NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ SỐNG QUA TRUYỆN NGẮN “ĐỨA CON ĐẦU LÒNG” CỦA THẠCH LAM

( 04-11-2014 - 04:54 AM ) - Lượt xem: 5279

Điểm độc đáo của “Tự lực Văn đoàn” với chúng ta có lẽ nằm ở những cái tôi rất riêng, mỗi người đều có một sức hấp dẫn, một cách cuốn độc giả vào tác phẩm. Mấu chốt ở đây là sự đồng điệu, rung cảm sâu sắc giữa những tâm hồn cùng chung thổn thức. Điều đó giải thích vì sao hơn 60 năm đã trôi qua, người ta vẫn tìm đến Thạch Lam, hòa mình vào những dòng cảm xúc, những câu chuyện nhiều khi không đầu không đuôi nhưng day dứt, tha thiết đến lạ.

Nhà văn Nguyễn Tuân từng nhận xét: “Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và từng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày”. Quả thật, đọc nhiều tác phẩm, nhất là truyện ngắn của ông, ta đôi lúc giật mình vì thấy cuộc đời mình, suy nghĩ, vui sướng và cả đau khổ, những mâu thuẫn giằng xé của mình trong đó. Đến với Thạch Lam trước tiên qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ”, chúng cuốn tôi trải lòng mình theo những tập truyện ngắn Gió đầu mùa, Nắng trong vườn, Sợi tóc rồi tùy bút Hà Nội băm sáu phố phường. Có thể Thạch Lam là ngôi sao sớm tắt ở tuổi đời 32 nhưng chừng ấy tác phẩm cũng đủ để đánh giá ông là một nhà văn lớn trong nền văn chương hiện đại Việt Nam.

Đứa con đầu lòng” là một trong những truyện ngắn trong tập truyện Gió đầu mùa. Không quá ồn ào, không quá nổi bật so với những anh chị khác trong gia đình truyện ngắn Thạch Lam, song với “Đứa con đầu lòng”, bao suy nghĩ về con người, về sự sống cứ tuôn trào trong lòng chúng tôi.

***

Câu chuyện chỉ giản đơn xoay quanh Tân và sự chào đời của đứa con đầu lòng của vợ chồng chàng. Không làm độc giả thót tim với những tình tiết gay cấn hay lấy nước mắt bao anh chàng, cô nàng bằng những câu chuyện tình trắc trở, những tình tiết và suy nghĩ của nhân vật gắn chặt với cuộc sống, rất chân thật. Truyện vẫn nối tiếp phong cách văn chương của Thạch Lam khi là một dòng chảy của suy cảm, mênh mang bao cảm xúc của nhân vật Tân. Những suy nghĩ ấy có thể phân chia làm ba giai đoạn: trong lúc vợ sinh con, mâu thuẫn trong lần tắm cho em bé và sau cùng là những thay đổi tích cực trong tâm tưởng chàng. Những đối thoại giữa các nhân vật với nhau rất thưa thớt và kiệm lời, thay vào đó là dòng suy nghĩ miên man. Nhìn ngắm đứa con vừa mới lọt lòng, chàng “thấy một cảm tưởng lạ, không rõ rệt, nẩy nở trong lòng. Nhưng cái rúm thịt động đậy, cái mầm sống nhỏ mọn và yếu ớt kia hình như không có một chút liên lạc gì với chàng cả. Tân không thấy cảm động như chàng tưởng, và cũng không thấy có một cảm tình gì đối với đứa con mới đẻ”. Rồi chàng làm quen với việc có thêm một thành viên đặc biệt trong gia đình, song với chàng “Tân không nhận thấy rõ rệt cái liên lạc gì với đứa trẻ. Vả lại chàng cũng không nghĩ sâu xa gì về sự đó, chỉ thoáng qua trong trí mà thôi”. Những ý nghĩ lạ lùng này khiến người đọc băn khoăn và quyết tâm theo dõi đến cùng câu chuyện. Đỉnh điểm của chuỗi cảm xúc này là việc Tân khó chịu khi phải giúp vợ tắm cho con. Và cuối truyện, khi mọi chuyện đã được giải quyết, trong Tân một dòng suy nghĩ khác lại ngự trị “Tân thấy trong lòng rung động khẽ như cánh bướm non, một tình cảm sâu xa và mới mẻ chàng chưa từng thấy”. Một câu chuyện, bao cảm xúc, quắn quyện nhiều khi đến đậm đặc, nhưng rất người, rất thật, làm rung động sâu xa trong lòng.

Song, không dừng lại ở đó, truyện còn gợi nhiều suy nghĩ về con người và sự sống của họ, từ những giây phút khởi nguyên. Trong giai đoạn văn học Việt Nam những năm 1930 khi hầu hết sáng tác của Thạch Lam ra đời, chúng ta không khỏi kinh ngạc tại sao những truyện ngắn này hiện đại đến thế. Và câu chuyện nhân tình thế thái, những bài học triết lí của ông dành cho người đọc cũng hết sức nhẹ nhàng, không đao to búa lớn nhưng sức lan tỏa thì không hề kém cạnh.

Sự sống là thiêng liêng và cho dù bất cứ chuyện gì xảy ra, việc chào đón một sinh linh là niềm vui rất lớn trong một đời người. Thế nhưng, với ngay đứa con đầu lòng, người ta vẫn chưa nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh: người trong cuộc sẽ phải đối diện với sự thay đổi lớn lao này như thế nào? Nhiều lúc bạn đọc thấy khó chịu vì cảm giác của Tân với đứa bé: “Tân nhìn đứa bé, không thích một chút nào. Cái thân hình ngắn ngủi và chân tay khẳng khiu của nó làm chàng khó chịu không muốn để ý đến”. Tân không xúm xít quanh đứa bé, không nhận thấy những thay đổi đáng yêu của nó mà chỉ hỏi những câu làm vợ chàng đau buồn: “Nhưng sao cái đầu nó dài thế nhỉ. Tôi trông nó thế nào ấy”, “Mà hình như một mắt to, một mắt nhỏ”.

Nhiều người sẽ nhận ra trong giai đoạn ấy, chắc chắn mình trong một khoảnh khắc nào đó cũng đã có những suy nghĩ này. Không gì là tự nhiên lại yên ấm, tự nhiên viên mãn trong cuộc đời. Phải trải qua thử thách, qua đau khổ người ta mới nhận ra giá trị thực sự của những cái đang có. Với Tân, đó là lần chàng làm vợ buồn vì hờ hững, thậm chí bực dọc khi giúp vợ tắm cho con. Những suy nghĩ hỗn loạn, người ta biết mình sai nhưng không có đủ can đảm để sửa chữa:

Ra ngoài, Tân mới nhận thấy cái cử chỉ vô lý của mình. Một tình thương nảy nở trong lòng chàng. Tân muốn trở vào an ủi vợ, xin lỗi nàng vì đã làm nàng phải buồn rầu. Chàng đứng lại, định quay vào, nhưng không biết cái gì vẫn giữ chàng lại. Tân đến ngồi bên bàn, nghĩ ngợi”.

Phải có đủ thời gian và đủ thử thách, cuối cùng Tân mới nhận ra với chàng, với cuộc sống bình thường trước kia, đứa bé thật sự là một điều kì diệu. Chàng kịp nhận ra vẻ đẹp đáng nâng niu của con chàng: “Đứa bé tắm rửa sạch sẽ trông hồng hào như đánh phấn. Cái bàn tay mập mạp xinh xắn của nó nắm chặt lấy tay mẹ như để cầu sự âu yếm và che chở”. Và từ đây, nó trở thành một phần không thể bức lìa trong cuộc sống của chàng, là mối dây ràng buộc chàng với gia đình.

Tân lại gần cúi nhìn đứa bé. Chàng thấy trong lòng một mối cảm động êm đềm và phiền phức. Nhìn đứa trẻ ngây thơ nằm trong lòng mẹ, Tân cảm thấy lần đầu cái thiêng liêng sâu xa của sự sống, và nhận thấy chính cái bé nhỏ, hèn mọn hàng ngày phá hoại cuộc đời”.

***

Sự sống vốn mang ý nghĩa riêng của nó nhưng không phải ai cũng có thể phát hiện ra chúng ngay từ đầu. Những cảm xúc tiêu cực, những suy nghĩ có phần ích kỉ, nhỏ nhen lúc nào cũng có sẵn trong bất cứ con người nào. Phát hiện và phơi bày nó một cách thành thực không phải là cách bôi nhọ nhân vật hay bi quan về con người xã hội. Ở đây, thông qua “Đứa con đầu lòng” và nhiều truyện ngắn khác, Thạch Lam phác họa con người trong cuộc sống đời thường đến từng ngóc ngách vi diệu nhất của tâm hồn mà chỉ một con mắt đầy tinh tế mới phát hiện nổi. Để rồi, độc giả hiểu thêm mình, hiểu thêm bản nguyên của con người và càng khâm phục tài hoa của nhà văn Thạch Lam.

THIÊN THANH

Các Bài viết khác