NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

VÀI CẢM NHẬN VỀ NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THÂN

( 16-06-2017 - 05:08 PM ) - Lượt xem: 712

Là một nhà văn tuổi cao, nhưng Nguyễn Quang Thân vẫn rất trẻ trung năng động trong tâm hồn nghệ sĩ và luôn sống hết mình với tình yêu

Sau 82 năm ở chốn dương trần, nhà văn Nguyễn Quang Thân đã thanh thản qua đời lúc 3h15 ngày 4 tháng Ba năm 2017 dưới mái ấm gia đình,  để lại vô vàn lòng thương tiếc và ấn tượng đẹp trong lòng bằng hữu văn nghiệp và độc giả mến mộ mình. Do sự an bài của Đấng Tạo hóa tối cao, nào ai biết được thời điểm đó chính là lúc Nguyễn Quang Thân theo gót Trần Hoài Dương, Bùi Ngọc Tấn và những nhà văn chân chính khác đi vào cõi vĩnh hằng.

Sắp đến dịp tuần 100 ngày của anh, tôi xin có đôi dòng cảm nhận về anh với vai trò độc giả qua các tác phẩm và những trang viết thời sự của anh.

Một lần trong kỳ sinh hoạt CLB bạn đọc Thư viện Phú Nhuận tôi đã gặp nhà văn Nguyễn Quang Thân khi anh đến giao lưu với độc giả thư viện về tác phẩm “Hội thề” vừa mới ra mắt. Khi ấy, anh đã in dấu ấn trong tâm trí tôi về mộtcon người đã hơn 75 tuổi với dáng dấp phong trần, bình dị, không kiểu cọ bề ngoài cùng giọng nói sôi nổi và mạnh mẽ.

 Nhưng mãi đến khi Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng  thành lập, qua  sinh hoạt định kỳ hàng tháng tôi mới có dịp biết nhiều về sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thân -  một nhà văn thành công ở nhiều thể loại, từ truyện ngắn đến tiểu thuyết và cả kịch bản phim, với nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh. Là một nhà văn tuổi cao, nhưng  Nguyễn Quang Thân vẫn rất trẻ trung năng động trong tâm hồn nghệ sĩ và luôn sống hết mình với tình yêu.

 Bên cạnh những truyện ngắn nổi tiếng  như Đĩa xalát Nga, Mưa Sài gòn, Cây đắng cay....mà tôi tìm đọc trên trang web của Nguyễn Quang Thân, ấn tượng của tôi về anh là những bài chính luận trên báo Phụ nữ TP HCM, báo Kinh tế Saigon, báo Thể thao-Văn hóa.....  Những chủ đề anh viết mang tính phản biện xã hội sắc sảo, với nỗi lòng trăn trở sâu sắc của một người yêu nước trước những vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng đất nước. Những trích đoạn trong các bài viết của anh dưới đây đãminh họa cho tâm nguyện của một người cầm bút chân chính:

     Hẩm hiu văn sử địa thảm họa khôn lường: “Chúng ta đang đào tạo ra những cậu cô tú, những ông bà cử nhân có thể lập trình cho máy tính, chế tạo được máy móc tinh xảo, đạt mọi tiêu chuẩn làm thuê cho các hãng nước ngoài vân vân, nhưng lại không phân biệt được thi sĩ Hồ Xuân Hương và hồ Xuân Hương ở Đà Lạt......”.

 (Báo Phụ nữ Tp.HCM ngày 7/06/13).

Cái gì cũng không biết: “...Xin hỏi, có cả một Bộ NN&PTNT quân số hàng vạn người có học, chắc tiến sĩ kỹ sư đông như quân Nguyên, có cơ man cơ quan chống buôn lậu, chống thâm nhập, quản lý thị trường, ngày nào cũng ngồi xe, ngậm còi đi đuổi chợ, vậy mà tại sao cái gì cũng không biết? Không biết “chúng nó” mua rễ hồi, sừng trâu để làm gì? Không biết “chúng nó” mua đỉa, mua lá điều rồi lá xoài để làm gì? Cũng không biết ai mua, mua rồi để đâu, chuyển đi đâu,...”

“... chỉ cần theo dõi một thương lái thu mua, xem họ mang đi đâu, bán cho ai, “hốt” vài tay mơ vào nước người ta mà múa võ trái phép rồi truy hỏi mua những thứ này để làm gì, thì tìm ra nguồn cơn đâu có khó? Không có việc gì khó, chắc chỉ bận nhậu mà thôi!’ (NTNN 11/05/13).

Tôi còn ghi chú một ý anh viết về Kẻ sĩ xưa và nay: Nỗi cô đơn triền miên: “Cô đơn luôn đồng hành một cách tự nhiên với những người nhìn thấy trước và mạnh dạn bước lên trước thời đại. Có câu nói: ‘nguy hiểm nhất là người chỉ đọc một cuốn sách’. Nhưng còn nguy hiểm hơn là những người được giao trọng trách trong xã hội, dẫn dắt dân chúng mà chưa từng đọc một cuốn sách. Vì thế, kẻ sĩ luôn vẫn là nguyên khí của mọi thời”.

Bằng tấm lòng tha thiết với cuộc đời, anh đã dùng ngòi bút viết ra những day dứt trong tâm. “Văn là người”, những trang thời sự  của anh  luôn phản ánh đúng con người Nguyễn Quang Thân: chân thành, sâu sắc đượm chút dí dỏm, chua cay đáng suy ngẫm.

Cũng như bao người yêu mến anh, tôi ghi nhận ấn tượng sâu sắc về Nguyễn Quang Thân không chỉ vì anh là một cây bút tài hoa, mà anh còn là một nhà văn cao tuổi nhưng có đời sống tâm hồn trẻ trung, năng động, sống hết mình với tình yêu và khát vọng cuộc đời. Anh đã may mắn có được người vợ là nữ văn sĩ Dạ Ngân, dù có nhau muộn màng, nhưng anh đã tạo dựng cho những năm tháng còn lại của đôi vợ chồng luôn là những ngày tháng hạnh phúc.

Ngày 6/1/2017 anh cùng đại gia đình văn chương  vui đón tác phẩm “Người yêu dấu và những truyện khác” của vợ mình, tại Đường Sách Sài Gòn đón xuân Đinh Dậu. Chị Dạ Ngân đã dành hết tâm huyết để viết tặng anh cuốn tiểu thuyết: Người yêu dấu ấy.

Căn nhà của hai nhà văn giờ đây vắng bóng một người. Xin thắp nén tâm nhang cầu chúc nhà văn Nguyễn Quang Thân hạnh phúc nơi không còn phải suy nghĩ, muộn phiền.

 

Nhà văn Nguyễn Quang Thân giao lưu với bạn đọc Thư viện Phú Nhuận 3/2011

NGỌC DUNG

 

Các Bài viết khác