NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HỮU MAI – NHÀ VĂN SỬ THI

( 03-06-2015 - 03:42 PM ) - Lượt xem: 2147

Thành công lớn nhất trong sự nghiệp văn học của Hữu Mai phải kể đến các tác phẩm tiểu thuyết, thể loại chủ công của văn xuôi. Tiểu thuyết của ông khá đa dạng: tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết thế sự. Hữu Mai là một nhà tiểu thuyết tình báo, có chân trong hiệp hội Quốc tế những nhà tiểu thuyết tình báo.

Hữu Mai được xem là nhà văn chiến sĩ, ông được biết tới như một cây bút trưởng thành trong khói lửa của cách mạng, kháng chiến. Ông là người đã chấp bút những bộ hồi ức trứ danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp như: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Điện Biên Phủ lịch sử và điểm hẹn, Chiến đấu trong vòng vây… Nhắc đến Hữu Mai người ta cũng nhắc tới những bộ tiểu thuyết đồ sộ, vang tiếng một thời như: Cao điểm cuối cùng (1960), Vùng trời (3 tập, 1975, 1976, 1980), Đất nước (1984), Ông cố vấn (3 tập, 1985, 1987, 1990), Người lữ hành lặng lẽ (2003)…cùng những bộ phim sử thi hoành tráng như: Hoa ban đỏ, Ông cố vấn, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông…Có thể nói thành công lớn nhất trong sự nghiệp văn học của Hữu Mai phải kể đến các tác phẩm tiểu thuyết, thể loại chủ công của văn xuôi. Tiểu thuyết của ông khá đa dạng: tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết tư liệu, tiểu thuyết thế sự. Hữu Mai là một nhà tiểu thuyết tình báo, có chân trong hiệp hội Quốc tế những nhà tiểu thuyết tình báo.

Hữu Mai là một nhà văn được nhiều thế hệ độc giả quan tâm và yêu mến. Tác phẩm của ông được xem như những thước phim lịch sử sống động, hấp dẫn. Đọc tiểu thuyết của Hữu Mai người ta không thấy đau đầu và khó hiểu mà đọc đến đâu hiểu trọn ý tác giả đến đó. Hữu Mai không giỏi về tiểu thuyết tâm lí. Thành công của ông có thể nói là việc đưa những nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử trở nên sống động hấp dẫn hơn với người đọc. Qua những tiểu thuyết của ông, chúng ta như xem lại những thước phim chân thật về sự kiện, con người lịch sử. Đó là những câu chuyện đầy kịch tính về cuộc đời, số phận người anh hùng được tái hiện chân thực, sống động với các chi tiết chọn lọc.    

Trong số những công trình nghiên cứu về tiểu thuyết Hữu Mai ta phải kể đến lời giới thiệu bộ tiểu thuyết Vùng trời của Phan Cự Đệ, in trong Phan Cự Đệ tuyển tập, tập 1. Bài viết dài 23 trang có nhan đề Bộ tiểu thuyết Vùng trời của Hữu Mai đã đánh giá một cách tổng quát nhất những đặc điểm nội dung và nghệ thuật của bộ tiểu thuyết Vùng trời. Đây cũng được xem là một công trình nghiên cứu lớn nhất về tiểu thuyết của Hữu Mai mà chúng tôi có. Phan Cự Đệ đưa ra vấn đề cốt lõi nhất của Vùng trời là trả lời được câu hỏi lịch sử lớn nhất một thời đó là: “Vì sao mà không quân Việt Nam lại có khả năng đánh thắng không quân Mỹ trên mảnh đất của mình bằng cách đánh của người Việt Nam? Vì sao chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc lại có một sức mạnh vô địch, có khả năng đánh bại cuộc chiến tranh hủy diệt của đế quốc Mỹ”. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tư tưởng chủ đề của tác phẩm là “lí tưởng yêu nước bắt nguồn từ tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập tự do” được phát triển lên đỉnh cao của Chủ nghĩa xã hội là nguồn gốc sức mạnh Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng chống Mỹ giải phóng và thống nhất đất nước”. “Chúng ta chiến thắng vì chúng ta có những thế hệ không quân yêu nước và anh hùng, vì có đường lối chiến lược chiến thuật đúng đắn và sáng tạo, vì có sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân”. Trong bộ tiểu thuyết này “ Hữu Mai đã tạo được một bút pháp trẻ trung mềm mại khá hấp dẫn bằng cách kết hợp các yếu tố anh hùng ca và tình ca, hiện thực và lãng mạn (…) Người đọc luôn luôn được thay đổi thực đơn, thay đổi cảm giác, luôn luôn bị hút vào những cuộc phiêu du hấp dẫn trên bầu trời, dưới mặt biển, những cuộc khám phá của khoa học đang tiến tới chinh phục những thế giới thiên nhiên kỳ lạ”. Vùng trời đã sử dụng một khối lượng tư liệu phong phú, chính xác. Với tư cách là một cuốn tiểu thuyết, nó không dừng ở sự việc mà cố gắng đi sâu vào những mối quan hệ giữa người và người, nêu lên những vấn đề về hạnh phúc, tình yêu, lý tưởng, đạo đức mới xã hội chủ nghĩa.

Thượng tướng Đào Đình Luyện đánh giá cao Vùng trời với giá trị lịch sử “giá trị của bộ tiểu thuyết sử thi này là ở tính chân thật lịch sử”.

Bàn về tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng, Thượng tướng Hoàng Văn Thái đánh giá cao tính chân thật lịch sử và diễn biến, nhân vật đã tạo nên sức cuốn hút người đọc: “Cuốn sách đã rung động tôi vì nó đã phản ánh được khá trung thực cuộc chiến đấu và những con người đã viết nên một trang sử chói lọi của dân tộc. Tính chân thật đặc biệt của bối cảnh lịch sử, sự việc diễn biến và các nhân vật được xây dựng nên trong cuốn tiểu thuyết đã làm cho nó trở nên hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, đồng thời tạo ra cho Cao điểm cuối cùng trong một chừng mực nào đó giá trị một sử liệu”. Ông cũng thẳng thắn nhận xét: “Tuy nhiên trong khi miêu tả phân tích tinh vi những diễn biến tâm lí, tình cảm của các nhân vật cán bộ, đặc biệt là cán bộ tiểu tư sản, Hữu Mai đã tỏ ra còn bị hạn chế khi đi sâu vào tâm hồn của những cán bộ, những chiến sĩ xuất thân từ những thành phần cơ bản. Điều đó đã hạn chế một phần sự thành công của anh”. Đây là những lời nhận xét của Thượng tướng – một người từng tham gia chỉ đạo chiến dịch Điện Biên Phủ về Cao điểm cuối cùng được nhà xuất bản văn học đăng làm lời tựa mở đầu cho cuốn sách. Trong Cao điểm cuối cùng, có mặt từ người chiến sĩ đến đồng chí Tổng tư lệnh với tư cách là nhân vật văn học. Cuốn sách không chỉ ngợi ca những người lính Việt Nam anh hùng mà còn đề cập đến những ác liệt và mất mát trong chiến tranh mà trước đó văn học vẫn né tránh. Tiểu thuyết ra đời năm 1960 khi đất nước còn đang gồng mình chống Mỹ, khi mà hầu hết các tác phẩm văn học đều mang âm hưởng sử thi ca ngợi nhưng Hữu Mai đã mạnh dạn đề cập đến những mảng tối kị. Đó là khó khăn, mất mát, là sự nhụt chí trong tư tưởng người lính, là sự đào ngũ khi không còn giữ được lập trường. Đây cũng là một nét mới và một sự mạo hiểm trong văn học thời kì này.

Tiếp theo Cao điểm cuối cùng, Vùng trời với những thành công vang dội, Hữu Mai cho xuất bản Đất nước, cũng viết về đề tài chiến tranh cách mạng. Cuốn tiểu thuyết này tuy được đánh giá cao nhưng không vượt qua nổi hai bóng lớn là Cao điểm cuối cùngVùng trời. Nói về Đất nước, một tác giả đã nhận xét: “Chiến tranh được miêu tả bằng một ngòi bút hiện thực nghiêm ngặt, có mặt sáng tối, đi đôi với cái nhìn tổng quát, những lời bình giá của tác giả giúp người đọc hiểu rõ những biến cố lịch sử của cuộc sống hòa quyện với biện chứng nhỏ tâm hồn hồn các nhân vật tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm”.

Tiểu thuyết Ông cố vấn xuất hiện được xem là một hiện tượng chưa từng có, là của hiếm của văn học Việt Nam. Xung quanh tác phẩm này có rất nhiều những lời khen ngợi và những đánh giá khác nhau. Ông cố vấn có khi được xem như một cuốn tiểu thuyết lịch sử, nhưng cũng có khi được nhắc đến là một tiểu thuyết tình báo. Với tác phẩm này ông được bạn đọc trong nước và quốc tế biết đến với tư cách là một nhà tiểu thuyết tình báo, một nhà văn viết truyện trinh thám tầm cỡ. Đây là một hiện tượng “chưa từng thấy trong lịch sử văn học những năm sau đổi mới” (Ngô Vĩnh Bình). Một số nhà nghiên cứu như Nguyễn Đăng Mạnh, Bùi Duy Tân…xem Ông cố vấn rất có giá trị ở phương diện một tiểu thuyết tình báo (Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam dùng cho nhà trường).

NYS NHT

Các Bài viết khác