NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGÀY XƯA ĐÓN TẾT Ở QUÊ TÔI (28/02/2013)

( 07-09-2013 - 04:58 PM ) - Lượt xem: 1588

Ngày xưa cảnh đón tết Nguyên đán ở nước ta rất long trọng, có những tục lệ chung cho mọi làng thực hiện. Nhưng mỗi làng có những cách riêng để đón Tết theo tục lệ của làng mình (bởi lẽ “phép vua thua lệ làng”)

THÔNG BÁO
100 năm ngày sinh nhà hoạt động văn hoá Nguyễn Hữu Đang (15/8/1913 - 15/8/2013)
NYS NHT

NGÀY XƯA ĐÓN TẾT Ở QUÊ TÔI

Thứ năm - 28/02/2013 17:21
 
 
NGÀY XƯA ĐÓN TẾT Ở QUÊ TÔI

NGÀY XƯA ĐÓN TẾT Ở QUÊ TÔI

Ngày xưa cảnh đón tết Nguyên đán ở nước ta rất long trọng, có những tục lệ chung cho mọi làng thực hiện. Nhưng mỗi làng có những cách riêng để đón Tết theo tục lệ của làng mình (bởi lẽ “phép vua thua lệ làng”).






Làng tôi, một làng quê ở lùi về vùng sâu của đồng bằng Bắc Bộ: làng Lương Đống, nay thuộc xã Đông Giang, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, lại có những tục lệ riêng, rất có ý vị và khác với cách đón tết của những làng lân cận. “ Ngày xưa” nói ở đây là những năm tháng trước CMT8, khoảng năm 1935-1945. Dù khi ấy tôi mới được 5-10 tuổi, nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ rất rõ những tục lệ ấy.
 
Từ đầu tháng Chạp ( tháng cuối năm Âm lịch), đây đó đã nghe thấy tiếng pháo nổ đì đùng, nhưng chỉ là những tiếng pháo lẻ của bọn trẻ con đốt chơi những ngày trước Tết. Mở đầu cho không khí đón mừng Năm Mới, các gia đình bắt đầu dọn cửa dọn nhà cho khang trang, đẹp đẽ hơn. Từ ngày 20 tháng Chạp trở đi, trong các trường lớp dù nghiêm khắc đến đâu cũng không thể nào học hành nghiêm chỉnh được, vì trong sân trường và phía sau trường, thỉnh thoảng vẫn có tiếng pháo “ nổ lén”. Ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà làm lễ trồng cây nêu và tiễn đưa Ông Táo về trời để ông vua Bếp báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng Đế về công việc làm ăn trong một năm qua của hạ giới. Cây nêu là một cây tre có đủ cành lá ở ngọn cây, được trồng trước nhà. Trên treo một lá cờ màu vàng rực rỡ và một vòng tròn có gắn nhiều lá cờ nhỏ ngũ sắc. Ở vòng tròn này có treo một chiếc khánh mảnh sành, vang lên những tiếng lách cách mỗi khi có gió thổi. Trồng nêu là một cách cắm cọc tiêu để nhận đất đai nhà mình, không cho bọn quỷ  đói xâm nhập. Lễ tiễn đưa Ông Táo về trời nhất thiết phải có xôi thịt và mũ áo hàng mã ( không có quần). lại phải có con cá chép ( sống trong một chậu nước) để làm phương tiện cho ông táo cưỡi lên thiên đình.       ( Lễ cúng ông Táo phải cho “hậu” để mong vua Vua bếp báo cáo “tốt” cho gia chủ. Âu cũng là một cách “ hối lộ” đã có từ xưa).
 
Đình miếu, chùa chiền cũng được trang hoàng đẹp đẽ. Đường xá được sửa sang, quét dọn sạch sẽ. Ông thủ từ ( giữ đình) đôn đốc mấy bác tuần phu dựng cây cột cờ lớn ( là cây tre mai, tre bương to và cao tới 15 mét) trước sân đình. Trên đỉnh cột, treo một lá cờ thần khổ lớn màu đỏ tung bay trước làn gió đông ấm áp. Phía ngoài cửa đình lại cắm mười lá cờ ngũ sắc, càng làm tôn vẻ trang nghiêm và tươi vui cho cảnh đình trung trong những ngày Tết. Ngôi chợ nhỏ thường họp vào buổi chiều hằng ngày, bán mấy thứ hàng hóa nhật dụng, không đông khách lắm nhưng từ 25 đến 30 tháng Chạp thì trở thành chợ Tết của cả một khu vực rất đông vui, tấp nập. Hàng hóa có thêm nhiều thứ: thịt lợn, thịt gà, gạo nếp, đậu xanh, bánh chưng, hàng mã, hàng pháo, hàng tranh ( tranh Tết), hàng đường, hàng mứt. Các phiên chợ Tết rất đông vui, họp từ trưa đến tối, vì có nhiều người đi mua sắm Tết. Lại có nhiều người đi xem chợ Tết, mặc quần áo đẹp, chen lấn cùng các khách hàng, thậm chỉ xô đẩy nhau mà chẳng mua sắm thứ hàng nào. Nhiều người đổ xô vào hàng pháo, hàng tranh dân gian và hàng câu đối Tết. Pháo thì có nhiều loại: những tràng pháo rạ ( còn gọi là bánh pháo), những chiếc pháo đùng ( loại lớn, nổ to), pháo thăng thiên ( khi đốt, nó phóng vọt lên trời cao, lóe ra lửa đỏ, xanh rất vui mắt), pháo chuột chạy ( to bằng nắm dao, khi đốt nó chạy khắp sân và phun lửa rất thú vị). Tranh dân gian ( nghe nói có hai lọai: tranh Đông Hồ và tranh Hàng Trống) được nhiều người ( cả già và trẻ) ưa thích là tranh   “ thầy đồ dạy học”, tranh “ vinh quy bái tổ”, tranh “ thầy đồ cóc”, tranh “ chuột tết mèo”,…, đặc biệt là hai bức tranh nổi tiếng: tranh “ Hứng dừa” với hai câu thơ nôm : “ Khen ai khéo tạc nên dừa/ Đó trèo đây hứng cho vừa lòng nhau”, minh họa cho cảnh một anh trèo cây dừa hái quả, một chị đứng dưới gốc cây, tốc cao váy qua đầu gối để hứng dừa, trông rất tai quái và nghịch ngợm; tranh “ Đánh ghen” có hai câu: “ Măng non nấu với gà đồng/ Thử chơi một chuyến xem chồng về ai”, mô tả cho cảnh đánh ghen tranh chồng: một chàng trai mặt nhăn nhó đau khổ ra sức can ngăn nhưng bất lực, đứng giữa hai ả mặc váy cộc cỡn tung hê áo yếm, mặt mày vênh váo tức tối, chân xoạc ra, tay cầm kéo để định cắt tóc, xẻo vú đối phương, nhằm tranh chồng về phần mình. Thật là một cảnh đánh ghen ngỗ ngược điển hình ở nông thôn trước kia. Thuở ấy, chợ Tết quê tôi không có thầy đồ ngồi viết thuê cho khách, mà chỉ có người bán những mặt hàng chữ nghĩa làm sẳn, viết trên giấy nền đỏ có hoa rất đẹp. Đại từ thì có những bức viết rời chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Thọ, hoặc viết chung cả ba chữ Phúc- Lộc- Thọ. Câu đối thì có những câu chúc phúc, mừng xuân hoặc nói về việc thờ phụng, tưởng nhớ công đức tổ tiên, như: “ Thiên thiêm tuế nguyệt, nhân thi êm thọ/ Xuân mãn càng khôn, phúc mãn môn”, hoặc: “Tổ công tông đức thiên niêm thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn đại hưng”. Có khi lại có câu đối nôm tả cảnh ngày Tết, như:     “ Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Người mua loại “ hàng văn hóa” này, có người biết chữ Hán, chữ Nôm: lại có người không biết chữ, thấy chữ đẹp thì mua về treo để lấy may. Ngày 28, 29, 30 tháng Chạp, không khí đón Tết rộn hẳn lên: khắp làng tiếng lợn kêu “ eng éo” khi bị chọc tiết để lấy thịt ăn Tết. thịt lợn được chế biến thành những món ăn đặc biệt: giò, chả, mọc, nem, ninh và làm nhân của bánh chưng. Bánh chưng là thứ bánh chỉ ngày Tết mới làm “ đại trà”: có gạo nếp cái làm “ áo” bánh, có nhân đậu xanh và thịt, gói bằng lá dong, buộc bằng lạt giang và luộc chín nhừ trong chiếc nồi lớn ( hoặc thùng to) trong nhiều giờ; có khi phải luộc từ tối hôm trước đến tận sáng hôm sau. Quanh nồi luộc bánh chưng, thường là một bàn đánh bạc gồm các thành viên trong gia đình: đánh bài “ tam cúc” hoặc đánh   “ búng quay”, được thua chỉ vài xu, chơi cho vui để thức canh nồi bánh chưng cho chín thấu, không sống, không khê ( nếu bánh chưng sống hoặc khê thì năm mới và cả năm sau sẽ “ dông” không được may mắn).
 
Trưa ngày 30 có tục cúng lễ đón ông Táo từ thiên đình trở về hạ giới với từng gia đình. Tối 30, có lễ “ cáo yết” cúng gia tiên buổi tất niên, để mời đón tổ tiên, ông bà và thân nhân đã quá cố về ăn tết với gia đình, hưởng lộc trọn vẹn ba ngày Tết thiêng liêng của dân tộc. Lễ này cũng rất long trọng vì hàm ý phải “ mời” cho bằng được tất cả các hương linh của gia đình, không sót một ai, cùng về thu lộc ngày Xuân.
 
Đêm 30, dù cho đẹp trời thì vẫn là “ tối như đêm 30”. Các gia đình đều thắp đèn sáng choang nhưng vẫn không át được bóng tối của đêm tất niên. Trống pháo vẫn nổ ở làng trên xóm dưới và càng nổ rộn ràng hơn từ giờ Hợi trở đi, vì sắp đến giờ đón Giao Thừa. Tục lệ đón giao thừa cũng rất long trọng và thiêng liêng: mỗi năm chỉ tiễn năm cũ- đón năm mới có một lần vào giây phút lịch sử, chấm dứt một năm cũ vừa qua và đón một năm mới vừa đến với bao niềm hân hoan và tin tưởng. Hầu như mọi nhà đều thức để có mặt trong lễ Giao Thừa, để cùng hưởng bầu không khí trong sáng, ấm áp, ngát hương ngát hoa của tinh khôi đất trời giờ đầu và ngày đầu của năm mới. Ngoài mâm cỗ cũng gia tiên trên bàn thờ, là mâm “ ngũ quả” với năm thứ quả mang tính truyền thống: chuối, buổi, cam, dứa, và chùm quả sung … nhưng sắp đến giờ đón Giao Thừa, cũng còn nhiều việc liên quan. Nhiều nhà treo đèn thắp sáng cho cây nêu ở trước nhà và lấy vôi bột vẽ trên sân ba hình vuông và bảy hình tròn với ý nghĩa mong ước : “ Ba vuông sánh với bảy tròn/ Đời cha vinh hiển, đời con sang giàu’. Có khi lại vẽ ( cũng bằng vôi bột) bốn hình cái cung với bốn mũi tên, hướng về bốn phía: đông, tây, nam, bắc để “ bảo vệ” gia đình mình. Chung quanh nhà trên, nhà dưới và cả lối đi ra ngõ, cũng rắc vôi bột để đánh dấu vườn đất, nhà cửa của mình, không cho bọn quỷ đói đến cướp há hoặc xâm nhập.
 
Pháo bắt đầu nổ liên tục, nhà này tiếp nhà kia, làng này tiếp làng kia, vang rền bốn phía, nghe rất vui tai. Trống đình, chuông nhà chùa khua vang liên hồi, báo hiệu đã đến giây phút giao thừa, giây phút trọng đại mà mọi người đều chờ đợi, để “ tống cựu- nghinh tân”; tiễn năm cũ- đón năm mới. Pháo nổ giòn, rền vang trong giờ cao điểm của đêm 30. Trên bàn thờ của các gia đình, đèn nến sáng choang, khói hương nghi ngú. Người người trang phục chỉnh tề long trọng làm lễ cúng giao thừa với một lòng thành kính: cúng trời đất, cúng gia tiên, mừng cho quốc thái dân an, mong cho mưa thuận gió hòa và vạn sự như ý. Cháu con mừng tuổi cho ông bà, cha mẹ an khang, phúc thọ. Ông bà, cha mẹ mừng tuổi cho cháu con làm ăn thành đạt, học hành tiến bộ. lời chúc Tết thường có câu kết theo công thức: “ Chúc năm mới tấn tới, phát tài bằng mười năm ngoái”.
 
Tiếng pháo trong xóm ngoài làng tiếp tục nổ vang đến tận sáng ngày mồng Một, nhà nhà thường nấu một nồi nước lá, hoa và rễ cây rau mùi để mọi người rửa mặt lấy “ khước’- được may mắn đầu năm. Lễ cúng gia tiên vào sáng mồng Một Tết cũng rất long trọng với mâm cỗ đầy đặn, có đủ các món giò, chả, nem, ninh, nấu, xào, xôi và bánh chưng, cũng với mấy li rượu thơm ngon và những món hương trầm thơm ngát. Sau đó là bữa tiệc gia đình rất vui vẻ và đầm ấm. Từng lúc, tiếng pháo lại nổ rền vang. Ngõ trong, ngõ ngoài đã rộn rã tiếng cười và lời chúc Tết của bà con gặp nhau năm mới và kéo đến nhà các cụ già và bề trên để chúc Tết theo tục lệ của quê hương. Lệ đi chúc Tết kéo dài trong ba ngày mồng 1, mồng 2 và mồng 3, nhưng ai cũng tranh thủ đi chúc tết sớm để cho được long trọng hơn và còn để đến cũng lễ tổ tiên ở từ đường của dòng họ. Sáng mồng 1, các vị hương lí và tộc biểu làm lễ mở cửa đình và tế Thành hoàng. Sau đó mở lễ hội mùa Xuân ở sân đình và khu vực lân cận cho dân làng vui chơi với các trò đánh đu, đánh gậy, đánh cờ tướng, chọi gà, bịt mắt bắt dê, nhảy bị ( nhảy bao bố), ném vòng vào cổ vịt và các trò chơi dân gian khác. Trong đình, các đào nương hát “ ca trù”. Tiếng đàn, tiến phách, tiếng trống chầu quyện vào nhau để đón tiếng hát trong trẻo, ấm áp và sang trọng trong buổi đầu Xuân. Dù ham vui đến mấy với thú vui Xuân, dân làng vẫn nhớ đến chúc Tết các thầy cô cũ của mình, còn bọn trẻ thi đến chúc Tết các thầy cô đang dậy chúng để tỏ lòng tôn sư trọng đạo theo truyền thống của dân tộc.
 
Đón Tết ở quê tôi, thế nào cũng phải tổ chức hát chèo trong sáu đêm liền, từ đêm mồng 2 đến đêm mùng 7. Sân đình bắc sân khấu để diễn các trò tuy đã rất quen thuộc nhưng vẫn hứng thú đối với người dân. Đó là các vở chèo Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình- Dương Lễ, Trương Viên, Thạch Sanh, Phạm Tải- Ngọc Hoa, Tống Trân- Cúc Hoa, v.v… Đây cũng là dịp để cho trai gái trong làng và các làng lân cận được dịp gặp nhau tâm sự, trao đổi tình cảm và sau đó có nhiều cặp “ nên vợ nên chồng”
 
Ngày mồng 3 Tết, các đình chùa và trong nhân dân làm lễ “ tống Tết” và thường có lệ chia quà Tết; bánh chưng, đường mứt … cho các gia đình nghèo. Đây cũng là ngày hóa ( đốt) vàng mã, giấy tiền … để cũng tiễn tổ tiên. Cũng trong ngày mùng 3 tết, còn có tục lệ “ bắc ách” ( bắc vai cày” cho trâu bò để chúng kéo cày, kéo bừa ( tượng trưng) trên sân hoặc vườn nhà, với lòng tin tưởng việc cày bừa trong năm được thuận lợi, trâu bò khỏe mạnh, cây lúa tốt tươi và những mùa màng bội thu.
 
Ngày mồng 7 Tết có tục lệ hạ câu nêu trong các gia đình và hạ cột cờ trước của đình làng. Lá cờ đại và các lá cờ ngũ sắc được cất đi để trả lại sinh hoạt bình thường cho làng xóm quê tôi.
 
Thế là từ ngày 23 tháng chạp năm trước, ngày ông Táo lên chầu trời, rồi trở về hạ giới vào ngày 30 cuối năm, cho đến ngày mồng 7 Tết là ngày hạ cây nêu, quê tôi có nửa tháng trời để đón Tết nguyên đán, thật vui vẻ, thật thỏa mãn đón mừng Xuân mới với niềm hi vọng tràn trề.    “ Sang năm mới làm ăn tấn tới, phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái”, mặc dù cuộc sống vẫn còn khó khăn, gian khổ, nhưng đã gây được một niềm tin tưởng lạc quan và yêu đời./.

Tác giả bài viết: NGUYỄN XUÂN TƯ

Nguồn tin: Câu lạc bộ Người Yêu Sách Nguyễn Huy Tưởng

Các Bài viết khác