NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NƯỚC CHẨY DƯỚI CHÂN CẦU, CHƯƠNG 9, PHẦN 2

( 10-02-2016 - 06:55 AM ) - Lượt xem: 1460

Nhưng tất cả đã quá muộn: lần lượt từ dưới giao thông hào đưa lên mặt đất thi thể của 18 học sinh nam, 12 học sinh nữ cùng cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang trong tư thế ôm hai nữ sinh để che chở cho hai học trò tội nghiệp ấy

 2. Tình người trong hoạn nạn

 

 Từ khi chuyển sang bếp ăn mới, chúng tôi cũng có những đầu bếp mới tuyển và người quản lý mới thay anh Thủy. Chẳng biết có phải do những sự đổi mới đó hay không, mà tiêu chuẩn ăn hàng ngày đã có phần được cải thiện. Bữa cơm trưa không còn phải ăn cá khô mục, mà thường có cá tươi kho tương hay gà vịt nấu lẫn với rau muống (mỗi suất một miếng cỡ bằng ngón chân cái) hoặc tép rang (mỗi suất một thìa nhỏ) dùng với “canh toàn quốc”. Bữa chiều cũng không còn món “nắp hầm” kinh khủng, mà được thay bằng những chiếc bánh bao được chế biến đúng kỹ thuật với nhân bắp cải hay su hào xào hành (mỗi người hai chiếc). Trong số các đầu bếp có một thiếu nữ mới lớn là cô Lịch xinh tươi, nói năng dịu dàng được mọi người quý mến. Có lẽ tội nghiệp một chàng sinh viên gầy yếu, nên thỉnh thoảng Lịch lại dúi cho tôi một mảng cơm cháy vàng thơm ngon mới cạy từ đáy chảo.

 Đúng dịp này, đám sinh viên trẻ chúng tôi bỗng nhận được khoản học bổng 22đ mỗi  tháng như thông báo trước đây của chính phủ về chính sách ưu đãi ngành sư phạm. Cộng thêm tiền truy lĩnh nhiều tháng liền từ năm ngoái, rồi trừ đi tiền ăn phải nộp cho nhà bếp hai tháng đầu năm học này, tôi đã gom được hơn 180 đ - một số tiền lớn chưa từng có. Tôi lập tức viết thư về nhà, thông báo cho ba má không cần gửi tiền cho mình nữa, vì đã có học bổng đủ tiêu rồi. Thấy tôi có khoản tiền lớn và cũng biết tính tôi không cẩn thận, chị Kim Thoa - một cán bộ đi học tính tình vui vẻ hoạt bát - bảo tôi: “Quốc đưa chị giữ tiền hộ cho, rồi chị sẽ trích dần từ đó mua thức ăn làm các món ngon để bồi dưỡng cho em!”. Nhớ đến việc phải “tăng cường ăn uống bồi dưỡng” cho mau hết bệnh, tôi vui vẻ đồng ý trao ngay tiền cho chị, để mỗi tuần một vài bữa đến nhà trọ của chị ăn các món “bồi dưỡng” do chị chế biến. Thấy vậy, cô Kim Dung hỏi: “Sao Quốc lại đưa tiền cho cái Thoa giữ?”. Tôi giải thích về chuyện ăn bồi dưỡng; cô bảo: “Coi chừng nó cho ăn những món rẻ tiền mà lại tính giá cao đấy”; tôi đáp: “Không đến nỗi thế đâu cô!”. Nhiều năm sau, tôi vẫn nhớ các món ngon của chị Thoa, có lẽ cũng rẻ tiền lại dễ mua nguyên liệu ở chợ làng mà không cần tem phiếu, như cá trắm kho tương, canh cua rau đay, các món nấu ốc và ếch, thỉnh thoảng cũng có gà…; nhưng tuyệt nhiên không nhớ rằng chị và tôi đã thanh toán với nhau về tài khoản đó như thế nào.

 

 Một hôm sau bữa cơm trưa, anh Xương đang nằm nghỉ tại nhà cụ Thọ bỗng thấy anh Mậu chạy đến bảo: “Mình vừa nghe tin trên đài, thấy nói Mỹ bỏ bom trường cấp II Thụy Xuân hay Thụy Dân gì đó ở Thái Bình, làm chết một cô giáo với nhiều học sinh. Xương xin phép nghỉ để về xem hư thực thế nào!”. Anh Xương tái mặt, vội vã nộp đơn xin nghỉ phép rồi tức tốc phóng xe đạp đi Thái Bình giữa lúc mây đen kéo đầy trời báo hiệu một cơn mưa tầm tã.

Chỉ đến hôm sau thì tin đó được lan truyền rộng rãi trên báo: Lúc 10 giờ 30 sáng ngày 21-10-1966 không quân Mỹ đã ném bom Trường Phổ thông Cấp II Thụy Dân (thuộc huyện Thụy Anh tỉnh Thái Bình) giết hại 30 học sinh và cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân. Không còn nghi ngờ gì nữa: chị Thanh Xuân đang giảng dạy tại trường Thụy Dân chính là vợ anh Xương! Từng được nghe anh kể về mối tình tuyệt đẹp của hai anh chị, tôi khó hình dung anh sẽ đau khổ đến mức nào khi mất chị. Thế là Trương Vũ Xương trở thành người đầu tiên của Khoa Sử Trường ĐHSP Hà Nội phải chịu sự tổn thất đau đớn của cuộc chiến tranh này. Lãnh đạo Khoa lập tức cử một đoàn đại biểu gồm thầy Dương Đức Niệm (Thư ký Công đoàn Khoa), anh Tống Xuân Mậu (Ủy viên Liên Chi bộ Khoa) và anh Phạm Thanh An (Lớp phó Sử 2B) về Thụy Dân để chia buồn với thân nhân các nạn nhân.

 Gần một tháng sau, được biết anh Xương đã trở lại Khoa, tôi rủ Cường và Thiên Hương đến thăm anh ở nhà cụ Thọ. Vừa thấy anh gầy rộc với đôi mắt thâm quầng và chiếc băng tang còn đeo trên cánh tay, tôi chạy đến ôm chầm lấy anh và hai anh em cùng khóc nức nở. Cả Thiên Hương với Trọng Cường cũng sụt sùi lấy khăn tay lau nước mắt. Chúng tôi ngồi sát bên anh trên giường; có lẽ chưa bao giờ tôi cảm thấy yêu thương anh như lúc này. Bằng một giọng chậm rãi nhẹ nhàng xen với những khoảng lặng nghẹn ngào, anh kể cho chúng tôi về sự việc đã diễn ra.

 Sáng hôm ấy, không quân Mỹ tập trung oanh tạc thị xã Thái Bình, cầu Bo và nhiều trọng điểm dọc theo quốc lộ số 10. Trên đường trở về hạm đội, một tốp 4 chiếc F4 “Con ma” bay qua huyện Thụy Anh, lượn vòng trên bầu trời xã Thụy Dân (cách biển 15 km). Kẻng báo động vang lên dồn dập trong khi cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang giảng bài thơ “Dù đui phải giữ đạo nhà” của thi sĩ mù Nguyễn Đình Chiểu cho học sinh lớp 7 tại lớp học có tường gạch mái ngói (vốn là trụ sở  cũ của Ủy ban xã). Cô lập tức ra lệnh cho cả lớp đội mũ rơm chạy ra giao thông hào xuống hầm. Các học sinh nam nhanh chân chạy trước, các em nữ bám theo sau và cô giáo là người sau cùng rời lớp học. Bỗng có hai em gái len lỏi chạy ngược dòng định vào lớp lấy mấy thứ bị bỏ quên trong đó. Cô giáo chạy theo lôi hai em trở lại và đẩy chúng xuống hào. Bom rơi vào làng (giết chết 7 người dân). Rồi 4 quả bom lớn rơi trúng bốn góc phòng học mái ngói của trường Thụy Dân, mỗi hố bom có đường kính 20 mét và sâu 8 mét (theo khảo sát của đoàn sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu) phá tan tành phòng học, nhổ bật gốc một cây đa cổ thụ đứng cạnh đó và thổi nó bay xa hàng trăm mét. Đất đá tung lên vùi lấp nhiều đoạn giao thông hào. Khi máy bay địch đã bay xa, những người sống sót hối hả dùng tay đào bới để cứu các nạn nhân bị vùi dưới lớp đất dầy 2 mét. Nhưng tất cả đã quá muộn: lần lượt từ dưới giao thông hào đưa lên mặt đất thi thể của 18 học sinh nam, 12 học sinh nữ cùng cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân đang trong tư thế ôm hai nữ sinh để che chở cho hai học trò tội nghiệp ấy.

 Ngay chiều hôm đó, gia đình các nạn nhân với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và nhà trường đã cử hành tang lễ đưa những người tử nạn về nơi an nghỉ cuối cùng trong xã. Cách một ngày sau, anh Xương mới về đến nơi và chỉ kịp thắp nhang cho ngôi mộ mới đắp của người vợ yêu quý của mình. Rồi đại biểu các cơ quan ban ngành của Trung ương và địa phương cũng dồn dập kéo về Thụy Dân. Phái đoàn Chính phủ và Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên dẫn đầu, cùng đi có ông Trần Đình Tri-Ủy viên Thường vụ Quốc Hội, ông Nguyễn Văn Ngọc-thứ trưởng Bộ Nội vụ, ông Phan Tử Nghĩa-ủy viên Ủy ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã về Thụy Dân để úy lạo các gia đình nạn nhân và động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân. Các cán bộ lãnh đạo ở địa phương cùng đoàn đại biểu khoa Sử trường ĐHSP Hà Nội đã chia buồn sâu sắc với thân nhân của các nạn nhân. Đoàn sĩ quan Bộ Tổng tham mưu QĐNDVN vừa thể hiện tình quân dân thắm thiết vừa tác nghiệp chuyên môn để hiểu rõ mọi chi tiết của vụ oanh tạc này. Phóng viên các báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân, Người Giáo viên Nhân dân, Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), báo ảnh Việt Nam và một nhà báo Nhật Bản cũng có mặt để viết bài và đưa tin. Anh Xương phải liên tục trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo.

 Ba ngày sau tang lễ, Đảng ủy xã đã tổ chức một cuộc mít tinh của nhân dân tại đình An Tiêm, với sự tham dự của các vị đại biểu và phóng viên nói trên, để lên án tội ác giặc Mỹ và thể hiện quyết tâm chiến đấu chống Mỹ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên tuyên bố cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân hy sinh thân mình để bảo vệ học sinh đã được công nhận là liệt sĩ (Bằng Tổ Quốc Ghi Công sẽ được chính phủ chuyển về trong thời gian sắp tới). Anh Trương Vũ Xương thay mặt các gia đình nạn nhân lên phát biểu. Anh giãi bày nỗi đau buồn vô hạn về sự việc đã xảy ra, cảm ơn chính quyền và nhà trường đã chăm lo chu đáo cho việc mai táng những người thiệt mạng, nhưng anh chưa thể hiện được quyết tâm đánh Mỹ trả thù cho những người thân vừa bị hại. Vì thế lời nói của anh không được phóng viên VN TTX trích dẫn trong các bản tin.

Các đoàn viên Đoàn TNLĐ xã đứng dậy xếp hàng, vung cánh tay thề quyết tâm thực hiện Ba sẵn sàng lên đường nhập ngũ đi đánh Mỹ để trả mối thù này. Bộ trưởng Huyên cho biết Bác Hồ đã chỉ thị phải tập trung tuyên truyền thật lớn về vụ Thụy Dân để đánh động lương tri nhân loại về tội ác của đế quốc Mỹ.

 Những ngày sau đó, nhân dân địa phương cùng học sinh và đại biểu các nơi vẫn kéo về Thụy Dân để thắp hương cho các nạn nhân xấu số. Dưới trời mưa tầm tã, một cậu học sinh nhỏ đội nón sùm sụp vẫn chắp tay cúi đầu đứng lặng hồi lâu trước mộ cô giáo-liệt sĩ. Thấy vậy, nhà báo Nhật Bản liền mang máy quay phim chạy đến để ghi lại hình ảnh này. Muốn lấy được cận cảnh khuôn mặt cậu bé, ông không ngần ngại nằm ngay xuống đám bùn đất đầy nước mưa bên mộ để chĩa ống kính lên mà bấm máy.

 

 Sau ngày mất vợ, anh Xương về quê nhà ở tỉnh Hà Nam để chăm sóc cho cậu con trai duy nhất tên Vũ Anh vừa tròn 3 tuổi đang ở cùng với ông bà nội. Phải đến nửa tháng sau anh mới bình tâm để có thể trở lại Khoa học tiếp chương trình. Các cấp lãnh đạo vẫn tiếp tục quan tâm chia sẻ tình cảm với anh Xương và gia đình. Giáo sư Hiệu trưởng ĐHSP Phạm Huy Thông được cô Trần Thục Nga (Bí thư Liên Chi bộ Đảng Khoa Sử) tháp tùng cùng anh Tống Xuân Mậu (Liên chi Ủy viên) đã đến thăm và dùng cơm thân mật với anh Xương ngay tại nhà cụ Thọ. Với tư cách là thành viên Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam, giáo sư khẳng định rằng ông sẽ tố cáo tội ác chiến tranh của Mỹ ở trường Thụy Dân trước công luận quốc tế. Bà Lê Thu Trà-Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ và Trẻ em Trung Ương cũng gửi quà tặng cháu Vũ Anh.

 Tình yêu thương của đất nước dành cho những nạn nhân vụ Thụy Dân đã làm cho mọi người trong Khoa thêm thương yêu quý mến anh Xương. Vì thế, khi vấn đề kết nạp người chồng đau khổ của cô giáo-liệt sĩ Bùi Thị Thanh Xuân vào Đảng được đặt ra tại Chi bộ khối Sử 2, mọi đảng viên đều biểu quyết tán thành. Nghị quyết của Chi bộ lập tức được gửi lên Liên chi bộ Khoa để đệ trình Đảng bộ Trường ra quyết định kết nạp đồng chí Trương Vũ Xương. Sự việc này ắt hẳn sẽ nâng đỡ tinh thần anh lên,  giúp anh vượt qua nỗi đau vô hạn để hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập và công tác của mình.

 Nhưng sự trớ trêu của số phận vẫn chưa chịu mở rộng đường cho anh tiến tới.

 

 Gần trưa một ngày tại nhà cụ Thọ, anh Xương bỗng thấy Huỳnh Thanh Trúc đến tìm gặp mình.“Em không muốn ở chung nhà với chị Kim Dung nữa, anh tìm giúp em một nhà trọ khác được không?” - Trúc mở đầu như vậy. Vốn quý mến cô gái miền Nam hiền hậu và trung thực này, anh hỏi nguyên cớ tại sao rồi chăm chú lắng nghe cô trình bày sự việc.

 Theo sự sắp xếp của ban cán sự lớp, bí thư chi đoàn Huỳnh Thanh Trúc được ở cùng nhà với đồng chí Bùi Kim Dung (đã có chồng con đầy đủ ở Hải Phòng) để có điều kiện gần gũi người nữ đảng viên này trong quá trình phấn đấu vươn lên Đảng. Nhưng rồi lại có thêm một nam đảng viên là đồng chí Nguyễn Văn Phàn (đã có vợ con đề huề ở Hà Bắc) thường xuyên đến nhà này, không phải để bàn về công tác phát triển Đảng, mà để trò chuyện thân mật với nữ đảng viên kia. Khi các cuộc gặp gỡ giữa hai đồng chí tăng lên dồn dập, và sự thân mật giữa hai người không chỉ giới hạn trong lời nói, mà đã chuyển thành những cử chỉ lả lơi, thì Trúc luôn cảm thấy mình bị quấy rầy, không thể yên tâm học tập, nhiều lúc phải ra khỏi nhà tìm chỗ khác ngồi học. Sáng nay đi mượn sách trở về, vừa vén bức mành tre treo trước cửa nhà để bước vào, Trúc kinh ngạc thấy đồng chí Phàn cùng đồng chí  Dung đang quấn chặt lấy nhau âu yếm trong một tư thế “thật là khó nói!”. Thấy động, hai anh chị giật mình vội vã buông nhau ra, và sửa lại tư thế. Trúc cũng không dám vào nhà, vội khép lại bức mành rồi quay ra đi thẳng đến gặp anh Xương.

 Nghe xong, anh biết ngay sự việc này rất nghiêm trọng: hai đồng chí đó đã bất chấp kỷ luật Đảng, để cho dục vọng thấp hèn lôi cuốn mình vào tội “hủ hóa” làm hại thanh danh vĩ đại của Đảng ta, không xứng đáng với sứ mệnh của những “kỹ sư tâm hồn”; mà lại hành sự ngay trong nhà dân thì họ còn vi phạm kỷ luật dân vận (nhân dân luôn kiêng cữ, không để xảy ra tình trạng “trai trên gái dưới” trong nhà mình). Tuy nhiên, vụ này cũng rất khó giải quyết: Trúc đã không dám xông vào để bắt quả tang và lập biên bản; nên nếu đưa ra xét xử thì không dễ buộc đương sự phải nhận tội (chẳng thế mà ông cha ta đã dạy là “dâm tang, đạo tích”). Vì vậy, anh khuyên Trúc cứ về nhà, “coi như chưa nhìn thấy gì”, tạm ở với chị Dung thêm vài ngày, rồi sẽ tìm chỗ ở mới cho cô.

 Việc khó, nhưng đã được một cán bộ đoàn chính thức báo cáo với mình trên cương vị lớp phó, nên anh Xương không thể bỏ qua. Tại cuộc họp ban cán sự lớp có Tổ trưởng Đảng là đồng chí Trần Thiều tham dự, anh trình bày lại sự việc và đề nghị một giải pháp  khôn khéo: tổ đảng sẽ “góp ý riêng” để hai đồng chí Phàn-Dung “rút kinh nghiệm về kỷ luật dân vận”. Nhưng với nếp nghĩ đơn giản của sắc dân thiểu số, đồng chí Thiều đã kể huỵch toẹt sự việc trước đông đủ đảng viên trong cuộc họp tổ đảng. Cặp Phàn-Dung liền “bật lò xo” hỏi lại: “Ai nói thế?”, Trần Thiều lại thật thà đáp: “Anh Xương!”. Ngay tức thì, cặp tình nhân bất chính chối bay chối biến, coi đó là sự việc “dựng đứng” nhằm làm hại mình. Thế là “chỉ một bước”, họ đã biến người đồng nghiệp đáng thương vừa mất vợ trong vụ Thụy Dân thành một đối thủ vô cùng đáng ghét: đã học giỏi, lại được các cấp lãnh đạo quan tâm nâng đỡ và nay rất có thể sẽ làm hại mình. Vậy thì kẻ đáng ghét kia, hãy đợi đấy!

 

 Chỉ ít hôm sau, quyết định kết nạp Đảng cho anh Xương đã được Đảng ủy Trường gửi về Khoa rồi chuyển đến Chi bộ sinh viên Sử 2.  Tại cuộc họp chi bộ để bàn về việc thực hiện quyết định này, hai đồng chí Phàn-Dung với sự đồng tình của đồng chí Tạ Lộc đã phát biểu phản đối việc kết nạp anh Xương với lý do anh này kiêu ngạo và quan hệ quần chúng không tốt. Anh Mậu (Liên chi ủy viên) và chị Nhàn (bí thư Chi bộ) cùng nhiều đảng viên khác ra sức ủng hộ anh Xương, nhưng vẫn không thuyết phục được những kẻ phản đối anh từ bỏ ý kiến của họ. Không thống nhất được quan điểm, chi bộ phải tổ chức một cuộc họp khác, mở rộng cho anh Xương cùng tham dự để anh trực tiếp giải đáp những nhận xét không tốt về mình. Phàn-Dung khẳng định anh kiêu ngạo vì hay phát biểu ý kiến cá nhân khác lạ với quan điểm trong giáo trình và quan điểm của đa số sinh viên trong các buổi thảo luận. Anh điềm tĩnh giải thích rằng các ý kiến phản biện là hết sức cần thiết để mọi người cùng nhau tìm đến chân lý khoa học. Phàn-Dung quy kết anh “thiếu quan điểm quần chúng” vì chỉ biết học giỏi cho riêng mình mà không giúp đỡ người khác, lại không quan tâm chào hỏi bà con nông dân ở địa phương khiến họ phàn nàn. Anh chứng minh rằng mình rất quan tâm giúp đỡ bè bạn trong học tập (đồng chí Mậu xác nhận anh Xương đã giúp đỡ mình rất nhiều). Anh Xương tiếp tục khẳng định mình có quan hệ tốt với nhân dân địa phương, được mọi người quý mến, “nếu không tin xin mời các đồng chí đến hỏi gia đình cụ Thọ” (đồng chí Ninh ở cùng nhà xác nhận anh Xương nói đúng). Phàn-Dung (với cả Tạ Lộc) hoàn toàn đuối lý trước các lập luận của anh Xương được đa số đảng viên ủng hộ, nhưng họ vẫn biểu quyết chống việc kết nạp anh. Mặc dù 3 người này chỉ chiếm chưa tới 8% số đảng viên trong chi bộ, nhưng nguyên tắc Đảng khi ấy đòi hỏi phải đủ 100% tổng số đảng viên tán thành thì việc kết nạp mới được thực hiện. Thế là văn bản quyết định kết nạp Đảng cho đồng chí Trương Vũ Xương được gửi trả về Đảng ủy Trường, và con đường phấn đấu vươn lên Đảng của anh  Xương đã bị chặn đứng ở bước cuối cùng.

 Những sự việc liên quan đến cặp Phàn-Dung và anh Xương đều được họp bàn và giải quyết kín đáo trong chi bộ, nên một người ngoài Đảng như tôi chỉ được biết lờ mờ qua những lời đồn đại về “quan hệ nam nữ bất chính” của hai đảng viên ấy và về thắng lợi mà họ đạt được bằng cách “lật ngược thế cờ” ngăn không cho anh Xương vào Đảng. Về sau, mọi việc mới được biết tường tận như tôi đã thuật lại ở trên. Từ đó, tôi luôn bị day dứt qua hàng loạt câu hỏi: Vì sao cùng là con người với nhau mà Phàn-Dung lại đang tâm trở mặt với một đồng nghiệp đáng thương vừa mất vợ do thảm họa chiến tranh đến mức như vậy? Tại sao Đảng ta lại để cho hai đảng viên hủ hóa giành thắng lợi trong việc ngăn chặn một người tốt và giỏi, lại vừa là chồng của một nữ liệt sĩ mới được nhà nước tôn vinh không cho gia nhập Đảng? Tại sao những kẻ tráo trở dám ngang nhiên “gắp lửa bỏ tay người” để “thọc gậy bánh xe” làm hại người khác lại có thể bác bỏ quyết định của một tập thể đảng viên và đảng bộ cấp trên? Nếu những hiện tượng như vậy trở nên phổ biến ở mọi chi bộ thì Đảng sẽ thành ra cái gì?...

 Tôi còn hỏi riêng anh Xương: vì sao Tạ Lộc lại kết bè với Phàn-Dung để hại anh? Anh cho biết Lộc thường ghen ghét những người học giỏi hơn anh ta; và rồi có một chuyện ngẫu nhiên đã xảy ra khi anh Xương đến nhà thăm thầy Kiệm. Được thầy đưa cho 2 bài mới chấm cùng được điểm 8 và bảo so sánh xem bài nào khá hơn? Anh đọc kỹ rồi thành thật nói với thầy: “Em thấy bài của Tạ Lộc hơi non!”; thầy khen anh nhận xét đúng. Không ngờ trong nhà lúc ấy có mặt Vũ Thị Len-một đoàn viên có nhan sắc dưới trung bình đang phấn đấu vươn lên Đảng với sự giúp đỡ của hai đồng chí Lộc và Phàn. Khi trở về, Len liền nói lại câu nhận xét của anh Xương cho anh Lộc nghe để “lập công dâng Đảng”. Tạ Lộc thù anh Xương từ đó.

 Quá thất vọng với nghị quyết bất công của chi bộ, anh Xương chỉ còn biết tâm sự về nỗi  uất ức của mình với người bạn cùng ở trọ tại nhà cụ Thọ là Lò Văn Ninh. Mấy hôm sau, đồng chí Ninh đem những lời tâm sự ấy ra báo cáo với tổ Đảng để nhận định rằng: anh Xương không vững về lập trường-quan điểm và thiếu tin tưởng ở chế độ ta!

 Không thể nói gì hơn, tôi chỉ biết xót xa cho số phận trớ trêu đã buộc anh Xương phải chịu những sự bất công ngang trái. Cái tâm trạng buồn chán và thất vọng về sự xấu xa phức tạp của đời người lại dâng lên tràn ngập lòng tôi. Nhưng khi ấy tôi vẫn chưa biết rằng sẽ còn những sự ngang trái bất công khác nữa đang chờ Trương Vũ Xương ở phía trước.

 

Các Bài viết khác