NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THÁM TỬ KỲ PHÁT RẤT CÓ DUYÊN!

( 31-08-2019 - 01:32 PM ) - Lượt xem: 615

Được anh Phạm Thế Cường cho biết CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng sẽ thảo luận về tác giả Phạm Cao Củng (1913-2012), tôi lên phố Đinh Lễ tìm mua sách của ông Vua truyện trinh thám Việt Nam. Tôi vốn không phải là người quá đam mê truyện trinh thám, các bộ sách nổi tiếng thế giới của Sherlock Holmes, Arsene Lupin tôi chỉ đọc được vài tập, không nghiền lắm! Ấy thế mà khi tiếp xúc với truyện trinh thám của Phạm Cao Củng tôi đã hăng say đọc hết ba cuốn Vết tay trên trần, Đám cưới Kỳ Phát và Nhà sư Thọt với một cảm giác sảng khoái.

     Trước hết những trang sách của Phạm Cao Củng đưa tôi trở lại quang cảnh xã hội thời Pháp thuộc những năm 30, 40 của thế kỷ trước: Hình ảnh Ga Hàng Cỏ, Nhà hát lớn Hà Nội, tiệm ăn phố Hàng Buồm, nhà hàng phố Hàng Bông, cảnh cô đầu ở Nam Định, dinh cơ Tri châu xứ Nùng, nhà trọ hàng cơm ở Ninh Giang ( Hải Dương), ông Cai lục lộ tỉnh lẻ Kiến An ( Hải Phòng), trang trại Ấp Thái Hà, tầu điện Hà Nội những năm 1940…Tất cả những hình ảnh ấy hiện ra sống động chân thực làm thỏa mãn nỗi nhớ về quá khứ của người nặng lòng với “cảnh cũ người xưa”. Trên nền quang cảnh ấy là đủ hạng người: trung lưu, nhà buôn (lậu), nhà báo, giám đốc Viện Viễn Đông Bác cổ, ông thông, ông phán, ông Cai, thầy thừa, nhân viên sở liêm phóng, phu phen, người ở… Họ đều mang phong cách ứng xử một thời chưa phai nhạt truyền thống phương Đông mà lại mang vẻ tân tiến văn minh của văn hóa Pháp (là văn hóa thống trị). Hãy xem một đoạn tả vợ bé một ông đại gia xuất hiện được tác giả miêu tả như thế nào: “Trông người đàn bà trẻ đẹp một cách lộng lẫy như vậy đi với ông Cửu trạc ngoại tứ tuần, ai cũng đoán rằng đó là con gái nhớn của ông, giầu từ trong trứng giầu ra, và ở tỉnh đã lâu, nên từ cách trang điểm đến phong cách đi đứng đều từa tựa giống đầm!”(Thực ra cô này là “gái có giấy” vừa kiếm được chồng giầu để có một đời ổn thỏa). Đọc Phạm Cao Củng ta nhìn thấy xã hội thời Pháp thuộc không quá lãng mạn như các tác phẩm của các nhà văn nhà thơ Tự lực văn đoàn cũng không quá đen tối như các tác phẩm của nhà văn hiện thực phê phán. Xã hội trong các truyện trinh thám của ông Vua truyện trinh thám Việt Nam hiện ra mầu đen tối với đủ vẻ Ác của con người vì tham tiền, vì tình, vì ghen ghét, vì sĩ diện hão, vì hận thù … mà đã nên tội giết người. Ngòi bút của tác giả Phạm Cao Củng đã thẳng thắn và tinh tế vạch ra những thói xấu tiềm ẩn khi rơi vào hoàn cảnh phạm tội đã phút chốc hóa thành hành động nghiêm trọng. Đối lập với cái Ác là tính Thiện lương thông tuệ hiển hiện trong nhân vật Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, nhân vật mang tư tưởng của tác giả. Chúng ta thừa nhận rằng nhà văn Phạm Cao Củng đã học tập cách viết truyện trinh thám của Sherlock Holmes và hình ảnh thám tử của ông mang bóng dáng của Arsene Lupin và các thám tử Tây phương. Cách phá án bằng những suy luận thông minh và nghê thuật dẫn truyện lôi cuốn rõ ràng mang trí tuệ phương tây mà nhà văn đã học hỏi được từ sách trinh thám Anh, Pháp. Thế nhưng theo cảm thụ của tôi, nhân vật Kỳ Phát là một nhân vật điển hình trượng phu nước Việt thời thuộc Pháp. Chàng thám tử là một kẻ sống độc thân  phá án vì nghĩa hiệp không vì vụ lợi. Chàng là bạn thân với một nhà báo (nhân vật Tôi) trong truyện và qua nhân vật này cùng nhân vật nhà báo Lê Song khiến ta hiểu được cách làm việc của các nhà báo thời đó. Kỳ Phát giỏi võ thuật am hiểu khoa học có trí tuệ thông minh kiệt xuất, chàng không xa lạ với chuyện đàn bà nhưng không hề lợi dụng tình ái Đám cưới Kỳ Phát là chuyện ảo! Nếu chỉ có thế thôi thì Kỳ Phát cũng không có gì lạ quá! Điều lạ nhất của Kỳ Phát là chàng phá án không chỉ cốt mục đích duy nhất là tìm ra thủ phạm để bắt vào tù và đưa ra tòa nhận án tử hình hay các mức án nặng khác, như vậy là xong trách nhiệm. Trong rất nhiều vụ án mà tôi đã đọc được trong các truyện của Phạm Cao Củng, tôi thấy tác giả đã tạo ra nhân vật Kỳ Phát mang tư tưởng nhân văn. Thám tử đã phán đoán để tìm ra được thủ phạm nhưng chàng không muốn chỉ dừng lại đó. Lương tâm Thám tử đã có những câu hỏi: nếu án được đưa ra tòa thì hạnh phúc của các nạn nhân có thể tan vỡ, người thắng án hoặc thoát án có sống cũng sẽ chịu đau khổ suốt phần đời còn lại? Tâm trạng và hành xử của thám tử Kỳ Phát luôn luôn lôi cuốn người đọc bởi những tình huống như vậy, chàng trai Việt này có duyên lạ thế. Cái duyên của chàng không chỉ ở bề ngoài phóng khoáng hào hoa trí tuệ mà còn chính từ tâm của chàng, một thám tử có tâm phá án vì hạnh phúc của con người. Tính Thiện của tác phẩm sáng lên đối lập quyết liệt với tính Ác. Truyện trinh thám của Phạm Cao Củng không chỉ đơn giản là truyện vụ án, truyện phá án, đó là những truyện đời thường được viết từ những vụ án để người đọc chiêm nghiệm ra một lẽ sống nhân hậu, thấy ra những bài học làm người. Những truyện Nhà sư Thọt, Người Một mắt, Đôi hoa tai của bà chúa, Vết tay trên trần… là những vụ án rất nghiêm trọng và ly kỳ đã được tác giả viết với một tấm lòng nhân hậu sâu sắc. Điều đó đã nói lên rằng truyện trinh thám của nhà văn Phạm Cao Củng thực sự là những tác phẩm văn học có giá trị văn hóa lịch sử, có ích cho những ai muốn tìm hiểu xã hội Việt Nam thời kỳ 1930-1940.

       Trong một bài viết ngắn này, tôi thật khó có thể nói lên hết được niềm thán phục của tôi với tài năng và tâm huyết của ông Phạm Cao Củng với nền văn hóa Việt Nam. Tôi chỉ thấy thật đáng tiếc rằng cho đến lúc ở tuổi gần 70, tôi mới được đọc tác phẩm của Phạm Cao Củng.  Đó chẳng phải một điều đáng tiếc của riêng tôi mà là của cả một thế hệ bạn đọc đồng trang lứa. Xin cảm ơn CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng đã tạo cho tôi một cơ hội đi tìm đến sách trinh thám của Phạm Cao Củng và để có niềm vui đọc sách Việt đầy cảm hứng.

Tháng 7/2019

LÊ PHƯƠNG LIÊN

Các Bài viết khác