NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VỀ THĂM TỪ ĐƯỜNG MAI LĨNH

( 20-11-2017 - 07:00 AM ) - Lượt xem: 913

tiêu chí sống của đại gia đình ấy là: “cứ cái gì có lợi cho dân trí, lợi ít, lợi nhiều là in hết”, dựa trên nền tư tưởng “muốn giữ quốc hồn quốc túy trước hết phải giữ lấy gia phong, phải giữ lấy nhân cách”.

Ngày còn nhỏ, do ham đọc sách nên khi sang nhà bạn chơi  (bố bạn có tủ sách lớn)  tôi đã mê mẩn những cuốn sách trinh thám của Phạm Cao Củng do nhà xuất bản Mai Lĩnh in và xuất bản như: Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát giết người, Nhà sư thọt, Bóng người áo tím… Sau này lớn lên tôi được đọc thêm các tác phẩm khác viết về lịch sử như: Bằng Quận Công, Triều Tây  sơn, Đông kinh Nghĩa thục… cũng do Mai Lĩnh xuất bản. Càng đọc càng bị cuốn hút, tôi quyết tâm tìm hiểu về nhà xuất bản này.

Thời gian đầu, tôi gặp nhiều khó khăn do tư liệu rất ít; nhưng về sau do có mạng internet thì tôi dễ dàng tìm hiểu hơn; nhất là vào năm 2013 khi tôi được quen biết vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - Hà Phương (cháu ngoại nhà Mai Lĩnh). Qua nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tôi đã được nghe kể chi tiết về những thành viên trong đại gia đình Mai Lĩnh, được biết tiêu chí sống của đại gia đình ấy là: “cứ cái  gì có lợi cho dân trí, lợi ít, lợi nhiều là in hết”, dựa trên nền tư tưởng “muốn giữ quốc hồn quốc túy trước hết phải giữ lấy gia phong, phải giữ lấy nhân cách”.

Tiêu chí sống ấy được hình thành từ cụ Đỗ Văn Phong - cụ tổ dòng Mai Lĩnh. Từng là một thủ lĩnh của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục ở Vĩnh Yên, cụ đã bị thực dân Pháp bắt đưa lưu đày ở xứ Guyane (thuộc địa Pháp ở châu Mỹ Latin).

Nhờ sự kết nối của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, tôi được anh Phạm Kim Cương (cháu ngoại nhà Mai Lĩnh ở Hà Nội) đưa về thăm Xuân Mai, nơi có từ đường của nhà Mai Lĩnh. Ngồi  trên xe tôi nhớ lại những ghi chép về từ đường Mai Lĩnh của ông Đỗ Tất Lợi cháu nội và ông Nguyễn Hữu Lược cháu rể cụ Đỗ Văn Phong mà tôi đã được đọc trước đây.

 

Từ đường Mai Lĩnh 74 ngõ 2 phố Đỗ Tăng Nhân, TX Vĩnh Yên

Nhà từ đường cách Hà Nội 40km, được xây dựng trên khu đất của trại Mai Lĩnh ngày xưa. Việc xây dựng từ đường này gặp rất nhiều gian truân. Chẳng là; vào năm 1955 trong cuộc Cải cách Ruộng đất, khi Mai Lĩnh bị quy thành phần địa chủ, thì đất đai nhà cửa của dòng tộc ở Xuân Mai và Hải Phòng  đều bị tịch thu chia cho người nghèo. Từ đó, con cháu dòng họ Mai Lĩnh bị tứ tán khắp nơi: kẻ Bắc, người  Nam rồi ra cả nước ngoài sinh sống. Sau giải phóng (1975) anh em cháu chắt ở hai miền mới có dịp gặp nhau. Còn những người sống ở nước ngoài thì mãi đến những năm 1990, nhờ chính sách mở cửa của Đảng ta, họ mới có cơ hội tìm về với dòng tộc của mình. Khi về, họ mong muốn được xây từ đường ngay trên mảnh đất xưa của dòng tộc. Nhưng họ lại gặp trở ngại là những người được chia đất thời kỳ 1955  vẫn đang sống ổn định tại đó, nên chưa thể mua lại được. May mắn là, vào năm 1996  một gia đình trong số đó có nhu cầu chuyển đi nơi khác sống đã nhượng lại 400m2 đất cho chủ cũ. Từ đường Mai Lĩnh đã được hình thành trên mảnh đất này trong bối cảnh như vậy.

Mải suy nghĩ, xe anh Cương đã qua cầu Nhật Tân, qua sân bay Nội Bài, đến thị xã Phúc Yên… Cảnh vật xung quanh đưa tôi về với thực tại.

Nhà từ đường mang biển số 74 ở cuối ngõ số 2, đường Đỗ Tăng Nhân, thị xã Vĩnh Yên.  Từ đường Mai Lĩnh thật bình dị, cổng được xây bằng gạch quét vôi vàng  rộng khoảng 1,5m, trên có dòng chữ đắp nổi “TỪ ĐƯỜNG MAI LĨNH”; lối vào được lát đá xanh, hai bên có hai khu đất nhỏ để trồng rau, dĩ nhiên không thể thiếu cây bưởi cho thêm phần tao nhã.

Bước vào trong gặp một cái sân gạch rộng khoảng 90m vuông,  tôi nhìn thấy ngôi nhà được xây theo kiểu 5 gian. Ba gian giữa có hiên rộng khoảng 1,5m còn hai gian đầu hồi được xây lồi ra để làm phòng nghỉ cho các con cháu khi về thăm từ đường.

Bức tường đầu hồi hành lang bên phải gắn một tấm đá đen có khắc chữ tóm tắt tiểu sử cụ Đỗ Văn Phong và cụ bà Lê Thị Nhu cùng hai bản photocopy án đi đày cho cụ Phong của Pháp do anh Đỗ Thái Bình (con ông Đỗ Văn Ngọc và là cháu nội cụ Đỗ Văn Phong) đi Guyane chụp về.

Phòng nghỉ bên phải thông với một hành lang nằm bên phải sân gạch rộng gần 3m dẫn qua bếp. Đặc biệt hành lang này có một gía sách gần ngàn cuốn để cho con cháu và bà con đến đọc miễn phí – thể hiện truyền thống văn hoá của gia đình Mai Lĩnh.

Trong ba gian thờ, gian giữa là nơi thờ cúng đồng thời là phòng khách có trưng bày một số hình ảnh của gia đình. Phía trên ban thờ có treo ảnh của hai thế hệ đầu nhà Mai Lĩnh. Trên cùng là hai chân dung của cụ ông Đỗ Văn Phong và cụ bà Lê Thị Nhu. Hàng dưới lần lượt từ trái sang phải là di ảnh con cả Đỗ Văn Nghệ, con thứ hai Đỗ Văn Thuật (còn gọi là  Đỗ Văn Khiêm), thứ ba Đỗ Văn Kỳ, thứ tư Đỗ Như Phượng, thứ năm Đỗ Văn Năm, thứ sáu Đỗ Xuân Mai, thứ bảy Đỗ Như Ngọc, cuối cùng là khung ảnh trống ghi “bà Tám mất lúc còn nhỏ khoảng 5-7 tuổi”. Hai bên ban thờ treo đôi câu đối chữ nho của cụ Đỗ Như Phong gửi về từ Sóc Trăng cho gia đình từ những năm 1920: “Mai thụ hoa khai, Mai thụ diễm; Lĩnh đầu nguyệt chiếu, lĩnh đầu minh” dịch là: “Cây mai già nở hoa, cây mai già xanh tươi; Trăng chiếu đỉnh núi Lĩnh, đỉnh núi Lĩnh được rọi sáng”.

Còn gian bên trái ban thờ có kê một bàn nước, đầu bàn phía tường sau có để một bức tranh sơn mài do người hâm mộ Mai Lĩnh tặng. Phần trên tranh là một bức ảnh khổ lớn (cỡ 30 x 45) chụp đại gia đình Mai Lĩnh thời Pháp thuộc.

Ngồi uống nước, tôi rất thích ngắm nghía  bộ ấm trà dùng tiếp khách: cả ly và ấm tích đều in hai chữ Mai Lĩnh trên hình tượng cuốn sách mở do dòng họ Lê ở Bát Tràng tặng.

Trên bàn còn có cuốn “Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam” bản in lần thứ 19 của giáo sư tiến sĩ Đỗ Tất Lợi ( là con của ông hai Đỗ Văn Khiêm và là cậu ruột của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn) do người con trai của giáo sư là Đỗ Tất Hùng tặng Từ đường.

Gian bên phải tường giáp ban thờ treo một tấm ảnh đại gia đình Mai Lĩnh  cùng theo khổ 30 x 45. Trên tường hồi thì treo bức hình của một gia đình Mai Lĩnh khác bên chiếc xe hơi và tấm bằng Tổ quốc Ghi công mang tên Đỗ Hữu Bảo (người em trai liền kề với Đỗ Tất Lợi) hy sinh năm 1946 tại Rạch Giá.

Anh Phạm Kim Cương cho biết hàng năm tại nhà Từ đường tổ chức hai lần giỗ lớn là ngày giỗ cụ Đỗ Văn Phong và cụ bà Lê Thị Nhu, con cháu về dự giỗ hầu như đủ  hết từ Bắc chí Nam và thỉnh thoảng cũng có một số con cháu ở nước ngoài về.

Tôi sắm lễ dâng lên ban thờ và kính cẩn thắp hương tưởng nhớ đến những người  trong gia đình Mai Lĩnh đã không quản ngại khó khăn nguy hiểm tham gia vào sự nghiệp khai dân trí và công cuộc cách mạng đánh đuổi ngoại xâm.

Đứng khấn trước ban thờ, tôi cảm thấy như mình được tiếp xúc với anh linh của các bậc tiền bối đáng kính trong đại gia đình Mai Lĩnh. Thật chua xót cho sự ấu trĩ của những người lãnh đạo chính quyền thời ấy; chỉ vì “lãng mạn cách mạng” mà đã phá tan công cuộc kinh doanh, in ấn, xuất bản và các hoạt động hiến dâng cho sự nghiệp khai sáng dân tộc của một đại gia đình có truyền thống yêu nước thương nòi.

Đau lắm thay, tiếc lắm thay.

Ghi chép của Phạm Thế Cường

Các Bài viết khác