NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP VĂN HỌC NHÀ VĂN BÙI NGỌC TẤN

( 10-02-2016 - 07:10 AM ) - Lượt xem: 1462

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn quan niệm: Viết để gạt bỏ mọi phiền muộn, thù hận nhỏ nhen và cả những sợ hãi tiềm ẩn trong lòng, để thanh lọc bản thân ra khỏi những vướng mắc ham muốn của cuộc đời.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn sinh năm 1934. Quê ông ở làng Câu Tử Ngoại, xã Hợp Thành, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Sau ngày toàn quốc kháng chiến chống 12/1946 ông theo cha lên chiến khu và học phổ thông ở đó. Ông thông minh và học giỏi, luôn đứng đầu trường.

Sau Hoà bình lập lại 1954 ông là phóng viên báo Tiền Phong ở Hà Nội đến năm 1959, có bút danh Tân Sắc.

Khi mới ngoài 20 tuổi, Bùi Ngọc Tấn có nhiều sáng tác in ở các nhà xuất bản: Văn học, Lao động, Thanh niên, Phổ thông…

Truyện ngắn đầu tay gửi dự thi báo Văn Nghệ là Chị Trúc, được Tô Hoài khen hay, nhưng không được in và cũng không được giải vì nói đến những mất mát của chiến tranh "hơi quá liều lượng".  Làm phóng viên báo Tiền Phong, việc kỳ cục đầu tiên ông nhận thấy là người ta cấm nhà báo viết văn, muốn viết phải chui, viết văn chui, ký tên khác.

Cuối năm 1959, ông trở về quê và làm biên tập viên báo Hải Phòng kiến thiết.

Về báo Hải Phòng kiến thiết không bị cấm viết như ở báo Tiền Phong nên ông có các tác phẩm Người gác đèn biển (truyện ký, 1962), Đêm tháng Mười (truyện ngắn, NXB Văn Học1962), Nhật ký xi măng (truyện ngắn NXB Phổ Thông 1962) và in trong trong nhiều tập truyện ngắn khác.

Tháng 11 năm 1968 ông đột nhiên bị bắt đi cải tạo không án đến tháng 4/1973 mới được thả.

Ra tù, ông xin việc khắp nơi ở Hải Phòng nhưng không được nên phải làm đủ thứ nghề như bốc vác, kéo xe bò, gia công để mưu sinh. Mãi hai năm sau (1975), Bùi Ngọc Tấn được Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản Hoàng Hữu Nhân can thiệp nên được vào làm nhân viên theo dõi thi đua khen thưởng ở Liên hiệp Xí nghiệp Đánh cá Hạ Long.

Suốt từ năm 1973 ra tù đến năm 1990 ông không hề viết gì. Theo đài RFA, trong thời gian đó "ông không được phép viết lách gì, ngay cả nhật ký cũng thường xuyên bị công an văn hóa xét nhà, lục lọi tịch thu...” mãi đến giữa năm 1990 khi cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, quá khứ những năm tù đầy đã lắng đọng, cộng với được sự động viên thường xuyên quay lại viết văn viết báo của hai người bạn thân Hứa Văn Định, Nguyễn Quang Thân và nhiều bạn văn khác. Truyện ngắn đầu tiên của ông là Nguyên Hồng – thời đã mất viết về nhà văn Nguyên Hồng in trên tạp chí Cửa Biển của chi hội VH-NT Hải Phòng năm 1993 là phác thảo đầu tiên của tập hồi ký Một thời để mất (NXB Hội Nhà Văn 1995), sau đó ông viết tiếp truyện ngắn CúnNgười ở cực bên kia. Cún viết về người hàng xóm chung vách tên Hồng Sĩ, phó phòng chính trị Sở Công An Hải Phòng cũng bị bắt đi tù giữa năm 1968. Còn Người ở cực bên kia là viết về chính nhà văn từ một học sinh giỏi, trưởng thành bị tù đày.

Một thời để mất được NXB Hội Nhà Văn in 1995 là tập sách đầu tiên của ông được in từ khi ra tù, thừa thắng xông lên ông in tiếp Những Người rách việc (NXB Hà Nội 1996) và Một ngày dài đằng đẵng (NXB Hải Phòng 1999).

Một trong số những truyện ngắn hay mà  nhiều độc giả thích như là truyện : Người chăn kiến. Truyện có dung lượng chữ không nhiều, nhưng chi tiết đắt, dồn dập, ám ảnh… được in đầu tiên trong tập Những người rách việc (NXB Hà Nội 1996). Hiện nay Người chăn kiến đã trở thành danh từ chỉ người đi tù.

Theo nhà văn Bùi Ngọc Tấn thì ông viết Mộng Du – tên trước của Chuyện kể năm 2000 từ tháng 6/1990 đến tháng 11/1991 thì xong (bản thảo lần đầu) và năm 1993 ông có gửi đi dự thi viết kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ Đô, tuy được đánh giá cao nhưng cũng không được in và trao giải. Sau này tác phẩm được sửa chữa nhiều lần và được NXB Thanh Niên in tháng 2/2000 với cái tên Chuyện kể năm 2000 chia làm hai tập, và chỉ tháng sau, ngày 16/3 bộ Văn hóa-Thông tin ký QĐ số 395 đình chỉ, thu hồi và tiêu hủy. Cũng theo quyết định này, Ban Bí Thư TƯ Ðoàn TNCS HCM, cơ quan chủ quản NXB Thanh Niên đã ra QĐ kỷ luật nghiêm khắc BGĐ NXB Thanh Niên và những người có liên quan trong việc xuất bản, phát hành là Bùi Văn Ngợi GĐ, Phạm Đức PGĐ, Cao Giang biên tập, Đoàn Thị Lam Luyến in ấn, phát hành...

Tác phẩm Chuyện kể năm 2000, kể về “Hắn” một người có số tù CR 880 mang tên Tuấn có người vợ đẹp và thuỷ chung tên Ngọc cùng với những người bạn tù Già Ðô, Vũ Lượng, A Thềnh, Lê Bá Di, Triều Phỉ... là những mảnh đời bị xé nát, trù ếm, dẫm đạp trong tù. Cuốn sách cũng nhắc đến nhưng người bạn văn như Vũ Mạc, Lê Bình, Lê Bàn….  Cuốn sách cũng viết về tình yêu, tình bạn, lòng nhân ái, lòng thuỷ chung, sự tráo trở và tính đố kị của con người, nhưng tất cả toát lên tấm lòng vị tha đầy bao dung và giàu tình người của những con người khốn khổ bị thời cuộc dày vò tưởng như không có lối thoát và cuốn sách cũng nêu bật nhân cách cao đẹp giàu lòng thương yêu con người, của ông Hoàng (ngoài đời là Hoàng Hữu Nhân nguyên Bí Thư thành uỷ Hải Phòng, nguyên Tổng cục trưởng TC Thuỷ Sản) với nhân vật phản diện đầy mưu mô xảo quyệt, hẹp hòi vị kỷ, cơ hội là ông Trần (ngoài đời là Trần Đông nguyên Giám Đốc Công An Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ CA) thời đó.

              

                 Ông Hoàng Hữu Nhân                                                         Ông Trần Đông

Đặc biệt cuốn sách được Đại Tướng Võ Nguyên Giáp rất quan tâm. Trong lần về Hải Phòng làm việc Đại tướng đã cử Thư ký gặp nhà văn để xin bộ sách và NV Bùi Ngọc Tấn đã trực tiếp mang đến tặng Đại Tướng.

Chuyện kể năm 2000 tuy bị tiêu huỷ trong nước nhưng đã được in ở Pháp 2 lần, Canada 3 lần, Mỹ 5 lần và ở Đức 01 lần bằng tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Đức và Pháp và không chỉ có tiếng vang ở VN mà còn nhiều nước trên thế giới, trở thành một hiện tượng - Hiện tượng Bùi Ngọc Tấn.

Cũng nhờ Chuyện kể năm 2000 ông đã được đi Trung Quốc Năm 2001 do Hội Nhà Văn VN tổ chức . Năm 2004, đi 5 nước châu Âu, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Áo trong 2 tháng. Năm 2005, ông được mời sang Mỹ, Nga (Các chuyến đi châu Âu và Mỹ của ông đều được tổ chức, cá nhân ở nước ngoài đài thọ chi phí).

Về việc xuất bản Chuyện kể năm 2000, nhà thơ Ngô Minh đã nói: NXB Thanh Niên đã thắng lớn, Bùi Ngọc Tấn đã thắng lớn trong phi vụ xuất bản Chuyện kể năm 2000. Không thắng về kinh tế, mà thắng về tinh thần. Tiếng tăm, uy tín NXB càng được nâng cao trong  vụ in sách Bùi Ngọc Tấn. Nhà nước thu hồi càng làm cho Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn không cánh mà bay xa, bay cao. Mọi người chuyền tay nhau đọc. Sách cấm mà trẻ em bán sách rong ở Hà Nội mang đi bán khắp nơi. Cứ hỏi là có. Giá gấp ba gấp bốn lần.

Ngoài Chuyện kể năm 2000,ông còn cóBiển và chim bói cá (NXB Hội Nhà Văn 2008), cuốn này dịch giả Tây Hà chuyển sang tiếng Pháp, NXB L’Aube phát hànhđược trao giải thưởng mang tên nhà văn Pháp chuyên viết về biển Henri Queffélec (1910 - 1992), nhằm tôn vinh những tác phẩm viết về biển trên thế giới và giải Sách Hay năm 2013.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn còn viết về Chân dung Văn học đó là Rừng xưa xanh lá (NXB Hải Phòng 2002) và Viết về bè bạn (NXB Hải Phòng 2003) là tập hợp có sửa chữa và bổ sung của Một thời để mất và Rừng xưa xanh lá. Đây thật sự là một tác phẩm rất hay tác giả viết về bạn bè của mình - những nhà văn, nhà báo, họa sĩ, nhiếp ảnh..., những người chịu nhiều vất vả, đắng cay, lận đận... một tập sách viết về những người luôn vượt lên, không đầu hàng số phận.

*

Đặc biệt với CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, nhà văn Bùi Ngọc Tấn luôn dành cho CLB những tình cảm ưu ái và trân trọng.

Tháng 10/2011 Nhà văn vào Sài Gòn biết tin thành lập CLB người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, ông đã đến dự buổi ra mắt CLB vào ngày 9/10/2011. Thật cảm động, phát biểu trong lễ ra mắt CLB  ông nói:

- Trước hết tôi chúc mừng các bạn, những người yêu sách từ nay đã có một sân chơi lành mạnh, đầy ý nghĩa. Tôi cũng cần phải cám ơn các bạn, có những người đọc sách, yêu sách như các bạn thì nhà văn chúng tôi mới bán được sách, mới có tiền để sống.

Ngày 6/10/2013 nhân dịp kỷ niệm 2 năm thành lập CLB, ông cũng đến dự, ông vui mừng thấy CLB vẫn duy trì hoạt động và có hiệu quả. Ông cũng tỏ ra hài lòng khi thấy nhiều thanh niên là sinh viên tham gia và là chỗ dựa cho hoạt động của CLB.

Ngoài ra mỗi lần vào Sài Gòn ông đều gặp gỡ một số thành viên CLB và tặng ấn phẩm mới in của mình cho họ. Ra Tết Giáp Ngọ, cái Tết cuối cùng của nhà văn ông mang hàng chục cuốn Chuyện kể năm 2000 bản đặc biệt vừa in xong vào Sài Gòn tặng bè bạn và ông cũng tặng cho hai thành viên của CLB.

Tháng 6/2014 ông bị ung thư phổi và vào SG chữa bệnh nhưng bệnh không thuyên giảm, tháng 10 ông về Hải Phòng dưỡng bệnh, bạn bè khắp nơi nghe tin về Hải Phòng thăm ông.

Vì bệnh tình quá nặng, ngày 18/12/2014 Nhà văn Bùi Ngọc Tấn từ trần tại nhà con trai mình (ông Bùi Ngọc Hiến) ở Hải Phòng trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn bè và người hâm mộ. Về HP viếng ông hầu như đầy đủ những nhà văn, nhà hoạt động văn hoá-XH như: Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Toán, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Đông A.... Đại diện của CLB là anh Nguyễn Huy Thắng và anh Đoàn Nhật Trưởng cũng về viếng ông.

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn quan niệm: Viết để gạt bỏ mọi phiền muộn, thù hận nhỏ nhen và cả những sợ hãi tiềm ẩn trong lòng, để thanh lọc bản thân ra khỏi những vướng mắc ham muốn của cuộc đời. Có thể nói tâm hồn trong sáng minh tâm kiến tánh của ông, đã giúp ông đứng vững trước muôn ngàn thử thách của cuộc đời, cũng như đã giúp ông ký gửi những cảnh ngộ từng chứng kiến và trải qua trong cuộc đời của những nhân vật. Giữa biết bao điều ngổn ngang của thế sự thăng trầm./.

Các Bài viết khác