NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VẺ ĐẸP NGƯỜI CHIẾN SĨ TRONG “DẤU CHÂN NGƯỜI LÍNH” CỦA NGUYỄN MINH CHÂU

( 11-01-2015 - 06:31 AM ) - Lượt xem: 2788

Có thể nói, dù chiến tranh có khốc liệt, giặc ngoại xâm có tàn bạo đến đâu thì mỗi con người, từng người lính vẫn luôn dạt dào tình cảm. Họ nối kết với nhau bằng tình cảm chân tình, nhẹ nhàng nhưng bền chặt. Tất cả điều ấy làm nên một sức mạnh đoàn kết vững chắc để hướng đến ngày mai đất nước độc lập.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu dường như khá quen thuộc với tất cả mọi người, qua các tác phẩm như: Dấu chân người lính, Cửa sông, Cỏ lau, Người đàn bà trên chiến tàu tốc hành,…Đặc biệt cuốn tiểu thuyết Dấu chân người lính được tác giả khởi thảo năm 1969, và ngay sau khi trích đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1970 đã “có tiếng vang và được nhiều người khen”. Tác phẩm đã được đánh giá cao “đánh dấu bước tiến mới của Nguyễn Minh Châu trong tiểu thuyết. Ở đây, cảm xúc của ông đã có thể theo kịp suy nghĩ để tạo nên một số hình tượng hấp dẫn về tư tưởng nghệ thuật”. Tác phẩm bao gồm 17 chương, chia ra thành 3 phần: phần 1 là Hành quân, phần 2 là Chiến dịch bao vây, phần 3 là Đất giải phóng.

Tiểu thuyết Dấu chân người lính nhằm ghi lại những khoảnh khắc của cuộc chiến tranh tàn khốc cũng như khắc họa người lính cách mạng với hàng chục nhân vật thuộc các thế hệ khác nhau, đến với quân đội từ những vùng miền, những hoàn cảnh xuất thân khác nhau nhưng họ đều mang những phẩm chất chung là lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm với Tổ quốc, niềm say mê chiến đấu và tâm hồn trong sáng. Đông đúc và sinh động nhất là thế hệ trẻ, thế hệ trưởng thành trong chế độ mới ưu việt. Đọc Dấu chân người lính, chúng ta có thể tìm về những giây phút sinh tử trong chiến tranh, tinh thần trách nhiệm và chiến đấu cao độ và những tình cảm đồng điệu của những trái tim yêu nước.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Pháp là hình ảnh những người lính cụ Hồ can đảm xông pha, những người lính nông dân với vẻ đẹp mộc mạc, giản dị thì Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu là cuốn tiểu thuyết khắc họa rõ nét hình ảnh người lính trên chiến trường, với tâm hồn nhạy cảm, sự thông minh, trí tuệ, bản lĩnh và tư tưởng chống Mỹ giành lại hòa bình.

 

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước 
Chỉ cần trong xe có một trái tim”

 

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

 

 Có thể gọi Dấu chân người lính như là một thước phim tái hiện chân thật và sinh động về những con người yêu quê hương đất nước, ra đi chiến đấu vì lợi ích dân tộc, sống với lí tưởng hào hùng.  Hơn cả, người lính ấy luôn dũng cảm và mưu trí trong mọi hoàn cảnh trên chiến trường đầy ác liệt. “Khi tiếng súng chiến dịch Khe Sanh bắt đầu thì người chiến sĩ nào cũng vậy, đều hướng tất cả tâm trí của mình vào những trận chiến liên tiếp, vào một cuộc bao vây đầy gian khổ và đầy kiên nhẫn, tất cả mọi nòng súng đều hướng về phía quân Mỹ trước mặt”.

 

Đứng trước thực trạng đau thương của đất nước khi bị chiến tranh tàn phá, những đứa trẻ, những người thân trong gia đình lần lượt ra đi vì bom đạn của bọn giặc Mỹ hung tàn, họ - những người lính sẵn sàng từ bỏ tuổi trẻ, hạnh phúc riêng, “từ giã gia đình, trường học và từ giã một cuộc sống tương lai đẹp đẽ hết sức đảm bảo đã bắt đầu xây dựng cho họ”. Dù gặp không ít những khó khăn gian khổ, dù luôn đối diện trước cái chết, trước mưa bom bão đạn,… nhưng người lính vẫn giữ cho mình tinh thần hăng hái chiến đấu. “Chưa bao giờ Kinh thấy đội hình một đại đội xuất kích đi chiến đấu lại dài và đông đúc như thế. Cũng chưa lần nào đứng trước hàng quân trước giờ nổ súng Kinh lại thấy vững tâm như lần này. Trước mặt ông thật sự là một khối thuốc nổ”. Đúng như thế, các anh đứng lên chiến đấu cùng với tiếng thét diệt địch vang rền “phát ra từ những trái tim đang bốc lửa” đã cho thấy được cái ý chí quyết tâm mãnh liệt cùng với khí thế anh hùng hiên ngang.“Tư tưởng bộ đội như một đám mây tích điện sắp nổ ra thành sấm sét trên đầu kẻ thù”. Lòng quyết tâm của những người lính luôn sục sôi, cả khi đã ngã xuống trên chiến trường Đàm vẫn thể hiện chí khí của mình qua câu thơ mà anh để lại:

 

“Ta vẫn bước dưới lá cờ Quyết thắng

Ta nguyện làm mầm non trên cành xuân của Đảng!
Làm chiến binh gang thép của đoàn quân!”

 

Trong Dấu chân người lính, ta thấy hình ảnh của người lính anh dũng trong chiến đấu thông qua thủ trưởng Kinh. Kinh được hiện lên trong tác phẩm chỉ với một con mắt, mắt kia bị mất trong một trận đánh. Nguyễn Minh Châu vẽ lên một con người uy phong, lẫm liệt đứng giữa bom đạn với bộ quân phục không lành lặn: “Trong bóng tối, khuôn mặt Kinh già đi. Tiếng nói của ông cũng già đi. Nhưng lát sau đã nghe tiếng ông nói oang oang át cả tiếng máy bay trinh sát và tiếng tít từng bầy phản lực thỉnh thoảng rẹt qua cầu. – Kẻ địch không thể ngăn được chúng ta”. Chỉ cần nghe giọng nói cũng có thể thấy sự dũng cảm của người chính ủy, chỉ sự gan dạ một lòng đánh giặc ấy mới có khả năng át đi tiếng động cơ của máy bay.  Kinh là một người lãnh đạo sáng suốt, rất điềm tĩnh trong những trường hợp khó khăn, luôn đưa ra những quyết định đúng đắn trước những tình thế khẩn cấp.

 

Nguyễn Minh Châu là nhà văn từng trải qua những ngày tháng gian khổ trên chiến trường. Vì thế ông có vốn kinh nghiệm về các kĩ năng quân sự, những kĩ năng của ông đã vận dụng trong tác phẩm một cách khéo léo và tài tình. Một trong những hình tượng người lính mà Nguyễn Minh Châu xây dựng đó là người lính trinh sát. Trinh sát là một công việc nguy hiểm vì luôn tìm cách tiếp cận với giặc, những người lính trinh sát trong tác phẩm như Lượng, Nhẫn, Phán,… đều thực hiện nhiệm vụ của mình một cách cẩn thận và khôn khéo. Bên cạnh những kĩ thuật quân sự, những người lính trinh sát luôn đề cao cảnh giác, thận trọng, tính toán từng hành động.

Trong nhiều trường hợp, khi phải đối diện trước sự nguy hiểm ngàn cân treo sợi tóc, người lính không hoang mang nhưng ngược lại ứng biến hết sức linh hoạt. Cận, là người lính giỏi, khi vô tình giậm phải một tên địch và làm nó suýt thức giấc, anh đã trấn tĩnh “nhanh chống ôm chặt khẩu súng vào bụng, lấy giọng mũi cũng càu nhàu xì xộ mấy tiếng, đoạn ngồi thụp xuống, gục đầu giả vờ ngủ”. Những chi tiết đó đã làm sáng lên chân dung người lính anh dũng, đầy mưu trí trong chiến đấu.

 

Hình ảnh người lính được khắc họa rõ nét qua ngòi bút nhà văn, từ cuộc sống chiến trường đến những suy nghĩ, tâm tình ẩn sâu bên trong, Chiến tranh luôn gắn liền với khó khăn, gian khổ, nhưng sống giữa thời bom đạn máu lửa ấy vẫn luôn ánh lên một tinh thần lạc quan, giữ vững niềm tin vào tương lai. Chiến thắng nằm ở niềm tin ấy, ở tinh thần không chùn bước cùng những mong muốn độc lập tương lai.

 

Chông chênh không ngăn được bước chân của lý tưởng cách mạng, của lòng yêu nước nồng nàn, những người lính vận tải mang vác đạn, súng trĩu nặng đôi vai vẫn vui vẻ nghêu ngao

 

“Thương anh vận tải lưng còng

Nằm giường thì chật nằm nong thì vừa”

 

Đôi khi là những câu pha trò, tạo không khí, là những câu chuyện tâm tình tạo tiếng cười âm vang. Khi Đàm kể câu chuyện của mình cho Lữ cùng các chiến sĩ nghe, là khi họ ngồi cùng nhau vui đùa “câu chuyện giữa những người lính như những cánh bướm cứ chập chờn biến đổi như thế, từ chuyện này nhảy sang chuyện khác một cách vui vẻ chẳng đâu vào đâu cả”. Chính tinh thần lạc quan này là điều khiến cái khó khăn bị đẩy lùi, bất cứ một bước chân nào đều có tinh thần ấy, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Những trận chiến đẫm máu, ngay cả khi gần như gục xuống Lữ vẫn thấy được vẻ đẹp của triền núi “Lữ khám phá ra cảnh sắc một mùa xuân tươi tốt đầy sắc xanh dưới đáy khe cạn, từ đó anh đã tìm ra những ý nghĩa mới mẻ của cuộc sống”.

 

Những lời nói ngày thường, nhưng câu chuyện cho thấy tinh thần lạc quan của người chiến sĩ dũng cảm. Tiếng chim với họ không chỉ ở khung cảnh thanh bình, mà cả ở nơi hiểm nguy cũng phải luôn vang tiếng hát, vang tinh thần yêu đời “Dưới đất toàn mảnh bom là mảnh bom thế này! Phải tập đậu trên mảnh bom mà hót chứ, như tớ đây này, lúc nào tớ cũng vui vẻ, cũng hát hò…! Tinh thần ấy còn thể hiện qua những lần ngầm hẹn ước, những mong chờ đoàn tụ trong tương lai, một niềm tin về hòa bình. Luôn yêu đời lạc quan, vững chắc niềm tin chiến thắng.

 

 “Rồi ở chiến trường người ta sống bằng tình cảm cháy bỏng hơn: trước cái sống và cái chết, lòng căm thù giặc, tình đồng đội trước khó khăn và nguy hiểm…Hình như tất cả mọi người đều mở tung mình ra để cảm thụ, để nhận thức chung quanh trong một phạm vi hết sức bao quát.” Nếu như ở trên, người lính hiện ra với những đường nét mạnh mẽ, khí chất hiên ngang, là một anh hùng dân tộc; thì ở một góc khuất nơi nào đó trong tâm hồn là người lính thân tình, đoàn kết nơi hậu phương. Một khía cạnh làm nên sức mạnh chiến đấu của các anh chính là: tình đồng đội, đồng chí, tình quân dân,.. Nổi bậc trong tác phẩm này, những nhân vật tiêu biểu này như: Kinh, Nhẫn, Lượng, Khuê, Lữ… chính những nhân vật này tạo nên một sợi dây liên kết giữa chiến sĩ với đại đội; chiến sĩ với dân tộc và non sông. Như mối quan hệ giữa Lượng và Kinh, họ luôn sống và chiến đấu hết mình vì dân tộc và đồng đội. Bởi thế, khi giờ phút nguy hiểm đối mặt với kẻ thù, Lượng đã cương quyết mở đường cho đồng đội rút lui an toàn và nhất là đoàn trưởng Kinh - người mà Lượng “rất kính trọng và yêu mến”. Tình đồng đội là thế, họ chấp nhận hi sinh vì nhau, vì công cuộc kháng chiến để bảo vệ đất nước.

Không những thế, có những lúc trên đường hành quân, những người lính nhận được tin từ gia đình. Nỗi vui mừng chưa được bao lâu, thì sự mất mát đã lấn át tất cả. Chính chiến tranh đã cướp đi mái nhà, người thân gia đình và hơn thế nữa chính là sự tự do. Đau đớn, ngậm ngùi trước sự tàn khốc ấy, những tâm hồn ấy như chết lặng, họ biến những đau đớn đó làm nên sức mạnh để chiến đấu. Đó là điều mà Khuê - một tiểu đội trưởng đang cố nén để tiếp tục chiến đấu.“Khuê cũng không kể một lời nào về những điều trong gia đình mà anh đã phải chứng kiến. Hôm đó Khuê về tới nhà thì mọi việc xem như đã xong xuôi cả: Một cái hố bom nằm đó thay vào cái nền nhà cũ. Hai nấm mồ nằm kề nhau ngoài cánh đồng. Ông bố Khuê vẫn ốm yếu, các đầu khớp xương đều sưng tấy lên, suốt ngày bó gối ngồi giữa ba đứa con nhỏ còn lại.” Như thấu được nỗi đau của Khuê, Lượng đã lẳng lặng xin chỉ huy cho Khuê được phép về thăm gia đình. Đây là cách mà đồng đội chia sẻ với nhau một cách tự nhiên và chân thành. Tình cảm của người lính chỉ giản đơn như thế, một của chỉ quan tâm nhưng chứa đựng trong đó là một sự thương cảm sâu xa cho người đồng chí, đồng đội của mình.

 

Ở một mối quan hệ khác cũng rất đáng trân trọng, đó là tình cảm của thủ trưởng và cần vụ, giữa cấp trên và cấp dưới. Đó là sự kính trọng, yếu mến của cần vụ Khuê với chính ủy Kinh. Anh không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, mà trong sinh hoạt Khuê vẫn luôn theo dõi, chăm sóc thủ lĩnh như chính người thân trong gia đình. Chính ủy như một người cha dày dặn kinh nghiệm, sẵn sàng nâng bước chia sẻ Khuê bao nỗi niềm riêng tư, đầy nhọc nhằn gian khổ. Bởi chính Kinh đã đặt niềm tin tưởng vào chiến thắng của dân tộc và sức mạnh ấm áp của người thân trong gia đình “tấm lòng chân thành của cách mạng và tình yêu thương bộ đội”. Từ đó, ta có thể thấy rộng hơn, ranh giới giữa cấp trên cấp dưới như bị xóa nhòa, thay vào đó là sự gần gủi và thân thương, mà cụ thể khi gặp chính uỷ trên đường hành quân, đám lính trẻ la tướng lên: “A, thầy Đường Tăng!”, “Chào thầy Đường Tăng sang nước Việt Nam lấy... đầu Mỹ, anh em ơi!”, “Thầy có chú tiểu đồng kháu ra kháu!”. Những người lính trong trung đoàn 5 vẫn luôn thân tình gọi bác Đảo là bố, một người lo cơm cho chiến sĩ, một người gan góc, dũng cảm.

 

Cuộc sống người chiến sĩ luôn cô quạnh và heo hút, cũng chính vậy mà mọi người càng trở nên gần gũi và thân nhau hơn. Tình đồng chí là vậy, dù cho mọi khó khăn, gian lao ở phía trước, nhưng người lính vẫn tin vào tương lai, ngọn cờ chiến thắng của dân tộc. Và họ đã làm nên sức mạnh của tình đồng đội, đồng chí. Một sức mạnh keo sơn, bền chặt vẫn luôn hiện rõ và đồng hành với người lính kiên trung và anh dũng.

Những cuộc chiến tranh bom đạn đầy đau thương, tưởng như chôn vùi mọi hạnh phúc, ta vẫn bắt gặp chất thơ mộng trong Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu với những tâm tư tình cảm, nguyện vọng, tinh thần yêu nước tha thiết. Bên cạnh chiến trường đầy gian khổ là những câu chuyện về tình cha con, tình đồng đội và cả tình yêu đôi lứa.

Một mối quan hệ không thể thiếu trong tâm hồn của mỗi chiến sĩ xung trận, đó là tình yêu lứa đôi. Tình yêu trong chiến tranh tuy có lúc âm thầm, lặng lẽ nhưng tận sâu trong trái tim vẫn là những phút rộn ràng, nồng nhiệt. Tình yêu ấy lớn lên trong mưa bom bão đạn và sẽ thăng hoa trong ngày chiến thắng. Điều ấy thể hiện rất rõ ở Lữ và Hiền, chính mối tình ấy đã giúp Lữ ấp ủ một niềm hi vọng, ngày toàn thắng trở về, anh sẽ thổ lộ tình cảm với Hiền.“Anh vẫn yêu Hiền. Anh vẫn yêu cô với tất cả sự hiểu biết và từng trải của anh hiện nay trong khói lửa. Anh đã yêu cô bắt đầu từ một tiếng hát đảm đang. Cho đến bây giờ, tất cả tình yêu thầm kín và niềm mong mỏi anh đặt vào cô vẫn là cái tiếng hát cô đang đem đến cho mọi người.” Tuy vậy, trên đồi 475, Lữ đã hy sinh anh dũng khi trên tay còn ôm chặt chiếc máy thông tin, anh đã đem tình cảm đối với Hiền đi đến bên kia thế giới. Đó không chỉ đơn thuần là niềm hi vọng, mà còn tiếp thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ trên chiến trường khốc liệt.

 

Trên con đường hành quân, những người lính với bao suy nghĩ cứ mãi cất giấu trong đầu. Những mối tình thơ mộng đành để dành cho ngày chiến thắng, dành cho những quyết tâm trở về. Câu chuyện tình yêu tuy chỉ len lỏi trong phút giây ngắn ngủi, như khi Lượng - một đại đội trưởng khô khan, cũng đôi lúc nghĩ đến chuyện gặp Nết, chị của Khuê. Nhưng rồi chiến tranh lại xuất hiện với đúng bản chất của nó là chia cắt, suy nghĩ về tránh nhiệm, nghĩa vụ luôn được đặt lên phía trước đã ngăn bước họ gặp nhau trên chiến trường. Thế nhưng tình yêu cũng chính là động lực thúc đẩy bước chân người lính quyết giành độc lập, là vị thuốc xoa dịu mọi nỗi đau thể chất. Cuộc tình chớm nở nhưng không thành của Lượng và Xiêm – một người vợ có chồng theo ngụy đã trở thành ký ức khó quên đối với anh. Lượng đã nhớ mãi hình ảnh Xiêm “đẹp trong sáng như vị nữ thần của núi rừng, càng khiến cho Lượng yêu đời và muốn hoạt động. Tất cả những đòn tra tấn do bàn tay man rợ của bao nhiêu tên giặc cũng trở thành vô nghĩa”. Đó là sức mạnh của tình yêu, nó mở ra trong lòng người lính những cảm xức dạt dào, yêu đời, yêu người và trở thành nguồn động lực mạnh mẻ trong chiến đấu.

Những người lính ra mặt trận không chỉ chịu gian khổ, mà còn cất giấu một nỗi lòng nhớ quê hương, người đi và người ở, ai chẳng đau, chẳng lo, chẳng thương, chẳng xót. “Hơn hai chục năm qua, cuộc kháng chiến anh hùng và đầy vinh quang của toàn thể dân tộc như một thỏi đá nam châm đã hút tất cả mọi người, mọi dân tộc.” Đó là tinh thần yêu nước, tinh thần phục vụ cho lợi ích dân tộc qua nhiều thế hệ gia đình. Những con người cầm súng mạnh mẽ, gan dạ nhưng đôi khi cũng có những khoảng lặng, chính ủy Kinh kiên trường là vậy, ông cũng nhớ về vợ mình, về đứa con đang ở mặt trận khác. Đó là nỗi nhớ về gia đình, nhưng không làm ủy mị mà càng khích lệ tinh thần, để tay ông càng cầm chắc súng tiến lên giành tự do. Bỏ qua những đau đớn khi mất con, Kinh vẫn phải đối mặt với một cuộc chiến trường kỳ còn đang ở phía trước với cương vị của một thủ trưởng, là điểm tựa vững chắc cho những người lính khác. Hay tình cảm của Lữ dành cho cha chính là tinh thần quyết chiến, cùng cha xông pha trên chiến trường: “Con hứa sẽ tích cực chiến đấu để trở thành một Đảng viên, thực hiện kỳ được lý tưởng cách mạng cao cả”. Đó là lòng quyết tâm của Lữ và cũng là cách anh thể hiện tình yêu thương với cha. Sự ác liệt trong kháng chiến, càng khiến tình phụ tử ấy tỏa sáng hơn, như một sợi dây bền chặt để hướng đến một tương lai tốt đẹp - đó là độc lập, sum họp bên từng gia đình.

Ngay cả khi nghe tin làng bị đánh bom, nỗi đau cũng thấm vào tim người lính cần vụ trẻ Khuê, nỗi đau khi mất đi người thân mẹ và đứa em trai, nỗi đau chưa trả được thù. Và chính nỗi đau ấy dấy lên trong anh lòng dũng cảm hơn hết “Hình như tất cả những cặp mắt ngây thơ của những đứa trẻ đều đang hướng về anh, và chúng đang hỏi anh sẽ làm gì? Cặp mắt từng chiến sĩ ngồi vây chung quanh cũng đang hướng về anh. Anh đang kể cho họ nghe trận giáp lá cà bằng bạch bình năm ngoái, trận đánh quân Mỹ trên đồi 31”.

 

Có thể nói, dù chiến tranh có khốc liệt, giặc ngoại xâm có tàn bạo đến đâu thì mỗi con người, từng người lính vẫn luôn dạt dào tình cảm. Họ nối kết với nhau bằng tình cảm chân tình, nhẹ nhàng nhưng bền chặt. Tất cả điều ấy làm nên một sức mạnh đoàn kết vững chắc để hướng đến ngày mai đất nước độc lập.

 

Dấu chân người lính là cuốn tiểu thuyết mà không chỉ có một nhân vật trung tâm. Nó xoay quanh những tâm tư, tình cảm khác nhau của những người lính nơi chiến trường. Qua đó bộc lộ những khoảnh khắc, những khía cạnh như được tái hiện lại chân thực, đầy tình cảm. Đối với người lính thì việc hành quân, đóng quân tại những cánh rừng sâu là tất yếu. Vì thế những buổi sinh hoạt văn nghệ, trò chuyện cùng nhau bên ánh lửa luôn là niềm vui của các chiến sĩ, biến những chuyến hành quân trở nên nhẹ nhàng và phấn khởi. Họ tìm sự khuây khỏa sau những chặn đường mệt mỏi, sau những giờ phút sinh tử bằng các câu chuyện vui, những lời tâm sự đầy thân tình. “Câu chuyện giữa những người lính như những cánh bướm cứ chập chờn biến đổi, từ chuyện này chuyển sang chuyện khác một cách vui vẻ”.

 

Mỗi người lính có sở thích khác nhau, nếu như Đàm là người thích hòa vào không khí náo nhiệt thì Cận là một chiến sĩ khá nội tâm. Người tiểu đội trưởng này, sống một cách khép kín và luôn giữ bình tĩnh trước mọi tình huống. Đời sống của Cận chỉ đơn giản trong công tác chiến đấu, vài lời tâm sự với Lữ. Cận chỉ sống với niềm vui trong tâm hồn mình, nhiều lúc Lữ nhìn Cận đang say mê ngắm con chim bông lau, rồi chợt nghĩ: “Một con người đã từng một mình đạp lên đầu cả một đại đội quân Mỹ lại đang nghe tiếng chim hót say sưa đến thế kia? Đời mình chưa bao giờ trải qua nhiều hoàn cảnh sống và chiến đấu khó khăn như thế ấy, vì thế mình cũng chẳng bao giờ đủ bình thản trong lửa đạn để có thể nghe một tiếng chim một cách chăm chú...” Cận có thể bình thản ngồi ngắm con chim trong bom đạn chiến tranh, điều ấy như khát vọng bình yên của một con người đã từng trải qua những khó khăn trong cuộc đời.

 

Còn đối với Lữ, cậu học sinh với sự dũng cảm, tuy bướng bỉnh nhưng lại ngắm Cận để chợt nhận ra chính mình. Sau nhiều trải nghiệm với những khó khăn, đã có lúc Lữ phải nghiêm khắc với chính mình, “anh đem mình với đối chiếu với những quan niệm thẩm mỹ mới mẻ”. Và anh chợt nhận ra: “Chưa bao giờ anh biết yêu quý và trân trọng những người đồng đội chung quanh như hiện nay. Cái điều mới nảy sinh là anh đã tìm được niềm vui và phẩm giá tuyệt đỉnh của những con người, đó là những người đồng đội rất mực bình thường vẫn sống chung đụng với anh hàng ngày. Cũng chưa bao giờ cuộc đời hiện ra trước mắt anh đẹp như hôm nay, mặc dù hôm nay anh chịu nhiều đói khát, đang đứng trên một mảnh đất ác liệt chưa từng thấy. Đối với lí tưởng của Đảng, từ trước kia đến hôm nay, niềm tin của Lữ trong trắng như một cành hoa huệ”.

 

Qua những khao khát đời thường, dung dị của con người, ta thấy được hình tượng người lính hiện lên thật sống động và chân phương. Đó là sự hài hòa giữa lý tưởng với cái đời thường - tình yêu, gia đình và niềm vui cá nhân. Người lính, tât cả những gì mà Nguyễn Minh Châu đã thành công xây dựng một anh hùng mang hơi thở cuộc sống, hơi thở của dân tộc trong Dấu chân người lính./.

 HỒNG MINH

Các Bài viết khác