NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

BÚT SINH XUÂN

( 25-01-2017 - 02:05 PM ) - Lượt xem: 1068

Nhà văn Hà Ân giơ tay như viết lên không trung, giọng trầm ngâm: - "Bút trung hậu, cầm , kiếm, giang hồ, an tại" nghĩa là người vốn trung hậu dù có phải việc đao binh, phiêu bạt rồi cũng được yên ổn hòa bình, như thế nhớ chưa nào?

Vào một ngày tháng giêng 1993, mải miết đạp chiếc xe đạp cũ trên đường Bà Triệu, lòng rối bời công việc biên tập của Nhà xuất bản Kim Đồng, sách tranh ngoại nhập đang "gây sốt" hừng hực trên thị trường Hà Nội, Sài Gòn…chợt tôi bỗng cảm thấy những giọt mưa vút bay vào mắt mình, phút chốc nhòe mờ , tôi đi chậm lại và nhận ra một bóng người quen thuộc. Người ấy quay lại nhìn tôi cười: nhà văn Hà Ân!
Tôi bèn xuống xe và nhẹ nhàng đưa xe lên vỉa hè để đi bộ cùng ông. Tôi biết ông thường đi bộ từ nhà gần chợ Hàng Da dọc theo con đường bên hồ Gươm để xuống phố Bà Triệu, tới gặp gỡ trò chuyện với các anh chị em biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng. Mỗi lần ông đến, món quà thường là câu chuyện rất độc đáo về những phong tục sinh hoạt nay đã không còn trong đời sống hiện tại, mọi người ai cũng cảm thấy thú vị khi được biết sâu sắc hơn về truyền thống dân tộc... Lúc ấy nhà văn Hà Ân đi thong thả trên vỉa hè và cười vui vẻ, ông hỏi tôi:
- Liên đã nghĩ tới Khai bút chưa?
Tôi sững người. Đang chìm ngập trong những lo toan cả việc nhà ,việc cơ quan, tôi tựa như một chú lạc đà thồ trên lưng những bao tải nặng bước giữa sa mạc đầy gió cát khô khốc, bỗng nhiên như nhận ra một làn gió mát bay đến… Đối với tôi khi ấy nghĩ tới sáng tác giống như nghĩ đến một bóng cây xanh mát và được ngồi nghỉ chốc lát giữa công việc bộn bề. Tôi chợt nhớ bài bút ký của ông có tên "Kỷ niệm về khai bút" đã từng in trong một tập sách mình biên tập bèn buột miệng nói ngay:
- Nếu Tết này khai bút, em sẽ viết : "Bút sinh thiện phúc" nghĩa là bút sinh ra lành tốt, được chưa ạ?
Nhà văn Hà Ân gật gù:
- Làm biên tập nhớ câu đó của tác giả , được!
Vui chuyện,tôi bèn hỏi lại ông:
- Câu khai bút trên là câu của người nữ , vậy còn câu nam nhi thế nào , em quên mất rồi ạ.
Nhà văn Hà Ân giơ tay như viết lên không trung, giọng trầm ngâm:
- "Bút trung hậu, cầm , kiếm, giang hồ, an tại" nghĩa là người vốn trung hậu dù có phải việc đao binh, phiêu bạt rồi cũng được yên ổn hòa bình, như thế nhớ chưa nào?
- Dạ, vâng ạ.
Lúc ấy đã đến cổng cơ quan, nhà văn Hà Ân bỗng dừng chân lại hỏi tôi:
- Nhà Kim Đồng bây giờ in tranh truyện bán chạy lắm, vậy có in truyện danh nhân lịch sử Việt Nam nữa không?
- Dạ, có chứ ạ, anh có viết bản thảo nào mới ?
- Tôi đang viết một truyện ngắn về cụ Nguyễn Công Trứ.
- Ô, Cụ Trứ hay lắm, thế anh có mang đến hôm nay không?
- Chưa, giáp Tết mới xong!- Ông cười rồi bảo- Thôi, Liên đi lên làm việc đi, tôi về đây, lên văn phòng ngồi nói chuyện mất thời gian của các vị cán bộ biên tập!
Nói rồi, ông nhanh nhẹn quay đầu lại và rảo chân bước , thật là chợt đến chợt đi như gió thổi, mây bay !

Rồi, những ngày giáp Tết đến lúc nào không biết, khắp phố phường chộn rộn. Dạo ấy, các gia đình nhà nào cũng tự gói bánh chưng , cán bộ đi làm về đạp xe rối rít , xếp hàng mua lá, mua thịt, mùa đậu xanh, gạo nếp… í a, í ới khắp khu tập thể. Trời rét ngăn ngắt, ngồi rửa lá, đãi đậu tê cóng cả tay chân vẫn thấy vui, chuyện trò rôm rả…Rồi nhiều nhà nấu bánh chưng bằng nồi áp suất kêu phì phì rít rít …suốt đêm ngày.Nồi nước tắm thơm hương lá mùi bay ngào ngạt trong ngõ nhỏ…
Buổi sáng ngày 30 Tết đó, nhà tôi vừa mở nồi áp suất, bánh chưng vừa vớt ra khói bay thơm phức, bỗng có tiếng chân bước ngoài hàng lang, rồi một bóng người cao cao đội cái mũ nồi quen thuộc xuất hiện. Ô! Nhà văn Hà Ân!
Cả nhà tôi, chồng và các con tôi đều vui mừng được gặp một ông già hiền hậu, đến thăm nhà ngày Tất niên. Đúng như lời hẹn, ông mang đến bản thảo tập truyện ngắn có tên "Vụ án trầu cánh phượng ", một tập truyện dã sử được viết từ những giai thoại về danh tướng Nguyễn Công Trứ với các cô đào nương vừa hát hay vừa biết têm trầu cánh phượng, biết gói giò lụa và làm cỗ Tết...
Cầm tập bản thảo viết tay chữ rõ ràng của nhà văn, tôi cảm động biết bao nhiêu. Thế là mùa xuân mới các em thiếu nhi sẽ được đón đọc một tập truyện lịch sử thú vị, để hiểu hơn về một danh nhân vừa là thi sĩ lại vừa là tướng tài có cuộc đời nhiều thăng trầm hiếm có.
Nhân ngày Tết đến, gia đình tôi mời nhà văn Hà Ân cùng nếm thử bánh chưng mới. Miếng bánh nóng hổi còn mềm , thịt, đậu tuy không nhiều nhưng sao mà người lớn, trẻ con ai ăn đều cảm thấy ngon miệng lắm.
Trước khi ra về ông đặt lên bàn một túi ni lon nhỏ, trong đó có những quả trám muối khô ướp cam thảo thơm ngọt. Món quà giản dị của người phố cổ đó đối với tôi lại quý vô cùng, bởi đó chính là món ăn mà mẹ tôi ưa thích lúc sinh thời. Tôi đặt lên bàn thờ món quà Tết giản dị bé nhỏ đó mà trong lòng cảm động vô cùng.
Đã nhiều mưa gió đi qua, đã nhiều cái Tết đi qua kể từ ngày nhà văn Hà Ân về cõi cực lạc với các nhân vật lịch sử ông hằng yêu quý. Rồi mỗi khi Tết đến xuân về, giữa những quả ngon vật lạ hôm nay bầy đày các siêu thị, giữa những cuốn sách rực rỡ sắc mầu và màn hình , điện thoại thông minh biến ảo…đôi khi tưởng như mình cũng đã khô kiệt mọi buồn vui giống một loại máy móc "bị đơ", thế rồi bỗng nhiên chợt như lại có giọt nước mưa nào bay vút qua mắt, trong bóng nhòe mờ, lại thấy chợt hiện ra bản thảo xưa và những chữ cũ rung rinh như nụ cười của một ông già nhân hậu, chợt cảm thấy vị mặn mòi của quả trám khô, một thoáng thơm cam thảo, một tiếng thì thầm gọi : "Khai bút…". viết gì ư ? Bút sinh… Phải rồi, Tết này mình sẽ viết ba chữ: BÚT SINH XUÂN.

LÊ PHƯƠNG LIÊN
Tháng 11/2016. LPL

Các Bài viết khác