NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

MỘT NHÂN CÁCH VĂN CHƯƠNG CAO ĐẸP

( 11-06-2017 - 04:43 AM ) - Lượt xem: 699

Ông biết “đãi cát lấy vàng”, biết trân trọng những giá trị tinh thần của người khác, và hơn thế nữa, có một tầm nhìn vượt thời gian và không gian đáng kính nể.

Lần đầu tiên tôi có dịp tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Quang Thân tại trại sáng tác Tam Đảo do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức vào tháng 4 năm 2004, mặc dầu từ lâu tôi đã được đọc một số tác phẩm nổi tiếng của ông như “Chú bé có tài mở khóa”, “Vũ điệu của cái bô”…

Nhà văn Nguyễn Quang Thân (đầu phía phải), tác giả đúng đầu hàng thứ 3 phía trái tại trại sáng tác Tam Đảo do Hội nhà văn Hà Nội tổ chức vào tháng 4 năm 2004


Đứng trước tôi là một người vạm vỡ như một vận động viên bơi lội, tính tình rất thân thiện, cởi mở với bạn bè đồng nghiệp, nhưng lại rất nguyên tắc đối với những vấn đề đạo lý của cuộc sống. Ông tâm sự: “cái mình coi trọng nhất trong cuộc đời là tính trung thực, là bầu không khí tự do, dân chủ thực sự trong sáng tác nghệ thuật”. Một con người mới gặp là có thể tin cậy ngay và biết rằng đây là một cá tính sáng tạo hiếm hoi, một nhân cách đàng hoàng, một tấm lòng nhân hậu và ưu ái, không bao giờ đánh lén đồng nghiệp của mình.
Những nhận xét ban đầu của tôi về Nguyễn Quang Thân sau này càng được củng cố và khẳng định qua những buổi chuyện trò giao lưu với ông tại Hà Nội và Sài Gòn, và nhất là trong mối quan hệ giữa ông với nhà văn Bùi Ngọc Tấn mà chúng ta đã biết.
Hiếm có tình bạn thủy chung gắn bó giữa hai con người này. Khi Bùi Ngọc Tấn mới tập tễnh bước vào làng văn thì Nguyễn Quang Thân đã là một tác giả văn xuôi có tên tuổi, công tác tại một tờ tạp chí văn chương có uy tín ở Hải Phòng mang tên “Cửa biển”. Chính Nguyễn Quang Thân là người phát hiện văn tài của Bùi Ngọc Tấn, động viên bạn sáng tác, biên tập những truyện ngắn đầu tay của bạn và đưa sáng tác của bạn lên tời báo của đất Cảng.
Hơn thế nữa, chính Nguyễn Quang Thân đã tiến cử Bùi Ngọc Tấn với tờ Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam vốn được tôn vinh như ngôi đền thiêng liêng của giới sáng tác.
Chuyện kể rằng cách đây gần 40 năm, vào một buổi tối mưa tầm tã, Nguyễn Quang Thân đã đèo nhà văn đau khổ Bùi Ngọc Tấn trên chiếc cào cào Babetta mà dân chơi xe thường gọi đùa là “Ba-bét-nhè” đến nhà Ngô Ngọc Bội, trưởng Ban văn xuôi của báo “Văn Nghệ” ở Hà Nội. Hai người ướt như chuột lột từ Hải Phòng lên liền được nhà văn Ngô Ngọc Bội mời ngay vào chiếu rượu làm một chén để sưởi ấm.
Hết lưng chén rượu, Nguyễn Quang Thân ướm hỏi:
- Có một truyện khá lắm, nhưng của Bùi Ngọc Tấn, ông có dám dùng không?
Tớp một hớp rượu, Ngô Ngọc Bội đủng đỉnh:
- Tao đếch biết thằng Tấn là thằng nào. Cứ hay là tao in.
Hai tuần sau, truyện “Nguyên Hồng – thời đã mất” với minh họa của họa sĩ Đăng Xuân Hòa được đăng trên báo “Văn Nghệ”, tuy bị sửa một vài chỗ cho hợp với tinh thần của thời đại.
Rồi Nguyễn Quang Thân cũng là người đầu tiên đến tận nhà văn Bùi Ngọc Tấn báo tin vui đó và bảo:
- Thông thường truyện ngắn báo “Văn Nghệ” được chuẩn bị trước 4 số. Truyện mày gửi lên in ngay thế này là vì truyện hay đấy!
Rồi sau đó khi viết được mấy chục trang đầu của cuốn tiểu thuyết để đời của mình là “Chuyển kể năm 2000”, Bùi Ngọc Tấn lại rụt rè đưa cho Nguyễn Quang Thân đọc để thăm dò.
Sau nhiều đêm nghiền ngẫm tác phẩm tâm huyết của bạn, sáng hôm sau, Thân đưa trả Tấn xếp giấy viết tay và nói với Tấn một câu thật bất ngờ:
- “CÁI NÀY CỦA TOÀN NHÂN LOẠI MÀY Ạ”
Phải nói ngay rằng trong giới sáng tác, các văn nhân thường ít khi phục nhau lắm và chỉ coi “Văn mình, vợ người” là nhất. Không ít vị “chưa đỗ ông nghè đã đe hàng tổng”, vừa mớt in được một cuốn sách đã vội coi đó như một tuyệt phẩm (!?) và vênh váo nhìn đồng nghiệp bằng nửa con mắt. Cũng không hiếm vị bất tài, nhưng do “ghen ăn tức ở” đã tìm mọi cách dìm sáng tác của bạn vì sợ mình bị lép vế, bị thua kém.
Nhưng Nguyễn Quang Thân thì khác hẳn. Phẩm cách cao đẹp của người cầm bút không cho phép ông làm điều gì trái với lương tâm, với đạo lý, với lẽ phải.
Ông biết “đãi cát lấy vàng”, biết trân trọng những giá trị tinh thần của người khác, và hơn thế nữa, có một tầm nhìn vượt thời gian và không gian đáng kính nể.
Tất cả những cái đó gộp lại đã tạo nên một bản lĩnh vững vàng, một nhân cách văn chương chói ngời mà chúng ta cần noi theo để học cách làm Người trước khi tập tọng làm văn học nghệ thuật.
Sài gòn 26/5/2017

Các Bài viết khác