NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

HUY CẬN - NHÀ THƠ CỦA BIỂN với bài thơ ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

( 16-05-2017 - 07:06 AM ) - Lượt xem: 2464

Vì sao gọi ông là nhà thơ của biển ư? Vì ngoài Tràng Giang nổi tiếng, ông còn có bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, nằm trong chương trình văn cấp 2 những năm về trước. Bài thơ này được mọi người yêu thơ gọi là khúc tráng ca về lao động, được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế của tác giả ở Hồng Gai, đã in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng (1958).

Nhà thơ Huy Cận sinh vào ngày cuối dư của tháng 5 năm 1919, đó là tuổi do người cậu khai, còn ngày sinh chính xác của ông là ngày 29 tháng 12 năm Bính Thìn (tức ngày 22 tháng 1 năm 1917).

 Quê ông ở dưới chân núi Mồng Gà, bên bờ sông Ngàn Sâu- thượng nguồn sông La, thuộc  làng Ân Phú,  huyện Hương Sơn (nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh).

Tuy ở quê, nhà nghèo, nhưng ông vẫn được bố mẹ (nhà nho gốc nông dân) cho đi họ, rồi học lên Trung học ở Huế và đậu tú tài Pháp. Ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông (cùng Xuân Diệu ở phố Hàng Than).

Về gia đình, bè bạn

-Huy Cận có người vợ đầu là bác sĩ Ngô Xuân Như, Viện Y học cổ truyền Việt Nam, em gái nhà thơ Xuân Diệu.

-Người vợ thứ là bà Trần Lệ Thu, cán bộ giảng dạy Nga văn ở một trường Đại học lớn tại Hà Nội

-Huy Cận có 4 người con, 2 con trai và 2 con gái. Em trai ông là tiến sĩ triết học - mĩ học Cù Huy Chử.

-Huy Cận có nhà thơ Xuân Diệu là người bạn lớn, là tri kỷ, cùng sống với gia đình Huy Cận cho đến hết cuộc đời tại nhà số 24 đường Cột Cờ (Điện Biên Phủ), Hà Nội. Hai ông là hai nhà thơ lớn tiêu biểu của nền văn thơ hiện đại Việt Nam.

Huy Cận mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.

 

Về sự nghiệp văn học

-Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936, khi ông khoảng 17, 18 tuổi.

-Năm 1940, in tập thơ đầu Lửa thiêng  (gồm những bài đã đăng báo, khoảng 1936 -1940, và trở thành cây bút tên tuổi hàng đầu của phong trào Thơ mới lúc bấy giờ). Tập thơ thể hiện rõ tâm trạng: buồn mênh mang sâu lắng… về cuộc đời, kiếp người, về quê hương đất nước. Thiên nhiên trong thơ thường đẹp nhưng buồn, hiu hắt …

- Năm 1942 có Kinh cầu tự  (văn xuôi triết lý) và Vũ trụ ca (thơ đăng báo 1940-1942). Giai đoạn này, thơ  Huy Cận đã bộc lộ niềm vui, ca ngợi sự sống trong vũ trụ bao la song vẫn chưa thoát khỏi sự ão não, bế tắc.

- Năm 1958, ông có tập Trời mỗi ngày lại sáng. Năm 1960 có Đất nở hoa.

- Năm 1963 có Bài thơ cuộc đời. Năm 1967, Hai bàn tay em (thơ thiếu nhi), 

-Năm 1968 có Những năm sáu mươi.  

Năm 1973 có Chiến trường gần đến chiến trường xa,  Họp mặt thiếu niên anh hùng

- Năm 1974 có Những người mẹ, những người vợ.  Năm 1975 có tập Ngày hằng sống ngày hằng thơ

 - Năm 1978 có  Ngôi nhà giữa nắng. Năm 1984 có Hạt lại gieo.

Về sự nghiệp chính trị

- Năm 1942, ông tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh.

- Tháng 8 năm 1945, ông tham dự Quốc dân đại hội ở Tân Trào, được bầu vào Ủy ban Giải phóng (là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời, với Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu).

- Cũng năm 1945, khi mới 26 tuổi, ông đã là Bộ trưởng Bộ Canh nông .

- Những năm 1945 - 1946, ông là Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ.

- Sau đó, ông còn làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng trong chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ.

-Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII.

-Tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I - năm 1996).

Ngày 23 tháng 2 năm 2005, ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Sao Vàng.

 

Với bài thơ ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

Vì sao gọi ông là nhà thơ của biển ư? Vì ngoài Tràng Giang nổi tiếng, ông còn có bài thơ Đoàn thuyền đánh cá, nằm trong chương trình văn cấp 2 những năm về trước. Bài thơ này được mọi người yêu thơ gọi là khúc tráng ca về lao động, được viết năm 1958 nhân chuyến đi thực tế của tác giả ở Hồng Gai, đã in trong tập Trời mỗi ngày lại sáng (1958). 

Mở đầu bài thơ, Huy Cận viết:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa 

Sóng đã cài then, đêm sập cửa. 

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, 

Câu hát căng buồm cùng gió khơi. 

Bắt đầu là thời khắc của hoàng hôn. Và là hoàng hôn trên biển. Đời người chúng ta, mấy ai chưa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ này. Ánh mặt trời, mây, nước…những ngày nắng sẽ tạo nên bức tranh đầy màu sắc  diễm tuyệt. Lung linh sóng nước bao la. Đất trời lồng lộng. Trên biển xanh kia, mặt trời trong mắt tác giả như một khối lửa đỏ tròn vành tỏa sáng đang từ từ lặn xuống, chìm xuống phía bên kia chân trời. Nhà thơ so sánh tuyệt đẹp: Mặt trời “như hòn lửa”.

Đó là cái màu đỏ nồng nàn cháy rực, thu hút ánh nhìn của người đang trước biển. Nó như đang treo lơ lửng cuối chân trời và sẽ mấp mé sóng nước trước khi chìm vào mặt nước. Với sự quan sát tài tình,  tinh tế, nhà thơ như say trước cảnh để vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp bằng ngôn ngữ. Nghệ thuật nhân hóa được sử dụng nhẹ như không, như một cách nói thông dụng.

Ánh sánh tắt dần đến đâu, đêm chiếm ngự đến đó.

Sóng đã cài then, đêm sập cửa. 

Nếu sóng đã cài then, đêm đã sập cửa, thì ngôi nhà chính là vũ trụ biển trời  bao la.

Vũ trụ bao la đã kết thúc thời gian của một ngày. Biển cả chìm dần vào mênh mông đêm. Vũ trụ nghỉ ngơi “ cài then sập cửa”, thì con người bắt đầu hoạt động.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi, 

Câu hát căng buồm cùng gió khơi. 

Nhà thơ say cảnh biền, đúng rồi. Nhưng ông đâu chỉ say cảnh biển. Tác giả còn say trước cảnh lao động miệt mài, phấn khởi của những chàng trai biển. Có lẽ vì thế mà nhà thơ đã ca ngợi hình ảnh đẹp của những con người lao động hăng say trong cảnh chiều về, cảnh đêm đến và cả khúc ca khải hoàn trong buổi bình minh của hôm sau.


Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

 Cá thu biển Đông như đoàn thoi

 Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng. 

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi! 

Những khúc tráng ca trong lao động vang lên. Những chàng trai vạm vỡ đang hát bài ca gọi cá về, gọi muôn luồng sáng đến dệt lưới vàng…Không gian bao la như cũng say cùng không khí lao động rộn ràng. Không gian bao la ấy có buồm trăng, có gió lộng, có mây cao, có biển bằng…có lưới trận bủa giăng…


Thuyền ta lái gió với buồm trăng 

Lướt giữa mây cao với biển bằng, 

Ra đậu dặm xa dò bụng biển, 

Dàn đan thế trận lưới vây giăng.

Và những “ em” xinh em đẹp”, muôn hồng ngàn tía đang quẫy trăng, đang lấp lánh dưới trăng, cùng sao khuya lùa nước…

 
Cá nhụ cá chim cùng cá đé, 

Cá song lấp lánh đuốc đen hồng,

 Cái đuôi em quẫy trăng vàng choé,

 Đêm thở: sao lùa nước Hạ Long.


Bài ca lao động vang lên trên biển bao la trong một đêm trăng sáng, là cảm xúc trào dâng khi các chàng trai biển cùng gõ nhịp trăng sao mà ca rằng: “Ta hát bài ca gọi cá vào. Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao. Biển cho ta cá như lòng mẹ. Nuôi lớn đời ta tự buổi nào”

Bầu trời dần sáng, nhưng vẫn còn ánh sao mờ chiếu. Những chàng trai biển vẫn thức với biển cả, với đất trời và với sản vật của biển. Những xoăn cá nặng vảy bạc, đuôi vàng được “ hò dô” kéo lên như đang chạy đua cùng ánh mặt trời hồng:  

Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng, 

Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng, 

Vảy bạc đuôi vàng loé rạng đông, 

Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng. 

Thời gian dịch chuyển từ hoàng hôn, đến dêm khuya, đến bình minh. Trong buổi bình minh của hôm sau, nhà thơ tiếp tục theo chân và ca ngợi hình ảnh đẹp của những con người lao động hăng say với khúc ca khải hoàn. Bài ca lao động vẫn vang lên cùng cánh buồm no gió. Mặt trời đỏ rực đã từ từ nhô lên khỏi làn nuớc biếc, đón chào một ngày mới huy hoàng như hằng hà mắt cá lấp lánh phơi dưới ánh nắng ban mai.


Câu hát căng buồm với gió khơi,

 Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.

 Mặt trời đội biển nhô màu mới

 Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.

Hoàng hôn, mặt trời xuống biển. Bình minh, mặt trời đội biển. Cảnh tượng nào cũng đẹp, cũng nên thơ, dù là cảnh sinh hoạt, lao động tất bật, miệt mài trên biển.

Đoàn thuyền ra đi trong ánh hoành hôn và trở về với thành quả trong ánh bình minh. Không gian huy hoàng với vô vàn mắt cá lấp lánh. Cuộc sống đầy màu sắc tươi vui như thế,đã biểu lộ niềm vui vô tận của người lao động trên quê hương thân yêu.

Cảm ơn nhà thơ Huy Cận, đã để lại cho cuộc đời những bài thơ hay về biển.

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM

Các Bài viết khác