NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

KỶ NIỆM VỚI NHÀ VĂN BÙI HIỂN (1919-2009)

( 05-04-2017 - 07:24 AM ) - Lượt xem: 1403

Nhà văn Bùi Hiển là một tác giả văn xuôi hiện thực từ trước Cách mạng Tháng Tám đã nổi tiếng với tập truyện ngắn Nằm vạ ( 1941). Ông đã sớm tham gia Cách mạng rồi đi kháng chiến chống Pháp. Ngòi bút văn xuôi sắc sảo của ông đã trở thành một ngòi bút phục vụ công cuộc Cách mạng và Kháng chiến

Những năm làm biên tập viên ở NXB Kim Đồng, tôi được gặp gỡ và quen biết nhà văn Bùi Hiển. Ông là người Nghệ An, đồng hương với nhà văn Bùi Văn Hồng, tổng biên tập NXB Kim Đồng thời đó, có lẽ vì thế nên mối tình thân giữa ông với anh chị em cán bộ biên tập NXB Kim Đồng lại càng gắn bó hơn.
Nhà văn Bùi Hiển là một tác giả văn xuôi hiện thực từ trước Cách mạng Tháng Tám đã nổi tiếng với tập truyện ngắn Nằm vạ ( 1941). Ông đã sớm tham gia Cách mạng rồi đi kháng chiến chống Pháp. Ngòi bút văn xuôi sắc sảo của ông đã trở thành một ngòi bút phục vụ công cuộc Cách mạng và Kháng chiến. Trong những năm tháng tuy tuổi không còn trẻ nhưng ông vẫn hăng hái đi thực tế cho ra đời những bài ký xuất sắc như Bám biển (1963), dường như ông là một trong những nhà văn hàng đầu sáng tạo ra một dòng văn thể ký ( nay ta gọi là văn học phi hư cấu) của văn học Miền Bắc trước 1975. Bên cạnh những tác phẩm văn xuôi, ông còn là một dịch giả đã từng dịch nhiều cuốn sách nổi tiếng, đáng kể nhất là tác phẩm Đội cận vệ thanh niên của nhà văn A. Pha đê ép, Liên xô.( NXB Thanh niên 1960). Tuy bận rộn nhiều công việc trong đó có cả những công việc của Hội Nhà văn như đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng văn xuôi- Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bùi Hiển vẫn dành tâm huyết của mình cho văn học thiếu nhi. Ông là tác giả những cuốn sách Kim Đồng như Quỳnh xóm cháy ( 1965), Nhớ về một mùa thị chín (1983)…
Trong bài viết nhỏ này của tôi, xin không đi sâu vào những thành công của nhà văn Bùi Hiển mà tôi vừa kể lướt qua ở trên. Tôi xin kể một câu chuyện khác, về thời kỳ đổi mới những năm 1989, 1990, 1991… đó là cũng là thời gian mà tôi lại may mắn được làm việc với nhà văn Bùi Hiển.
Đó là thời kỳ không khí văn học nghệ thuật trong cả nước có nhiều đổi mới, nhạc Trịnh Công Sơn được hát phổ biến , rồi nhạc lãng mạn tiền chiến của Văn Cao được trình diễn trang trọng…Một số tác phẩm của Tự lực văn đoàn được phép tái bản…Trong không khí đó, ông Bùi Văn Hồng, tổng biên tập NXB Kim Đồng, nói chuyện với tôi : “ Cô Liên ạ, từ trước tới nay người ta vẫn cho là Trước Cách mạng Tháng Tám chỉ có cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của ông Tô Hoài là truyện đồng thoại hay thôi, tôi nhớ là hồi còn nhỏ có được đọc một truyện loài vật của ông Bùi Hiển đó là chuyện CON CHUỘT MÙ. Tôi đọc khi còn nhỏ mà nhớ mãi ấn tượng xúc động của câu chuyện ấy. Bây giờ cô hãy đến nhà ông Bùi Hiển, xin lại bản thảo truyện ấy để Nhà xuất bản Kim Đồng tái bản .”
Được tổng biên tập giao nhiệm vụ đó, tôi tìm đến khu tập thể Trung Tự, nơi ở của nhà văn Bùi Hiển để trao đổi ý kiến về việc xin ông bản thảo truyện Con chuột mù. Thật không ngờ, ông tỏ ra hơi băn khoăn:
Mấy chục năm qua rồi, truyện đó có in lại bao giờ đâu. Bây giờ trong tay tôi cũng không có văn bản nào. Cô hãy để thư thả một thời gian nhé. Khi nào tôi tìm lại được bản thảo sẽ gọi điện cho cô.
Thế là tôi ra về trong lòng thấp thỏm vì không biết rồi sẽ ra sao?
Thời gian chờ đợi của tôi cũng khá lâu lâu…Về sau tôi mới được biết rằng, ngoài lý do tìm bản thảo, nhà văn Bùi Hiển, một tác giả của nhiều tác phẩm trong dòng văn học Cách mạng hiện thực xã hội chủ nghĩa có một chút băn khoăn thực sự. Sau này trong bài viết của ông Bùi Văn Hồng “ Tản mạn về Con chuột mù”(in trong tập Mười năm ghi nhận NXB Kim Đồng 1997)có kể lại rằng , nhà văn Bùi Hiển đã có chút ngại! Ông đã tâm sự với Tổng biên tập NXB Kim Đồng : “Bây giờ đang rộ lên ca nhạc tiền chiến, tiểu thuyết tiền chiến, mình ngại góp phần vào sự chuyệch choạc đó!”.
Bây giờ các bạn trẻ khi đọc câu tâm sự này sẽ rất lấy làm lạ, thậm chí buồn cười với tâm sự của nhà văn đáng kính Bùi Hiển. Là người đã từng làm việc với các nhà văn lớp trước, tôi thực sự cảm thông nỗi ngại ngần đó. Có hiểu việc “trung thành” với những giá trị thẩm mỹ mà các nhà văn đã từng “tôn thờ” mới hiểu rõ việc thay đổi cách nghĩ về giá trị văn học sao cho cởi mở hơn mềm mại hơn là cả một cuộc cách mạng trong tư duy. May thay thời kỳ đổi mới kỳ diệu đó đã khiến cho cả nền văn học chúng ta thay đổi, trong đó đặc biệt là Văn học thiếu nhi đã có một cuộc đổi mới ngoạn mục rực rỡ như chúng ta thấy hôm nay.
Xin quay lại với câu chuyện Con chuột mù, mấy tháng sau tôi nhận được điện thoại của nhà văn Bùi Hiển gọi đến lấy bản thảo. Ông bảo rằng nhân một buổi đi thư viện soát lại một tư liệu của Tự lực văn đoàn, mới thấy thư tịch Bùi Hiển, may mà còn có Con chuột mù. Ông đọc lại thấy được và có Ý NGHĨA GIÁO DỤC! Nên ông đã chép tay lại , chỉ chữa chút ít về bài hát của lũ chuột cho hiệp vần.
Riêng tôi khi được cầm bản thảo truyện ngắn chỉ hơn 10 trang khổ A4 viết tay nắn nót của nhà văn Bùi Hiển, tôi rất xúc động. Câu chuyện được viết về một gia đình nhà chuột mà nhân vật chính là một con chuột già nua mù lòa bị lũ cháu trêu chọc, bị con dâu đối xử tệ … thế mà khi hang chuột bị hun khói bị dội nước sôi thì ông chuột già đó đã dùng thân mình chặn lỗ thông lên ngách hàng cứu cả gia đình nhà chuột. Cách viết của tác giả Nằm vạ thời đó quả thật là một áng văn có ngôn ngữ rất sinh động dân dã dí dỏm gợi tả . Bao nhiêu năm qua mà tôi vẫn còn bị ám ảnh với câu cuối cùng tả cái chết của ông chuột già, nằm cứng đờ “nhe hàm răng nhỏ trắng phau”. Đúng là một thử thách về quan niệm viết cho thiếu nhi. Truyện có kết thúc buồn. Truyện lại ca ngợi loài chuột, trong tư duy nhiều năm thường “định kiến” chuột là một loài vật xấu xa.! Nhưng không, NXB Kim Đồng đã cho in cuốn sách này vì một ý nghĩa nhân văn chứa đựng sâu sắc trong từng câu chữ của tác giả. Cần phải làm phong phú cách nhìn thế giới xã hội , cách cảm nhận của trẻ em, cách nói ngược ngạo vui cười trong câu hát của loài chuột:
Hôm qua bắt được mèo vằn
Định đem thết tiệc đãi đằng anh em…
Cuốn sách Con chuột mù đã được tái bản năm 1991 và đã được bạn đọc và dư luận xã hội đón nhận tốt đẹp Nhà văn Bùi Hiển đã rất vui tim được sự đồng cảm cho một tác phẩm đã dường như bị lãng quên gần nửa thế kỷ. Và trong suy nghĩ của ông dường như đã có sự đổi mới. Phải chăng ông đã tìm lại được một nguồn mạch cảm hứng bấy lâu nay nó đã bị ngủ quên , nay vừa được đánh thức dậy …Nhưng tiếc thay, thật tiếc thay…lúc đó ông đã bước vào tuổi 80 rồi sau đó không lâu ông bị bệnh gần như không làm việc được nữa.
Khi viết lại câu chuyện này, tôi vẫn luôn nhớ hình ảnh nhà văn Bùi Hiển, một người nhân hậu và tinh tế, rất sắc sảo nhưng cũng rất nhũn nhặn khiêm nhường, biết đặt cái Tôi của mình trong sự nghiệp chung, Ông đã sống một cuộc đời lao động nghệ thuật trọn vẹn. Và, tiếc thay, thật tiếc thay, đáng lẽ ông có thể làm được những tác phẩm lớn hơn những gì ông đã cần cù cống hiến.


LÊ PHƯƠNG LIÊN.

Tháng 2/2017.

Các Bài viết khác