NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

TÌNH YÊU - CUỘC SỐNG - SỐ PHẬN CON NGƯỜI TRONG “MÂY CHIỀU BẢNG LẢNG”

( 27-09-2016 - 09:40 PM ) - Lượt xem: 1432

Tiểu thuyết “Mây chiều bảng lảng” (NXB Văn Học, 2013) của nhà văn Nguyễn Khoa Đăng gồm sáu chương, nội dung xoay quanh hai nhân vật chính là “lão” và “bà Hiền” (vợ lão) cùng những sự việc diễn ra xung quanh họ.

 Bằng thể loại tự truyện, “Mây chiều bảng lảng” đã đem đến cho người đọc những tư liệu phản ánh cuộc sống gia đình, xã hội cùng những mối quan hệ đan xen, hạnh phúc và đau khổ trong một thời đã qua. Đó là cái thời mà sự định kiến khắc nghiệt đổ lên đầu những gia đình bị quy là thành phần địa chủ, quan hệ nam nữ bị trói buộc ngặt nghèo, “trai gái chập tối ra ngồi bên nhau dưới gôc phi lao ven đường nếu bị ai bắt gặp đã bị ghép tội hủ hóa, bị kiểm thảo”, “sinh hoạt vợ chồng, cũng phải giấu giếm như ăn vụng”, và hàng loạt các quy định xã hội khác nhằm tước đoạt quyền tự do của con người. Mà thực sự người ta không rõ những quy định đó có nằm trong luật pháp hay không; nhưng vẫn phải  miễn cưỡng chấp nhận những “kỷ luật” phát sinh từ đó. Chẳng hạn như cuộc tự kiểm thảo mỗi ngày của tập thể giáo viên theo tiếng “trống suy tưởng” lúc 11 giờ khuya  để “xem trong tư tưởng có diễn biến gì trái với đạo đức của một người thầy giáo xã hội chủ nghĩa”(trang 76). Thế rồi, vì thuộc “gia đình địa chủ” và sự cố “hoa xoan phủ kín hai mái đầu” mà đám cưới của lão với  Hiền đã không thể tổ chức ở quê được, lại phải tổ chức ở trường mà cũng không được chọn ngày cho nó. Rốt cuộc,đám cưới của lão buộc phải dời sang chủ nhật nhưng là buổi tối, giờ ấy là giờ nghỉ và là giờ học sinh ít lảng vảng đến trường” (trang 91). Trong đêm tân hôn, cô dâu chú rể không dám “động phòng” vì luôn có những cặp mắt theo dõi mình; và chú rể phải lập tức rời phòng để lên đường thực hiện mệnh lệnh đột xuất của lãnh đạo.

Bên trong bối cảnh xã hội ấy là những nỗi niềm suy tư, trăn trở của vợ chồng lão, của cô Liên, ông Cầu, ông Tuệ, Bé Hai, Thạch Linh.... “Mỗi một cuộc sống, mỗi một số phận đều có những nỗi niềm, những suy tư trăn trở riêng và đáng để ta suy ngẫm” (Gabriel Garcia Marquez).

    Ngay từ đầu câu chuyện, tác giả đã viết: “Năm 60 tuổi, lão bỗng nảy ý định ngoại tình” (trang 7), một sự khởi đầu đã gợi tò mò và nhiều thắc mắc cho người đọc về lý do tại sao? Bởi vì “lão” vẫn là người chồng yêu vợ, luôn chịu đựng tính khí của vợ để gia đình được yên ổn; nhưng bà Hiền vợ lão là một người phụ nữ rất yêu chồng, mà lại cố chấp, hay ghen, nhiều khi ghen vô lý với cả những nhân vật trong thơ của chồng. Từ sự mất lòng tin ở chồng, bà quyết không cho chồng đụng vào người mình: “Bỏ ra! Bàn tay dơ bẩn! Văn chương viết bằng bàn tay ấy cũng là thứ văn chương dơ bẩn”(trang 36).

Cuộc sống hôn nhân của hai vợ chồng luôn mâu thuẫn, tình yêu và nghi ngờ đã làm người vợ tự làm khổ mình, làm khổ chồng và là nguyên nhân khiến người chồng bỏ nhà ra đi và xao lòng với người mới. Để rồi khi lão nhận ra mình phải làm gì và đâu là hạnh phúc thì  mây trời đã không còn bảng lảng, gia đình vẫn là nơi bình yên nhất. Nơi đó có thằng bé cháu nội khôn ngoan đã nói qua điện thoại: Ông về nhà đi! cháu nhớ ông lắm! (trang 197), có cô con gái cũng đồng cảm với sự nghiệp của cha nên đã lượm lại bài thơ lão viết bị bà Hiền vò nát ném vào sọt rác để đưa lại cho bé Hai phóng to, lồng vào khung kính (trang 201), có bà Hiền vẫn yêu chồng vì bà đã “bệnh không ăn không ngủ từ hôm ông đi đến giờ” (tr.198).

Mỗi người một hoàn cảnh, ai sinh ra cũng muốn mình có một tình yêu trọn vẹn và một cuộc sống hạnh phúc. Bé Hai (cũng là Bông Huệ) là người phụ nữ cao thượng, người chị thương em trai rất mực, tự trọng, dám nghĩ, dám làm và dám chờ đợi một tình yêu dù tuổi đã xế chiều. Tình yêu đối với cô là một tình cảm trong sáng, không ích kỷ, không vụ lợi. Cô đã can đảm thành thật giãi bày những khát vọng của lòng mình với người mình yêu, dù biết rõ người ấy không thể rời bỏ gia đình riêng của ông ta được. Tìm hạnh phúc của mình trong hạnh phúc của người, cô đã bí mật nhận nuôi Thạch Linh, con gái nuôi thất lạc của người mình yêu, rồi khuyên người yêu rằng: “Vậy thì anh về đi! Kỳ này đi hay đứng, nhớ phải dứt khoát đấy. Có là mây thì cũng mây chiều rồi. Đừng bảng lảng nữa” (trang 202).

Độc giả thực sự đồng cảm với 3 nhân vật:  “lão” (ông Thổ Trì),  “bà Hiền” (vợ lão) và “ bé Hai” (Bông Huệ) - chính họ đã minh họa cho những điểm nổi bật nhất của toàn bộ tác phẩm về tình yêu - tình vợ chồng - nghĩa phu thê; qua đó mà nhận ra triết lý cuộc đời: Tình cảm của con người vô cùng phức tạp và tinh tế rất khó lý giải.

Câu chuyện kết thúc có hậu, đưa vào lòng người đọc những cung bậc xúc cảm buồn giận thương vui trong đời. Những khía cạnh tâm lý, suy tư trăn trở, mâu thuẫn của mỗi nhân vật đã tạo nên sức lôi cuốn của tác phẩm. Định mệnh đã khiến họ gặp gỡ nhau và ở lại hay ra đi lại hoàn toàn là sự lựa chọn của mỗi người.

Mây chiều bảng lảng là những phần đời, là những trang sống đưa đến cho mọi người một thông điệp, như nhà văn Như Bình đã phát biểu: “Không có gia đình nào là hoàn thiện, không có hạnh phúc nào là hoàn hảo. Điều quan trọng là mỗi chúng ta trong cuộc hôn nhân ấy t thấy mình có bằng lòng hay không, và cái cách mà ta ứng xử với cuộc hôn nhân đấy như thế nào.Điều đó tùy thuộc rất lớn lao vào văn hóa sống của từng người”.

NGỌC DUNG

Các Bài viết khác