NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÌNH BẠN “BÙ TRỪ” NGUYỄN HUY TƯỞNG - CHẾ LAN VIÊN

( 27-07-2015 - 09:49 PM ) - Lượt xem: 1264

“Đi với Chế Lan Viên. Hồ Gươm lặng thầm. Chung quanh, đèn điện mờ mờ. Thành phố không vui. Có cái tự hào của chủ nhân, nhưng không có cái say sưa, cái gọi là chắp cánh” – đó là một trong những kỷ niệm của cha tôi với nhà thơ thời đầu hòa bình lập lại

Tháng 10 năm 1946, Đại hội nghị Văn hóa cứu quốc diễn ra ở Hà Nội, cũng là lần đầu tiên cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng gặp nhà thơ Chế Lan Viên. Nhà thơ ở trong đoàn đại biểu Trung Bộ ra dự hội nghị, miền trung khi ấy đang đi đầu kháng chiến nên các đại biểu được hội nghị đặc biệt chú ý. Riêng nhà thơ Chế Lan Viên, tác giả Điêu tàn, khi ấy mới 26 tuổi càng là tâm điểm của sự chú ý. Cha tôi không khỏi “choáng” trước nhà thơ kém mình tới 8 tuổi mà tên tuổi thì đã nổi như cồn, từng được ví như một thần đồng thi ca. Và đây là ấn tượng của cha tôi về họ Chế trong ngày hội nghị: “Chế Lan Viên vẫn đột ngột, sáng chói như ngôi sao. Bị chinh phục bởi anh này” (nhật ký ngày 13-10-1946)...

Đầu năm 1951, Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Hội Văn nghệ Việt Nam được tổ chức tại Việt Bắc. Nhà thơ Chế Lan Viên cùng nhà thơ Hoàng Trung Thông ra dự, hai ông đã có mặt trong bức ảnh nổi tiếng của nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu chụp 11 văn nghệ sĩ tham dự hội nghị. Các ông xếp thành hai hàng, thế nào mà nhà thơ Chế Lan Viên lại ở vào vị trí trung tâm nhất – và trông cũng ấn tượng nhất. Tóc húi cao, tề chỉnh nhưng vẫn nguyên vẻ bù xù tự nhiên, nhà thơ mặc một chiếc áo dạ tây có lẽ là hàng chiến lợi phẩm, chiếc áo có hơi rộng so với vóc người tầm thước của nhà thơ, nhưng khi ông đứng khoanh tay lại thì vẫn ôm sát người. Tóm lại trông ông vừa ngang tàng, nghệ sĩ lại vừa rất tề chỉnh... Cha tôi đứng cạnh ông – nếu không tính đến nhà thơ Hoàng Trung Thông cúi lom khom ở giữa – tóc húi cua, trông như muốn khuất đi trong bộ đồ ka ki có lẽ cũng là hàng chiến lợi phẩm. Mỗi người một vẻ, cả những người khác cũng vậy, nhưng ai nấy đều thật tự nhiên, thân ái. Đó cũng là khoảng thời gian Đảng Lao động Việt Nam ra công khai trở lại (3-3-1951), sau một thời gian tự giải tán, rút vào bí mật. Cha tôi có đưa nhà thơ xem bản thảo bài Đảng, Mặt trận, Hòa bình viết nhân sự kiện này, theo thói quen của các ông khi ấy, viết gì hay băn khoăn điều gì thường hay tham khảo ý kiến của nhau. Tác giả Điêu tàn đã tỏ ý khen khiến cha tôi cũng cảm thấy yên tâm hơn. Bấy giờ cha tôi còn đang viết dở vở kịch Nhân dân ta, và có lẽ, cũng đã tham khảo ý kiến của nhà thơ (về vở kịch này, chúng tôi xin được trở lại sau). Từ đây, trong nhật ký cha tôi cũng như trong thư của nhà thơ gửi cha tôi, giữa hai ông bắt đầu một tình bạn gắn bó không biết có phải theo quy luật bù trừ: nhà thơ thì sắc sảo còn cha tôi thì bình dị.

*

*  *

“Đi với Chế Lan Viên. Hồ Gươm lặng thầm. Chung quanh, đèn điện mờ mờ. Thành phố không vui. Có cái tự hào của chủ nhân, nhưng không có cái say sưa, cái gọi là chắp cánh” – đó là một trong những kỷ niệm của cha tôi với nhà thơ thời đầu hòa bình lập lại, như ông đã ghi trong nhật ký ngày 8-6-1956. Có thể thấy ở đây sự nhận xét rất tinh tế của hai ông – hai nhà văn đồng thời cũng là hai nhà văn hóa trước cái không khí-sinh khí của đất nước toát ra từ giữa lòng thủ đô. Nhưng rồi nhà thơ phải sang Trung Quốc chữa bệnh – ông bị bệnh phổi và một chứng bệnh đàn ông khá oái oăm – nên từ đây mối liên lạc giữa hai ông là qua thư từ.

Thật may trong nhà tôi còn giữ được nguyên vẹn bốn bức thư nhà thơ gửi cha tôi trong thời gian điều trị bệnh bên nước bạn. Đó đã phải là tất cả hay chưa, về điều này tôi không dám chắc, nhưng ít nhất thì đó cũng là số thư nhiều nhất của cùng một người viết cho cha tôi mà chúng tôi biết được. Bức thư đầu đề ngày 10-11-1956, bức thứ tư, ngày 4-6-1957, nghĩa là chưa đầy hai tháng một bức thư liên vận. Một “thời lượng” như thế là quá mau, nếu chúng ta biết rằng vào thời gian đó, cả nhà thơ và cha tôi đều đang bận sáng tác, cho dù ông đang điều trị bệnh, còn cha tôi thì bị mất rất nhiều thời giờ và tâm sức do cuộc đấu tranh tư tưởng đang diễn ra trong giới văn nghệ!

Thế nhưng, thư từ giữa hai ông – ít nhất thì cũng từ những gì biết được qua thư của họ Chế – hầu như bao giờ cũng chỉ nói chuyện nghệ thuật. Trong bức thư đầu, nhà thơ cho biết có một cuốn Miền đất quả vàng của Jorge Amado để gửi cho cha tôi (có lẽ bên Trung Quốc dễ kiếm sách hơn chăng), đồng thời chia sẻ với cha tôi cảm xúc khi đọc cuốn Những con đường đói khát của cùng tác giả: “Thằng cha ấy – cũng như các cậu Nam Mỹ khác, nói các vấn đề xã hội mà vẫn dồi dào cái thiên nhiên hoang sơ, man dại... Hoan(1) mê quá. Nhưng lại mê thơ hơn, thành ra đang trút vào Neruda vậy”.

Trút vào Pablo Neruda, nhà thơ cũng lại muốn chia sẻ với cha tôi. Thực tế ông đã chép và gửi cho cha tôi hai bài thơ của thi sĩ Chilê này – Je n’ai pas souffert, đánh số 1 và 2 –  và chú thêm: “Gởi Nguyễn Huy Tưởng, trả món nợ Tagore và Rainer Maria Rilke ngày xuân”. Có thể hình dung, một ngày xuân nào đó cha tôi đã chép tặng bạn thơ của Tagore và Rilke. Về Tagore thì tôi có biết, ngay từ thời trước Cách mạng cha tôi đã yêu say mê thi hào Ấn Độ này, song về Rainer Maria Rilke thì quả là một sự bất ngờ đối với tôi. Cái ông nhà thơ người Áo tư sản yếm thế ấy có thể được nhà văn đồng hương Stephan Zweig đặc biệt ngưỡng mộ, như ông đã từng viết trong cuốn hồi ký Thế giới những ngày qua, nhưng cha tôi với Rilke, một tên tuổi có lẽ đến giờ vẫn còn quá xa lạ với nhiều người chúng ta, thì quả là sự lạ!

Bức thư thứ hai, nhà thơ viết trong dịp Tết Đinh Dậu xa quê nhà, ông kể hôm mùng hai Tết đi công viên, ông chỉ ước ao giá lúc này được đi một vòng quanh Hồ Kiếm cùng cha tôi và bác Nguyễn Tuân thì thú biết bao. Chả là trước đó, cha tôi đã có thư gửi nhà thơ với mong muốn “bức thư sẽ làm vui Hoan ngày Tết”. Trong thư, cha tôi cũng tâm sự với nhà thơ về việc ông xin rút công tác lãnh đạo để được tập trung sáng tác, đồng thời ngỏ ý muốn đề tặng nhà thơ vở kịch Khiêng thuyền ông vừa mới viết xong. Khiêng thuyền chính là vở kịch cha tôi đã bắt tay soạn trong kháng chiến mà ban đầu ông định lấy tên là Nhân dân ta như trên đã nói, nhưng khi viết lại ông quyết định đổi tên cho sát với hành động kịch hơn: vở kịch dựng lại câu chuyện bà con ở một vùng núi nọ không quản khó khăn nguy hiểm, quyết khiêng những chiếc thuyền cồng kềnh qua núi tới một khúc sông cho bộ đội có phương tiện vượt sông đánh giặc. Tất nhiên nhà thơ đã rất cảm động nhận lời như ông đã viết trong thư: “Cảm ơn lòng tốt của Tưởng đối với Hoan, trong khi viết quyển ấy mà định tặng Hoan”. Theo như tôi biết, đây là một trong hai tác phẩm cha tôi từng đề tặng trong suốt cuộc đời cầm bút của mình; cuốn kia là tiểu thuyết An Tư, cha tôi dành tặng bà nội tôi sau khi người qua đời.

Bức thư thứ ba, nhà thơ viết cho cha tôi khi nghe qua nhà văn Nguyễn Văn Bổng cho biết cha tôi “đương buồn buồn”. Bấy giờ là tháng 5-1957, không khí đấu tranh trong giới văn nghệ đã căng lắm rồi, bài tùy bút Một ngày chủ nhật của cha tôi đăng báo Văn từ cuối năm 1956, lúc này sắp bị đem ra phê phán. Mặc dù cha tôi đã tìm thấy cứu cánh trong việc viết Sống mãi với Thủ đô, nhưng đó lại là những ngày thiên nhiên cũng khắc nghiệt không kém con người. Nhật ký của cha tôi còn ghi lại: “Nắng quá. Bức không chịu được. Lo cho tác phẩm khởi công trong những ngày lửa bốc này” (22-5-1957)... Ở xa, nhà thơ Chế Lan Viên chỉ có thể chia sẻ với cha tôi đến thế này thôi: “Hoan xa thực tế lâu quá rồi Tưởng ơi... Tình hình ở nhà cũng chỉ biết loáng thoáng qua tin, qua báo, vào thư từ. Trí óc vẫn tiếp tục suy nghĩ, trong tin tưởng mãnh liệt vẫn thoáng những buồn, những thắc mắc. Sự sống thắt lại những cái gút rồi chính sự sống sẽ mở ra. Nhưng không nên để cho cuộc sống mình thẳng đuồn đuột như một cái ruột ngựa...” Song cuối cùng thì tình yêu thơ đã vượt lên những băn khoăn về thời cuộc, nhà thơ lại say sưa kể với cha tôi về sự khám phá Đỗ Phủ của mình: “Hoan đang tranh thủ học lại thơ Đường (phần Đỗ Phủ). Đã phá được cái váng phong hoa tuyết nguyệt đọng trên cái mặt yên tĩnh của thơ Đường. Và động chạm đến cái phần đầy nhân tính, hiện thực tính, đầy chính nghĩa của nó. Đỗ Phủ thật lớn, lớn trong sự giản dị của mình”. Không biết nhà thơ chia sẻ tình yêu Đỗ Phủ với cha tôi một cách ngẫu nhiên, hay trong một lúc nào đó cha tôi cũng đã thổ lộ với ông mối quan tâm đặc biệt của mình đối với đại thi hào Trung Quốc thời Đường này. (Thực tế là thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng, cha tôi đã khởi thảo một cuốn sách nhan đề Tính cách xã hội trong thơ Đỗ Phủ.) May mắn thay, gần đây, tôi có tìm được cuốn Đỗ Phủ thi tập do Nhà xuất bản Văn học cổ điển Thượng Hải xuất bản năm 1956, trên đó còn lưu bút tích của nhà thơ Chế Lan Viên, bằng cả tiếng Việt và tiếng Trung. Có lẽ đây chính là cuốn sách họ Chế đã dùng để học lại Đỗ Phủ trong thời gian dưỡng bệnh ở nước bạn như ông đã nói trong thư gửi cha tôi, và khi về nước thì đem về làm quà cho bạn...

Bức thư thứ tư, và cũng là cuối cùng trong loạt thư họ Chế gửi cha tôi, không đả động tí nào đến chuyện văn thơ cũng như thời cuộc, mà là, như nhà thơ có nói ở đầu thư, “giả lời Tưởng về cái vụ vừa rồi”. Cái “vụ” ấy là một điều khó ngờ tới nhất về hai ông: kinh nghiệm tránh thai. Bấy giờ, cha tôi đang chuẩn bị cho việc sinh thành hai thực thể: Nhà xuất bản Kim Đồng mà ông làm giám đốc sẽ ra mắt bạn đọc vào ngày 17-6 đã cận kề, và đứa con tiếp theo – đứa con thứ sáu và cũng là út ít của ông – dự tính sẽ chào đời vào nửa tháng sau đó. Cảm thấy cuộc sống bề bộn, bản thân vất vả, vợ con nheo nhóc, cha tôi quyết định sau đây sẽ không sinh thêm con nữa; ông viết thư nhờ bạn hỏi kinh nghiệm bên Trung Quốc về việc tránh thai. Trong thư, có lẽ cha tôi đã băn khoăn, liệu như thế có gì là trái tạo hóa, có gì là vô nhân đạo không? Nhà thơ đã có thư trả lời ngay: “Việc làm của Tưởng rất hợp đời, nhân đạo, nghệ thuật và Hoan sẽ phục vụ Tưởng. Nhưng nhớ giữ bem đấy”. Bem là tiếng lóng có nghĩa là bí mật – từ các ông vẫn quen nói với nhau. Có lẽ một chuyện như thế hồi bấy giờ là rất tế nhị, nên sau đấy, thay vì tái bút, nhà thơ còn dặn thêm cha tôi một lần nữa: “(thật bí mật đấy)”, trước khi viết lời từ biệt: “Thương yêu”. Thời gian đã đủ lâu để những chuyện riêng tư như thế có thể công bố để bạn đọc biết thêm về tâm thế của một thời nói chung, và tình bạn giữa nhà thơ Chế Lan Viên với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói riêng...

*

*  *

Nhà thơ Chế Lan Viên trở về nước khi nào, chi tiết này trong cuộc đời ông tôi không được biết; nhật ký của cha tôi cũng không nói về việc này. Về phần cha tôi, sau cuộc đấu tranh tư tưởng trong giới văn nghệ, tháng 8-1958 ông lên đường đi thực tế Điện Biên, cùng với các ông Nguyễn Tuân, Văn Cao... Hành trang của ông là một cuốn sổ dày mà nhà thơ Chế Lan Viên đã gửi tặng từ Trung Quốc. Ở trang đầu cuốn sổ, người tặng viết: “Chúc Tưởng một năm sống khỏe và viết khỏe”. Lời chúc của họ Chế ít nhất đã đúng ở một vế: viết khỏe, nhưng là viết nhật ký. Thực tế đó là một trong những cuốn nhật ký ghi kỹ nhất của cha tôi, về cuộc sống tinh thần đầy giằng xé của ông trong thời kỳ Nhân văn Giai phẩm và sau đó là những điều mắt thấy tai nghe khi đi vào thực tế lao động sản xuất cùng chiến sĩ Điện Biên. Trong cuốn sổ đó cha tôi cũng chép lại bài thơ ông gửi tặng nhà thơ Chế Lan Viên, làm trong một đêm thu Điện Biên mát mẻ:

                   Nhất dạ Điện Biên thu khí lãnh

                   Phong suy hốt ức Chế Lan Viên

                   Nghĩa tình trường hận tâm trung đoạn

                   Thi tứ lăng cao thiên thượng huyền

                   Ngã dục hoàn thành tân tiểu thuyết

                   Nhĩ tu chỉnh lý cựu trường thiên

                   Nam vong Võng thị nhàn đàm dạ

                   Tâm lý phân phân bất khả miên.

Một ngày cuối năm 1958, cha tôi trở về Hà Nội sau hơn bốn tháng xa nhà xa bạn và ngay hôm sau, ông đã gặp lại nhà thơ Chế Lan Viên. Sự giao thiệp và tình bạn giữa hai người lẽ ra đã trở lại thắm thiết như xưa, nếu không bị một vết rạn nhỏ. Một lần gặp cha tôi, họ Chế tỏ ý khen tập thơ của một tác giả rất, rất lớn mà ông gọi bằng cái tên vô cùng thân thiết. Cha tôi, có lẽ lúc đó tâm trạng không được tốt, đã hỏi lại, có phần móc máy, rằng tác giả ấy thế nào? Điều đó không khỏi khiến nhà thơ tự ái. Cha tôi cũng nhận ra ngay cái dở của mình, nhưng việc đã rồi, ông chỉ còn biết giãi bày trong nhật ký. Tháng 4 năm 1960, không lâu trước khi nhập viện, cha tôi có đến thăm nhà thơ Chế Lan Viên. Nhà thơ lúc này sống một mình, cha tôi đến đúng lúc ông đang rán trứng cho bữa ăn, lúng túng thế nào lại làm lật chảo hỏng mất quả trứng. Song điều đó không hề làm nhà thơ thôi say sưa nói về Charles Péguy, nhà thơ Pháp chuyên ca ngợi Thiên chúa mà ca ngợi rất hay. Rồi nhà thơ băn khoăn tự hỏi sao ta không có người ca ngợi Đảng hay được như thế. Có lẽ đó là hình ảnh cuối cùng về họ Chế cha tôi mang theo về cõi vĩnh hằng, khoảng một trăm ngày sau đó...

*

*  *

Cha tôi mất đi được mọi người thương tiếc, nhiều nhà văn nhà thơ đã viết về ông. Nhạc sĩ, nhà thơ Văn Cao ngay khi đó đã làm thơ về cha tôi – bài Với Nguyễn Huy Tưởng. Mặc dù bài thơ này gần ba chục năm sau mới đăng báo, nhưng thực tế thì nó đã được hoàn tất vào khi ấy với những cảm xúc tươi rói và câu kết đinh ninh:

                        Cái chết của anh cái chết một nhà văn

Không bao giờ là cái chết

            Nhà thơ Chế Lan Viên, khi ấy, không làm thơ về cha tôi mà cũng không viết hay phát biểu điều gì. Nhưng gần ba chục năm sau khi cha tôi qua đời, ông có gửi cho chị tôi một bài thơ về cha chúng tôi, nhan đề Đám tang Nguyễn Huy Tưởng. Tại sao nhà thơ viết về cha tôi sau ba chục năm, mà lại viết về đám tang? Phải chăng ông được biết Nhà xuất bản Hội Nhà văn đang làm một cuốn sách về cha tôi, cuốn Nguyễn Huy Tưởng – văn và người, tập hợp các hồi ức của người thân, bạn bè về ông? Phải chăng ông có đọc một số đoạn nhật ký của cha tôi được công bố hồi đầu thời kỳ Đổi Mới, trong có nhắc đến ông? Hay đơn giản chỉ là do chị tôi bấy giờ làm ở cơ quan Hội, ông hay có dịp gặp, và kỷ niệm về cha tôi tự nhiên trỗi dậy? Hay có lẽ đấy cũng là khoảng thời gian tác giả Điêu tàn bắt đầu làm nhiều Di cảo thơ, mà bài thơ về cha tôi là một trong những bài thuộc dạng ấy?...

            Bài thơ mở đầu bằng một câu hỏi:

Nến trắng và hoa sen trắng

Ra đi anh yên lòng chăng

            Cũng lạ, nhiều người vẫn cho rằng cha tôi mất sớm thế có khi lại hóa hay, vì nếu còn sống về sau này, tất sẽ có chuyện buồn. Gần ba chục năm sau khi cha tôi qua đời, nhà thơ Chế Lan Viên e rằng, ngay vào thời điểm đó, cha tôi ra đi, vị tất đã được yên lòng!

            Cuối cùng, bài thơ khép lại bằng những câu sau:

                        Chúng ta cùng dũng cảm

                        Anh người ra đi giữa trận

                        Chúng tôi nén tiếng khóc trong lòng đưa tiễn kẻ ra đi.

            Đưa tiễn một người bạn sớm ra đi, tất nhiên là lòng nặng trĩu đau buồn. Nhưng để “nén tiếng khóc trong lòng”, sao phải cần đến “dũng cảm”? Tôi đã băn khoăn với câu hỏi này suốt một thời gian dài, và phải mãi đến gần đây mới tự tìm được lời giải đáp. Ở đây, chữ “dũng cảm” chính là tác giả dành cho mình, người ở lại “giữa trận”, và nó hàm ý một cái gì rộng hơn, chung hơn là hành động đưa tiễn. Là người đọc rộng biết nhiều, họ Chế không thể không biết câu thơ bất hủ này của thi sĩ Nga Exênin:

                        Chết chẳng có gì mới

                        Nhưng sống chẳng mới hơn

                                    (“Chào bạn xin chào bạn”; Tế Hanh dịch)

Đúng, sống không phải bao giờ cũng là ân huệ mà nhiều khi còn là gánh nặng. Nhưng nếu như ai đó chấp nhận một cuộc sống cũ mòn, sống theo “thông lệ”, thì với mấy chữ tiễn biệt bạn kia, họ Chế như thể tự nhủ mình phải sống sao cho đích thực, sao cho dũng cảm. Song ý nghĩ ấy đến với ông ngay khi đó, khi chứng kiến sự ra đi của cha tôi, hay về sau này, khi ông đã đi gần hết cuộc đời mà ngoái lại làm thơ Di cảo, điều này thì tôi không biết. Mà suy cho cùng, tất cả những suy nghĩ trên cũng đều là chủ quan của người viết mà thôi, nếu có gì võ đoán, xin được lượng thứ...

 

----------         

(1) Tên cúng cơm của nhà thơ – Phan Ngọc Hoan.

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác