NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

NGUYỄN TRIỆU LUẬT – NHÀ VĂN, NHÀ GIÁO NHIỀU TÀI NĂNG

( 24-10-2017 - 10:03 PM ) - Lượt xem: 631

Các bài viết, công trình biên khảo, biên dịch của Nguyễn Triệu Luật đều xuất phát từ một ý thức khoa học nghiêm túc dưới ánh sáng của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc.

Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Nguyễn Triệu Luật (1903 - 2013) tại thư viện Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Nguyễn Triệu Luật  -  con người  tác phẩm do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức.

Nhiều tham luận của các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu đã tập trung đánh giá cao một tài năng tầm cỡ và đóng góp đáng kể của nhà văn đối với tiểu thuyết lịch sử và nhiều thể loại văn học khác.

Nguyễn Triệu Luật cũng đã được ghi trong số các mục từ của bộ Từ điển Văn học (bộ mới), nhà xuất bản Thế giới mới, (2004).

***

Nguyễn Triệu Luật (1903 - 1946) sinh quán tại Du Lâm nay thuộc xã Mai Lâm, Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ông là dòng dõi gia tộc khoa bảng, là cháu nội đại nho, đồng thời là một tác gia văn học Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890).

Như một lẽ đương nhiên, trong gia đình ấy, từ nhỏ cậu bé đã được tiếp xúc với Hán học và đạo Nho. Học trường Pháp, chàng trai trẻ thức thời tiếp nhận thêm tri thức Tây học với ý thức khoa học và tinh thần dân chủ phương Tây.

Tốt nghiệp trường Sư phạm Hà Nội, Nguyễn Triệu Luật đi dạy ở một số trường công ở Tuyên Quang, Hà Nội, Hải Phòng. Khoảng 1927, ông cùng Nguyễn Thái Học, Phạm Tuấn Tài tham gia thành lập Việt Nam Quốc dân đảng. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại ông từng bị Pháp bắt giam. Sau khi được tha và bị  buộc thôi dạy học, Nguyễn Triệu Luật chuyển sang làm báo ở nhiều tờ báo có danh tiếng thời ấy: Nam Phong, Tao Đàn, Trung Bắc tân văn, Tiểu thuyết thứ Bảy…Những năm 1937 - 1939 ông được mời dạy ở trường tư thục Lễ Văn thuộc thành phố Vinh.

Viết văn, làm báo và khảo cứu, biên soạn nhiều lĩnh vực lịch sử, văn hoá, giáo dục, ngôn ngữ với tất cả tâm trí và công sức, Nguyễn Triệu Luật đã đồng thời mang nhiều tư cách xã hội lớn: nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghiên cứu khoa học.

Ông đã có những đóng góp rất đáng trân trọng về nhiều mặt. Tuy nhiên, định mệnh nghiệt ngã đã kết thúc cuộc đời tài năng ấy. Ông mất năm 1946, hưởng dương 44 tuổi.

I. MỘT TRÍ THỨC HIỆN ĐẠI RẤT THỨC THỜI.

Với trình độ học vấn bậc thành chung hoặc cao hơn một chút là tú tài vào thời thuộc Pháp, đã được gọi là trí thức. Cả xứ Đông Dương mãi sau này mới có một trường đại học thì ở đất thuộc địa hơn 90% là mù chữ, có bằng cử nhân đã được trọng vọng là bậc đại trí thức!

Nguyễn Triệu Luật là một trí thức vào thời ấy. Ông có trình độ được đào tạo qua trường Sư phạm, lại còn có gốc Hán học và biết cả tiếng Anh, đã vận dụng thành thạo tất cả vào công tác nghiên cứu, dịch thuật. Điều quan trọng là với vốn Hán ngữ và ngoại ngữ Anh, Pháp ông đã chịu học hỏi thêm qua các tác phẩm cổ, kim, đông, tây để trau dồi cho mình một vốn tri thức uyên bác tương đương của các nhà nghiên cứu về chuyên môn, chuyên ngành như Sử học, Ngôn ngữ học, Tâm lý học.

Nhà nghiên cứu văn hoá Hữu Ngọc coi ông là nhà Nho hiện đại vì căn cứ vào tư chất, trình độ. Tuy nhiên, điều đó đúng với đầu xứ Ngô Tất Tố vì nhà văn này có dự khoa thi Hán học cuối mùa và đỗ đầu. Còn Nguyễn Triệu Luật không theo trường lớp, không dự vào khoa cử. Ông lại hơn cụ đầu xứ ở trình độ đào tạo Tây học. Vì vậy, nhìn chung lại Nguyễn Triệu Luật đích xác là một trí thức mới, trí thức hiện đại.

 

Chính vì là trí thức chân chính lại có hiểu biết sâu sắc về lịch sử, truyền thống dân tộc nên đã sớm nảy sinh lòng yêu nước thương nòi ở chàng thanh niên Nguyễn Triệu Luật thức tỉnh nhạy cảm với thời cuộc.

Tham gia cùng Nguyễn Thái Học lập Việt Nam Quốc dân đảng là hoạt động chính trị nhằm mục đích cứu nước. Đó là một hành động dấn thân quả cảm đầy mạo hiểm. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, Nguyễn Thái Học cũng mười hai đồng chí bị lên đoạn đầu đài. Một kết quả tự nhiên mà nhà chính trị trẻ đã dự đoán phải chấp nhận: Nguyễn Triệu Luật bị bắt cùng Nhượng Tống và Trúc Khê, hai cây bút dịch thuật và khảo cứu nổi tiếng.

Ra tù, Nguyễn Triệu Luật tiếp tục đi dạy môn Sử ở trường trung học Lễ Văn, Vinh và chuyên chú vào viết văn, viết báo. Ông viết nhiều đề tài xoay quanh những vấn đề về văn học, văn hoá và biên dịch, khảo cứu nhiều môn khoa học xã hội.

Nhìn chung lại, tất cả các công trình ấy, dù nhỏ như bài báo, quy mô vừa hoặc lớn như một khảo cứu, biên dịch hay cuốn tiểu thuyết lịch sử đều toát ra một chủ đề lớn là lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Nói cách khác, viết lách, sáng tác là một cách – như một lối thoát – để thể hiện lòng yêu nước, ý thức ưu thời mẫn thế của nhà trí thức – nguyên là một chính khách và một chính trị phạm của nhà tù đế quốc.

Nguyễn Triệu Luật đã ý thức được tự do. Và, trong chừng mức còn bị giới hạn (do chế độ kiểm duyệt rất hà khắc của bộ máy thực dân) ông đã truyền đạt được khát vọng tự do đến với rộng rãi bạn đọc – những người dân mất nước còn phải sống trong tù túng, áp bức.

  1. II.                      MỘT NHÀ VĂN HOÁ -  GIÁO DỤC ĐẦY TÂM HUYẾT

Trước hết, Nguyễn Triệu Luật là người có cái nhìn bao quát toàn cục về văn hoá.

Trong sách Nguyễn Triệu Luật – tác  phẩm đăng báo (Trí thức, 2014) gồm có bốn phần cơ bản, theo Mục lục như sau:

-         Phần I Văn hoá và Giáo dục.

-         Phần II: Lý luận – Phê bình.

-         Phần III: Ngôn ngữ.

-         Phần IV: Tâm lý học.

Ngoài ra là phần sáng tác, biên khảo

-         Phần biên khảo gồm chủ yếu những vấn đề về lịch sử.

Đáng chú ý là Sách giáo khoa Lịch sử có Bốn mươi bài quốc sử (Tân Dân, Hà Nội, 1926).

- Phần sáng tác nổi bật nhất là tập Nguyễn Triệu Luật – Tiểu thuyết lịch sử (Văn hoá – Thông tin, 2013) gồm mười tác phẩm. Đó là kể cả Trần Hữu Lượng Một người Việt Nam xưng đế ở Tàu  in trên Thực nghiệp Dân Báo  tới số 45 thì dừng; cuốn Chúa cuối mẻ in dở dang trên Tiểu thuyết thứ Bảy từ tháng 06/1944 đến tháng 02/1945. Sưu tập còn thiếu, không được in tiếp và bị thất lạc.

Văn hoá là phạm trù rất rộng kể cả biểu hiện vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, những lĩnh vực kể trên đều thuộc văn hoá, trong đó có văn học và ngôn ngữ cùng với giáo dục là các lĩnh vực cơ bản được quan tâm nhiều nhất và cũng là những hoạt động thực tiễn với nhiều công sức nhất.

Mục đích hay ý đồ lớn nhất của Nguyễn Triệu Luật được thể hiện qua tiểu luận Làm sao mà gây được một nền văn hoá riêng cho dân tộc Việt Nam?. Và đề xuất về phương hướng: Một cách để gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần.

Nguyễn Triệu Luật gắn kết chặt chẽ văn học với văn hoá.

Trong Mấy lời phi lộ, khi nhận trách nhiệm về tờ Tao Đàn, nhà văn có viết: “tờ Tao Đàn này đã được bạn đọc coi là một tờ báo chuyên trị văn học có cái mục đích tối cao là bồi thực văn hoá nước nhà, tựa như tờ Mercure de France, Revue des deux Mondes Pensée của Pháp”.

Giáo dục gắn bó với văn hoá là lẽ đương nhiên cả về mặt chữ nghĩa và tri thức.

Nhìn chung, Nguyễn Triệu Luật đã đề cập được nhiều vấn đề sâu sắc và lý thú trên lĩnh vực văn hoá tư tưởng và giáo dục. Nhà văn rất chú ý phương pháp luận khoa học mà ông gọi là Méthodologie.

Không xuất phát từ lý thuyết, lý luận chung chung, nhà văn hoá giáo dục  căn cứ vào quan sát, khoa học ảo nghiệm thực tiễn để rút ra  “vài điều nhận biết về văn học giới và giáo dục giới”. Lại rất chú trọng so sánh  với phương Đông và phương Tây, xưa và nay.

Trên cơ sở thực tế, qua những hiện trạng, hiện tượng bất cập thậm chí xấu xa mà ông gọi là “quái trạng”, “quái tượng”, đề xuất những định hướng sửa chữa, xây dựng, bồi đắp.

Trí thức gốc gác đào tạo ở hai loại trường: “Hạng đào tạo ở trường Tầu là hạng  học từ chương, cử nghiệp cuối mùa thì đúng hơn bây giờ tàn tạ rồi. Còn hạng ở trường Tây ra thì phải uốn theo khuôn khổ Tây, không thành người Việt nữa (...) thành Tây...lai trong khuôn khổ mất hết tính cách cũ của giống nòi”.

Căn bệnh xã hội được chỉ ra và phân tích rõ. Văn sĩ Tây học thì thành Tây...lai vì cái hoạ “ngoại chủng hoá” của trường Tây, bị rẻ rúng quá đáng. Có những người cầm bút khinh rẻ cả tiếng mẹ đẻ. Bệnh sùng ngoại, sính ngoại nặng nề sẽ tiêu hao tinh thần ý chí dân tộc của cộng đồng xã hội mà còn làm tổn thất đến giá trị văn hoá dân tộc.

Hơn ai hết Nguyễn Triệu Luật có một niềm tự hào cao độ khi so sánh ta với người trên phương diện văn chương: “Ngồi mà nghiền mãi những khoé văn tỉ mỉ của Flaubert thì có hứng sao bằng đọc bài văn tả chân của ông Phạm Duy Tốn? Đọc tuồng Andromaque ra mà tỉa tách thì chi bằng cố mà dò ra vỡ hết nghĩa quyển Kiều. Văn ông Alphonse Daudet ở Pháp tôi tưởng cũng không hơn văn ông Nguyễn Công Hoan trong những thiên đoản thiên tiểu thuyết” [2, tr 26].

Tư tưởng chủ đạo Nguyễn Triệu Luật đề xuất là giữ được tính độc lập về văn hoá: “Mình mất nước đã là một cái không hay. Nếu mình lại để thôn tính về mặt tinh thần nữa thì mình còn gì?” [2, tr 29]. Nói cách khác là vấn đề giữ gìn “quốc tính” và “quốc hồn” như phương sách Một cách để gây cho dân tộc ta một cái nguyên tắc tinh thần [2, tr 31 - 40].

Nguyễn Triệu Luật có chủ trương phải biết tiếp thu, biến hoá và vận dụng thích hợp các nền văn hoá ngoại nhập.

Như Trung Quốc đã Trung Quốc hoá đạo Phật từ Kinh chữ Phạn qua chữ Hán, Nhật Bản tiếp thu văn hoá Âu – Tây bằng tiếng bản quốc. Âu hoá thành ra Nhật Bản hoá. Vậy thì ta cũng phải Việt hoá những tinh hoa văn hoá ngoại lai để biến thành cái của mình mang bản sắc Việt Nam. Sẽ trừ được bệnh trạng vọng ngoại chỉ cóp nhặt, sao chép nguyên si cái ngoại lai: “cả những độc hại thiên hạ đã vứt bỏ đem về làm gia bảo” [2, tr 13]. Tuyệt đối phải diệt trừ cái gọi là “ngoại chủng hoá” làm huỷ hoại “cái kiêu ngạo làm người Việt Nam” như cách nói của Nguyễn Triệu Luật.

Để xây dựng cái cơ bản văn hoá phải đặt nhiệm vụ cho “cái trường của ta” là “nâng cao trình độ dân trí”.

Dân trí thức” được quan niệm gồm hai hạng. Số rất ít là tinh hoa (người trước tác, văn sĩ, học giả) cần được bồi dưỡng nâng cao trình độ để phát huy được “quốc hồn”,  tinh thần Việt, trong sáng tác. Nhóm người đông hơn  cần có trí thức phổ thông cũng là người dân biết đọc sách làm cơ sở cho nền văn hoá.

Thực ra phong trào Duy tân với khẩu hiệu Khai dân trí – Chấn dân khí – Hậu dân sinhĐông Kinh nghĩa thục đã được nhóm lên từ khoảng 1906, 1907, 1908. Sau đó là sự thành lập và hoạt động của Hội Truyền bá Quốc ngữ từ 1937. Phong trào xã hội ấy đã khơi mào cho những ý tưởng tiến bộ về văn hoá,giáo dục đương thời.

Tuy nhiên, Nguyễn Triệu Luật đã mạnh dạn kiến nghị những cải cách quan trọng. Ông đề xuất chủ trương các trường từ Trung học và một phần tiểu học nữa cần học bằng tiếng Việt. Bởi nhà văn có một niềm tin chắc chắn và mạnh mẽ vào khả năng toàn diện của tiếng Việt: “Tôi tin rằng Việt ngữ đủ mềm mại, đủ phong phú, đủ hoạt bát để diễn tả các loại tư tưởng từ cái rất cao, rất tinh vi đến cái rất uyển chuyển, rất thông thường.” [2, tr 29].

Tuy nhiên, trừ học giả Hoàng Xuân Hãn đã soạn được một công trình Danh từ khoa học (1941) để hỗ trợ khoa học  cho nghiên cứu và giảng dạy nhà trường các cấp cao  đồng thời với  Chương trình Hoàng Xuân Hãn (1944) . Đó chỉ như một gợi mở về cải cách giáo dục. Từ trước 1945, tiếng Việt vẫn chỉ tồn tại như một  “ngoại ngữ” ở cấp trung học và ngay ở cả tiểu học từ lớp Nhì đến lớp Nhất.

  1. III.      MỘT NHÀ NGHIÊN CỨU, BIÊN KHẢO NGHIÊM TÚC

Các bài viết, công trình biên khảo, biên dịch của Nguyễn Triệu Luật đều xuất phát từ một ý thức khoa học nghiêm túc dưới ánh sáng của tinh thần yêu nước và ý thức dân tộc.

Một đời hoạt động dạy học và sáng tác của Nguyễn Triệu Luật đã minh chứng cho lòng yêu mê say đắm tiếng Việt và ý thức tự tôn, tự hào cao độ về lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.Chắc hẳn nhà văn đồng cảm lắm  với tâm hồn tuyệt vời thi sĩ : “ Nằm trong tiếng nói yêu thương / Nằm trong tiếng Việt  vấn vương một đời “. Bởi một lẽ sâu xa huyền nhiệm: “ Sơ sinh  lòng mẹ đưa nôi / Hồn thiêng đất nước cũng ngồi bên con”(Huy Cận, Nằm trong tiếng nói , 1942 )

Tất cả nghiên cứu đều tương quan chặt chẽ và nhằm mục đích nâng lên hiệu quả nghệ thuật cao nhất của sáng tác văn chương. Làm văn phải đi sâu và nắm vững tiếng mẹ đẻ. Sáng tạo nhân vật thế tất phải nắm vững khoa học tâm lý bởi “văn học  là nhân học”. Chuyên viết tiểu thuyết lịch sử cần đào sâu và sống với sự kiện, tình cảm, quá khứ thật thấu đáo.

Với ý nghĩa đó, có thể nói, Nguyễn Triệu Luật là nhà văn viết có khoa học hoặc nhà văn gắn kết chặt chẽ với khoa học. Khoa học ở đây là bộ ba: Lịch sử - Ngôn ngữ - Tâm lý. Đây chính là điểm nổi bật, phân biệt được Nguyễn Triệu Luật với đội ngũ nhà văn đương thời.

Mảng khảo cứu Lịch sử là công phu và giá trị nhất của Nguyễn Triệu Luật dù không được tổng kết thành một công trình chỉ là rải ra toàn bộ sự nghiệp bản thân.

Là thầy giáo dạy môn Lịch sử ở trường trung học, Nguyễn Triệu Luật cần có một vốn tri thức của một nhà Sử học đủ để truyền đạt và quảng bá. Không những thế, hơn nhiều đồng nghiệp, ông còn soạn giáo khoa để giảng dạy cho ngành Sử (Bốn mươi bài quốc sử).

Nguyễn Nghĩa Nguyên – một học sinh khoá đầu trường trung học Lễ Văn, Vinh viết hồi ức Nhớ giáo sư Nguyễn Triệu Luật – Thầy dạy Sử uyên bác của chúng ta. [2, tr 369 - 372]. Quả là uyên bác bởi với thầy “biết mười để dạy một”.

Viết văn cũng cần uyên bác. Nắm tình hình vĩ mô và sự kiện vi mô, biết quốc sử để dạy một thời kì, một giai đoạn, thậm chí một thời điểm lịch sử. Thấu hiểu lịch sử qua những biểu hiện vật thể: công trình kiến trúc, văn bản, sự tích, vật chứng đặc biệt là cổ vật, y phục cổ... Rồi cả những giá trị phi vật thể như nghi thức, lễ hội, ngôn ngữ... Tóm lại, phải đi vào mảnh đất lịch sử và phục dựng lịch sử.

Chỉ qua Bà Chúa Chè, nhà văn Nguyễn Tuân (bút danh Nguyễn Nhất Lang) đã thâu tóm thần tình tài năng Nguyễn Triệu Luật: “Cũng như bây giờ, bao nhiêu văn sĩ sốt sắng thấy cần người có đủ tư cách để phụng sự lịch sử dưới mọi hình thức của nó, để dành miếng đất lịch sử cho ông Nguyễn Triệu Luật làm nơi dùng tài học. Ở địa hạt này, ông Nguyễn Triệu Luật hẳn không đến nỗi phụ những người kì vọng” [2, tr 368]. Hữu Ngọc, nhà nghiên cứu văn hoá, nhấn mạnh ý nghĩa lời khen của Nguyễn Tuân: “Nguyễn Tuân nhận định người viết tiểu thuyết lịch sử tốt nhất là Nguyễn Triệu Luật vì ông vừa là nhà sử học, vừa là nhà văn. Hai cái đó trộn với nhau khiến cho sách của Nguyễn Triệu Luật rất có giá trị” [2, tr 363].

Phần Ngôn ngữ (III) là một số đề xuất về quốc ngữ.

Nguyễn Triệu Luật quan niệm: “Mỗi dân tộc có một cách vận chuyển, phô diễn tư tưởng riêng”, là “tinh tuý riêng của một dân tộc”.

Đây cũng là một yêu cầu về hiện đại hoá mặt văn hoá nói chung và văn học nói riêng.

Nguyễn Triệu Luật trên cơ sở nhận định: “Văn tự Việt Nam ta bây giờ như cái nhà chứa hàng tạp hoá bề bộn” nên đề xuất việc Điển chế văn tự. Rồi đưa ra Phương pháp làm quyển mẹo tiếng Việt Nam tức xác định ngữ pháp. Mạnh dạn hơn là đặt Vấn đề cải cách chữ quốc ngữ.

Những vấn đề đề cập thuộc về Ngôn ngữ đại cương như các phạm trù về Ngữ âm, Từ vựng, Ngữ pháp liên quan đến vận dụng trong viết văn, dịch thuật.

Thực ra đây là thời kì đụng độ, giao lưu tương tác của tiếng Việt, chữ Việt với chữ Hán Việt và chữ Pháp,đang có nhiều điều bất ổn, xáo trộn. Bản thân chữ quốc ngữ, tiếng Việt cũng có những tồn tại lịch sử lại thêm vấn đề mới nảy sinh.

Cho tới nay, Ngôn ngữ học đã phát triển và đã giải quyết được nhiều vấn đề, đã xây dựng được nhiều cuốn từ điển phổ thông và chuyên dụng, có hệ thống ngữ pháp tiếng Việt chính thống. Tuy nhiên, trong tình hình đổi mới, hội nhập nhiều vấn đề vẫn tiếp tục đặt ra cho phát triển ngôn ngữ.

Dù sao những ý tưởng và giải pháp cải cách của Nguyễn Triệu Luật cũng như của Nguyễn Văn Vĩnh, Vi Huyền Đắc... một thời cũng là những cơ sở để tham khảo bổ ích và đáng trân trọng với những giá trị cụ thể lịch sử một thời. Điều quan trọng cần ghi nhận là tình yêu tiếng Việt và ý định phát huy cái hay, cái đẹp như tinh hoa dân tộc qua tiếng nói, chữ viết mang “quốc hồn”, “quốc tuý” Việt Nam.

Phần Tâm lý học (IV) trong  bài viết cuối sách [2] là công phu nhất của nghiên cứu và biên dịch.

Nội dung cơ bản là Tâm lý học đại cương, giới thiệu khá đầy đủ các hiện tượng tâm lý của con người.

Công trình khá bề thế (gần 130 trang, khổ 16 x 24cm)  như là một cuốn sách nhỏ gồm từ Chương I đến chương XVII và một phụ lục Tâm lý học toàn đồ (Đời tâm lý: Đời tiềm thức – Đời ý thức).

Quan niệm Tâm lý học gắn với Triết học nên tác giả khảo sát từ lý luận triết học. Phạm vi bao quát khoa học khá rộng, từ cổ, cận đại đến hiện đại những tập trung vào thành tựu thế kỷ XX. Nói cụ thể là khoảng 50 năm đầu của thế kỉ: “Tâm lý học là môn học mới trong rừng triết học thì cây “Tâm lý họclà cây mới mọc khoảng năm mươi năm nay”.

Tâm lý học của Nguyễn Triệu Luật là công trình nghiên cứu với nhiều công sức, có khảo sát trực tiếp sách báo khoa học, có phiên dịch và biên soạn (tác giả tự nhận là biên dịch) chủ yếu qua tiếng Pháp. Tác giả có tài năng là tổng hợp tri thức, tổ chức dàn dựng thành một công trình có hệ thống. Từ Chương VIII là diễn giải phân tích Phân loại các hiện tượng tâm lý và các tính người. Toàn bộ là trình bày về Đời tâm lý gồm Đời tiềm thức và trọng tâm là Đời ý thức. Có các chương liên quan đến văn học, văn hoá là Ký ức (XVIII), Liên tưởng (XIX), Tưởng tượng (XX) và Dấu hiệu ước định (XXV) nói về ngôn ngữ, đều là những chương viết khá kỹ.

Tóm lại, đây là một tiểu luận quy mô có ý nghĩa như Nhập môn Tâm lý học, giới thiệu những kiến thức thiết yếu một cách giản lược. Tâm lý học vốn là một môn trong nghề sư phạm có lợi ích thiết thực với nhà giáo và cũng giúp ích nhiều cho nhà văn.

Trong lời Kết luận của kẻ làm sách, tác giả cho rằng nhiều lĩnh vực kể cả bách công, bách nghệ đều có thể cần thiết ít nhiều đến Tâm lý học. Đó là môn khoa học có ý nghĩa cho cả xã hội.

 Nhưng có một lợi ích rất lý thú: “Ngồi bàn với nhau đến Tâm lý học là phải tập phơi gan dãi ruột cùng nhau. Một ngày kia mà nhiều người trong nước nói chuyện với nhau biết phơi gan dãi ruột, tránh được bao sự phù hoa giả trá thì tình thân ái ngày càng bền chặt mà mối đồng tâm có lẽ cũng chóng kết bền được”.

Nguyễn Triệu Luật là nhà văn nhân ái. Với tư cách nhà khoa học ông tuyên truyền cho thuyết Tâm lý nhân văn. Hai tư cách trong một con người.

Tâm lý học phát triển mạnh mẽ trong thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI với Tâm lý học đại cương vàcác môn Tâm lý học chuyên ngành. Các học thuyết khoa học nổi tiếng với nhiều phân ngành bao gồm nhiều phân nhánh với các chuyên gia hàng đầu kiệt xuất thế giới. Trong số đó có Willam James, người Mỹ (1898 - 1944) cùng một số tác giả khác được tác giả nhắc đến với cuốn Tâm lý học trích yếu (Précis de Psychologie).

Tuy nhiên, vào những năm 30, 40,  thâu tóm và giới thiệu kiến thức sơ giản về một khoa học non trẻ là một công việc có đóng góp như người mở đầu của Nguyễn Triệu Luật.

Ta nhớ rằng mãi đến thập kỷ cuối của thế kỷ trước và đầu thế kỷ này mới có Từ điển Tâm lý học của Nguyễn Khắc Viện (1991, 1995, 2001) và Lịch sử Tâm lý học của Vũ Thị Anh Chi (2004). Trong khi đó, cùng thời và trước khá lâu,  đã xuất hiện Từ điển Tâm lý học rất bề thế của Roland Doron và Francoise Parot với một Hội đồng biên tập đông đảo (Dicionário de Psicologia, Climepsi, Lisboa, 2001). Trước đó là Từ điển Tâm lý học của J.P.Chaplin (Dicionário de Psicologia, Dom Quixote, 1981). Hoặc như Lịch sử Tâm lý học của F.L.Mueller (História da Psicologia (I, II), Europa _ America, Ltd, Portugal, 2001). Nguyên bản được xuất bản tại Pháp (Payot, Paris, 1976).

***

Nguyễn Triệu Luật dù sao cũng là người của một thời.

Những đóng góp của ông về nhiều mặt là rất đáng trân trọng. Có người khen quá lời cho rằng tất cả tiểu thuyết lịch sử của ông “cuốn nào cũng hay”. Thật ra không phải đều là toàn bích.

Đương thời đã có ý kiến trái chiều nhau của Vũ Ngọc Phan và Trúc Khê. Những kiến giải khoa học về Ngôn ngữ họcTâm lý học từ nghiên cứu, biên khảo, biên dịch đều có ý nghĩa như đặt nền móng, tồn tại như một dữ liệu khá công phu. Tuy nhiên với sự phát triển  khoa học của nửa sau thế kỷ XX và sang thế kỷ XXI, đã nhiều thập kỷ nay thì nhiều kiến thức cũ đã bị thời đại vượt qua.

Riêng phần khảo cứu, sáng tác về Lịch sử và mảng tiểu thuyết lịch sử có nhiều giá trị và tồn tại lâu dài, nhất là những dữ liệu chân xác và giàu hiệu quả nghệ thuật qua ngòi bút sáng tạo.

Điều đáng quý là cái tâmcái trí sáng láng.

Trí tuệ giúp ông khai mở tri thức và nhất là những ý tưởng đổi mới, cải cách. Tấm lòng giúp ông tạo được sự đồng tâm, đồng thuận rất cao ngay từ đương thời. Như cảm nhận của Lan Khai: “... đọc bài nói về sự gây dựng nền văn hoá Việt Nam tôi thấy tâm hồn rung động đến nỗi tôi gần sa nước mắt. Một bài văn nghị luận với những ví dụ tầm thường mà đã có thể cảm người đọc đến mực này thì khi viết nó, tác giả hẳn đã xúc động không biết chừng nào. Tôi ước mong rằng cái thương tâm của Nguyễn quân sẽ có một tiếng dội sâu xa trong hết thẩy mọi tâm hồn Việt Nam.” [2, tr 19].

Có những ý tưởng cơ bản và những vấn đề lớn của nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Triệu Luật đặt ra vẫn còn có phần giá trị và ý nghĩa thời sự trong tình hình hiện nay.

Xin được chia sẻ với một nhận định xác đáng nghiêm túc khoa học qua Lời đầu sáchcuốn Nguyễn Triệu Luật _ Tác phẩm đăng báo của PGS.Trần Thị Băng Thanh:

“Một tầm suy nghĩ như thế, một tấm lòng tha thiết với đất nước, dân tộc như thế quả thật rất xứng đáng để chúng ta cảm phục, trân trọng và đặc biệt là nghiên cứu, khai thác, vận dụng”.

Nhận định trên như kết luận một công trình công phu như sự nghiệp viết phê bình, nghiên cứu,  tiểu luận của Nguyễn Triệu Luật.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Nguyễn Triệu Luật (2013), Tiểu thuyết lịch sử, Văn hoá Thông tin.

[2] Nguyễn Triệu Luật (2015), Tác phẩm đăng báo, Trí thức.

Các Bài viết khác