NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VICTOR HUGO - NHỮNG ĐIỀU PHI THƯỜNG

( 02-09-2016 - 03:42 PM ) - Lượt xem: 1395

Thật may mắn thay cho một thế hệ được đọc các tác phẩm của Victor Hugo từ thời thơ ấu. Có thể nói rằng những tư tưởng của Victor Hugo đã in dấu ấn vào thể hệ trẻ miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ trước.

Nhắc đến Victor Hugo là nhắc đến một nhà văn lớn, rất lớn của nền văn học không chỉ riêng của nước Pháp mà còn là của cả nhân loại. Tác phẩm của ông rất đồ sộ, có tầm vóc kỳ vĩ không chỉ ở văn chương, ở những hình tượng nhân vật phi thường như Jean Valjean ( nhân vật chính của bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ), mà hơn tất cả là ở tư tưởng nhân văn chân chính trong các tác phẩm của Victor Hugo. “ Tác phẩm của ông tiêu biểu cho ý chí tự do, lòng tha thiết yêu hòa bình, lòng tin tưởng cao cả vào con người lao động.”( trích theo lời giới thiệu cuốn Những người khốn khổ- Thay mặt nhóm dịch, giáo sư Huỳnh Lý chấp bút )(1)

Giờ đây khi đọc lại bộ sách Những người khốn khổ, tôi kinh ngạc nhận ra tầm vóc lớn lao của ngòi bút nhà văn lớn Victor Hugo, nhưng tôi còn ngạc nhiên hơn khi nhớ lại mình đã đọc cả bộ sách này khi là học sinh tiểu học, học lớp ba lớp bốn.

Ngày ấy , một đứa trẻ mới biết chữ, tại sao là có thể say mê ngồi ôm một bộ sách lớn như thế đọc hết trang này sang trang khác. Rồi khóc, cười, thương xót, hồi hộp mê mải theo dõi số phận của Jean Valjean người tù khổ sai có sức khỏe phi thường về sau lại trở thành ông thị trưởng Madeleine; rồi cô gái Fantine trong trắng bị lừa dối bị  đọa đầy đến mức làm gái điếm, đến mức phải bán răng bán tóc…Rồi chú bé Gavroche, một chú bé lang thang của thành phố Paris  trở thành một chiến sĩ anh dũng trên chiến lũy cách mạng của nhân dân cần lao trong cuộc nổi dậy 1832. Rồi Javert, viên cảnh sát cả đời theo dõi người tù Jean Valjean, rồi vợ chồng chủ quán Thenardier…Và một nhân vật khiến tôi yêu thương và đồng cảm nhất chính là Cosette, cô bé có tuổi thơ bị đầy đọa, được Jean Valjean cứu vớt, số phận cô bé như gắn liền với sự thăng trầm của xã hội, cuối cùng cô bé được sống hạnh phúc như một giấc mơ. Trong trí nhớ của tôi luôn luôn khắc sâu những chi tiết khi Jean Valjean gặp cô bé Cosette trong rừng, cô bé đang xách một xô nước nặng đi trên đường gập ghềnh để đem về nhà chủ quán , bỗng đâu cô thấy nhẹ bẫng đi bởi có một bàn tay khỏe mạnh to lớn đã xách hộ cô. Thế rồi cô bé rách rưới  là con nuôi thực chất là con ở của vợ chồng Thenardier vẫn ngày ngày đi qua cửa hàng đồ chơi nhìn vào cái tủ kính có con búp bê rất đẹp, cô bé nhìn vào đó với niềm khao khát trẻ thơ được chơi búp bê. Thế rồi một phép mầu nhiệm đã xẩy ra, người tù khổ sai Jean Valjean đã lấy chút tiền lao động trong những ngày tù để mua con búp bê tuyệt đẹp tặng cô bé khốn khổ. Trong những ngày thơ ấu, tôi chưa thể hiểu nổi những tư tưởng to lớn, nhưng tâm hồn trẻ thơ của tôi được chiếu sáng bởi những tình cảm ấm áp rất con người từ tác phẩm của Victor Hugo.

Thật là kỳ lạ, một tác phẩm đồ sộ như trái núi như vậy mà lại rất gần với trẻ em, tuổi thơ hoàn toàn có thể tìm thấy sự đồng cảm với Cosette và Gavroche. Hóa ra Victor Hugo viết cho thiếu nhi ư? Ồ không phải chỉ cho trẻ em, ông là nhà văn của mọi lứa tuổi.

“ Những người khốn khổ là một tác phẩm chan chứa tinh thần lãng mạn. Hugo là  một nhà văn lãng mạn. Ông thường dùng phương pháp xây dựng những hình tượng to lớn để mô tả những tâm hồn siêu việt, những đột biến cao cả trong lòng người, gây những ấn tượng hùng vĩ cho người đọc. Những nhân vật chính diện đều sáng ngời đức hào hiệp, hi sinh” ( Lời giới thiệuNhững người khốn khổ do giáo sự Huỳnh Lý chấp bút)(2)

Thật may mắn thay cho một thế hệ được đọc các tác phẩm của Victor Hugo từ thời thơ ấu. Có thể nói rằng những tư tưởng của Victor Hugo đã in dấu ấn vào thể hệ trẻ miền Bắc trong những năm 60 của thế kỷ trước. Tình cảm lãng mạn, hào hiệp, đức hi sinh vì người khốn khổ, lòng ham muốn được làm những việc cao cả đã là những hạt giống tâm hồn bồi dưỡng nhân cách lẽ sống cho rất nhiều thanh thiếu nhi thời ấy, cũng có thể nói là một thời LÃNG MẠN.

Lâu nay, người đọc trẻ dường như ít được biết về Victor Hugo, sách của ông chìm ngập trong bao nhiêu kiệt tác khác đang được bầy bán rực rỡ trên khắp các cửa hàng sách trong cả nước. Việc CLB Người yêu sách do anh Phạm Thế Cường làm chủ nhiệm, tổ chức việc thảo luận đọc lại tác phẩm của ông, thật là một việc có ý nghĩa. Đọc Victor Hugo chính là nhận lấy sự truyền lửa của chủ nghĩa lãng mạn trong văn học Pháp thế kỷ XIX. Trong bài viết ngắn này tôi chưa thể đi sâu phân tích kỹ được các tác phẩm của Victor Hugo đại văn hào nước Pháp.Tôi chỉ mong được góp phần truyền lửa một dòng ảnh sáng rực rỡ của chủ nghĩa lãng mạn Pháp dù đã hai thế kỷ qua, nhưng ánh sáng của tư tưởng ấy vẫn sáng ngời trong trái tim những người yêu sách Victor Hugo.

Chú thích:

(1), (2) Trích theo Những người khốn khổ - Victor Hugo, nhóm dịch Huỳnh Lý, Vũ Đình Liên,Lê Trí Viễn, Đỗ Đức Hiểu- tái bản theo bản in năm 1962- Cty cổ phần sách Đông A, NXB Văn học-tháng 5 năm 2016.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Các Bài viết khác