NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÚ MỠ VÀ SỨC MẠNH TRÀO PHÚNG

( 21-11-2014 - 05:44 PM ) - Lượt xem: 2550

Tú Mỡ vốn có khiếu trào phúng. Thời học sinh, ông làm thơ chế giễu những ông giáo Tây hách dịch, đểu cáng, những giám thị xử ác với học sinh. Khi đi làm, “anh ký cóp” làm thơ tự trào về nghề cạo giấy.

Tú Mỡ đã đi xa gần năm mươi năm nay. Ông từng là một hiện tượng cả trong đời và trong thơ.

Xưa kia, Tú Mỡ là người đi “ngược chiều” xã hội, và thơ ông là thơ “ngược dòng”. Văn đoàn theo khuynh hướng lãng mạn, có lúc đã tiếp cận chủ nghĩa hiện thực, Tú Mỡ chuyển hẳn vào trào lưu hiện thực phê phán. Sau Cách mạng, ông tiếp tục lấy tiếng cười làm vũ khí chiến đấu, trở thành một nhà thơ trào phúng hàng đầu và được tưởng lệ rất cao. Ông nhận được nhiều giải thưởng thơ (1951, 1955) của Hội Văn nghệ Việt Nam và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt II (2000).

-1-

Trước hết, để hiểu rõ Tú Mỡ cần đặt ông vào dòng thơ trào phúng của dân tộc.

Từ lâu đời, văn chương bình dân và văn chương bác học vẫn phát triển theo những đường hướng và khuôn khổ riêng. Tiếng cười dân gian luôn mang một sắc thái và sức mạnh riêng:

Bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình

Ba bộ đồng tình bóp vú con tôi

Phê phán quan tham lại nhũng như đập vào mặt chúng: “Nén bạc đâm toạc tờ giấy”, “Miệng nhà quan có gang có thép/ Đồ nhà nghèo vừa hẹp vừa thâm”...

Vào nửa cuối thế kỷ XVIII, Hồ Xuân Hương – độc đáo như “Bà chúa thơ Nôm” (Xuân Diệu) – mở đột phá trong thể thơ Đường luật vốn đài các quý phái bằng việc đưa vào các chất liệu đời sống trần tục hàng ngày cùng với những ý tưởng mới lạ, ngôn ngữ quần chúng tài hoa, giàu ẩn dụ. Nữ sĩ đã tung ra những bài thơ trữ tình giàu tính nhân văn đồng thời với những bài thơ trào phúng có tính chất châm biếm mạnh mẽ.

Đối tượng công kích rất rõ. Đó là bọn đạo đức giả “hiền nhân quân tử” và cả bọn thiếu nhân cách “phường lòi tói”. Đáo để, ráo riết, bà đánh vỗ mặt những tên đại diện đạo cao, đức trọng bằngđòn hiểm, bằng“của độc” úp mở hai mặt: tục – thanh, thanh – tục!.

Thơ trào phúng phá vỡ văn chương nhà nho và phát triển mạnh vào những năm bản lề giữa thế kỷ XIX và XX.

Thơ trào phúng như vậy,  trở thành một dòng riêng biệt, vượt khỏi giai đoạn tìm tòi những tiếng cười khôi hài trong những chuyện đời nhỏ nhặt, mà đã đi vào những vấn đề lớn có tính chất chính trị - xã hội. Tác dụng phê phán, đấu tranh nhờ vậy thêm sắc bén, hiểm ác nên có được sức mạnh hơn và hiệu quả hơn.

Xã hội đổi thay, chế độ thực dân nửa phong kiến phơi bày ra bao xáo trộn, nhố nhăng, chướng tai gai mắt, lố bịch, khác xa so với thuần phong mỹ tục truyền thống. Biết bao nhiêu trò đảo điên trái đạo nghĩa đã diễn ra, xuất hiện nhiều nhân vật dị hình dị dạng, quái đản hại dân hại nước, nhiều nghịch cảnh, nghịch lý phơi bày. Biết bao  đề tài khôi hài, châm biếm, đối tượng đả kích đã xuất hiện khắp nơi.

Những nhà thơ, nhà văn trào phúng được hình thành trong điều kiện đó.

Nguyễn Khuyến, Tú Xương là những người đầu tiên có hứng thú với thể loại trào phúng và đã đưa dòng thơ trào phúng tới bước phát triển mới.

Đối tượng bị đả kích trong thơ khá đông đảo, trước hết là các “cụ lớn” theo Tây như Nguyễn Hữu Độ, Hoàng Cao Khải,...: “Vua chèo còn chẳng ra gì/ Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”. Thơ đả kích Đoàn Đình Nhàn đầy khinh bỉ: “Lớn xác gà cồ bươi bếp nát/ To răng chó dái gậm hư nồi”. Phan Diện viết Chế Thượng Nam nhắn Hoàng Mạnh Trí – Tổng đốc Nam Định, con trai Hoàng Cao Khải: “Lửa tâm toan đốt nhà Văn Thánh/ Thưổng miệng ngậm đào mả đại khoa”. Nguyễn Khuyến phê phán  một Hoàng giáp, Nguyễn Thiện Kế chê bai các vị Thám hoa đều là các nhà khoa bảng nhân cách hèn kém,  những bộ mặt rất hài hước. Đối tượng bị ngòi bút phê phán, vạch mặt là giới quan trường gian tham, xấu xa, hèn mạt.Trào phúng là muốn tiêu diệt một tầng lớp xã hội bằng cái cười.

Thơ trào phúng dần trở thành một công cụ chính trị khi nội dung đi vào bóc trần những âm mưu chính trị và sự xấu xa của xã hội thuộc địa nửa phong kiến.

Thực dân Pháp lừa bịpdở dói những trò cải cách xã hội, lập ra Hội đồng các “ông Nghị”, “ông Hội” tay sai chen chúc  làm “nghị gật”. Chúng còn lập ra Hội Khai trí  - có tính chất “hàn lâm” với nhiều hoạt động văn hoá giả trá để dễ bề chứa chấp những kẻ bất tài – những tên hề trí thức.

Thơ trào phúng với các tên tuổi nổi danh một thời như Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Thiện Kế, Kép Trà trong thực tế đã có sự chuẩn bị trực tiếp, tích cực cho văn học hiện thực phê phán. Họ đã biết hướng vào đả kích chính trị, phê phán xã hội, dùng thơ để thực hiện một chuyển biến quan trọng. Những kẻ hại dân, hại nước thường được gọi đích danh để kể tội: “Tổng đốc miền Đông ngỡ đứa nào/ Lê Hoan thôi lại tuị Hoàng Cao”,... “Quan quách chi mày phó bảng Tuân”. Vua quan và thực dân đã trở thành nhân vật hài hước để đả kích.

Vì vậy, có thể nói thơ trào phúng, ở mức độ nhất định, đã tiếp cận văn học yêu nước. Đó là một giá trị có ý nghĩa lịch sử.

Tú Mỡ vốn có khiếu trào phúng. Thời học sinh, ông làm thơ chế giễu những ông giáo Tây hách dịch, đểu cáng, những giám thị xử ác với học sinh. Khi đi làm, “anh ký cóp” làm thơ tự trào về nghề cạo giấy.

Nhưng rồi, cuộc sống xã hội diễn ra bao trò xấu xa đáng cười và đáng giận như đề tài vô tận cho thơ Tú Mỡ. Năm 1932, Tú Mỡ tham gia viết cho báo Phong hoá và được giao phụ trách mục Dòng nước ngược. Nhà thơ đi thẳng vào những sự kiện, hiện tượng cuộc sống, mạnh dạn vạch trần những mặt xấu xa của xã hội. Theo Xuân Diệu, Tú Mỡ “đã trở thành một sự kiện khách quan”.

Từ đó, ông xuất hiện như một hiện tượng kỳ lạ trong văn giới với các tác phẩm chủ yếu: Dòng nước ngược (I) – Đời nay(1939), Dòng nước ngược (II) – Đời nay(1941), Dòng nước ngược (III) – Đời nay(1945).

Xã hội thực dân nửa phong kiến thời ấy đã phơi bày đủ thứ xấu xa, bỉ ổi. Mâu thuẫn giữa nhân dân và bọn đế quốc phong kiến đã lên đến cực điểm. Bọn thống trị đã tự bóc trần bộ mặt “khai hoá” giả hiệu, để lộ chân dung bóc lột, đàn áp thậm tệ người dân bản xứ. Đời sống nhân dân ngày càng sa sút, cảnh tượng làng quê xơ xác.

Trong khi đó, bọn thực dân Pháp lại ra sức cổ động cho phong trào “vui vẻ, trẻ trung” như lấp liếm cho thực trạng nghịch cảnh.

Mặt trái xã hội được phơi bày với đủ loại người – từ thực dân đến quan lại, dân biểu, nhà báo, nhà văn bồi bút,... Nhất là tầng lớp quan lại – công cụ bóc lột và cai trị của bọn thực dân, là bọn gây ra nhiều tội lỗi bậc nhất. Bọn chúng là một lũ, một sâu “quan lớn”, “quan bé”  :Khuyên các ông “quan lớn”, Tâm sự một ông quan bé; quan cũ và cả quan mới : Tống cựu nghênh tân:

Mấy kẻ quan tham cùng lại nhũng

Ăn tiền hối lộ khoét dân chúng

Hẳn trông thấy mặt bắt hình dong

Ngửi thấy hơi đồng nơi đáy bụng

Tú Mỡ như lập hồ sơ cá nhân trên nhiều mặt của các hạng quan, nêu đích danh những phần tử cơ hội đáng khinh bỉ. Nhà thơ đặc biệt châm biếm các loại ông nghị ở Viện Dân biểu – một tổ chức giả mạo của Pháp lập ra để chứa chấp những tên hề, những tên lừa bịp bậc nhất, bọn bất tài, vô đức chui vào nhờ “tiền mua phiếu”. Trong đó còn lúc nhúc đủ hạng: “Những hạng nghị độn đường cho chật/ Những nghị cừu, nghị gật, nghị câm” (Nghị viện độn đường). Đó chính là loại “phỗng sành”, “phỗng đá” nhan nhản khắp nơi.

Một loạt hài được nhà thơ viết để tập trung đả kích: Nhắn nhủ ông nghị, Ông nghị đi hội đồng về, Hách, Ngôi thứ các ông nghị, Ông nghị đi xem đồn điền di dân,... Nghị viên chính là đối tượng bị đả kích thường xuyên bằng lời lẽ cay độc.

Nhà thơ trào phúng cũng đã mạnh dạn đả kích một số tên thực dân. Ông mỉa mai tên Công sứ Bắc Ninh khi hạn hán “cho khắp dân quê mở cửa đình” để cầu đảo, phê phán tên Đốc lý Hà Nội tổ chức sòng bạc công khai để làm tiền dân, khiến họ “Có anh tan cửa nát nhà/ Có anh liều lĩnh đến sa vào tù” (Sòng bạc công khai).

Ngoài công kích đích danh cá nhân, Tú Mỡ còn phê phán một số chính sách thực dân, như  kiểm duyệt báo chí, ban hành chế độ thuế khoá nặng nề, chủ trương  chính sách ngu dân (Dân ngu phú),… Đây là “niềm tự hào” của người nô lệ:

Tự do bình đẳng tuy thua thiệt

Nhưng đã hơn người cái... thuế cao

                  Đóng thuế thân

Sau đảo chính  9/3/1945, nhà thơ đả kích thực dân Pháp một cách mạnh mẽ, sâu sắc hơn (Văn tế bảo hộ).

Tự lực văn đoàn có một khuynh hướng xã hội tiến bộ là nâng cao dân trí, dân sinh. Trên đà đó, Tú Mỡ hướng ngòi bút vào tập trung phê phán những thói hư tật xấu, cổ hủ, lạc hậu. Đó là những thứ mà thực dân Pháp muốn duy trì với mục đích ngu dân. Nhà thơ trào phúng đã có nhiều bài phê phán những hủ tục như Văn tế xôi thịt hoặc mê tín dị đoan làm mồi cho những kẻ buôn thần, bán thánh như Sư cụ đi hát ả đào.

Tuy nhiên, là đại diện cho lý tưởng tiến bộ, nhà thơ mang một cảm hứng chủ đạo là sự thương cảm cho người dân nghèo sống cùng khổ, tối tăm, nạn nhân của những đày đọa, bóc lột của Pháp. Qua thơ là những cảnh đối nghịch giàu – nghèo, sang – hèn,... thật mỉa mai, chua xót. Các quan được tăng lương là một nét vẽ rất hiện thực: “Quan được tăng lương, dân cũng tăng/ Tăng sưu, tăng thuế đến nhăn răng”. Ngòi bút trào phúng sắc sảo đã nêu ra một vài điều bất công rõ rệt, chủ yếu là thuế khóa – Thuế đàn bà góa, Sửa thuế thân, Đóng thuế thân,...

Tú Mỡ là một tài năng đặc sắc về nghệ thuật trào phúng. Đó là điều có được nhờ hấp thụ từ văn học Pháp và những truyền thống tốt đẹp của tiếng cười dân gian – hồn nhiên mà sâu sắc, từ tiếng cười thâm thúy, sắc sảo của Nguyễn Khuyến, Tú Xương (Tôi đã học làm thơ trào phúng như thế nào? – Văn học số 50,1959).

Tuy nhiên, những tác phẩm của ông vẫn mang một bản sắc riêng, phong cách riêng của Tú Mỡ. Nghệ thuật ngôn từ, thủ thuật gây cười, tạo tình huống bất ngờ, khôi hài, khiến nhà thơ trở thành một nhà trào phúng, đả kích và công phá vào cái ác, cái xấu đầy hiệu quả.

Do những điều kiện hạn chế của văn học hợp pháp và lập trường chính trị có hạn (lập trường bình dân), Tú Mỡ chưa có những đòn thật đích đáng đối với thực dân Pháp bằng sức mạnh phê phán xã hội. Dù sao Dòng nước ngược (3 tập) vẫn là tập thơ trào phúng có gía trị, là một tác phẩm tiêu biểu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám.

Khi đi theo kháng chiến chống Pháp, Tú Mỡ chuyển hẳn sang công tác tuyên truyền văn nghệ. Nhà thơ lại đánh địch một cách sâu cay với bút danh Bút chiến đấu. Nụ cười chiến đấu đả kích từ bọn tướng, tá quân đội đế quốc xâm lược (Tam khí De Tassigny) đến bọn Việt gian tay sai bù nhìn – quốc trưởng bán nước Vĩnh Thụy:

Tập thơ cũng là một biên niên thú vị về quá trình thất bại của thực dân Pháp qua những chiến dịch tấn công hùng hổ - mà chúng chỉ chuốc lấy nhục nhã: “Trận Sông Lô, trận Bình Ca/ Ca nô, tàu thủy hóa ra tàu ngầm”. Cuối cùng là trận thảm bại ở Điện Biên Phủ như cuộc tập trung binh lực, quân sĩ, tướng tá vào trại tù binh. Bọn chúng thi nhau Tập hàng: “Giơ tay hàng trước quân ta/ Té ra công sự chỉ là công... toi”.

Nụ cười kháng chiến tìm ra được sự thống nhất giữa chất trào phúng của đối tượng với mục đích đả kích. Bản chất kẻ thù đã chứa đựng những sự huênh hoang, lố bịch, lừa dối, giả trá, gây ra những trò hề trong lịch sử. Tú Mỡ biết khai thác những nghịch cảnh, nghịch lý để tạo ra tiếng cười sảng khoái ,trên tư thế của những người chiến  thắng chôn vùi chúng

Với đặc điểm giàu tính thời sự, nhạy bén, sắc sảo trong đánh địch, Nụ cười kháng chiến là một tác phẩm xuất sắc trong thơ ca và văn học trào phúng của dân tộc.

Mặt khác, với nhiệt tình phục vụ cho kháng chiến của dân tộc chiến đấu và chiến thắng, Tú Mỡ còn sáng tác nhiều diễn ca, vè, chèo dân ca để ca ngợi nhân dân anh hùng , tuyên truyền chiến thắng: Địch vận diễn ca (1943), Anh hùng vô tận (1953), Trung du cười chiến thắng, Nhà sư giết giặc,... trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Từ năm 1954, đất nước tạm chia làm hai miền, cuộc đấu tranh chuyển sang cục diện mới. Kẻ thù mới xuất hiện: đế quốc Mỹ và bọn ngụy quyền tay sai. Đây là những đối tượng mới của những “đòn bút” trong trận chiến đấu mới của nhà thơ. Tú Mỡ vẫn sử dụng những ngón đòn ngôn từ sắc sảo, hiểm ác, đánh vỗ mặt quân xâm lược – bọn cướp nước và lũ bán nước. Khí thế như mạnh mẽ thêm bằng những những chiến thắng to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ.

Những năm cuối đời, Tú Mỡ tập trung làm mảng thơ vui về đời thường, về cuộc sống gia đình riêng với những chân tình, ân nghĩa và niềm vui thanh bạch. Đó là chùm thơ trữ tình hài hước, nói rõ được bản chất con người sống hiền lành, tử tế, đôn hậu một thời. Qua đó, thơ cũng nói lên một tâm trạng của nhân tình thế thái. Con người vốn muốn sống vui, cần sống vui. Tiếng cười trong sáng và trí tuệ bao giờ cũng cần. Phải chăng con người thế giới ngày nay sống yêu đời có phần ham vui hơn, thích đùa , thích trào lộng.

Nhìn lại Tú Mỡ, có nhiều ý kiến đánh giá cao ông, xem ông là “Nhà thơ trào phúng sáng giá bậc nhất”, thậm chí là “Vua trào phúng”. Có ý kiến khác lại xem ông là nhà thơ trào phúng dân tộc vì sáng tác mang đậm bản sắc dân tộc. Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn hiện đại (1942) cho rằng các tập thơ Dòng nước ngược “có cái giọng bình dân rất trong sáng”.Theo đó, thơ trào phúng Tú Mỡ như hội tụ các giọng điệu ý nhị của Nguyễn Khắc Hiếu và giọng giao duyên của Trần Tuấn Khải. Tú Mỡ viết rất nhiều lối như phong dao, thù ứng, hát xẩm, văn tế, chầu văn mà lối nào lối ấy đều hay cả. Nhà phê bình kết luận “Thơ Tú Mỡ thật là có tính cách Việt Nam đặc biệt”.

Từ sau Cách mạng và kháng chiến, Tú Mỡ thể hiện rõ ý thức với phương châm đại chúng dân tộc trong sáng tác các loại hình thơ ca dân gian truyền thống.

Đặc điểm này, người nước ngoài cũng nhận ra. Vũ Bằng ( trong Vũ Bằng toàn tập (tập 4), Văn học, 2006) đã dẫn ra một nhận xét của nữ ký giả người Pháp Madeleine Riffaud: “Thơ của Tú Mỡ có tác dụng của những bài vè truyền miệng, một thứ văn dân gian để cho người ta kể với tính cách tuyên truyền trong dân chúng như tục ngữ, phong dao vậy”.

Tú Mỡ quả là một bậc thầy của thể loại thơ trào phúng cả ở phương diện đánh địch, phê phán thói hư tật xấu của xã hội cũng như trào lộng vui đời. Thơ của ông đã trở thành vũ khí của kẻ mạnh, của người chiến thắng và lạc quan yêu đời.

-2-

Thực ra, trong văn học dân tộc thế kỷ trong XX, trong bộ phận yêu nước và cách mạng đã có những mạch văn, thơ đánh địch với những cây bút dũng cảm. Văn chính luận, văn nghệ thuật và cả thơ Hồ Chí Minh đã sớm nêu một mẫu mực sáng đẹp về ngòi bút châm biếm, đả kích đầy sức mạnh tiến công với mọi kẻ thù. Sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục viết báo với sức mạnh ấy.

Tuy nhiên, xét về thể loại, thơ trào phúng một thời lịch sử đã là một dòng chảy có sức mạnh trong dòng sông thơ ca hiện đại.

Đồng hành với Tú Mỡ, kẻ trước người sau, có thể kể tới một số nhà báo, nhà văn cũng là nhà thơ nổi tiếng: Xích Điểu (1910 – 2008), Đồ Phồn (1911 – 1990), Thợ Rèn (1923 – 2008), Lê Kim (1928). Đây là thế hệ những người cầm bút đã từng gánh trên vai sự nghiệp cách mạng cao quý từ trước 1945 như trường hợp Xích Điểu, Bùi Huy Phồn (Đồ Phồn) viết từ thời Mặt trận Dân chủ và cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Lê Kim đã từng trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, là nhà báo về nghỉ với quân hàm Đại tá.

Đây chính là đội ngũ chiến tướng của thơ văn trào phúng với những tác phẩm giàu tính chiến đấu. Xin được lược qua đôi nét sau đây.

Xích Điểu nổi bật với nhiều tiểu phẩm châm biếm, đả kích: Trắng đen (1960), Sau mặt nạ nhân vị (1961),... và tập thơ Cướp cũ, cướp mới (1971). Mấy vần thơ nổi tiếng trong Nhằm thẳng ô dù mà đánh được lưu truyền:

Hãy nhằm thẳng ô dù mà đánh

Khẩu hiệu xưa đổi lệch ba từ

Bởi nay tiêu cực dường như

Giặc ngoài xâm lấn phá hư lòng người

(Nhà thơ đổi ba từ trong khẩu hiệu “ nhằm thẳng quân thù mà bắn”).

Thợ Rèn – người khai sinh chuyên mục Chuyện lớn... chuyện nhỏ trên báo Nhân dân, công bố ba tập thơ châm biếm có tiếng . Nhà thơ có hàng loạt bài “thơ châm”, mà nổi bật là chuyển hướng vào phê phán xã hội: “Họp to như núi chon von/ Hành như chuột nhắt đẻ con nhẽo nhèo”,... “Tiền cò bố, làm cò con/ Cuối cùng gác tía lầu son: Hỏa Lò”..., “Cái thời chỉ biết phục tùng/ Gọt chân cho gọn mà nong khuôn giày”,... Thợ Rèn nổi tiếng với loạt thơ “chúc Tết” – thực chất là những câu “phản chúc” nhằm đánh vào mấy “ông lớn” nào đó?

Không chúc loại người hiền cổ lỗ

Ngồi trên tòa rụt cổ khoanh tay

Lập trường thịt bụng bầy nhầy

Đằng đông cũng gật, đằng tây cũng ừ

..............................

Ta càng chán anh đồ “mác xít”

Đầy một mồm toàn đít xì cua

Trong bài thơ chúc TếtMậu Thân(1968), nhà thơ phê phán quyết liệt:

Bút nghiên một kiếp phên che gió

Sự nghiệp trọn đời hít mía voi

Tượng vỡ mới hay toàn đất sét

Bão to đa đổ hết bình vôi

Đồ Phồn viết Bia miệng (1952), Mưu sâu Mỹ Diệm (1956), Thơ ngang (1957), Tàn xuân đế quốc (1959),...

Lê Kim để lại nhiều bài thơ châm biếm, đả kích, được nhiều người đọc thích thú – Đời cứ tươi (Thơ – 1948), Điện Biên Phủ (Thơ đả kích – 1954), Mỹ, Ngụy thảm bại khúc (Thơ đả kích – 1971), Anh Đại thắng, chị Hòa bình (Tấu – 1973), Thơ và tình (Thơ – 1998),... Nhà thơ từng có câu nói nổi tiếng: “Đời cứ tươi cứ thơ vui chiến sĩ”.

Sau 1975, đất nước thống nhất, chuyển vào thời kỳ hoà bình, xây dựng rồi Đổi mới. Tuy nhiên, có sự kiện đột xuất: chiến tranh biên giới Tây Nam và phía Bắc. Chiến tướng Chế Lan Viên một thời đánh Mỹ quyết liệt lại phải lên tiếng. Vẫn nghe âm vang Những bài thơ đánh giặc một thời. Từ vạch trần bộ mặt giả dối: “Mặt kẻ thù ta là gương mặt hay cười... Người Mỹ biết trộn hòa bình vào bom nguyên tử/ Như rưới nước hoa hồng vào máu trẻ thơ ngây”... đến tố cáo tâm địa dã man: “Chớ gọi giản đơn Ních xơn là lũ giết người/ Nó nâng chiến tranh lên thành trăng mật tình yêu”... “Muốn cho mọi việc tốt lành, Thiệu lại lên ngôi/ Hãy tấn phong cho côn đồ, đăng quang cho đĩ”,... Thần chiến thắng (1979) vẫn nêu cao cảnh báo: “Kẻ thù truyền kiếp đấy thôi, nhưng mỗi thế kỷ lại có bộ mặt riêng của nó... Lũ “thái thú” tân trang bằng một ngọn cờ hồng”.

Khi không còn chiến trận trực tiếp, quyết liệt với kẻ thù xâm lược, thì nhìn chung thơ trào phúng hướng về giặc “nội xâm”. Ngòi bút chống cái ác chuyển sang tập trung thiên về chống cái xấu. Do vậy, có một thực tế là, thơ trào phúng hầu như vơi mạch, cạn dòng. Các tác gia thơ không mấy người nổi tiếng về “đòn bút” trong trận đánh mới, trừ một vài vị lão thành như đã nêu trên.

Đây là một hiện tượng có phần đáng tiếc do nhiều nguyên nhân, cả từ phía lãnh đạo đội ngũ văn nghệ đến đội ngũ sáng tác. Rõ ràng là đã nảy sinh nhiều khó khăn, thách thức mới, cần thực sự cầu thị và dũng cảm vượt qua. Trường hợp nhà thơ uy tín kỳ cựu, cây “bút châm” mẫn cảm – Thợ Rèn mà cũng có lúc đã được “công an văn hóa” viếng thăm. Vì nói thẳng, nói thật, có giọng châm biếm, phê phán mạnh bạo mà có thời Cửa mở của Việt Phương đã bị tạm “khép lại”. Tập thơ  Nheo mắt nhìn thế giới (2008) của Bằng Việt có nét  phê phán xã hội, mượn  “tích cũ” để cải biên, cho đòn hiểm bọn bất tài lên mặt Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông: “Không phải ngọng bẩm sinh/Chúng đánh lưỡi,chúm môi… dần hoá ngọng”.Tập thơ  được cho là  có  giọng “khinh bạc”, “ phẫn khích”, “xót xa”, “ngậm ngùi” cũng bị loại ý kiến trái chiều xuyên tạc là có ý đồ xấu.

Thực tế xã hội hiện nay không thiếu hiện tượng, đề tài cho ngòi bút châm biếm, đả kích.

Việt Nam hội nhập  được thế giới ủng hộ mạnh mẽ , chưa bao giờ có vị thế quốc tế cao như ngày nay.Tuy nhiên cũng có không ít thách thức và nguy cơ trong phát triển và bảo vệ đất nước.Thế lực bành trướng, bá quyền bao năm nay không ngừng gây tai họa chiến tranh, đang lấn tới bằng những hành động phi pháp, ngang nhiên xâm phạm chủ quyền đất nước ta. Bộ mặt giả nhân  giả nghĩa, xảo trá ngày càng lộ rõ: khi tuyên bố thì “mạ vàng” mà làm thì “vấy bùn”, “lấp đất” (làm đảo nhân tạo, lập bãi đáp, căn cứ quân sự!).

Đất nước đổi mới, hội nhập, trên đường xây dựng xã hội công bằng, văn minh với bao cảnh tượng thật đẹp đẽ. Tuy nhiên, mặt trái của cơ chế thị trường ngày càng bộc lộ những tiêu cực, tác hại chưa từng có, mà rõ nhất là tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội với nhiều biểu hiện nghịch cảnh, nghịch lý. Một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa gây bức xúc lớn trong công luận, nhất là qua các đại án tham nhũng.

Thơ văn trào phúng vẫn đang có thời. Những nhà thơ, nhà văn trào phúng như Tú Mỡ và Xích Điểu, Thợ Rèn… vẫn đang  có đất.

Vấn đề được đặt ra với mong mỏi thiết tha và niềm tin mạnh mẽ đang ở phía trước.

 PGS-TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác