NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THI TƯỚNG HUỲNH VĂN NGHỆ (NHÀ THƠ CHIẾN SĨ)

( 11-03-2014 - 08:40 AM ) - Lượt xem: 3377

Huỳnh Văn Nghệ (bí danh Hoàng Hồ) sinh ngày 2/2/1914 tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa (nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông không những là một nhà chỉ huy quân sự tài ba mà còn là một nhà báo, nhà thơ với nhiều tác phẩm khá nổi tiếng. Người dân miền Đông Nam Bộ yêu kính và trìu mến gọi ông là \"Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ\". Tên tuổi ông được ghi trong sách Trí thức Sài Gòn - Gia Định, được đưa vào Từ điển danh nhân Việt Nam, Từ điển thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh, được đặt tên cho trường học ở Tân Uyên, nơi vùng đất chiến khu Đ năm xưa và một số đường phố ở Bình Dương, Biên Hòa, TP HCM.

Một cuộc đời oanh liệt

Huỳnh Văn Nghệ sinh ngày 2-2-1914, tại làng Tân Tịch, tổng Chánh Mỹ Hạ, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ông là con thứ 7 trong gia đình. Tuy nhà nghèo, nhưng ông vẫn được gia đình lo cho ăn học đến nơi đến chốn, được cha dạy dỗ về căn bản cả văn lẫn võ, được mẹ nuôi dưỡng tinh thần yêu nước thương dân. Là người thông minh học giỏi nên Huỳnh Văn Nghệ được nhận học bổng tại trường Trung học Pétrus Ký Sài Gòn (nay là trường THPT Lê Hồng Phong) và sớm giác ngộ, tham gia các hoạt động cách mạng.

Những năm 1932-1939, Huỳnh Văn Nghệ đến với cách mạng ông tham gia phong trào Đông Dương đại hội ở Sở Xe lửa Sài Gòn. Năm 1940, khởi nghĩa Nam Kỳ thất bại, giặc Pháp điên cuồng đàn áp những người cộng sản, một số phải rút về rừng Tân Uyên hoạt động, ông lo việc tiếp tế đạn dược, thuốc men cho số đồng chí này.

Năm 1942, bị lộ, ông phải trốn sang Thái Lan và hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. Tại đây, ông tổ chức xuất bản tờ báo Hồn cố hương, kêu gọi kiều bào hướng về Tổ quốc, ủng hộ cách mạng.

Năm 1944, Huỳnh Văn Nghệ về nước, bắt liên lạc với cách mạng và được đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ phân công lập căn cứ Đất Cuốc tại Tân Uyên, Biên Hòa, được kết nạp Đảng, lập Đoàn Cựu binh sĩ và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, trực tiếp chỉ huy cướp chính quyền ở Biên Hòa. Tự tay ông đã bắt tên cò Phước, tỉnh trưởng Quý, tòa Nhan ở Biên Hòa, giải phóng tù chính trị bị chính quyền Nhật giam giữ.

Tại hội nghị Chợ Đệm, Ủy ban nhân dân Nam Bộ bổ nhiệm Huỳnh Văn Nghệ làm cố vấn Ủy ban kháng chiến miền Đông. Khi giặc Pháp lấn chiếm ra các vùng ngoại vi Sài Gòn - Gia Định, ông đã ở lại tham gia chiến đấu tại các mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, Thị Nghè, đường số 1 (từ Sài Gòn đi Biên Hòa), Băng Ky, Bình Lợi, Thủ Đức... chặn bước tiến của giặc về miền Đông Nam Bộ. Sau đó, ông tổ chức đốt Tòa bố, Sở cò, Bưu điện Biên Hòa, thu 23 khẩu súng trường, đem về Tân Uyên  xây dựng giải phóng quân Biên Hòa và trực tiếp làm chỉ huy trưởng. Căn cứ Tân Uyên được ông bố trí phòng ngự vững chắc, đã đảm nhiệm vai trò bảo đảm hậu cần cho lực lượng vũ trang của tỉnh và một số tỉnh miền đông Nam bộ.

Dưới sự chỉ huy của Huỳnh Văn Nghệ, không bao lâu sau, Tân Uyên trở thành một trong những căn cứ kháng chiến vững mạnh nhất ở Nam Bộ.

Đầu năm 1946, quân Pháp liên tiếp mở các trận tiến công lớn vào chiến khu Tân Uyên - Lạc An (Chiến khu Đ). Ngày 2/1/1946, Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy lực lượng chủ công tham gia trận phản công lớn đầu tiên của Nam Bộ do Khu tổ chức đánh vào thị xã Biên Hòa.

Sau khi tham gia trận Tân Uyên và chỉ huy mặt trận Tân Tịch - Lạc An (2/1946) giành thắng lợi, Huỳnh Văn Nghệ được Khu trưởng Nguyễn Bình chỉ định làm Chi đội trưởng Chi đội 10, ông đã chỉ huy các đơn vị chiến đấu bảo vệ nhân dân, bảo vệ chiến khu Đ. Tháng 3/1948, Huỳnh Văn Nghệ nhận nhiệm vụ Khu bộ phó Khu 7, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 310.

            

Từ trái qua, Huỳnh văn Nghệ, Lê Duẩn, Nguyễn Bình, Dương Quốc Chính  tại chiến khu Đ thời chống Pháp

Ngày 1/3/1948, với cương vị chỉ huy trưởng, ông tham gia trận La Ngà - trận giao thông chiến lớn nhất ở Nam Bộ kể từ ngày giặc Pháp tái chiếm nước ta. Sau trận này, Trung đoàn 310 được Bác Hồ khen thưởng Huân chương Chiến công hạng 2,  Huỳnh Văn Nghệ được Bác Hồ tặng thưởng một chiếc áo trấn thủ.

Tháng 7/1948, thi hành lệnh của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ, trong hoàn cảnh hết sức nguy hiểm, Huỳnh Văn Nghệ một mình đến căn cứ Bình Xuyên thuyết phục được thủ lĩnh Bình Xuyên lúc bấy giờ là Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) tham gia vào cuộc kháng chiến do Đảng lãnh đạo.

Cùng thời gian này, ông được bổ nhiệm làm Khu trưởng Khu 7. Trên cương vị mới, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng căn cứ mới của Khu, thành lập bộ đội chủ lực Khu 7 (Bộ đội 303). Đặc biệt, ông nghiên cứu, tìm ra cách đánh tháp canh, giải quyết được sự bế tắc về chiến thuật

Năm 1950, sau khi sáp nhập Sài Gòn - Chợ Lớn vào Khu 7, ông giữ chức Phó tư lệnh Khu 7. Năm 1951, khi hai tỉnh Thủ Dầu Một - Biên Hòa sáp nhập, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, kiêm Tỉnh đội trưởng Thủ Biên, chỉ huy nhiều trận đánh lớn bảo vệ Bộ Tư lệnh Nam Bộ đóng ở Chiến khu Đ.

Năm 1952, trong trận lụt “thế kỷ”, lợi dụng tình thế khó khăn của quân dân ta, địch huy động 11 tiểu đoàn tiến công vào Chiến khu Đ. Lực lượng của tỉnh chỉ có một tiểu đoàn nhưng dưới sự chỉ huy tài tình của Huỳnh Văn Nghệ đã anh dũng chiến đấu suốt 52 ngày đêm, tiêu diệt gần một tiểu đoàn địch, phá tan âm mưu của chúng gom dân và tiêu diệt lực lượng ta.

Tháng 5-1953, ông được cử ra Việt Bắc học và ở lại công tác miền Bắc gần 12 năm, trải qua các chức vụ: Trưởng phòng Thể dục thể thao, Cục phó Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp.

Năm 1965, ông được điều động trở về Nam Bộ, lần lượt giữ các chức vụ: Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó bí thư Đảng ủy căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban Lâm nghiệp Trung ương Cục miền Nam.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông là Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam, Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp. Ngày 5/3/1977, ông mất tại Bệnh viện Thống Nhất sau thời gian lâm bệnh nặng, thọ 63 tuổi.

Thi tướng rừng xanh

Huỳnh Văn Nghệ đánh giặc bằng cả gươm và bút. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là “Thi tướng rừng xanh”. Làm thơ để đánh giặc, động viên những người ra trận, vì thế mà các bài thơ của Huỳnh Văn Nghệ đều phản ánh hiện thực cuộc chiến đấu gian khổ, oanh liệt ở chiến khu. Một chiều tiêu thổ, một trận công đồn, một trận bão lụt, một chiến sĩ hy sinh... tất cả ùa vào thơ ông, mang nguyên những bụi bặm chiến trường, nhiều khi như một phóng sự, ghi chép sự kiện. Vì vậy qua các tác phẩm của ông, người đọc có thể hiểu thêm về quê hương, gia đình, cuộc đời binh nghiệp, văn nghiệp của ông, về cuộc chiến đấu gian khổ, trường kỳ, oanh liệt của nhân dân miền Đông Nam Bộ.

Ở Huỳnh Văn Nghệ, nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hòa quyện với nhau, như chính lời ông viết: “Tôi là người lăn lóc giữa đường trần/ Không phân biệt lúc mài gươm múa bút/ Đời chiến sĩ máu hòa lệ, mực/ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi/ Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi/ Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác/ Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát/ Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…”.

Thơ Huỳnh Văn Nghệ dường như chỉ nói về Chiến khu Đ, nếu đem sắp chúng theo trật tự biên niên, ta sẽ có gần đủ một cuốn lịch sử Chiến khu Đ bằng thơ. Qua thơ của ông, người đọc sẽ trả lời được câu hỏi: Chiến khu Đ ra đời trước hay sau ngày Nam Bộ kháng chiến, điều mà rất nhiều người còn thắc mắc: “Chiến khu Đ có từ thuở ấy/ Có một anh đồng chí/ Sau Nam Kỳ khởi nghĩa năm bốn mươi/ Đưa chi bộ về rừng Đồng Nai/ Lập chiến khu nuôi chí lớn” (Du kích Đồng Nai).

Thơ Huỳnh Văn Nghệ nói nhiều đến tình cảm giữa chiến khu với đồng bào nơi bị chiếm; đến các trận đánh Trảng Bom, Bưng Còng, Bảo Chánh, La Ngà; đến tinh thần chiến đấu hy sinh của bộ đội, dân quân du kích, của em bé liên lạc xóm Cây Dâu, đến cái chết của đại biểu Quốc hội khóa I Nguyễn Văn Xiển... Nhưng có lẽ, các nhân chứng lịch sử nhớ nhiều nhất bài thơ của ông nói về trận bão lụt lịch sử năm Nhâm Thìn 1952 và trận thắng lớn của Tiểu đoàn 303 Thủ Biên ngay trong những ngày “Trút cả hũ không còn đầy nắm muối”. “Những nóc nhà trôi/ Những thân cây đổ/ Suối ngập thành sông, sông tràn thành biển/ Mênh mông sóng vỗ chân trời/ Thôi hết rồi hết lúa hết khoai/ Chiến khu Đồng Nai lại đói.../ Cả chiến khu đêm nay không ngủ/ Tụ năm tụ ba/ Bàn tán về Tiểu đoàn ba trăm lẻ ba.../ Bỗng được tin loa/ Ta tiêu diệt hoàn toàn đồn Bến Sắn”.

Sau Hiệp định Giơnevơ, Huỳnh Văn Nghệ tập kết ra Bắc. Cả khi ở Hà Nội và sau này, lúc đất nước đã hoàn toàn thống nhất, Huỳnh Văn Nghệ ít làm thơ; và thơ ông, nếu có, lại chỉ quay về... Chiến khu Đ. Đó là những vần thơ da diết nhớ một thời kháng chiến hào hùng, hoặc xót xa với cảnh rừng bị địch tàn phá đến hoang trụi: “Đất rừng còn nhức nhối/ Hố bom khoét thân mình/ Cây dầu còn rỉ máu/ Vết đạn vẫn chưa lành.../ Dân mình còn gian khổ/ Hòa bình chưa ăn mừng/ Lo thiếu gạo thiếu gỗ/ Nhưng phải bảo vệ rừng/ Ngày mai rừng tươi lại/ Cho người đỡ nắng mưa/ Thêm lúa thơm gỗ quý/ Suối trong veo bốn mùa” (Cây thông già và anh thợ rừng).

Trong mảng thơ Nam Bộ kháng chiến thì chắc chắn thơ Huỳnh Văn Nghệ có một chỗ đứng đáng trân trọng. Thơ của ông giản dị mà gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động. Bài thơ Nhớ Bắc của ông là một ví dụ:

 “Ai về Bắc, ta đi với

 Thăm lại non sông giống Lạc Hồng

Từ độ mang gươm đi mở cõi

Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long…

Hai câu thơ “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long” thể hiện hào khí thiêng liêng của dân tộc. Hào khí Nam Bộ xuất phát từ hào khí Thăng Long nghìn năm. Bản thân Huỳnh Văn Nghệ những năm tháng sống và làm việc ở miền Bắc, ông luôn nhớ về miền Nam. Nguyện vọng lớn nhất của ông là được trở vào Nam tiếp tục chiến đấu. Sau này khi trở vào Nam, kỷ vật ông mang theo là chiếc điếu cày. Ông rít thuốc lào như một lão nông thực thụ ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Chính sự hòa đồng, tình nghĩa ấy đã giúp ông có khả năng cảm hóa con người...

Trong những năm đầu hòa bình lập lại (1954) ở miền Bắc, Huỳnh Văn Nghệ bắt đầu viết văn xuôi, đầu tiên chính là tác phẩm hồi ký “Quê hương rừng thẳm sông dài” viết về tuổi niên thiếu và kết thúc là bước đường tìm đến với cách mạng trong đó là hình ảnh của người cha đã hun đúc ông chất người anh hùng dám xả thân cứu nước bênh vực người bị áp bức, nghèo khổ. Nhưng nổi bật lên là hình ảnh mẫu mực của người mẹ, bà đã truyền lửa và nuôi dưỡng trong ông tấm lòng yêu nước, thương nòi, sống nhân hậu, thủy chung bằng những câu chuyện dân gian về cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Hoàng Lễ-Hoàng Hồ. “Những ngày sóng gió” tập hồi ký tiếp theo kể về những ngày hoạt động cách mạng ở Thái Lan và về nước chuẩn bị tham gia khởi nghĩa giành chính quyền 1945 ở quê hương và Sài Gòn. Ngoài ra ông còn những truyện-ký Mất đồn Mỹ Lộc, Trận mãng xà, chùa ông mõ, Tiếng hát trên sông Đồng Nai… đó là những câu chuyện kể đầy nghĩa khí, thấm đậm tình người nghĩa xóm và tấm lòng yêu nước thiết tha mà Huỳnh Văn Nghệ muốn truyền lại cho thế hệ mai sau để tiếp bước cha ông.

Huỳnh Văn Nghệ văn võ song toàn, đồng đội luôn hướng về ông với sự ngưỡng mộ, cảm phục, và trìu mến gọi ông với cái tên thân thiết: anh Tám Nghệ. Cuộc đời ông đã khắc họa trong lòng nhân dân Nam Bộ một hình ảnh tuyệt đẹp  - Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ.

Các Bài viết khác