NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRẦN HOÀI DƯƠNG - TIẾNG HẠC BAY QUA.

( 11-05-2016 - 08:19 PM ) - Lượt xem: 1501

Văn của Trần Hoài Dương là như vậy, nhỏ nhẹ mà trong vời, như gió thoảng qua, tưởng chẳng có gì, thế mà với những ai đã cảm được văn ấy sẽ nhận được những suy nghĩ sâu sắc, sẽ thấy được một lẽ sống lớn của một tâm hồn lớn.

Thế là đã 5 năm qua rồi, kể từ một ngày hè nhà văn Trần Hoài Dương đã đột ngột ra đi. Dường như với những người thân quý đã không còn thể nào gặp gỡ trên trần gian, mình có thể được gặp lâu hơn trên những trang chữ còn lại, không phải gặp một lần mà là nhiều lần bởi được đọc kỹ hơn, đọc và nghĩ ngẫm để thấy ra những gì mà khi người ấy còn tại thế mình đã chưa kịp hiểu.

Khi cất bút viết bài này, trong tâm trạng của tôi chợt nhớ câu Kiều:

“…Trong như tiếng hạc bay qua

Đục như tiếng suối mới sa nửa vời…”

Thôi, cũng tạm dạo vài ngón đàn gửi tiên sinh nơi xa xôi, lạm bàn vài câu về những tác phẩm “ xanh thẳm” mà người để lại.

Trần Hoài Dương có tập truyện Con đường nhỏ (NXB Kim Đồng- 1976) với những lời đề từ bằng thơ:

Yêu sao con đường nhỏ

Nguồn của mọi con đường

Hãy giữ cho đường đó

Không bao giờ rác vương

 ( Trích theo Trần Hoài Dương- con người tác phẩm- NXB Hội Nhà văn 2015- trang 413)

Mới đọc qua, những câu ấy vào thủa đầu xanh tuổi trẻ tôi nhận ra một giọng nói nhẹ nhàng, nhũn nhặn, không có gì “đao to búa lớn”, ấy thế mà chính việc lựa chọn một “con đường nhỏ” của Trần Hoài Dương mới thực là một thử thách không hề Nhỏ, với lời tâm nguyện “ không bao giờ rác vương” lại còn là một tâm nguyện “kiên nhẫn” chịu đựng thăng trầm cả cuộc đời dâu bể cho đến khi tác giả những câu ấy đã “sạch bụi trần”, người ta mới nhận ra rằng người đã lựa chọn “con đường nhỏ” chính là người có Tâm Hồn Lớn.

Đúng là nhà văn Trần Hoài Dương hầu như không bao giờ viết những chuyện “bom tấn”( từ của ngành điện ảnh hiện đại), mà anh viết về Chiếc lá, Nụ tầm xuân, Cây lá đỏ, Quà tặng của chim non, Lá non…( Tên các truyện ngắn của Trần Hoài Dương)

Nhà văn có lẽ rất yêu mùa xuân , yêu cảnh cây cối đâm chồi nảy lộc, yêu những nụ non bé bỏng, anh dành khá nhiều trang viết của mình cho cảnh xuân, đây là câu văn tả lộc bàng và cây bàng mùa xuân:

“Lộc bàng khi mới nhú mầu hung nâu. Chỉ vài ba ngày sau nó chuyển sang mầu xanh nõn, mập mạp chúm chím như những búp hoa. Thoáng nhìn một cành bàng vừa nảy lộc, cứ ngỡ vừa có một đàn bướm xanh ở đâu bay về đậu khắp cành. Chúng có thể sn sàng bay tung lên bất cứ lúc nào.” (Trích Lá non- trang 352- Trần Hoài Dương con người- tác phẩm )

Ánh mắt quan sát thiên nhiên của nhà văn không chỉ là ánh mắt của nhà khoa học chăm chú tỉ mỉ, anh quan sát không chỉ bằng mắt, mà bằng “cái tâm” của mình, bằng trái tim yêu quý, trân trọng những mầm non bé bỏng mà ai ai cũng nhìn thấy, nhưng phần nhiều chỉ nhìn lướt qua. Sự quan sát nhìn ngắm của anh không chỉ là nhìn thấy “cái thật” trước mắt, mà “cái nhìn  ảo” của người biết tưởng tượng với  tâm hồn khát khao bay bổng đầy hoài bão lớn. bởi thế những cái “lộc bàng” mới biết thành “đàn bướm xanh” và “sn sàng bay tung”! Cái nhìn ấy của nhà văn Trần Hoài Dương lại chính là cái nhìn của tuổi thơ. Tâm hồn tuổi thơ như mùa xuân mới, tâm hồn tuổi thơ non xanh và tâm hồn tuổi thơ đầy khát vọng bay cao bay xa.

Nếu tuổi thơ không còn cái nhìn non xanh bay bổng đó, tức là tuổi thơ đã không còn, đã qua, đã hết, đã bị đánh mất…Tiếc thay những cô bé , cậu bé sống giữa tuổi thơ mà tâm hồn không còn thơ.

Nhà văn Trần Hoài Dương không chỉ là người sống với tâm hồn tuổi thơ, anh là người cầm bút có ý thức trong từng trang văn của mình. Câu văn của anh  là một dòng nhạc truyền cảm đánh thức những xúc động non tơ trong lòng người, dù những xúc động ấy đã bị chìm khuất giữa những âm thanh hỗn tạp của đời sống.   Trẻ em được đọc văn của Trần Hoài Dương như những cây non được tưới một loại nước trong lành nuôi dưỡng cho tâm hồn được lớn lên hòa ái thân thiện với thiên nhiên  đúng như triết lý của phương đông: hòa hợp thiên, địa, nhân. Tôi nghĩ là anh không ý thức triết lý này, nhưng anh đã sống tự nhiên như thế.

Văn của Trần Hoài Dương là như vậy, nhỏ nhẹ mà trong vời, như gió thoảng qua, tưởng chẳng có gì, thế mà với những ai đã cảm được văn ấy sẽ nhận được những suy nghĩ sâu sắc, sẽ thấy được một lẽ sống lớn của một tâm hồn lớn.

Những cuốn sách của Trần Hoài Dương không có cốt truyện gay cấn , gây hồi hộp, ngay cả khi anh thâm nhập thực tế ở một trường học của trẻ em hư, mắt thấy những chuyện ăn cắp, ăn trộm, tai nghe những lời nói thô tục, trí tuệ có thể “đọc ra” trên mặt người những suy nghĩ không lương thiện…Nhưng khi viết thành sách anh cũng không dàn dựng thành một vụ án ly kỳ nào cả. Anh đã viết về “cái hư” của trẻ em như một “cái hư tạm bợ”, dường như anh vẫn nghĩ rằng trong thẳm sâu con người vẫn là phần lương thiện, cần phải đánh thức phần lương thiện đó , nuôi dưỡng phần lương thiện đó bằng những trang văn trong trẻo. Vậy mới là Trần Hoài Dương, nhân từ đến tận cùng, thương yêu đến tận cùng.

Truyện của Trần Hoài Dương cũng có nhiều nhân vật, những em bé, bé trai và bé gái, những con vật như con chó , con ếch…nhiều hơn nữa là những nhân vật tưởng tượng như Bé Rơm, Các con chữ… (Cuộc phiêu lưu của các con chữ)…Hình bóng những người thân yêu thấp thoáng trong các truyện ngắn, truyện dài của anh, có cả  nhân vật tên Quỳnh ( tên con trai). Nhưng không hiểu sao , có cảm giác như tất cả các tác phẩm của Trần Hoài Dương luôn thể hiện “cái tôi trữ tình” của anh. Đó là những tác phẩm có một nhân vật chính bao trùm tất cả. Có lẽ như thế văn của anh gần với thơ, đó là cách viết như giăng mình lên trang giấy để thể hiện tất cả mọi cung bậc cảm xúc vui sướng và đau khổ trong cuộc giao cảm với mọi biến động xã hội , đó là một cách viết thật trung thực với mình và bạn đọc. Cách viết ấy thể hiện đầy đủ và nổi bật và tiêu biểu nhất trong tác phẩm Miền xanh thẳm.

Gần 50 năm cầm bút Trần Hoài Dương chỉ viết một thể loại duy nhất là văn xuôi   cho thiếu nhi. Anh đã để lại cho đời hàng chục tác phẩm đều theo một phong cách duy nhất vừa trong trẻo hồn nhiên vừa cụ thể tỉ mỉ vừa thực vừa hư ảo vừa lãng mạn vừa trí tuệ. Ấy thế nhưng cho đến nay, các nhà nghiên cứu phê bình văn học ở nước ta chưa có nhiều người để tâm chuyên sâu nghiên cứu về văn phong Trần Hoài Dương. Tôi thiết nghĩ đó là một điều đáng tiếc chẳng phải cho riêng anh mà là cho cả nền văn học thiếu nhi và văn học Việt Nam nói chung.

Nghĩ đến một người bạn văn lớn đã ra đi, tôi cũng mạnh dạn viết bài này với một niềm hi vọng như một sự gợi ý ban đầu để các nhà nghiên cứu chuyên sâu hơn, tiếp tục tìm hiểu về văn phong Trần Hoài Dương.

  Đọc văn của Trần Hoài Dương giống như chợt nghe tiếng hạc bay qua, ta chỉ cảm thấy một niềm xúc động lớn mà chưa thể nói được nên lời cái hay riêng biệt và khác lạ của tiếng hạc bay…Nếu có điều gì đoán chưa trúng với ý của người đã đi xa, chắc anh cũng vui lòng lượng thứ bằng một nụ cười độ lượng.

LÊ PHƯƠNG LIÊN

LPL, Hà Nội, cuối tháng 4/2016

Các Bài viết khác