NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

LAN KHAI, NHÀ VĂN HIỆN THỰC XUẤT SẮC

( 11-07-2017 - 04:47 AM ) - Lượt xem: 994

Lan Khai thành công hơn cả ở thể loại tiểu thuyết về tâm lý xã hội, về lịch sử và tiểu thuyết đường rừng. Bên cạnh đó là những tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học đặc sắc, những tác phẩm ký và truyện ngắn, thơ và câu đối, các công trình dịch thuật, sưu tầm văn học dân gian và hội họa... Tất cả góp phần tạo nên bức chân dung sống động về nghệ sĩ Lan Khai.

Thuở thiếu thời, Nguyễn Đình Khải có niềm đam mê hội họa, anh từng mang khát vọng “làm một họa sĩ để vẽ lại tất cả buồn vui của cuộc đời” và từ chối “làm ông Thông ông Ký” chấp nhận cái nghèo để được tự do. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Khải có làm thơ và yêu âm nhạc, có sở trường vẽ tranh phong cảnh và ký họa. Khi quyết định từ giã con đường y nghiệp của tổ tiên, Khải đã tuyên thệ “anh sẽ làm một nhà tiểu thuyết”; ước muốn đó đã đưa anh dấn thân vào cái “nghiệp chướng văn chương”.

Đương thời, nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Đọc Lê Văn Trương từ những tác phẩm đầu tiên cho đến những tác phẩm gần đây nhất, người ta không thấy thay đổi mấy tí; nhưng đọc Lan Khai từ trước đến nay, người ta thấy ông luôn luôn thay đổi, luôn luôn gắng sức để rời bỏ loại nọ sang loại kia”. Và cũng chỉ ra đây là một cây bút đa tài: “Ông đã nhúng tay vào hầu hết các loại tiểu thuyết, rồi ông lại muốn ngả cả về mặt dịch thuật nữa”2... Mặc dù vậy, Lan Khai thành công hơn cả ở thể loại tiểu thuyết về tâm lý xã hội, về lịch sử và tiểu thuyết đường rừng. Bên cạnh đó là những tác phẩm nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học đặc sắc, những tác phẩm ký và truyện ngắn, thơ và câu đối, các công trình dịch thuật, sưu tầm văn học dân gian và hội họa... Tất cả góp phần tạo nên bức chân dung sống động về nghệ sĩ Lan Khai.

1. Lan Khai - Nhà tiểu thuyết tâm lý xã hội

Lan Khai đặt chân vào làng tiểu thuyết lần đầu tiên với đề tài tâm lý xã hội, mở màn bằng cuốn ái tình tiểu thuyết “Nước hồ Gươm” (1928); tiếp theo đó là một loạt các cuốn “Cô Dung” (1928- 1938), “Lầm than” (1929- 1934, xuất bản 1938), “Liếp Ly” (1938), “Sóng lúa reo” (1938), “Nàng” (1940), “Mực mài nước mắt” (1941), “Tội nhân hay nạn nhân” (1941), “Tội và thương” (1942), “Mưa xuân” (1942-1943) v.v... Đó là những bức tranh từ nông thôn đến thành thị, hầm mỏ, nhà trường và môi trường gia đình, xã hội cùng những cảnh đời và số phận riêng. Tác phẩm có sự phối hợp linh hoạt giữa bút pháp hiện thực và lãng mạn, làm sống dậy chiều sâu về đời sống nội tâm phức tạp của con người “thời kỳ Âu hóa” đầu thế kỷ XX.

“Nước hồ Gươm” là tấn bi kịch của một người phụ nữ đức hạnh có người chồng bội bạc, sống trong gia đình nhưng không có tình yêu hạnh phúc, khi tuyệt vọng cô đã tìm đến cái chết giữa tuổi hoa niên. Tác phẩm phê phán lối sống trụy lạc của một bộ phận trí thức đương thời. Giữa thời buổi Âu hóa, Lan Khai viết cuốn “Cô Dung” như thể muốn “lưu lại một ký ức” về truyền thống trong thời kỳ xã hội Việt Nam đang có nhiều thay đổi; qua đó cho thấy ông cũng là một trong những nhà văn sớm nhất viết về người phụ nữ nông thôn. Trong Lời tựa sách, Thiều Quang đã khẳng định: “Tác phẩm Cô Dung tức là đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh của tất cả các thế hệ phụ nữ Việt Nam, qua bao nhiêu đời, đã hy sinh cho sự tồn tại của Tổ quốc”[1]. Vũ Ngọc Phan đã đánh giá: “Quyển Cô Dung của Lan Khai là một quyển mà ta có thể coi là một quyển tình quê lai láng”, và “Cái công dụng ấy là chỗ Lan Khai đã tạo ra một cô con gái giống hệt hàng trăm nghìn cô con gái trong tất cả các tiểu thuyết xuất bản ở nước ta ngày nay”[2]. Tiểu thuyết Lm than hình thành (1929-1933), xuất bản 1938 là một sự kiện lớn của đời sống văn học. Đây là cuốn tiểu thuyết được thai nghén trên mảnh đất Tuyên Quang, ban đầu cuốn sách có tên là “Địa ngục”. Thời gian đó ông hoạt động bí mật trong tổ chức Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học rồi bị bắt giam. Tổ chức Đảng bị tan vỡ, nhiều chiến sĩ yêu nước phải lên đoạn đầu đài, ông đã nhìn thấy những nhân tố mới của những người Cộng sản. Một số đảng viên Quốc dân Đảng đã gia nhập Đảng Cộng sản. Ra tù, ông tiếp tục hoàn thành cuốn sách này. Vượt qua lưới kiểm soát của nhà cầm quyền Pháp, năm năm sau, tác phẩm mới được in thành sách. Khi còn là bản thảo, “Địa ngục” đã được chuyền tay rộng rãi trong bạn đọc. Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên ở Việt Nam viết về người công nhân. Tác giả đã vẽ lên bức tranh tố cáo chế độ áp bức bóc lột của thực dân Pháp và bọn tay sai đối với người lao động và sự xuất hiện chân dung đẹp đẽ của những người chiến sĩ đi gieo mầm cách mạng chuẩn bị cho một cuộc đổi đời.

Trong Lời giới thiệu cuốn Lầm than, Trần Huy Liệu viết: “Các bạn đọc sách này, nếu ai đã từng sống trong cảnh lầm than ở giữa dân chúng, các bạn sẽ nhận thấy những tình cảm, những phong tục cho đến những tâm lý của đám dân nghèo mà tác giả đã mô tả ra là rất đúng”. Theo ông, Lm than còn giác ngộ con người về nạn bóc lột: “Các bạn đọc xong quyển truyện này, nếu thấy mình bỗng đầy lòng căm tức đối với bọn sống một cách sung sướng bằng mồ hôi nước mắt của kẻ khác và cũng đầy lòng đau xót đối với những người sống một cách khổ nhục đem mồ hôi nước mắt nuôi béo kẻ khác thì tức là người viết ra nó đã đạt được ý nguyện của mình rồi”. Tiếp đó, nhà văn Hải Triều trong bài “Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn học tả thực xã hội ở nước ta” trên báo Dân Tiến số 1 ra ngày 27-10-1938 đã đánh giá cao đề tài, tư tưởng và phương pháp sáng tác của Lan Khai: “Đọc xong quyển Lầm than tôi thấy tác giả của nó mạnh dạn tiến lên trên con đường sáng sủa mà đầy cả chông gai, con đường bênh vực cho giai cấp cần lao, con đường của Chủ nghĩa Xã hội. Điều ấy là một điều đáng ghi nhớ trong lịch sử văn học của xứ này”. Theo ông, Lan Khai là nhà văn “có một ngòi bút sáng suốt giản dị” đã “mô tả cuộc đời khốn khổ, cay chua ghê gớm của hạng người mà sự sống đã hầu hóa ra một đàn súc vật, chịu đựng tất cả những sự bóc lột đê hèn của giai cấp sản chủ một cách tàn nhẫn vô cùng”. Đây là tác phẩm đã vạch “một khuynh hướng trong văn học giới, cái khuynh hướng tả thực xã hội chủ nghĩa (réalisme socialiste) vậy”[3]. Đồng thời ông kêu gọi các nhà văn noi theo khuynh hướng nghệ thuật của Lan Khai…

Bên những bức tranh về làng quê, vùng mỏ, các câu chuyện “Nơi ước hẹn” (1934), “Kiếp con tằm” (1935), “Mực mài nước mắt” (1941) của Lan Khai cho thấy những bức tranh nối tiếp về bi kịch tinh thần của người nghệ sĩ trong xã hội thuộc địa. Đây là những sáng tác ra đời trước “Đời thừa”, “Trăng sáng” “Sống mòn” của Nam Cao nhiều năm. Lan Khai đã vẽ lên bức tranh về nỗi tủi nhục xót xa và những giằng xé trong tâm can người nghệ sĩ khi rơi vào cảnh quẫn bách; giữa nhu cầu làm ra cái đẹp với thực trạng “cơm áo không đùa với khách thơ” và vấn đề tha hóa của một bộ phận người cầm bút. Cuối cùng vẫn ánh lên cái khát vọng nhân văn cao cả từ sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ trong xã hội cũ muốn được tự do sáng tạo và đứng lên phá tan cái lỗi thời và nô lệ để xây dựng một “tân văn hoá” cho đất nước.

 Cùng với tiểu thuyết “Mưa xuân” (1942-1943) cho thấy các thiên tự truyện trên của Lan Khai đã làm sống dậy những phần đời thực của một nhà văn luôn thao thức trước những câu hỏi lớn của cuộc đời. Cái cao cả của người nghệ sĩ không chịu khuất phục trước hoàn cảnh mà luôn tìm con đường đi có ý nghĩa nhất. Từ tác phẩm Cô Dung đến Mc mài nước mắtMưa xuân đã thể hiện cái nhìn rất mới của Lan Khai về vẻ đẹp và tiềm năng to lớn của người nông dân trong lịch sử

Với trào lưu “Âu hóa” ở thành thị, Lan Khai đặc biệt quan tâm tới những biến thái của thế giới tâm hồn con người. Mặc dù có chịu ảnh hưởng của Stefan Zweig, nhưng tác phẩm “Tội và thương” của ông đã có nhiều sáng tạo. Đó là bức tranh chân thực trong đời sống gia đình thành thị Việt Nam với những nhu cầu tình cảm cá nhân nảy sinh. Một người phụ nữ đã có một tổ ấm gia đình, nhưng trót dấn thân vào cuộc tình mới lạ, phù hoa, nhưng khi sực tỉnh bỗng thấy hối hận và bất hạnh ê chề, muốn tìm đến cái chết. Nhưng chính người bạn đời đã dang tay cứu vớt cô được hoàn lương. Câu chuyện như nói lên: trong cuộc đời ai cũng có thể lầm lẫn, nhưng phải biết đứng lên và biết nhìn ra giá trị đích thực của cuộc sống.

Trong xã hội thuộc địa, bọn thực dân đã giáo dục lối sống vong bản cho người bản xứ. Ở bài viết “Cái nguy mất gốc[4] trên tạp chí Tao Đàn số 6-1939, Lan Khai chỉ rõ: “Nếu mục đích cao nhất của giáo dục là giúp cho sự nảy nở nhân cách đến hoàn toàn... thì hiện nay ta quả chưa có một nền giáo dục hợp với tinh thần của ta. Cái cách giáo dục mà ta đương hưởng, chỉ có thể khiến ta trở nên một lũ người không cội rễ”. Lan Khai viết “Tội nhân hay nạn nhân” để phê phán nền giáo dục gia đình không đúng hướng. Từ một đứa trẻ ngây thơ, hiếu động bị lối giáo dục khắt khe và áp đặt của một người cha, dần dần cậu bé hình thành tâm lý chống đối, rồi dẫn đến hành động tự do buông thả và sa vòng tội lỗi. Với cái nhìn sâu xa từ nền tảng xã hội đến gia đình, nhà văn cho thấy: Giáo dục gia đình là cội nguồn của cái thiện. Giáo dục xã hội là tương lai của đất nước.

 Tình yêu là cảm hứng xuyên suốt trong nhiều thiên tiểu thuyết của Lan Khai. Liếp Ly là một câu chuyện tình lãng mạn giữa chàng trai Việt với cô gái Lào. Trong một lần du ngoạn trên đất nước Triệu Voi của hai chàng trai, tình cờ thấy một cô gái xinh đẹp không may gặp nạn. Với lòng quả cảm, chàng trai tên Trâm lao xuống nước cứu vớt, rồi họ trở nên thân thiết và tình yêu nhen nhóm, cuối cùng họ đi tới kết duyên trong một không gian nồng thắm tình người. Với đời người, tình yêu như hoa đến độ nở là cái đẹp không biên giới, không thời gian và sắc tộc v.v...

Tiểu thuyết tâm lý - xã hội của Lan Khai đã mở ra những bức tranh sâu rộng về những con người và cảnh ngộ khác nhau. Mỗi câu chuyện đặt ra một vấn đề bức thiết từ cuộc sống, được người viết vận dụng linh hoạt nhiều khả năng thể hiện nghệ thuật. Đó là những câu chuyện giàu tính hiện thực toát lên vốn sống phong phú của nhà văn.

2. Lan Khai - Nhà văn đường rừng

Đầu những năm 30 của thế kỷ trước, truyện đường rừng xuất hiện trên văn đàn có một sức thu hút mạnh mẽ với bạn đọc. Nguyên do là, trong suốt thời kỳ trung đại cho tới hai thập niên đầu thế kỷ XX hình bóng cuộc sống và con người trong văn xuôi còn mờ nhạt. Sự xuất hiện các truyện đường rừng của Lan Khai là hiện tượng mới trong đời sống văn học. Năm 1936, tiểu thuyết “Tiếng gọi của rừng thẳm” của Lan Khai được Hội Trí tri trao giải nhất. Sau gần 15 năm đua sức vào thế giới hoang vu cùng các cây bút Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tchya, Nguyễn Tuân, Thanh Tịnh, Lý Văn Sâm, Vũ Trọng Phụng..., cuối cùng Lan Khai trở thành Người mở đường vào thế giới sơn lâm, đi trước Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Vi Hồng, Nguyễn Huy Thiệp về mặt thời gian. Thế giới thiên nhiên, phong tục tập quán và con người miền núi trong các truyện đường rừng của Lan Khai gần gũi với mọi người, tạo nên sự đồng cảm giữa con người với con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Các truyện đường rừng của Lan Khai chia làm hai loại chính: tiểu thuyết và truyện ngắn. Về tiểu thuyết, ông có: Lô HN (1932), Tình và máu (1932), Mũi tên độc (1933), Lên thác xuống ghềnh (1934), Rừng khuya (1935), Tiếng gọi của rừng thẳm[5] (1936), Mọi rợ (Dấu ngựa trên sương, 1939- 1940), Hồng Thầu (1940), Suối Đàn (1941), Chiếc nỏ cánh dâu (1941)... Bên cạnh đó cũng có một số tác phẩm như Gái thời loạn, Đỉnh non Thần, Bóng cờ trắng trong sương mù, Trong cơn binh lửa v.v... Tuy là những tiểu thuyết lịch sử, nhưng các yếu tố về nhân vật, tập quán và địa danh vẫn là những bức tranh sinh động về miền núi càng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho các truyện đường rừng của Lan Khai.

Các tác phẩm này thường miêu tả sự đối lập giữa các thế lực hắc ám với người lương thiện . Tên quan chánh trong Rừng khuya dùng quyền thế, tiền bạc, tên nỏ, thuốc độc để cướp đoạt hạnh phúc của người khác. Tên nha lại trong Mọi rợ dùng tiền bạc xô đẩy một gia đình nghèo đến miệng vực để cướp người phụ nữ. Vị tù trưởng trong Chiếc nỏ cánh dâu vì lòng tham mà kích động buôn làng gây chiến với bộ tộc khác dẫn tới cảnh đổ máu. Tù trưởng Ma Vạn Thắng với Yến Xuân trong Đỉnh non Thần là những kẻ vong ân bội nghĩa, vô thủy, vô chung. Kẻ tham tiền tài danh vọng mà lập kế giết chồng, kẻ mưu đồ làm bá chủ giang san mà nỡ tay hại chủ. Cuối cùng chúng đều đón nhận những cái chết bi thảm. Truyện Lô HNồ kể về mối tình cao cả của một cô gái đẹp với một chàng trai tài. Không may chàng mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng tình yêu đã giúp cặp trai tài gái sắc ấy chiến thắng bệnh tật, vượt qua tai ương, trừ bỏ cái ác để giành lại hạnh phúc.

Tiểu thuyết đường rừng nói chung đã để lại những ấn tượng sâu đậm về số phận những con người bất hạnh ở những môi trường khắc nghiệt khác nhau, từ thung lũng đến non cao. Vấn đề con người miền núi trong sáng tác của Lan Khai là vấn đề đấu tranh giữa cái thiện và cái ác là mối quan hệ giữa con người với môi trường sống, là sự gắn kết cộng đồng các sắc tộc trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Những thiên truyện đường rừng ấy đã cho thấy cộng đồng các dân tộc miền núi luôn tiềm tàng sức mạnh bên trong để tự bảo vệ mình. Nghèo khó, tối tăm và bất công xã hội có ở mọi lúc mọi nơi, nhưng sự nỗ lực của con người vẫn giúp họ tìm ra hạnh phúc.

 Trong các truyện đường rừng thường diễn ra những cuộc tình thơ mộng của những đôi nam thanh nữ tú khác nhau về sắc tộc: Chàng trai dân tộc Dao với cô gái Tày “Rừng khuya, Đỉnh non Thần”, chàng trai Kinh với cô gái Dao đỏ “Hồng Thầu”, chàng trai Kinh với cô gái Tày “Suối Đàn”, thiếu nữ Gia Rai với chàng trai Ba Na “Chiếc nỏ cánh dâu” v.v... Ý nghĩa nhân văn trong các truyện đường rừng của ông còn thể hiện thái độ phê phán những xung đột sắc tộc. Nhà văn luôn khai thác tình hữu ái cộng đồng thông qua những biểu tượng tình yêu rực rỡ của lứa đôi trong lao động và trong đấu tranh. Vì thế những câu chuyện đường rừng hơn sáu thập niên qua vẫn phản ánh những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay.

Lan Khai được mệnh danh là Nhà văn đường rừng, bởi ông biết ẩn mình vào phong tục tập quán của nhiều dân tộc thiểu số về cư trú, lao động, sinh hoạt, vui chơi, tín ngưỡng, trang phục, hôn nhân và những nét tâm lý riêng của mỗi cộng đồng sắc tộc. Chẳng hạn đồng bào Dao ưa màu sặc sỡ, đồng bào Tày thích màu chàm, đồng bào Mông chuộng hoa văn... Về tín ngưỡng, người Dao nghe chim báng thì lo điều dữ, người Ba Na xem hướng chim bay để xét chuyện rủi may, người Tày nghe cú kêu nghĩ đến điều bất trắc... Người miền núi đo thời tiết bằng tiếng tắc kè, đo thời gian bằng tiếng chim khảm khắc v.v... Người nghệ sĩ ấy đã biết hòa mình vào môi trường sống đó để biến cái hiện thực phong phú thành những hình tượng nghệ thuật sinh động. Qua các truyện đường rừng của Lan Khai, độc giả liên tưởng tới con mắt của một nhà dân tộc học. Nhiều cây bút đương thời như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Tchya, Vũ Trọng Phụng, Hồ Dzếnh, Nguyễn Tuân v.v... đều có những câu chuyện viết về miền núi, tuy cảm nhận được cái hay của mảng hiện thực này, nhưng họ lại không có cái sở trường của nghệ sĩ Lan Khai. Đến giai đoạn sau này các nhà văn như: Tô Hoài, Nguyên Ngọc, Mạc Phi, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp... đều ít nhiều phải nhập thân và tiến hành những cuộc hành trình trong thế giới sơn lâm mới có được những gì mà Lan Khai đã có.

Bên cạnh những truyện có qui mô tiểu thuyết, Lan Khai còn để lại những truyện ngắn đường rừng hấp dẫn, trong đó có loại truyền kỳ mang nhiều yếu tố hoang đường kỳ ảo và kinh dị. Các sáng tác này được hình thành từ ba nguồn chính: Thời thơ ấu Lan Khai tiếp thu từ kho tàng truyện cổ dân gian của người mẹ; đồng thời được người cha truyền cho kho tàng truyện cổ của văn chương trung đại; cùng năm tháng sống hòa đồng với đồng bào các dân tộc thiểu và những cuộc hành trình trong thế giới sơn lâm của nhà văn. Những câu chuyện huyền hoặc dị kỳ ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí. Chẳng hạn chân dung người phụ nữ trong truyện Người lạ được mô tả: “Mắt như thỏ trắng, miệng cười như đốt lòng người... Răng người đâu mà nhọn hoắt như răng mèo”. Truyện Con thuồng luồng nhà họ Ma, kể về loài vật được con người cứu giúp biết đền ơn trả nghĩa sống gắn bó với con người trong tình mẫu tử. Truyện Con bò dưới Thủy tề, kể về cơn thịnh nộ của Long Vương dâng nước phá tan gò Yên Ngựa trả thù dân bản, khi biết những trai bản giết con vật báu. Truyện Đôi vịt con, kể về chuyện người đàn ông bạc tình bỏ về xuôi, bị người vợ yểm bùa cho tiêu mòn sinh lực rồi dẫn đến một cái chết lạ lùng: đôi vịt con từ bụng chui qua cuống họng ra ngoài rồi biến mất v.v... Đó là những câu chuyện dị kỳ huyền ảo, nằm ngoài quan niệm tả thực của Lan Khai. Đương thời ông vấp phải một số ý kiến phản đối về loại truyền kỳ như vậy. Vũ Ngọc Phan đã nêu ra cách hiểu: “Đọc Truyện đường rừng của Lan Khai, ta không nên nghị luận về hư thực, không nên đứng về mặt khoa học để bài bác, ta nên đọc với óc thơ mộng, pha chút huyền ảo của cổ nhân như khi đọc Liêu Trai của Bồ Tùng Linh vậy”[6]. Ngoài ra, truyện truyền kỳ của Lan Khai còn mang ý nghĩa phê phán những hành vi phá hoại môi trường, ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên của tình yêu thương và lòng chung thủy. Đồng thời ông còn một số truyện ngắn hiện thực khác: Pàng Nh là bức tranh về bi kịch của người thiếu nữ đẹp phải đối mặt với kẻ thù chứa chất dục vọng và tội ác đã dẫn tới thảm cảnh ác báo tại gia, khi thiếu tình yêu và lẽ phải, cô gái hóa ra người mất trí. Khảm khắc là câu chuyện hiện thực pha màu huyền thoại, kể về bi kịch của một đôi trai gái yêu nhau bị thế lực đen tối hãm hại dã man, nhưng họ vẫn chung tình cho đến chết. Truyện Dưới miệng hùm kể về cảnh tượng con người lập mưu giết hổ, đã bị “chúa sơn lâm” trả thù làm cho kẻ “thiện xạ” phải mang một khuôn mặt dị dạng suốt đời. Sóng nước Lô Giang là câu chuyện về cảnh ngộ éo le của đôi vợ chồng dân chài lương thiện bị lũ giặc Cờ Đen làm chia lìa gia thất. Từ tình thương chồng con và lòng căm uất kẻ thù, không cho chúng làm nhục, người phụ nữ đã nhảy xuống sông tự vẫn. Mưu thằng Đợi, kể về một thiếu niên mưu trí và dũng cảm đã giúp dân lành thoát họa giặc Cờ Đen, bảo toàn tính mệnh. Truyện ngắn hiện thực đường rừng của Lan Khai chứa đựng những vấn đề nhạy cảm nhất của cuộc sống con người. Đằng sau những lời thuật lạnh lùng là một bầu tâm sự chứa chất những nỗi niềm căm uất khôn nguôi đối với cái ác, cái xấu và nỗi niềm thương cảm vô tận trước cái đẹp và cái thiện. Truyện đường rừng là một trong những đóng góp lớn của Lan Khai, cho thấy cái nhìn nhân văn sâu sắc về thiên nhiên đất nước con người. Bằng những hình tượng nghệ thuật, Lan khai đã góp phần xóa đi bức tường ngăn cách giữa miền ngược với miền xuôi, giữa cộng đồng các dân tộc khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam. Nhà văn đã mang đến những trang viết của mình nhiều phẩm chất tinh túy của thi ca nhạc họa, những câu văn nhiều ánh sáng, màu sắc, âm thanh, gợi ra những trường cảm giác mới lạ.

3. Lan Khai - Nhà tiểu thuyết lịch sử

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu nước, con người Lan Khai đã mang trong mình lịch sử của quê hương đất nước. Nhà văn đồng thời cũng sống trọn thời kỳ lịch sử có nhiều sự kiện trọng đại. Lan Khai đã để lại một di sản lớn gần 30 tiểu thuyết lịch sử như: Gái thời loạn (1933), Chiếc ngai vàng (1935), Chàng đi theo nước (1935), Cái hột mận (1936), Ai lên phố Cát (1937), Chế Bồng Nga (1938), Chàng áo xanh (1938), Bóng cờ trắng trong sương mù (1938), Đỉnh non Thần (1940), Cưỡi đầu voi dữ (1940), Gửi cái xuân tàn (1941), Sầu lên ngọn ải (1941), Người thù mặt trời (1941), Trăng nước hồ Tây (1941), Treo bức chiến bào (1942), Trong cơn binh lửa (1942), Thành bại với anh hùng (1942), Tình ngoài muôn dm (1942), Rỡn sóng Bạch Đằng (1942,) Cánh buồm thoát tục (1942), Theo lớp mây đưa (1942), Ái tình và sự nghiệp (1942), Giấc mơ bạo chúa (1942)), Việt Nam- Ngươi đi đâu?(1941) v.v... Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai hình thành từ hai nguồn: lịch triều và dã sử. Đương thời, khi viết tiểu thuyết lịch sử, các nhà văn Nguyễn Tử Siêu, Nguyễn Triệu Luật, Phan Trần Chúc… nhằm tái hiện các sự kiện và nhân vật như nguyên mẫu, nhưng với Lan Khai, ngoài việc bám sát các tư liệu lịch sử, ông lại chọn cho mình một hướng đi riêng qua hư cấu nghệ thuật, thể hiện quan niệm mới có chiều sâu nhân bản. Đương thời việc tiếp nhận tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai đã có nhiều ý kiến đồng tình và phản đối khác nhau.

Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai là bức tranh về các triều đại được nhìn qua lăng kính của người nghệ sĩ ở thế kỷ XX trong thời kỳ cách tân tiểu thuyết. Đương thời Lan Khai đã từng tâm sự: “Viết về lịch sử, lấy người xưa việc cũ áp dụng vào chính sự và chiến sự nhằm nâng cao tinh thần dân tộc”[7]. Trong bài Thiên chức của văn sĩ Việt Nam trên Tao Đàn tạp chí số 5/1939, ông khẳng định: “Cái thiên chức của chúng ta là truyền giao dĩ vãng cho tương lai”1. Trong Lời giới thiệu cuốn sách Bà Chúa Chè của Nguyễn Triệu Luật, ông có viết: “Cũng như tôi, Nguyễn Triệu Luật viết tiểu thuyết lịch sử, nhưng khác với tôi, ông lại luôn chú trọng về sự thật trong khi tôi chỉ khuynh hướng về nghệ thuật. Đọc Gái thời loạn, Ai lên phố Cát, nếu người ta mơ màng say đắm với những gì có thể có được thì đọc Hòm đựng người, Bà Chúa Chè, người ta phải sống đầy đủ với những cái đã có thật”. Theo đó, viết tiểu thuyết lịch sử không chỉ khơi nguồn truyền thống, mà cần mở lối cách tân.

Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai bao quát nhiều sự kiện, nhưng ông chú ý hơn vào những triều đại có nhiều biến động như Lý, Trần, Lê, không chỉ nhằm tái hiện danh nhân và sự kiện mà khám phá từng con người với số phận riêng. Thế giới nhân vật của ông bao gồm đủ thành phần và lực lượng như: vua chúa, thái tử, thế tử, khanh tướng, người anh hùng, người phụ nữ trong hoàng tộc, thị tỳ, dân chúng, binh sĩ, kẻ cướp nước và bán nước... Tất cả liên hệ với nhau thành tổng hoà các mối quan hệ xã hội. Nhưng nhà văn lại đi sâu vào thế giới bên trong con người, đưa nhân vật trở về với cuộc sống đời thường.

Hình tượng những nhân vật thống trị của vương triều như vua chúa thế tử, thái tử, được tạo nên từ hai kiểu chân dung: nhân đức và bạo chúa.

Trong hàng ngũ bá vương có người tài cao đức rộng được dân chúng tin yêu như Lý Công Uẩn trong tiểu thuyết Cái hột mận, vốn là một vị tướng tài binh lược nhưng biết mình và hiểu rõ sức dân, luôn lo lắng cho lợi ích chung: “Sức một người khó lòng trọn vẹn” và mong muốn “mở ra cho nước Đại Cồ Việt ta một thời thái bình thịnh trị”. Khi thắng trận biết đối xử nhân đạo với kẻ thù nhằm “lấy đức phục nhân tâm”. Bên trong chiếc áo bào rực rỡ ánh hào quang, Công Uẩn cũng là một khách tình si, dễ xúc động trước vẻ đẹp quyến rũ của người phụ nữ.

Bên cạnh những nhân vật tài cao đức cả, Lan Khai cũng vẽ lên chân tướng của những vua chúa tàn ác và bạo ngược. Hình tượng vua Ngọa Triều là con quỷ dâm dục khát máu người: giết anh để đoạt ngôi, ham mê sắc dục đến điên loạn, “dùng lửa đốt người, lấy dao cứa thịt làm hình phạt”, “lột trần tuốt nứa”, róc mía đầu sư, trầm hà người lương thiện... Nhưng trước dung nhan trác tuyệt của người thiếu nữ, kẻ độc ác cũng thổ lộ lời yêu: “Ngày nay ái khanh đã biến trẫm thành một người, một người như hết thảy mọi người”. Nhân vật Trần Thủ Độ trong Chiếc ngai vàng với bao kế hiểm sâu. Bề ngoài là một quan võ lo việc chính triều, nhưng thực chất bên trong, Thủ Độ là người nắm quyền vương bá. Việc lập kế kết duyên giữa Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh chỉ là một tấn tuồng để Độ giành ngôi báu về tay nhà Trần. Độ nói thẳng ra: “Thiên hạ là của chung, ai khôn thì được chẳng phải riêng gì họ Lý”. Từng bước chiếm đoạt ngôi, Trần Thủ Độ lại ép Trần Cảnh phế bỏ ngôi Hoàng hậu của Chiêu Hoàng để lập người khác dẫn đến tan vỡ mối tình thiêng liêng của đôi lứa. Bạo quyền được xem là kẻ thù của tình yêu và hạnh phúc.

 Thành bại với anh hùng là tấn bi hài kịch về mâu thuẫn giữa hai thế lực vua chúa trong một triều đại. Nơi diễn ra cuộc xung đột quyền lực giữa thái tử và thế tử, giữa cung vua và phủ chúa. Thái tử Duy Vĩ kẻ có quyền hành nhưng thiếu mưu kế và sức mạnh, Thế tử Trịnh Sâm là kẻ chứa chất mưu gian và tham vọng uy quyền, nên trong con người này chất chồng tội ác, vu oan giá họa cho người, sẵn sàng dẫm đạp lên tình yêu và hạnh phúc của người khác, diệt trừ đồng loại không thương tiếc. Đồng hành với cái ác phải kể đến nhân vật Quận công Hoàng Ngũ Phúc là một kẻ cơ mưu xiểm nịnh, bề ngoài tỏ ý trung quân, nhưng bên trong “đổ dầu thêm vào lửa” để mối hận thù của thế tử và thái tử thêm cao, mặt khác Phúc không quên tẩy trừ những người trung nghĩa để thuận việc chuyên quyền. Trong Đỉnh non Thần, hình tượng Ma Vạn Thắng là một tù trưởng có nhiều hành vi đen tối, trái với lòng dân, cuối cùng đi đến một cái chết nhục nhã. Có thể thấy trong hàng ngũ thống trị cũng muôn hình muôn vẻ theo cách nhìn của cây bút Lan Khai.

Trong những trang tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai, hình tượng người anh hùng ở mọi tầng lớp, như Lý Công Uẩn (Cái ht mận), Vũ Biều, Vũ Mật, Lan Anh (Ai lên ph Cát), Nguyễn Huệ, Đỗ Quyên (Treo bức chiến bào), Trực, Lê (Chàng đi theo nước), Bàn Tuyết Hận (Đnh non Thần)... Lý Công Uẩn tài năng đức độ, dũng cảm, biết nhìn xa trông rộng, nhưng cũng là con người nhân ái và nhạy cảm. Vũ Biều, Vũ Mật xuất thân từ người lao động có tài năng và chí lớn, được nhân dân tôn kính. Họ xây thành đắp luỹ, mục đích phù Lê, chống Mạc để thống nhất giang sơn. Vũ Mật giỏi võ nghệ, xông pha trận mạc, có nội tâm phong phú, trong hoàn cảnh éo le vẫn tận trung với nước, vẫn vẹn tình với người yêu. Nhân vật Bàn Tuyết Hận trong Đỉnh non Thần vừa tinh thông võ nghệ vừa dũng cảm mưu trí trong chiến đấu, có tình mẫu tử cao đẹp. Cuộc tình giữa chàng với Nhạn Nhi được trải qua thử thách càng trở nên cao cả sáng trong. Tình yêu đã giúp họ vượt qua thù nhà để hướng về nợ nước. Tuyết Hận đã lên đường chiến đấu dũng cảm chống quân Pháp và ngã xuống hy sinh. Nhân vật Trực và Lê trong Chàng đi theo nước là những thanh niên yêu quê huơng đất nước, thương đồng bào, dũng cảm mưu trí chiến đấu chống giặc dữ. Ở họ có sự hài hoà giữa tình yêu đôi lứa với tình nghĩa quê hương. Khi rơi vào tay giặc câu nói của Trực đầy chí khí: “Giang sơn Việt Nam gặp phải hồi điên đảo, nhưng tâm hồn người Việt Nam còn mạnh mẽ hăng hái, còn thiết tha muốn sống thì không lo gì”. Hình tượng Lê một mình vào trại giặc để cứu người nghĩa dũng cũng nói lên tinh thần bất khuất từ truyền thống dân tộc.

Hình tượng người phụ nữ anh hùng của Lan Khai mang nhiều phẩm chất đẹp. Nhân vật Lan Anh trong Ai lên phố Cát với chí hướng phù Lê, phản Mạc mà giả trai làm chàng Văn Trung, thân gái dặm trường tìm gặp anh em Biều Vương liên kết trừ Mạc. Cuộc tình giữa Lan Anh và Vũ Mật đến tự nhiên rồi trải qua sóng gió. Người nữ tướng xông pha trận mạc ấy cũng là một con người đa tình đa cảm, khi yêu mới hiểu “bản chất đàn bà, hiểu dục tình”, “bồi hồi mê ảo” và cảm thấy như “người mù chợt thấy ánh sáng”, khi thất vọng cũng khổ đau giằng xé tâm can. Là người anh hùng nhưng Lan Anh cũng mang đầy thiên tính nữ. Truyện Treo bức chiến bào kể về hình tượng thiếu nữ anh hùng Đỗ Quyên, tài võ nghệ, có chí lớn, cải trang thành một đấng nam nhi vào đất Quảng tìm gặp người anh hùng Nguyễn Huệ. Là một vị tướng tài mưu trí và dũng cảm, nàng lập nhiều chiến công được trao gươm báu, giúp Nguyễn Huệ trong lúc nguy nan và giành nhiều thắng lợi. Tình yêu trong Đỗ Quyên thức dậy trước người anh hùng Nguyễn Huệ với những cảm xúc trong trắng thơ ngây. Nhưng rồi thất vọng đến với nàng, Nguyễn Huệ đã kết duyên với công chúa Ngọc Hân, Đỗ Quyên treo bức chiến bào lặng lẽ ra đi mang theo một con tim tê tái, Nguyễn Huệ đã cho tìm “chàng áo xanh” khắp nơi nhưng không gặp. Nàng ra đi để lại niềm nuối tiếc khôn nguôi trong lòng người ở lại.

 Thế giới nhân vật người phụ nữ trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai rất đa dạng, từ trong hoàng tộc đến cung nữ, thường dân và dân tộc thiểu số như Lý Chiêu Hoàng, Thái Hậu, Dương Hậu, Bội Ngọc, Đỗ Quyên, Lan Anh, Thục Nương, a hoàn, Cẩm Thị Dung... Tuy có những hoàn cảnh và địa vị, tính cách khác nhau, nhưng họ đều gặp nhau ở thiên tính nữ. Trong Chiếc ngai vàng, Chiêu Hoàng ở vị thế Quốc vương, nhưng trong sáng thơ ngây. Trong tình yêu với Trần Cảnh, vua bà cũng say đắm chân thành và khát khao làm vợ, khi kết duyên rồi cũng hồn nhiên nhường ngôi cho chồng, mà không chút mảy may, số phận đã nằm trong tay Trần Thủ Độ. Hình tượng Thái hậu một con người phú quý, đủ đầy gấm vóc, nhưng trống vắng tình yêu, sống trong cô đơn, buồn tủi, khi người chồng là một đức vua bỏ đi tu, nỗi khát khao trần thế khiến Thái hậu chủ động ngã vào vòng tay Trần Thủ Độ. Nhân vật Dương Hậu trong Cái hột mận cũng là một phụ nữ khát khao tình yêu và hạnh phúc, dám quên đi cái bổn phận vương phi mê say Lý Công Uẩn - một vũ tướng tài ba trẻ tuổi. Để thỏa dục tình, Hậu cũng sẵn sàng làm những điều phản trắc. Phải chăng, trong giàu sang phú quý chưa hẳn con người đã đủ đầy hạnh phúc, một khi dục vọng trần thế vẫn trong vòng cương tỏa của những lễ nghi hà khắc. Giải phóng con người bản năng là một nhu cầu tồn tại. Hình tượng Bội Ngọc là một bức chân dung đẹp, người thiếu nữ sống trong nhung lụa, nhưng có tâm hồn cao cả, biết chọn người mình yêu. Thủy chung với Lý Công Uẩn, nàng phải đối mặt với Ngọa Triều, dám chống lại bạo quyền để dẫn tới cái án “lột trần tuốt nứa”.

 Hình tượng những người cung nữ cũng gây nhiều ấn tượng. Họ là những người có địa vị thấp hèn chuyên hầu hạ bá vương và hoàng tộc, công việc nhọc nhằn và nguy hiểm, như người thị nữ của Dương Hậu vì sơ suất khi tắm cho bà đã bị Hậu dùng xiêm ngọc chọc thủng tay và bị tống giam xuống lãnh cung. Người cung nữ Cẩm Thị Dung trẻ đẹp, đàn hay nhưng ứng xử không hợp lễ nghi, bị vua lăng nhục là “giống Mán Mường ăn cóc chết” và khi nàng hỏi lại vua “Mán Mường không có hào kiệt chăng?” Lập tức người phụ nữ này rơi vào hình phạt: bàn tay bị đóng đinh vào gốc cây tùng để nhận lệnh chém đầu.

Hình tượng Thục Nương trong Gái thời loạn là một thường dân có nhan sắc, nết na không may rơi vào tay giặc Cờ Đen thành thân phận nô tỳ. Là người hiếu thảo thông minh nên nàng đã cảm hóa được kẻ thù, khiến Hoàng Thiếu Hoa - tướng giặc Cờ Đen hối hận. Câu nói vĩnh biệt người yêu mình của Thục Nương mang một ý nghĩ sâu sắc: “Hoàng Lang! Vâng, Em yêu chàng lắm! Em thương chàng lắm! Nhưng mà, trời ơi! Trước hết em còn phải là một người con của mẹ, một người dân của nước Nam”! Tác giả đã dành nhiều tâm huyết viết về số phận những người phụ nữ, cho dù ở địa vị nào, họ đều mong muốn được tự do, khát khao được yêu thương hạnh phúc, sống và làm đẹp cho đời. Ở họ ý thức về con người trần thế bản năng luôn vượt thoát con người của cương thường giáo lý.

Trong tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai còn xuất hiện hình tượng các nhân vật là quần chúng và binh lính đông như sóng nước. Mặc dù có mờ nhạt về tính danh, nhưng mỗi lần họ xuất hiện đều gắn liền với sức mạnh và những biến cố lớn lao. Trong Cái hột mận, khi vua Ngọa Triều bị lật đổ: “Nhân dân thắp đèn đốt đuốc kéo nhau đi chào đón đội quân chiến thắng... Hết thảy đều hát to những khúc hát hùng hồn, reo hô vạn tuế!”. Hay việc nhân dân kính trọng tài đức của Vũ Biều rồi tôn vinh ông làm Chúa Bầu cũng đều nói lên quan niệm lấy dân làm gốc (Ai lên phố Cát).

Trong bức tranh về lịch sử của Lan Khai, còn xuất hiện hình tượng kẻ thù cướp nước và bán nước, đó là giặc phương Bắc và thực dân Pháp. Trong Gái thời loạnĐỉnh non Thần, hình tượng quân đội Pháp được thể hiện ở sức mạnh vũ khí và lực lượng nhưng chân dung từng tên xâm lược chưa rõ nét, còn chân tướng những tên giặc Cờ Đen và bọn Việt gian thì khá rõ. Hình tượng hai tên tướng Ả Dúc và Woòng Tsi trong Chàng đi theo nước là những tên cướp nhà nghề ham tửu sắc, kiêu căng và hiểm độc. Khi chúng xuất hiện: “Đàn bà, trẻ nít, người gọi con, kẻ khóc mẹ, tan tác như gà thấy quạ”. Nhân vật Lày Sập Trưởng trong Gái thời loạn hiện nguyên hình là một kẻ khát máu người: “Tung đứa trẻ lên nóc nhà đoạn đưa mũi gươm ra đón”, chém đầu dân vô tội. Tên giặc cờ đen trong Trong cơn binh lửa lấy dùi nung đỏ đốt người lương thiện làm trò vui... Nhưng trong hàng ngũ quân xâm lược, vẫn còn kẻ có tính người, mang trong lòng sự phản chiến, họ là những nạn nhân của chiến tranh. Nhân vật Hoàng Thiếu Hoa trong Gái thi loạn trước người thiếu nữ đất Việt cũng rung ðộng yêu thương và bất bình hổ thẹn với người thân trong đội quân xâm lược. Khi giác ngộ về tình yêu và tội ác, Hoàng đã hối hận quyên sinh. Hình tượng những tên tay sai bán nước hại dân được khắc họa như ba mẹ con Chánh Ú là những kẻ chỉ điểm gây bao tội ác với dân lành, rồi chính kẻ xâm lược đã kết liễu đời chó săn của chúng.

Hình tượng kẻ xâm lược và tay sai, dưới ngòi bút của Lan Khai là bóng tối của lịch sử, nơi diễn ra những bi kịch của sự sống, chỉ có tình yêu đôi lứa và lòng yêu nước là ngọn lửa không bao giờ tắt. Tiểu thuyết lịch sử của Lan Khai đã đem đến cái nhìn mới về bản chất xã hội của con người. Số lượng nhân vật trong mỗi tác phẩm không nhiều, nhưng chi tiết phong phú gây ấn tượng ở việc xây dựng tính cách, tạo tình huống bất ngờ, kết hợp với lời thuật linh hoạt, sử dụng từ ngữ mang dấu ấn lịch sử, phép lạ hóa ngôn từ, dùng biệt ngữ và địa danh, kết hợp các tư liệu lịch triều và dã sử làm cho những bức tranh trong tiểu thuyết của ông sinh động nhiều màu sắc. Lan Khai là nhà văn đầu tiên làm mới tiểu thuyết lịch sử ở Việt Nam.

4. Lan Khai - Nhà văn viết truyện ngắn, ký, thơ ca và dịch thuật

4.1 Vào những năm ba mươi trên các tờ báo như: Loa, Ngọ Báo, Đông Pháp, Đông Tây, Phổ thông bán nguyệt san... xuất hiện những bài bút ký, truyện ngắn, những bản dịch và những bài sưu tầm dân ca với các bút danh: Lan Khai, Thục Oanh, Lâm Tuyền Khách, Lô Giang Khách. Nhà văn Vũ Ngọc Phan nhận xét: “Lan Khai có cây bút tài tình để viết truyện ngắn. Không hiểu sao ông lại chỉ viết có tập Truyện đường rừng? Thật đáng tiếc!”. Trong thực tế Lan Khai muốn dồn tâm trí của mình nhiều hơn ở đề tài tiểu thuyết. Song truyện ngắn của ông không kém phần hấp dẫn, gồm hai loại: truyện ngắn đường rừng; truyện ngắn tâm lý xã hội. Về truyện ngắn tâm lí xã hội như tập Lẩn sự đời (1934) gồm 5 truyện: Ln sự đời, Giông tố, Bỡn cợt với tình, Một việc tự tư, Vì cánh hoa trôi cùng nhiều truyện ngắn ở các tờ báo khác như Nơi ước hẹn trên Đông Phương (1934); Anh Sẩm, Thằng Gầy, Cái của nợ, Cô Bụt, Khóc thông reo trên Ngọ báo (1934); Kiếp con tằm, Khổ tình, Chung tình trên Loa (1935). Về truyện ngắn đường rừng có tập Truyện đường rừng (1940) và các truyện ngắn đăng trên nhiều tờ báo khác nhau như Ngọ báo, Đông Pháp (như đã trình bày ở trên).

Tập Lẩn sự đời tập trung vào một số ấn tượng và tình huống éo le của cuộc sống. Câu chuyện Ln sự đời, kể về cuộc tình hạnh phúc giữa một cô gái mù có giọng hát hay với một chàng họa sĩ có tâm hồn đa cảm yêu sự trong sáng ở đời. Giông tố kể về cuộc chia lìa hạnh phúc của hai vợ chồng, khi người phụ nữ nhận ra cái giá của tình yêu cũng là lúc người chồng tắt thở. Bỡn cợt với tình là một câu chuyện tình trớ trêu của một chàng trai nông nổi với hai người phụ nữ khác nhau về địa vị dẫn tới một màn kịch bi hài. Một việc tự tử kể về bi kịch nghèo khổ và nô lệ của đôi tình nhân; một gái lầu xanh khát khao lương thiện với một tài xế làm thuê ước ao no ấm và hạnh phúc, khi giác ngộ về sự sống, họ cùng nhau tìm đến cái chết để giải thoát. Vì cánh hoa trôi là câu chuyện đi tìm hài cốt gian nan của một người góa phụ, trên đường về quê hương đi qua dòng nước lũ, khi nàng đang cố vớt những cánh hoa trôi, không may tuột tay dòng nước cuốn nắm xương tàn đi mất. Nơi ước hẹn là bức tranh về nghịch cảnh của người nghệ sĩ phải bán rẻ tài hoa cho chủ trong quan hệ đồng tiền lạnh lẽo. Kiếp con tằm là bức tranh về bi kịch tinh thần của người nghệ sĩ, vì cơm áo phải làm thuê cho chủ, thiếu quyền tự do sáng tạo, nhưng trong khi bấn bách nhất vẫn hiểu rõ thiên chức của người cầm bút. Khổ tình là câu chuyện về tình yêu của hai chính trị phạm Thu và Thanh trong nhà tù của đế quốc, họ giã biệt nhau trong nước mắt, khi người thiếu phụ được ra khỏi nhà tù để chờ đón tử thần. Chung tình là những trăn trở của một thiếu phụ về hạnh phúc gia đình có người chồng là nghệ sĩ ưa phóng khoáng trước cuộc sống không ngừng biến đổi. Các câu chuyện Anh sẩm, Thằng gầy, Cái của nợ vẽ lên hình tượng những con người bần cùng, bất hạnh, khát thèm cơm áo và tình thương, nhưng phải sống cù bất cù bơ của kiếp đời thừa. Trong đó Thằng Gầy là bức tranh đầy xúc động về bi kịch của một đứa trẻ bần cùng, thiếu tình đồng loại... Đó là những câu chuyện đơn giản, nhưng giàu tính hiện thực đi sâu vào những nét tâm lý đời thường, dễ đồng cảm với bạn đọc.

4.2 Con đường của nghệ sĩ Lan Khai khởi nguồn từ hội họa và những trang ký trong cuộc hành trình vào nghệ thuật. Ghi chép mọi biến thái quanh mình đã thành một thói quen của cuộc đời ông, ngay cả lúc bị giam cầm trong tù ngục. Trở lại những dòng ký bảy thập niên qua càng hiểu rõ hơn bức chân dung nhiều vẻ về nghệ sĩ Lan Khai: Trường hận ca về sự chết (1933), Sáu năm cách biệt, nay hồi cố hương (1933, viết cùng Yên Sơn), Thầy đồ tôi (1933), Viếng cô Hồng Yến (1933), Cháu tôi chết (1933), Tập hồi ký nhan đ 8023 (viết 1930-1932 in 1935), Biệt ly (1934) cùng các tác phẩm ký khác như Cánh hoa mua (1929, in 1935), Con ngựa hồng của tôi (1930 in 1935), Một cuộc săn đêm (1935), Đau và chết (1939)... Đó là những bức tranh chân thực về cuộc sống và những mảnh đời nghệ sĩ Lan Khai. Do đó không dễ dàng phân biệt giữa tự truyện và ký trong nhiều trang viết của ông. Các tác phẩm ký viết trong năm 1933 xoay quanh những biến cố của gia đình, bản thân và quê hương tác giả, mang cảm hứng hoài niệm đôi khi có màu sắc bi quan. Tập hồi ký 8023 được ông hoàn thành sau khi ra tù (Con số 8023 là số hiệu tù được gắn lên ngực áo của ông cùng bức họa trên trang đầu tập ký báo Loa ngày 18, juilet 1935).

 Tp hồi ký 8023 đã tái hiện lại những ngày đầu tiên Lan Khai gia nhập Quốc dân đảng do lãnh tụ Nguyễn Thái Học lãnh đạo cùng những hoạt động sôi nổi của tổ chức yêu nước chống Pháp từ Sơn Trại Đoan Hùng (Phú Thọ) đến các cơ sở Đảng trong nước rồi bị thực dân Pháp bắt giam. Ông từng tham gia vào “bộ óc của Đảng” cùng tuyên thề chiến đấu hy sinh cho Tổ quốc. Qua những trang viết này giúp ta biết thêm về chân dung những người cách mạng như Nguyễn Thái Học, Trần Huy Liệu... vào những năm 1928-1930 của thế kỷ đã qua. Tập hồi ký lịch sử, được viết bằng một ngôn ngữ văn chương truyền cảm và hấp dẫn với những chất liệu hiện thực phong phú và những chi tiết nghệ thuật sinh động. Chẳng hạn đoạn văn mô tả tâm trạng ngày đầu Lan Khai đến với Đảng tràn đầy hy vọng: “Tiếng gà rừng gáy vang. Đằng xa, trên góc trời Đông mây mù rách ra một mảng lớn để cho mắt ta thoáng nhìn thấy sắc bình minh rực rỡ, bao nhiêu suy nghĩ u ám của tôi bỗng tan hết”. Hay đoạn phác họa Trần Huy Liệu: “Ông L. với cái bộ hùng hồn quá nhăn nhó, với cái miệng cười treo một đầu mép lên mang tai...”. Qua những trang ký cho thấy phần nào ý nghĩ và chân dung của những người trí thức yêu nước cùng với không khí sục sôi tranh đấu giành tự do cho Tổ quốc từ cuối những năm 20 sang đầu năm 30 của thế kỷ XX. Qua cuộc đấu tranh sinh tử đó, nhiều chiến sĩ đã phải lên đoạn đầu đài. Tập hồi ký bắt đầu in từ số 74 thứ Năm ngày18 juilet 935 đến số 78 thứ Năm ngày 15 Aout 1935 được 4 chương thì dừng lại, do nhiều nguyên nhân: Một số đồng chí của Đảng vẫn còn bí mật hoạt động, mặt khác là sự kiểm duyệt khá gắt gao của nhà cầm quyền Pháp.

Biệt ly là một tập bút ký (1934) viết về thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành của Nguyễn Đình Khải kể về những kỷ niệm sâu lắng và cảm động của anh trong một lần về thăm lại nơi chôn nhau cắt rốn của mình, gặp lại thầy xưa bạn cũ, người thân cùng cảnh vật thiên nhiên nơi sông Gấm núi Thần. Trong đó có đoạn ghi: “Sinh trưởng ở nơi sông lam núi biếc ấy, hàng ngày được thở hít một thứ không khí thân mật, tiếp xúc với những giống người chất phác thế mà bỗng phải ra đi, về chốn thị thành đô hội, tôi băn khoăn tiếc nhớ biết từng nào! Ngay bây giờ, mỗi khi có ai nhắc tới Chiêm Hóa, lòng tôi buồn rầu ngao ngán bao nhiêu”! Hình ảnh thầy Nguyễn Văn Bảng luôn như nguồn ánh sáng vào đời của nhà văn: “Thầy tôi còn dặn tôi nhiều câu nữa về đạo tu thân, xử thế, lập chí, luyện hồn và khuyên tôi cố trở nên người khá giả như lòng thầy đã nguyện vọng cho tôi... Chính người đã trước nhất giảng cho tôi vỡ cái lẽ phải tôn trọng quốc văn”...

 Về tuổi thơ và tình bạn có đoạn viết: “Hiện giờ chỉ biết là sắp phải đi xa, sắp phải từ giã hết thảy, từ giã cảnh thiên nhiên, trong đó linh hồn tôi đã nhuộm được lắm màu thanh vẻ lịch, từ giã hết thảy những người bạn Thổ Mán vẫn trọ ở nhà tôi những ngày phiên chợ, mỗi lần về lại làm quà cho tôi một gói cơm gạo nương, một giỏ “mác nọt” hay mấy cành hoa lạ hái trong rừng, từ giã những cảnh hội hè sặc sỡ, những buổi phụ đồng nàng Cuôi dưới ánh trăng thu, từ giã cả cái nhà tranh đã thấy tôi ra đời, đã cho trái tim non của tôi biết rung động vì cảm vẻ đẹp vẻ thơ...”.

 Cánh hoa mua Con ngựa hồng của tôi là những bức tranh tiếp với Biệt ly, nói lên những kỷ niệm của nhà văn thời niên thiếu sống với mẹ cha ở tỉnh lị Tuyên Quang. Tác giả nhớ về những bông hoa mua người cha đã tặng mình gần 20 năm vẫn còn in cảm giác. Tình yêu loài vật như người bạn tri âm và nỗi buồn thương khi con vật hữu ích qua đời. Những trang ký của ông thường bồi hồi xúc cảm gợi về những kỷ niệm đã qua, lời văn nhẹ nhàng phảng phất âm điệu thi ca. Với ông, gia đình và tuổi thơ luôn là nguồn cảm hứng dâng trào trong sáng tạo.

4.3 Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Lan Khai không ước vọng thành một nhà thơ, nhưng thơ ca lại đến với ông một cách hồn nhiên chân thực. Trong di cảo của ông còn lại một số bài thơ như Chờ mẹ, Chiều, Quê ta, Dòng huyết lệ, Tiếng hát xa, Tiếc xuân, Cõi Tiên, Tiếng hát làm dâu... với nhiều cảm xúc khác nhau. Đó là những xúc cảm hồn nhiên trong sáng thơ ngây của đứa trẻ trong chiều đợi mẹ:

 Sông chiều nay rộng thế

 Sao không về bầm ơi!

 (Chờ mẹ)

Có khi là bức tranh hoàng hôn xuống:

 Chim rừng bay như khói

 Bà Lô vẫn thầm thì

 Ông Giùm[1]ngồi nghĩ ngợi

 Như một nhà tiên tri

(Chiều)

Khi lại là những vần thơ mộc mạc về quê hương:

 Ta yêu cảnh non cao rừng thẳm

 Ta yêu tiếng suối rơi thánh thót năm canh

 Tiếng chim mừng hoa sớm, vượn đón trăng thanh

 Ta yêu sắc hoa bướm trắng tinh, sắc hoa mua tím phớt

 Ta yêu những dịp krèng, điệu hát nồng nàn

 Những đêm lạnh mơ màng quanh bếp lửa.

(Quê ta)

Có bài thơ là những lời tâm sự với bạn bè về thế sự:

 Đói không ăn vụng túng chẳng càn

 Trơ cái hồng nhan giữa thế gian

(Dòng huyết lệ, Gửi Trần Huyền Trân, 1940)

Đương thời ông còn bộc lộ sở trường sáng tác và ứng tác những câu đối để lại nhiều ấn tượng về tình yêu về đạo lý: như câu đối vịnh người say rượu, viếng bạn qua đời... Chẳng hạn, câu đối viếng Vũ Trọng Phụng của Lan Khai đọc trước phút giây vĩnh biệt người bạn thân yêu nhất của mình, đăng trên tạp chí Tao Đàn ngày 14-11-1939:

 Thằng Phụng chết rồi, đau nhé Lan Khai, ngồi nhớ bạn, xem hình, lòng mủi lệ

 Bọn mình sống sót, nói như Nguyễn Vĩ: muốn lập đền, xây tượng, túi không xu

Trong sáng tạo, Lâm Tuyền Khách dồn tâm huyết vào mạch cảm hứng tình yêu và những nỗi buồn vui, cay đắng nhất của đời người. Vì thế văn chương của ông thấm đẫm chất trữ tình.

4.4 Nhìn sang mảng dịch thuật, cho thấy dường như người nghệ sĩ này luôn tham vọng làm tất cả những gì cần thiết cho văn chương nghệ thuật. Ông vừa sưu tầm vừa chuyển dịch những văn bản văn học các dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài sang tiếng Việt một cách nhuần nhị đem đến nhiều thông tin mới cho bạn đọc. Chẳng hạn bài dân ca Tày được Lâm Tuyền Khách phiên âm và dịch sang tiếng Việt như sau:

 Chang khin nòn bố đắc

 Đẩy nhìn tiểng khảm khắc loọng sói

 Khảm khắc bố đo đôi mìn loọng

 Y như lầu xét toọng đuổi căn.

 Đêm khuuya ngủ chẳng được say

 Nghe chim khảm khắc nó bay gọi đàn

 Chim kia còn biết gọi đàn

 Buồng không bóng lẻ can tràng nấu nung.

Có khi lại là bài dân ca bằng tiếng Gia Rai được phiên âm và chuyển sang tiếng Việt một cách sinh động mượt mà:

 Iuh nang e

 Tơ klek adel

 Tơ klok amrẽ

 Chrẽ tô oa

 Tóng de kra Rua an

 Iuh oa krăm hloi...

 Thương chàng lắm lắm, chàng ơi!

 Cơm canh chẳng thiết, đứng ngồi không an

 Lượng trên dù bắt lỡ làng

 Thiếp xin liều cái hồng nhan với tình!

Dạy học, dịch sách và viết văn là công việc đồng hành của Lan Khai, ông cũng từng nói ra kinh nghiệm làm giàu tri thức: “Muốn giỏi ngoại ngữ thì phải dịch sách nhiều” (Mưa xuân). Ông từng dịch về các tác gia Anđrêgit, Lev Tolxtoi, Stêphan Zweig, Romain Rolland, Đôxtôiepxky, Phêlixiêng Sale, E. Dôla... Các bản dịch Pháp văn của ông thường là những tác phẩm văn học hoặc những bài báo, hay sách kinh điển, được viện dẫn linh hoạt trong các bài nghị luận về văn học về giáo dục và lý luận nói chung. Ý thức tiếp thu văn hoá từ nguyên tác đã làm cho những bài viết của ông có tính thuyết phục cao. Chẳng hạn trong bài Cn một ông trờiTính cách Việt Nam trong văn chương (1939), Lan Khai đã dịch ý kiến của Dostoievxky (Nga) và Boissière (Pháp), để chứng minh cho niềm tin của một dân tộc là truyền thống yêu nước. Để chống lại lối giáo dục vong bản của bọn thực dân, Lan Khai dịch bài Nụ cười và nước mắt của một hạng thanh niên (Sourires et Larmes d’ une Jeunesse) của Nguyễn Mạnh Tường ra tiếng Việt để thức tỉnh mọi người. Ông dịch quan niệm văn học của Romain Roland, Ban Zac, Zola để phê phán lối viết văn trống rỗng, nghèo nàn và những cây bút chạy theo lợi nhuận đương thời. Ngoài ra, ông còn chuyển dịch một số những ngạn ngữ, điển tích, bài báo từ Hán văn sang tiếng Việt.

5. Lan Khai - Nhà lý luận, phê bình và nghiên cứu văn học

5.1 Bên cạnh vị trí một tác gia lớn của nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, Lan Khai còn là một cây bút nghiên cứu, lý luận và phê bình sắc bén có ảnh hưởng mạnh mẽ với đương thời và sau này. Quan niệm nghệ thuật của ông tập trung trong những tác phẩm như: Tài hoa... cái luỵ ngàn đời; Tình vi cảnh (1934); Đp; Nguồn cảm hứng của thi nhân; Âm điệu mới (1935); Cần một ông trời; Tính cách Việt Nam trong văn chương; Cảm tưởng về sách dạy hát của nhạc sĩ Nguyễn Văn Diệp; Thiên chức của văn sĩ Việt Nam; Cái nguy mất gốc; Gửi một bạn trẻ muốn theo đuổi nghề viết văn; Một niềm tin cần phải có; Bàn qua về nghệ thuật; Một quan niệm về văn chương; Phác họa hình dung và tâm tính thi sĩ Tn Đà; Con người Vũ Trọng Phụng (1939); Gió núi trăng ngàn (1933) Những câu hát xanh (1937); Cái đẹp với nghệ thuật (1940); Lê Văn Trương (1940); Vũ Trọng Phụng (1941)...

Tất cả các vấn đề về nghệ thuật và nhân sinh của Lan Khai thể hiện trong những bài viết và chuyên luận, hoặc đan xen trong nhiều trang tiểu thuyết, tạo thành một hệ thống quan niệm phong phú. Trong đó nổi bật lên là vấn đề tính dân tộc và con đường cách tân văn nghệ; vai trò của nhà văn và nền văn nghệ tương lai; mối quan hệ giữa mỹ học và nghệ thuật, văn hóa với văn học; vấn đề văn học dân gian các dân tộc thiểu số…

Trong xã hội thuộc địa, Lan Khai đặc biệt đề cao tinh thần dân tộc đối với nhà văn. Trong bài Tính cách Việt Nam trong văn chương ông khẳng định: “Văn sĩ là cái hạng do tài năng và do từng trải do học thức, đã được nhận là những tay thông ngôn cho sự cảm nghĩ của người, lẩn sau cái tính riêng của từng dân tộc”[8]. Theo ông, nhà văn phải mang trong mình dòng máu dân tộc, là sợi dây liên lạc tâm hồn con người, còn phải hiểu biết sâu sắc về truyền thống yêu nước và văn hiến cao đẹp của tổ tiên: “Cái dân tộc thực thà, vui vẻ không cố oán, không lếu láo, không trục lợi, không mờ quáng trong khi tin, có can đảm, trung thành, tận tâm, khinh sợ chết, có một sức sống phi thường và tin ở sự lâu bền ở nòi giống mình, cái dân tộc... đã có những đứa con như Trưng Trắc, Triệu Ẩu, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Huệ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, cái dân tộc đáng được người ta hiểu lắm chứ, hiểu để mà yêu mến nếu không kính trọng”[9]. Khi thấu hiểu về truyền thống dân tộc, nhà văn phải là nhà giáo dục: “Cái thiên chức của chúng ta là truyền giao dĩ vãng cho tương lai. Bằng cách nào? Bằng cách nhận chân và phát huy các khả năng của nòi giống tiềm tàng trong mình ta để dùng làm hồ, làm vữa tạo nên lớp người sau này có thể giúp ích cho nhân loại”. Muốn có tương lai tươi sáng phải hiểu rõ cội nguồn tốt đẹp, đó là tầm nhìn xa rộng của cây bút Lan Khai. Trong hai bài viết Cn có một ông trờiMt lòng tin cần phải có trên tạp chí Tao Đàn năm 1939, ông cho biết mỗi dân tộc có niềm tin riêng. Với dân tộc ta, truyền thống yêu nước vĩ đại trong lịch sử là sức mạnh tiềm ẩn như một thứ đức tin của dân tộc.

 Khi đất nước có nhiều mối giao lưu ảnh hưởng với bên ngoài, ông chủ trương tiếp thu sàng lọc: “Chúng ta còn phải nhận xét kỹ lưỡng cái phần mà văn minh Tây phương đã để lại trong tâm hồn ta và cái căn bản Việt Nam, phản động[10] hay thừa nhận cái phần ấy như thế nào, để có thể định rõ thái độ của ta trước thế giới. Đây là một vấn đề nó làm đầu mối cho cuộc sống của ta, làm sự mất còn cho dân tộc ta vậy”. Đó là cái nhìn luôn vận động, kế thừa văn minh thế giới phải phù hợp với truyền thống và lợi ích dân tộc để không ngừng đi tới. Khi theo dõi ý kiến của André Gide - nhà văn Pháp tại Hội nghị Quốc tế năm 1935: “Ngày nay vấn đề cốt yếu là tạo ra một nhân loại mới”, Lan Khai đã đáp lại: “Tôi muốn nói khác: Ngày nay vấn đề cốt yếu của chúng ta là tạo ra cho cuộc đời tương lai một lớp người Việt Nam mới, bằng những khả năng của dân tộc”. Sự tương phản ý kiến trên cho thấy, không thể có một nhân loại chung chung, mà nhân loại được xuất phát từ nhiều dân tộc.

Qua hoạt động văn học, nhà văn phải góp phần hình thành con người mới Việt Nam mang tinh hoa truyền thống. Chống lại lối giáo dục vong bản của bọn thực dân, trong bài Cái nguy mất gốc, Lan khai viết: “Cái ách nạn đáng sợ nhất cho một dân tộc chính là sự thôn tính về tinh thần”. Muốn cho văn chương có sức sống lâu dài, nhà văn không chỉ chú ý nội dung hay mà cần tạo ra hình thức đẹp. Trong bài Một quan niệm về văn chương số 7-1939 trên tạp chí Tao Đàn, Lan Khai đề cao ý thức trau dồi ngôn ngữ của người cầm bút và yêu cầu nhà văn cần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt: “Tiếng Việt Nam từ trước vẫn bị chểnh mảng. Nó gần thành ra như một con ngựa rừng. Cái bổn phận của văn sĩ Việt Nam là phải thu phục con ngựa bất kham ấy làm cho nó trở nên thuần thục đi... Tôi rất phản đối nhà văn nào nói: “Viết văn chỉ cần đạt ý tình, chẳng cần phải trau chuốt gì cả”. Đồng thời ông cũng đề cao những cái độc đáo của nhà văn: “Văn tức là người, cái đặc sắc của văn sĩ chính là cái riêng để diễn tả tư tưởng và tình cảm của mình vậy”. Khi nhận định về Hồ Xuân Hương, tác giả cho rằng: Đây là “áng thiên tài quái dị nhất trong thi giới Việt Nam”[11]. Song nhân tài trong lịch sử thường rơi vào bất hạnh, Lan Khai viết “Tài hoa… cái lụy ngàn đời” (1934) để nói lên thực tế phũ phàng của những người cầm bút đương thời. Trong Mực mài nước mắt (1941), Lan Khai coi nhà văn như nguồn ánh sáng trí tuệ, nhưng phải được tự do sáng tác: “Sự độc lập của ngòi bút là một cái gì cần được tôn trọng...” và “Kể trong ngàn vạn trạng thái nô lệ, sự nô lệ tinh thần là cái nguy hiểm nhất bởi khó gỡ”...

Ông cũng vạch ra những mặt trái về lối sống của những người cầm bút như thói quen “lười biếng và nguội lạnh”, thói lập dị như “Phải rượu say chết thôi, rồi đập phá, rồi nói đểu, rồi nôn, rồi cười như một lũ rồ trên đống mảnh vụn của bát đĩa... Sự ghét ghen, sự bới xấu và sự vu cáo nữa, tất cả đã thành những thứ tiền thông bảo trong cái thế giới nhà văn chúng ta. Cái thói hèn mạt ấy không có gì khó hiểu. Ấy chỉ là do sự nhận lầm cái sứ mệnh văn nhân của chúng ta mà ra”. Người nghệ sĩ theo Lan Khai cần phải có nhân cách trong sáng trước cuộc đời và rất cần đến một thứ văn hóa nhà văn. Trong xã hội thuộc địa, Lan khai nêu vấn đề cách mạng về văn nghệ: ”Ta phải tạo ra tương lai, chính thế! Bằng cách nào? Bằng cách phá hoại cho bằng hết những ảnh hưởng còn sót lại ở ta của cái thế giới cũ, và tự biến đổi ta thành những người mới, khả dĩ ứng dụng cho sự xây dựng một tân văn hoá”[12]...

Quan niệm phê bình của Lan Khai là luôn gắn liền văn và đời nghệ sĩ. Trong bài Phác họa hình dung và tâm tính thi sĩ Tn Đà (1939), tác giả cho hay: Chân dung nghệ sĩ trong văn chương thường đẹp hơn nghệ sĩ ngoài đời, nhưng chân dung nghệ sĩ ngoài đời sinh động hơn ở văn chương. Theo ông “Tản Đà là một nghệ sĩ trong sạch, rất người, con người mang cái tâm hồn Á Đông còn sót lại. Nghệ sĩ như vậy “Người mất mà những câu thơ êm đềm thanh tú còn và sẽ còn văng vẳng bên sườn non Tản, trên mặt sông Đà, văng vẳng mãi trên non sông Việt Nam”. Người nghệ sĩ thường có những cá tính độc đáo, đôi khi đến dị thường, nhưng căn bản phải có một tâm hồn lành mạnh. Các tác phẩm phê bình như Con người Vũ Trọng Phụng (1939) và Vũ Trọng Phụng (1941) cho thấy Lan Khai có cái nhìn toàn diện về một tài năng: “Con người là sản vật của gia đình, của hoàn cảnh, của giáo dục, của tập quán, của tín ngưỡng, của bệnh tật và các điều kiện vật chất trong đó nó sống”. Cuộc đời Vũ Trọng Phụng có nhiều bất hạnh, xã hội có nhiều điều đen bạc, nên tác động đến những trang viết của ông: “Đọc tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trong đó ta thấy lúc nhúc một nhân loại đen tối ngu xuẩn, ích kỷ, tàn nhẫn và đầy bệnh tật về thể xác cũng như về tinh thần”... Lan Khai cũng cho hay, nhiều tài năng bắt nguồn từ người mẹ, Vũ Trọng Phụng sớm mồ côi cha nhưng có một người mẹ “yêu con một cách mênh mông và dịu dàng biết chừng nào”! Đây là một nhà văn “anh đã rất thành thực với anh trước khi thành thực với độc giả... Anh đã có can đảm là anh trong khi phần đông các nhà văn khác đã chỉ dám đua đòi phỏng chép, nghĩa là không thành thực. Quả vậy, trong làng văn Việt Nam hiện đại, ít kẻ dám là mình như Vũ Trọng Phụng”. Từ đó, Lan Khai phê phán lối viết văn sáo mòn giả dối của nhiều cây bút đương thời: “Đa số các thi sĩ văn sĩ chỉ nhai lại cổ nhân chẳng khác con trâu nhai lại cỏ”. Tệ hại hơn: “Họ đã tô son điểm phấn cho những thực trạng xấu xa để tự lừa mình và lừa người”.

Từ đó ông đề ra nhiệm vụ cho người cầm bút: “Chúng ta phải bắt đầu học lấy thói thù ghét những cái gì bất công, vô nhân đạo”! Người phê bình đã sớm nhận rõ những điểm sáng tài năng và cả những bóng đêm tàn lụi trong thế giới những người cầm bút đương thời. Công trình phê bình Vũ Trọng Phụng của Lan Khai là bức chân dung chân thực sinh động, sâu sắc và toàn diện nhất về một cây bút văn xuôi tài năng, độc đáo của nền văn học Việt Nam hiện đại.

 Trong cuốn Phê bình Lê Văn Trương (1940), Lan Khai đã phê phán gay gắt một cây bút từ đời thực đến văn chương, làm văn bằng lý trí và sức mạnh như: thói lắm điều, tính cách bạo chúa và trịch thượng, nhân vật thành ra một lũ người máy, làm văn thầu khoán, lăn xả vào đồng tiền. Con người bản năng lớn hơn con người văn chương trí tuệ: “Hành lạc không biết mệt, luôn bị thôi thúc bởi nhục dục”; lời văn sáo lặp: “Các tiểu thuyết của Lê Văn Trương đều chỉ có một giọng”. Trong sáng tác, lặp lại mình, thiếu chân thực, đơn điệu là những điều phản nghệ thuật văn chương. Lan Khai đi tới khẳng định: “Quan niệm về cuộc đời đã rất sai lầm, cho nên dẫn đến cái mẫu lý tưởng mà ông quen chưng ra trước mắt quần chúng đều không người một chút nào hết”. Theo Lan Khai, trước khi là một nhà văn phải là một con người chân chính. Tư tưởng nhà văn không đúng đắn, sẽ dẫn tới nhân vật trong tác phẩm không chân thực. Ông kịch liệt phê phán chủ nghĩa hình thức và sự cẩu thả trong sáng tác. Trong tập phê bình “Vũ Trng Phụng”, ông nêu ra sự tương phản giữa hai người cầm bút: “Trong các văn sĩ hiện đại nếu tôi hình dung Lê Văn Trương bằng một pho tượng khổng lồ đất sét, đầu lúc nào cũng muốn đụng tới mây xanh, thì tôi sẽ nói rằng, Vũ Trọng Phụng chỉ là một người, với tất cả cái hay cái dở của thằng người, có khác chỉ khác ở chỗ hai tay và hai chân lúc nào cũng dính be bét những bùn tanh của địa ngục”. Từ đó cho thấy có hai loại nhà văn: Có cây bút viết văn để phô trương những hình thức trống rỗng nghèo nàn, còn người nghệ sĩ có tài năng và nhân cách luôn sống thành thực với đời và hiến trọn tài năng cho nghệ thuật. Trong cuốn Nhà văn hiện đại (1942), Vũ Ngọc Phan đồng tình với quan điểm đó, ông cho tác phẩm của Lê Văn Trương “chú trọng về lượng hơn về phẩm”. Đồng thời Lan Khai cũng phê phán kiểu phê bình hời hợt, bằng cách đưa ra hai lối tiếp nhận khác nhau: “Tôi cũng như ông Trương Tửu đã đọc tiểu thuyết Một người của Lê Văn Trương, tôi cũng đã hết sức cảm động, không phải theo lối cảm động của ông Tửu nghĩa là hoàn toàn bị quyến rũ và mê đắm. Tôi cảm động như nghe một người mù rên rỉ đòi ánh sáng”. Như vậy, nhà phê bình cần thận trọng khách quan phải dẫn đường cho dư luận và sáng tác. Giá trị của văn chương chưa hẳn là số lượng tác phẩm và số đông độc giả như đối với Lê Văn Trương có “khối sách cao ngất bằng sự nổi danh chớp nhoáng và bằng cái số lớn độc giả của ông”. Sức lâu bền về tên tuổi của một nhà văn là ở tầm cao nghệ thuật và chiều sâu tư tưởng trong tác phẩm.

Trong lý luận phê bình, Lan Khai luôn gắn liền nhà văn với văn chương, nhưng luôn chú ý ở từng bình diện. Trong bài Tính cách Vit Nam trong văn chương thể hiện chiều sâu nhận thức về tính dân tộc trong văn học của ông: “Mỗi dân tộc có một tinh thần riêng. Sự thực này là một cái gì rất đáng tôn trọng. Nó làm cho nhân loại có một vẻ đẹp của bức thảm trăm màu... Trong địa hạt văn chương mỗi chúng ta cần phải giữ gìn mà làm cho mỗi ngày một rạng rỡ cái tính riêng của mình. Làm như thế tức là làm giàu cho cái tính chung của cả giống người vậy”. Tính dân tộc ở đây được xem là một phần tinh hoa nhân loại. Theo ông các nghệ sĩ lớn như Cervantès, Shakespeare, Gogol, Rabelais, Voltaire... là những người phát huy được cao độ tinh thần dân tộc. Ông đồng thời phê phán thói mơ hồ về chủ nghĩa quốc tế: “Họ say mê bởi cái viễn ảnh thế giới đại đồng cho đến chỗ tin rằng người Pháp rồi đây sẽ không thể cứ là nguời Pháp, cũng như người Việt Nam sẽ không thể cứ là người Việt Nam được nữa! Chỉ có người với người”. Do vậy tính dân tộc phải đi liền với ý thức độc lập dân tộc. Ông đi tới khẳng định phẩm chất của dân tộc: “Tinh thần dân tộc là cái gì? Là kết quả của sự gom góp tất cả các nết hay mà dân tộc ấy sẵn có”. Ông dựa vào ý kiến của nhà văn Pháp Boissère để chứng minh cho phẩm chất dân tộc mình: “...Về tôn giáo cũng như về chính trị, người Việt Nam không tin một cách mù lòa”. Ông dẫn ra ý kiến của viên sĩ quan Pháp Gosselin để khẳng định: “... Đứng trước súng của ta, người Việt Nam chỉ còn một chết để giữ gìn tự do của họ... Ngay những người bỏ thân dưới tay đao phủ hay trước ngọn súng hành hình cũng tuyệt nhiên không tỏ ra hèn yếu bao giờ”.

Như vậy tính dân tộc nằm trong truyền thống yêu nước và văn hóa từ lâu đời, tạo nên phẩm chất của cộng đồng không lẫn với dân tộc khác. Theo ông tính dân tộc cũng là những giá trị bền vững: “... Những chế độ, những lý thuyết, những chính thể, cả phong tục tín ngưỡng nữa có thể tùy thời thay đổi, nhưng cái gốc cái nền tảng tâm hồn của dân tộc nào vẫn nguyên là của dân tộc ấy”. Ông đồng thời kêu gọi: ”Hỡi người Việt Nam, hãy đem tất cả đức tính dân tộc ra ánh sáng và làm cho nảy nở đến cực độ đi! Hãy sung sướng và tự cao được là con cháu Rồng Tiên, con cháu của Nguyễn Du, Trưng Trắc, Trần Quốc Tuấn, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Huệ, Nguyễn Công Trứ”.

Song tính dân tộc không phải là yếu tố dĩ thành bất biến mà mang tính khả năng, Lan Khai nhận xét: ”Nó cũng có hồi thịnh, hồi suy như hết thảy mọi sự vật khác ở đời. Nó nhờ bao năm tháng mới thành lập được, nhưng có thể rữa nát, tan tành trong một khoảng thời gian ngắn ngủi... Tinh thần Việt Nam đương qua một độ đường hiểm trở, nguyên do bởi tình thế chính trị trong nước và bởi cách giáo dục sai lầm”. Ông thẳng thắn chống lại lối giáo dục thực dân: “Cái cách giáo dục mà ta đang hưởng, chỉ có thể khiến ta trở nên một lũ người không cội rễ”. Theo ông muốn phát huy truyền thống dân tộc phải có một nền giáo dục chân chính mang bản sắc Việt Nam.

 Đương thời tham gia tranh luận về nghệ thuật, Lan Khai cho rằng: Con người là trung tâm của mọi sự phản ánh nghệ thuật, cho dù nhà văn sáng tác bằng phương pháp nào. Sức sống lâu bền của nghệ thuật là ở tính chân thực: “Diễn tả cho đúng hệt con người, nghệ thuật văn chương đã đạt được mục đích, và do đấy có thể trở nên thứ nghệ thuật văn chương muôn đời vậy”.

 Ông cũng cho nghệ thuật bắt nguồn từ tình cảm và tình yêu là một trạng thái đặc biệt của tâm hồn “xưa cũng như nay mà thôi”. Về mối quan hệ giữa chính trị và văn chương, Lan Khai cho thấy chính trị có khi cũng cần cho văn chương, nhưng văn chương có sứ mệnh lâu dài, mục tiêu cao cả của nó là biểu hiện con người: “Nhà văn chỉ cần cho văn chương của mình một đối tượng duy nhất: Người, con người trước thời gian và vũ trụ”. Do đó, Lan Khai là nhà văn Việt Nam đầu tiên nêu vấn đề: “Quan niệm nghệ thuật của nhà văn là quan niệm nghệ thuật về con người, tương đồng với nhận thức của chúng ta hôm nay. Song văn chương hay phải gắn liền với phong cách: Đã đành mỗi nhà văn phải có một đặc tính và công chúng chỉ ưa nhà văn nào mà công chúng có thể tóm tắt cái sở trường bằng một câu ngắn gọn. Ví dụ, nói tới Nguyễn Công Hoan, người ta phải nói đến sự hài hước. Nói đến Khái Hưng, người ta phải nhớ đến tình thương và sự vui sống, lúc nào cũng dịu dàng. Nói đến Vũ Trọng Phụng, người ta phải nhắc đến những thiên phóng sự hóm hỉnh và sâu sắc”. Theo ông, sức hấp dẫn của văn chương từ những điều nhỏ bé của cuộc sống mà nhà văn “nhận xét và ghi chép những ý tưởng và những xúc động hồn nhiên của tâm trí con người”. Ông luôn quan tâm tới vai trò của ngôn từ nghệ thuật: “Nhưng chỉ thứ văn chương nào trau chuốt, lọc lõi, đẹp đẽ là mới có thể sống lâu mà thôi”. Văn chương hay phải mang hồn dân tộc “nó đi thẳng vào tâm hồn Việt Nam của chúng ta”.

Khi đề cao những sáng tác của Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Vũ Trọng Phụng... Lan Khai kiên quyết chống lại chủ nghĩa hình thức và sự nhàm chán trong sáng tác: “Tại sao, sống ở giữa cái thời của vô tuyến điện, của phong bì tem, chúng ta lúc làm thơ lại cứ: Nhạn lảng chân trời kẻ đợi thư”. Phủ nhận ý thức nghệ thuật và hiệu quả sáng tác của Lê Văn Trương, ông đề cao tư tưởng nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng: “Vì nghệ thuật chính là cái biểu thị tối cao của sự bất bình. Mà văn chương của anh đã ngụ một bất bình sôi nổi, một bất bình nhiều khi chua cay, sỗ sàng và độc ác”.

 Sức mạnh của văn chương còn ở nhiệt tình phê phán xã hội thối nát. Đó chính là tiếng nói mới của người nghệ sĩ. Do vậy đương thời đã nảy sinh nhiều ý kiến nhận thức khác nhau về người nghệ sĩ này. Mong mỏi của Lan Khai là đất nước có một nền văn chương theo kịp thời đại, nhưng thực trạng nhiều sáng tác vẫn đi theo lối cũ, có nhà văn như “con trâu nhai lại cỏ”. Ông coi đó là một sự nô lệ tinh thần của người cầm bút: “Những văn thơ xuất bản trong vòng hai chục năm gần đây mà xem: Toàn sáo, kể từ sự phô diễn cho chí đề hứng! Quanh đi quẩn lại chỉ có chàng nàng, vui xuân (Mặc dầu xuân của ta là bùn lầy và mưa bụi), buồn thu (Mặc dầu thu Bắc Kỳ là trong sáng, là dịu dàng nhất trong bốn mùa), oanh vàng, liễu biếc và... hết! Thực là nghèo nàn đến thảm hại! Thực là trơ đến lõi!”. Do vậy, sáng tác phải không ngừng đổi mới, nghệ sĩ phải tôn trọng qui luật khách quan của đời sống mới có được những giá trị nghệ thuật chân chính. Hoạt động lí luận phê bình văn học của Lan Khai trong thời kỳ vận nước gặp cơn dâu bể, ánh lên bao niềm tâm huyết về một nền văn nghệ đậm đà bản sắc Việt Nam. Con đường đi lên của văn học nước nhà là không ngừng đổi mới.

 Là một nhà văn sớm được trau dồi về mỹ học, Lan Khai còn quan tâm các nguồn ảnh hưởng đến văn chương. Trong bài Đẹp in trên báo Loa số 81 năm 1935, Lan Khai viết: Nghệ sĩ là người đem mộng tưởng thêm thắt vào sự thực. Thực trạng lẩn trong màng mộng tưởng ấy, tức là cái đẹp. Thế thì cái đẹp vừa lệ thuộc vào lý tưởng. Vì vậy cái đẹp hay tuỳ người mà thay đổi. Cuốn sách Cái đẹp và nghệ thuật (1940), của một nhà nghiên cứu nghệ thuật Pháp đầu thế kỷ XX, được Lan Khai nghiên cứu và phỏng thuật. Trước đó các ý kiến bàn về mỹ học chưa thành hệ thống, nên công trình này giúp những người nghiên cứu về văn học nghệ thuật hệ thống hơn. Người phỏng thuật không nhằm phiên dịch cho sát nguyên bản mà chủ động Việt hóa các quan niệm mỹ học và nghệ thuật phương Tây theo cách hiểu của mình và liên hệ với di sản văn nghệ dân tộc (tuồng, chèo, Truyện Kiều của Nguyễn Du). Các quan niệm đó đã chi phối sâu sắc đến các hoạt động văn học của Lan Khai. Đọc Mi rợ, Hồng Thầu ta thấy sự lý giải của nhà văn về môi trường sống có nhiều điểm gần gũi với học thuyết của Taine; đọc Tiếng gọi của rừng thẳm, Suối Đàn ta thấy rõ cách nhìn của nhà văn về sự cạnh tranh sinh tồn của thế giới thiên nhiên, gần gũi với thuyết tiến hóa của Darwin…

5.2 Là một nhà văn sớm hướng về cội nguồn dân tộc, Lan Khai đã dành nhiều tâm huyết để sưu tầm, nghiên cứu các di sản văn học dân gian ở mọi miền đất nước của cộng đồng dân tộc thiểu số trên lãnh thổ Việt Nam như H’Mông, Tày, Nùng, Gia Rai, Ba Na, Dao... Cùng với đó là các công trình khảo cứu phong tục nhiều dân tộc thiểu số Việt Nam. Tiêu biểu là hai công trình Gió núi trăng ngàn (1933) và Những câu hát xanh (Les Chansons Bleues, 1937)... là những di sản quí về thơ ca dân gian của đồng bào Tày, bao gồm các thể đồng dao, tục ngữ, ca dao, dân ca vô cùng sinh động với bút danh Lâm Tuyền Khách. Trước 1945, ở nước ta có một số công trình sưu tầm văn học dân gian dân tộc Kinh của Nguyễn Văn Ngọc, Phạm Quỳnh, Hoàng Ngọc Phách, Đặng Xuân Viện, Phan Khôi... Song phần văn học dân gian các dân tộc thiểu số vẫn chưa được chú ý. Có thể nói Lan Khai là tác gia Việt Nam đầu tiên khám khám phá kho báu đó. Nhiều tư liệu khảo cứu được ông thực hiện từ trước năm 1930. Trên báo Đông Phương năm 1934 giới thiệu công trình Gió núi trăng ngàn của Lâm Tuyền Khách. Đó là những bài ca hồn nhiên tinh tế, phác thực của đồng bào trên xứ sở núi thần sông gấm. Tiếp tới tập Những câu hát xanh hoàn thành năm 1937.

 Qua các công trình trên cho thấy Lâm Tuyền Khách có cái nhìn sâu sắc vẻ đẹp tâm hồn của đồng bào trong thơ ca dân gian từ nguyên tác bằng một khả năng dịch thuật tài hoa. Ông đánh giá cao nền thơ ca dân gian Tày: Trong cuốn sách nhỏ này, thuật giả xin hiến các ngài một món quà lạ, một món quà không kém phần thanh thú đã sản xuất ra ở chỗ rừng xanh đất đỏ, của một giống người hãy còn chậm tiến hơn ta, một giống người mà có lẽ các ngài vẫn thường khinh miệt... Thật vậy, trong bộ áo chàm xanh, với cái dáng điệu ngây ngô, với một vẻ mặt lạnh lùng dút dát và ngớ ngẩn, người Thổ[13]ngờ đâu cũng có những tình cảm phong phú đắm đuối trong thơ, một tâm hồn nồng nàn tắm trong tình yêu và mộng. Trước thiên nhiên, ái tình họ cũng thi sĩ như ai hết. Theo ông, thơ ca dân gian Tày có khả năng biểu đạt những trạng thái tâm hồn phức điệu của con người không thua kém thơ ca của các thi sĩ. Thơ ca hay bởi ngôn ngữ giàu đẹp, tiếng Tày là một ngôn ngữ có ý đẹp lời hay.

Ông đã chỉ ra mối tương đồng và dị biệt của thơ ca dân gian hai dân tộc Tày – Kinh và cho rằng: Thơ ca nhân loại đều bắt nguồn từ lời ru do cái dây thân ái gia đình và nhất là cái tình thân mẫu tử mà phát sinh. Đã là trẻ thơ, ở các dân tộc đều tương đồng về trò chơi và câu hát. Ca dao Tày giàu màu sắc trữ tình do đời sống của đồng bào mộc mạc, hồn nhiên. Trong đó, có những câu nói về sự lỡ làng: Rau lốn láo ăn ngon, con đẻ hoang khôn khéo (Sắc lộn lại kin ngoan, lục màn tàng khôn khẻo), khiến ta liên tưởng tới câu ca dao người Kinh: Không chồng mà chửa mới ngoan, hay sự ganh đua có câu: Nước bảo nước nhiều, bờ bảo bờ cứng (Nặm cạ nặm lai, phai cạ phai ác) làm ta nghĩ tới câu tục ngữ Kinh: Vỏ quýt dày có móng tay nhọn. Câu ca Tày nói về quan niệm tình yêu bình dị mà sâu sắc: Thương nhau đi mười ngày đường cũng gần- Không thương nhau nhà dưới cạnh nhà trên cũng xa (Thương căn shíp vằn tàng cũng sở - Bố thương căn lườn tở kéng lườn nủa cũng quây). Theo ông, ca dao Kinh có Bài ca thời vụ thì đồng bào Tày cũng có Thời biểu ca, xen vào phong tục, tín ngưỡng; đồng bào còn có cả truyền thuyết về thời gian với những câu thật lạ: Mắt ngày liền xuất hiện phương Đông (Tha vằn liền xuất hiện phương Đông).

Khi khảo sát những câu hát về lễ giáo ở những bài Then thường gợi ra những khung cảnh hoang sơ muôn hình muôn vẻ của các loài cầm thú để nói lên sự phức tạp của xã hội loài người, Lâm Tuyền Khách cho rằng: Ở đâu chẳng vậy, ở giống người nào chẳng vậy, ái tình chẳng vẫn là cái nguồn thi cảm dồi dào nhất của người ta. Tình yêu có khi được khơi dậy từ những chuyện đời thường. Người Kinh có câu: Miếng trầu là đầu câu chuyện, trong ca dao Tày miếng trầu là dây mối của sự tình duyên: Xin em ngoan ngoãn miếng trầu, đem về cất để phòng thâu giữ gìn, ngày đêm ra ngắm vào nhìn, lòng này vui sướng trăm nghìn dễ mua (Cử pác xo noọng á kình châm, mỳ nhầu mỳ hử căn chùm bóng, au mà the phung tràng khoăn, khừn vằn ngòi đây hăn mừng tọng). Với chàng trai đứng trước người con gái đẹp là đứng trước một nguồn thi cảm, là cái ma lực làm đắm đuối lòng người: Bướm kia chết mệt vì hoa, cá kia lội nước thẫn thờ lòng khe (Mèng hai đắc đuổi hoa phống bỏng, Pi a là điếp nặm phòng sinh). Tình yêu dường như khiến con người thoát tục: Yêu em nhiều thương em nhiều - Yêu em nên nỗi sớm chiều quên ăn (Điếp noọng lài thương nọng lai - Điếp noọng bố kin ngài kin chầu). Nói tới trạng thái tâm hồn cô đơn, ca dao Tày thực là tinh tế: Chim kia còn biết gọi đàn, buồng không vắng vẻ can tràng nấu nung (Khảm khắc bố đo đôi mìn loọng, y như lầu xét loọng đuổi căn), khiến người đọc liên tưởng tới bài ca dao của đồng bào miền xuôi: Đêm qua ra đứng bờ ao, trông cá cá lặn trông sao sao mờ, giúp ta nhớ tới tâm trạng chàng trai trong Kinh Thi của dân tộc Trung Hoa: Nhớ ai dằng dặc âu sầu, cho ta trằn trọc dễ hầu ngủ yên (Quan Thư). Lâm Tuyền Khách đã mang đến cho văn đàn cả nước đương thời những viên ngọc long lanh, những bông hoa tươi đẹp của chốn rừng xanh hoa dại.

Bên cạnh kho tàng thơ ca dân gian Tày, Lan Khai còn sưu tầm nhiều tác phẩm thơ ca dân gian các dân tộc thiểu số khác xen vào những trang tiểu thuyết như: Cô Dung, Lô HNồ, Rừng khuya, Tiếng gọi của rừng thẳm, Mọi rợ, Suối Đàn, Chiếc nỏ cánh dâu... Đồng thời ông còn ghi chép nhiều truyện cổ dân gian khác như: Chử Lầu (H’Mông), Lũ khỉ dâm tàn, Chất Khươi (Tày), Sự tích thầy Mo (Dao), Cái chiêng thần (Mường), Đồng tiền Vạn Lịch, Lấy vợ cóc (Kinh) v.v... Đó là những câu chuyện hấp dẫn về nguồn gốc vũ trụ và loài người; sự tích địa danh, nghề nghiệp, những điều kỳ ảo của người xưa truyền lại.

Hoạt động sưu tầm của Lâm Tuyền Khách, đi liền với nghiên cứu văn hóa phong tục nhiều dân tộc thiểu số từ Việt Bắc đến Tây Nguyên, như các công trình Mán Mèo, Người Thổ nâu, Quần Cộc chơi xuân, Chút phảo nòn thoai, Mang lung, Đầu đỏ với ngày xuân, Tiếng tiêu trên núi Lịch... Đó là các bài khảo cứu có giá trị về các dân tộc: Tày, H’Mông, Đại Bản, Tiểu Bản, Pà Thẻn, Dao Tiền, Quần Cộc, Lô Lô, Ba Na, Gia Rai v.v… Như vậy, chỉ người nghệ sĩ sống hết mình với mỗi miền quê xứ sở, mới khám phá được những kho báu tinh thần của đất nước.

Quan niệm nghệ thuật của Lan Khai là sự thống nhất của tài năng và vốn sống, tâm hồn và trí tuệ, tư tưởng và văn hóa, cùng với sự chi phối của thời đại lịch sử và năng lực hoạt động của nhà văn được phản ánh sinh động trong sáng tác, nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học. Nhìn lại những di sản tinh thần của Lan Khai giữa thời kỳ vận nước trong cơn dâu bể, ta thấy ánh lên bao nỗi niềm trăn trở ưu tư cùng những khát vọng của người nghệ sĩ giàu tâm huyết: Làm sao bảo tồn và phát huy được những tinh hoa của truyền thống Việt Nam? Làm sao có được những văn nhân thi sĩ xứng đáng với dân tộc và thời đại? Làm sao để xây dựng được một nền văn hoá mới cho tương lai đất nước? Tất cả được chứng minh bằng hàng ngàn trang viết mang trí tuệ và tâm hồn của người nghệ sĩ.

***

Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ sĩ Lan Khai đã để lại một dấu ấn sâu đậm cho nền văn học Việt Nam hiện đại, là một trong những nhà văn đã tham gia vào công cuộc khai sơn phá thạch cho nền văn học dân tộc ở thế kỷ XX. Là một tài năng lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại, Lan Khai đã tham gia vào nhiều lĩnh vực văn học, ở đề tài nào cũng thể hiện những năng lực sáng tạo riêng. Lan Khai là một nhà văn luôn mang trong mình nỗi đau và khát vọng của con người; luôn khơi dậy những truyền thống và tinh hoa của tổ tiên; quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của dân tộc và thời đại, không ngừng đổi mới trong sáng tạo. Đây là một nhà văn có vốn tri thức sâu rộng kết tinh trong những bức tranh nghệ thuật muôn màu sắc được vẽ lên bằng mồ hôi xương máu và nước mắt của một trái tim giàu nhiệt huyết. Cho dù, di sản văn học của Lan Khai còn có những hạn chế nhất định do hoàn cảnh lịch sử, song những cống hiến của ông là to lớn.

--------------------

[1] Lan Khai. Cô Dung. Nhà in Tân Dân. Hà Nội. 1938. Lời tựa, tr. 6.

[2] Vũ Ngọc Phan. Phổ thông bán nguyệt san. Tháng 11-1938, tr. 177.

[3] Hải Triều. Lầm than, một tác phẩm đầu tiên của nền văn tả thực xã hội ở nước ta. Báo Dân Tiến, số1, ngày 27-10-1939.

[4] Xem thêm: Lan Khai - Tác phẩm nghiên cứu, Lý luận và phê bình văn học. NXB Văn hoá Thông tin, H. 2002, tr. 98.

[5] Tác phẩm được trao giải nhất của Hội Trí Tri, 1936.

[6] Vũ Ngọc Phan. Nhà văn hiện đại, sdd, tr 967.

[7] Ngọc Giao. Chân dung và giai thoại. NXB Tổng hợp Khánh Hoà, 1992 tr 37.

8] Tao Đàn tạp chí, T. 1, NXB Văn học. 1998. tr. 385.

[9] Tao Đàn Tạp chí. Sdd, tr 387, tr 485.

[10] Thuật ngữ phản động đương thời có nghĩa là chống đối, phủ nhận, loại trừ.

[11] Lan Khai. Lê Văn Trương. NXB Minh Phương. 1940. tr 2.

[12] Lan Khai. Mực mài nước mắt. NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 1998, tr 14, 15, 83.

[13] Người Thổ (cách gọi cũ) tức dân tộc Tày ngày nay.

TRẦN MẠNH TIẾN

Các Bài viết khác