NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VICTOR HUGO, NGÔI SAO RỰC SÁNG TRÊN BẦU TRỜI VĂN HỌC NGHỆ THUẬT NƯỚC PHÁP VÀ THẾ GIỚI

( 02-09-2016 - 04:21 PM ) - Lượt xem: 1527

Ngôi nhà thờ uy nghiêm và sừng sững giữa một Paris lãng mạn, cổ kính, trầm mặc… đã diễn ra một câu chuyện tình yêu đầy nghiệt ngã và thù hận. Trái tim đau xé vì yêu, và cũng đau xé vì thù hận. Thù hận đến độ điên cuồng, mù quáng..

Đại văn hào Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2, 1802 tại Besançon, mất ngày 22 tháng 5, 1885 tại Paris. Ông là một nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch lớn của nước Pháp và thế giới. Các tác phẩm của ông rất đa dạng bao gồm tiểu thuyết, thơ, kịch, các diễn văn chính trị...

Năm 1831, ông viết bộ tiểu thuyết Nhà thờ Đức Bà Paris cực kỳ nổi tiếng.

Năm 1845, ông bắt đầu viết một phần của tiểu thuyết mà ông dự định đặt tên là Les Misères (Những cảnh khốn cùng) nhưng đến tháng 2 năm 1848 thì ngừng lại để viết một tác phẩm khác có tên Discours sur la misère (Chuyên khảo về sự khốn cùng - 1849).

Năm 1856, ông hoàn thành tác phẩm Contemplations 

Năm 1859 hoàn thành tác phẩm La Légende des siècles. Sau đó, Victor Hugo mới tiếp tục hoàn chỉnh tiểu thuyết Những người khốn khổ (Les Miserables) và xuất bản nó vào năm 1862, khi ông đã 60 tuổi. Tác phẩm được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19. Tại Việt Nam, năm 1926, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh đã cho ra mắt bản dịch đầu tiên in song ngữ, dài 10 tập khoảng 3000 trang với tên "Những kẻ khốn nạn".

1/ VICTOR HUGO và CÂU CHUYỆN TÌNH YÊU CỦA THẰNG GÙ trong “NHÀ THỜ ĐỨC BÀ PARIS”

Victor Hugo, chỉ riêng về thể loại tiểu thuyết, ông đã để lại cho đời những câu chuyện đầy tính nhân văn, lòng trắc ẩn …về thực trạng xã hội, thân phận con người, và đề tài tình yêu muôn thưở. Hai bộ tiểu thuyết của ông đã nổi tiếng khắp thế giới và để lại những dấu ấn sâu đậm trong lòng người yêu thích văn chương, đó là Nhà thờ  Đức Bà  Paris (1931) và Những người khốn khổ  ( 1861).

Nhà thờ Đức Bà Paris (Notre-Dame de Paris- 1831) là bộ tiểu thuyết đặc sắc (xuất bản có 11 quyển). Ngôi nhà thờ tráng lệ mang  kiến trúc cổ giữa lòng thủ đô Paris đã hấp dẫn Victor Hugo đến đây nhiều lần và đã tạo cho ông ý tưởng viết về nơi nổi tiếng này vào năm 1828.  Bối cảnh Paris thời Trung cổ và ngôi nhà thờ cổ kính với nhiều biến cố đã tạc nên tính chất lịch sử vượt lên trên thời gian,vươn đến một tầm cao triết lý của tiểu thuyết. Sợi dây định mệnh được đại văn hào xâu chuỗi, gắn chặt vào không gian ngôi nhà thờ, bám chặt vào cuộc đời trầm kha của các nhân vật  …cho đến chỗ hủy diệt.

Có thể nói, tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” hấp dẫn người đọc, người xem, người nghe…trước hết, chính là từ mối tình của thằng gù kéo chuông nhà thờ Quasimodo dành cho cô gái Bohemen  Esméralda - một mối tình ám ảnh, giằng xé, đớn đau. Xuất thân của hai nhân vật chính, cảm hứng bi quan về thân phận con người, bi quan về tình yêu bất lực … trong một xã hội tráng lệ của Châu Âu đã làm cho tác phẩm lớn lao hơn, vĩ đại hơn, hoang dã hơn.

Chính vì thế, sự lan tỏa và ảnh hưởng của nó trên thế giới, trong các lãnh vực giải trí là quá sức lớn lao, rộng khắp.

- Về lãnh vực phim ảnh: có trên mười bộ phim được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết này: Esmeralda  (1905), The Hunchback of Notre Dame (1911),The Darling of Paris (1917), EsmeraldaThe Hunchback of Notre Dame(1923), The Hunchback of Notre Dame  (1939), The Hunchback of Notre Dame (1956), The Hunchback of Notre Dame (1996), The Hunchback  (1997), Quasimodo d'El Paris. Ngoài ra còn có nhà biên kịch Pakistan  tên là Kubra Aashiq  làm phim vào năm 1973 và tự bản thân vào vai Quasimodo nhưng phim không được đánh giá cao.

- Lãnh vực Sân khấu: Ken Hill chuyển thể ra sân khấu vào năm 1977 và trình diễn tại Nhà hát Quốc gia Hoàng gia ở Luân Đôn. Năm 2010, Pip Utton chuyển thể ra sân khấu, diễn tại The Pleasance như là một phần của lễ hội Edinburgh Fringe (theo Wikipedia ).

- Lĩnh vực truyền hình: có bốn bộ phim truyền hình cùng tên tiểu thuyết, được ra mắt khán giả vào năm 1966, 1977, 1982, 1985.

- Lĩnh vực Âm nhạc: có các bản giao hưởng The Hunchback of Notre Dame của Alec R. Costandinos (từ năm 1977) và The Hunchback của Some Say Leland.

- Lãnh vực nhạc kịch: có  vở Nhà thờ Đức Bà Paris (1998)

- Lãnh vực múa Ba lê: có hơn ba vở múa được công diễn và gây tiếng vang tại Pháp, Thụy Điển… Đó là vở múa: Notre-Dame de Paris (1965) do Roland Petit  biên đạo, công diễn tại Nhà hát Ba lê Paris.  Vở thứ hai là The Hunchback of Notre Dame (1998) do Michael Pink biên đạo và đạo diễn. Vở thứ ba là Ringaren i Notre Dame  (Người rung chuông Nhà thờ Đức Bà) do Pär Isberg biên đạo; công diễn vào ngày 3 tháng 4 năm 2009 tại Nhà hát Ba lê Hoàng gia Thụy Điển.

- Lãnh vực Phát thanh: bộ tiểu thuyết đã được đọc hai lần trên sóng đài BBC vào năm  1998 và 2008.

Ngôi nhà thờ uy nghiêm và sừng sững giữa một Paris lãng mạn, cổ kính, trầm mặc… đã diễn ra một câu chuyện tình yêu đầy nghiệt ngã và thù hận. Trái tim đau xé vì yêu, và cũng đau xé vì thù hận. Thù hận đến độ điên cuồng, mù quáng..

Quasimodo là một thằng gù xấu xí, khốn khổ, mồ côi… bị đánh đổi với đứa con gái của một người ẩn tu, rồi bị đem bỏ trước nhà thờ. Vị phó giám mục đã cứu rỗi mà đưa vào nhà thờ nuôi dưỡng và lớn lên, trở thành người đánh chuông cho nhà thờ.  Hắn ta gần như sống hoang dại, trơ lỳ cảm giác, tưởng  không còn điều gì có thể tác động đến trái tim ấy. Nhưng, thằng gù xấu xí đó đã biết yêu, một tình yêu say đắm, cuồng nhiệt dành cho nàng Esmeralda, trong khi nàng lại sợ sệt cái hình dạng xấu xí của hắn. Nàng thiếu nữ Bohemien xinh đẹp ấy đã đem lòng yêu một con người khác, chàng sĩ quan cứu nàng thoát tay bắt cóc của Quasimodo.

 Mối tình của Quasimodo là một mối tình câm lặng, tuyệt vọng nhưng lại là sự cứu rỗi tâm hồn của Quasimodo, để hắn biết yêu, biết khóc, biết hận thù đến tận cùng cảm xúc.  Chính tình yêu nghiệt ngã đó đã đẩy Quasimodo đến những hành động bất chấp hiểm nguy, chấp nhận đánh đổi cuộc sống yên ả với nhà thờ, với cha nuôi, với gác chuông…để có được những khoảnh khắc sống thật với tình yêu của mình. Dù rằng đó là con đường tử lộ đưa hắn đến cái chết chỉ để giải thoát cho Esmeralda, dù là phải giết chết người đã cưu mang hắn từ nhỏ.  Mối tình vô vọng, cái chết buồn đau khắc nghiệt của Quasimodo và Esmeralda là một bi kịch bi thảm về tình yêu và thân phận con người được đẩy đến cực cùng và gióng lên hồi chuông đòi hỏi xã hội nói chung, Paris nói riêng phải có lối giải thoát mâu thuẫn bi kịch để người dân Pháp, đất nước Pháp vắng những tiếng khóc, những tiếng oán hờn trước những cảnh đời khốn khổ, những mối tình oan nghiệt.

 Nhà thờ Đức Bà Paris chính là một bộ tiểu thuyết được yêu thích qua nhiều lăng kính tiếp nhận và sống mãi với thời gian chính từ chất lịch sử, chất hiện thực và chất lãng mạn hòa quyện qua ngòi bút tài hoa vượt bậc của đại văn hào Victor Hugo.

2/ VICTOR HUGO và bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ

Bộ tiểu thuyết Những người khốn khổ là cuốn bách khoa thư đồ sộ viết về xã hội Pháp khoảng 20 năm đầu thế kỷ 19. Những kiến thức về lịch sử, chính trị, triết học, pháp luật, kiến trúc, tôn giáo…của nước Pháp nửa đầu thế kỷ thứ 19  được tái hiện sinh động trong Những người khốn khổ.  Chẳng những bộ tiểu thuyết này nổi tiếng trong lĩnh vực văn học, mà  còn nổi tiếng hơn nữa khi được chuyển thể  thành các vở kịch, bộ phim, các vở múa ba lê…trong đó nổi tiếng nhất là vở nhạc kịch cùng tên.

Vì sao Những người khốn khổ - lại được đánh giá là một trong những tiểu thuyết nổi tiếng nhất của nền văn học thế giới thế kỷ 19?  Chính bởi nó đã chạm đến một vấn đề nhạy cảm của xã hội phương Tây, mà cụ thể là ở nước Pháp: đó là “số phận và quyền sống của con người cùng khổ”.

Nhân vật chính của tiểu thuyết là  Valjean (Giăng Van-giăng) hay ông Madeleine sau này): trước tiên, là một người cựu tù khổ sai, đã tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ, người đang cố gắng sống vì một xã hội tốt đẹp nhưng lại không thể thoát khỏi quá khứ của mình. Cái quá khứ chết tiệt đó đã đóng đinh hình ảnh một người thanh niên vì  nghèo, phải ăn cắp bánh mỳ về cho gia đình đang chết đói.  Anh bị kết án khổ sai, rồi được thả sau 19 năm ngồi tù suốt đời mang giấy thông hành màu vàng của người đã từng có tiền án. Giám mục Myriel đã thay đổi cuộc đời Valjean, giúp anh hủy giấy thông hành và làm lại cuộc đời.

Qua nhân vật trung tâm  Jean Valjean, nhà văn "muốn cải tạo xã hội nhân bản hơn khi xây dựng những mẫu người lý tưởng. Vì thế tác phẩm mang màu sắc vừa hiện thực vừa lãng mạn, trái ngược với văn của những nhà văn nổi tiếng thế giới như: Horore de Balzac, Stendhal, Charles Dickens, Lev Nikolayevich Tolstoy, Nicolai Vasilyevich Gogol mang màu sắc hiện thực phê phán và có thể có phần bi quan về xã hội…Tác phẩm đậm chất nhân đạo chủ nghĩa và hướng đến cải tạo xã hội mang màu sắc lãng mạn, khác với trào lưu lãng mạn phổ biến khác như trào lưu theo Novalis hay Fancois- Rene de Chateaubriand thoát ly thực tại hay hoài cổ. Những người khốn khổ là bức tranh rộng lớn về cuộc sống của những người lao động nghèo khổ ở Pháp trong thế kỷ XIX. Qua hàng loạt nhân vật, nhà văn biểu lộ tấm lòng thương yêu vô hạn đối với những nạn nhân đau khổ của xã hội tư sản. Dưới ngòi bút của ông, những con người bị xã hội vùi dập hiện ra với nhiều vẻ đẹp về tâm hồn và hình thức. Ông sử dụng phương pháp tương phản quen thuộc của chủ nghĩa lãng nạn để làm nổi bật những phẩm chất của họ. Có thể nói Những người khốn khổ là bản anh hùng ca ca ngợi nhân dân, là bản cáo trạng đanh thép lên án xã hội tư sản bất công, vô nhân đạo với cả một mạng lưới luật pháp, tòa án, nhà tù, quân lính, cảnh sát, những kẻ giàu sang, những tên lưu manh...Chính xã hội tư bản là nguyên nhân gây ra bao cảnh khổ trong nhân dân...Tác phẩm nêu rõ tình thương yêu chân chính chỉ có ở những con người nghèo khổ. Victo Huygô băn khoăn tìm biện pháp để đem lại hạnh phúc cho những người khốn khổ" (Theo Từ điển Văn học)

 Những người khốn khổ vừa là một tiểu thuyết hiện thực, vừa là một tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết xã hội và cũng là một bài ca về tình yêu.

1/Là tiểu thuyết hiện thực, bởi Những người khốn khổ là bức tranh cực kỳ chân thực về cuộc sống ở nước Pháp vào nửa đầu thế kỷ 19. Tiểu thuyết đã miêu tả thế giới của những con người nghèo khổ.

2/Là một tiểu thuyết sử thi, bởi, tác phẩm thể hiện những xung đột bên trong tâm hồn con người, đó là sự xung đột giữa cái thiện và cái ác của xã hội đương thời. Là tác phẩm sử thi bởi tác phẩm đã vẽ nên ba bức tranh chân thực của lịch sử nước Pháp. Một là  cuộc nổi dậy của những người cộng hòa ở Paris năm 1832, hai là trận Waterloo, và thứ ba là cuộc chạy trốn trong cống ngầm của Jean Valjean.

3/ Là một tiểu thuyết xã hội-: bởi Những người khốn khổ là một tác phẩm đề cập đến những vấn đề bất cập của xã hội Pháp lúc bấy giờ. Tác phẩm còn là là bài ca ca ngợi tình yêu: tình yêu tổ quốc, tình yêu con người, tình yêu nam nữ…Là  tình yêu đối với các con   chiên của linh mục Myriel, tình yêu tuyệt vọng của Fantine và Éponine, tình phụ tử của Jean Valjean với Cosette.

Là tình yêu tổ quốc qua tâm trạng của Victor Hugo- một người tị nạn. Ông đã ghi lại từ trí nhớ và trái tim mình những cảnh vật nước Pháp mà ông yêu quý, đặc biệt là những hình ảnh về Paris, phông nền chính cho cả tác phẩm.

Có thể thấy, khi viết tác phẩm này, Victor Hugo muốn biến nó thành một bản biện hộ xã hội. Những ý tưởng đó có thể tóm tắt bằng lời tựa của Victor Hugo trong Những người khốn khổ"Nếu những người bất hạnh và những kẻ tội phạm bị coi là giống nhau, thì đó là lỗi của ai?". Theo Victor Hugo, đó là lỗi của sự khốn cùng, sự thờ ơ của một chế độ chỉ biết trấn áp mà không biết thương xót.

Đại văn hào Victor Hugo đã rời xa chúng ta trên 120 năm. Thế nhưng gia tài văn chương nghệ thuật của ông thì mãi mãi sống trong lòng bao người dân Pháp và trên thế giới.  Đặc biệt là hai bộ tiểu thuyết nổi tiếng của ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm với thời gian, đó là Nhà thờ  Đức Bà  Paris (1931) và Những người khốn khổ  ( 1861) đầy lòng trắc ẩn, giàu tính nhân văn...

TS NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM

Các Bài viết khác