NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÔ HOÀI – NHÀ VĂN CỦA PHONG TỤC

( 13-08-2015 - 10:21 AM ) - Lượt xem: 4421

Qua bức tranh về phong tục, Tô Hoài đã nhìn thấy có những phẩm chất đáng quý của người dân đồng thời còn chỉ ra được những thói hư tật xấu, những hủ tục không phù hợp kìm hãm đời sống của họ. Ông đã nhận ra rằng, chính sự hiểu biết hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân trở nên nghèo đói, tù túng. Họ không chỉ vất vả, cay đắng vì những áp bức, bất công mà còn chịu biết bao nhiêu sự hà khắc, trói buộc của những hủ lệ nghiệt ngã kéo dài từ bao đời.

I. ĐẶT VẤN ĐỀ         

Trong văn học, việc thể hiện phong tục có ý nghĩa quan trọng. Qua những trang sách, người đọc có thể biết được những thói quen ăn mặc, vui chơi, giao tiếp, ứng xử, lễ nghi… Văn học Việt Nam từ dân gian đến hiện đại có rất nhiều những tác phẩm thể hiện phong tục rất đậm nét. Nào là tục ăn trầu, tục thờ cúng tổ tiên, dựng cây nêu ngày tết, tục giải oan cho người chết… Trong giai đoạn văn học 1930-1945, có cả một xu hướng viết về phong tục với các nhà văn như Ngô Tất Tố, Chu Thiên, Kim Lân, Bùi Hiển, Nguyễn Tuân...

Tô Hoài là nhà văn có biệt tài về miêu tả phong tục. Đọc những tác phẩm của ông, độc giả thường bị lôi cuốn bởi những yếu tố ấy, từ những phong tục ở vùng ven đô Hà Nội đến những phong tục ở vùng miền núi Tây Bắc. Có thể nói, chất phong tục chính là chất men nồng làm nên sức hấp dẫn trong văn chương Tô Hoài và cũng chính phong tục là một trong những phương diện làm nên phong cách nghệ thuật của ông.

II. NHỮNG PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG TỐT ĐẸP

Mỗi nhà văn đều nhìn ngắm phong tục theo những khía cạnh khác nhau. Nếu Ngô Tất Tố lớn tiếng “tố khổ” những tệ lậu của bọn địa chủ gieo rắc ở nông thôn thì Kim Lân lại thông thạo những phong tục gắn với những thú chơi thanh cao ở miền quê. Nếu Nguyễn Tuân cảm nhận phong tục gắn liền với những con người tài hoa, tài tử nay chỉ còn “vang bóng” thì ngược lại, Tô Hoài cảm nhận phong tục dựa trên phương diện đời thường. Có thể nói, nhà văn đã có những trang viết rất sắc sảo và tài hoa về những phong tục truyền thống tốt đẹp ở các vùng miền.

Tô Hoài thường đặc biệt chú ý đến các lễ hội văn hóa đậm dấu ấn dân tộc. Những cảnh hội hè đình đám được nhà văn miêu tả chi tiết và hấp dẫn trong các tác phẩm của mình. Khi làng quê vào mùa lễ hội, không khí vừa trang nghiêm vừa náo nức. Những khung cửi ngừng dệt. Người già, người trẻ, trai, gái, trong làng nô nức đi xem hội. Trong âm thanh của tiếng trống rộn rã, hòa cùng tiết trời xuân ấm áp, mọi người như quên đi cảnh sống vất vả hàng ngày. Con người hân hoan, náo nức hòa nhịp cùng không khí rộn ràng, vui tươi của mùa lễ hội. Đây là bức tranh phong tục được Tô Hoài miêu tả khá sắc nét trong Mùa ăn chơi: “Bây giờ đã ngoài rằm tháng giêng. Những bà già lũ lượt đi hội chùa. Bắt đầu vào các hội đình. Một buổi sáng đầu tháng hai, một toán khách lạ đi vào trong làng. Có đến bảy tám người. Ai cũng chít khăn lượt, bận áo the dài. Trong nền áo, lòe xòe tùm thắt lưng lụa đỏ, hoặc thắt lưng nái vàng khè. Mấy ông đứng tuổi đi trước, cánh tay khoác lõng thõng cái ô. Những bác con trai, bác nào cũng đeo trên lưng một cái khăn nhỏ. Khách có dáng ở nơi xa tới (…). Một người vẻ thông thạo đoán:

- À, người đến đấu võ hội tháng hai làng ta đấy mà” [6,77].

Qua ngòi bút của Tô Hoài, người nhà quê thường có cuộc sống lam lũ, nhọc nhằn nhưng bên cạnh đó, họ còn là những người biết yêu thích những thú vui về văn hóa tinh thần. Trong tiểu thuyết Quê người, Tô Hoài đã dựng lên một mảng màu văn hóa trong bức tranh phong tục ở vùng quê ngoại thành Hà Nội. Cụ thể, đó là cảnh tượng huyên náo, dồn dập tiếng trống, tiếng nói cười của dân làng trong suốt mùa lễ hội. Không gian ấy là sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh trong không khí vui tươi, phấn khởi: “Trên không, vô vàn vì sao. Ngôi sao hôm chếch về phía trước mặt, như một giọt ánh sáng lấp láy trong vắt. Trước cửa đình làng Thượng, ánh sáng những đèn dầu, đèn đất, những đóm đuốc hồng rực lên, từ tam quan trở vào. Tiếng trống, tiếng mõ, tiếng thanh la, nạo bạt, tiếng cười xôn xao, ồn ồn, không thể phân biệt được. Rõ ra đám hội đương đông” [3,16]. Cả làng quê dường như không còn bóng dáng của cái đói, cái nghèo. Con người rạng ngời trong niềm vui lễ hội.

Đối với những tiểu thuyết về lịch sử, Tô Hoài thường khai thác những phong tục, cách làm ăn sinh hoạt của con người. Trong tiểu thuyết Đảo hoang, ông miêu tả những ngày lễ hội đầu xuân tưng bừng trong tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng thúc giục. Những cuộc thổi cơm thi, những đám vật của các cõi tụ hội về đua tài: “Từ bến sông cái lên, những cây tre cao treo đèn phất giấy lệnh. Ở mỗi góc đường, ở giữa chợ chất những đống củi cao như gò, những cây đình liệu cháy suốt đêm chưa hết (…). Hôm nay, toán cơm thi cõi ất bộ Hoài Hoan đọ tài với cơm thi Bãi Lở” [5,30]. Những người dân kinh đô không chỉ háo hức với trò thi thổi cơm dân gian mà họ còn rất say mê và đề cao tinh thần thượng võ. Trong tiếng trống, tiếng chiêng liên tiếp, cả vạn người quây vòng, cứ nhảy lên, hí vang và rầm rầm như chính mình đang ở trên đài vật: “Tiếng trống thúc rền. Người xem từng lúc lại hí, lại reo như sấm, mỗi khi có tay đô chèn được miếng hay một đô nào đó đuối tay quai, ngã ngửa chềnh ềnh giữa đài”. Những phong tục truyền thống trong Đảo hoang đã thể hiện rõ nét vẻ đẹp tinh thần của đất nước Văn Lang. Nó làm sống dậy cả một thời kì lịch sử của dân tộc và nó chứng tỏ một điều rằng những người dân thuần phác không chỉ vất vả, nhọc nhằn trong cuộc sống thường nhật mà họ còn có một đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú.

Trong tiểu thuyết Chuyện nỏ thần, Tô Hoài cũng dành rất nhiều trang để miêu tả vẻ đẹp phong tục của người dân Âu Lạc. Đây vốn là mặt mạnh trong ngòi bút của Tô Hoài. Với việc miêu tả bức tranh phong tục, Tô Hoài đã làm cho không khí tiểu thuyết trở nên sống động hơn. Đây là cảnh đất nước Âu Lạc vào mùa lễ hội: “Khắp các nơi kéo về hội Kẻ Chủ. Lễ xoan mở đầu năm mới. Làng làng nặn trâu đất lấy khước, khiêng trâu đất ra đồng“đánh tan giá lạnh, mở việc đồng áng”. Những cây tre để nguyên cả ngọn, cao vút dựng trước cửa mỗi nhà. Trên ngọn tre treo từng chùm khánh đất nung…” [4,136]. Khi trời trời bắt đầu sáng, mọi người tụ họp nhau bên gióng vật. Các đô vật nhảy vờn lên múa chào khách bốn phương về trẩy hội. Thời điểm đấu võ đã đến, họ như những con mãnh hổ tràn trề sức mạnh và sự khôn khéo: “Hai tay đô đã vào gióng. Những bắp tay cuồn cuộn nổi chảo. Những khoeo chân dựng đứng như gốc tre đực. Bàn tay bắt xuống đảo thế vật, người ngoài trông cũng đã hoa mắt…” [4,137]. Có thể nói, trong nét đẹp văn hóa lễ hội xa xưa thì đấu vật được xem là hàng đầu các phép võ. Lễ hội đấu vật, đấu võ cũng chính là lễ hội kén những người tài giỏi để góp trí tài cho công cuộc bảo vệ đất nước.

Không chỉ miêu tả sắc nét các lễ hội truyền thống của văn hóa dân gian, Tô Hoài còn chú ý đến những nét đẹp trong tập tục cưới hỏi. Trong tiểu thuyết Quê người, đám cưới của Ngây và Hời diễn ra vô cùng nhộn nhịp, tưng bừng. Qua cách miêu tả của Tô Hoài, người đọc không chỉ được tường tận về đám cưới với trang phục truyền thống của cô dâu, chú rể mà còn thấy được không khí phấn khởi, hồ hởi của đám rước dâu. Lúc đưa dâu, trước khi tiễn cháu gái về nhà chồng, bà Ba (cô của Ngây) “móc thắt lưng bao lấy ra mét phong giấy đỏ tặng cho Ngây” [3,61]. Đó là những nét phong tục đã có từ ngàn đời của người Việt Nam. Cha mẹ, người thân, anh em thường dành dụm vốn liếng cho con cháu trước khi về nhà chồng với mong muốn sau này con cháu mình sẽ ăn nên làm ra, có của ăn của để.

Con người ở vùng quê thường sống với nhau bằng cái nghĩa cái tình. Trong Quê người, nhà ông Nhiêu Thục xảy ra chuyện khi thằng Toản lên cơn sốt bất ngờ. Cả xóm đổ xô đến để xem tình trạng người bệnh. Không chỉ vậy, họ còn nhiệt tình chỉ cho gia chủ cách chữa trị, mặc dù cả đời họ chẳng qua một lớp đào tạo y học nào. Ông Ba Cấn (bạn của ông Nhiêu Thục) sang chơi, thấy bệnh tình của thằng Toản thì truyền ngay: “Trời trở tiết, nó cảm nắng đấy. Để quá, nó nhập tâm thì hỏng. Ông tìm đâu lấy nắm lá ngải cứu khô sắc cho nó uống một ấm như uống nước vối, là khắc bệnh sốt lui rầm rầm… Cái lá ngải cứu của ta là bách bệnh tiêu trừ. Tài lắm! Nhà nào cũng nên trữ một ít” [3,83]. Dù không phải là thầy thuốc nhưng cái tình, cái nghĩa của xóm làng của người dân là trên hết. Khi thấy người đau ốm, họ bảo cho nhau những bài thuốc được đúc kết từ những kinh nghiệm dân gian. Mặc dù, có thể những bài thuốc đó không chữa khỏi bệnh nhưng nếu thiếu vắng đi sự quan tâm, săn sóc ấy thì người dân quê sẽ rất cô độc, lạc lõng và giống như họ bị đánh bật ra khỏi kết cấu làng xã. Đây chính là cách cư xử thắm đượm tình người, một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp không chỉ có riêng ở vùng quê Tô Hoài mà còn hiển hiện trong đời sống tinh thần trên tất cả các vùng quê ở nông thôn Việt Nam.

Vẻ đẹp tình nghĩa xóm làng cũng được Tô Hoài thể hiện khá rõ nét trong tác phẩm Quê người. Cuộc sống quẫn bách khiến gia đình Bướm không còn một đồng để xoay sở. Cô đau đớn nhìn đứa con bị bệnh nặng mà không có tiền mua thuốc. Cuối cùng Bướm đành cất bước đến tìm Ngây - người bạn thân cùng làng với mình. Cũng trong tình trạng đói kém, gia đình Ngây chẳng khá hơn Bướm là bao, hơn thế nữa gia đình Ngây còn đang nợ nhà bà Lý Chi một khoản tiền lớn. Thế mà không ngần ngại, trước sự túng kiết đến tận cùng của bạn, Ngây đã mở rộng vòng tay cứu giúp Bướm. Ngây lần vào trong túi: “Em chỉ còn có bốn xu. Bốn xu cũng mua được hai lá thuốc đấy. Chị cầm tạm vậy” [3,95]. Cùng trong cảnh nghèo nàn mà người ta vẫn sống có tình có nghĩa. Với những chi tiết ấy khiến cho độc giả dường như cảm thấy ấm lòng hơn trước thảm cảnh đói nghèo của con người.

Tiểu thuyết Quê nhà của Tô Hoài cũng đề cập đến tình nghĩa thủy chung của con người. Ý thức về cội rễ là nguyên tắc hàng đầu mà các cụ thường dặn dò con cháu. Ông Tú hứa làm thông gia với ông Xuất. Nhưng đám cưới chưa kịp tổ chức thì cha con ông Xuất đã chết thảm vì bom đạn của kẻ thù. Vì chữ nghĩa, ông Tú cho con gái út Trại của mình đóng giả là nam nhi về làm con nuôi của bà Xuất. Hãy nghe đoạn tâm tình giữa ông Tú với con trước khi út Trại về nhà chồng: “Con ơi! Ăn ở lấy cái nghĩa thủy chung, từ giờ bố đặt tên cho con là Nghĩa, thằng Nghĩa, cái nghĩa thủy chung, con nhớ lấy” [2,71].

Mỗi nét phong tục tập quán đều được Tô Hoài tạo dựng lại khá ấn tượng trong trang viết của mình. Tất cả đều được Tô Hoài miêu tả với sự tìm tòi khám phá và lòng mến yêu trân trọng. Những trang viết của ông không chỉ viết ra bởi sự am hiểu tường tận vốn văn hóa của các vùng quê dân tộc mà còn được chắt lọc từ cái tình nồng nàn mà nhà văn dành cho phong tục của quê hương. Mỗi câu chuyện của nhà văn dường như có sự gắn kết với nhau bởi các chi tiết về phong tục. Chính điều đó làm nên chất men say trong các tác phẩm của Tô Hoài.

Cuộc sống không ngừng biến động, hoàn cảnh lịch sử cũng thay đổi, tuy nhiên những phong tục truyền thống tốt đẹp không thể nào mai một được. Đó chính là nét đẹp của văn hóa dân tộc. Tô Hoài đã dựng lên những bức tranh về phong tục rất sinh động, làm nổi bật những giá trị văn hóa tinh thần ở vùng nông thôn. Với ý thức coi trọng hiện thực khách quan, tôn trọng tính đa dạng phong phú của hiện thực đời sống, Tô Hoài đã quan sát, tìm hiểu và miêu tả những phong tục truyền thống tốt đẹp giống như những gì vốn có. Qua những trang văn về phong tục, Tô Hoài đã phần nào phản ánh được đặc trưng văn hóa của một vùng quê, đã khơi dậy trong lòng người đọc tình yêu, niềm tự hào đối với những truyền thống tốt đẹp đó.

III. NHỮNG HỦ TỤC LẠC HẬU, ẤU TRĨ

Tô Hoài không chỉ viết về những phong tục truyền thống tốt đẹp mà ông còn miêu tả những hủ tục gắn liền với tâm lí, thói quen trong sinh hoạt hàng ngày của người dân lao động. Ông không làm ngơ trước những thói tật của con người mà thường bộc lộ những trăn trở xót xa trước những thói tật đó. Dưới góc nhìn khách quan, Tô Hoài đã cho độc giả thấy được những hủ tục lạc hậu, ấu trĩ vẫn còn tồn tại trong đời sống của con người, đặc biệt là ở các vùng quê.

Truyền thống lễ giáo của cha ông để lại không phải cái gì cũng đúng, cũng tốt. Có những thứ đã quá lạc hậu và không còn phù hợp với cuộc sống hiện tại. Ví như tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” là một nếp nghĩ đã lỗi thời. Vì thế khi người ta cố tình đưa nó vào đời sống hiện đại thì ắt sẽ gây nên những bi kịch. Lụa, cô gái vừa mới mười tám đôi mươi trong tiểu thuyết Quê người tràn trề sức sống lại bị cha mẹ đồng ý gả cho thằng Toản “một thằng oắt con”. Chính vì thế mà chẳng có mấy ngày là vợ chồng lại không hục hoặc với nhau. Còn Bướm bị ướm gả cho gia đình khá giả để trả món nợ lớn cho gia đình. Mọi người trong nhà đều vui mừng, hí hửng vì hôn sự của Bướm. Nhưng Bướm thì ngược lại, cô đau đớn vì tình duyên bị ép gả. Cuối cùng, Bướm đã bỏ trốn để đi theo tiếng gọi của tình yêu.

Truyện ngắn như Vợ chồng trẻ con cũng đề cập đến những hủ tục ở các vùng quê, đó là nạn tảo hôn. Một thằng nhãi“vừa chẵn mười tuổi” là cu Phúc với cái Ngói “mười hai tuổi” được cha mẹ gả cho nhau. Tuy là tảo hôn nhưng đám cưới “giết bò, giết lợn và ăn uống linh đình”, và hai họ vẫn cứ “vui vầy, tưng bừng”. Ngày đón dâu, chú rể bẽn lẽn trong đám bạn đang cười nhạo rúc rích, còn cô dâu trong “đêm động phòng” [6,34] thì đòi bằng được các bạn phải ở lại ngủ chung với mình.

Tác phẩm của Tô Hoài còn đề cập đến những nếp nghĩ cổ hủ, hà khắc khiến cho bao con người lâm vào bi kịch. Truyện ngắn Chớp bể mưa nguồn là một điển hình về những hủ tục lạc hậu của người nông dân ở vùng quê. Cha mẹ cả đời núp bóng dưới lũy tre làng và bị ảnh hưởng nặng nề từ nền giáo huấn nho phong. Con cái họ sinh ra và lớn lên trong xã hội đã có nhiều đổi thay. Những thanh niên trong làng dù không bị ảnh hưởng nhiều bởi những tư tưởng mới do văn hóa phương Tây du nhập vào nhưng suy nghĩ của họ cũng đã tiến bộ hơn nhiều so với thế hệ đi trước. Nhưng với bà Móm thì lại khác. Khi người con trai mang một người đàn bà về nhà mà không cưới hỏi, bà đã rủa ngay: “Thôi thôi vất đi ráo con gái theo trai, con trai lấy vợ hoang, là vất đi ráo! Nhà bà không có cái giống ấy. Ngày xưa, bà đi lấy chồng, nghèo khó lắm. Vậy mà làng xóm cũng được nhai bỏm bẻm miếng trầu. Làng xóm cũng nhận được năm chục viên gạch thay tiền treo” [6,52].

Bà ghét con dâu vì những cái rất vô lí: “Bà ghét cái áo cánh của nó mặc. Áo đâu mà áo hồ lơ xanh lè. Chỉ có nhà thổ, chỉ có nhà trò, mới hồ lơ cái áo chướng mắt như thế… Áo đâu mà lại may chẽn vào người, xung quanh gấu tròn xoe, không xoe không chiết. Thực là dơ dáng. Bà đây đã già đời cầm kéo, cầm kim cũng chưa thấy ai mặc cái áo lố lăng như nó mặc…” [6,52]. Mẹ con bất đồng quan điểm, trong nhà nảy sinh lắm chuyện ủng oẳng, cơm không lành, canh không ngọt. Bà luôn tìm mọi cớ để gây sự với vợ chồng anh cả Mí. Sự quá đáng của bà Móm đã làm cho cô con dâu không chịu nổi và phải bỏ nhà ra đi trong lúc cái vết thương đang chuyển sang mức độ cực kì nguy hiểm.Vợ anh cả Mí đi rồi, anh buồn bã cũng bỏ đi nốt. Trong nhà giờ chỉ có bà lão Móm. Bà cũng chẳng sung sướng gì mà giờ mới thấm thía sự trống trải, cô đơn. Nhìn lại bi kịch của bà Móm, ta thấy rằng chính những thói tính lắm lời, nhiều chuyện, bảo thủ, cố chấp… là những rào cản ngăn cách hạnh phúc của con người và gây nên những bi kịch đau đớn về tinh thần.

Tô Hoài còn viết về những hủ tục cúng bái, mê tín dị đoan. Mụ Hối trong truyện Ông cúm bà co ốm đau, bệnh tật mà vẫn phải đi làm. Vì vậy mà bệnh tình của mụ ngày càng nặng thêm. Bác Hối - chồng mụ - cho rằng vợ mình bị cúm và quyết tâm chữa cúm cho bằng được. Bác ta lên chợ khuân về đủ các thứ lặt vặt “nào là một cái bánh đa, ba bốn nắm bỏng gạo trắng, hai củ khoai luộc, lại có cả một gói mắm tôm”. Bác bày tất cả các thứ quà đó lên giường và khấn ông bà ông vải: “Hỡi bệnh nhân, hỡi bệnh nhân. Đi xa về gần, đi gần về xa, nằm im mà nghe tôi nói:

Ông cúm bà co?

Ông ở xứ Nghệ, ông dò ra đây,

Tín chủ tôi xin biếu món quà này,

Mắm tôm, kẹo bột, bỏng nắm, bánh dày, bánh đa,

Ăn rồi xin ông bước ra…” [7,420]

Bệnh tình của mụ Hối không hề thuyên giảm mà càng trầm trọng: “Người mụ dần dần như cái que nứa tép. Một cái que nứa tép buộc vào mấy cái cành dong khô để làm chân tay và úp lên trên đầu một cái nồi đất. Mụ ngồi chống hai tay xuống giường, cái đầu lảo đảo như đầu bà đồng” [7,422]. Mấy ngày sau, người ta thấy con mụ chơi tha thẩn đầu ngõ. Mỗi đứa trên đầu đều có quấn khăn tang. Cái chết oan uổng của mụ Hối khiến người đọc vừa thương vừa trách. Chính vì sự lạc hậu, u mê mà bác Hối đã không cứu được người vợ đầu ấp tay gối của mình.

Ông bà Lũy trong Bóng Đè tất tả tìm đủ mọi cách để chữa chạy cho con dâu khỏi bệnh “bóng đè”. Bà thì dùng thuật ta tàu lẫn lộn. Rồi bà đi xem bói, sắm sửa đốt vàng mã, mua oản, mua xôi, mua chuối… Nhưng bệnh chỉ khỏi được một một dạo, con dâu bà Lũy lại mắc bệnh trở lại. Cuối cùng, ông Lũy đích thân kê chõng nằm gác ngay cửa phòng của con dâu để trừ tà. Từ đó mợ Phán không còn rền rĩ hàng đêm nữa. Thì ra, không phải mợ Phán bị bóng đè mà vì hằng đêm mợ vẫn qua mặt bố mẹ chồng và hú hí với nhân ngãi.

Ngòi bút của Tô Hoài không chỉ đi sâu miêu tả những hủ tục lạc hậu ở làng quê ven đô mà ông còn tập trung miêu tả những hủ tục lỗi thời ở miền núi. Có thể nói, chất keo miền núi đã gắn với Tô Hoài để tạo nên một niềm đam mê ngự trị trong đời sống tinh thần của ông. Khi viết về những hủ tục lạc ậu, ấu trĩ ở miền núi Tây Bắc, ngòi bút của Tô Hoài trở nên điêu luyện, tinh tế tới mức ông được đánh giá là một trong những nhà văn viết nhiều và viết hay nhất về những tập tục tục nơi đây.

Trong tiểu thuyết Miền Tây, Tô Hoài đã miêu tả những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan với muôn vàn những cái sợ: sợ ma trời, ma đất, ma rừng, ma người… của người dân miền núi. Nạn mê tín dị đoan vẫn còn đè nặng lên đời sống tinh họ. Người dân quá tin vào những chuyện ma chài, thần linh. Chồng bà Giàng Súa đi chở thuốc phiện cho quan, không biết vì lí do gì mà không quay về. Vậy mà người ta thêu dệt nên bao câu chuyện huyễn hoặc rằng: “Chồng bà phải ma chài nên đánh mất thuốc phiện nhà quan, quan ném nó xuống vực, bắt phải về đường ma với thuốc phiện rồi”. Kể từ đó, cả làng kháo nhau là nhà Giàng Súa có ma: “Người ốm sốt mê hoảng réo “Giàng Súa, con ma nhà Giàng Súa bắt tôi”. Hôm sau có người ra nương gặp bà Giàng Súa rồi về ốm, họ bảo đấy là tại đi đường gặp con ma Giàng Súa”. Ngay cả bà Giàng Súa cũng tưởng mình có ma thật, đến nỗi: “Bà đã xuống suối lấy sỏi ngậm trong miệng hàng tháng. Khi còn ít tuổi, đã nghe nói ai có ma muốn giải ma thì ngậm hòn đá ba mươi đêm, con ma sẽ hóa cục máu ra theo hòn đá” [1,20]. Chính vì sự mê tín của người dân mà cả gia đình bà Giàng Súa phải đem nhau trốn vào rừng sâu, quanh năm vật vờ như những người bị hủi, gặp tiếng ngựa hí cũng sợ, tiếng chân người cũng lo lắng. Cuộc đời của bốn mẹ con như sương khói mịt mù, không biết đến bao giờ mới thoát khỏi cảnh u ám đó.

Đến với tiểu thuyết Miền Tây, người đọc còn được chứng kiến cảnh chữa bệnh vô cùng “độc” của người dân miền núi. Con trai của trưởng thôn Pàng bị tiêu chảy, để lâu nên nhiễm trùng, lại cạn nước trong người, em bé trong tình trạng: “Bé như cái xác ở trần, chân và tay cong queo bằng nhau, còn cái đầu thì càng to ra. Cả người bé xám lẫn với màu xó tối, chỉ nghe tiếng môi chóp chép” [1,131]. Họ tin rằng, đứa bé chưa chết vì đống lửa trong nhà chưa tắt, chừng nào lửa tắt thì đứa bé sẽ không thương cha mẹ nữa mà bỏ đi xa. Thay vì mời y sĩ đến khám bệnh, họ lại tìm đến thầy cúng để đuổi tà ma. Cúng một lần rồi hai lần. Nhưng thằng bé vẫn rườn rượt héo úa “như cây thuốc phiện đứt rễ”.

Có thể nói, nhờ những năm tháng gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc miền núi mà Tô Hoài đã hiểu cặn kẽ và khai thác triệt để những phong tục nơi đây. Nào là tục “ở cuông” cho nhà quan, tục “tìm nàng hầu” cho bọn quan bang. Điển hình như cô Ảng trong truyện Cứu đất cứu mường đã trở thành người hầu hạ những quan lang, quan châu. Cả làng ăn vạ cô Ảng chửa hoang. Cuối cùng, chồng không có, ruộng nương cũng chẳng còn, cô Ảng rơi vào bi kịch: “Mẹ đành ôm con đi la liếm vét cối giã gạo ngoài suối”. Năm tháng qua đi, cô Ảng xinh tươi ngày nào giờ đã trở thành bà Ảng “rách quá, ốm quá, già quá. Chẳng mấy lâu bà người Mường Cơi đều gọi cô Ảng là bà lão Ảng, bà lão Ảng ăn mày” [6,225].

Người dân tộc Mông ở trên núi cao đã bao đời nay sống trong sự vất vả, thiếu thốn. Trong muôn nỗi vất vả ấy phải kể đến nỗi đày đọa về tinh thần. Những người phụ nữ miền núi bước chân đi lấy chồng thường chịu nhiều thiệt thòi vì những tục lệ cổ hủ, lạc hậu. Mê tín và thần quyền mà chế độ phong kiến chúa đất đặt ra và coi đó là những nguyên tắc bất khả kháng khiến cho những người phụ nữ phải chịu đựng nhiều bất công, ngang trái. Chế độ “cường quyền” và “thần quyền” ở miền núi tàn nhẫn đến độ dùng thế lực, tiền bạc đi “cướp” người phụ nữ đem về “trình ma”, thế là những người phụ nữ trở thành “cái ma” vô hình trói cả tuổi thanh xuân ở đấy. Nếu chẳng may chồng chết thì người phụ nữ ấy phải làm vợ người đàn ông khác trong nhà, có khi là một người em chồng còn ở tuổi “vắt mũi chưa sạch”. Và nếu chồng lại chết thì lại phải ở với người đàn ông khác vẫn trong nhà ấy.

Cũng có khi có những người phụ nữ thoát được cái nhà địa ngục kia, ấy là có những bố mẹ thương con, dành dụm được một ít tiền, đến nộp trả nợ cho nhà người chồng đã chết của con gái. Người ta cúng lễ cho người phụ nữ ấy được “cái ma” thả ra khỏi nhà. Nhưng mà người phụ nữ góa chồng ấy không được về nhà mình mà phải đi đến nhà quan thống lí trong vùng. Bố mẹ lại phải nộp cái lễ “rửa cửa” cho nhà quan để quan thống lí nhận người phụ nữ ấy từ giờ đến chết phải ăn ở như đầy tớ ở nhà thống lí.

Những người phụ nữ miền núi ấy đều đã trải qua những chuyện hãi hùng trên. Bao nhiêu điều khủng khiếp đã đi qua nhưng những chuyện thương tâm, nỗi đau đời khắc khoải vẫn cứ còn nhắc nhớ bao thế hệ. Cô Mị trong truyện Vợ chồng A Phủ xinh đẹp, hiếu thảo nhưng cuộc đời thì ê chề cay đắng khi cô phải làm con dâu gạt nợ cho nhà thống lí Pá Tra. Đó chính là hậu quả nặng nề của tục cho vay nặng lãi, tục cướp vợ “trình ma” ở miền núi. Rồi tục xử kiện, phạt vạ khiến A Phủ phải làm kiếp trâu ngựa suốt một thời gian dài ở nhà quan. Có thể nói, dưới chế độ thần quyền, người dân miền núi gần như hoàn toàn mất hết sức phản kháng, cuộc đời họ chìm đắm trong tủi hổ và nước mắt.

Trong truyện Mường Giơn, Tô Hoài cũng chú ý đến những hủ tục của người dân miền núi khiến cho con người sống trong cảnh khổ nhục như tục: ở rể. Sạ không có đủ mười gánh lúa mỗi năm nộp cho nhà vợ nên anh phải đến ở rể nhà ông Mờng. Sạ và Mát yêu nhau lắm, nhưng “cái thân đi ở rể thì lúc nào cũng phải giả vờ cách xa nhau như mặt trăng với mặt trời” [6,235]. Một lần lính Tây về càn quét, mọi người gồng gánh dắt díu nhau tìm lên rừng trú ngụ. Sạ ở lại đi tìm đàn trâu sổ thừng cho bố vợ, không may anh bị tây bắn và mất tích. Khi Sạ được bộ đội cứu sống, trở về làm cán bộ giúp dân làng thì Mát đã không may lọt vào mắt của quan Bang Kỳ. Từ đó Mát đi mà không thấy trở lại. Hay nhân vật Bân cũng vậy. Bân ở rể gần 10 năm, anh chuẩn bị chính thức hết những ngày ở rể nhọc nhằn thì vợ anh bị quan Trại bắt đi. Từ đó, Bân căm hận cuộc đời, anh nhảy vào ngụy binh và càng ngày càng lưu manh hóa.

Tô Hoài còn miêu tả những thói xấu tồn tại trong đời sống của người dân như: thói sĩ diện, thói khoe mẽ… đã khiến cho bao người lâm vào kết cục bi thảm. Trong tiểu thuyết Quê nhà, lệ khao vọng làng khiến người dân đã nghèo khó nay càng điêu đứng hơn. Cả đời họ sống vì lệ làng, no đói cũng vì lệ làng. Đời cha, đời con, đời cháu xoay vần, còn lệ làng thì không hề biết đến đời người, vẫn cứ trơ ra như thế. Lệ làng thật nghiêm, những người nghèo khó cứ cả đời vừa điêu đứng vừa sợ, vừa ao ước, vừa áy náy. Có người đã phải trẫm mình, phải thắt cổ tự tử. Còn ông tổ họ Lê thì chẳng bao giờ dám bén mảng tới chốn đình trung, đi đường cũng không ngẩng được mặt lên. Ông phải tính đến một nước khác: “Gà gáy một đêm kia, cái ông họ Lê không thể lo được bò lợn trình làng lên ảnh năm ấy, lủi thủi dắt vợ con ra khỏi lũy tre cổng làng. Chẳng một ai trông thấy” [2,51]. Chuyện xấu hổ ấy như một nỗi đau của người tha thiết với quê hương nhưng rồi phải chia lìa quê hương vì thói sĩ diện của chính mình, chính dòng tộc.

Những hủ tục lạc hậu trên ngấm sâu vào đời sống tinh thần của người dân khiến cho bao gia đình điêu đứng, bao số phận đi vào con đường cùng. Qua những hủ tục ấy, Tô Hoài đã miêu tả những cảnh đời, những cảnh người trong môi trường sống tối tăm, lạc hậu.

IV. KẾT LUẬN

Qua bức tranh về phong tục, Tô Hoài đã nhìn thấy có những phẩm chất đáng quý của người dân đồng thời còn chỉ ra được những thói hư tật xấu, những hủ tục không phù hợp kìm hãm đời sống của họ. Ông đã nhận ra rằng, chính sự hiểu biết hạn hẹp là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân trở nên nghèo đói, tù túng. Họ không chỉ vất vả, cay đắng vì những áp bức, bất công mà còn chịu biết bao nhiêu sự hà khắc, trói buộc của những hủ lệ nghiệt ngã kéo dài từ bao đời.

Nhãn quan phong tục đem lại cho các tác phẩm của Tô Hoài sức hấp dẫn riêng, không giống với bất cứ nhà văn nào. Đọc tác phẩm của Tô Hoài, độc giả như được chứng kiến tận mắt những phong tục, tập tục từ sinh hoạt trong gia đình đến những sinh hoạt cộng đồng, lễ hội, ma chay, cưới hỏi. Qua nhãn quan phong tục, Tô Hoài đã phần nào phản ánh những đặc trưng văn hóa ở một vùng miền. Và những trang văn xuôi đẫm màu sắc văn hóa phong tục đó sẽ còn neo đậu lâu dài trong lòng độc giả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tô Hoài (1973), Miền Tây, NXB Văn học, Hà Nội.

2. Tô Hoài (1981), Quê nhà, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội.

3. Tô Hoài (1982), Giăng thề, NXB Văn học, Hà Nội.

4. Tô Hoài (1984), Chuyện nỏ thần, NXB Kim Đồng, Hà Nội.

5. Tô Hoài (1997), Đảo hoang, NXB Văn hóa, Dân tộc.

6. Tô Hoài (2011), Tuyển tập truyện ngắn chọn lọc, NXB Lao động, TP. HCM.

7. Nguyễn Đăng Mạnh (chủ biên) - Hoàng Dung - Trần Hữu Tá (1984), Tổng tập Văn học Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội và NXB Văn nghệ, Tp. HCM.

PHẠM THỊ LUYẾN

NGUỒN: Kỷ yếu hội thảo "Tô Hoài - một đời văn"

Các Bài viết khác