NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

DẠO CHƠI CÙNG BÁ TƯỚC LEV TOLSTOI Ở MOSKVA

( 06-04-2016 - 05:56 AM ) - Lượt xem: 1417

Lần đầu tiên Hapgood đến thăm Tolstoi vào ngày 25/11/1888 tại Moskva. Trong nhật ký của Tolstoi có nhắc tới thêm hai cuộc gặp nữa với nữ dịch giả - vào ngày 17 và 18/12 năm đó. Theo lời mời của nữ bá tước S.A. Tolslstaja, Hapgood cùng với mẹ đã ở chơi trang trại Jasnaija Poljama trong mùa hè năm 1889.

ISABEL HAPGOOD (1850-1928) là dịch giả, nhà phê bình và nhà báo Mỹ. Từ nhỏ bà đã say mê ngữ văn học, đã thành thạo các ngôn ngữ chủ yếu của lục địa Âu châu cũng như tiếng Nga và tiếng Slavơ cổ. Với sức làm việc phi thường, chỉ riêng trong một năm 1886 bà đã dịch và cho ra mắt độc giả tuyển tập tráng ca Những ca khúc sử thi của Nga vốn có tiếng vang lớn ở Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và ở Anh quốc, những tác phẩm chính của Gogol và bộ ba tự truyện của L. Tolstoi: Thời thơ ấu, Thời niên thiếu, Thời thanh xuân. Bộ sách này bà gửi đến Jasnaja Poljana(**) với lời đề tặng: “Gửi bá tước I.N. Tolstoi với tấm lòng kính mến và lời chào thắm thiết của nữ dịch giả. Boston 24/8/1886”. Vào những năm 1888-1890 bà đã dịch Những truyện ngắn Sevastopol, bản luận văn Bàn về cuộc đời và những tác phẩm nghệ thuật và chính luận khác của Tolstoi. Những bản dịch của Hapgood có độ chính xác cao và tính biểu cảm của ngôn ngữ (bà cũng dịch cả văn xuôi của Pushkin, Turgenev, Leskov, Gorki) đồng thời bà nổi tiếng như một dịch giả giỏi nhất về tiếng Nga.

Mùa xuân năm 1887, Hapgood cùng với mẹ thực hiện một chuyến viễn du dài ngày đến nước Nga và đã lưu lại đây hai năm. Niềm mơ ước thiêng liêng của bà là được gặp Tolstoi. Ở Peterburg bà đã nhờ V. Stasov(***) giới thiệu mình với tác giả yêu quí. Ngày 2/12/1887 Stasov viết thư cho Tolstoi: “Thưa Lev Nikolaevich, bà Hapgood nhờ tôi nói với Ngài vài lời có lợi cho bà ấy. Vậy tôi có thể nói được điều gì đây? Chỉ nói rất ngắn thôi, nhưng phải là những lời tuyệt vời nhất có lợi cho bà ấy. Người đàn bà Mỹ này do Rolston(1) từ London giới thiệu với tôi. Chính tôi nhận thấy rằng bà ta là một phụ nữ rất tuyệt vời, một nữ trí thức ở trình độ cao nhất và rất khả ái. Qua các sách báo tiếng Anh tôi cũng biết rằng bà ta được tôn vinh là nữ dịch giả ưu tú chuyên giới thiệu các nhà văn Nga đương thời sang tiếng Anh. Song điều tuyệt vời nhất là bà ta đã dịch các tác phẩm của Ngài và Gogol (những bản dịch của bà có không ít trong thư viện công cộng ở ta). Tôi chẳng cần phải nói thêm rằng bà ta rất ngưỡng mộ Lev Tolstoi. Xin thề với Ngài như vậy. V. Stasov”(2).

Lần đầu tiên Hapgood đến thăm Tolstoi vào ngày 25/11/1888 tại Moskva. Trong nhật ký của Tolstoi có nhắc tới thêm hai cuộc gặp nữa với nữ dịch giả - vào ngày 17 và 18/12 năm đó. Theo lời mời của nữ bá tước S.A. Tolslstaja, Hapgood cùng với mẹ đã ở chơi trang trại Jasnaija Poljama trong mùa hè năm 1889.

Hapgood đã đến thăm Tolstoi ngay sau khi trong thế giới quan của nhà văn đã diễn ra bước ngoặt, khi ông gọi nghệ thuật là “trò nghịch ngợm”, còn những tác phẩm văn học của mình, theo lời xác nhận của người chép tiểu sử của nhà văn, thì được coi là “kết quả của sự hao phí sức lực một cách vô ích”.

“Tại sao Ngài không tiếp tục viết nữa? - Hapgood hỏi Tolstoi trong buổi tiếp xúc đầu tiên của mình với nhà văn.

- Một việc làm vô bổ - Tolstoi đáp.

- Tại sao?

Có quá nhiều sách, và hiện nay cho dù sách có được viết ra đến mấy chăng nữa thì thế giới vẫn cứ như vậy. Nếu như đức Chúa trời có đến và đưa bộ kinh Phúc âm đi in thì các quý bà chỉ cố nằn nì xin được chữ ký của Người, thế thôi”(3).

Trong bài Tolstoi trong đời sống nói về cái hại của thuốc lá, Hapgood còn dẫn thêm một câu nói của nhà văn rất tiêu biểu cho thời kỳ đó: “Tất cả những gì mà tôi đã viết ra cho đến nay - Tolstoi nói - là được sáng tác dưới ảnh hưởng tai hại của thuốc lá. Bởi vậy tôi đã bỏ hút. Tất cả những gì của tôi được in ra từ thời gian này - là kết quả của sự hào hứng thuần khiết về mặt trí tuệ và tinh thần”. Đối với lời thú nhận nghiêm túc này của Tolstoi, Hapgood đã trả lời bằng một câu đùa: “Thưa Lev Nikolaevich, rất, rất mong ngài hãy lập tức hút lại”(4).

Sau khi từ nước Nga trở về, Isabel Hapgood trở nên nổi tiếng ở Mỹ như một người bạn gần gũi và người môi giới của Tolstoi. Nhiều người khác nhau đã nhờ bà chuyển tới nhà văn Nga mối thiện cảm và lòng biết ơn, còn các Tổng biên tập những tờ tạp chí thì muốn được Tolstoi gửi tài liệu để đăng. Tổng biên tập tờ tạp chí “The Independent” thông qua Hapgood muốn nhờ Tolstoi viết cho một bài về George Washington.

Năm 1892, Isabel Hapgood đã hỗ trợ nhiều cho Tolstoi trong thời gian nạn đói hoành hành ở Nga do mất mùa. Bà đã tổ chức tại New-York quỹ Tolstoi nhằm mục đích quyên tiền để giúp những người nông dân đang bị đói ở Nga, hơn nữa, tất cả số tiền lạc quyên đã được gửi trực tiếp cho bá tước Lev Tolstoi.

... Năm 1891 Hapgood cho công bố thiên hồi ký Dạo chơi cùng bá tước Tolstoi ở Moskva trên tờ tạp chí “The Independent”. Tác phẩm này cùng với những hành trình du ký khác sau đó với tư cách là một chương được đưa vào cuốn Những chuyến sang Nga xuất bản ở New-York năm 1895.

Ở đây, nữ ký giả kể về những cuộc gặp gỡ và những cuộc trò chuyện với Tolstoi vào ngày 17 và 18 tháng 12 năm 1888.

Việc Hapgood không chấp nhận nhiều quan điểm của Tolstoi vào thời kỳ sau này được thể hiện ở sự chú ý đặc biệt của vị khách Mỹ tới “tính thiếu nhất quán” của nhà văn Nga. Đồng thời Hapgood cũng nói đến tính chân thành sâu sắc trong những quan điểm của Tolstoi, đến lối sống cực kỳ giản dị của nhà đại văn hào và bằng cách đó đã bác bỏ những tin đồn đại sai trái về ông từng lưu hành ở Mỹ.

*

- Bà đã bao giờ vào nhà thờ cổ giáo chưa? - Có lần bá tước Tolstoi hỏi tôi vào một buổi tối. Chúng tôi ngồi sau bàn ăn tại nhà bá tước Tolstoi ở Moskva. Tôi vừa mới ăn món nấm ngâm dấm được hái từ Jasnaija Poljana, một món ăn ngon tuyệt mà tôi được thưởng thức ở cái xứ sở này là nơi người ta ăn rất nhiều nấm. Món nấm và câu hỏi được nêu lên là cái cớ cho cuộc chuyện trò. Bọn trẻ con đã đi ngủ hết. Những người lớn trong gia đình, một vài người bà con và chúng tôi ngồi đàm đạo sôi nổi, nói một cách chính xác hơn, đó là tôi nói chuyện với bá tước, còn những người khác thì thỉnh thoảng mới chen vào câu chuyện. Chúng tôi nói về những người ăn mày ở Moskva.

- Bây giờ thì tôi đã hiểu họ và đã hiểu những điều mà Ngài đã viết về họ - tôi nói. - Tôi không có nhiều tiền, và trái tim tôi cũng không phải bằng sắt đá. Nếu như tôi từ chối lời cầu xin của họ thì tôi cảm thấy rất áy náy. Còn nếu tôi cho họ năm côpếch thì tôi cảm thấy bất tiện. Hình như số tiền đó là quá ít để giúp đỡ họ. Mấy đồng tiền ấy chỉ đủ cho họ mua rượu vodka thôi. Còn nếu tôi cho mười côpếch thì họ cầm tiền trong bàn tay chìa ra, mắt nhìn số tiền và nhìn tôi với vẻ hoài nghi. Lúc ấy tôi đâm bực mình và trong vòng mấy ngày liền, tôi không cho ai một xu nào cả. Tôi cảm thấy rằng của bố thí chẳng mang lại điều gì tốt lành hết.

- Không phải đâu - bá tước Tolstoi nghiêm chỉnh nói - có mang lại đấy. Cho tiền bất cứ ai cầu xin không có nghĩa làm việc thiện, đó chỉ là tỏ thái độ lịch sự mà thôi. Nếu như người ăn mày xin tôi năm côpếch, năm rúp hay năm nghìn rúp, tôi phải cho họ theo phép lịch sự chứ không hơn, tất nhiên nếu tôi có tiền. Có lẽ của bố thí hầu như bao giờ cũng dùng để mua rượu.

- Nhưng biết làm sao được? Khi có người xin tiền mua bánh mì, tôi đôi khi nghĩ rằng tốt nhất là nên mua bánh mì cho anh ta và theo dõi để anh ta ăn hết cái bánh mì đó. Nhưng thật trớ trêu là người ăn mày không bao giờ xin tiền ở gần cửa hàng bánh mì. Tôi cho rằng tốt nhất đối với tôi là nên cất công tìm ra được một người nào đó trong đám ăn mày và cho anh ta bánh mì.

- Không, bởi lẽ bà vẫn phải mua bánh mì. Anh ta không đáng làm bà phải mất công như vậy.

- Nhưng giả sử tôi nướng bánh mì thì sao? Tôi biết làm việc đó giỏi lắm, có điều không phải ở đây vì không có điều kiện. Bởi vậy, thay vì bánh mì, tôi cho họ tiền.

- Nếu như bà nướng được bánh mì thì bà vẫn cứ không trồng được lúa mì, không cày được ruộng, không gieo được hạt, không gặt, không đập, không quạt được lúa. Đó không phải là công sức của bà.

- Nếu thế thì tôi vừa làm một điều kinh khủng. Tôi đã khâu mấy cái mũ trùm cho những người bị đi đày đến Sibiri hiện đang ở trại tạm giam. Thật ra tốt nhất là cứ để những cái đầu bị cạo trọc của họ bị lạnh cóng.

- Nhưng tại sao? Bà đã tốn công sức và thời gian của mình. Nhẽ ra bà có thể làm một việc gì khác, và điều ấy sẽ làm bà thích thú hơn.

- Tất nhiên rồi. Nếu cứ truy đến cùng thì người ta có thể bảo tôi; những chiếc mũ trùm được làm ra từ những mảnh len đầu thừa đuôi thẹo mà tôi không cần đến và chỉ tổ chiếm chỗ trong va li của tôi mà thôi. Tôi từ chối tự tay trao những chiếc mũ đó. Chúng được bó lại cùng với nhiều chiếc mũ trùm khác do một người nào đó cũng làm ra từ những mảnh len vụn và cũng xuất phát bởi những ý đồ nhỏ nhoi như vậy. Hơn nữa, tôi không cày đất, không trồng cỏ, không nuôi cừu, không cắt lông chúng, không kéo sợi len và không làm tất cả những việc khác. Và tôi cũng không vót kim đan để đan.

Bá tước quay trở lại với lời khẳng định trước đây của tôi cho rằng lao động cá nhân là sự đền bù chính đáng duy nhất cho người đồng loại, rằng lao động cần phải toàn tâm toàn sức một khi thứ lao động ấy cần cho những người khác.

- Song không phải bao giờ người ta cũng làm đúng điều đó mà không suy tính. Bao giờ cũng có nhiều người cảm thấy vui sướng khi công việc được thực hiện vì bản thân họ. Đó là bản tính của con người.

- Nhưng điều đó chả liên quan gì đến chúng ta cả - Ông đáp. - Nếu có người cầu xin tôi xây dựng cho anh ta một ngôi nhà hoặc cày giúp anh ta một thửa ruộng thì tôi có trách nhiệm thực hiện yêu cầu ấy cũng như tôi có bổn phận cho người ăn mày tất cả những thứ mà anh ta cầu xin, nếu như tôi có những thứ ấy. Và tôi chả cần biết tại sao anh ta lại cầu xin tôi về điều này.

- Nhưng hãy giả định rằng người ấy lười biếng hoặc muốn cho những người khác làm hộ công việc của mình còn trong lúc đó thì anh ta ăn không ngồi rồi, du hí hoặc kiếm tiền chỉ cốt để uống rượu hoặc để làm một trò gì đại loại như thế? Tôi không phản đối việc giúp đỡ những người yếu đuối hoặc những người không trốn tránh lao động, song cần có một sự phân biệt.

Tuy nhiên, bá tước Tolstoi vẫn khăng khăng một mực cho rằng một người mong muốn thực hiện bổn phận của mình bằng cách giúp đỡ những người đồng loại thì không cần phải quan tâm đến lý do của lời yêu cầu. Bà vợ chín chắn của ông đã đến hỗ trợ tôi và bảo rằng bà thoạt tiên bao giờ cũng tìm hiểu rõ ngọn ngành sau đó mới giúp đỡ theo cái lý do mà tôi đã nêu lên. Bởi vậy tôi bèn chuyển sự tấn công sang một hướng khác.

- Liệu mỗi người có nên tự mình làm cho bản thân càng nhiều càng tốt chứ không nên nhờ vả những người khác nếu như không thật cần thiết?

- Tất nhiên rồi.

- Rất hay. Tôi khỏe mạnh, hoàn toàn có khả năng tự phục vụ mình. Nhưng tôi rất không thích đi giày cao su và mặc áo choàng lông nặng nề. Và tôi không bao giờ sẽ làm điều đó nếu như không phải làm. Tôi không có quyền nhờ ngài đi giày cao su cho tôi nếu như không có gia nhân ở bên cạnh. Nhưng cứ thử giả định rằng giá như tôi nhờ thì sao?

- Thì tôi sẽ vui lòng làm việc đó - bá tước đáp, khuôn  mặt nghiêm nghị của ông nở ra một nụ cười - Và tôi sẽ chữa giày hầu bà, nếu bà muốn.

Tôi cám ơn bá tước song lấy làm tiếc rằng giày tôi không cần phải chữa, và tiếp tục phát triển dòng suy nghĩ của mình.

- Nhưng bà nên từ chối tôi. Bổn phận của bà là dạy tôi phục vụ cho bản thân mình. Bà không có quyền ủng hộ những thói xấu của tôi.

Chúng tôi đã tranh luận như vậy. Ông lên tiếng khẳng định rằng cần phải noi theo tấm gương của Đức Chúa trời vốn từng chữa khỏi bệnh và giúp đỡ tất cả mọi người mà không cần hỏi về những lý do hoặc về công xá. Tôi nói rằng trong khi Đức Chúa “biết rõ bụng dạ của con người” thì con người không thể biết được bụng dạ người anh em của mình - chí ít không phải bao giờ cũng từ phút đầu gặp gỡ. Mặc dầu sau đó con người có thể hiểu rõ xem anh ta có bị sử dụng như công cụ trong tay kẻ khác hay không. Song bá tước vẫn một mực bảo vệ học thuyết “không chống lại cái ác”, còn tôi thì khẳng định rằng bản thân chữ “cái ác” đã chỉ rõ một cái gì đó mà cần phải chống lại bằng sự thuyết pháp lẫn hành động. Có lẽ bá tước Tolstoi chưa từng tiếp xúc với những đại diện nhất định của loài người, mà tôi, rất tiếc, là đã có dịp quan sát thấy.

Sau đó bá tước với thiện chí vốn có của mình đã hỏi:

- Bà đã bao giờ vào nhà thờ cổ giáo chưa?

- Chưa. Người ta nói với tôi rằng ở Peterburg có một nhà thờ như vậy, nhưng tôi không được vào đó vì tôi đội mũ chứ không chít khăn và tôi không biết làm dấu một cách đúng đắn và không biết cúi chào.

- Nếu  bà muốn, tôi sẽ dẫn bà vào đó - Bá tước nói - Chúng ta sẽ là khách của linh mục. Ông ấy là bạn tôi.

Rồi ông kể cho tôi nghe câu chuyện sau đây:

Nhiều năm về trước, một đạo quân côdắc thuộc phái cổ giáo cùng với những cha đạo của họ đã vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ vì các lý do tôn giáo... Ở thời trước, hàng nghìn người theo phái cổ giáo đã bị tiêu diệt. Ở thời nay, đội quân côdắc ấy đã ra nước ngoài sinh sống, thế thôi. Sau đó, khi cuộc chiến tranh Kryme(*) bắt đầu, đội quân côdắc xông trận chống lại những người đồng bào của mình và bị bắt làm tù binh, trong số đó có ba cha đạo của họ. Những người này bị buộc tội phản bội giáo hội và nhà nước và bị đày ải trong tu viện Suzdal.

- Khi tôi đang phục dịch tại ngũ, tôi có nghe nói về trường hợp này - Tolstoi kể - Sau đó tôi đã quên hẳn chuyện ấy cũng như tất cả những sự việc khác. Nhiều năm tháng đã trôi qua, một thương gia ở Tula đã kể cho tôi nghe câu chuyện đó, và tôi được biết rằng ba linh mục ấy vẫn bị giam giữ trong tu viện. Tôi đã xin cho họ được tha và chúng tôi kết bạn với nhau. Sau đó một người đã chết, còn một người khác thì đang sống ở đây, tại Moskva. Hiện nay ông ta đã già lắm rồi. Bây giờ chúng ta sẽ đến thăm ông ấy, song tôi cần phải biết rõ bao giờ thì buổi cầu kinh nhật tụng ban chiều sẽ bắt đầu. Bà sẽ được nhìn thấy nghi thức như nó từng diễn ra cách đây ba trăm năm.

- Ông không được nói nửa lời và không được cười - một trong số những người có mặt nói - Họ sẽ nghĩ rằng ông chế nhạo họ và ông sẽ bị đuổi ra ngoài đấy.

- Đâu có! - bá tước nói - mặc dầu im lặng vẫn là tốt hơn cả.

- Tôi có một kinh nghiệm nhỏ - tôi nói - Chủ nhật trước tại nhà thờ Đức Chúa cứu thế, tôi bảo mẹ tôi đưa cho tôi giữ hộ chiếc áo choàng lông rất nặng của bà. Mẹ tôi mỉm cười nói: “Không sao, cám ơn con”. Một người nông dân nghe thấy tiếng nước ngoài, nhác thấy nụ cười và làm hai mẹ con tôi hoảng sợ thực sự bằng cái nhìn giận dữ của ông ta. Chúng tôi đã làm dịu cơn tức giận của người ấy bằng cách cúi chào thật thấp, khi đức cha xuất hiện với chiếc bình hương trong tay.

Kế hoạch ấy và những kế hoạch khác đã được vạch ra như vậy. Khi chúng tôi bước xuống cầu thang thì bá tước xuất hiện ở bệ cầu thang phía trên được trang trí bằng tấm da của một con gấu kếch xù vốn được miêu tả trong một truyện ngắn của Tolstoi, và gọi với theo chúng tôi:

- Bộ quần áo của tôi sẽ không làm cho các vị phải xấu hổ nếu tôi đi theo các vị vào khách sạn chứ?

- Tôi rất khó xử vì ngài đã đưa ra câu hỏi như thế.

Ông phá lên cười và bỏ đi. Trong lúc đó, như mọi khi, tôi để cho gia nhân đi giày cao su và mặc áo khoác cho tôi.

Ngày hôm sau bỗng vang lên tiếng gõ cửa đặc biệt ở phòng chúng tôi, nghe giống như một phát đại bác. Tôi nhảy vọt một bước ngang qua căn phòng. Ở Nga, gia nhân, người đưa thư và những người làm công việc tạp dịch khác thuộc loại này rất ít khi báo trước sự xuất hiện của mình bằng tiếng gõ cửa đến nỗi bất cứ lúc nào ta cũng sợ phải nhìn thấy cánh cửa hé mở mà không có sự báo trước, nếu như cửa không khóa. Và thậm chí ta không biết phải làm gì sau khi nghe thấy tiếng gõ cửa, bởi lẽ vị khách ngay lúc đó đã bước vào phòng và xưng danh. Đó là bá tước Tolstoi. Ông mặc một chiếc áo khoác bằng lông cừu mầu vàng xỉn, bộ râu bạc như cước khẽ bay phất phơ. Đôi ủng dạ màu xám của nông dân dài đến đầu gối và cái mũ đan bằng len đã hoàn tất bộ y phục của ông.

- Lúc này trời quá lạnh đối với cuộc du ngoạn của chúng ta và tôi sợ rằng tôi đến hơi muộn - ông vừa nói vừa cởi áo choàng - Tôi được biết chính xác thời gian làm lễ và chúng ta sẽ đến nhà thờ dự lễ Giáng sinh.

Nhiệt độ ngoài trời là âm 15-20 độ, và tôi muốn từ chối. Nhưng tranh cãi với người Nga về thời tiết là vô ích, ngoài ra tôi được biết thêm rằng bá tước đã đi bộ suốt đoạn đường dài và có lẽ ông sợ chúng tôi bị lạnh cóng. Tuy không thật thành thực, nhưng tôi đã đồng ý một cách lịch thiệp và nói rằng đến vào trước buổi lễ Giáng sinh là thời gian thích hợp hơn cả.

Ông đề nghị rẽ vào một cửa hiệu bán loại sách phổ thông cho dân chúng với số lượng in hàng triệu bản có giá từ một côpếch rưỡi đến năm côpếch. Ông có chút công chuyện nhân việc xuất bản phổ cập những kiệt tác của mọi thời đại và của tất cả các nền văn học(5).

Nhiệt độ trong phòng chúng tôi là hơn 18 độ dương. Đôi ủng dạ của bá tước và chiếc áo len đan dài tay phủ ra ngoài bộ y phục thông thường của ông gồm một cái áo bờ-lu được bó chẽn bằng một giây thắt lưng và chiếc quần xanh, đã làm ông không thoải mái. Trong lúc chúng tôi mặc áo choàng lông thì ông đi tìm đồ giải khát trong phòng. Sự thay đổi duy nhất trong trang phục của mình mà tôi đã thực hiện nhân dịp này là đội chiếc mũ trùm đan thay cho chiếc mũ lông. Dù sao thì chúng tôi cũng trông giống như một tốp tam ca6) dị thường trong con mắt của những người chung quanh, bắt đầu từ  một gã mugích và gia nhân bình thường đang đứng sau góc phố nhìn chòng chọc vào chúng tôi với vẻ không mấy thân thiện. Tôi không tin ở tai mình: không một gã nào trong đám xà ích đông đảo đứng trước khách sạn mở miệng chào mời chúng tôi lên xe. Thông thường thì cả một dàn hợp xướng nghênh tiếp chúng tôi. Còn lần này thì hết thảy lặng lẽ đứng xếp thành một dãy và dửng dưng nhìn chúng tôi đi ngang qua. Tôi không nghĩ rằng một điều gì đó có thể làm cho người xà ích Nga ngậm miệng được. Có lẽ họ không nhận ra bá tước chăng? Tôi rất ngờ điều này. Tôi được nghe nói rằng ở Moskva tất cả dân chúng đều biết mặt ông và biết ông ăn mặc như thế nào, nhưng đối với những câu gặng hỏi của tôi thì đám xà ích bao giờ cũng lắc đầu quầy quậy bảo không biết. Duy chỉ trong một trường hợp, người xà ích nói thêm: “Đây là một ông chủ tốt bụng và là bạn thân của người bạn tôi”.

- Bà đi bộ có giỏi không? - bá tước hỏi, tay huơ chiếc gậy thô có lẽ vừa mới chặt trong khu vườn của ông - Tôi bao giờ cũng đi bộ, không bao giờ đi xe bởi lẽ tôi thường xuyên không có tiền.

Tôi trả lời rằng tôi là một khách bộ hành siêu đẳng nếu tôi không bị vướng víu bởi chiếc áo choàng lông và đôi giày cao su, rồi nói thêm:

- Tôi hy vọng rằng ngài sẽ không bắt chúng tôi cuốc bộ suốt cả quãng đường đến nhà thờ bởi vì sau đó chúng ta sẽ còn phải đứng suốt cả buổi lễ cơ mà. Bởi lẽ những con người hà khắc đó vị tất sẽ mời chúng ta ngồi.

- Rồi chúng ta sẽ đi xe ngựa - ông đáp. Song việc thường xuyên dùng ngựa là tàn tích của thời dã man. Do chỗ chúng ta đang trở thành văn minh hơn nên sau khoảng mười năm nữa thì người ta sẽ hoàn toàn không sử dụng đến ngựa. Tôi tin chắc rằng ở nước Mỹ văn minh, người ta đi xe không nhiều như chúng tôi ở Nga.

Tôi đã được làm quen với những lý thuyết của bá tước Tolstoi, song thứ lý thuyết này đối với tôi là mới mẻ. Tôi đã nghĩ ra được mấy câu trả lời. Xe đạp bị tôi bác bỏ vì ở đây những cố gắng về thể lực dường như bị con ngựa sắt làm giảm giá trị. Tôi cũng không nói rằng chúng tôi bắt đầu nhìn nhận con ngựa như một phương tiện giao thông cổ hủ, chậm chạp và không đáng tin cậy. Tôi không muốn làm cho bá tước quá thất vọng đối với lối sống Mỹ, cho nên mới nói:

- Tôi nghĩ rằng dân chúng ở nước chúng tôi đi ngựa mỗi năm một nhiều lên. Nếu như ít hơn so với dân chúng của nước ngài thì chính là vì chúng tôi không có nhiều những cỗ xe ngựa và xe trượt tuyết tuyệt đẹp và rẻ tiền như thế. Và mọi người làm cách nào để đến được nơi cần thiết, làm cách nào để mang nổi những vật nặng, và liệu mọi người có đủ thời gian không nếu như họ chỉ đi bộ đến khắp mọi nơi? Liệu con ngựa có được loài người giữ lại trên trần gian cùng với những con vật khác mà hiện nay chúng ta đang ăn thịt và với những con vật mà chúng ta phải chấm dứt ăn thịt?

- Chuyện này sẽ tự nó thu xếp ổn thỏa. Có điều những kẻ vô công rồi nghề thì bao giờ cũng đi xe cộ tất bật từ nơi này đến nơi nọ. Còn những người bận bịu thì lại có đủ thời gian để làm mọi việc.

Và bá tước tiếp tục phát triển suy nghĩ của mình. Tất nhiên, điều chủ yếu vẫn là việc tự lực cánh sinh, là việc giải phóng cho những người khác thoát khỏi tình trạng nô lệ đối với những nguyện vọng và ham muốn của họ. Nguyên tắc này rất tuyệt vời, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta thì dễ chấp nhận nguyên tắc ấy hơn cả khi sống ở trên một hòn đảo hoang vu hơn là sống cuộc đời của Robinson Cruzo đầy rẫy các công việc lao động chân tay vất vả trong một thành phố hiện đại. Đó hầu như là lý lẽ duy nhất mà tôi có thể đưa ra để bác lại ông.

Chúng tôi vừa chuyện trò như vậy vừa đi trên các con đường của khu phố cổ ở Moskva. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi tới bức thành cổ và một khu chợ náo nhiệt, như thiên hạ nói, vốn là chốn nương náu của bọn đầu trộm đuôi cướp và của bọn bao tiêu đồ ăn cắp...

- Ở đây chỉ có hai cách xưng hô của người Nga chính cống - bá tước nói khi chúng tôi đi ngang qua những cửa hiệu của các thương gia, ở đây phụ nữ mặc áo da lông như nam giới, chỉ có cái gấu váy sặc sỡ hơi thò rải phía dưới vạt áo và chiếc khăn bịt đầu thay cho chiếc mũ lông là tiết lộ rằng họ là đàn bà, trong khi đó một số thương gia lại mặc áo bành tô và đội mũ lưỡi trai bằng vải màu cổ vịt. - Nếu bây giờ tôi bắt chuyện với một người trong số đó thì anh ta sẽ gọi tôi là “ông bô” và sẽ gọi bà là “bà bô”.

Chúng tôi bèn hỏi giá một đôi giày mới và một đôi giày cũ và những nhận xét của bá tước quả thực đã được xác nhận.

- Bà có thể mua tại đây những thứ quần áo rất tốt - bá tước nói khi một người với những chiếc sơ mi vắt trên cánh tay đi ngang qua chúng tôi - những đôi bao tay này rất bền và ấm - ông giơ cho xem đôi bao tay thô mầu trắng của  mình và trỏ vào đống bao tay và bít tất chân như vậy - Chúng chỉ có giá ba mươi côpếch. Mới rồi tôi đã mua tại đây một chiếc áo sơ mi nam tuyệt đẹp với giá năm mươi côpếch.

Đối với ý kiến sau cùng, tôi cũng có thể trả lời hệt như bá tước đã trả lời tôi khi tôi đề nghị cho người ăn xin bánh mì, nhưng tôi đã im lặng một cách độ lượng.

Cửa hiệu sách của nhà xuất bản của chúng tôi té ra đã đóng cửa theo một đạo luật cho phép chỉ được mua bán trong nhà vào các ngày chủ nhật từ mười hai giờ đến ba giờ chiều(7).

Trên đường về nhà, bá tước bày tỏ sự luyến tiếc về việc những tư tưởng cộng hòa ở Mỹ đã nhanh chóng suy tàn và về việc những thói “quý tộc” tai hại, nếu không nói là thói thích khoe mẽ, đã phát triển đáng kinh ngạc. Những kiến thức của ông được khai thác từ những bài báo đăng trong các ấn phẩm định kỳ đương thời và từ đặc tính chung của các tác phẩm văn học Mỹ mà ông đọc được. Tôi được nghe những người Nga khác nói nhiều về thói khoe mẽ của người Mỹ, song họ thường nói về cái đó một cách khó chịu chứ không như bá tước Tolstoi vốn lấy làm tiếc rằng cả một dân tộc đã bỏ lỡ mất một cơ hội tuyệt vời.

Hỡi ôi, thế là chúng tôi không vào thăm được nhà thờ cổ giáo cũng như không đến được những nơi khác theo dự định. Hai ngày sau đó, bá tước bắt đầu bị đau gan và đau bụng mà theo tôi là do những cuộc dạo chơi kéo dài, do đồ ăn chay tịnh vốn không hợp với ông và do bị cảm lạnh. Ngay trước lễ Giáng sinh, chúng tôi đã dự lễ tại nhà thờ đấng Cứu thế mới và đã rời khỏi Moskva trước khi bá tước lại có thể đi ra ngoài phố. Trước khi lên đường, chúng tôi đến thăm ông một lần nữa.

Tôi được biết vào thời gian gần đây bá tước bị coi là “dở hơi” hay “hấp lìm”. Song le bất cứ một ai từng trò chuyện lâu lâu với ông đều đi tới nhận định rằng ông hoàn toàn không phải là kiểu người bị tâm thần như vậy. Chẳng qua Tolstoi là người có những đam mê của mình, có những ý niệm của mình. Những tư tưởng của ông do ông đưa ra để mọi người lĩnh hội dù sao cũng vẫn rất khó tiếp thu đối với quảng đại quần chúng và đặc biệt khó đối với bản thân ông. Đó là những lý thuyết bất khả về sự hy sinh quên mình mà chỉ một số rất ít người mới có đủ sức tuyên truyền cho ai đó. Hơn nữa, cách trình bày về mặt triết luận đối với lý thuyết của ông thiếu sự sáng sủa, rành mạch vốn thường là kết quả, tuy không phải bao giờ cũng thế, của một công việc nghiêm túc mới bắt đầu, và bạn sẽ có khá đầy đủ căn cứ đối với những lời đồn đại về tình trạng suy nhược trí tuệ của ông. Khi giao thiệp trực tiếp, ông tỏ ra là một người hết sức chân thành, rất kiên nghị và có sức hấp dẫn lạ lùng, mặc dầu ông không cố thu hút sự chú ý đến mình. Chính sự chân thành của ông cũng gây ra những cuộc tranh cãi.

ISABEL HAPGOOD

LÊ SƠN dịch

Theo tạp chí Novyi mir (Thế giới mới) số 7 năm 1998

_______________

(1) William Rolston (1828-1889) nhà Slavơ học của Anh, người quảng bá văn học Nga ở Anh, bạn thân của nhà văn Nga I.S. Turgenev.

(2) Phòng bản thảo của Viện bảo tàng quốc gia L.N. Tolstoi.

(3) Tolstoi L.N. Toàn tập tác phẩm, T.50, M.1952, tr.5.

(4) Hapgood Isabel F. Tolstoy as he is - “Munsey’s Magazin”. New York, 1896, vol 15, p 588.



(**) Điền trang của L. Tolstoi (cách thành phố Tula 14km), nơi nhà đại văn hào sinh trưởng và sống gần 60 năm và cũng là nơi ông sáng tác những bộ tiểu thuyết lớn Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, nhiều truyện vừa... (L.S).

(***) V. Stasov (1824-1906) nhà phê bình nghệ thuật và âm nhạc, nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật, Viện sĩ danh dự của Viện Hàn lâm khoa học Peterburg (1900). (L.S).

(*) Cuộc chiến tranh Kryme (1853-1856) còn được gọi là Cuộc chiến tranh phương Đông. Thoạt tiên là cuộc chiến tranh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ giành quyền thống trị ở vùng Cận Đông và kết thúc bằng sự thất bại của quân Nga do sự lạc hậu về quân sự và kinh tế (L.S).

Các Bài viết khác