NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THẾ LỮ TRONG TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

( 24-08-2014 - 03:55 PM ) - Lượt xem: 1637

Thế Lữ là một trong những thành viên Tự lực văn đoàn có nhiều tác phẩm nhất ra đời từ Nhà xuất bản Đời nay. Từ năm 1934 đến năm 1943, Thế Lữ cho xuất bản mười hai cuốn sách (ngoài sách thơ, có những cuốn văn xuôi nghệ thuật gom gộp nhiều đơn vị tác phẩm), bình quân mỗi năm hơn một cuốn

PHẠM ĐÌNH ÂN

1. Lâu nay, xét về hoàn cảnh, thời điểm ra đời và danh sách thành viên giữa báo Phong hóa (từ số 14, ra ngày 22-9-1932) và Tự lực văn đoàn, thì cả hai vẫn được nhiều nhà nghiên cứu dồn vào một. Thật ra, tách biệt thì đúng hơn. Bởi vì, trên thực tế, có một quy trình ngược xảy ra (tuy rất ngắn) là: cơ quan ngôn luận có trước, tổ chức văn đoàn có sau. Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), một  người vừa du học ở Pháp về, đầy tham vọng canh tân xã hội và canh tân văn chương, chủ trương, điều khiển báo Phong hóa (mới), ngay sau đó, chính ông sáng lập Tự lực văn đoàn. Khi thấy báo Phong hóa được độc giả nhiệt liệt ủng hộ, háo hức tìm mua, khiến số lượng in tăng lên rất lớn, Nguyễn Tường Tam bèn nảy ra một ý tưởng táo bạo, nhìn xa, trông rộng : cùng anh em trong tòa soạn lập ra một nhóm lấy tên là Tự lực văn đoàn. Và, sau nửa năm (đến tháng 3- 1933), Tự lực văn đoàn ra đời.

Như vậy, danh sách thành viên Tự lực văn đoàn, trong đó có Thế Lữ, về cơ bản lấy lại danh sách nòng cốt (người điều khiển, chủ bút, phóng viên, sáng lập viên) của báo Phong hóa (mới).

Thế Lữ được mời làm báo Phong hóa cũng vì một lẽ riêng. Thế Lữ không kịp có mặt ngay khi Phong hóa ra số mới. Tuy nhiên, trước đó, giới viết văn, giới học thuật và nhiều bạn đọc đã biết Thế Lữ. Đó là một chàng trai theo tân học, vừa rời trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, biết vẽ, đang làm thơ mới, viết truyện lãng mạn, (truyện Suối lệ là một ví dụ), vừa mới được đăng ở một vài tờ báo, ngoài ra còn tham gia biểu diễn kịch nói. Vũ Đình Long, Giám đốc Nhà xuất bản Tân dân, sau khi đọc Vàng và máu đã nói với Thế Lữ (khi có cả Vũ Đình Liên ở bên cạnh) : “Ông sẽ là một nhà văn có tài, đọc không dứt ra được ; từ trước đến nay tôi chưa đọc một quyển truyện nào như thế này ...”. Nguyễn Tường Tam, khi chưa trở thành nhà văn tên tuổi Nhất Linh, chưa đứng ra sáng lập Tự lực văn đoàn, đã rất quan tâm đến Một đêm trăng, Vàng và máu và tác giả của hai truyện này : Thế Lữ. “Những tác phẩm ấy đã làm cho Nguyễn Tường Tam đặc biệt chú ý đến về ý tưởng và ngòi bút mới mẻ”. Nguyễn Tường Tam cho rằng, đó là “Một cây bút mới mẻ mà ông đã từng được đọc trên báo mà ông thấy có triển vọng và sẽ kết nạp cho được và chắc chắn không khó khăn”. Sau này, trong bài tựa cuốn Vàng và máu của Thế Lữ do Nhà xuất bản Đời nay in năm 1934, Khái Hưng phát biểu : “Tôi vẫn mong mỏi sẽ có nhà văn dung hợp được văn thái Tây với văn Á Đông để gây một lối văn viết theo óc khoa học vừa vẫn giữ được thi vị của văn Tàu. Nhà văn đó Ngày nay đã có : chính là Nguyễn Thế Lữ, thi sĩ trong Tự lực văn đoàn”.

Khi Phong hóa (mới) ra đời, Thế Lữ chào đón và gửi bài. Bài thơ đầu tiên nhan đề Con người vơ vẩn được đăng vào số Tết năm 1933. Sau đó, lần đầu tiên đến tòa soạn báo Phong hóa, Thế Lữ đọc chùm thơ bốn bài viết ở Đồ Sơn : Tiếng sáo Thiên Thai, Tiếng gọi bên sông, Lời than thở của nàng Mỹ thuật, Lựa tiếng đàn. Nghe dứt lời, Khái Hưng reo : “Lamartine của Việt Nam”. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam nhấn mạnh. “Xúc cảm còn mạnh hơn đọc bản tiếng Pháp của Lamartine”. Trong Đề cương hồi ký (18-6-1977), Thế Lữ viết (văn xuống dòng nhiều kiểu dàn ý, pháp thảo) : “Nhân duyên từ trước với báo này, từ khi còn ở Hải Phòng. Cảm tình với một thứ báo chí có chất lượng, gửi thi Vui cười và được tặng thưởng (về bài Cải chính)”.

2. Quả là Nhất Linh không nhầm khi mời Thế Lữ làm báo Phong hóa để rồi sau đó ông có được một thành viên sáng giá, mẫn cán của Tự lực văn đoàn, dưới quyền điều khiển của ông. Ngay từ buổi đầu, tuy vốn liếng sáng tác phẩm chưa nhiều, nhưng Thế Lữ đã là một nghệ sĩ có tài và đa tài. Có tuổi đời cao hơn hầu hết các nhà thơ mới, lại là cái gạch nối giữa thế hệ thơ cũ và thế hệ thơ mới, ông là một người hiếm hoi có sáng tác nổi danh từ trước. Một số thành viên khác (ngay cả những người đứng đầu, sáng lập) hầu như chỉ thật sự có đóng góp vào nền văn chương nước nhà và nổi tiếng khi đã làm việc trong Tự lực văn đoàn. Thế Lữ được Tự lực văn đoàn rất đề cao. Chính Nhất Linh cũng có bài viết về thơ văn Thế Lữ với thái độ rất trân trọng, ngưỡng mộ.

Thế Lữ nhanh chóng trở thành chỗ dựa chắc chắn, nhiều ưu thế của người điều khiển, là nơi gửi gắm niềm tin của cả nhóm, là niềm mong đợi nồng nhiệt của công chúng độc giả, và từ tất cả những ưu điểm ấy, Thế Lữ đã góp phần lớn gây thanh thế cho Tự lực văn đoàn ngay từ những tháng đầu tiên ra mắt.

Và sau này, như sẽ trình bày dưới đây, Thế Lữ bằng những việc làm cụ thể, đã góp phần làm cho Tự lực văn đoàn vững chãi từ những hoạt động cải cách đầu tiên, tạo nên phong trào Thơ mới và văn xuôi lãng mạn. Thật khó hình dung, khi văn chuong Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn chương phương Tây, trực tiếp là văn chương Pháp, để rồi hòa vào dòng chảy chung của văn chương nhân loại hiện đại, mà thơ và văn xuôi nghệ thuật đầu thế kỷ XX lại không có Tự lực văn đoàn và thiếu những tác giả mở đường như Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Huy Thông, v.v.

3. Trong một phạm vi, một ý nghĩa nào đó thuộc về điều khiển khách quan cần thiết của chủ thể sáng tạo, có thể khẳng định rằng Tự lực văn đoàn, với hai tờ tuần báo Phong hóaNgày nay cùng với Nhà xuất bản Đời nay, đã làm nên tên tuổi Thế Lữ, cũng như đã sinh ra các nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng, Thạch Lam, nhà thơ Tú Mỡ và có thể cả một số nhà văn nổi tiếng khác nữa. Đối với Thế Lữ và một số thành viên khác (trừ Tú Mỡ, Xuân Diệu sau này còn tiếp tục sáng tác văn chương), hai công việc làm báo và viết văn hầu như được thu gọn trong thời gian làm việc cho Tự lực văn đoàn, số năm tháng viết văn của họ gần trùng khít với tuổi thọ của văn đoàn này. (Riêng Thế Lữ, ông sớm chuyển một phần tâm sức sang địa hạt sân khấu kịch nói. Thái độ của những người đồng nghiệp cùng chí hướng đối với hoạt động sân khấu kịch nói của Thế Lữ không giống nhau. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng phản đối do không muốn người của mình phân tán tâm sức ra ngoài ; Tú Mỡ, Thạch Lam, ủng hộ do muốn Thế Lữ phát huy hết mọi khả năng, muốn kịch nói phát triển. Thạch Lam xem một số vở kịch do Thế Lữ dàn dựng, đã viết bài khích lệ. Tú Mỡ vốn yêu nghệ thuật sân khấu, nhất là chèo, ông có soạn vở, viết một cuốn sách nói về kinh nghiệm sáng tác kịch bản chèo). Cũng có thể nói, đối với Thế Lữ nói riêng và hầu hết trí thức theo Nho học và Tây học viết văn nói chung ở nước ta đầu thế kỷ XX, từ báo mà có văn, từ báo mà có tác phẩm văn chương in thành sách, đúng như nhà nghiên cứu Huỳnh Văn Tòng nhận định : “Văn học hiện đại Việt Nam thoát thai từ báo chí, khác với trường hợp ở các nước phương Tây là văn học đẻ ra báo chí”.

Thế Lữ tâm huyết với văn chương và ông cũng là một nhà báo đầy nhiệt tình, năng nổ với nghề. Ông có may mắn được thử thách và trưởng thành ở Phong hóaNgày nay hai tờ báo có vai trò lớn nhất nước trong công cuộc đổi mới văn chương, hai tờ báo cắm một cái mốc dọc quá trình hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam : Gia Định báo (1865), Đông Dương tạp chí (1913), Nam Phong (1917), Thanh niên (1925), Phong hóa, Ngày nay (1932, 1935), Cờ giải phóng (1945). Riêng tuần báo Phong hóa là luồng gió mới, làm xáo trộn tất cả trật tự xã hội, thổi tung những lớp bụi bặm phủ đầy trên lâu đài văn hóa cũ một lần nữa bay mù trời”. Thế Lữ vừa viết báo, biên tập, vừa sáng tác thơ và văn xuôi nghệ thuật. “Tờ báo có một quy định chặt chẽ, tất cả những người trong Tự lực văn đoàn đều phải thay nhau làm chủ bút sáu tháng”. “Bốn anh em giường cột trong tòa soạn (anh Tam, anh Long, anh Giư, anh Thế Lữ) tình nguyện chỉ lĩnh mỗi tháng năm mươi đồng đủ sống, để dành tiền lãi làm vốn phát triển”. Thế Lữ (và cũng là ông, bút danh Lê Ta) tham gia phụ trách, viết nhiều tin bài tại các chuyên mục như Cuộc điểm báo, Cuộc điểm sách, Từ cao đến thấp, v.v. (Phong hóa) hoặc Điểm báo, Tin thơ, Tin văn ... vắn v.v. (Ngày nay), trong đó, mục Tin thơ do ông viết hầu như toàn bộ, đã phát hiện và khích lệ một số khả năng thơ mới. Ông cũng viết nhiều bài về các vấn đề văn chương, nghệ thuật, phê bình sách ngoài những chuyên mục cố định.

Hơn nữa, Thế Lữ còn là thành viên Ban giám khảo các cuộc thi của Tự lực văn đoàn. Ông tham gia chấm giải tất cả ba cuộc (1935, 1937, 1939), góp tiếng nói của một nhà văn, nhà báo có tín nhiệm để khẳng định một số tác phẩm, đáng chú ý là những ý kiến khá chính xác về những tác phẩm được trao giải hoặc khen ngợi như : Kim tiền (kịch bản kịch nói của Vi Huyền Đắc, 1935), Bỉ vỏ (tiểu thuyết của Nguyên Hồng, 1935), Tâm hồn tôi (tập thơ của Nguyễn Bính, 1937), Bức tranh quê (tập thơ của Anh Thơ, 1939), Nghẹn ngào (tập thơ của Tế Hanh, 1939, sau này đổi tên là Hoa niên).

Khoảng gần một năm đầu ở báo Phong hóa, cũng là khi phong trào Thơ mới vừa mới mở ra với những cuộc khẩu chiến, bút chiến căng thẳng giữa phái chủ trương thơ cũ và phái chủ trương thơ mới, Thế Lữ lặng lẽ làm thơ, đăng thơ. Đến khi ông đăng liên tiếp những bài phê phán thơ cũ và loại thơ gọi là mới nhưng tẻ nhạt, kệnh cỡm, đồng thời bênh vực, cổ vũ thơ mới đích thực, thì cũng là khi những bài thơ của ông đăng trước đó và vừa xuất hiện chiếm được cảm tình nồng nhiệt của bạn đọc rộng rãi ở thành thị, trong đó có các bạn trẻ và giới học thuật, khiến những người chủ trương thơ cũ phải ngại ngần, nhường nhịn. Một số cây bút, trong đó có thành viên Tự lực văn đoàn đăng bài đề cao Thế Lữ. Tại báo Phong hóa, số 97 (11-5-1934), Nguyễn Tường Bách (em ruột Nguyễn Tường Tam) lấy thơ Thế Lữ làm mẫu, biểu dương hết lời, để từ đó công kích một số bài thơ mới lố lăng, kệch cỡm. Nguyễn Bách viết : “Những bài thơ của ông Thế Lữ đã tỏ ra rằng thơ mới đã vượt qua những khuôn khổ chật hẹp của thơ văn cũ mà đi vào một con đường khác rộng rãi hơn nhiều”. Lê Tràng Kiều, Lưu Trọng Lư, Thạch Lam, Xuân Diệu, v.v. đều có bài khen ngợi, đề cao thơ Thế Lữ. Bài thơ Nhớ rừng gây chấn động lớn, có sức cảm hóa sâu sắc đối với đông đảo bạn đọc. Rồi những bài thơ khác như Cây đàn muôn điệu, Tiếng sáo Thiên Thai, v.v. và cuối cùng, tất cả những tác phẩm ấy được gom vào tập Mấy vần thơ (cùng với tập thơ Dòng nước ngược của Tú Mỡ, là hai tập thơ đầu tiên của Tự lực văn đoàn, cũng là đầu tay của hai tác giả, do Nhà xuất bản Đời nay công bố cùng năm 1935), trở nên một trong những “đòn” chủ yếu dứt điểm, đánh bại thơ cũ, giành phần thắng hoàn toàn, rực rỡ cho thơ mới.

Thế Lữ rất chú ý phát hiện và biểu dương cái mới. Ở mục Tin thơ (chuyên về khen) do ông đảm trách, với bút danh là tên thật Thế Lữ, ông đón mừng  những khả năng thơ mới và vừa xuất hiện, có nhiều triển vọng. Ông trân trọng thơ của các nhà thơ vượt qua ông như Xuân Diệu, Huy Cận và thơ của các nhà thơ khác như Lưu Trọng Lư, Tế Hanh, Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp, Đoàn Phú Tứ, văn của Thanh Tịnh, v.v. Ông viết bài giới thiệu thơ Xuân Diệu, văn Thạch Lam, v.v. một cách mạnh dạn, công bằng, nhắn tin trên báo và gửi thư cho một số cây bút trẻ có triển vọng, thậm chí có đến thăm, nhằm động viên, khích lệ họ sáng tác và cộng tác với hai tờ báo của Tự lực văn đoàn.

Chính trong khoảng thời gian tám, chín năm làm việc trong Tự lực văn đoàn, ngoài thơ, Thế Lữ còn viết và công bố nhiều tác phẩm văn xuôi nghệ thuật, đó là truyện huyễn tưởng, truyện trinh thám (hòa vào những truyện gần cùng thể loại của Phạm Cao Củng, Lan Khai, Tchya tức Đái Đức Tuấn) và những truyện lãng mạn không thuộc hai loại này. Văn xuôi nghệ thuật của Thế Lữ có một vẻ đẹp riêng, hấp dẫn, cho thấy một khía cạnh khác đáng lưu ý ở tài năng Thế Lữ.

Thế Lữ là một trong những thành viên Tự lực văn đoàn có nhiều tác phẩm nhất ra đời từ Nhà xuất bản Đời nay. Từ năm 1934 đến năm 1943, Thế Lữ cho xuất bản mười hai cuốn sách (ngoài sách thơ, có những cuốn văn xuôi nghệ thuật gom gộp nhiều đơn vị tác phẩm), bình quân mỗi năm hơn một cuốn, riêng năm 1937 có hai cuốn, năm 1941 có ba cuốn, năm 1942 có hai cuốn. Đáng lưu ý về mốc xuất bản của Thế Lữ là : tập truyện đầu tiên, có dư luận tốt : Vàng và máu (1934), tập thơ thứ nhất, nổi tiếng ngay: Mấy vần thơ (1935), tập thơ thứ hai (là tập trước được bổ sung nhiều bài mới) : Mấy vần thơ, tập mới (1941).

4. Trong khi Tự lực văn đoàn tồn tại ổn định, mọi thành viên đều gắn bó với nhau, tuy nhiên họ chỉ tuân thủ tôn chỉ của văn đoàn ở những nét lớn, chung nhất. Mỗi người có suy nghĩ riêng, có hướng đi riêng, đời tư và cá tính sáng tạo mỗi người mỗi vẻ. Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo có nét giống nhau : truyện của họ phần nhiều nói về chống lễ giáo phong kiến trong tình yêu, gia đình, đậm tính luận đề. Thạch Lam có riêng một vùng quê bảng lảng gió sương với một vùng tâm hồn sâu lắng, văn chương của ông đào sâu vào tâm lý, thân phận nghèo và buồn. Tú Mỡ có cái cười phê phán bằng thơ. Xuân Diệu nồng nàn trong thơ tình yêu đôi lứa. Riêng Thế Lữ, ông có lối sống và cá tính sáng tạo độc lập, pha chất tài tử, bề ngoài có vẻ lành, hơi vụng là đằng khác, nhưng trong hoạt động nghệ thuật thì ý chí đổi mới quyết liệt, tác phong năng động khác thường. Ông luôn luôn háo hức, đắm say đi tìm cái mới, cái đẹp, hơn nữa : cái tuyệt mỹ. Làm thơ, viết văn, rồi làm sân khấu, vừa tạm xong việc nọ thoắt một cái đã sang việc kia, có khi không phải là liên tiếp nhau mà cả ba cùng một lúc, để rồi sân khấu cuốn hút ông hoàn toàn. Như vậy, khác hẳn và có ưu điểm hơn hẳn mọi thành viên khác trong Tự lực văn đoàn, riêng Thế Lữ là một nghệ sĩ tham gia cả ba thể loại giường cột của văn học, nghệ thuật hiện đại khi ấy : thơ trữ tình, văn xuôi nghệ thuật và sân khấu kịch nói ; ở lĩnh vực nào ông cũng đạt thành tựu đáng kính nể. Thế Lữ là nghệ sĩ hai lần tiên phong (trong thơ mới và trong kịch nói), như nhà nghiên cứu Phan Trọng Thưởng đã nhận định.

5. Thế Lữ là một con người động hoạt, tâm hồn không phức tạp, ông chỉ nhanh nhạy đón và bắt kịp bước chuyển biến của thời đại. Thế Lữ chỉ chăm chú làm nghệ thuật, ít quan tâm đến các công việc ngoài văn chương, nghệ thuật, không ăn nhập vào hoạt động canh tân xã hội hoặc làm chính trị của những người đứng đầu Tự lực văn đoàn. Thế Lữ không bị Tự lực văn đoàn thống trị về tư tưởng. Thế Lữ làm bài thơ Cây đàn muôn điệu tặng Hoàng Đạo, thể hiện những cảm nghĩ chưa đồng tình với Hoàng Đạo nói riêng và Tự lực văn đoàn nói chung. Ấy thế mà, khi cách mạng về, ông hưởng ứng ngay bằng các dự kiến và việc làm phục vụ cách mạng thông qua hoạt động biểu diễn kịch nói. Lên chiến khu Việt Bắc, cũng như Xuân Diệu, Tú Mỡ, Thế Lữ hăng hái làm nghệ thuật phục vụ kháng chiến. Cả ba nhà văn thuộc Tự lực văn đoàn này đều được Đảng và Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Mính.

Vào những năm tháng cuối đời, nhớ lại những kỷ niệm xưa, chính Thế Lữ đã tâm sự : “Không có báo Phong hóa, Ngày nay, không có bạn bè Tự lực, không có bạn thơ văn ngày ấy ăn ở với nhau như bát nước đầy, sẵn lòng yêu tài, mến đức của nhau... thì không thể là Thế Lữ.”

 (Tạp chí Văn học, số 8 – 2003. Có sửa chữa và bổ sung)

Các Bài viết khác