NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TRÁI TIM NGƯỜI LÍNH – TRÁI TIM ANH HÙNG

( 15-03-2018 - 06:14 AM ) - Lượt xem: 901

Đọc những tác phẩm của Đại tá Anh hùng quân đội Nguyễn Văn Tàu, ta lại thấy những hồi ức của bản thân và về đồng chí, đồng bào miền Nam trong suốt mấy cuộc chiến tranh giữ nước và chống xâm lược.

Trái tim người lính (Văn nghệ, 1992, 2007) chỉ là một trong số đó, nhưng mang ý nghĩa khái quát như một hình tượng bao trùm.

Trái tim ấy chính là nguồn sức mạnh vô địch của tâm hồn, ý chí của những con người đấu tranh cho lý tưởng cách mạng cao quý – Không có gì quý hơn độc lập, tự do (Hồ Chí Minh).

Trái tim ấy mang những phẩm chất tuyệt vời của cốt cách anh hùng.

I/ TRÁI TIM NHÂN HẬU

Yêu thương gần như chỉ là một tính cách mang tính chất bản năng của con người để sinh tồn và hợp quần trong nhân gian. Con người Việt Nam lại có truyền thống nhân văn trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước. Anh bộ đội cụ Hồ - người lính cách mạng đã tiếp thu và thể hiện truyền thống ấy một cách tuyệt đẹp trong quá trình chiến đấu vì dân, vì nước.

Sức mạnh chiến đấu vô địch của người cầm súng có nguồn gốc nảy sinh từ lòng nhân ái cao đẹp.

Tình yêu gia đình, bè bạn, đồng chí, đồng bào, tình yêu lứa đôi được thể hiện rất rõ nét qua những trang viết của Nguyễn Văn Tàu.

Bình thường, tình thiêng liêng và cao quý là tình mẹ con máu mủ.

Thời thanh niên, Tư Cang  ở quê thường đi gánh thịt heo, đi bán dạo quanh xóm chợ phụ cho má để  lo toan sinh sống gia đình.

Khi đi hoạt động, có lần má đến thăm, đưa tin dữ – em trai – là cán bộ Thanh niên của tỉnh, tham gia chiến đấu, đã anh dũng hy sinh. “Điều kỳ lạ là má tôi không khóc, tôi nhìn thẳng vào mắt má tôi không tìm thấy một giọt nước mắt. Phải chăng, đó là nét chung của những bà mẹ Việt Nam thời chiến tranh” (Trái tim người lính). Đêm ấy, Tư Cang đã nằm một mình, khóc ướt đầm đìa gối. Chắc mẹ đã khóc hoài đến cạn kiệt giọt lệ nhớ thương. Nỗi đau lặn vào bên trong để còn một tình yêu ngày càng lớn lao, mạnh mẽ: “Khổ đau nhiều mới yêu thương lắm” (Tố Hữu, Tâm sự, 1967).

Một chiến sĩ của đơn vị, trước khi trút hơi thở cuối cùng, còn nhắn gửi anh Tư: “... về gặp má tôi anh đừng nói tôi chết... Nghe tôi chết, má tôi buồn lắm...”. Người chỉ huy đã vô cùng xúc động: “Trong giờ phút sắp lìa xa cuộc đời, hình ảnh người mẹ hiện lên trong đầu người chiến sĩ trẻ và em cố sức tàn gửi lời nhắn nhủ dành cho mẹ... chỉ sợ mẹ buồn” (Tình báo kể chuyện).

Rất nhiều lứa đôi chia ly, thậm chí có người tan vỡ hạnh phúc gia đình. Bản thân tác giả, tính từ khi chia tay người vợ, đã lên đường kháng chiến cho tới ngày trở về tất cả là ngót 30 năm. Biết bao đồng đội, đồng chí đã hy sinh cả tuổi xuân cho hạnh phúc cá nhân vì sự nghiệp vĩ đại của Tổ quốc!

Chị Nguyễn Thị Ba, trong Cụm tình báo H.63 cũng có chồng cùng hoạt động cách mạng từ trước 1945. Anh từng bị địch bắt và tra tấn, tù đày. Anh tập kết ra Bắc năm 1954, mãi đến năm 1975 – sau ngày thống nhất, mới được đoàn tụ với gia đình. Khi đi hoạt động, vợ anh Tư đã có mang ba tháng. Năm 1975, cháu ngoại lên ba đã biết bập bẹ: “Con trình ông ngoại. Con mừng ông ngoại đã về với bà ngoại” (Ông ngoại đã về). Đó là niềm vui, là hạnh phúc trong tình yêu một gia đình có ba thế hệ, được lột tả chân thực qua Nước mắt ngày gặp mặt.

Chỉ trong cảnh bám trụ tại căn cứ Bến Dược – Vùng đất lửa, các chiến sĩ mới thấm thía sâu sắc tình đồng chí, đồng đội. Họ nhường nhau từng ngụm nước, miếng cơm, từng mảnh chăn, manh áo, giúp đỡ cưu mang nhau như gia đình ruột thịt. Đặc biệt, đồng đội quên mình vì sự nghiệp chung, chia lửa cho nhau, đồng cam cộng khổ, sống chết bên nhau.

Thật đau xót khi có đồng đội vừa hy sinh trong trận đánh, trút hơi thở cuối cùng trên tay đồng đội, và lại được chôn cất trong niềm tiếc thương vô hạn của đồng đội.

Người chỉ huy Tư Cang từng vuốt mắt cho những chiến sĩ trẻ như những đứa em ruột thịt của mình. Đã tám năm qua, đội trưởng dũng sĩ tấn công vào toà đại sứ Mỹ 1968 vẫn không cầm được nước mắt khi nhớ lại gương mặt “từng người cầm súng khi xông trận, những đôi mắt tràn đầy hy vọng từ từ khép lại lúc lìa đời”. Và khẳng định: “không quên từng gương mặt, từng lời nói... Và có lẽ suốt đời” (Sài Gòn Mậu Thân, 1968).

Quân và dân như cá với nước. Kẻ địch thâm độc đã gom dân vào ấp chiến lược nhằm tát cạn “nước” và làm chết “cá”. Điều kỳ diệu là, các đội du kích vẫn bám sát dân chặt chẽ bằng mọi cách, và nhận được sự đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng thân tình của bà con. Thậm chí, các chiến sĩ của cụm tình báo còn gây dựng cơ sở ngay trong lòng dân, cả ở vùng quê căn cứ sát đồn  địch hoặc trong nội đô Sài Gòn.

Tất cả đều chung nhau một tình yêu lớn lao và thiêng liêng. Đó là lòng yêu nước, như một báu vật truyền thống nghìn đời của dân tộc.

Chính người chỉ huy, nhà lãnh đạo tài tình Tư Cang đã nhiều lần lấy truyền thống cao quý ấy để động viên anh em, thậm chí để khơi gợi lòng thức tỉnh ở những kẻ lầm đường. Chính trị viên cũng từng suy nghiệm và dẫn dụ từ lịch sử chống xâm lăng của dân tộc và văn bản Bình Ngô đại cáo – áng thiên cổ hùng văn.

Lý tưởng cứu nước là lý tưởng nhân văn cách mạng nhất, được vận dụng trong thời đại như một sức mạnh vô địch để chiến thắng kẻ thù, dù mạnh mẽ, hung hãn, tàn ác nhất. Đúng như lời thơ Tố Hữu: “Ta vì ta ba chục triệu người/ Cũng vì ba ngàn triệu trên đời”. Nhà thơ nêu rõ chân lý lịch sử:

Bốn nghìn năm chan chứa ân tình

Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn bạo chúa

                           Chào xuân 67

Đại nghĩa của dân tộc chứa đựng cả sự bao dung. Thực hiện chủ trương binh vận – chính sách đối xử với tù binh, sự khoan dung với kẻ lầm đường đã thể hiện tinh thần ấy.

Trong Trái tim người lính, tác giả có dẫn một truyện cổ tích thú vị, đầy triết lý về con chim bìm bịp có bộ lông màu da như màu cà sa của thầy tu. Có vị hoà thượng trên đường hành hương đã lỡ vứt đi trái tim biết phục thiện của con người xuống dòng sông Vị hoà thượng có lỗi bị Phật tổ  đầy xuống trần gian thành chim bìm bịp. Con chim đáng thương ấy một đời ăn năn hối hận bay theo sông nước với tiếng kêu não nùng: Hỡi loài người! Hãy giúp tôi tìm lại trái tim !

II/ TRÁI TIM TỈNH THỨC

Con người phải vừa có trái tim vừa có bộ não, tức có đủ lý trí và tình cảm. Thường ta gọi đó là trái tim “có mắt”, hay trái tim nóng và khối óc lạnh.

Người lính chiến đấu vì lý tưởng cách mạng. Họ đi theo tiếng gọi của lý tưởng, cũng tức là “đi theo ánh lửa từ trái tim mình” (Lời bài hát).

Tổ chức tình báo là tổ chức tham mưu hàng đầu của lực lượng vũ trang. Trên bìa gấp của các quyển sách thường có trích dẫn: “Tình báo là tai mắt của quân đội. Trách nhiệm của nó rất quan trọng. Binh pháp nói: Biết mình, biết địch trăm trận đều thắng. Muốn biết địch thì phải có tình báo giỏi” (Trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị tình báo toàn quốc, tháng 3/1948).

Cụm tình báo A.18, rồi H.63 là cụm tình báo chiến lược, đã đạt thành tích đặc biệt xuất sắc, được tuyên dương là Anh hùng lực lượng vũ trang chính vì đã thực hiện lời dạy bảo sáng suốt đó.

Bản thân Tư Cang tự biết là người có Số làm tình báo. Đó là vì anh có một điều kiện quan trọng là biết tiếng Pháp, và cả tiếng Anh, nên được phân công làm tình báo suốt cả hai thời kỳ kháng chiến. Nhưng, bản thân cũng đã tự xác định, tình báo là một nghề mạo hiểm. Vì phải tiếp cận, thậm chí sống trong lòng địch, giáp mặt với hiểm nguy, cái chết trong gang tấc.

Là nhà tình báo chiến lược, ngoài sự dũng cảm, dám kiên cường, gan góc, táo bạo, dám hy sinh, còn phải tài giỏi, mưu trí để có thể thoát hiểm nhanh chóng, linh hoạt. Tư Cang rèn luyện rất năng nổ về nghiệp vụ, có nhiều tài năng để ứng phó, làm nhiệm vụ, đồng thời có biệt tài bắn súng ngắn hai tay như một, và nhất là tài diễn xuất, đóng vai trong mọi hoàn cảnh.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là đầu óc minh mẫn, trí tuệ sáng suốt để hoạch định chiến lược và chiến thuật cho hoạt động của đơn vị, và ứng xử của bản thân. Là tai, là mắt – qua quan sát, thu lượm tài liệu, nhưng còn phải là trí óc – qua phán đoán, nhận định, và đề xuất tham mưu cách giải quyết với đồng đội, nhất là với cấp trên. Nhà chỉ huy Tư Cang, điệp viên tài giỏi Phạm Xuân Ẩn đều là những con người như vậy.

Tri thức của nhà tình báo chiến lược là tổng hợp. Trinh sát cho một trận đánh dù sao cũng đơn giản hơn, có tính chất chiến thuật.

Tình báo chiến lược là phải nắm tình hình mọi mặt về chính trị và quân sự, thậm chí cả mặt xã hội, văn hoá. Phải có hiểu biết về thể chế, bộ máy quyền lực của đối phương, cũng như những chính sách cụ thể và ảnh hưởng đến quân ngũ, đến đời sống xã hội... Biết được tình hình về mọi mặt của địch – như lực lượng quân sự, những thế lực chính trị, mặt mạnh và mặt yếu, kể cả diễn biến về ý thức và tâm lý.

Tư Cang và Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), anh Tám (Hoàng Nam Sơn) đã từng khai thác trực tiếp các sĩ quan cao cấp của nguỵ, hoặc gián tiếp của Mỹ để điều tra, nắm bắt tâm lý, xu hướng chính trị của đối phương (Tình báo kể chuyện, Bước ra từ thầm lặng).

Các anh ra vào vùng địch thường xuyên, nằm trong lòng địch để hoạt động. Rồi chui sâu, leo cao trong tổ chức của địch, làm việc hợp pháp trong bộ máy của đối phương. Đó là những kết quả trông thấy, rồi cả những tài liệu về kế hoạch, chiến lược bí mật của chiến tranh, những ý đồ, âm mưu của các đời Tổng thống Mỹ cả bộ máy chóp bu nguỵ quyền. Tất cả đều là những tin tức hết sức quý giá trong cuộc chiến tổng thể.

Những cuộc thoát hiểm hết sức ngoạn mục của những điệp viên, kể cả giao thông viên tình báo, những cơ sở tình báo quốc phòng không chỉ là tài trí cá nhân, mà thực chất chính là sự thông minh, ứng xử linh hoạt, nhạy bén. Đó cũng chính là trí tuệ của đội ngũ, tổ chức, trí tuệ tuyệt vời của nhân dân trong đấu tranh cách mạng.

Bế tắc trong các xung đột chính trị thường dẫn đến bùng nổ chiến tranh.

Chiến tranh là đấu lực, nhưng là thể hiện những đường lối quân sự. Xét cho cùng, đó cũng là đấu trí. Hơn đâu hết, trong chiến trận tình báo quân sự đã thể hiện rõ nhất điều ấy: Ông Cố vấn “3 đời” Tổng thống – Thiếu tướng Vũ Ngọc Nhạ, Điệp viên hoàn hảo – Phạm Xuân Ẩn, kể cả Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu và  Top  đội ngũ tên tuổi Trần Quốc Hương, Đào Phúc Lộc, Phạm Ngọc Thảo, Đinh Thị Vân, Lê Hữu Thuý, Nguyễn Hữu Trí , Đặng Trần Đức đều là những điển hình của sự chiến thắng qua đấu trí.

 III/ TRÁI TIM QUẢ CẢM

Cũng như các chiến sĩ xông pha nơi chiến trường, những người lính trên mặt trận tình báo quân sự đều mang trái tim quả cảm đầy sức mạnh.

Họ chấp nhận một số phận đặc biệt trong cuộc chiến thầm lặng với hoạt động trong bóng tối bí hiểm. Cuộc chiến ấy không phân ranh giới. Họ phải trở thành một người khác để phù hợp với nhiệm vụ được giao. Đó chính là sống thật, đàng hoàng nhưng thực ra lại là sống ảo, chiến công lớn lao, vô giá mà lại không có hình dạng. Họ dấn thân vào những cạm bẫy vô hình mà nhiều khi không biết, và thường xuyên giáp mặt với các tình huống ngàn cân treo sợi tóc.

Sống và hoạt động trong những tình thế ấy đòi hỏi mỗi chiến sĩ đều phải là một con người thép. Tuy nhiên, cứng rắn không thì chưa đủ mà lại cần phải biết mềm dẻo, táo bạo, quyết liệt mà phải khôn ngoan, linh hoạt, căm giận sục sôi được ẩn giấu trong sự ôn hoà, sắc lạnh. Như đã nói, trí – dũng phải gắn bó vô cùng chặt chẽ, tinh khéo.

Tình báo là mạo hiểm – một định nghĩa rất chính xác.

Chưa nói tới mạo hiểm trong chiến đấu, mà ở đây là mạo hiểm ngay cả trong cuộc sống thường ngày.

Muốn có cái ăn phải trồng trọt, canh tác. Nhưng sống trong căn cứ địa đạo thì quân giặc đã san bằng đồng ruộng gò bãi thành bình địa. Bom đạn, pháo bầy, pháo chùm, máy ủi thường xuyên cày xới, vốc đất trộn đầy mảnh sắt, mảnh gang  làm sao có hạt lúa, cây trồng mà ăn?

Gạo ít ỏi, khan hiếm  lại bị phá huỷ, càn quét, bữa ăn thường chỉ có cháo cầm hơi. Chuyển căn cứ đến chiến khu khác là phải lo tay rựa, tay búa đi hạ cây rừng, dọn rẫy trỉa lúa, trồng củ mì. Họ phải đổ mồ hôi để giành sự sống. Cũng phải vài tháng mới có củ mì đem luộc với gạo để nấu cơm. Bắt cá dưới suối, mò tay vào hang, có khi đụng cả rắn, đi săn con mẫn, con heo rừng làm thức ăn.

Phải đề phòng giặc thám thính, phát hiện. Hàng năm, sáu trăm quân tuốt dao đi chặt phá, dẫm nát tất cả những gì là chồi non, mầm xanh. Chúng triệt hạ sản xuất của cách mạng để tiêu hủy sự sống và con người nơi chiến khu.

Vậy mà con người vẫn tồn tại lạc quan và vững tay cầm súng. Đám cưới trong rừng vẫn được tổ chức, với tiệc cưới là một bữa củ mì luộc.Tiệc liên hoan tiễn nhau là nồi cháo khoai mì và tấm dây da trâu luộc. Ở chiến khu Rừng Sác thường có món canh chua bần ổi, hoặc canh đọt chà là nấu với con vọp.

Tuy nhiên, ở khu nước mặn thì vấn đề gay go nhất là nước ngọt. Nhìn đâu cũng thấy nước nhưng đưa lưỡi nếm thử thì như nước muối pha loãng. Nước mưa phải trữ trong những chiếc lu, cái mái vá xếp thành cụm trong rừng được bảo vệ cẩn mật – lựu đạn gài quanh kho gạo và kho nước.

Anh em chiến sĩ trong đội vũ trang sống trong địa đạo Củ Chi chống càn còn bao gian nan, nguy hiểm. Sống với đồng đội, Tư Cang thấm thía cảnh thiếu gạo, thiếu muối, thiếu nước ngọt, thì ở đây còn một cái thiếu cực kỳ nguy hiểm ,cuộc sống chi chút, trân trọng từng giây phút. Đó là thiếu không khí để thở.

Con người trong hầm ngầm chỉ mang có một lỗ thông hơi, nhưng xe tăng đã chà ủi  vít kín hết. Anh em đội viên  nghĩ đằng nào cũng chết, đòi xông lên diệt Mỹ, vì nếu không sẽ chết ngạt. Tình thế gần như tuyệt vọng, nhưng lãnh đạo kiên trì thuyết phục chịu đựng từng giây, từng phút. Cuối cùng, được lệnh, anh em đẩy nắp hầm vọt lên khi quân Mỹ đã rút về chốt. Có hai đồng chí đã ngất xỉu, họ phải xúm vào cấp cứu.

Cụm tình báo chiến lược gồm 3 tuyến chính. Ngoài tuyến trong nội thành Sài Gòn gồm điệp viên nằm vùng trong lòng địch ở thành phố, có tuyến sống hợp pháp với địch trong ấp chiến lược làm giao thông chuyển nhận tài liệu giữa căn cứ  với nội thành và ngược lại liên hệ đi về giữa hai nơi. Lực lượng vũ trang trong khu du kích  gồm  đội vũ trang dưới 10 người sống trong hầm bí mật, trong địa đạo hoặc dọc biền sông Sài Gòn. Ở căn cứ, thường cách ấp chiến lược khoảng một cây số, Cụm tình  báo phải làm nhiệm vụ vừa là nơi liên lạc chuyển tiếp, vừa là nơi trực tiếp chiến đấu chống càn quét, khủng bố để bảo toàn vùng kháng chiến.

Tư Cang chính là người đi về giữa khu căn cứ với nội thành, và trực tiếp chỉ huy quân sự. Người chỉ huy đã từng đối mặt thường xuyên với bao chuyến đi nguy hiểm, xông pha bao trận đánh dữ dội. Đó là khi đi cùng giao liên, đi đơn độc, thoát hiểm trong gang tấc.

Không ít lần phải đổi diện với kẻ thù. Đã nhiều lần bị thương, bị phục kích trong rừng, dưới sông... hút chết, nhưng vẫn còn tồn tại trong số Những điệp viên may mắn. Đã không “xanh cỏ” mà là “đỏ ngực”!

Đồng đội nhiều người cũng vào sinh ra tử, xông pha chiến trận vô cùng dũng cảm. Có trường hợp như Hai Thương từng bi địch hành hạ tra tấn dã man  tới 6 lần bị dập nát cưa cụt  2 chân đến  tận háng. Chị Minh Tâm  bị đốt cháy  10 đầu ngón tay  và làm tuyệt đường sinh đẻ . Đó là những chứng nhân  còn sống sót của hành động vô cùng tàn độc của kẻ thù.

Những người lính đã xứng danh với nhiệm vụ - “Khó khăn nào cũng vượt qua. Kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Họ là những chiến sĩ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, biết  quên mình vì nghĩa lớn.

Cùng với họ là những người dân góp phần chia sẻ khó khăn, gian khổ, hiểm nguy và dũng cảm, dấn thân vào cuộc chiến cùng với những chiến sĩ anh hùng.

Những gương hy sinh chiến đấu đã hiện lên, làm sáng tỏ những trang hồi ký thấm đậm máu lửa của nhà văn – chiến sĩ.

***

Cho đến mãi sau này, Đại tá tình báo Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, sau khi buông cây súng, lại tiếp tục cầm bút ghi lại sự tích chiến đấu một thời của bản thân và đồng đội. Tiếp tục trả món nợ đời như một sự tri ân của tấm lòng người chiến sĩ.

Trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo Lao độngcuối tuần (Số 18, ngày 4/5/2008, tác giả phát biểu: “Tim tôi vẫn cuộn sôi dòng máu đỏ”. Đó là Trái tim người lính đích thực, trái tim hướng thiện, hướng tới tương lai hạnh phúc của nhân dân trong xây dựng hoà bình.

Có thể định nghĩa: Trái tim người lính – Trái tim anh hùng. Qua đó ta thấy được hình bóng đồng dạng trong thơ Tố Hữu. Như : “ Trái tim lớn không sợ gì súng đạn” của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, như : “ Trái tim em trái tim vĩ đại” của Trần Thị Lý  Người con gái Việt  Nam anh hùng. Cũng như : “ Những trái tim như ngọc sáng ngời” (Mẹ Tơm).

Trái tim ấy cũng mang tính tượng trưng nhất cho Trái tim Việt Nam – Trái tim anh hùng truyền thống cũng như trong thời đại mới cách mạng.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

 

Các Bài viết khác