NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH TRẦN VĂN LƯU, NHỮNG KHOẢNG KHẮC LỊCH SỬ

( 21-10-2018 - 10:43 AM ) - Lượt xem: 717

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu sinh ngày 10/1/1917 ở phố Hàng Sắt, Nam Định. Cha là Trần Văn Tĩnh, làm kí ga, một viên chức nhỏ của chính quyền bảo hộ. Ông Lưu được gia đình cho theo học trường tiểu học Pháp - Việt. Chẳng may cha mất sớm, cậu chỉ được học đến hết bậc sơ học.

Bấy giờ Phòng Thương mại ở Hà Nội có mở lớp dạy khoa học, ông theo học và đến năm 20 tuổi thì tốt nghiệp, song Trần Văn Lưu quyết định tự kiếm sống bằng nghề tự do. Ông và người em đồng hao Nguyễn Hồng Nghi cùng mày mò học làm ảnh và quyết tâm theo nghề.

Ban đầu, để thử sức, ông Lưu và ông Nghi mở hiệu ảnh ở thành Nam gọi là "Á Đông ảnh quán". Khi đã có đầy đủ kinh nghiệm và vốn liếng tài chính, hai anh em lên Hà Nội tiếp tục mở hiệu ảnh. Tại số 2 đường Cột cờ (nay là phố Điện Biên Phủ), các ông mở Photo Atelier, hay Hà Nội ảnh quán theo tiếng Việt. Hiệu ảnh được tổ chức bài bản, với Giám đốc kĩ thuật là Vũ Năng An, Giám đốc thương mại là Trần Văn Lưu.

Năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 10/9/1945, 6 hiệu ảnh đang hoạt động tại Thủ đô Hà Nội được chọn và mời vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Bác Hồ để phổ biến cho quần chúng.

Cả hai kiểu ảnh do ông Vũ Năng An của hiệu ảnh Photo Atelier chụp đều được chấp nhận. Tấm ảnh này được in ra, phổ biến tới nhân dân một cách mau lẹ và khẩn trương. Bức ảnh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực sự đáp ứng lòng mong ước được thấy chân dung vị lãnh tụ kính yêu. Nếu như chú thích tên tác giả cho bức ảnh này có lẽ cần phải thêm tên Trần Văn Lưu vào đó bởi ông là người thiết kế nguồn ánh sáng để cho bức ảnh đạt chất lượng mỹ mãn.

Các em Thiếu sinh quân tăng gia sản xuất tròng rau cải thiện bữa ăn trong Kháng chiến chống Pháp (ảnh Trần Văn Lưu)

2.Năm 1946, thực dân Pháp quay trở lại xâm chiếm nước ta. Trần Văn Lưu đã tham gia kháng chiến ngay từ đầu, ông đưa cả gia đình tản cư về vùng rừng núi Đại Từ, Thái Nguyên. Trần Văn Lưu tiếp tục mở hiệu ảnh ở đây để mưu sinh trong thời gian đầu khó khăn của cuộc kháng chiến.

Thời gian đầu, ông chụp cho Nha Bình dân học vụ do Tổng Giám đốc Nguyễn Công Mỹ kí, giới thiệu ông "đi lấy tài liệu nhiếp ảnh về bình dân học vụ cho Nha". Rồi sau ông đi chụp cho hầu hết các cơ quan dân chính kháng chiến đang đóng tại Thái Nguyên.

Tại Hội nghị Văn nghệ bộ đội, Trần Văn Lưu được mời tới chụp ảnh lưu giữ tài liệu. Thời gian bên lề hội nghị, ông đã ghi lại được một hình ảnh vô cùng đặc sắc: "Đạo diễn, diễn viên Thế Lữ cùng các đồng nghiệp đang hoá trang trước buổi diễn vở Đề Thám xuất quân" - có thể nói, đây là một tác phẩm nổi bật đặc trưng cho nghệ thuật của ông. Bức ảnh chớp được khoảnh khắc người nghệ sĩ đang hóa thân vào nhân vật của mình, ánh sáng trong bức ảnh tạo nên sự tương phản mạnh. Hình ảnh của người nghệ sĩ trong bức ảnh có một sức lôi cuốn kì lạ. Năm 2000, Trần Văn Lưu gửi bức ảnh tham gia cuộc thi trên tờ tạp chí chuyên về nhiếp ảnh của Pháp - tờ Réponses Photo - và đã vinh dự được nhận giải Nhì!

Năm 1949, Trần Văn Lưu tham gia Hội Văn nghệ Việt Nam - ngành Nhiếp ảnh và được bầu vào Ban Chấp hành. Ở cương vị mới này, ống kính Trần Văn Lưu càng có điều kiện bám sát các hoạt động của Hội Văn nghệ Việt Nam.

Số lượng ảnh của Trần Văn Lưu chụp trong giai đoạn kháng chiến 9 năm còn lưu lại trên 300 bức. Trong số di sản này có nhiều đề tài khác nhau như về bộ đội, thiếu nhi, sinh hoạt v.v… Gắn bó với văn nghệ sĩ, hiểu văn nghệ sĩ và chuyên tâm chụp văn nghệ sĩ nên những tác phẩm của Trần Văn Lưu thật sống động và chân thật. Có thể nói, đây là những tài sản vô cùng quý giá, khối lượng không hề nhỏ của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu và của cả nền Lịch sử Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

3.Trở về sau cuộc kháng chiến gian khổ, Trần Văn Lưu hầu như quên ngay mọi quyền lợi mà một người tham gia kháng chiến trọn vẹn từ ngày đầu và có nhiều đóng góp có quyền được hưởng. Ông lại tự mở hiệu ảnh và cũng như trong kháng chiến, tiếp tục chụp các sự kiện văn nghệ, như Đại hội Văn công toàn quốc, và cả các sự kiện đặc biệt gây ấn tượng trong đời sống Thủ đô thời gian đầu sau hòa bình lập lại, như lễ duyệt binh lớn trong ngày Quốc khánh 2-9-1955…

Tuy nhiên, việc kiếm sống của cửa hàng ảnh sau 1954 không còn được dễ dàng. Bấy giờ đang có chủ trương dẹp bỏ "tư thương", vận động vào hợp tác xã hoặc chuyển sang hình thức công tư hợp doanh. Do những biến động về kinh tế, chính trị trong giai đoạn này, chỉ trong mấy năm trời ông phải chuyển cửa hàng ảnh vài lần, cuối cùng mới "định cư" ở 11 Hàng Bông.

Tuy hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông vẫn tiếp tục sống theo cách của mình, nhận làm đủ các việc về ảnh để tồn tại và tiếp tục con đường nghệ thuật. Có những lúc ông cùng người bạn thân là họa sĩ Bùi Xuân Phái nghiên cứu chế tạo mực viết để bán nhưng không thành công. Ông xoay ra viết bài bằng tiếng Pháp cho báo chí nước ngoài, gửi tác phẩm dự thi tại các cuộc thi quốc tế… Hàng loạt bài đăng trên tạp chí La Pologne của Ba Lan đã cho ông vinh dự được nhận danh hiệu "Người bạn của Ba Lan" (Amicus Poloniae).

Năm 2005, nhạc sĩ Phạm Duy đã tìm đến 11 Hàng Bông đề nghị gia đình cho xem những tấm ảnh của mình do nghệ sĩ Trần Văn Lưu chụp từ trong kháng chiến. Nhạc sĩ Phạm Duy của sau 50 năm với mái tóc bạc phơ đã ngậm ngùi: "…tôi được gặp gia đình cụ Trần Văn Lưu và được coi 300 bức ảnh cụ chụp vào những năm 1946-1954, ghi lại thời kỳ kháng chiến với nhiều bức hình vô cùng quý giá, nhất là với hầu hết các bộ mặt văn nghệ sĩ đi chiến đấu vào lúc tuổi họ còn xanh mướt. Giờ thì trong số văn nghệ sĩ tiền tiến đó, chỉ còn vài ba người còn sống, nhưng những bức hình mà cụ Lưu đã ghi lại qua ống kính đó sẽ làm cho họ bất tử…".

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu qua đời năm 2003.

Vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản cuốn sách "Văn nghệ & kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu" tập hợp hơn 300 tác phẩm của nghệ sĩ Trần Văn Lưu chụp trong kháng chiến chống Pháp do con trai ông Trần Chính Nghĩa và Ông Nguyễn Huy Thắng biên soạn được giới hâm mộ đánh giá cao.

NYS NHT sưu tầm

Các Bài viết khác