NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LEV TOLSTOY, SƯ TỬ CỦA NỀN VĂN HỌC NGA

( 06-04-2016 - 05:44 AM ) - Lượt xem: 3211

Cũng như bao đứa trẻ quí tộc thời đó, Lev Tolstoy không phải đến trường mà được học tại nhà. Những gia sư dạy ông đều là người ngoại quốc. Nhờ vậy, ông có dịp tiếp xúc và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ những nền văn hoá khác Nga

Được coi là nhà văn vĩ đại, con “sư tử” của nền văn học Nga, Lev  Tolstoy cũng là cây bút hiện thực đồ sộ vào nửa sau thế 19. Những tác phẩm của ông luôn luôn bám sát từng bước đi của dân tộc Nga, trả lời cho một câu hỏi của thời đại ''nước Nga sẽ đi về đâu?” Trải qua ba thời kì cách mạng giải phóng  của nước Nga, đó là: thời kì cách mạng của tầng lớp quý tộc từ 1825 đến 1861; thời kì cách mạng của trí thức bình dân Nga từ 1861 đến 1895, và thời kì đấu  tranh của giai cấp vô sản từ 1895 đến 1905. Trong khi đó, hoạt động văn học  của ông kéo dài gần sáu mươi năm, đây thực sự là những thước tư liệu quý giúp  ông sáng tạo nên những tác phẩm đồ sộ. Maxim Gorki, nhà văn của giai cấp vô sản Nga, người luôn kính cẩn học hỏi Lev Tolstoy, đã khẳng định: “Lev Tolstoy đã nói cho chúng ta biết về đời sống của nước Nga, gần như không thua kém  toàn bộ nền văn học Nga”.

Lev Tolstoy sinh năm 1828 trong một gia đình quý tộc của nước Nga. Thời thơ ấu của ông trôi qua trong khuôn viên xinh đẹp của trang trại Yasnaya  Polyana. Năm 2 tuổi mẹ Lev Tolstoy qua đời, đến năm 9 tuổi nhà văn tương lai lại mất cha. Đời sống của Lev Tolstoy và ba người anh, một người chị chỉ còn trông cậy vào sự chăm sóc của những người họ hàng.

Cũng như bao đứa trẻ quí tộc thời đó, Lev Tolstoy không phải đến trường mà được học tại nhà. Những gia sư dạy ông đều là người ngoại quốc. Nhờ vậy,  ông có dịp tiếp xúc và học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ những nền văn hoá khác Nga. Năm 1841, cả nhà của Tolstoy dọn về Kazan. Tolstoy theo học ngành  văn của trường đại học Kazan. Nhưng không hứng thú với những giáo trình khô khan, ông tự mày mò nghiên cứu triết học và đọc rất nhiều loại sách. Năm 19  tuổi ông trở về trại ấp thời thơ ấu của mình, và mong muốn trở thành ''một địa chủ tốt'', thời gian này, ông cũng bắt đầu viết văn nhưng chưa thu được thành tích đáng kể.

Năm 1851, chàng trai trẻ Tolstoy đến Caucasus. Ông nhập ngũ và làm việc trong quân đội ba năm. Cuộc chiến tranh Crimean giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì bùng nổ. Ông tham gia vào chiến dịch bảo vệ Sevastopol. Lúc đó ông là một sĩ quan pháo binh, sống nhiều ngày tại pháo đài 4 - khu vực nguy hiểm nhất của cả tuyến phòng thủ.

Cuộc chiến căng thẳng và ác liệt tại Sevastopol đã được khắc hoạ sinh động trong cuốn sách cùng tên ra đời trong khoảng năm 1855 - 1856. Cùng những năm này, Tolstoy đi St. Petersburg và làm quen được rất nhiều nhà văn  như Ivan Tuorgueniev, N. Nekrassov. . . Lúc đó, nhà cách mạng dân chủ N. Nekrassov và Chernyshevsky đang giữ vai trò chủ biên tờ tạp chí ''Người hiện  đại''. Họ rất muốn cùng cộng tác với Tolstoy nhưng Tolstoy trước sau vẫn là một địa chủ quý tộc, ông không thể tiếp nhận chủ trương cách mạng của giai  cấp nông dân. Ông tán thành giải phóng nông nô nhưng phản đối việc dùng bạo lực. Vì những quan điểm trái ngược nên giữa ông và những nhà văn dân chủ đã  không thể cùng cộng tác.

Năm 1857, Tolstoy đi du lịch sang Pháp, Thuỵ Sĩ, Italia và Đức. Trên đường đi, cũng như nhiều nhà văn Nga lúc bấy giờ, ao ước nhìn ngắm một Tây Âu văn minh và tiên tiến bao nhiêu thì Tolstoy thất vọng bấy nhiêu. Cuộc sống xa hoa của tầng lớp tư sản đối nghịch với cảnh sống vất vưởng, không nhà, không kế sinh nhai của rất nhiều người dân bị bần cùng hoá. Ông đã viết Lucern  - một truyện ngắn mô tả tình huống trớ trêu của người nghệ sĩ lang thang biểu diễn cho đám đông những người giàu có thưởng thức. Đám đông lặng đi trước  giọng hát mê hồn của người nghệ sĩ, ai cũng say mê và hài lòng. Nhưng khi kết  thúc, không một ai thưởng công cho anh, đám nhà giàu đứng nhìn thản nhiên và lặng lẽ lướt qua người nghệ sĩ vừa cống hiến tài năng phục vụ mình.

Sau khi trở về nước, ông ở trang trại Polyana và mở trường dạy học cho  con em nông dân. Ông trở thành nhà giáo dục nhân đạo, chủ trương ''tự do giáo  dục'', lấy thiện chí và lòng yêu thương để động viên tinh thần học tập của trẻ em. Năm 1862, ông còn thành lập tờ tạp chí lấy tên trại ấp của mình và viết những cuốn sách mang tính chất giáo dục.

Trong số tác phẩm thời kỳ đầu, dù là tác phẩm nói cuộc sống nông thôn, chiến tranh Caueasus, phê phán những mặt trái của văn minh phương Tây... đều thể hiện những cảm thụ do đích thân nhà văn trải qua, cũng như những suy tư của tác giả. Tolstoy đã gọi những tác phẩm đó là “viết thử”. Năm 1862, Tolstoy thành hôn với con gái của một ngự y trong cung đình. Sau khi thành hôn, một mặt ông tiếp tục dạy học, mặt khác ông sáng tác văn học. Người vợ  của ông đã trở thành thư ký riêng giúp chồng ghi chép, sửa chữa bản thảo. Trong những năm 60, 70 ông đã hoàn thành bộ tiểu thuyết dài Chiến tranh và hoà bình và Anna Karenina. Đây là hai cuốn tiểu thuyết hàng đầu của nhà văn, khẳng định tên tuổi của ông trong văn giới, khẳng định ông là nhà văn vĩ đại.

Đầu thập niên 80, để cho con trai có nơi học hành, Tolstoy đã mua một ngôi nhà tại Moscow. Bản thân ông mỗi năm vào mùa đông lại sống tại Moscow. Khoảng thời gian này, ông đã khám phá những bí ẩn nhếch nhác đằng sau bộ mặt hào nhoáng của thành phố. Những đối lập ghê gớm trong xã hội đã làm ông nảy sinh không ít suy tư. Một mặt, ông cảm thông sâu sắc trước sự nghèo đói của nhân dân, mặt khác, ông bất mãn trước cảnh sống kiêu sa, dâm loạn của giai cấp thống trị. Bao nhiêu năm suy tư, cuối cùng Tolstoy đã dứt khoát chuyển sang đề cao tông pháp nông dân, hình thành một hệ thống triết học - đạo đức của riêng nhà văn. Ông viết hàng loạt tác phẩm bình luận như Sám hối, Tín ngưỡng của chúng ta là gì?, Chúng ta phải làm sao... đả kích kịch liệt vào chế độ Sa hoàng, bao gồm cả giáo hội. Nhưng đồng thời quan điểm của ông lại không tán thành bạo lực, và yêu cầu mỗi người nên cùng tiến hành tự  hoàn thiện đạo đức của mình. Ông cho rằng, chỉ có đời sống thật thà, chất phác của người nông dân Nga mới là hợp lí tưởng của nhân loại.

Những năm 90, ông viết kịch bản Thế lực đen tối, truyện ngắn như Cái chết của Van Ilich. . . và cuốn tiểu thuyết dài cuối cùng Phục sinh. Ngoài ra, ông còn viết nhiều bài bình luận cho tác phẩm của nhiều nhà văn khác. Trong những tác phẩm này thể hiện không ít mâu thuẫn của ông xung quanh vấn đề đạo đức và nhiệm vụ của văn học. Thậm chí, có lúc ông phủ định cả nhiều tác phẩm tiến bộ của mình. Thêm vào đó, sự kiện cách mạng 1905 đã làm cho Tolstoy lún sâu vào đau khổ và mâu thuẫn. Sự thật đã chứng minh, không cần biết có sử dụng bạo lực hay không nhưng chỉ cần ít nhiều tỏ ra bất mãn với chính quyền Sa hoàng thì sẽ bị đàn áp thảm khốc. Tolstoy đã thể hiện thái độ của mình bằng bài nghị luận ''Tôi không thể im lặng'' kháng nghị giới cầm quyền đàn áp tàn bạo những người khởi nghĩa và tuyên bố làm ''người bảo hộ'' cho hàng triệu nông dân trong những cuộc khởi nghĩa đó. Ông tiếp tục viết  truyện ngắn Sau vũ hội, Khdazi Murat ... vừa mô tả đời sống Nga, vừa phản kháng lại Sa hoàng.

Mười năm sau cùng của cuộc đời, Tolstoy muốn đem toàn bộ ruộng đất và toàn bộ bản quyền tác phẩm của mình chuyển giao cho nông dân. Việc này đã làm cho gia đình ông nảy sinh không ít bất hoà, thậm chí đã nhiều lần ông  định bỏ nhà ra đi. Vào một đêm mùa thu năm 1910, khi đó Tolstoy đã 82 tuổi, ông âm thầm rời khỏi trang trại Polyana, dọc đường ông bị sưng phổi và từ giã cõi đời tại một nhà ga nhỏ. Theo đúng di chúc của ông, đám tang ông không có rửa tội, không sám hối, quan tài đưa ông là của một người nghèo khó, trên mộ  đắp sơ sài không có cả bia tưởng niệm.

Cuộc đời của Tolstoy không nhiều trắc trở nhưng lại chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Ông luôn mơ ước dành cho người nông dân Nga một cuộc sống  hạnh phúc, bản thân ông suốt đời là một trại chủ nhân hậu. Chính vì vậy ông tán thành giải phóng nông dân nhưng lại kiên quyết phủ nhận bạo lực. Mối mâu thuẫn trong thế giới quan của ông ít nhiều ảnh hưởng đến sáng tác nhưng theo cái nhìn tổng thể chúng là sản phẩm của lòng nhân đạo, của tinh thần yêu nước và tự tôn dân tộc mãnh liệt. Những tác phẩm của ông đặc biệt là thiên tiểu  thuyết hùng vĩ Chiến tranh và hoà bình đã trở thành bản anh hùng ca bất diệt của dân tộc Nga, mà tiêu biểu là sức mạnh của nhân dân Nga.

Chiến tranh và hoà bình là bộ tiểu thuyết dài kiệt xuất và hiếm có trong nền văn học thế giới, Chiến tranh và hoà bình ra đời (trong khoảng 1864 - 1869) khi Tolstoy muốn viết một tác phẩm khắc hoạ hình tượng nhân dân kì diệu, đó là hình ảnh của những người tháng Chạp năm 1825. Nhưng muốn đem đến cho độc giả một cái nhìn toàn diện về quá trình phát triển tư tưởng của những người tiến bộ này phải đặt họ trong khoảng thời gian của cuộc chiến 1812, hơn nữa là thời gian những năm 1805.

Tác phẩm với kết cấu đồ sộ mang tính chất sử thi được bắt đầu trong phòng khách của một phu nhân quý tộc, bà Anna Sere báo tin cho công tước Vaxili rằng Napoleon đã bắt đầu tiến quân xâm lược. Đó là thời điểm của năm 1805. Đi sâu vào mô phỏng những con người có mặt trong phòng khách, Tolstoy đã thể hiện cuộc sống xa hoa của giới quý tộc. Trong vô vàn bức chân dung u tối của những kẻ vốn thủ đoạn và hãnh tiến, nổi bật lên là hình ảnh của những thanh niên tiến bộ, vốn chán đến phát ngấy những buổi tiệc tùng chiêu  đãi triền miên, vô vị của giới mình, đó là Andray và Pin. Cha Andray vốn là cựu thần của triều đình, về già ông lão sống ẩn dật, tránh xa cuộc sống ồn ào. Bản thân Andray, chàng là một người yêu nước, trung thực, tài năng rất được nể  trọng trong những buổi dạ tiệc. Pie trái lại, khi chàng còn chưa được thừa nhận dòng dõi của mình thì trong con mắt của giới thượng lưu, chàng chỉ là một kẻ  xoàng xĩnh, đáng thương. Nhưng đến khi được thừa hưởng một gia tài kếch xù  thì chàng là sự lựa chọn hàng đầu cho bất cứ một cô gái dòng dõi nào.

Nếu ngay từ đầu Andray đã thể hiện một tính cách của người anh hùng -  chàng sẵn sàng ra trận khi nghe tin Napoleon xâm lược nước Nga, thì Pie con đường vươn tới nhận thức đúng đắn về sứ mệnh của bản thân đối với đất nước, với lịch sử còn gặp nhiều khó khăn và phải qua nhiều thử thách. Nhưng cả hai người đều ôm một ước vọng to lớn - được như Napoleon, nói như tương tác phẩm - đó là giấc mộng Tulon. Không chỉ đối với hai thanh niên Nga, đây còn là tâm lý sùng bái khá phổ biến toàn châu Âu trước ''hình tượng Napoleon''.

Tolstoy miêu tả cuộc chiến Autexlic như một sự sụp đổ thần tượng trong con người Andray. Trong trận chiến này, quân Nga dưới sự dẫn dắt của tướng Kutuzov đã đại bại dưới tay của Napoleon. Khi bị thương ngã xuống chiến trường, Andray nghe tiếng Napoleon bình luận về những cái chết của đối phương đầy lạnh lùng, chàng chợt tỉnh mộng, nhận ra những hoài bão đầy vô nghĩa của mình trước kia. Trở về sau chiến tranh, chàng rơi vào trạng thái không thiết tha gì cuộc sống. Cùng lúc đó, Pie vướng bận vào một cuộc hôn nhân không hạnh phúc với người vợ đẹp nhưng đàng điếm. Chàng rơi vào thế bế tắc và chấp nhận hoạt động trong hội Tam điểm. Nhưng đến với hội Tam điểm càng làm cho chàng thêm thất vọng. Chỉ cho đến năm 1812, trong trận chiến Borodino - trận chiến vệ quốc chính nghĩa của người Nga nhằm bảo vệ  Moscow trước sự quay trở lại của Napoleon, cả Pie và Andray mới nhận ra sức  mạnh của mình là sát cánh bên nhân dân, bên những người lính để bảo vệ đất  nước, Cái chết của Andray là hình ảnh đẹp đẽ của người thanh niên quý tộc tiến  bộ, là bước đệm thức tỉnh con người Pie, từ chỗ còn băn khoăn, e ngại đến chỗ là một thành viên của những người tháng Chạp đầy tinh thần tự do, dân chủ.

Trong quá trình tái hiện những diễn biến tư tưởng hết sức tinh tế của người thanh niên tìm đến lý tưởng sống, Tolstoy đã khắc hoạ hình ảnh hào hùng của dân tộc Nga với sức mạnh đoàn kết đập tan âm mưu bành trướng của Napoleon. Trận chiến Borodino là hình ảnh đầy hiện thực, nơi đó có những nhân vật lịch sử có thật như Napoleon, Kutuzov - những người quyết định cuộc  chiến, bên cạnh đó là hình ảnh của Natasa, Nikolai, Pechia, Dolokhov. . . là tuổi trẻ Nga, là Tusin, Timoknin, Platon. . . hình ảnh của những người nông dân quả cảm hy sinh cả tài sản quý báu của mình để bảo vệ nước Nga. Cuộc chiến đã  cuốn trôi tất cả những số phận dù là đầy mâu thuẫn vào thử thách bão táp. Nơi đây, chiến trường và hậu phương gắn kết chặt chẽ với nhau.

Người đọc hình dung văn xuôi của Tolstoy giống như một bộ phim điện ảnh nhiều tập đang vận động, nó phơi bày dòng chảy bất tận của cuộc sống qua  những chi tiết nhỏ bé nhất; đồng thời truyền đạt quá trình lưu chuyển thầm kín diễn ra trong tâm hồn con người. Tưởng như cuộc chia tay của Andray và Natasa đã bị lãng quên trong tiếng trống trận giục giã, nhưng có ai ngờ, tại  chiến trường Andray đã gặp lại kẻ tình địch Anaton đang khóc lóc khi bị cưa  cụt một chân. Phút chốc, mọi nỗi căm hờn tan biến và chàng chỉ còn thấy  Anaton là một kẻ đáng thương. Trên đường Andray trở về hậu cứ, chàng gặp lại lần cuối cùng người con gái đã thổi bùng lên sức sống vốn đã khô héo trong tâm  hồn chàng, người làm cho chàng yêu tha thiết. Những dòng văn chảy tràn lệ, khi Natasa nức nở cầu xin Andray tha thứ... Cũng tại chiến trường, lần đầu tiên Pie ăn cùng, ngủ cùng, chiến đấu cùng những người nông dân. Sau những giấc mơ dài của mình, rút cục chàng mơ trở thành một người lính. Có thể nói, cuộc chiến  vệ quốc như một trận cuồng phong vô cùng dữ dội và tràn đầy thử thách khắc  nghiệt không chỉ liên quan đến hàng triệu người ngoài mặt trận mà liên quan đến cả mỗi số phận của người hậu phương. Hơn thế nữa, cuộc chiến này còn nhào nặn và sàng lọc biết bao tính cách sinh động, phong phú từ nhân vật anh  hùng đến nhân vật phản diện.

Bên cạnh Pie, Andray là hai nhân vật chính, Tolstoy còn khéo léo miêu tả tính cách của nhiều nhân vật lịch sử có thật. Đó là hình ảnh của Napoleon “hoàng đế Pháp cưỡi một con ngựa Arập nhỏ màu xám, mặc cái áo ca – pốt xanh thẫm'', ''trên khuôn mặt dạo ấy hãy còn gầy của Napoleon không một thớ  thịt nào cử động, đôi mắt sáng quắc đăm đăm nhìn về một điểm'', con người ấy ''lạnh lùng'' và ''thích thú'' trước những cái chết vô nghĩa của quân lính Nga. Trong khi đó, Kutuzov, vị thống soái quân đội Nga, mưu lược và giàu kinh  nghiệm lại được khắc hoạ là một người khá đa cảm, ông đã khóc trong cuộc  chiến 1812.

Thái độ của giới quý tộc Nga trước cuộc chiến cũng được Tolstoy miêu tả chi tiết. Ông chia quý tộc Nga thành hai loại: quý tộc cung đình và quý tộc trang trại. Trong đó, gia đình Vaxili đại diện cho giới cung đình là những kẻ tham lam, ích kỷ, truy lạc, đứng ngoài vận mệnh dân tộc chỉ chuyên chú tranh quyền đoạt lợi. Ngược lại, gia đình Roxtov là kiểu mẫu cho gia đình Nga truyền thống, gia đình này không có khả năng quản lí kinh tế nên sớm sa sút nhưng bù lại họ là những người yêu nước chân chính và có tinh thần dân tộc rất cao. Trong gia đình này, Natasa là hình ảnh đáng yêu, trong sáng, hơn nữa mang đậm tính cách  Nga.

Bức tranh lịch sử gần 500 nhân vật kéo dài trong một khoảng thời gian đầy biến động từ 1805 đến 1825, Chiến tranh và hoà bình đúng như bản thân Tolstoy thừa nhận ''Gạt thói khiêm tốn giả dối sang một bên, phải nói rằng đó là một pho Iliat thứ hai''. Và cũng chưa có tác phẩm nào vai trò của nhân dân Nga trong lịch sử lại được thể hiện đầy đủ lại vô cùng sâu sắc như trong bức tranh hiện thực trên quy mô vượt khỏi biên giới nước Nga như trong tác phẩm này.

Tolstoy mô tả những chân dung của thời đại, làm sống lại thời đại. Đúng  như Ernest Hemingway đã nhận xét với “Với Chiến tranh và hoà bình, Tolstoy  đứng ở cội nguồn của tất cả dòng văn học hiện đại viết về chiến tranh, quả thật  có ý nghĩa vô giá đối với các nhà văn thế kỷ 20''!

Bốn năm sau khi viết Chiến tranh và hoà bình, ngày 19.3.1873, Tolstoy bắt đầu cuốn tiểu thuyết lớn thứ hai Anna Karenina nhân đọc truyện ngắn dở dang của Puskin Những người khách họp mặt trong biệt thự. Tolstoy lấy hình ảnh của người con gái Puskin là Maria Alexandrovna Gactung làm nguyên mẫu để tả vẻ mặt, dáng  người của nhân vật Anna.

Sau cải cách nông nô vào năm 1861, xã hội Nga bắt đầu bước vào giai đoạn của những biến đổi to lớn. Thế lực của chủ nghĩa tư bản phát triển mãnh liệt, kéo theo những thay đổi trong quan niệm đạo đức của phần lớn những gia đình Nga vốn chịu ảnh hưởng bao đời của chế độ phong kiến. Ban đầu, Tolstoy chỉ có ý định viết về ''một người vợ phụ bạc'' nhưng qua nhiều lần bỏ dở, sửa chữa, thay đổi, cuốn tiểu thuyết được hoàn thành khác hẳn với bản thảo. Vượt ra khỏi khuôn khổ của một tấn thảm kịch ngoại tình, tiểu thuyết phản ánh rộng  rãi và sâu sắc những mâu thuẫn xã hội, chính trị, kinh tế, đạo đức, gia đình của hiện thực Nga hồi thập niên 70.

Anna, người sứ giả đi dàn hoà hạnh phúc cho gia đình Đoly, trớ trêu thay đến lượt mình gặp phải Wronxki và từ đó bắt đầu những thảm hoạ của đời nàng! Vì sớm mồ côi từ nhỏ, Anna được bà cô sắp đặt lấy Karenin - cuộc hôn nhân dưới con mắt của giới thượng lưu lúc đó là cực kì lí tưởng! Nhưng Karenin yêu chiều vợ theo thói quen vợ chồng, tâm hồn cằn cỗi, khô khan, tẻ nhạt, lối sống lại khuôn mẫu, cứng nhắc, tính nết giả dối, hám hư danh, ưa sĩ  diện. . . tất cả tạo cho Anna một cuộc sống yên ổn nhưng buồn tẻ, sang trọng nhưng u uất. Với bản tính chân thực, cuồng nhiệt, khao khát được yêu, Anna đã không thể kìm nén cảm xúc của mình khi gặp Vronxki - con người trái ngược với chồng nàng.

Anna yêu say đắm và công khai như để trả thù cho những năm tháng giả dối mà nàng phải chịu đựng trong cuộc hôn nhân bế tắc. Nàng muốn tự do nhưng nàng lại là một người mẹ yêu con, nàng không thể có cả hai thứ. Nàng phải lựa chọn giữa con trai và người tình Wonxki. Và rút cục, nàng phải chịu xa rời con để sống một cuộc sống khác. Nhưng trong hoàn cảnh mới, những đau khổ bị xa lìa đứa con đã làm cho cuộc sống mới của nàng càng ngày càng thê thảm. Tình yêu đã trở nên ích kỷ. Nàng trở nên oán giận, ghen tuông, đòi hỏi  người tình, muốn độc chiếm tất cả tư tưởng, tình cảm, thời gian của Vronxki trả thù cho cái giá của nàng phải trả. Mối tình bắt nguồn từ một việc làm can đảm, cuối cùng cũng trở nên hèn kém không hơn gì cuộc hôn nhân đầu tiên. Cái chết của nàng đã thể hiện tấn bi kịch, những xung đột bên trong của con người trung thực muốn tiến lên giành lấy hạnh phúc cho bản thân nhưng không đủ sức chống lại trở ngại chính là xã hội thượng lưu.

Trên trang mở đầu cuốn tiểu thuyết có ghi lời đề từ ''Việc báo oán thuộc về ta, chính ta lại ra ân đền bù lại'' với dụng ý, người đời không có quyền phán xét mà quyền đó thuộc về Chúa. Nhà văn đã muốn che chở cho Anna trước dư luận, và nếu nàng là người người gây ra tội lỗi thì cái chết của nàng đã là một sự báo ứng. Sau nhân vật Tachyana của Puskin, Auna là hình ảnh người phụ nữ mới, tiến bộ trong văn học cổ điển Nga đã gắng giải phóng cá tính con người, vùng vẫy thoát khỏi áp bức và trói buộc đạo đức giả dối của giới quý tộc. Với  Anna ngay từ đầu, nhà văn đã muốn thông qua cuộc ngoại tình của nàng phê phán nghiêm khắc những người phụ nữ phản bội, nhưng thực tế, sự phát triển tâm lý hợp logic và những khát khao hạnh phúc chính đáng của người phụ nữ đã buộc Tolstoy phải thay đổi thái độ. Chính thói đạo đức giả, những niêm luật khắt khe và trói buộc của xã hội hiện tại đã giết chết cuộc sống của Anna, gián tiếp tạo nên cái chết thảm khốc của nàng. Tolstoy đã bênh vực, thậm chí bào chữa cho Anna.

Cái nhìn nhân đạo tiến bộ của Tolstoy đã tái hiện sự phát triển tâm lý hết sức tinh tế trong tính cách nhân vật Anna. Cái chết của nàng là một cách kết  thúc hợp lý nhưng hết sức đau lòng với nhà văn. Bản thân ông cũng cảm thấy bất ngờ và đau khổ khi nàng phải chết. Giống như Flobe trong tác phẩm Bà Bovary, nhân vật của ông sống động như chính nhân vật ngoài đời.

Bên cạnh tuyến nhân vật Anna - Vronxki, tiểu thuyết còn khắc hoạ hình ảnh của Levin - Kitty. Nếu Anna là nhân vật của bi kịch tình yêu, thì Levin lại  là một hình mẫu ''mơ ước'' của tác giả. Qua nhân vật này, Tolstoy thể hiện cái  nhìn về cải cách nông nô bằng đường lối hoà bình. Từ đấy, đi xa hơn nữa, chính nhân vật này nêu lên một nguyên lý hết sức quan trọng, mới mẻ, xuyên suốt lịch sử xã hội Nga ''Mọi cái được hưởng không xứng đáng với tỷ lệ lao động bỏ ra đều không lương thiện''. Thời đó, Dostoievski là người đầu tiên ngợi ca tính thời sự nóng hổi của tiểu thuyết.

Trong mười năm (1889 - 1899), Tolstoy viết cuốn tiểu thuyết Phục sinh một tác phẩm tiêu biểu cho bút pháp hiện thực chủ nghĩa thế kỷ 19.

Nội dung của tiểu thuyết bắt nguồn từ câu chuyện có thật của người bạn Tolstoy. Người bạn này là một quan viên kiểm sát tại thành phố Peterburg. Ông kể lại cho Tolstoy nghe câu chuyện của một cô gái điếm bị xét xử về tội ăn cắp, trước khi phạm tội, cô ta đã từng sống trong nhà một người họ hàng và bị ông chủ cưỡng hiếp. Từ những chi tiết có thật Tolstoy đã xây dựng nên một cuốn  tiểu thuyết về số phận người con gái nông nô Kachiusa Maxlova. Lấy xung đột ban đầu là tình yêu bị lợi dụng của Kachiusa, nhưng dần dần cuốn tiểu thuyết  ''bóc trần mọi thứ mặt nạ'' đó là nhà nước Nga hoàng, toà án, hệ thống cảnh sát,  nhà tù, nhà thờ và tất cả mọi thiết chế của chế độ thống trị âm mưu ''biến nước Nga thành một nhà tù khổng lồ''! Tác giả đả kích không thương xót và mỉa mai rằng ''cây tầm gửi lại định nuôi cái cây mà chính nó đang hút nhựa để sống''.

Cảm thông với hàng triệu nông dân đang tìm cách trỗi dậy phá tung hệ thống nhà ngục tàn bạo của giới thống trị, chưa khi nào vấn đề giải phóng nông  dân nói riêng và nhân dân nói chung lại đặt ra cấp thiết như trong tiểu thuyết này. Đồng thời, sức sống mạnh mẽ của cô gái Kachiusa trải qua bao nhiêu cay  đắng nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh đã thể hiện ước vọng đẹp đẽ của nhà văn về một mùa xuân ''hồi sinh''. Những kẻ như Nhekhliudop, rút cuộc cũng nhận ra tội ác của bản thân và của xã hội mà hắn phục sự.

Ngôn ngữ của Phục sinh không còn độ mượt như Chiến tranh và hoà  bình hay Anna Karenina. Trong tiểu thuyết này còn có nhiều đoạn thuyết giáo đạo đức khá dài dòng, làm cho sức truyền cảm của tác phẩm bị ảnh hưởng. Mặc dù vậy, chủ nghĩa hiện thực tỉnh táo và cá tính điển hình của nhân vật đã góp phần tạo nên một tiểu thuyết có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với độc giả.

“Sức mạnh của nghệ thuật hiện thực chủ nghĩa Tolstoy chính là ở sự thâm nhập của bản chất quá trình xã hội vào quá trình tâm lý”. Nhận xét của Burxov – nhà nghiên cứu văn học Nga - đã thể hiện những đánh giá chính xác về đặc trưng cơ bản trong phương pháp nghệ thuật của Tolstoy, Hơn nữa, sau này Lenin đã đánh giá một cách tổng kết toàn bộ sự nghiệp của văn hào ''Lev Tolstoy là tấm gương cách mạng Nga'', ''Tolstoy vĩ đại ở chỗ ông đã nói lên được những tư tưởng và những tâm trạng đã hình thành trong hàng triệu nông dân Nga khi bắt đầu cuộc cách mạng'', ''Tolstoy độc đáo vì toàn bộ tư tưởng của  ông, nhìn chung đã diễn đạt đúng những đặc điểm của cuộc cách mạng của chúng ta, về phương diện là một cuộc cách mạng nông dân'' (Về văn học và  nghệ thuật, Nhà xuất bản Sự thật).

Sự cống hiến của Tolstoy không chỉ đối với nước Nga mà còn với toàn thế giới. Những nhà văn tên tuổi như Anatole France, Romain Rolland của  Pháp, Thomas Mann của Đức, Bernard Shaw của Anh, Theodore Dreiser của Mỹ. . . đều thừa nhận mình đã học hỏi được ở ông rất nhiều. Di sản mà ông để  lại, do vậy không chỉ là tài sản vô giá của thời hiện tại mà còn ở thời tương lai.

Theo bachkhoatrithuc.vn

Các Bài viết khác