NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔ HOÀI – NHÀ VĂN HOÁ GIÀU BẢN SẮC DÂN TỘC

( 26-08-2015 - 06:02 AM ) - Lượt xem: 1882

Tô Hoài là nhà văn hoá không chỉ vì ông từng tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc từ trước Cách mạng. Thực ra, ông đã dấn thân vì sự nghiệp văn hoá, xứng danh là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Hơn thế, là một trong bảy thành viên đầu tiên của nhóm Văn hoá Cứu quốc được coi như hạt nhân của tổ chức văn hoá cách mạng

Nhà văn chân chính nào xét cho cùng cũng có tư cách nhà văn hoá, có đóng góp cho văn hoá. Bởi văn học nằm trong văn học nghệ thuật hay văn hoá nghệ thuật nói chung thuộc thượng tầng kiến trúc xã hội. Tuy nhiên, được gọi là nhà văn hoá, xứng đáng là nhà văn hoá phải có những tiêu chí nhất định.

Tô Hoài là nhà văn hoá không chỉ vì ông từng tham gia vào Hội Văn hoá Cứu quốc từ trước Cách mạng. Thực ra, ông đã dấn thân vì sự nghiệp văn hoá, xứng danh là chiến sĩ trên mặt trận văn hoá. Hơn thế, là một trong bảy thành viên đầu tiên của nhóm Văn hoá Cứu quốc được coi như hạt nhân của tổ chức văn hoá cách mạng. Sau 1945, ông trở thành nhà văn – nhà hoạt động xã hội. Là đại biểu Quốc hội, ông còn tham gia lãnh đạo nhiều tổ chức: Hội hữu nghị Việt - Ấn, Hội hữu nghị Việt – Xô, Uỷ ban đoàn kết Á – Phi. Ông có nhiều dịp hoạt động giao lưu văn hoá ở nước ngoài, được biết đến như một nhà văn lớn. Xét ở góc độ ấy, ông cũng là nhà hoạt động văn hoá, xã hội ở tầm quốc tế.

Tuy nhiên, vinh danh Tô Hoài – nhà văn hoá với ý nghĩa ông là người viết có cốt cách và bản lĩnh văn hoá, có đóng góp tích cực và hiệu quả, gìn giữ và phát huy văn hoá dân tộc trong thời đại.

 

  1. I.     TÔ HOÀI VỚI CỐT CÁCH VÀ BẢN LĨNH VĂN HOÁ

 

Thực ra, vốn tri thức văn hoá nhà trường của Tô Hoài ban đầu là ở trình độ thấp so với bạn bè cùng trang lứa như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan… Nhưng, cũng như Nguyên Hồng, với sức nỗ lực tự học ở sách vở, nhất là ở trường đời, Tô Hoài đã có một trình độ hiểu biết ngày càng phong phú. Có thể nói, ông đã có một sự am hiểu văn hoá thế giới ngày càng cao. Thêm vào đó là sự học tập, bồi dưỡng, nâng cao hiểu biết về văn hoá dân tộc kể cả phần dân gian cũng như cổ điển. Chưa kể ông còn đọc nhiều thư tịch, các tư liệu về lịch sử, địa lý, xã hội và có trình độ chính trị cao cấp qua hai năm học trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Về ngoại ngữ chắc ông chỉ thành thạo tiếng Pháp do ông thầy, người bạn thân thiết Nam Cao kèm cặp, bồi dưỡng. Ông đủ sức đọc trực tiếp văn học Pháp và qua đó là văn học thế giới.

Từ chỗ vào nghề một cách hồn nhiên, tự nhiên, Tô Hoài tự bồi dưỡng quyết liệt để có được tay nghề ngày càng trở nên thành thục và lão luyện. Ông thử sức chủ yếu trên lĩnh vực văn xuôi. Riêng ở mảng văn học thiếu nhi, hầu như có sự tung hoành ngòi bút ở nhiều thể tài, thể loại. Văn xuôi nghệ thuật Tô Hoài tập trung ở mảng truyện và ký. Về truyện có truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài hay tiểu thuyết. Về ký có đủ loại: phóng sự, ký sự, hồi ký trong đó có cả du ký, thêm vào đó là tuỳ bút. Ngoài ra còn có nghị luận văn học, phê bình và tiểu luận. Tuy nhiên, văn xuôi nghệ thuật Tô Hoài thể hiện rõ một tài năng về tương tác thể loại. Văn đậm chất thơ, hiện thực nhuần nhuyễn với trữ tình. Truyện Tây Bắc có những trang bay bổng như những bài thơ. Ký thường đan xen với truyện. Phong Lê nhận xét: “Đọc Nam Cao, thấy tiểu thuyết cứ như là tự truyện. Đọc Tô Hoài lại thấy tự truyện cứ như tiểu thuyết. Hồi ức của Tô Hoài mở ra khá rộng các giới hạn sống” (1). Nhà nghiên cứu điểm qua từ Cỏ dại đến Tự truyện rồi lại đọc Cát bụi chân aiChiều chiều với hứng thú ngày càng tăng. Thực tế ra, Tô Hoài đã thử sức ở loại tự sựkịch. Ông đã viết một số vở kịch cho thiếu nhi và còn viết kịch bản phim. Đã có sự dụng công khi chuyển thể Vợ chồng A Phủ thành kịch bản phim. Nhà văn đi sâu hơn vào kỹ thuật điện ảnh khi thể hiện những đoạn dựng trong Miền Tây. Đó là những đoạn phim trong tiểu thuyết.

Thể nghiệm viết dã sử, truyền thuyết với ngôn ngữ hiện đại, Tô Hoài đã phải dùng trí tưởng tượng minh hoạ kỳ diệu dựng lại không khí cổ xưa với cảnh, với người của một thời quá vãng rất xa xôi. Truyện thể hiện bằng một vốn từ cổ phong phú gây được ấn tượng đậm nét: Đảo hoang, Chiếc nỏ thần, Nhà Chử. Nói những điều trên để thấy văn xuôi nghệ thuật Tô Hoài nhiều hình, nhiều vẻ chứng tỏ ông là một cây bút tài hoa.

Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân cũng là những bậc tài hoa mỗi người, mỗi vẻ. Tô Hoài không sành nhạc, hoặc ca như hai vị trên. Hiểu biết điện ảnh nhưng không có tài năng diễn xuất như Nguyễn Tuân. Khen đa tài chắc có phần quá đáng. Tuy nhiên, Tô Hoài có một sự am hiểu và khả năng, kỹ thuật về một số địa hạt nghệ thuật. Văn Tô Hoài có nhiều hình ảnh, màu sắc, ở đó có con mắt hoạ sĩ của nhà văn. Ông có tài quan sát tinh tường, biết nắm bắt nhanh nhạy những chi tiết tiêu biểu điển hình nhất ở người và cảnh. Nhà văn có biệt tài tả các lễ hội, các phiên chợ…nhờ đó làm bộc lộ được những nét bản sắc văn hoá. Qua đó là trang phục nhiều màu, nhiều vẻ của các cô gái: “Những cô gái Mèo đỏ xúng xính váy đen, áo đỏ…các cô Mèo trắng, dép lốp đen, váy trắng xoè, vạt áo xanh đen so le, chỉ đỏ thắm viền lên tận cổ áo. Một vành khăn chếp nếp, gió thổi cuốn từng tua lụa, đuôi sặc sỡ toả xuống, tung lên như đàn bướm, con đậu, con bay chấp chới trên lưng cô gái.” Rồi cả những âm thanh hỗn tạp mà mê say: “tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng ào ào nước ngọn suối mới bắt nhánh về đầu núi để thử sức chạy làm thuỷ điện. Tiếng xà tích lủng liểng, túc tích bên sườn với chiếc vòng tay bạc chạm nhau của những cô gái chăm làm lúc nào cũng bước vội. Cái nhạc bạc nhỏ ngân một tiếng trên tấm ngực của cô gái Pú Piéo làm duyên bỗng chen lên như một tiếng gió kỳ ảo, xao động lạ thường”(2). Vậy là, nhà văn thiên về thị giác, nhưng cũng nhạy cảm về thính giác. Tô Hoài có con mắt của người hội hoạ, cũng có cái tai thẩm nhạc như một nhạc sĩ.

Tô Hoài được cảm nhận là văn chương “có hình, có cánh” một phần là nhờ như vậy. Tô Hoài từng tâm sự: “một điều nữa, ở mỗi nhân vật và trùm lên là cả xã hội Tây Bắc trong tác phẩm tôi đưa vào không khí vời vợi làm cho đất nước và con người bay bổng hơn lên”(3).

Am hiểu văn hoá nghệ thuật và có tài nghệ, tài hoa là một cốt cách quan trọng.

Tuy nhiên, cái nổi trội bao trùm là một cảm quan văn hoá mạnh mẽ.

Cảm quan văn hoá nằm trong cảm quan lịch sử nên có chiều rộng và chiều sâu của không gian và thời gian. Cảm quan văn hoá ấy sẽ định hướng cái nhìn văn hoá và bàn tay thâu lượm những tinh hoa văn hoá.

Cảnh sắc thiên nhiên miền rừng núi đẹp thơ mộng nhưng có cả nét dữ dội, hùng vĩ toát lên cái bản sắc phong hoá của vùng, miền. Cũng là rừng núi nhưng Tây Bắc và Đông Bắc có những màu vẻ, sắc thái khác nhau nếu ta đọc kỹ các trang viết của Tô Hoài. Lạng Sơn trong Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ có khác Sơn La, Nghĩa Lộ ở Truyện Tây Bắc… Trong cảnh thường có hồn người. Con người hoà hợp với thiên nhiên là như vậy. Ngay thiên nhiên cũng có một sự hài hoà nội tại: “mùa hè, hoa gạo rụng đỏ ối…những con chuồn chuồn ớt đỏ cháy chăm chú đậu trên những nhánh hoa bèo phớt tím…mùa đông tới, đàn chim hét đen ngòm lặng lẽ bay về…quả chuối chín vàng mọng bờ rào…những bụi cây chút chít xanh rờn, ánh nắng vàng choé”(Tô Hoài – tuyển tập văn học thiếu nhi – tập hai, 1999). Thiên nhiên hoà hợp sắc màu trong cuộc sống nhưng sự vật lại thường có sự hoà hợp cảnh và tình. Một chiếc váy Mèo sặc sỡ xoè trên mỏm đá là sự phô diễn một tâm hồn nhiều hình vẻ, sắc màu của con người dân tộc (Truyện Tây Bắc).

Lễ hội phong tục cũng vậy, thường được nhìn với cảm quan văn hoá của nhà văn.

 

  1. II.       TÔ HOÀI – NGƯỜI GIỮ GÌN PHÁT HUY VĂN HOÁ GIÀU BẢN SẮC DÂN TỘC

 

Như đã nói qua, Tô Hoài thường làm bộc lộ cái đẹp giàu bản sắc văn hoá của đất nước và con người. Đó là trình độ và cái tầm phát hiện văn hoá của một nhà văn giàu trải nghiệm.

Đặc biệt là sự thể hiện con người các bộ tộc, qua tính cách, tâm hồn, cách ứng xử, giao tiếp ta thấy được cái bản sắc độc đáo. Truyện cổ tích, tiếng hát, lời trao duyên…mỗi nơi mỗi khác. Thường ở miền núi có phiên chợ đặc biệt: Chợ tình. Ở đây trai gái múa khèn, thổi sáo, cất tiếng hát trao duyên…cảm thông nhau, thương yêu nhau họ cặp đôi, tay nắm tay rong ruổi trên đường… Đó là một lễ hội tình ái bình dị, hồn nhiên mà sâu sắc, thấm thía. Hình thức này tương tự lễ hội mùa xuân hát ví, hát dặm, hát giao duyên…ở miền xuôi. Nếu ở miền núi toát lên cái bản sắc dân tộc đậm đà thì ở vùng châu thổ lại có màu sắc bình dị, dân dã mà đậm đà không kém. Nổi bật trên những trang viết về vùng quê hương – miền thân thuộc một đời của Tô Hoài là văn hoá Hà thành – nét văn hoá Tràng An. Đó cũng là hình ảnh của truyền thống văn hiến nghìn năm Thăng Long mà Tô Hoài đã phần nào lột tả được.

Tô Hoài có nhiều dịp đi nước ngoài cả Âu lẫn Á. Đó là một loại du lịch  đặc biệt. Với con mắt nhìn khách quan của người xứ lạ, Tô Hoài thâu lượm, thu hút được những vẻ hay, dáng đẹp, những tinh hoa văn hoá của đất người để bồi bổ làm giàu thêm cho sự am hiểu văn hoá từ nơi xứ bạn (Thành phố Lênin – bút kýVăn học, 1961; Tôi thăm Campuchia – bút kýVăn học, 1964; Hoa hồng vàng song cửa – bút ký –  Hà Nội).

Thể hiện phong tục tập quán là một thế mạnh của Tô Hoài, qua đó là sự đề cao những giá trị phi vật thể của đời sống. Giá trị văn hoá còn ở trong các công trình kiến trúc, các sản phẩm nhạc cụ, các biểu trưng lễ hội… . Đặc biệt, Tô Hoài rất chú trọng miêu tả trang phục nhất là ở các vùng dân tộc thiểu số. Qua đó, ta thấy tài hoa thêu dệt của con người cũng là tấm thảm hồn người. Đời sống, sinh hoạt lễ hội cũng nói lên văn hoá tâm linh của con người. Một điều cần nhấn mạnh là tài năng phát hiện và phát huy tiếng nói dân tộc của Tô Hoài. Một đời gom nhặt chữ nghĩa, Tô Hoài chưa bao giờ thấy đủ.Nhà văn suốt đời học tập trau dồi và sáng tạo ngôn ngữ, làm sáng lên vẻ đẹp của tiếng mẹ đẻ coi đó là tinh hoa văn hoá dân tộc. Tiếng Việt được nâng lên “sánh đôi” với đời sống văn hoá và “tư tưởng của thời đại”(Tiếng Hà Nội).

Nhìn chung lại, sự am hiểu văn hoá và phát huy văn hoá của Tô Hoài là toàn diện. Ông có cái nhìn thấu đáo, tinh tường trên tất cả mọi phương diện.

* * *

Tô Hoài là người xứng đáng với tư cách một nhà văn hoá.

Ông là người biết ứng xử văn hoá với cuộc đời và trong mọi quan hệ cộng đồng. Trong đất nước, dân tộc cũng như với bè bạn năm châu, bao giờ cũng là một cái nhìn văn hoá, một sự bao dung văn hoá như tinh thần khuyến cáo của tổ chức quốc tế UNESCO.

Với tất cả cảm nhận đó ông xứng đáng được vinh danh Tô Hoài -  người giữ gìn và phát huy văn hoá giàu bản sắc dân tộc. Và đó cũng là một thứ ánh sáng tâm hồn hấp dẫn công chúng bạn đọc nhiều thế hệ.

PGS.TS Đoàn Trọng Huy 

Thành phố Hồ Chí Minh, 12-07-2014.

 

 Chú thích:

 (1) Phong Lê (2000) – Tô Hoài, sáu mươi năm viết…in trong Tô Hoài - Về tác gia và tác phẩm, Giáo dục.

(2),(3) Dẫn theo Đoàn Trọng Huy (2010) – Tô Hoài…in trong Lịch sử văn học Việt Nam (in lần thứ 3), Đại học Sư phạm.

 

Các Bài viết khác