung học, vì gia đình mới mở hiệu sách báo nên sáng sớm trước khi đi học, tôi giúp gia đình đi đưa báo để đảm bảo cho những người mua báo của gia đình chúng tôi có báo đọc trước khi đi làm. Và đến khi gia đình mở nhà in và nhà xuất bản tôi nhận chữa những bản in thử, nhất là bản in thử tiếng Pháp hay tiếng nước ngoài. Giữa năm 1937 tôi lên Hà Nội thi hết cấp 1 (lấy bằng diplome) và ở Hà Nội học hết cấp 3 (tú tài 1 và 2) rồi Đại học Dược, từ năm 1937 đến 1944. Trong thời gian này cả các tỉnh miền Bắc chỉ có Hà Nội được mở kỳ thi hết cấp 2 cho nên học sinh cấp 2 ở các tỉnh như Hải Phòng, Nam Định… đều phải tập trung về Hà Nội mà thi. Rồi trường trung học cấp 3 chỉ có Hà Nội mới có cho nên những người muốn học hết cấp 3 cũng như đại học đều phải về Hà Nội. Mọi sự tình cờ khiến chú thứ ba (Đỗ Văn Kỳ) sau khi cùng các em xây dựng và củng cố hiệu Mai Lĩnh Hải Phòng từ năm 1932, lại giao toàn bộ cơ sở cho các em để lên Hà Nội vào năm 1935 thuê nhà và xây dựng cơ sở cho em là Đỗ Xuân Mai, ở Hải Phòng mới lên vào cuối năm 1936, để rồi chú thứ ba tôi lại lên đường đi vào Sài Gòn thành lập hiệu Mai Lĩnh Sài Gòn năm 1938 như ở trên đã nói.

Trong việc quản lý và điều hành Nhà in và nhà xuất bản Mai Lĩnh, chú tôi có nhiều sáng tạo và đi theo một con đường riêng ít người dám phiêu lưu. Nhưng chú tôi đã làm là thành công và được độc giả khắp nước hoan nghênh, sách in ra hết rất nhanh như khi in các bộ Lão Tử, Mặc Tử. Trung dung chú giải, hoặc như quyển Nguồn gốc và văn pháp chữ Hán, quyển Sự tích và nghệ thuật hát bội; bộ sách về Việt Nam văn học (văn học triều Lý, văn học triều Trần, văn học triều Lê, văn học triều Nguyễn).. Được sống cùng thời khi chú tôi đang hăng say hoạt động, nay lại có dịp bình tâm đọc lại những lời quảng cáo trước khi chú tôi sắp xếp cho ra đời một bộ sách mới, chú tôi luôn luôn có một sự trao đổi giữa chú tôi và người sẽ là độc giả về ích lợi bộ sách sẽ đem đến cho người đọc cũng như bàn với độc giả xem nên mua từng quyển hay nên trả tiền cả mấy quyển cùng một lúc thì lợi hơn, tạo được một sự đồng cảm giữa nhà xuất bản và độc giả. Phải chăng đó là bí quyết của sự thành công của chú tôi bây giờ?

Một nguyên nhân thành công thứ hai của chú tôi là trong khi nhiều người chạy theo cái mới thì chú tôi chủ trương tìm lại cái hay, cái mới trong nền văn hóa của dân tộc. Điều này thể hiện rõ ngay trên một số sách của Nhà xuất bản Mai Lĩnh có vẽ biểu tượng của Nhà xuất bản với hình một người thợ xây đang xây nền móng, kèm theo mấy dòng: Xây nền quốc học Mai Lĩnh tu thư cục. Đọc danh mục sách của Nhà xuất bản Mai Lĩnh vào cuối năm 1944, chúng ta thấy về Triết học tùng thư đã ra Lão tử (hết), Mặc tử (2,00đ) Trung dung chú giải (hết),  Tâm lý học – 2 cuốn trọn bộ (2,50 đ) Kinh dịch (bộ 5 cuốn đã ra 3 cuốn), Trang tử đang soạn. Liền với Triết học tùng thư là Sử học tùng thư với những quyển Triều Tây Sơn (hết) Bằng quân công (1đ) Nguyễn Trường Tộ (hết) Nước Nhật ngày nay (1,2 đ). Những trang sử vẻ vang do nhà giáo Nguyễn Lân biên soạn gồm 1 cuốn (10,000 đ). Hoàng Lê nhất thống chí (đương in). Sau Sử học tùng thư là Văn học tùng thư với những cuốn Văn học đời Lý (0,80 đ), Văn học đời Trần 1 (2,00 đ) Lược khảo thơ Trung Quốc (1,50 đ) Lược khảo văn chương Trung Quốc (sắp in). Sau Văn học tùng thư là Y học tùng thư với bộ Việt Nam dược học được đóng bộ và đã hết.

Tuy “Giáo dục tùng thư” cũng chỉ là một tùng thư như các tùng thư khác trong Mai Lĩnh tu thư cục, nhưng tôi muốn tách riêng ra, vì sau khi đã giỡi thiệu và làm cho nhiều người chú ý tới cái hay, cái phong phú của nền quốc học của nước nhà, chú tôi vốn là một nhà giáo đặc biệt chú ý tới lớp thanh niên học sinh, khuyến khích tạo điều kiện cho họ học tiếng nước ngoài, dùng tiếng nước ngoài mà tìm hiểu đất nước người ta, phối hợp với cái hay của văn hóa mình: đọc mục “Giáo dục tùng thư” giới thiệu kèm một quyển sách in ngày 7-12-1944, chúng ta thấy một số sách đã xuất bản theo hướng đó như Nguốn gốc và văn pháp chữ Hán của Doãn Kế Thiện (3,50 đ) Lecon de Japonais (Bài học tiếng Nhật 3,00 đ) Học tiếng Ăng lê do chứ Anglais mà hiện nay gọi là tiếng Anh giá 1,00 đ, Việt Nam tốc ký 0,55 đ.

Riêng đối với các em nhỏ, mới học tiếng Pháp chú tôi cho ra “Tủ sách cho các em” (Livre du petit) tương tự như loại sách Hồng (Livre rose) của Pháp, mỗi tháng ra 2 số, mỗi số chỉ 24 trang khổ nhỏ, kể 1 hoặc 2 truyện ngắn, viết bằng tiếng Pháp. Chữ nào khó được chua nghĩa bằng tiếng quốc ngữ ngay ở dưới, để cho ai không có tự điển cũng có thể đọc hiểu được. Bộ sách này do thầy giáo Lê Doãn Vỹ cũng một nhóm cô thầy giáo hợp tác cùng biên soạn. Loại sách này được hoan nghênh một cách không ngờ. Chỉ sau 4 tháng  ra mắt các em, số lần ra mỗi tháng cũng như số lượng mỗi lần ra phải tăng gấp 3-4 lần mới đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc.

Cụ tổ Đỗ Văn Phong, cụ bà Lê Thị Nhu (hàng trên), ông Đỗ Văn Khiêm, Đỗ Văn Kỳ, Đỗ Như Phượng, Đỗ Văn Năm và Đỗ Xuân Mai hàng dưới

Đánh giá sự ham học hỏi của thanh thiếu niên nước ta lúc bấy giờ, chú tôi lại mời những thầy giáo có uy tín hồi ấy như thầy Bùi Quang Huy tập hợp một số thầy có năng lực, có tâm huyết cho ra mắt các bạn đọc thanh thiếu niên học sinh một tạp chí ra hằng tuần, mỗi tuần một số 16 trang khổ nhỏ mang tên “Dành cho các bạn thiếu niên học sinh” (Pour la jeunesse scolaire), tôi nhớ rằng cũng rất chạy.

Có mục tiêu đúng, có phương hướng chính xác chưa đủ. Cho nên tôi nghĩ rằng nguyên nhân sự thành công của chú tôi trong thời gian điều hành Nhà in và xuất bản Mai Lĩnh còn do chú tôi đã tập hợp quy tụ được một số nhà văn, nhà giáo có tài.

Chỉ qua một số ít sách của Nhà in và nhà xuất bản Mai Lĩnh và gia đình chúng tôi mới thu nhập lại được sau hơn 50 năm binh lửa, di chuyển, mất mát, về nhà văn có nhà văn Nguyễn Tuân (Ngọn đèn dầu lạc) Ngô Tất Tố (Tắt đèn, Lều chõng, Kinh dịch, Văn học đời Lý, đời Trần, Lão tử, Mặc tử..) Vũ Trọng Phụng (Giông tố, Dứt tình, Lấy nhau vì tình, Trúng số độc đắc), các nhà giáo có Nguyễn Lân (Những trang sử vẻ vang) Đoàn Nồng (Sự tích và nghệ thuật hát bộ), Phạm Tất Đắc (L’art conjuguer les verbes), Lê Doãn Vỹ (Le livre du petit).

Còn một người, tôi cho là rất tài, vì thực sự đem đến người đọc sự thoải mái, nghỉ ngơi nhưng tôi có cảm tưởng các nhà văn không chấp nhận hoặc quá lắm chấp nhận là một nhà văn viết truyện trinh thám, đó là nhà văn Phạm Cao Củng chuyên viết truyện kiếm hiệp duới bút danh Văn Tuyển. Tôi có cảm tưởng ông góp phần nuôi sống Nhà in và xuất bản Mai Lĩnh cũng nuôi lại ông, vì truyện ông viết bán chạy lắm, người đọc mong chờ đọc truyện của ông. Truyện ông viết hay đến mức có người yên chí là ông dịch từ sách Trung Quốc, viết thư về Nhà xuất bản nhờ mua giúp bản gốc.

GS ĐỖ TẤT LỢI

 

Các Bài viết khác