NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRUYỆN TRINH THÁM Ở VIỆT NAM

( 04-06-2019 - 07:08 AM ) - Lượt xem: 3086

Truyện Trinh thám mới đầu chỉ là những vụ án đơn giản sau đã trở thành một loại truyện tâm lý -Xã hội và đã đến Việt Nam đầu tiên vào ngay đầu thế kỷ XX, trải qua gần 120 năm truyện trinh thám đã phát triển nhanh có một lượng độc giả gần 50% só người đọc sách và là món ăn không thể thiếu của rất nhiều người. Ở VN truyện trinh thám có thể chia làm 4 giai đoạn như sauL

1/ Giai đoạn từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng Biến Ngũ Nhi là người viết truyện trinh thám đầu tiên ở Việt Nam với truyện “Kim thời dị sử – Ba Liên làm nghề đào tặc” đây là một truyện viết theo phong cách Arsene Lupin của M.Leblance, một tướng cướp chuyên cướp của nhà giàu mang cho người nghèo. Nhưng thực ra tác phẩm có hơi hướng trinh thám đầu tiên của người Việt Nam là “Hoàng Tố Oanh bị hàm oan” của Trần Chánh Chiến” do nhà in Phát Toán in năm 1910. Truyện viết về Hoàng Tố Oanh, một người con gái xinh đẹp chẳng may bị xe của cha con Thiên Hộ Trần Thái Lai cán phải, thấy nàng xinh đẹp thì hai cha con đều mê mẩn nên sau khi chữa cho nàng khỏi họ đưa về nhà nhận làm con nuôi được vợ của Thiên Hộ hết lòng thương yêu. Hai cha con lập mưu để định ép nàng đều không thành, nàng liền bỏ gia đình họ ra đi thì bị họ kiện lấy tiền của Thiên Hộ trong ngân hàng vì nàng đã ký giấy nhận tiền thay con gái của Thiên Hộ, nàng bị truy nã và bị bắt, may thay người yêu nàng là học trò nghèo đã tìm chứng cứ và gỡ cho nàng.

Từ khi chữ Quốc ngữ được sử dụng phổ biến ở Việt Nam thông qua báo chí và xuất bản sách thì vào ngay năm đầu thế kỷ XX truyện trinh thám nước ngoài như của Trung Quốc, Pháp và Mỹ đã được dịch và in trên báo sau đó mới in thành sách.

Báo “Nông cổ ním đàn” là báo tiên phong in truyện trinh thám dịch từ chữ Hán đó là truyện “Lược Mĩ Thị Án” in trên báo ngày 26/12/1901 và 2/1/1902 do chủ báo Lương Khắc Minh dịch. Trên báo này còn có một số dịch giả trinh thám đầu tiên ở miền Nam như: Nguyễn Chánh Sắt với “Thiện ác đối đầu chung hữu báo”, 3/1904; Lê Hoằng Mưu với “Chuyên hoa sĩ ly”, 2/1904; Hoằng Tài với “Kỳ án hổ tú tài cáo trạng”, 3/1912); Biến Ngũ Nhy với “Thây ma trong tù”, 3/1915 và “Chuyện cô bé Liêng dùng rắn giết người”, 9/1915.

Còn ở miền Bắc do báo chí và các nhà xuất bản sinh sau nên mãi đến năm 1923 mới thấy hai dịch giả là Quân Hiến dịch “Giả hôn án” và Nguyện Trọng Đường dịch “Truyện trinh thám Ba Lan” Nhà xuất bản Kim Đức Giang, dần dần có thêm Vũ Công Định với “Đáng một yêu”, Duy Tân Thư Quán 1926;  Mễ Dương với “Thói đời đen bạc”, Long Giang 1927; Mỹ Khê với “Mưu quỷ chước thần”, Ngọc Tuân 1927”… Bên cạnh đó tạp chí Nam Phong cũng đăng một số truyện trinh thám Conan Doyle và một số tác giả Trung Quốc và Pháp. Đáng chú ý nhất là tiểu tuyết trinh thám “Đời súng đạn”, đăng 9 kỳ cuối cùng của Nam Phong do dịch giả Tùng Toàn dịch qua bản Pháp Ngữ (1934).

Từ năm 1928 trước khi dịch giả Lương Giang dịch “Thoát hiểm, Mưu sát kỳ án” do Kim Gia xuất bản, năm 1929 có Vũ Công Định với “Trinh thám bắt ma, Người trăm mặt”…

Dịch tác phẩm của Conan Doyle có Nguyễn Thị Huỳnh dịch “Sỹ Lộc cô tiên” do Đông Tràng in năm 1933 dày 12 trang; dịch của Naurice Leblance thì có “Cái nhẫn kim cương”, Tam Hữu xuất bản 1935 do Lý Ngọc Hương dịch và “Kho bí mật” do Tế Xuyên dịch 1935.

Sau thời kỳ đầu dịch các tác phẩm trinh thám từ Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ thì các nhà văn Việt Nam cả hai miền đều đi viết truyện trinh thám, tuy nhiên các truyện viết thời kỳ này thường ngắn, tình tiết đơn giản và thiên về hành động, những tác phẩm thời kỳ này phải kể đến “Người mệt mỏi” của Nguyễn Đức Huy, Thủy Ký in năm 1927; tác giả Cuồng Sĩ với “Ai giết quan tòa”, “Hẹn giờ chết”, “Đấm chết tươi” in trong năm 1929 do Tân Dân Thư Quán 1929; “Đời cha phải trả” của Liễu Thanh Bần… trên hết là tác giả Nguyễn Ngọc Cần, ông có tới gần 10 tác phẩm như “Mũi tên thù”, Nam Mỹ xuất bản 1933; “Người nấu xác”, “đàn âm binh”, “Sao băng”, “Xông phá”. Nhưng chỉ đến khi Thế Lữ và Phạm Cao Củng tham gia văn đàn thì truyện trinh thám ở miền Bắc mới có sự phát triển vượt bậc với những tinh tiết ly kì, bí ẩn, đánh lạc hướng độc giả và nhuần nhiễm tinh tế trong văn chương.

Tác phẩm tiêu biểu của Thế Lữ có: “Gói thuốc lá”, “Mai Hương và Lê Phong”, “Đòn hẹn”, “Lê Phong Phóng Liên”, các truyện này viết trong khoảng thời gian 1937-1940, truyện của ông chịu ảnh hưởng của Edgar  Allan Poe.

Phạm Cao Củng viết truyện trinh thám từ năm 1936 đến năm 1951 với gần 30 truyện trinh thám, thời kỳ sung sức nhất của ông là từ 1936-1944 ông viết đến gần 20 tác phẩm, trong đó tiêu biểu là “Vết tay trên trần, Kho tàng họ Đặng, Chiếc tất nhuộm bùn, Ba viên ngọc bích, Người một mắt, Kỳ phát giết người, Nhà sư thọt, Đôi hoa tai của bà chúa, Đám cưới kỳ phát…”

Ngoài ra thời kỳ này còn có Bùi Huy Phồn với “Gan dạ đàn bà, 1942”, Mối thù truyền kiếp”, 1942 và “Tờ di chúc”, 1943…

Ở miền Nam sang giai đoạn sáng tác thì nổi lên có nhà văn trinh thám Phú Đức, Bửu Đình, Sơn Vương và Nam Đình Nguyễn Thế Phương.

Phú Đức tên thật là Nguyễn Đức Nhân với “Bộ tiểu thuyết trinh thám hành động đồ sộ gần 2000 trang là “Chân về hiệp Phố - Lửa Lòng” in năm 1928 nhà in Xưa –Nay Sài Gòn; “Tôi có tội”, “Tiếng súng trong mưa”; “Ngôi nhà bí mật”

 “Lửa lòng” 4 tập của Phú Đức in năm 1928 ở nhà in Xưa-Nay Sài Gòn

Nhà văn Bửu Đình tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đình sinh năm 1898 tại Huế, ông là một nhà hoạt động cách mạng nên bị Pháp bắt giam đày đi Côn Đảo, ở đây ông đã viết “Mảnh trăng thu”, 1930 và “Cậu Tám Lọ”, 1931 đếu là truyện trinh thám, ông đã nhờ một người nữ y tá của đảo gửi về và in ở Sài Gòn.

Nhà văn Sơn Vương là tướng cướp bị bắt đày ra Côn Đảo và đã có một thời gian ngắn làm chúa đảo vào năm 1945, ông có một số truyện trinh thám như “Bát cơm chan máu”, 1929; “Phản bạn vì tình”, 1930; “Lửa rừng xanh”, 1930; “Tướng cướp hào hoa”, 1931. Người thứ 4 là Nam Đình Nguyễn Thế Phương tác phẩm của ông cũng giống như của Phủ Đức là in dài kỳ trên báo sau đó mới tổng hợp in thành sách. Những tác phẩm nổi tiếng của ông là: “Túy Hoa Đình, 1930”, “Chén thuốc độc”, 1932”, “Lửa phiền cháy gan”, 1934; “Tội của ai”, 1938.

Các tác phẩm của 4 tác giả này đều là trinh thám hành động, phiêu lưu, tình tiết đơn giản, nhân vật chính hành động đúng đạo lý, trọng danh dự, luôn thể hiện sự cứu khốn phò nguy nên được ưu chuộng thời bấy giờ.

Có thể nói đây là giai đoạn truyện trinh thám Việt Nam phát triển rực rỡ nhất với nhiều tác giả, họ hầu hết bị ảnh hưởng của truyện kiếm hiệp Tàu, của Edgaz Poe, Conan Doyle và Maurice Lablance, những tác giả đã có ảnh hưỡng trên toàn thế giới.

 

II/ Giai đoạn 1945 – 1975

1/ Từ năm 1945 đến 1954

Sau cách mạng tháng 8/1945 nền văn học Việt Nam bị chững lại, do vậy văn học trinh thám cũng chịu chung số phận. Các tác giả trinh thám miền Bắc một phần theo cách mạng, một phần di chuyển vào Nam và một phần lớn thì ở lại vùng tạm chiếm.

Nhà văn Thế Lữ, Bùi Huy Phồn đi theo cách mạng và đã không viết truyện trinh thám nữa mà chuyển sang lĩnh vực viết phục vụ nhiệm vụ chính trị của cách mạng. Riêng nhà văn Phạm Cao Củng sau một thời gian ngắn làm tình báo cho các mạng đã bỏ vào Hà Nội bị Pháp tạm chiếm. Tại đây ông đã viết thêm 5,6 bộ tác phẩm trinh thám mới nữa là: “Hai người lên móng chém”, Huyền Nga 1950; “Người chó sói”, Huyền Nga 1950; “Vụ án mạng Thứ sáu”, “Tiếng giày trong sương mù”, Chiếc gối đẫm máu” in năm 1951 do nhà in Việt Nam Mới XB. Và gần chục tiểu thuyết tâm lý xã hội khác. Sau năm 1954 ông di cư vào Sài Gòn và gần như không viết nữa. Trong thời gian đó ở Sài Gòn, tác giả Tô Nguyệt Đình (Nguyễn Bảo Hóa) có hai tác phẩm nổi tiếng  là “Bộ cà sa nhuộm máu, Tấn Phát 1952” và “Bức địa đồ Máu” cũng 1952. Ngoài ra cũng có một số tác giả khác như: Yến Nhi với “Chung dòng máu hận”; Hùng Phong với “Trời tình bể hận”; Tường Quang với “Đảng ó đen” …

2/ Giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Bắc

Truyện trinh thám dạng tình báo in đầu tiên ở Miền Bắc là vào năm 1956 với cuốn “Đội thiếu niên thành Huế”, NXB Thanh niên của tác giả Văn Tùng. Cuốn sách chỉ có 64 trang nói về hoạt động tình báo của đội du kích thiếu niên Tp. Huế mà tác giả là thành viên. Sang năm 1957 hai tựa dịch của nhà văn Liên Xô là cuốn “Con đường nguy hiểm”, NXB thanh niên 1957 của tác giả Vasili Acgamtski do Hà Ngọc dịch dày 161 trang; cuốn thứ 2 cùng một tựa do hai NXB dịch và in là cuốn của NXB Kim Đồng có tựa “Sự bí mật về bản đồ kế hoạch của Ku – Lốp” do Phan Tuyên dịch dày 38 trang của tác giả Nicola Tôman. Cũng cuốn này nhà NXB Thanh niên dịch tựa là “Sự bí mật về bản thiết kế của kỹ sư Cô – Lốp” do Phạm Đình Nhâm dịch dài 47 trang cùng khổ 19x13 cm, tựa của NXB Thanh niên chuẩn xác hơn vì nội dung nói về việc tình báo nước ngoài định đánh cắp bản thiết kế vũ khí mới của kỹ sư Cô – lốp”.

Sang năm 1958 có tác phẩm “Tên gián điệp 018” của Cao Phòng (Trung Quốc) do Khắc Thế dịch, NXB lao động in. Đáng chú ý nhất là tác phẩm “Người tình báo vĩ đại” tác giả Ôvalốp, NXB Quân đội nhân dân 1959 do Trọng Phan và Hà Bắc dịch trên bản tiếng gốc tiếng Nga. Sang năm 1960 bộ “Nam Tước Phôn Gôn -  rinh” cũng của hai dịch giả này được NXB Thanh Niên in làm ba tập. Có thể nói hai bộ sách này là bộ trinh thám tình báo hay nhất thời trước 1975 và được tái bản nhiều lần. Cũng năm 1960 NXB Thanh niên còn có “Đội cận vệ Thanh niên” của Phađêep do Bùi Hiển dịch từ bản tiếng Pháp. Ở giai đoạn này truyện tình báo chủ yếu là dịch của Liên Xô đã làm say mê người đọc cũng như những cuốn in sau như “Hầm bí mật bên bờ sông en-bơ” 1961; “Chiến dịch hổ phách”, 1972; “Nhiệm vụ mật”, 1973, “Vũ khí bí mật”, 1974, .

Sách tình báo Việt Nam mở đầu là NXB Thanh niên in của tác giả Văn Tùng với “Đội thiếu niên thành Huế năm 1956”. Mãi năm 1962 tác giả Đoàn Giỏi, một nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc đã viết “Cuộc tuy tầm kho vũ khí” do NXB Kim Đồng in. Đây thật sự là một tác phẩm trinh thám thiếu nhi hay, đặc sắc với tình tiết hội hộp, gay cấn và rất nhân văn có sức lôi cuốn bạn đọc nhỏ tuổi và người lớn. Sau “Đất rừng phương nam” thì đây  là một tác phẩm lớn của Đoàn Giỏi.

Năm 1964 tác giả Phạm Thắng với ”Đội tình báo Thiếu niên” do Sở văn hóa Thông tin Hà Nội 1964 và tái bản 1967, cùng với “Đội thiếu niên thành Huế năm 1956” hai cuốn này viết chưa thật tốt, mới chỉ mang tính kể chuyện, không đi vào chi tiết hồi hộp gay cấn. Năm 1966 “Cất vó” của Đặng Thanh, NXB QĐND; 1967 “Mũi tên 17”  của Thanh Đạm, NXB Lao động. Tác phẩm “Cất vó” đã được in nhiều kỳ trên báo Thời Mới từ năm 1960 và đây là một tác phẩm đặc sắc nói về công tác chống gián điệp Pháp tại căn cứ địa Thanh Hóa thời chống Pháp. Viết về chống gián điệp Mỹ - Ngụy thì có “Chiếc cặp da đen” của Đỗ Như Chung, Lao Động 1971; “Thiếu tá đặc nhiệm” của Lê Ngọc Quỳ NXB Lao động 1973, “Nhóm rắn lục” QĐND 1971 của Văn Phan là những tác phẩm hay nhất thời kỳ này. Đến tháng 12/1973 NXB Kim Đồng có “Những dấu vết còn lại” của tác giả Pa-ven Vê-gi-nốp người Bun ga ri do Dương Linh dịch, tác phẩm kể về một nhóm thiếu nhi bằng sự quan sát tinh tế với nhiều sự mưu trí dũng cảm đã theo dõi và phát hiện ra nhóm tình báo của kẻ địch đã cuốn hút các độc giả nhí hồi đó.

3/ Trinh thám miền Nam từ 1954 – 1975

Trong thời gian này ở miền Nam nổi lên dịch giả đồng thời là tác giả Hoàng Hải Thủy, ông đã viết tới gần 40 tác phẩm trong đó có hơn một nửa là trinh thám gián điệp. Ngay năm 1954 ông đã có “Đầu người trong hang máu”, “xác ma giết người”, các năm sau có: “Nổ như tạc đạn” (phóng tác 1964), “Vụ án họ Trịnh” (phóng tác 1967), “Hồng Loan Ngọc Loan” (tiểu thuyết gián điệp 1968) và bắt đầu từ năm 1970 ông dịch toàn bộ tác phẩm về điệp viên 007 của Iam Fleming như: “Bẫy yêu”, 1970, “Không tìm thấy mộ”, “Đường bay định mệnh”, “Cửa địa ngục”, “Gã no”, “Phục vụ Nữ hoàng”, “Công tác Đại K”, “Màu đen vàng đỏ” và Hàng chục cuốn sách trinh thám phóng tác và phỏng dịch khác.

Từ khi tiểu thuyết gián điệp 007 ra đời thì Người Thứ Tám với tên thật là Bùi Anh Tuấn đã sáng tác tới 50 đầu sách về điệp viên Z28 phỏng theo điệp viên 007 của Ian Flemiinh như “Núi đá tiên tri” (1965), “Phù tang nổi sóng” (1966), “Vạn trượng khói lửa” (1966), “Z28 Buôn lậu súng” (1966), các năm sau mỗi năm ra mất cũng từ 4 – 5 tựa như: “Bà chúa thuốc độc” (1967) “Máu loang Chùa Tháp” (1967), “Vệ nữ đa tình” (1968), “Bóng ma trên quảng trường đỏ” (1969)… ông viết đến tận năm 1975 mà cuốn cuối cùng ông được in trước 5/1975 là “Tây Ban Nha 200 tấn vàng đẫm máu”.

Ngoài ra, một số tác phẩm về điệp viên OSS 117 của tác giả Jean Bruce người Pháp một loại điệp viên 007 của Pháp cũng được dịch in như: “Gặp nữ phản gián Nga” (1967); “Bẫy tình và lưới nhện”, “Máu nhuộm vàng đen”, “Sứ mạng trong quan tài”, “Điệp vụ Thiết Huyền”.

Nhà văn Ngọc Sơn có bút danh Phi Long sau năm 1954 cũng chuyển sang viết truyện trinh thám như “Bàn tay  máu”, 1961; “Hoàng Mộng Ngọc”, 1961; “Thám tử Trần Minh”, 1962.

Viết trinh thám cho thiếu nhi nổi bật có tác giả Vân Ảnh với “Đông Sao Đen”, “Đe dọa dưới đáy biển”, “Cướp kim cương”… và tác giả Minh Quân tiêu biểu với: “Kẻ lạ mặt trên bến cảng”, 1974; “Trên đường tìm ngọc”, 1974; “Tên tài xế Suzuki lý tưởng”, 1969 và chuyện dịch “Ngục thất giữa rừng già”, 1970. Hai tác giả này chủ yếu in trên NXB Đồng Nai trong mục sách đỏ hồi đó. Hồi đó còn có NXB Thuy, Tuổi Hoa và một số NXB khác có những truyện rất hay như “Bóng tàu ma”, “Bài thơ kinh dị”, “Vũ khí bí mật”…

Thời đó, nhiều người cũng ca ngợi Nguyễn Ngọc Tú với bút danh Ngọc Thứ Lang, trước khi dịch “Bố Già” và “Đất Tiền Đất Bạc” của tác giả Mario Puzo ông cũng dịch một số cho nhà in Sao Đen, nhà in Trí Dũng và một số nhà in khác nhưng không để lại dấu ấn nổi bật, chỉ khi dịch “Bố già” thì tên tuổi của ông mới nổi tiếng do bản dịch của ông dịch thoát, dùng đúng ngôn ngữ của giới giang hồ và xã hội đen hồi đó ở Sài Gòn.

Ở miền Nam trước 1975 còn một số tác giả trinh thám khác nhưng không nổi tiếng bằng các tác giả đã nêu trên như: Nguyễn Mai với “Nữ thám tử”; Lương Nhân với “Vụ bắt cóc”; Thanh Châu với “Kẻ sát nhân vô tội”; Hữu Tiếu Thiên với “Điệp vụ đường dây Hoa lục”, “Chiến công của một xác chết (dịch)”, “Bí mật F115”…

Tất cả họ đã tạo nên một bức tranh truyện trinh thám đủ loại từ hình sự, vụ án đến gián điệp, truyện của các tác giả miền Nam thường đơn giản về tư duy nhưng giàu hành động, nhiều ái tình và kinh dị phù hợp với tầng lớp thị dân bình dân và trung lưu phục vụ cho mục đích giải trí là chủ yếu.

 

III/ Giai đoạn từ 1975 – đến nay

1/ Giai đoạn 1975 – 2000

Mảng thứ nhất: Tình báo viết về nhân vật có thật

Trong 25 năm đầu này sách trinh thám Việt Nam tập trung vào phản ánh công tác trình báo, phản gián về cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa kết thúc và công tác truy tìm, bóc phá các tổ chức phản động của Mỹ và Trung Quốc.

Mà nổi bật nhất là tác phẩm “X30 Phá Lưới” của Đặng Thanh in dài kỳ trên báo SGGP từ 1975 và được in thành sách năm 1976, cuốn sách nói về tình báo viên Phan Thúc Định được cài vào hoạt động trong bộ máy đầu não của chính quyền Ngô Đình Diệm ngay từ những ngày đầu của chính quyền đó. Tác giả Đặng Thanh sau thành công của “X30 Phá Lưới” ông tiếp tục cho ra một series tình báo thời chống Pháp từ tư liệu của ông – một cán bộ phụ trách lãnh đạo và tổ chức nhiều các điệp vụ tình báo, phản gián như: “Lần theo chuỗi hạt, Tấm bản đồ bị thất lạc, Lá thư vĩnh biệt của Jacoveline, Điệp viên Saochampa, Chuyện tình X32, Đọ sức, Một chiến công chưa trọn vẹn…”

Một bộ trường thiên tình báo rất nổi tiếng của Nguyễn Trương Thiên Lý - Trần Bạch Đằng là “Ván bài lật ngửa” gồm 6 tập ra mắt từ 10/1985 – 11/1988 do NXB Tổng hợp Hậu Giang cũng đã gây tiếng vang lớn, để lại dấu ấn đậm nét cho nền Văn học Cách mạng Việt Nam, tác phẩm viết về sĩ quan tình báo Nguyễn Thành Luân lấy hình mẫu nhà tình báo có thực Phạm Ngọc Thảo.

Cũng mảnh tình báo viết về người thật rất nổi tiếng là bộ tác phẩm 3 tập “Ông cố vấn” của Hữu Mai do NXB QĐND in tháng 2/1989 viết về nhà tình báo Hai Long tên thực là thiếu tướng tình báo Vũ Ngọc Nhạ, người làm cố vấn cho tổng thống Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu là chỉ huy cụm tình báo A22, hoạt động ngay trong bộ máy Trung ương của chính quyền Sài Gòn.

Nói đến Vũ Ngọc Nhạ thì không thể không nhắc đến anh hùng tình báo Lê Hữu Thúy (Phó của Vụ Ngọc Nhạ, cụm tình báo A22) ông là tác giả của bộ “Điệp viên giữa sa mạc lửa” với bút danhh Nhị Hồ đã in tập 1 năm 1987, tập 2 1988 và tập 3 1995. Bộ sách gần như tập hồi ký một phần đời hoạt động tình báo ông.

Và tác phẩm trinh thám tình báo hư cấu thời kỳ này thì nổi bật là bộ trường thiên của Nguyễn Sơn Tùng, bộ “Hoa Hồng trắng”, Lao Động 1975; “Miền đất lạ”, Lao động 1977; “Viên đạn ngược chiều”, An Giang 1986; “Một mình nơi đất khách”, An Giang 1988 viết về chiến sĩ tình báo Bảo Trung hoạt động tình báo trong cơ quan tình báo của Pháp mà địa bàn hoạt động từ miền Bắc Việt Nam đến miền Nam, qua Nhật Bản và sang Pháp. Tác giả Vũ Thư Hiên cũng có bộ “Khúc Quân hành lặng lẽ” gồm 4 tập cho NXB Hà Nội in từ năm 1981 – 1985 và bộ “Sao đen” 5 tập của Triệu Huấn, NXB CAND in từ 1986 đến 1992 và một số tựa tình báo khác của ông.

Đến năm 1986, đất nước đổi mới tháo xiềng cho văn học thì truyện trinh thám lại được dịp nở rộ nhiều người tham gia viết truyện trinh thám. Mảng tình báo tư liệu thì thật sự phong phú nhiều nhà tình báo theo gương của Đặng Thanh, Nhị Hồ đã viết hoặc đặt viết truyện về đời hoạt động tình báo của mình như nhà tình báo Nguyễn Văn Tào có: “Bến Dược vùng đất lửa, 1995”; “Sài Gòn Mậu Thân 1968, 1990”; “Nước mắt ngày gặp mặt, 1989”; “Hoàng hôn trên chiến trường”. Nhà tình báo Nguyễn Văn Ngọc có “Điệp viên nhẩy dù thành giám đốc công an Trung Bộ” 1988; “Tôi đi làm tình báo”, của Bà Đinh Thị Vân 1987; “Đen vỏ đỏ lòng”, 1987 và “Cơm đen” 2 tập, 1990 của Mai Thanh Hải.

Nhà văn Văn Phan tên thật là Phan Văn Thẩm với thế mạnh là nhà văn công an nên đã khai thác được hàng loạt tư liệu để có những tác phẩm như: “Đội công an số 6”, 1995, “Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot Amville”, 1995; “Đoàn mặt vụ của Ngô Đình Cẩn”, 1989.

Nhà báo quân đội Nguyễn Trần Thiết cũng được phép tiếp cận nhiều tư liệu tình báo nên thời kỳ này cũng có những tác phẩm đáng chú ý như: “Dọc ngang trong lòng địch”, 1989; “Điệp viên 04”, 1984  ; “Người giao liên tình báo”, 1982; “Chuyện kể anh Năm Mộc”, 1982; “Gia đình biệt động”, 1983; “Nữ tướng Fulro”, 1988; “Viên chuẩn tướng”, 1989; “Ông tướng tình báo và hai bà vợ”, 1994.

Mảng thứ hai là truyện trinh thám bình dân được nhiều người viết hầu như không để lại ấn tượng gì, riêng có bộ sách phỏng theo Z28 của Trọng Nhân viết về điệp viên Hùng Phong với hơn 20 tựa là khả dĩ đọc được như; “Biệt độ đen, Cánh chim đen, Vết thù, Cuộc chơi, Ngàm cá mập, Bóng đen, Buôn thần chết, Lưới thù…” đền in làm hai tập vào những năm 1992 – 1994.

Mảng thứ ba là mảng truyện  cảnh giác viết về chống gián điệp Trung Quốc, loại này chủ yếu để phục vụ tuyên truyền cảnh giác với gián điệp của bọn bành trướng Trung Quốc nên thiếu sự đầu tư về văn học chỉ chú trọng tuyên truyền cảnh giác như: “Những cuộc chiến đấu thầm lặng”, 1979; “Những lời thú tội”, 1983; “Lão thầy pháp và gã bán thuốc Sơn Đông”, 1983; “Bí mật trong khoảng rừng trống”, 1985; “Người phụ nữ mang nhiều tên khác nhau”, 1986; “Thoát khỏi vết sói”, 1988; “Giăng lưới”, 1988;… những cuốn sách này thường mỏng trên dưới 100 trang.

Mảng thứ 4 là trinh thám dịch từ Liên Xô vẫn là mảng sách được ưa chuộng, nổi bật nhất trong giai đoạn này là: “Mười bảy khoảng khắc mà Xuân”, 1979 của I.u Xê- mi –ô- nốp cùng các phần tiếp theo là “Lệnh phải sống”, 1986, 2 tập; “Bành trướng T1”, 1987 (chỉ ra được một tập). Tác giả này còn có “Trung tâm báo chí”, 2 tập, 1987; “Nhà số 6 phố Ô-ga-ri-ê-va”; “Đối địch”.

NXB Thanh niên ra tiếp phần 2 của Nam tước “Phôn Gôn-rinh’ là “Bên những hiệp sĩ áo đen:, 2 tập, 1982. Ngoài ra còn hàng chục cuốn tình báo, phản gián của Liên Xô được in, đáng chú ý nhất là “Sợi chỉ mỏng manh, tiến bộ Maxcova 1976, NXB Lao động in lại 1984 và “Thanh kiếm và lá chắn” 4 tập do NXB Văn nghệ in 1982 – 1983.

Đều là những tác phẩm hay có nhiều người tìm đọc.

Mảng sách thứ 5 là văn học trinh thám dịch của Mỹ, Anh, Pháp.

Của Mỹ thì hay nhất là bộ sách của tác giả Stanley Gardner tới hơn hai chục cuốn viết về nhân vật chính là luật sư Perry Mason cùng cô thư ký Della Street của mình và thám tử tư Paul Drake phá các vụ án thông qua phòng xử án. Bộ sách này thật sự gây sốt với cuốn đầu tiên là “Nhân chứng một mắt”, NXB Pháp luật 1986 sau đó nhiều NXB khác nhẩy vào khai thác và đến năm 1995 NXB Công An chốt lại việc xuất bản này bằng cuốn “Cây nến nghiêng”.

Cũng nhà văn Mỹ, các nhà xuất bản đã khai thác tác giả Sidney Sheldon bắt đầu là “Nếu còn có ngày mai”, NXB văn nghệ 1989 và đến năm 1999 cuốn “Kế hoạch hoàn hảo”, NXB Văn học là cuốn cuối cùng trong gần 20 cuốn của tác giả này in trong những năm cuối thế kỷ XX.

Và tác giả John Grisham, sinh năm 1955 là một nhà văn, luật sư, chính trị gia, và nhà hoạt động người Mỹ nổi tiếng với các tác phẩm thuộc thể loại ly kỳ liên quan tới luật pháp. Sách của ông đã được dịch sang 42 thứ tiếng và xuất bản toàn thế giới, nên ngay từ năm 1993 NXB Thanh Hóa đã in “Công ty rửa tiền”, 1994; NXB Đà Nẵng in “Báo cáo bồ nông” sau đó các nhà XB khác đều in.

 

Tác giả Pháp thì các NXB đã chọn Georges Simenon từ năm 1986 với cuốn “Đám tang ông Bouvet”, NXB An Giang và chỉ trong 5 năm series về Thanh tra Megre của Simenon đã được các NXB khai thác xong. Đây có thể nói là tác giả trinh thám cổ điển viết bằng tiếng Pháp hay nhất, tác phẩm ông đầy chất nhân văn, không có bạo lực, các tình tiết logic và giàu văn hóa.

Tác giả người Pháp cuốn hút độc giả còn có series của nhà văn Maurice Leblance viết về tên trộm hào hoa, phong nhã giàu lòng trắc ẩn là Acxen Luypanh như: “Hòn đảo 30 chiếc quan tài”, NXB Đà Nẵng 1988, “Tình yêu qua thù hận”, NXB Thuận Hải 1989 và sau đó cũng hơn 10 cuốn của tác giả đã xuất bản trước năm 2000.

Tác giả người Anh thì các NXB tập trung vào nữ Hoàng trinh thám Agatha Christie mà tác phẩm đầu tiên được in là “Vụ giết người trên sân gôn”, NXB TDTT 1986 và đến năm 1996 cuốn “Rượu sâm banh sóng sánh” là cuốn cuối cùng trong series 20 cuốn của tác giả nữ hoàng trinh thám này kết thúc lần in đầu ở Việt Nam, sau 1975.

Một nam tác giả người Anh chuyên viết về các vụ án ở Mỹ là J.H.Chase được các NXB  Long An in cuốn đầu tiên vào năm 1988 là cuốn “Kinh cầu hồn cho ai” và đến tháng 11/1995 là kết thúc đợt đầu gần 30 cuốn mà cuốn cuối cùng là “Trở về từ cõi chết”, NXB Lao Động 1999. Ngoài các tác giả chuyên nghiệp này còn hơn 100 tác giả nước ngoài đã được dịch ở Việt Nam. Đáng chú ý là tác giả Hà Lan Robert Van Gulik với series “Địch công kỳ án” 16 cuốn cũng được NXB Pháp Luật in năm 1988 là “Thi nhân và sát nhân”, cuốn cuối cùng là “Viên ngọc của hoàng đế, Lao động 2000.

Tác giả Conan Doyle với bộ “Những cuộc phiêu lưu của Sherlock Holmes”. Đầu tiên bộ này in làm 3 tập tại NXB VHTT Lâm Đồng năm 1985, nhóm dịch giả gồm Phạm Quang Trung và 9 người khác. Sau đó NXB Lâm Đồng cùng một số NXB khác chẻ nhỏ in thành nhiều tập mỏng, NXB VHVN TPHCM thì in thành bộ 12 cuốn vào năm 1995 và tái bản 1999.

Đầu những năm 1980 bộ phim “Một mình chống lại Mafia” của Ý gây sốt trên truyền hình, sau khi phần 1 và 2 của bộ phim kết thúc thì tháng 6/1987 NXB Kiên Giang đã xuất bản cuốn truyện “Con bạch tuộc,2 tập”, 6/1987 và phần 2 “Một mình chống Mafia” cũng 2 tập vào tháng 12/1987.

Mảng sách thứ 6 cũng rất đặc sắc đó là truyện trinh thám mà nhân vật chính điều tra vụ án là một nhóm thiếu nhi say mê làm thám tử với hàng chục cuốn của NXB Kim Đồng và của NXB Trẻ.

Đầu tiên là bộ “Tứ Quái TKKG”, tác giả Stefan Wolf người Đức, NXB Kim Đồng in, Vũ Hương Giang và Bùi Chí Vinh dịch, bộ gồm 70 cuốn, cuốn đầu tiên ra mắt 6/1994 và cuốn 70 kết thúc vào 6/1996. Bộ sách nói về 70 vụ án do nhóm Tứ Quái TKKG gồm Tarzan biệt danh”người hùng”, Karl biệt danh “máy tính”, Kloesen biệt danh “Tròn Vo” và cuối cùng là cô gái Gaby biệt danh “Công Chúa” điều tra và phá án với sự giúp đỡ về nghiệp vụ của cảnh sát.

Bộ thứ 2 có tựa là “Sáu người bạn đồng hành và…” gồm 42 tập của tác giả người Pháp Paul-Jacques Bonzon do Phạm Anh Thư dịch do NXB Kim Đồng in, tập 1 vào 9/1996 và tập 42 kết thúc vào 7/1997 nội dung cũng giống như bộ Tứ Quái là 6 người bạn trẻ cùng con chó Kali của họ phá 42 vụ án trộm cắp.

Bộ thứ 3 do NXB Trẻ có tên là “Ba chàng thám tử trẻ” hay “Vụ bí ẩn” cuốn đầu tiên là “Ba vụ bí ẩn” được in 8/1997 do Đài Lan dịch, bộ này đã ra mắt tới 50 cuốn nhưng vì không ghi thứ tự từng cuốn nên không biết chính xác đã in được bao nhiêu cuốn. Nội dung kể 3 thám tử nhỏ tuổi đã cùng Alfred Hitchock điều tra các hiện tượng kỳ bí.

Ngoài ra hai NXB này còn hàng chục đầu sách trinh thám thiếu nhi khác như “Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt” của Phạm Thắng, 1976 ; “Đội du kích thiếu niên thành Huế” của Văn Tùng, 1976.

Mảng thứ 7 – trinh thám kiếm hiệp

Tuy không nhiều nhưng thật sự thú vị với bộ sách điều tra phá án mang màu sắc kiếm hiệp của Cổ Long. Thời kỳ này chủ yếu là sách in không chính thức với nhiều tập  mỏng chữ in to, trong đó tiêu biểu là bộ “Lục Tiểu Phụng” (Tiền chiến, hận chiến) và bộ “Lưu Hương đạo Soái” là những bộ nổi tiếng, đặc sắc nhất truyện nói về tài phá án của Lục Tiểu Phụng, của Sở Lưu Hương. Ngoài ra còn có bộ “Biên thành lãng tử”, “Lưu tinh Hồ Điệp” và “Ma Đạo Thẩm Thăng y truyền kỳ” đều in từ năm 1989 – 1994.

 

IV/ Giai đoạn 2000 đến nay

Mở đầu thế kỷ 21 việc xuất bản truyện trinh thám chủ yếu là tái bản các tác phẩm của tác giả đã in từ 1975 đến 2000 như tái bản bộ “Sao đen: của Triệu Huấn (năm 2000), của tác giả Christic Agatha, James Chase, Sheldon Sidney, Conan Doyle, Eric Gardnes, Georges Simonon của các NXB Công an, Hội nhà văn, Hà Nội QĐND.

Tác phẩm mới đáng chú ý là “Phạm Xuân Ẩn tên như cuộc đời” của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải viết về nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn của NXB Công An 2002 mở đầu cho một loạt tác phẩm viết về ông, đó là “Phạm Xuân Ẩn”, NXB Thế giới 2004 của tác giả Hoàng Hải Vân; “Người im lặng”, QĐND 2005 của Chu Lai; “Một người Việt Nam thầm lặng”, NXB Thanh Hóa 2006; “Điệp viên hoàn hảo”, Thông tấn 2007 của tác giả người Mỹ Beman Lary; “Điệp viên Z21” Nhã nam 2014 của Bass Thomas; đã tạo nên cơn sốt trong người đọc.

Năm 2005 người hâm mộ lại chấn động với sự ra mắt tác phẩm “Mật mã Da Vinci” NXB Văn hóa-Thông tin của tác giả người Mỹ Dan Brown và cũng từ đây độc giả luôn chờ đón các tác phẩm của ông một cách hào hứng, mong ngóng đó là “Thiên thần và ác quỷ” VH-TT 2007; “Pháo đài số” VH-TT 2006; “Điểm dối lừa VH-TT 2006; “Biểu tượng thất truyền” Hội nhà văn 2010; “Hỏa ngục”, Thời đại 2014 và gần đây là “Cội nguồn” NXB Lao động 2018.

Tháng 7/2004 Việt Nam ra nhập công ước Berne về quyền tác giả thì các công ty truyền thông tư nhân liên kết xuất bản với các nhà xuất bản quốc doanh ra đời hàng loạt, chính họ đã đi tìm kiếm các tác phẩm hay, mới, có giá trị văn học để mua, dịch và liên kết với các NXB của nhà nước để in ấn phát hành như công ty Nhã Nam, Quảng Văn, Cổ Nguyệt, Huy Hoàng, Bách Việt Đông A, Alpha Book, Văn hóa Sài Gòn, Minh Book, Phuc Minh Book…

Đi đầu liên kết XB là Nhã Nam, họ thành lập từ năm 2005 nhưng tính đến nay họ là công ty ra mắt nhiều sách trinh thám nhất và có chất lượng như “Hoa Hồng Máu, Gọi tên là kẻ chết, Con lắc Pencault, Kẻ thù… Nhã Nam cũng là người đi đầu khai thác các tác giả trinh thám Nhật là tác giả Suzuki Koji, Higashino Keigo và tác giả Pháp Guillaume Musso, tác giả Mỹ gốc Anhh Lee Child… đều là tác giả có số lượng sách bán chạy trên thế giới.

Năm 2014 giới hâm mộ trinh thám rất vui khi chào đón sự ra đời của Phuc Minh Book, một  công ty sách chú trọng đến việc xuất bản sách trinh thám và sách cho trẻ nhỏ, qua gần 5 năm phát triển Phúc Minh đã đem đến cho độc giả nhiều tác phẩm hay như bộ “Pháp y Tần Minh”, “Trong tầm ngắm”, “Câm lặng”, “Lửa hận” và các bộ “14 ngày kinh hoàng” của Ninh Hoàng Nhất “Nhật ký săn đuổi tội ác” của Nhạc Dũng và Phuc Minh Book cũng quay về dịch, in các tác phẩm trinh thám cổ điển như bộ “Thám tử Kỳ Phát” 6 cuốn của Phạm Cao Củng; bộ “Địch Công kỳ án” 16 cuốn của Robert Van Gulik; “Hồ sơ số 113”; “Tội ác ở Orcval”, những tác phẩm nàycó nội dung đặc sắc, bản dịch khá và hình thức đẹp do Phúc Minh cũng chú trọng về hình thức của bản in. Gần đây Phuc Minh đã ra 5 tác phẩm trong series của tác giả Cornell Woolrich, một nhà văn cổ điển Mỹ có cách viết luôn kích thích trí tò mò của người đọc, bằng cách tạo ra tấm màn bí ẩn bao quanh hung thủ. Đôi khi hung thủ mới là điểm nhấn của tác phẩm chứ không phải là thám tử phá án đã làm dân nghiền trinh thám phát sốt và ngóng chờ bản in mới..

NXB Phụ Nữ một nhà xuất bản quốc doanh gần đây rất chú trọng việc nâng cao chất lượng truyện trinh thám. Từ 2010 đến 2012 NXB Phụ Nữ đã in bộ “Cô gái có hình xăm Rồng”, “Cô gái đùa với lửa”, “Cô gái chọc tổ ong bầu” của tác giả người Thụy Điển Stieg Lasson, đến năm 2016 bộ sách đã tái bản 5 lần hiện nay NXB Phụ nữ vẫn tiếp tục khai thác phần tiếp theo của bộ sách là “Cô gái trong mạng nhện” với dịch giả Hoàng Anh.

Đề tài trinh thám Bắc Âu có chất lượng và chưa được khai thác thì NXB Phụ Nữ đi tiên phong. Trong năm 2017- 2019 Phụ Nữ đã ra mắt ba tập của tác giả Dolores Redondo người Tây Ban Nha cũng là một bộ rất đặc sắc. Bên cạnh đó Phụ Nữ cũng ra bộ của tác giả Carrisi Donato là tác gỉa người Ý gồm “Kẻ nhắc tuồng” (đã tái bản 3 lần) và “Người ru ngủ”, 2014 cũng tái bản hai lần, cả hai đểu do dịch giả Hoàng Anh dịch.

NXB trẻ đáng chú ý nhất là bộ 3 cuốn của tác giả Robert Gallarathe (là một bút danh của J.K.Rowling) gồm “Con chim khát tổ, Con tằm, Ác nghiệp” cũng rất hay nhưng rất tiếc là độc giả ít quan tâm do giá sách quá cao.

Một tác giả người Mỹ Jeffery Deaver là tác giả được vinh danh có sách bán chạy nhất thế giới đã được Bách Việt in từ năm 2011 đến nay đã ra được 15 cuốn viết về cuộc đấu trí giữa hai cảnh sát Lincoln Rhyme và Amelia Sachs và tội phạm để phá các vụ án cực kỳ ly kỳ và phức tạp, đây cũng là bộ sách hay và luôn được tái bản.

NXB Kim Đồng cũng luôn có các tác phẩm phục vụ độc giả nhí như bộ “Fantômas” hơn 30 tập, tập đầu có tên “Fantômas, người là ai” in 10/2002 và tập cuối cùng là “Hồi kết Fantômas” 6/2003; bộ “Thời niên thiếu của Sherlock Holmes”, 6 cuốn, 2012 và bộ tiểu thuyết 6 tập “Thám tử lừng danh Conan” 2014 cũng rất độc đáo.

Về tiểu thuyết tình báo hành động có bộ của tác giả David Baldacci người Mỹ, ông là bậc thầy với nhân vật người anh hùng đơn độc chiến đấu chống lại những thế lực đen tối. Cách tường thuật chậm rãi, từ tốn, cộng với cốt truyện có vẻ đơn giản, nhưng tiết lộ cuối cùng sẽ gây ngạc nhiên cho cả những người đam mê kịch tính nhất” đã được NXB Thời đại in 5 cuốn là “Bí mật núi sát nhân, Bộ sưu tập tội ác, Sát thủ lạnh lùng, Tay súng cuối cùng, Truy tìm sự thật” của và “Hoa hồng máu” của Nhã Nam 2016.

Về Kiếm hiệp trinh thám ngoài việc tái bản “Lưu Hương  đạo soái” thì NXB Hội nhà văn đã tin đủ bộ 7 tập “Lục Tiểu Phụng” và NXB Văn Nghệ Tp.HCM in bộ “Sở Lưu Hương tân truyện, gồm 9 tập” đều của tác giả Cổ Long. Đáng chú ý lần đầu tiên bộ “Thẩm Thăng Y truyền kỳ” gồm 15 cuốn của Hoàng Ưng do dịch giả Cao Tự Thanh dịch, NXB Văn hóa Sài Gòn xuất bản từ tháng 7/2009 đến cuối năm 2012, bộ sách kể về Thẩm Thăng Y một tay kiếm tài giỏi có tài điều tra các vụ án bí hiểm của giới võ lâm và bộ “Tứ đại danh bổ” của Ôn Thụy An NXB Trẻ 2006 kể về bốn bổ đầu nổi tiếng thiên hạ, dưới trướng của Gia Cát tiên sinh, được coi là hộ vệ của hoàng đế. Bọn họ bốn người bốn sở trường, bốn tính cách, nhưng đều là cao thủ trong việc truy bắt tội phạm, đã lập không ít công lao đã ra mắt độc giả. Hai bộ này đều có sức lôi cuốn độc giả.

Nhưng quãng thời gian này hầu như NXB nào cũng in trinh thám Trung Quốc, trong đó tác giả có tiếng vang nhất phải kể đến Lôi Mễ, Tử Kim Trần, Tang Thượng, Ninh Nhất Hàng, Tần Minh, Chu Văn Văn, Chú Hạo Huy, Sái Tuấn, Quỷ Cổ Nữ…

Thực tế trong khoảng thời gian này các công ty làm và xuất bản sách đã rất năng động, tìm tòi để có thể phục vụ độc giả những tác phẩm hay nhất ăn khách nhất nên độc giả là người hưởng lợi. Có thể nói chưa bao giờ sách truyện trinh thám lại phong phú như bây giờ, hay như bây giờ. Nhưng cũng thật đáng buồn, tác giả trinh thám Việt lại thật sự khiêm tốn. Ở giai đoạn này Nhà văn Nguyễn Trần Thiết cũng đã mang cho người đọc hai tác phẩm hay là “Người chửa hoang hạnh phúc” QĐND 2008 và đặc biệt là “Dương Văn Minh Tổng thống cuối cùng của chính quyền Sài Gòn” Văn hóa Thông tin 2011, tác phẩm cực kỳ đặc sắc với nhiều tư liệu quí viết về tình báo của ta tiếp cận và tác động lên Tổng thống Dương Văn Minh từ năm 1963 khi ông còn là Trung tướng đến khi kết thúc chiến tranh 30/4/1975.

Nhà văn Dili cũng chỉ có một số truyện trinh thám như Câu lạc bộ số 7, San hô đỏ, Điệu Valse.

Và một vài tác giả trẻ, già nhưng không để lại dấu ấn gì lớn.

 

V/ Kết luận

Truyện trinh thám vào Việt Nam từ đầu thế kỷ XX và ngay lập tức có sự lớn nhanh  về người viết và độc giả. Năm 1929 là năm có số lượng in đến 50 cuốn của 32 tác giả, nhưng tác giả lớn nhất chỉ có Thế Lữ và Phạm Cao Củng xuất hiện giữa những năm 1930.

Sang đến thời kỳ thứ 2 thì thoái trào đến thời kỳ thứ 3 thì phát triển mạnh có tới gần 100 tác giả và thời kỳ 4 (1975 – 2000) cũng vậy. Song đến thời hiện nay thì văn học dịch phát triển nhanh chóng với nhiều NXB, nhưng các NXB ít quan tâm đến tác giả trong nước nên văn học trinh thám Việt không phát triển được.

Tính đến thời điểm này trong tủ sách của tôi có hơn 5000 tựa sách trinh thám chắc chỉ bằng ½ so với thực tế thì cũng thấy VĂN HỌC trinh thám có sự lớn mạnh và độc giả ngày càng tìm đến với trinh thám và say sưa với nó. Thật vậy!

 

Đây là một bài viết rất cảm tính của tác giả, vì tác giả đơn thuần chỉ là một người đọc không phải là nhà nghiên cứu, phê bình nên đúng sai là chuyện thường tình.

Rất cám ơn bạn đọc đã dành thời gian xem và rất mong được trao đổi để hiểu biết thêm.

 

Các Bài viết khác