NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THẾ LỮ TRONG BUỔI ĐẦU SÂN KHẤU KỊCH NÓI HIỆN ĐẠI ĐẦU THẾ KỶ XX

( 17-09-2014 - 06:18 AM ) - Lượt xem: 1168

Khoảng năm 1936 trở về sau, giới sân khấu, cả Nguyễn Hữu Kim, Hồ Trọng Hiếu (đã mang bút danh Tú Mỡ), mỗi lần nhắc đến vai trò đạo diễn, đều nói đến Thế Lữ như một đạo diễn là việc có khoa học và quy củ.

Từ những năm 1923, 1924, khi còn là học sinh ở Hải Phòng,  Thế Lữ đã mê xem Nguyễn Đình Kao dựng Tây Nam đắc bằng, chuyển từ tuồng sang kịch kim thời, một vở tuồng phản động, do nhóm công chức diễn. Điều làm cho Thế Lữ thích thú là Nguyễn Đình Kao chỉ dẫn tỷ mỷ cho người diễn (phải bước chân nào trước, chân nào sau, đặt ba-toong ở chỗ nào…) Đầu năm 1928, nhân Hội Trí tri (Hải Phòng) vận động xây dựng  sân bóng, Hoàng Ngọc Phách tập hợp một số học sinh (trong dó có Thế Lữ) diễn vở Lọ vàng. Được sự uốn nắn của một nhà văn kiêm nhà giáo có tiếng[1], anh em học sinh rất phấn khởi tập luyện. Do đóng vai Lão Quý khá xuất sắc, Thế Lữ được thầy khen, bạn bè mến. Bài học đầu tiên, Thế Lữ rút ra sau mấy lần xem tập diễn vở, là muốn tổ chức một ban kịch, cần phải có một người uy tín, để những khi tập hay diễn không xảy ra tình trạng đi muộn về sớm, vừa ý thì làm, trái ý thì dỗi. Nhưng nếu thái độ của người chủ trì nghiêm khắc quá, thì dẫu có chỉ bảo đâu ra đấy, cũng không làm nhiều anh em tập luyện thoải mái, không phát huy được tính tự động sáng tạo của anh em.

Ở Hà Nội, Thế Lữ xem Một người thừa, Ông Tây An Nam. Ông thấy ở các diễn viên tuy lột được tinh thần vai sắm, nhưng lại chưa bằng lòng vì thấy nhiều sự việc cử động rập khuôn y như ngoài đời. Sau được xem mấy nhóm kịch của Pháp tới Hà Nội diễn, thấy gọi “gói mở chặt chẽ, căng chùng đúng lúc”[2], ông phục lắm, có ý lấy sân khấu Pháp làm đích vươn lên cho kịch nói Việt Nam. Thế Lữ lao vào học mỹ thuật để sau vẽ phông cho sân khấu tốt hơn. Ông mong muốn có những nhóm kịch chững chạc, đưa lên sân khấu những vở diễn tốt.

Năm 1923, Thế Lữ góp ý cho nhóm sinh viên diễn Nghệ Sĩ  hồn, phê bình Không một tiếng vang (khen tác phẩm, khen người diễn, chỗ dàn cảnh) và viết một vở bằng tiếng Pháp: Cơn ác mộng của một sinh viên[3]. Bấy giờ, có sách nào về sân khấu ở Pháp sang là ông đọc ngấu, bất kể của tác giả nào[4]. Ông thường cùng một số anh em bàn những chuyện thanh âm, hình khối, màu sắc của sân khấu, cùng thống nhất quan niệm diễn kịch phải nghiêm túc, tinh luyện, không đi bán vui, không lợi dụng những chiêu bài lạc quyên cứu tế để làm nghệ thuật qua quýt, tắc trách… Tuy vậy, cho đến Cách mạng Tháng Tám, ông chưa hề được đọc một cuốn sách nước ngoài nào nói về đạo diễn.

Năm 1936, Thế Lữ tham gia Ban kịch Tinh hoa, đạo diễn vở Ghen, được nhiều người khen. Nhưng nói đến đạo diễn Thế Lữ với sự tìm tòi thận trọng khi thể hiện với sự tập dượt nghiêm túc khi dàn dựng, với lòng tự trọng của người diễn và lòng trân trọng người xem, thì phải kể từ sau khi nhóm kịch của ông giới thiệu Kim tiền, Ông Ký Cóp,… Bí quyết dẫn tới những thành công bước đầu ấy, theo Thế Lữ là tinh thần làm nghệ thuật nghiêm túc và bằng nhiều cách làm cho diễn viên hoan nghênh vở, thích thú nhận vai họ sẽ sắm. Thế Lữ thấy rõ cần hướng dẫn, phân tích vở cho diễn viên ngay khi đem đọc nghe chung. Người đọc làm sao phải thay đổi sắc thái, giọng nói cho hợp tình tiết, hợp nhân vật, để gây hào hứng sôi nổi trong anh chị em. Sau đó cả nhóm bàn cách diễn, mỗi cá nhân tự nhận lấy vai nào xét thích hợp, có sự khêu gợi, trao đổi của người chủ trì.

Trong khi dàn tập, Thế Lữ luôn nhắc diễn viên phải có những cử chỉ rành mạch, ngồi đứng gọn gàng, lời nói to vang, để khán giả ở cuối rạp cũng phải nghe rõ, xem rõ. Diễn viên cần tin tưởng ở đạo diễn, nhưng không ỷ lại, phải mạnh dạn sáng tạo khi sắm vai. Đạo diễn phải thận trọng, nhưng không độc đoán.

Nhóm kịch của Thế Lữ thường có một số họa sĩ, nhạc sĩ tham gia trực tiếp sắm vai, hoặc đến xem rồi góp ý về màu sắc, thanh âm, hình khối… sao cho tiết mục được hài hòa, cân xứng. Với Thế Lữ, mỗi đạo cụ đưa lên sân khấu đều cần có ý nghĩa nhất định. Để nói gia cảnh chủ mỏ Trần Thiết Chung, ông cho bày bốn ghế bành gỗ trắc, mặt đá, một bộ bằng đồng và tấm y môn (ý nói cái gốc nho của hắn). tại nhà riêng, bao giờ Thế Lữ cũng thử đi thử lại cách xếp đặt, ra vào… trên một sân khấu nhỏ, đóng bằng hòm gỗ, dùng đèn pin, thay ánh sáng soi lên makét, với đủ trang trí, màu sắc và diễn viên đóng như thật, đề tìm hiệu quả tối đa của công trình sắp thể hiện.

Thế Lữ có lưu ý học tập diễn xuất của sân khấu dân tộc, nhưng không câu nệ vào kinh nghiệm, vào hình thức nghệ thuật cũ. Trong Kim tiền có một lớp Trần Thiết Chung phải nói với công nhân mỏ, Thế Lữ đã không theo kịch bản (ghi là nhân vật quay 3/4 ra khán giả), mà xoay cửa sổ bên vào phòng hậu, buộc Trần Thiết Chung phải quay lưng ra khán giả mà nói. Khán giả chỉ nhìn cử động, nghe giọng nói, mà biết hắn đang giận hay sợ hãi. Hoặc Ông Ký Cóp đi lại, suy nghĩ không theo chiều ngang sân khấu như thường lệ, mà lại bước một theo chiều dọc, lúc quay vào, hai tay quắt đằng sau, mấy ngón đập đập, rõ ra người đang tính toán mông lung… những tìm tòi nhỏ ấy khi đưa ra diễn được khán giả thích thú (khác với diễn xuất của tuồng, chèo) đã làm anh chị em rất phấn khởi, càng gắn bó với nghề kịch hơn. Tuy nhiên, những ước mơ của Thế Lữ (mong có ban kịch nghệ thuật chững chạc, được khán giả yêu chuộng, với những diễn viên chuyên nghiệp) phải chờ đến Cách mạng tháng Tám mới thực hiện được.

 Trong mấy vở Trầm hương đìnhMã Ngôi Pha, nhiều người cũng nhắc đến Thế Lữ trong vai Đường Minh Hoàng và Sỹ Tiến trong vai An Lộc Sơn.

Thế Lữ vẫn là diễn viên già dặn. Từ thời học sinh, sắm vai Lão Quý trong Lọ vàng, ông đã được Hoàng Ngọc Phách hướng dẫn, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc hết lời khen ngợi. Sau này khi nhóm kịch của ông diễn lại Lọ vàng, vẫn với Lão Quý, ông ra vai càng chín chắn, cân nhắc hơn. Sự cảm mến của anh chị em trong nhóm đối với ông một phần cũng do “khiếu” biểu diển sáng tạo ấy. Đến vai Đường Minh Hoàng, Thế Lữ dựng nên một ông vua hào hoa, phong nhã, biết trân trọng thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, của nghệ thuật hơn là nhiệm vụ cai quản “trăm họ”. Đến lúc phải cúi mặt gạt lệ nhìn người tiên tự nguyện kết liễu cuộc đời tài hoa bằng dải lụa oan nghiệt, ông đã than lên ai oán, trầm hùng, tưởng như nếu “ông” không làm vua, có lẽ cuộc tình duyên đầy thơ mộng ấy vẫn vẹn tuyền. Người xem thấy rung động trong lòng, tiếc nuối mối tình dang dở và thương nhân vật phải ôm hận nghìn đời.

(Lược trích bài Mấy nét về nghệ thuật kịch nói trước cách mạng tháng Tám in trong tạp chí Nghiên cứu nghệ thuật, số 1, 2, 3 – 1974)



[1] Nhà văn Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm (N.B.S.)

 

[2] Như ban kịch “Đào kép Pháp” (Les Comédiens francais), nhóm kịch của Clô-đờ Bu-ranh (Claude Bourain)…

[3] Tức vở Le cauchemar d’un étudiant, đã được Năm Châu chuyển thành một màn cải lương.

[4] Thế Lữ còn nhớ đã đọc Nghệ thuật đóng kịch (L’ art du comedien) của Xa-ra Béc-na (Sara Bernard). Những cổ động viên sân khấu (les amateurs du théátre) của Giu-vê (Jouvet)…

Các Bài viết khác