NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN VĂN BỔNG – CÂY BÚT CUỘC ĐỜI

( 19-07-2016 - 09:01 PM ) - Lượt xem: 1874

Nhân dịp tưởng niệm lớn – ngày mất của nhà văn Nguyễn Văn Bổng, chúng ta nhớ lại những lời điếu của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam: “Nguyễn Văn Bổng là một nhà văn hàng đầu của văn xuôi Việt Nam hiện đại... một nhà văn chiến sĩ vào Nam ra Bắc, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió, sống một cuộc đời đầy biến động và thử thách khắc nghiệt, đi cùng lịch sử đất nước”.

Những lời bi tráng ấy đã khắc họa một chân dung với màu sắc hào hùng, thiêng liêng hiếm có – nhà văn chiến sĩđi cùng lịch sử đất nước.

Nguyễn Văn Bổng quả là cây bút của cuộc đời mới, một trong số những nhà văn hàng đầu của một thời đại văn xuôi mới.

YYY

Trước hết, Nguyễn Văn Bổng là một nhà văn cách mạngmột người sống vì cách mạng và kháng chiến, một thanh thép đã được “tôi trong lửa đỏ và nước lạnh”.

Cách mạng đã đổi đời, đổi phận cho anh thanh niên trí thức có lòng yêu nước nồng nhiệt.

Thân phụ của nhà văn là một nhà nho bất đắc chí. Thông điệp của ông có lẽ chỉ là một sự tan vỡ về mộng ước cá nhân với thế sự. Vào đời, Nguyễn Văn Bổng đã thực hiện ý nguyện làm con người tự do. Dạy học tại một trường tư thục – trường Thuận Hoá, Huế không chấp nhận một ông thầy công chức. Rồi viết báo, cũng là làm một nghề tự do.

Đó là sự lựa chọn đầu đời có phần khác thường trong thời điểm ấy.

Những ý tưởng có thể còn mơ hồ về sự vượt thoát khỏi tù túng, bế tắc trong cuộc đời ấy đã bùng cháy khi gặp một ngọn lửa kỳ diệu – Cách mạng.

Anh thanh niên tiểu trí thức 24 tuổi đã tham gia vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 tại quê hương Đà Nẵng. Đó là hành động đầu tiên, rất có ý nghĩa khi Nhập vào đám đông quần chúng nổi dậy. Đây cũng chính là nhan đề  bút ký đầu tiên đầy ý thức, được viết vào năm 1945.

Từ những năm thử bút trước 1945, nhà báo trẻ đã chọn một nghiệp vụ đầy hứng thú và trách nhiệm mới.

Mùa hè năm 1946, Nguyễn Văn Bổng ra Hà Nội, tham gia viết cho tạp chí Tiên phong – cơ quan của Hội Văn hoá cứu quốc. Đây cũng  là nơi viết của Nam Cao, Nguyên Hồng với những tác phẩm đặc sắc Mò sâm banh, Một buổi chiều xám...

Những ngày cuối năm 1946 nóng bỏng, ta chuẩn bị ráo riết chống trả âm mưu cướp nước, muốn xâm lược nước ta lần nữa của thực dân Pháp,Nguyễn Văn Bổng trở về Đà Nẵng, chuẩn bị tham gia cuộc chiến đấu tổng lực của toàn dân. Sau Toàn quốc kháng chiến, anh  tiếp tục viết báo Chiến thắng – cơ quan ngôn luận chính thống của Quảng Nam – Đà Nẵng, và làm các công tác thông tin, tuyên truyền văn nghệ. Đến năm 1948, ngòi bút đã có định hướng rõ rệt, chuyển hẳn sang địa hạt văn nghệ.

Nguyễn Văn Bổng tham gia công tác phóng viên, bao quát cả hiện thực, đặc biệt là đảm nhiệm chức trách phóng viên mặt trận, bám sát diễn biến quân sự các chiến trường. Từ đây, ông thâm nhập đời sống và chiến đấu với hai tư cách đồng thời – nhà báo, nhà văn.

Thành quả đầu tiên là tập truyện Cái bắt tay của người tù binh (1949) và tiểu thuyết Con trâu (1952). Cùng lúc, ta được đọc phát biểu nhưTuyên ngôn sống và viết.

Nhà văn tự bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn, nhưng phần lớn tuổi thanh niên sống ở Huế. Đọc, thích phần lớn là sách của phương Tây, nhất là tiểu thuyết Pháp. Tôi chưa bao giờ là nông dân. Hồi viết Con trâu, tôi chưa được cầm đến cán cuốc, tay cày. Tôi chưa phân biệt được ruộng lúa tẻ và ruộng lúa nếp... Những hiểu biết và yêu mến nông thôn là do cách mạng và kháng chiến đem lại cho tôi. Cái vốn tôi có thể viết Con trâu là cái vốn tôi có được từ những ngày đầu lăn lộn trong kháng chiến, từ những ngày tôi mang chiếc túi bên người, đi khắp chiến trường trong tỉnh để viết tin và bài cho báo Chiến thắng(Nhận diện lại văn học kháng chiến Liên khu Năm, NXB Đà Nẵng, 2007).

Vậy là đã rõ. Bài học có tính chất vỡ lòng của ngườiviết là phải có vốn sống. Vốn sống tự nhiên của người nông dân, tất nhiên là nông thôn, nông nghiệp.Và rộng hơn, là vốn sống của cuộc chiến đấu ở đồng quê.

Đối với Nguyễn Văn Bổng, đây là bài học rất riêng: biến không thành có, mà lại có đủ, có nhiều, nghĩa là vốn sống đầy ắp, phong phú, để từ đó chắt lọc những chất liệu tinh tuý nhất làm nên văn chương. Đối với Con trâu là một vốn kép: cả sản xuất đấu tranh, hay sản xuất trong đấu tranh cũng vậy.

Đúng như lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Ruộng rẫy là chiến trường/ Cuốc cày là vũ khí/ Nhà nông là chiến sĩ”. Con trâu đã thể hiện xuất sắc người nông dân chiến sĩ. Rộng hơn, nó bao gồm một vấn đề chiến lược của chiến đấu.

Ta nói “Con trâu là đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Ngoài ra, đây còn là đầu cơ nghiệp của sản xuất – một mặt trận chiến đấu cũng rất cam go, quyết liệt. Giặc giết, bắt hàng trăm con trâu  hòng tiêu diệt mặt sản xuất của ta. Mà như thế, cũng có nghĩa là tiêu diệt trực tiếp lực lượng chiến đấu – dân quân, du kích, và cả bộ đội chủ lực, trước hết là bộ đội địa phương. Vì họ sống nhờ sự nuôi dưỡng trực tiếp của nhân dân ở nông thôn. Bộ đội có ăn no mới đánh thắng, thóc gạo nuôi quân có đảm bảo thì kháng chiến mới có cơ hội thành công.

Đó là ý nghĩa chính trị sâu xa, và cũng là triết lý của truyện. Con trâu – nhân vật tượng trưng, như một hình tượng từ cuộc sống vào nghệ thuật. Đánh giặc, giữ làng, bảo vệ sản xuất chính là một hình thái của chiến tranh nhân dân.

Tầm vóc lớn lao của Con trâu là ở đấy.

Tuy nhiên, để có vốn sống là phải sống, phải dấn thân. Bài học cơ bản lại chính là bài học nhân sinh. Ở đây chính là bài học nhân sinh cách mạng. Đúng như lời Tô Hoài nhận xét và đặc biệt đề cao quan niệm sống và viết tích cực của Nguyễn Văn Bổng– qua lời tựa Tuyển tập Nguyễn Văn Bổng: “Ý thức sống và ngòi bút gắn bó kiệt cùng với đời viết”.

Có lẽ Nguyễn Văn Bổng là nhà văn chiến sĩ, khá hiếm hoi,  đã vào Nam ra Bắc nhiều lần trong đời, xông pha nơi đầu sóng ngọn gió và hơn thế nữa, nơi hòn tên mũi đạn. Nhà văn nếm trải đủ mọi ác liệt, hiểm nguy, ốm đau tật bệnh với những cái chết được báo trước và cái chết bất ngờ trong chiến khu bưng biền, trong lòng địch ở nội đô Sài Gòn – mật thám, chỉ điểm nằm vùng dày kín. Những cuộc dứt áo ra đi thật quyết liệt khi phải từ bỏ cảnh sống hoà bình, yên lành để lao vào nơi trận chiến dữ dội, bom đạn ác liệt, băng suối vượt đèo, qua những chốt đường như các “cửa tử”...Rồi lại đoàn tụ bạn bè,gia đình trong hạnh phúc yên ấm để rồi lại hát khúc Tống biệt hành thời nay đầy lưu luyến.

Cái dũng cảm của đời viết nhà văn chính là sự nhập thân tự nhiên vào cảnh hoà bình, cũng như chiến tranh, rồi  lại phải tự phân thân thành hai con người, hai cuộc sống ở hai hoàn cảnh hai miền trong cuộc trường chinh 30 năm.

Quan niệm sống quyết định quan niệm viết cụ thể là hướng viết,cách viết. Như câu thơ ngày nào:“Đi, bạn ơi, đi! Sống đủ đầy/ Sống trào sinh lực, bốc men say” (Đi, Tố Hữu)... Mà sống đời văn là phải thực sự cầu thị: “Trăm nghe không bằng một thấy”như nhà văn tự nhủ.

Thời chống Mỹ, do nhiệm vụ khác nhau,  có những nhà văn chỉ ở miền Bắc, nhưng do tài năng đặc biệt, vẫn có thể viết nhờ sức tưởng tượng phi thường. Nguyễn Khải viết Tháng 3 ở Tây Nguyên nhưng dựa trên tư liệu, chứ không trực tiếp tham gia như Nguyễn Văn Bổng. Lại như viết Hoà Vang (1967) là do nghe kể lại của người trong cuộc. Tập Tiếng nổ Caraven(Hội Nhà văn, 1999) là tổng hợp các tiểu thuyết và truyện ngắn viết về Sài Gòn của Nguyễn Văn Bổng. Đây là sản phẩm trực tiếp từ những ngày hoạt động trong lòng  miền Nam của nhà văn.

Đó là những trang viết như trang đời đầy ắp những sự kiện thực tế của cuộc đời: “Sông tung sóng gió... Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy” như lời động viên Đi đã nêu trên.

Vì đi là sống, mà phải “sống đủ đầy”, nên thường phải đi lâu, cắm sâu vào thực tế.

Đợt vào Nam đầu tiên của nhà văn là 6 năm: 1962 – 1968, trước đó đi thực tế tự nguyện ở Vĩnh Linh cũng là 6 tháng (từ đầu tháng 8/1959). Sống thâm nhập vào đời sống xã hội, đời sống tâm hồn quần chúng, tức khám phá ra những vấn đề cốt lõi và bản chất nhất.

Với nguồn gốc giai cấp tiểu tư sản, nhà văn đã vượt lên những nhược điểm cố hữu – như dao động, hời hợt, hình thức chủ nghĩa... để áp sát và nhập sâu vào thực tế, thì phải coi đó là sự tự vượt mình, với ý chí kiên cường, quả cảm. Vốn không đụng tới “cán cuốc, tay cày”, nhưng Nguyễn Văn Bổng phải trở thành người “cày sâu, cuốc bẫm” trên thực tế, nhất là trên những  vùng miền thực tại thẩm mỹ mới có thể sáng tạo nghệ thuật.

Con mắt hiện thực tầm nhìn thực tiễn bao quát do tự trang bị, cùng với “con mắt thần chủ nghĩa” sẽ tạo nên thành công cơ bản trong sáng tác của Nguyễn Văn Bổng.

Nhà văn đã có lần tâm sự: “Một quyển sách là câu chuyện của cả đời người. Nhưng đời viết văn không chỉ có một quyển sách. Đời viết văn trong thời đại chúng ta còn phải góp mặt mình vào nhiều công việc khác” (theo Kiến Văn, http://www.qdnd.vn).

Nguyễn Văn Bổng đã góp mặt với đời qua “nhiều công việc khác” ngoài văn, để có được “một quyển sách là câu chuyện của cả đời người”. Tuy đây là cách nói giản dị, nhưng là một lý tưởng lớn, gắn văn với đời sống, tức gắn đạo với đời. Khối lượng để lại của ông khá đồ sộ, chính là sức nặng của muôn mặt cuộc đời.

Quan niệm viết của Nguyễn Văn Bổng ngày càng được xác định trên một định hướng chính xác. Đó là một cách viết theo phương pháp hiện thực mới, mà một thời được đề cao gần như là duy nhất – hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Khởi đầu của đời viết là một ký ức còn đằm sâu: “Tôi thuộc thế hệ những người viết văn ở nước ta, mà phần lớn là đi từ chủ nghĩa lãng mạn đến chủ nghĩa hiện thực. Trước, chúng tôi cho trí tưởng tượng là tất cả”. Nhưng, chính “hiện thực vĩ đại” của đời sống cách mạng đã đập vào nhãn quan và tâm trí của nhà văn: “Bước vào thời đại mới với những hiện thực vĩ đại như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ,... chúng tôi bị choáng ngợp một cách chính đáng... vì thực tế vượt quá sức tưởng tượng”.

Ngọn nguồn của mọi sáng tạo nghệ thuật là thực tiễn cuộc đời chính bởi ý nghĩa đó.

Dĩ nhiên, còn do lao động nghệ thuật và tài năng sáng tạo của nhà văn.

Đối với Nguyễn Văn Bổng, nhà văn đã kết hợp được văn chương báo chí và văn chương nghệ thuật một cách hài hoà và tài hoa. Ông có nét tương đồng với Tô Hoài – nhà báo, nhà văn đồng thời động bút và mỗi loại sáng tác có chức năng riêng nhưng bổ trợ cho nhau mà không hề làm hại nhau.

Đã có bình luận, với Nguyễn Văn Bổng thì bài báo là của ăn, tác phẩm văn chương là của để. Những tin, những bài viết cho báo Chiến thắng đã làm nên cái vốn để viết Con trâu. Cũng như những ghi chép nhanh được gia công thành phóng sự, ký sự giàu chất văn học. Có những sự gần gũi rõ rệt giữa các thể loại văn xuôi của nhà văn là vì vậy, mặc dù chúng vẫn mang đặc điểm và giá trị riêng.

Chẳng hạn như cụm sáng tác Áo trắng (tiểu thuyết – 1973), Sài Gòn ta đó (tập ký – 1982), Sài Gòn 67 (tiểu thuyết – 1983), Chuyện bên cầu chữ Y (tập truyện – 1985) và Tiếng nổ Caraven(tiểu thuyết, truyện ngắn – 1999) có chủ đề gần gũi, nhưng được thể hiện bằng những cách viết khác nhau.

Phong cách văn xuôi Nguyễn Văn Bổng gần với  Nguyễn Khải ở đặc điểm hiện thực tỉnh táo và đậm tính thời sự nóng hổi. Nhà văn chú trọng những diễn biến tức thời; là nhà văn của ngày hôm nay, của những cuộc đấu tranh vất vả gian lao và dữ dội trong thời cuộc. Ở phương diện khái quát, Nguyễn Văn Bổng có thể được coi là người viết sử một thời bằng văn chương, đặc biệt là thời chống Mỹ.

Có tính phóng khoáng, tung hoành trong thực tế, nhưng lại nghiêm túc, cẩn mật trong viết lách, điều đó  tạo ra hình ảnh một nhà văn lao động nghệ thuật chân chính cẩn mật và sáng tạo. Nguyễn Văn Bổng từng có thâm niên về công tác biên tập. Nhà văn, vì vậy có thể xem xét kỹ lưỡng, trước nhất là đối với tác phẩm của chính mình.

Ông cũng có lúc nôn nóng, vội vã nhưng kịp thời điều chỉnh nhờ sự góp ý của bè bạn, nhất là các vị trưởng lão như Nguyễn Tuân là tiêu biểu. Đi Vĩnh Linh dài ngày, viết được bài báo “kịp thời”, nhưng rồi cũng phải suy ngẫm lại qua sự động viên và nhắn nhủ của đồng nghiệp. Chế Lan Viên đã khuyên “đừng vội”,hãy đi cho chín”. Cụ Nguyễn có mấy câu nói thật chí lý mà rất phải chăng: “Cố nhiên, chúng ta kịp thời... Nhưng nên hoang mang một cách bình tĩnh vậy” (Trích Thời đã qua).

Bạn văn đã khâm phục cách viết cẩn trọng của Nguyễn Văn Bổng – sửa đi sửa lại một bài, dù đã được đánh máy hoàn chỉnh. Đã có cảm tưởng thật chính xác : “ Đọc văn chương Nguyễn Văn Bổng, dường như ta cảm nhận được sức nặng của từng con chữ” (Sách đã dẫn trên ). Trách nhiệm cao với bạn đọc đòi hỏi cần phải “đánh vật” với chữ nghĩa là thế.

YYY

Từ Con trâu khởi đầu văn nghiệp, Nguyễn Văn Bổng đã tự vượt mình một cách ngoạn mục. Giới văn nghệ mong đợi, bạn đọc chào đón, nhưng  chính là yêu cầu ráo riết của tiến bộ nghệ thuật và nhất là sự thôi thúc khẩn thiết của cuộc sống.

Nguyễn Văn Bổng là hình mẫu của nhà văn công dân cũng là nhà văn chiến sĩ ưu tú. Nhà văn đã viết không ngưng nghỉ trong suốt ngót 60 năm cầm bút và gửi  trọn lẽ sống vào những trang viết. Lý tưởng nhân văn anh hùng đã thấm đượm trang sáng  tác. Nguyễn Văn Bổng với đời văn chiến sĩ xứng đáng được tôn vinh như nhà văn hàng đầu trong đội ngũ mở đường và dẫn đường của văn học cách mạng trong thời đại mới.

Các Bài viết khác