NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THẠCH LAM TÀI HOA, GẦN GŨI, BÌNH DÂN

( 22-10-2014 - 06:04 PM ) - Lượt xem: 1935

Thạch Lam đi tìm cái đẹp bình thường giản dị trong tâm hồn, thân phận nhân vật; cách ứng xử, mối quan hệ, tình cảm con người với con người, và con người với thiên nhiên. Văn ông hài hòa giữa lãng mạn và hiện thực, mà vẫn nồng nàn với tình quê da diết, nặng lòng với dân tộc.

Là con thứ sáu của gia đình, Thạch Lam lúc còn nhỏ tên là Sáu. Khi đi học lấy tên khai sinh là Nguyễn Tường Vinh. Mãi sau này muốn thi nhảy cấp nên khai tăng tuổi và làm khai sinh lại là Nguyễn Tường Lân. Tuy Thạch Lam vào nghề văn muộn, nhưng năm 1937 ông cho ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Gió đầu mùa. Trong lời nói đầu, Thạch Lam đã bộc lộ quan điểm của mình: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác. Vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn… Thiên chức của nhà văn là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng thương yêu hơn.

Nhận xét kỹ mới thấy rằng, nhân vật trong tác phẩm của Thạch Lam không có những ông Hàn, ông Tham, bà Phán, ông Nghị, ông Huyện, cụ Thượng… những thành phần trung, thượng lưu có đời sống sinh hoạt khá giả, lời ăn tiếng nói cao sang hoặc giả dối như các nhân vật trong tác phẩm của nhà văn trong nhóm. Người đọc bắt gặp nhân vật trong tác phẩm của ông chủ yếu là những con người bình dân: cô hàng xén từ trẻ đến già, toàn khó nhọc và lo sợ, ngày nọ dệt ngày kia, như tấm vải thô. Rồi những đứa trẻ con nhà nghèo, khi mùa đông lạnh không có tấm áo che thân. Hoặc những người thất nghiệp thành túng bấn; cô gái bán thân. Ngoài phụ nữ và trẻ con, trong truyện của Thạch Lam còn thấy những ông Tú ngơ ngác, u hoài; ông bố suốt ngày ngồi ôm chiếc điếu ngẫm nghĩ, đến anh chàng nghèo, khi bị tai nạn phải cưa chân, được đền tiền thì ăn chơi hoang phí, trở lại nghèo như trước. Cũng có khi là bác kéo xe, con sen, vú già và những con người lầm than nơi quê nghèo quanh quẩn bên cái chợ lèo tèo và chiếc ga xép, lọt thỏm trong vùng quê mờ nhạt v.v…

Mỗi nhân vật đều có số phận tạo nên những hoàn cảnh điển hình. Đó là bởi Thạch Lam có những tháng năm sống nơi thôn dã, chứa chất nhiều bóng hình con người và đời sống làng quê. Giới nghiên cứu văn học, có người cho rằng mỗi nhà văn đều có vùng quê thông thuộc của mình, chứa chất kỷ niệm đời mình cũng là có lý. Thạch Lam đi tìm cái đẹp bình thường giản dị trong tâm hồn, thân phận nhân vật; cách ứng xử, mối quan hệ, tình cảm con người với con người, và con người với thiên nhiên. Văn ông hài hòa giữa lãng mạn và hiện thực, mà vẫn nồng nàn với tình quê da diết, nặng lòng với dân tộc. Ông tả nội tâm nhân vật tài tình, nhuần nhị tinh tế. Ông mô tả vùng quê trong trẻo, dân dã, không ồn ào, bụi bặm, tả trận gió lạnh đầu mùa vẫn vương vấn hơi ấm của tình người.

Hãy đọc lại đoạn văn này:

Trông thấy con bé co ro đứng bên cột quán, chỉ mặc có manh áo rách tả tơi, hở cả lưng và tay. Chị Lan cũng đến hỏi: Sao áo của mày rách thế? Áo lành đâu không mặc.

Con bé bịu xịu nói: Hết áo rồi, chỉ còn cái này.

Sơn chợt nhớ ra mẹ cái Hiên rất nghèo, chỉ có  mò cua bắt ốc thì còn lấy đâu ra tiền mà sắm áo cho con nữa. Một ý nghĩ tốt bỗng thoáng qua trong trí, Sơn lại gần chị thì thầm:

- Hay là chúng ta đem cho nó cái áo bông cũ, chị ạ.

- Ừ, phải đấy. Để chị về lấy.

Sơn đứng lặng yên đợi, trong lòng tự nhiên thấy ấm áp vui vui…

Chi tiết chị em Lan và Sơn giấu mẹ cho Hiền chiếc áo bông cũ trong truyện rất đẹp. đó là cái đẹp trong tình thương đồng loại, thấm nỗi day dứt của tác giả và đó cũng là lòng nhân ái mà nhà văn muốn gửi gắm.

Thạch Lam viết truyện không có xung đột giật gân, tình tiết éo le, mùi mẫn, trang viết của ông mang chất thơ, cảm xúc như thơ và lay động cái thẳm sâu bên trong tâm hồn. Truyện ngắn Dưới bóng hoàng lan có nhiều câu văn đẹp như thơ: “Thanh tiễn Nga ra cổng, đi qua hai bên bờ lá đã ướt sương. Mùi hoa lan thoang thoảng bay trong gió ngát”, hoặc là “Mỗi mùa lại giắt hoàng lan  trong mái tóc để nhớ mùi hương”. Thậm chí cả truyện Hai đứa trẻ vốn là cảnh khó nghèo nhưng ông vẫn dành những câu văn đầy chất thơ miêu tả: Trời đã bắt đầu đêm, một đêm mùa hạ êm như nhung và thoang thoảng qua gió mát… Vòm trời hàng ngàn ngôi sao ganh nhau lấp lánh, lẫn với vệt sáng của những con đom đóm bay là trên mặt đất hay len vào cành cây v.v…

Thế nhưng Thạch Lam không thi vị hoá cuộc sống, ông chân thực vẽ lên cảnh nghèo khó, trớ trêu của số phận, mà không bi quan, cực đoan, tàn lụi, vẫn phả vào hồn nhân vật một niềm tin, ước mơ cháy bỏng, vẫn gây một lòng trân trọng yêu thương của người đọc vào một niềm tin về ngày mai tốt đẹp, vẫn thấy phía trước ấm áp ngọn lửa hồng, xoá đi những góc tối của tâm hồn con người trong cảnh cùng cực. Chúng ta thương cảnh nhà bác Lê với mười một đứa con, sống trong đói khổ, người mẹ đi vay ăn rồi bị chó cắn, hoặc cám cảnh đêm ba mươi trong căn gác xép, càng thương cảm đôi bạn gái Liên và Huệ sống trong nỗi tủi nhục không có cái bát hương để cúng tổ tiên đúng vào ngày tất niên (Tối ba mươi). Chúng ta xao xuyến bâng khuâng nghĩ về cảnh hai chị em Liên và An, nghe lời mẹ dặn phải thức khuya chờ tàu Hà Nội về, để bán ấm trà hay khúc mía kiếm tiền. Nhưng con tàu dửng dưng đi qua, để lại phía sau một phố nhỏ tẻ buồn, trống vắng. Nhưng chúng ta vẫn ấm lòng khi bất gặp ngọn đèn của chị Tý, dù chỉ chiếu sáng một vùng đất nhỏ, nhưng không bị tắt lụi, cứ lung linh đón đợi niềm tin. Y như con tàu đã đến, đã đi, nhưng Liên và An (Hai đứa trẻ) cứ chờ đợi. Nhà văn gửi gắm ý tưởng của mình rằng con người hãy nuôi niềm tin. Ông không muốn con nguời đánh mất niềm tin, bởi mất nó, sẽ mất hết.

Với quan niệm như thế, tác phẩm của Thạch Lam thể hiện những số phận con người bằng thái độ cảm thông, bằng trái tim nhân hậu chứ không phải của kẻ ban ơn, khinh bỉ. Những tác phẩm Hai đứa trẻ, Nhà mẹ Lê, Gió lạnh đầu mùa, Tối ba mươi rất rõ điều này.

Thạch Lam không chỉ nổi tiếng về truyện ngắn, ông cũng rất thành công trong thể bút ký. Hà Nội băm sáu phố phường là tác phẩm cuốn hút người đọc nửa thế kỷ qua. Tập bút ký gồm nhiều mẩu ngắn mà sinh động, thể hiện vốn sống phong phú và tài hoa của ông. Ông luận đàm, nói tới các món ăn, một dạng văn hoá ẩm thực đặc sắc Hà Nội. Không dài dòng, chỉ cần chấm phá đôi nét, thì các loại quà rong, loại đặc sản ấy có cả mùi vị, màu sắc hiện trên trang viết như có phép thần, và kỳ thay, sản vật quê hương như có tâm hồn quyến rũ con nguời. Tỷ như tả về bánh cốm: Vuông vắn như quyển sách vàng, bọc lá chuối xanh buộc lạt đỏ, cái dây lạt đỏ như sợi tơ hồng buộc chặt lấy những cái ái ân...Và đây là bún chả: Cũng rau ấy, bún ấy, thế mà sao bún chả Hà Nội ngon và đậm thế, ngon từ cái mùi thơm, từ cái nước chấm ngon đi.

Và đây là bánh cuốn Thanh Trì: mỏng như tờ giấy và trong như lụa. Người bán bánh cuốn Thanh Trì đội mẹt và rổ trên đầu, từng tụm năm, bảy người từ phía lò lợn đi vào thành phố, dáng điệu uyển chuyển và nhanh nhẹn. Đến cô hàng bán nước chè dưới ngòi bút Thạch Lam cũng trở nên ý vị: Cô hàng nước Việt Nam - dù ở dưới bỏng đa. bên ruộng lúa, hay ở dưới mái hiên của thành phố, ở đâu cũng vậy, miệng cười tươi của cô hàng là dây liên lạc khắp cả mọi nguời. Cô hàng nước Việt Nam từ trước đến nay đã chiếm một địa vị quan hệ trong lịch sử và trong văn chương: đã có nhiều tiếu thuyết đã bắt đầu từ đấy và kết cục cũng ở đẩy.

Nâng niu trân trọng những nét đẹp mang tầm vóc lịch sử văn hoá dân tộc, Thạch Lam không đồng tình với một số việc, một số hiện tượng chưa đẹp: “Bây giờ các biển hàng viết chữ Pháp chiếm đến chín phần mười trong các biển hàng. Nhiều hàng, tuy chỉ giao thiệp với khách hàng Việt Nam thôi cũng toàn chữ Pháp, cũng như ngày xưa họ đã dùng toàn chữ Nho”. Ông không phải là người hoài cổ, nhưng ông thực sự tiếc những cái đẹp mang chiều sâu văn hoá của dân tộc bị mai một, khi quan sát và suy ngẫm về những biển hàng. Ông nâng niu, trân trọng giá trị văn hóa, những nét đẹp ẩn chứa trong từng vật thể này. Bởi ở đó kết đọng những phẩm chất tốt đẹp của một thương hiệu, là kết tinh những giá trị thư pháp, là truyền thống quý báu, là công sức của nhiều thế hệ vun đắp mới có được. Ông luôn có ý thức nâng niu và bảo tồn truyền thống: Đó có thể là vẻ yên tĩnh của một Thăng Long- Hà Nội cổ kính mang vẻ đẹp xưa, với một lối kiến trúc riêng. Và có khi chỉ là cảnh gia đình cụ thể “Giữa nhà, mảnh sân vuông lộ thiên, có bể non bộ và cá vàng, có dãy chậu lan, có bể đựng nước và trên tường có câu đối chữ Nho. Đôi khi đi qua một cánh cửa hé mở chúng ta thoáng nhìn vào: bóng một thiếu nữ nhẹ qua sân, hình dáng một cụ già cúi mình trên cây cảnh. Tất cả cuộc đời của những kẻ bên trong, cuộc đời xưa, những ý nghĩ cũ, những hy vọng và mong ước khác bây giờ”.

Hình ảnh Hồ Gươm, Tháp Rùa, Đền Ngọc Sơn là một cái gì thiêng liêng, cao quý trong tâm thức của người Hà Nội nói riêng, người Việt nói chung. Thạch Lam sớm nhận ra nét đẹp hoàn mĩ và giá trị thực của các di sản văn hoá này. Với ông, những việc làm cho dù với dụng ý tốt đẹp như mắc thêm đèn điện chiếu sáng, đắp tượng đài, làm bốt cảnh sát để giữ gìn an ninh... nhưng thiếu mất cái nhìn của nguời có con mắt văn hoá sắp đặt thì đều chỉ là “sự thêm thắt xấu xa”, là “bôi nhọ vẻ đẹp”. Nhìn những cột điện thẳng tắp, sừng sững, dây điện nhằng nhịt, với những cái “bình tích” bằng sứ trắng, ông thấy cột điện “như một thứ cây già mọi rợ, vụng về. Cái cây đó làm cho vẻ đẹp của cổng Đền Ngọc Sơn giảm mất đến chín phần mười”.

Ông nói rõ: “Muốn sáng cổng, sáng cầu thì thiếu gì cách: mắc đèn vào những cho lõm, khuất khúc của cổng và của cầu: đèn để như thế vừa được kín đáo, vừa không làm giảm vẻ đẹp, lại dịu dàng và làm tôn cảnh lên. Đằng này, mắc những vòng sắt với cách hoa hoét rẻ tiền kia vào cái cổng đẹp đẽ có lối kiên trúc riêng, có vẻ cổ sơ ấy, thực là một cách đập phá mĩ thuật tai hại không gì bằng"...

Thạch Lam là một nhà văn tài hoa. Ông có con mắt của một nhà hội hoạ chân chính, dù không theo nghiệp vẽ. Năm 1936, Hội Mỹ thuật, mỹ nghệ Việt Nam tổ chức triển lãm tác phẩm của các hội viên. Thạch Lam với tư cách nhà báo, đã viết bài nhận xét đánh giá thật sâu sắc. Ông phân tích về chất liệu của từng tác phẩm, giản dị mà trung thực nhưng vẫn toát ra nét thần của các hoạ-sĩ nổi danh bấy giờ. Như tranh sơn dầu của Lê Phổ, Tô Ngọc Vân, Lưu Văn Sìn, Nguyễn Cát Tường, Nguyễn Tường Lân (trùng tên với Thạch Lam). Ông khen ngợi bức tranh Cây chuối đầy thi vị của Nguyễn Đỗ Cung và tác phẩm Túp lều tranh của Trần Bình Lộc...Thạch Lam cho rằng tranh lụa rất đẹp mà còn dễ đi vào lòng người, dễ bán. Ông băn khoăn vì tranh lụa của một hoạ sĩ lặp theo lối cũ, màu sắc, hình vẽ phảng phất giống nhau “ngót mười bức tranh của ông ta đều giống nhau từ hình thể đến màu sắc. Hình như từ độ được hoan nghênh mấy bức vẽ đầu tiên, nhà hoạ sĩ không chịu tìm tòi hơn nữa...” Với một cách chân thành như thế, Thạch Lam nhận xét cả tác phẩm điêu khắc, đồ sơn, kỹ nghệ thực hành như hàng ren, hàng thuỷ tinh, hàng thêu, và nghệ thuật nhiếp ảnh... một cách thận trọng và tinh tế.

Thạch Lam từng được ra tỉnh học tại trường Nam, tiểu học Hải Dương (nay là trường tiểu học Tô Hiệu, nhìn thẳng ra phố An Ninh tới ga Hải Dương), rồi tiếp đó chuyển sang Tân Đệ, Thái Bình học tập. Ông mồ côi cha khi mới lên 8 tuổi. Người mẹ goá bụa 37 tuồi, phải tần tảo gánh vác cơ nghiệp nhà họ Nguyễn Tường trong hoàn cảnh đông con nhỏ. Thạch Lam chủ yếu sống bằng tình thương mẫu mực, nhân hậu của người mẹ và các anh chị, bạn thảo ấu thơ trong phố huyện Cẩm Giàng nghèo và buồn thiu, heo hút cảnh nông thôn, với người dân lam lũ.

Sau khi đỗ tú tài phần nhất, ông bỏ ngang đi làm báo với các anh. Tháng 2 năm 1935, Thạch Lam từng được giao làm chủ bút báo Ngày Nay của Tự lực văn đoàn.

Năm tháng ở Cẩm Giàng nghèo khó, nhưng cảnh vật, con người ở đây đã in đậm trong ký ức và có ý nghĩa tác động sâu sắc trong đời viết văn của ông, trở thành máu thịt sống động trong văn chương ông sau này. Người đọc gặp nhân vật trong truyện thấy có đủ lai lịch xuất xứ, mà Thạch Lam lấy nguyên mẫu trong phố huyện nghèo. Đấy là nhà chị Lê ở gần cánh đồng, chị Đối ở xóm chợ Cẩm Giàng, ông Chiểu đan lờ bên gốc đa, trước mặt là con đường đất khô trắng. Cũng có khi là chị Lựu hay hát bài Ngày xưa có anh Trương Chi, người thì thậm xấu hát thì thậm hay.

Truyện Hai đứa trẻ là hồi ức của ông, hình ảnh đứa chị chính là bà chị Nguyễn Thị Thế, tức cô Năm, và đứa em là Thạch Lam thời thơ ấu. Trong Hồi ký họ Nguyễn Tường, bà Nguyễn Thị Thế cũng khẳng định điều này: Tôi không ngờ em Sáu (Thạch Lam) có trí nhớ dai thế, như truyện em tôi tả hai chị em thức đợi chuyến tàu đêm qua rồi mới đi ngủ. Năm đó tôi mới có chín tuổi, em tôi lên tám mà tối đến mẹ đã giao cho hai chị em phải ngủ lại để trông hàng...

Ngày ấy, bà Thông Nhu có một chõng hàng ở trước cửa ga xép Cẩm Giàng. Gọi là cửa hàng cho sang chứ thực ra chỉ bán dăm cút rượu, vài phong bánh khảo, vài gói thuốc lào... cốt là gặp khách quen đưa vào nhà bà ngoại (cụ Quản Thuật) để nghỉ lại qua đêm. Cũng là hoạ hoằn có ông khách lỡ tàu ngủ lại, hoặc là ông Lý, ông Chánh ở các làng xa lên huyện có việc không về kịp. Nhưng cũng chỉ ào lên được ít ngày vào vụ thu thuế... Thời ấy từ thuế người, thuế ruộng đều phải đem nộp quan, rồi quan huyện lại phải đem ra tỉnh nộp cho Công sứ... Còn những ngày thường khách vắng teo.

Không say đắm như Xuân Diệu; quặn đau như Hàn Mặc Từ; cũng không xê dịch như Thế Lữ, văn chương Thạch Lam sâu sắc dịu dàng mà cứ như giọt nước thánh thót ngân nga trong lòng người đọc trên nửa thế kỷ qua. Văn chương Thạch Lam không gượng ép, thật hồn nhiên. Những hàng chữ đều mà nhanh, nét nhỏ thanh tú. Câu văn thắm thiết, có khi đĩnh đạc. Ông viết thận trọng, chưa chín thì chưa viết... nhẹ nhàng khoan thai như con người của ông vậy. Bởi vậy có lần chậm nộp bài, trễ hẹn, khiến cho Nhất Linh giận, sau hai anh em mới làm lành với nhau.

Thế Phong có lần nhận xét rằng, không có một sáng tác nào của Thạch Lam mà không có rất nhiều Thạch Lam trong đó. Cũng vẫn chỉ là chuyện luỹ tre, cô hàng xén, cái sân ga, đứa trẻ con sống trong thị trấn nghèo, tẻ nhạt... mà vẫn bừng sáng lên phẩm chất đẹp của con người. Có thể nói, dòng văn học 1930- 1945, hay nói rộng hơn nền văn chương nước nhà thật tự hào có một Thạch Lam.

Khoảng năm 1935 khi đã 25 tuồi, Thạch Lam lấy vợ. Chị ruột là Nguyễn Thị Thế sinh con đầu lòng, mới để lại ngôi nhà ven hồ Tây cho vợ chồng cậu em Thạch Lam và tìm nơi ở mới.

Từ đây Thạch Lam mới có nhà riêng, bước vào cuộc sống tự lập.

Nhiều người vẫn gọi ngôi nhà Thạch Lam là nhà cây liễu. Vì trong sân sát hồ có cây liễu lớn, thân nâu sần sùi, nứt nẻ, bóng rủ thướt tha. Cây liễu ấy do Thạch Lam trồng khi mới đến đây. Nhà thơ Huyền Kiêu ngày ấy đã có bài thơ chấm phá về ngôi nhà này:

Tây hồ có danh sĩ

Nhà thì ở nhà tranh

Cửa trúc cài phên gió

Trước thềm bóng liễu xanh…

Ngôi nhà nhỏ nên thơ có cửa kính cửa chớp, tuy lợp rạ vách gỗ. Ở ngay đầu cổng có một lùm tre khác biệt với căn nhà chung quanh. Một cái sân nho nhỏ, ba phía móng nhà suốt đêm ngày ì oạp sóng nước hồ Tây. Ngôi nhà đơn sơ nhưng sáng sủa, ngăn nắp, sạch sẽ, nhà có cổng gỗ ra vào. Bên trong bày một bộ bàn ghế bằng mây, trên đặt vài cái bát da lươn uống chè xanh; trên tường thấp thoáng mấy bức tranh tĩnh vật. Nhà văn Đinh Hùng kể rằng, đứng trên sân thượng, ông nhìn về phía nhà Thạch Lam, theo đường chim bay hai nhà chỉ cách nhau chừng hơn trăm mét. Những ngày trời quang có thể nhìn rõ sợi khói lam chiều bảng lảng bay lên từ mái bếp nhà Thạch Lam và cả ngọn khóm tre đầu cổng nhà in trên nền trời. Ông cũng nhìn thấy Thạch Lam thong thả đi trên con đường lát gạch màu đỏ từ nhà ra phố hoặc từ phố trở về. Yên Phụ thời ấy là một làng ngoại ô sạch sẽ, thoáng đãng, êm đềm và thơ mộng. Gần một nửa làng chạy vòng theo mép nước hồ. Ngôi nhà Thạch Lam xinh xắn, ở ngay đầu làng Yên Phụ. Nhà thềm rộng trông ra mặt hồ, phía trước đối diện bên kia hồ là trường Bưởi, bên trái là con đường Cổ Ngư. Mùa xuân về, làng Yên Phụ bừng lên sức sống thanh tân bởi muôn màu hoa cùng hương thơm các loài cẩm chướng, phù dung, lan, huệ và đặc biệt hoa đào phô bày sung mãn trong những ngày xuân. Những ngày ấy Yên Phụ là cô gái đẹp, kiêu kỳ nhất, khiến cho các vùng ven ghen tỵ và thèm khát. Nhà Thạch Lam ở khúc đầu làng, gần một sân đình, ra vào thành phố thuận tiện. Tuy nhà rạ vách gỗ nhưng ông rất tự hào tìm thấy nguồn vui từ hoàn cảnh thực của mình chứ không phải kiểu học đòi, giả tạo. Nhiều lần Thạch Lam nói với bạn bè rằng: Con người ăn được rau quả, ở trong nhà lá, nằm trên giường tre mà cảm thấy ngon, lòng thấy mát, mình thấy êm mới là sống nghệ thuật. Khi nơi ở có linh hồn thì chẳng cần gì cao sang...

Nhà Thạch Lam nghèo nhất trong gia đình họ Nguyễn Tường. Nhà tranh vách đất, thậm chí cái mền không có tiền mua. Nhìn thấy con đắp chăn dạ mỏng, lạnh quá phải đắp thêm khăn trải bàn và áo mưa trong căn nhà cạnh hồ Tây lộng gió lạnh thấu xương, bà Nhu thương con đi mua cái mền bông khác dày dặn hơn cho ấm áp mùa đông. Thế nhưng nhà cây liễu ven hồ Tây đã là nơi gửi gắm nhiều kỷ niệm. Ngoài mấy anh em ruột, Nhất Linh, Hoàng Đạo, người thân thiết như Khái Hưng còn có Trần Tiêu, Song Kim - Thế Lữ, Huyền Kiêu, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Tuân... khi thì bên khay trà, khi thì quanh bàn tổ tôm hay bên mâm rượu. Thạch Lam nghèo một phần vì sách bán ế, nhưng không vì thế mà người vợ hiền thục kém mặn mà với khách của chồng. Những bữa rượu cứ tiếp diễn, và bao giờ Thạch Lam cũng mời mọc thịnh tình cho đến lúc các thực khách say mềm, có khi sinh sự với nhau trong âm thanh hỗn độn. Những khi ấy Thạch Lam vẫn chỉ điềm nhiên nâng chén, không nói lớn, mà chỉ mỉm cười, có khi như khuyến khích bạn bè cứ việc hết mình. Có người bạn văn chương bảo nhà cây liễu là ngôi nhà lịch sử, bởi nó chứng kiến vui buồn của những văn nghệ sĩ trong khoảnh khắc giao thời.

Cây giống bóng, cảnh giống người, ngôi nhà cây liễu đầy âm thanh và hương vị thiên nhiên. Đêm, nghe tiếng sóng vỗ xao xuyến mơ hồ, xen vào tiếng gió xạc xào lọt qua khóm tre đầu cổng. Đêm, dìu dặt thứ hương của đất, của nước, của loài hoa thích toả vào sương lấp lánh ánh trăng. Phải vậy không mà trang viết của Thạch Lam đầm đìa tình đời tình ái? Phải vậy chăng, mà Thạch Lam không muốn dời đi nơi khác, mặc dù ngày ấy tuy nghèo nhưng ông vẫn có thể xoay sờ đi tìm một ngôi nhà ở ngoài phố sang trọng hơn?

Ngôi nhà ấy dường như quên cả thời gian lấp ló bao nhiêu giông bão, vẫn thánh thót tiếng đàn nhịp phách, tiếng ngâm thơ và tiếng cười thù tạc, có cả những cuộc say tình nghĩa tình người... Từ đây đã có người ra đi không trở lại...

Bẵng đi một dạo, bạn bè không gặp nhau, một hôm nhà văn Đinh Hùng tới thăm bạn. Nhà cây liễu cổng không cài then. Bên trong nhà le lói ngọn đèn dầu vàng vọt. Góc trong nhà một cánh màn buông kín giường, Thạch Lam mặt trắng bệch nằm thoi thóp. Những người thân yêu của Thạch Lam lúc này chỉ có bà mẹ già ngoài sáu chục tuổi, anh cả Nguyễn Tường Thuỵ, chị gái Nguyễn Thị Thế, người vợ vừa sinh con và người em trai, bác sĩ Nguyễn Tường Bách ở bên. Nhà văn âu yếm nhìn đứa con thứ ba mới ra đời, khen nó khoẻ mạnh (sau này là Nguyễn Tường Giang) rồi ngước mắt nhìn lần cuối cùng người mẹ già, người vợ trẻ vừa ở nhà hộ sinh về, rồi lịm đi. Căn bệnh lao phổi đã xé ngang tiếng thở đời ông. Đó là ngày 27-6-1942. Thật không ai ngờ rằng mới hôm trước, Thạch Lam còn bảo chị gái đỡ mình ngồi cao lên để nhìn cho rõ cây liễu ven hồ, và phàn nàn rằng có ai đã phạt một cành rủ sát mặt nước làm giảm đi vẻ đẹp tự nhiên.

Thạch Lam hưởng dương 32 tuổi mất tại nhà riêng - nhà cây liễu, làng Yên Phụ, ven hồ Tây - Hà Nội, tạo ra một khúc ngoặt, hẫng hụt trong Tự lực Văn đoàn. Ông ra đi để lại ba đứa con, hai trai một gái cho người vợ trẻ trong cảnh nghèo.

Ngôi mộ Thạch Lam đặt ở nghĩa địa Hợp Thiện, gần ô Đống Mác, nơi người vợ trước của Nguyễn Tường Thuỵ nằm tại đó./.

Các Bài viết khác