NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔ HOÀI VÀ NHỮNG TÁC PHẨM TƯƠI ĐẸP TRONG NHÀ TRƯỜNG

( 28-08-2015 - 03:54 PM ) - Lượt xem: 2928

Là một người dạy Văn học ở nhiều cấp học từ cấp 2 lên đến Cao đặng, Đại học, nhiều tác phẩm của ông đã thấm vào tôi để tôi lại truyền cho các thế hệ học trò của mình. Và tôi hiểu được giá trị của những phút nhập hồn vào tác phẩm. Vì thế, những kỷ niệm gắn với những quảng thời gian giảng các tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài không thể nào quên. Đó là một tiết dạy mẫu (với hơn 100 giáo viên THCS nơi thành phố tôi ở dự giờ). Tôi giảng bài Dế mèn hối hận.

1.Vài nét khái quát về cuộc đời

Người viết “ DẾ MÈN PHIÊU LƯU KÝ” đã đi vào thế giới vô tận của những người hiền đã hơn một năm rồi, nhưng những tác phẩm của ông thì vẫn hiện hữu hàng ngày trên những trang sách vở học trò.

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen,  sinh ngày 27 tháng 9 năm 1920 tại quê nội thuộc thôn Cát Động, thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông. Nhưng cuộc sống tuổi thơ ăm ắp kỷ niệm tuổi thơ ông lại chính là nơi quê ngoại thuộc làng Nghĩa Đô, huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội). Chính vì thế mà tình yêu ông dành cho quê hương đã khai sinh nên bút danh Tô Hoài (gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức).

-Tuổi thanh niên, ông trải qua nhiều nghề để kiếm sống như: dạy trẻ, kế toán, bán hàng … Khi đến với văn chương, ông nhanh chóng được người đọc chú ý, nhất là qua truyện Dế mèn phiêu lưu ký, in đậm dấu ấn quê hương tuổi thơ.

- Năm 1943, khi vừa 23 tuổi, Tô Hoài gia nhập Hội Văn hóa cứu quốc. Và thời gian này, ông chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tuy nhiên, Truyện Tây Bắc vẫn ra đời khẳng định một thành công mới trong sự nghiệp văn chương của ông.

- Sau chiến thắng Điện Biên phủ 1954 “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, ông có điều kiện hơn để tập trung vào sáng tác với  nhiều thể loại: truyện ngắn, truyện dài, hồi ký, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác, kịch bản phim. Và thể loại nào ông cũng ghi lại những tình cảm đẹp trong lòng người tiếp nhận.

- Hơn 60 năm cuộc đời dành cho văn chương, ông ra đi thanh thản khi đã sống trên đời gần đến 100 năm.

2/ Gia tài văn chương để lại cho đời

Tô Hoài viết văn từ trước năm 1945, với các thể loại truyện phong phú, đa dạng. Với trên sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm để lại cho cuộc đời. Nhìn chung, ông là người hạnh phúc và may mắn hơn một số bạn bè văn chương cùng trang lứa, cùng thời đại, bởi nhiều tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy trong chương trình văn học nhà trường và được yêu thích, được lưu giữ trong ký ức bao lớp bạn đọc và bao thế hệ học trò.

 Các tác phẩm tiêu biểu của ông gồm có:

-Dế mèn phiêu lưu ký (1941), Quê người (1941), Ổ chuột (1942), Cỏ dại(1944),  Chiều chiều, Nhà nghèo (1944), Tập truyện ngắn   Truyện Tây Bắc (1953), Mực tàu giấy bản,   Mười năm (1957), Tắm đêm,  Một số kinh nghiệm viết văn của tôi (1959), Miền Tây (1967), Nhật ký vùng cao (1969), Chuyện cũ Hà Nội (1980), Đảo hoang,  Kim đồng,  Cát bụi chân ai (1992), Ba người khác (2006) …

Ông còn có những tác phẩm khác:Núi Cứu quốc, Xóm giếng, Xuống làng, Vỡ tỉnh, Tào lường, Họ Giàng ở Phìn Sa,, Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ…

Ngoài bút danh Tô Hoài, ông còn dùng  nhiều bút danh khác như:  Mai Trang, Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa và Phạm Hòa.

Về giải thưởng văn chương:

-  Giải nhất giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam cho tập” Truyện Tây Bắc”.

- Giải thưởng Hoa Sen của Hội Nhà văn Á Phi cho tác phẩm ”Miền Tây” (năm 1970).

3/ Những tác phẩm đẹp trong nhà trường

3.1 Truyện dài  Dế Mèn phiêu lưu kí  được ông viết xong vào tháng 12 năm 1941 tại Nghĩa Đô, ngoại ô Hà Nội. Đây là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của Tô Hoài viết về loài vật mà ông dành cho lứa tuổi thiếu nhi.

Truyện gồm 10 chương, kể về những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn qua thế giới muôn màu muôn vẻ của những loài vật nhỏ bé.

  • Chương 1 kể về bài học đường đời đầu tiên của Dế Mèn.
  • Chương 2  đến  chương 9 kể về những cuộc phiêu lưu của Mèn, với người bạn đường là Dế Trũi.
  • Chương 10 kể về việc Mèn cùng Trũi về nhà và nghỉ ngơi, dự tính cuộc phiêu lưu mới.

Nếu gọi ông là nhà văn viết cho quê hương dân dả, viết cho thiếu nhi… thì quả thật, chỉ một Dế mèn phiêu lưu ký thôi, cũng đã khẳng định tên tuổi của ông. Một tác phẩm như một truyện ngụ ngôn cho thiếu niên nhi đồng với ước mơ vươn tới một thế giới đại đồng. Trước đây, chương trình Ngữ văn cấp 2 (HK2) có dạy các bài Dế mèn, Dế mèn hối hận (trích đoạn trong Dế mèn phiêu lưu ký), chắc hẵn những cô cậu học trò nhỏ lớp 6, lớp 7 ngày trước không thể nào quên được hình ảnh chú Dế mèn đẹp đẽ nhưng hống hách, kiêu ngạo… và sự thành khẩn hối hận khi đã gây nên cái thết thảm thiết cho anh Dế Choắt hiền lành, nhu nhược….

Là một người dạy Văn học ở nhiều cấp học từ cấp 2 lên đến Cao đặng, Đại học, nhiều tác phẩm của ông đã thấm vào tôi để tôi lại truyền cho các thế hệ học trò của mình. Và tôi hiểu được giá trị của những phút nhập hồn vào tác phẩm. Vì thế, những kỷ niệm gắn với những quảng thời gian giảng các  tác phẩm nổi tiếng của Tô Hoài không thể nào quên. Đó là một tiết dạy mẫu (với hơn 100 giáo viên THCS nơi  thành phố tôi ở dự giờ). Tôi giảng bài Dế mèn hối hận.

 Ngày ấy, nhớ lại thời học chương trình Cổ văn, Kim văn (với những tiểu phẩm làm cho học trò ghi nhớ mãi…) nên cô giáo đã cho hai em học trò đóng vai Dế Mèn và Dế Choắt, như một lớp kịch ngắn minh họa lại một số cảnh trong trích đoạn. Nhờ sự phối hợp tốt của các em học sinh (ngày nay có em đã là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh của một trường chuyên), đã giúp cô giáo nhận được nhiều lời khen ngợi. Nhưng quan trọng là học sinh thích thú, nhớ mãi hình ảnh chú Dế mèn không lẫn vào đâu của nhà văn Tô Hoài…Và giá trị giáo dục của bài giảng đến thật nhẹ nhàng nhưng mang sức mạnh vô cùng sâu sắc.

3.2 Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ:

Nếu gọi ông là nhà văn của tuổi thanh xuân, nhà văn của núi rừng Tây  Bắc cũng thật phù hợp, bởi các tác phẩm của ông đã nói lên điều đó. Trong chương trình văn cấp 3 có giới thiệu tác phẩm Vợ chồng A Phủ và  trích giảng đoạn Mị nghe tiếng sáo gọi tình cùng đoạn Mị cắt dây trói giải cứu cho A Phủ (cũng chính là giải cứu đời mình).

 Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ (trong tập truyện Tây Bắc) là một tác phẩm thuộc hàng xuất sắc trong văn chương kháng chiến thời chống Pháp. Năm 1952, khi cùng đoàn bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, sau chuyến đi dài hơn 8 tháng này, Tô Hoài đã mang bao kỷ niệm sâu sắc về người và cảnh Tây Bắc theo về miền xuôi. Truyện Tây Bắc được ra đời trong hoàn cảnh ấy (1952) , gồm có 3 truyện: “Vợ chồng A Phủ”, “Chuyện Mường Giơn”, “Cứu đất cứu Mường”. Trong ba truyện trên, Vợ chồng A Phủ là truyện hay nhất của tập truyện “Truyện Tây Bắc” đã được tặng giải Nhất (Giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam 1945-1955).

 Mị là nhân vật trung tâm trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" mà bằng tài năng và tâm huyết, nhà văn Tô Hoài đã xây dựng một hình tượng văn chương sống mãi. Tâm lý và hành động của Mị trong từng chặng đường đời đã được nhà văn phân tích, khắc họa qua các đoạn văn miêu tả tài tình, nhất là hình ảnh Mị trong đêm mùa đông cứu A Phủ.

Các bạn học sinh phổ thông sẽ nhớ mãi cô Mị trong Vợ chồng A Phủ. Bởi, gây ấn tượng mạnh cho người đọc  chính là hình ảnh của cô gái như con rùa rút  cổ trong xó bếp, "dù làm bất cứ việc gì, cô ta cũng cúi mặt, mắt buồn rười rượi". Đó là hình ảnh của một con người bất lực, cam chịu, buông xuôi trước số phận đầy bi kịch. Cuộc hôn nhân cưỡng bức giữa Mị với A Sử để trừ nợ đã khiến Mị tê dại vì không lấy được người mình yêu. Đã thế, lại phải phục tùng một người chồng mà mình luôn sợ hãi. Uy quyền, thần quyền và đồng tiền của nhà thống lý Pá Tra đã biến Mị thành một đứa con dâu gạt nợ, một kẻ nô lệ không hơn không kém. Mị đau khổ. Mị khóc ròng rã mấy tháng trời. Và Mị đã có ý định ăn lá ngón để kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng "sống lâu trong cái khổ…”, trái tim của Mị dần chai sạn và buông xuôi theo số phận. Tuy nhiên, có đôi khi Mị vẫn ước ao, vẫn có tâm trạng của một người yêu đời, yêu cuộc sống, mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh sống đen tối, đầy bi kịch. Điều đó đã được thể hiện trong một đêm mùa xuân.

Cái đêm mùa xuân ấy, nhà văn Tô Hoài đã để cho tâm trạng Mị đầy những cung bậc tình cảm, lớp sóng sau cao hơn lớp sóng trước. Lúc đầu, là tiếng sáo Mèo quen thuộc, Mị nghe và Mị nhẩm thầm bài hát người đang thổi. Rồi theo đà cảm xúc, Tô Hoài cho Mị uống rượu và nhớ lại kỷ niệm đẹp thưở xa xưa… Rồi… Mị muốn … đi chơi. Nhưng A Sử đã trói đứng Mị vào cột bằng một sợi dây thô bạo. Nhưng làm sao sợi dây ấy có thể trói được con tim đang hừng hực trỗi dậy? con tim đang hòa điệu với tiếng sáo tình yêu, tiếng sáo mùa Xuân?  Thật là một đêm có ý nghĩa đối với cuộc đời Mị. Đó là đêm cô thực sự sống cho riêng mình Sau hàng ngàn đêm sống vật vờ như một cái xác không hồn, thì đó là một đêm đáng sống, một đêm Mị đã tự giải thoát tinh thần, một đêm vượt lên uy quyền và bạo lực đế sống theo tiếng tình yêu. Mặc dù,  sau đêm mùa xuân ấy, Mị lại tiếp tục sống kiếp đời trâu ngựa. Tôi chắc chắn rằng các bạn học sinh yêu thích văn chương sẽ còn nghe vọng mãi tiếng sáo sang xuân và hình ảnh cô Mị trong ánh lứa chập chờn quyết tâm cắt dây trói cho A Phủ…

 Tô Hoài đã rất “cao tay” khi khẳng định: cái khổ cái nhục mà Mị gánh chịu không thể nào che lấp sức sống tiềm tàng trong lòng Mị. Chỉ cần một đốm lửa , tro tàn sẽ cháy. Và quả thực, nó đã cháy trong cái đêm, bên ánh lứa bập bùng, Mị đã can đảm cắt dây giải cứu A Phủ. Một đêm, rồi một đêm nữa… trôi qua, đêm nào Mị cũng thản nhiên hơ tay bên cạnh cái xác người bị cột chặt vào cái cột. "Mị lé mắt trông sang, thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại". Và chính "dòng nước mắt lấp lánh ấy" đã làm lớp băng lạnh lẽo trong lòng Mị chảy tan, đã làm lòng Mị bồi hồi trước một người cùng cảnh ngộ như Mị - ở cái đêm mùa Xuân bị A Sử trói vào cột, không lau được nước mắt khi nước mắt cứ thản nhiên rơi xuống miệng, xuống cổ. Mị chợt nhận ra người ấy giống mình về cảnh ngộ và Mị nhớ lại những chuyện thật khủng khiếp mà bọn chúng đã hành xử. Bọn thống trị coi sinh mạng của A Phủ không bằng một con vật mà “người kia việc gì mà phải chết như thế”? .

Và, những suy nghĩ tích cực ấy đã giúp Mị can đảm cắt dây trói cứu người. Là một việc làm táo bạo và hết sức nguy hiểm nhưng  phù hợp với tâm lí của Mị. Ngay chính Mị cũng không ngờ mình dám làm một chuyện động trời đến vậy. Và,  chạy theo A Phủ hay ở đây chờ chết? Cuối cùng, sức sống tiềm tàng đã thôi thúc Mị phải sống và Mị vụt chạy theo A Phủ. Bước chân của Mị như đạp đổ uy quyền, thần quyền của bọn lãnh chúa thống trị đè nặng tâm hồn Mị suốt bao nhiêu năm qua. Bước chân của một con người khao khát sống và khát khao tự do. Mị cứu A Phủ cũng đồng nghĩa với việc Mị tự cứu lấy bản thân mình.

Giá trị hiện thực của tác phẩm thể hiện rất rõ. Đó là sự đồng cảm của nhà văn  với những thống khổ của người Mèo ở Tây Bắc dưới ách thống trị dã man của bọn chúa đất và lũ Tây đồn. Đó là sự ca ngợi tình yêu thương của những con người nghèo khổ cực cùng trong xã hội. Bằng một trái tim nhạy cảm và chan chứa yêu thương, Tô Hoài đã cho một đốm lửa còn sót lại trong trái tim Mị. Đốm lửa sáng đã được Tô Hoài thổi bùng lên. Và đó cũng chính là giá trị nhân đạo mà nhà văn gửi vào tác phẩm. Tác phẩm "Truyện Tây Bắc" xứng đáng với giải nhất truyện ngắn – giải thưởng do Hội nghệ sĩ Việt Nam trao tặng năm 1954 – 1955. Và "Vợ chồng A Phủ" thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc bởi những giá trị nghệ thuật, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo nổi trội.

Nghệ thuật hành văn của Tô Hoài thật dung dị nhưng đặc sắc.  Ngôn ngữ văn xuôi chọn lọc, đậm màu sắc dân tộc, đậm đà chất thơ, giàu tính tạo hình. Như tả cảnh mùa xuân trên rẻo cao. Sự thay đổi sắc của hoa thuốc phiện: nở trắng ngần khi mới vừa nở, rồi đổi sang màu đỏ au, chuyển dần thành đỏ sậm, rồi ra cái  màu tím dịu dàng…làm người đọc say mê theo cảnh và người trong truyện. Tiếng sáo, tiếng hát tự tình của trai gái Mèo trong không gian ấy, thời gian ấy…mang đầy chất thơ. Những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo,  sử dụng các câu dân ca Mèo… tạo nên phong vị miền núi đậm đà: “Anh ném pao, em không bắt”… Lối kể chuyện với đầy ắp những chi tiết hiện thực, bao tình tiết cảm động; dựng cảnh sống động…đều được nhà văn dụng công mà thành. Từ đó,  bật lên giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm một cách mạnh mẽ hơn mọi lời ca.  

Riêng ở bậc Cao đẳng, đại học, các sinh viên chuyên văn lại được tiếp cận với nhiều tác phẩm tiêu biểu của Tô Hoài. Giá trị của các tác phẩm này cũng là những nội dung  được nêu lên trong các đề thi tốt nghiệp, thi tuyển các cấp … ở nhiều năm nên đã làm nên giá trị hiện hữu tất nhiên cho các tác phẩm. Và khiến cho mọi người nhớ mãi…

Có thể nói, Tô Hoài có một đời sống vô cùng phong phú, gắn liền với sự am hiểu rất nhiều các vùng miền và đã thể hiện trong các tác phẩm của ông. Đặc biệt là với quê hương tuổi thơ, với Tây Bắc và với Hà Nội dấu yêu. Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã nhận xét rằng:  “Tô Hoài như một từ điển sống, một pho sách sống. Ông như cuốn Bách khoa Toàn thư mà không Viện sĩ nào, không Học giả nào có thể sánh được…”

 Tô Hoài đã vĩnh viễn rời xa cõi tạm thế gian vào ngày 6 tháng 7 năm 2014. Nhưng tác phẩm của ông thì sống mãi. Ông được nhà nước Việt Nam trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt 1 vào năm 1996. Đó chính là phần thưởng cao quý trao cho một con người suốt đời sống cùng chữ nghĩa và tình người thiết tha.

 

   Tài liệu tham khảo:

1/ Sách Văn 6 tập 1, nhà xuất bản Giáo Dục xuất bản năm 1986, Dế Mèn phiêu lưu ký. .

2/Sách giáo khoa Ngữ văn 6 của chương trình mới, NXB GD  năm 2002

3/ Sách Ngữ Văn 12, NXB GD

4/ Nguồn:maxreading.com/sach-hay/cac-nha-van-viet-nam-the-ky-20

TS Nguyễn Thị Tâm

Các Bài viết khác