NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

CON ĐƯỜNG DẪN TÔI ĐẾN VỚI THIÊN NHIÊN

( 16-02-2016 - 07:06 AM ) - Lượt xem: 1196

Ở những làng voi, tôi đã học được cách sống hợp nhân tình: hãy độ lượng và yêu thương. Một cách sống trong quan niệm từ bi của đạo Phật, xa lạ với các lí thuyết phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Giống như trong một câu phương ngôn Lào: "Nếu bạn chột mắt, hãy nhìn bạn phía con mắt lành, ta sẽ thấy bạn chẳng khác gì ta."

Tôi nhập ngũ năm 1950, học trường Thuỷ quân rồi sau học khoa Thông tin của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Ra trường, tôi phụ trách một điện đài phục vụ một trung đoàn quân Tình nguyện Việt Nam tại Lào. Tôi mang đài đi theo đơn vị quân báo của trung đoàn, phối hợp với các chiến sĩ của bộ đội It-xa-la, bộ đội chủ lực Lào, hoạt động trên Trường Sơn và trong vùng đồng bằng sông Mê-kông.

Cuộc sống sôi động, luôn dịch chuyển của người quân báo làm tôi say mê. Tôi theo đơn vị đi đây đó khắp nơi, tiếp xúc rộng rãi, có dịp quan sát sinh hoạt của nhiều vùng.

Ở trường Lục quân về, ngày ấy nhà trường được Trung Quốc cho học tập tại một miền đồi núi của của tỉnh Vân Nam để tránh máy bay địch đánh phá, tôi đã đi bộ một chuyến dài, từ biên giới cực Bắc đất nước đến tận tỉnh Khăm Muộn cùa Lào. Cứ ba ngày đi lại một ngày nghỉ, gần hai tháng sau tôi mới tới được đơn vị. Cuộc hành quân dài dặc, vất vả nhưng đã mang lại nhiều khám phá.

Vùng biên giới phía Bắc thật hùng vĩ, với những ngọn núi mây phủ triền miên, những rừng thông vi vu, những đoàn người ngực áo phanh rộng, đuổi từng đoàn ngựa thồ trên con đường đá gập ghềnh, những quán rượu cắm cành thông làm hiệu, bên trong bày những bình sứ trắng và treo những chùm ớt chín đỏ, những tảng thịt. . .

Vùng biên giới phía Tây, trong lòng dãy Trường Sơn, cảnh vật còn quyến rũ hơn: những cánh rừng chưa hề in dấu chân người, những ngọn núi tím biếc với những hồ nước trong vắt trên đỉnh, những đồi lau và đồi tranh vàng rực dưới nắng thu, những bầy thú mà ta dễ dàng gặp trên đường: những con tê giác cuối cùng, những bầy hươu nai, bầy voi, những con bò tót hùng tráng, lũ báo gấm uyển chuyển. . . Bọn thú rừng ấy chưa biết gì về con người, nhìn ta đi qua bằng cặp mắt thản nhiên. . .

Rồi cứ đến mùa chiến dịch, đội quân báo lại đi về trên Trường Sơn, qua những rừng phẳng bát ngát của đất Lào tới những bản làng hiền hoà nằm trên bờ sông Mê-kông. Mỗi chuyến đi lại làm tôi thêm yêu thiên nhiên, yêu con người. Từ đó, cũng như những ai từng tích luỹ được một số vốn sống, tôi muốn viết. . .

*

Trong mỗi chuyến đi, bao giờ chúng tôi cũng kiếm được một người đưa đường. Thưòng đó là những ông già đã nhiều lần qua lại Trường Sơn. Họ thuộc từng đường ngang lối tắt, thuộc những câu chuyện của từng cánh rừng, từng ngọn núi. Trong nhiều năm, tôi đã theo họ đi trên lối đi của những bầy voi, theo vết mòn của nước chảy, ngược dòng Ngàn Sâu, Ngàn Phố, qua Giăng Màn, đèo Mụ Giạ, đèo Phù Ac. . .

Buổi chiều, khi ngừng lại trong rừng, họ thường chọn một chỗ an toàn, ít dấu chân thú cho chúng tôi ngủ đêm được yên lành. Khi đốt lửa nấu bữa ăn chiều, bao giờ họ cũng lãnh nhận việc nướng thịt. Không ai nướng thịt rừng tài tình bằng họ: tảng thịt bữa nào cũng được bao phủ một lớp vỏ thơm giòn, giống như quay trong lò. Vừa xoay tảng thịt trên than hồng, họ vừa kể cho chúng tôi nghe đủ chuyện: chuyện con voi già của đề đốc Lê Trực, chuyện tướng quân Cao Thắng, chuyện cụ Phan Đình Phùng hưởng ứng chiếu Cần vương, rồi những chuyện về tập tính của các loài thú, chuyện những dây phong lan. . . cả đến chuyện của những người buôn trâu bò và muối lậu vượt Trường Sơn.

Họ kể bằng một ngôn ngữ giản dị, ít lời nhưng nhiều hình ảnh, thứ ngôn ngữ riêng chỉ có trong rừng, nơi người ta nói rất ít và làm nhiều. Ngay giọng nói của họ cũng để lại ấn tượng sâu sắc: một giọng trầm buồn của những ai đã sống lâu ngày trong hoang vắng. Tất cả chúng tôi ngồi lặng im đón nghe từng tiếng thì thầm của họ, trong không khí phảng phất mùi hoa và mùi nhựa cây của rừng đêm.

Những ông già đưa đường chẳng những đã cung cấp cho tôi nhiều tài liệu, họ còn dạy tôi những bài học về cách dùng ngôn ngữ. Bài học giản dị nhưng rất khó theo: hãy gắng đừng nói những lời thừa.

*

Đất nước Lào có tên là đất nước Triệu Voi. Ở đây có nhiều làng nuôi voi như ta nuôi trâu bò. Voi xích la liệt ngoài bãi rộng. Chiều chiều, khi làm xong công việc một ngày, chúng xuống tắm dưới bến sông, nằm ngổn ngang như đá tảng và tung vòi phun lên trời những tia nước long lanh. Khi nghe hiệu lệnh thu voi, chúng tự đứng dậy, ngoan ngoãn đi về làng.

Thoạt đầu tôi rất kiêng dè những con vật đồ sộ này, thường lạ lùng tự hỏi: làm sao với sức mạnh ghê gớm vốn có, chúng lại chịu tuân phục dễ dàng những con người trần trụi và bé nhỏ như chúng ta?

Sống lâu ở những làng voi, tôi dần hiểu: quản tượng có thể sai khiến con voi bằng lòng nhân hậu và sự công bằng. Họ coi nó như người thân trong gia đình, cho nó ăn no, để nó làm việc vừa sức và đúng giờ, chú ý đến ưu điểm của nó hơn là những thiếu sót. Khi đòi hỏi nó làm một việc khó khăn, quản tượng càng săn sóc hơn: con voi được ăn thêm các thức ăn ngon, được vỗ về an ủi. . .

Nhưng đó là điều tất nhiên để giữ quan hệ lâu bền giữa người và vật, đâu có gì đặc biệt?

Chỉ là tất nhiên, là bình thường, nhưng ngay đến con người không phải ở nơi nào cũng được đối xử như thế!

Ở những làng voi, tôi đã học được cách sống hợp nhân tình: hãy độ lượng và yêu thương. Một cách sống trong quan niệm từ bi của đạo Phật, xa lạ với các lí thuyết phân biệt chủng tộc, phân biệt giai cấp. Giống như trong một câu phương ngôn Lào: "Nếu bạn chột mắt, hãy nhìn bạn phía con mắt lành, ta sẽ thấy bạn chẳng khác gì ta."

*

Cuộc sống của người quân báo không phải lúc nào cũng căng thẳng và bận rộn. Chúng tôi cũng có những phút rảnh rỗi khi chiến dịch đã chấm dứt. Dịp đó chúng tôi thường đi quăng chài ngoài sông với những người đánh cá, hoặc vào rừng theo các thợ săn.

Họ rất gần gũi với thú vật. Họ thường nuôi trong nhà những bầy chó tinh khôn để dò tìm và đuổi theo con mồi. Có người còn nuôi trăn cho chúng bắt chuột, nuôi gấu cho chúng chơi với trẻ con. Những chú gấu ục ịch, lông đen nhánh, vài tuần lại được cắt vuốt một lần để cào khỏi đau, nhiều lúc vật nhau huỳnh huỵch với trẻ con trên sàn.

Thật may mắn khi được theo chân những bác thợ săn đứng tuổi. Họ làm nghề săn đã nhiều năm và quen thuộc với hầu hết các thú rừng. Có thể ví họ với những nhà động vật học: họ biết về cấu tạo và tập tục của từng loài thú. Họ thường dạy chúng tôi đi theo vết con mồi, những dấu mong manh, mờ nhạt mà người thường khó lòng nhận ra: những vết chân in hờ trên mặt đất, một mùi lạ vương trên ngọn cỏ, vài sợi lông mắc trên lớp vỏ cây. . .

Khi chưa tiếp xúc với thợ săn, tôi đinh ninh họ là người lạnh lùng, tàn nhẫn. Nhưng không phải vậy. Họ thương lũ thú bé bỏng, non nớt. Họ giết con mồi không phải vì ham thích mà vì nhu cầu. Cũng như người miền xuôi buộc lòng phải giết con gà, con lợn để có thức ăn.

Có lần, một bác thợ săn cho tôi một con cu li. Đó là chú cu li mà tôi đã có dịp nói đến, có đôi mắt đen ngơ ngác và bộ lông vàng điểm lấp lánh những sợi bạc.

Bác bảo tôi: "Hãy nuôi nó cho cẩn thận. Nó có thể làm cho anh vui và giúp anh được nhiều việc!"

Con cu li đã giúp tôi được những việc gì?

Nó là người bạn của tôi trong nhiều năm. Tôi rất thích nhìn ngắm vẻ đẹp và cặp mắt của nó những lúc tôi buồn.

Ngủ đêm trong rừng, nó giúp tôi yên tâm hoặc thức tỉnh. Tôi buộc nó cạnh chỗ tôi nằm. Nếu nó ngồi yên bên tôi, tôi có thể ngủ yên theo. Nếu nó bám riết lấy tôi và run rẩy tức là có một nguy hiểm đang gần kề, phải đề phòng.

Tôi rất cảm ơn người thợ săn đã cho tôi con cu li. Bác khiến tôi nhìn thú vật không chỉ đơn thuần là những con thú. Tôi nhìn chúng như những sinh vật biết vui buồn, có tình bạn, tình yêu. . .

*

Người phía đông và phía tây Trường Sơn cùng sống một cuộc sống đơn sơ nhưng phóng khoáng, gần gũi thiên nhiên. Thiên nhiên ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tính họ. Người Xô, người Xêk, người Vân Kiều sống ở những vùng rừng rậm núi hoang nên tính tình thầm lặng, xa vắng. Người Lào sống từ lâu đời trên những vùng đồng ruộng rộng rãi, bên những dòng sông trong xanh nên tính tình êm dịu, hiền lành.

Tuy khác nhau về tâm tính nhưng họ giống nhau về tình yêu quê hương, xứ sở. Vùng đất làng thân thuộc và hiền hoà như một lưng voi bát ngát. Ở đây mọi cái gắn bó với họ, khiến họ yêu tất cả trên đời: bà con bè bạn, li rượu trong bữa cơm chiều, cái bếp ấm lửa đêm khuya, con suối, cánh rừng, hoa lá, tiếng chim hót và tiếng nhạc những cây khèn. . . Họ gắn bó với nhịp sống và khung cảnh sống của họ đến mức khi bắt buộc phải rời làng, bao giờ họ cũng tìm đến nơi có con suối giống con suối ở làng cũ, nương rẫy giống như nương rẫy cũ. . .

Họ sống với những tập quán và những luật lệ gần như hoang dã nhưng nếu để công lựa chọn sẽ thấy nhiều phong tục tốt đẹp, nhiều luật lệ giản dị và công bằng, lấy sự quý trọng con người làm nền tảng.

Ở những bản làng xa vắng của họ, niềm mong mỏi đón khách có tự lâu đời. Bữa ăn nào, người ta cũng thổi thêm xôi phòng khi khách đến. Dù khách là ai, là cán bộ, bộ đội hay chỉ là người đi kiếm măng kiếm nấm thì khi lên nhà, gặp bữa ăn bao giờ cũng được mời. Đừng khách sáo, hãy ngồi vào cùng ăn với họ.

Tôi đã được dự những đám cưới trong đó cặp vợ chồng thực hiện một nghi thức lạ lùng: họ lấy gai rừng chọc vào má mình cho ứa máu rồi áp má để hai dòng máu hoà lẫn vào nhau. Đó là dấu hiệu để giữ tình yêu đến trọn dời.

Tôi cũng đã được dự những buổi họp làng để khen ngợi người có công hoặc xử phạt người có lỗi. Ai cũng được quyền buộc tội hoặc bào chữa cho kẻ phạm lỗi mà không sợ hận thù, ân oán. Tôi ngạc nhiên vì bao giờ cũng có nhiều người bào chữa, hình như với tâm hồn đơn sơ, rộng rãi, con người ở đây ưa tha thứ hơn trừng phạt. . .Tôi muốn giới thiệu mọi điều đó với bạn đọc. Nếu biết rõ về thiên nhiên, về sinh hoạt và phong tục tập quán của các vùng đất nước, bạn đọc có lẽ cũng sẽ như tôi, càng thêm yêu mến đất nước, yêu mến con người.

VŨ HÙNG

Các Bài viết khác