NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

THẠCH LAM, MỘT ĐỜI VĂN TRONG NGÔI “NHÀ CÂY LIỄU”

( 04-11-2014 - 04:49 AM ) - Lượt xem: 5808

Dưới bóng hoàng lan, Hai đứa trẻ… là những áng văn chương trong trẻo, thoảng như những làn gió nhẹ dịu, thoảng như những tiếng cười mềm mại… Như tâm hồn thơm thảo của một nhà văn suốt đời mê mải sẻ chia với những cuộc đời như bóng mây qua đầu. Những tác phẩm ấy của Thạch Lam đã đến với lớp học sinh sinh viên trẻ trung đầy ước mơ yêu thương, cống hiến sức trẻ cho đời. Và những tác phẩm ấy sống mãi với học trò, bạn đọc, các nhà nghiên cứu chính là ở nét trong trẻo, dịu dàng, văn đậm chất thơ, đầy ắp tình người nhân hậu…

Tôi đã định đặt tên cho bài viết này làThạch Lam, một đời dưới bóng hoàng lan”. Nhưng rồi cạn nghĩ, sao chỉ là “dưới bóng hoàng lan”, còn nhiều tác phẩm khác nữa  đã làm nên tên tuổi của ông kia mà. Theo thiển ý, có một phần lớn cuộc đời, ông sống nơi quê nhà, nhưng nơi ông vui thú văn chương, giao tiếp bè bạn và khai sinh ra các tác phẩm để đời lại chính là nơi “nhà cây liễu”. Và, “Thạch Lam, một đời văn trong ngôi “nhà cây liễu “(1)” là vậy.

1/Một vài nét khái quát về thân thế, cuộc đời của nhà văn tài hoa nhưng mệnh bạc.

Thạch Lam, sinh ngày 7 tháng 7 năm 1910 tại Hải Dương, nhưng nguyên quán thì ở làng Cẩm Phô (thuộc thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam ngày nay). Ông sống trong một gia tộc bao đời nổi tiếng về văn chương.Cha ông là Nguyễn Tường Nhu (1881-1918), làm Thông phán Tòa sứ nên thường được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu, giỏi cả tiếng Hán và tiếng Pháp. Mẹ là bà Lê Thị Sâm, con gái lớn ông Lê Quang Thuật, người gốc Huế, làm quan võ ở Cẩm Giàng cùng thời với ông nội của Thạch Lam.

Nhà Thạch Lam có 7 anh em (6 trai, 1 gái): Tường Thụy, Tường Cẩm, Tường Tam, Tường Long, Thị Thế, Tường Vinh và Tường Bách. Anh cả Nguyễn Tường Thụy làm công chức. Sáu người còn lại đều đã ít nhiều tham gia vào sự nghiệp văn chương. Nổi trội có Tường Tam (Nhất Linh), Tường Long (Hoàng Đạo) và Tường Vinh (Thạch Lam), đều là những nhà văn  nổi tiếng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn.

 Thạch Lam còn có tên là Nguyễn Tường Sáu ( con thứ sáu), Nguyễn Tường Vinh,  Nguyễn Tường Lân (đổi để phù hợp với việc học). Ngoài bút danh Thạch Lam, ông còn có các bút danh: Việt Sinh, Thiện Sỹ.

Tuổi thơ của ông đầy vất vả. Nhà nghèo nhưng may có bà mẹ hết lòng hết sức lo cho con ăn học. Sau khi đã đỗ Tú Tài phần nhất (trường Trung học Albert Sarraut), Thạch Lam tham gia làm báo với hai anh trai và gia nhập Tự Lực văn đoàn do Nguyễn Tường Tam sáng lập. Ông được phân công biên tập tuần báo  Phong Hóa và tờ Ngày nay. Tháng 2/1935, ông làm Chủ bút tờ Ngày nay Cũng trong năm 1935, Thạch Lam lấy vợ và được chị Nguyễn Thị Thế nhường lại căn nhà nhỏ tại đầu làng Yên Phụ, ven Hồ Tây (Hà Nội). Căn nhà mái tranh vách đất – được gọi bằng một cái tên thơ mộng là “nhà cây liễu” "  là nơi thường lui tới của các văn nghệ sĩ.

Nhà thơ Thế Lữ nổi tiếng  với “Hổ nhớ rừng”: Gặm một mối căm hờn trong cũi sắt…, Huyền Kiêu với “Tình sầu”: Hạ đỏ có chàng tới hỏi/ Em thơ chị đẹp em đâu…, Vũ Hoàng Chương với “Say”…, Nguyễn Tuân với “Chữ người tử tù”…Và Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Xuân Khoát, Đinh Hùng… đã an nhiên lui tới nơi “nhà cây liễu” này để đàm đạo văn chương với chủ nhân - người chỉ thích lặng lẽ …mĩm cười góp vui, chia buồn cùng bè bạn. Nhưng “nhà cây liễu” chỉ vui văn chương trong nghèo khó ấy chỉ được 7 năm, bởi ngày 27/6/1942 –Thạch Lam, mất tại "nơi này" vì căn bệnh lao phổi lúc mới 32 tuổi,  khi  đang phát triển rực rỡ trên văn đàn nước nhà.

Thạch Lam có ba người con, hai trai một gái: Nguyễn Tường Nhung (vợ của trung tướng Ngô Quang Trưởng trong quân đội VNCH), Nguyễn Tường Đằng và Nguyễn Tường Giang (lúc bấy giờ còn trong bụng mẹ, hiện là nhà văn)(5). Ông ra đi để lại người vợ trẻ cùng với ba đứa con thơ trong cảnh nghèo.

2/ Bút pháp và văn nghiệp của nhà thơ có lòng nhân mềm mại, thanh tao.

Những tháng năm sống nơi thôn dã, hình bóng con người và đời sống làng quê đã in đậm vào tác phẩm của Thạch Lam. ...Ông có biệt tài về miêu tả nội tâm nhân vật một cách nhuần nhị, tinh tế … như chính ông là nhân vật ấy. Văn ông nồng nàn tình quê, nặng lòng với dân tộc; hài hòa giữa bút pháp lãng mạn và chân thực. Nhà văn Thế Uyên (con trai bà Nguyễn Thị Thế, cháu gọi Thạch Lam là cậu), trong bài “Tìm kiếm Thạch Lam”, có viết: “Mẹ tôi bảo chú Thạch Lam mơ mộng, tế nhị, đa cảm, thì thủa nhỏ đã thế...”

Về bút pháp, khác với Nhất Linh, Hoàng Đạo... ngòi bút của Thạch Lam có khuynh hướng đi gần với cuộc sống của những người dân bình thường nghèo khổ. Thạch Lam là một cây bút nặng nợ ân tình trước số phận hẩm hiu của những người nghèo, nhất là những người phụ nữ trong xã hội cũ, sống vất vả, thầm lặng, chịu đựng, giàu lòng hi sinh.

Khi đọc tác phẩm của Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng,… ta dễ nhận ra một điểm chung nổi bật về đề tài hết sức quen thuộc của Tự Lực văn đoàn. Đó là những cuộc đời được gắn liền với cảnh sống sau cánh cửa phong kiến trưởng giả được thi vị hóa. Và tất nhiên, tác phẩm sẽ có những mơ mộng, phản kháng yếu ớt để mong  thoát ra khỏi sợi dây trói buộc của đạo đức phong kiến, và mang mầu sắc cải lương.

Thạch Lam, khác với tất cả các nhà văn trong Tự Lực văn đoàn, khác với các anh trai nhà văn. Ngòi bút của ông thường hướng về người lao động bần cùng trong xã hội bấy giờ. Truyện ngắn của ông thường mô tả hình ảnh của những làng quê nghèo khó, những phố chợ tồi tàn, những cảnh vật tối tăm trong tiết trời lạnh lẽo, buồn hiu hắt... Và, các nhân vật trong truyện ngắn của ông cũng thường hiện lên với cái vẻ héo úa, buồn thảm, eo sèo… của số kiếp cơ cực, lầm than. 

Với "Nhà mẹ Lê", Thạch Lam bày tỏ sự cảm thông sâu sắc về một gia đình cơ cực, chia sẻ nỗi niềm với mẹ Lê, một người đàn bà nghèo khổ, đông con, góa bụa ở phố chợ Đoàn Thôn. Trong "Sợi tóc", Thạch Lam đã phân tích tỉ mỉ tâm lí phức tạp của con người. Với "Ngày mới", Thạch Lam lại đi sâu vào nội tâm của một cặp vợ chồng trí thức nghèo khó.

Trong “Dưới bóng hoàng lan”, Thạch Lam bày tỏ tâm tình yêu quý  những nhân vật Thanh, Nga với bà nội và cây hoàng lan trong một làng quê vùng ngoại ô…. Là sự cảm thông trìu mến cùng cô Tâm hàng xén với lối đường quê quen thuộc trong buổi hoàng hôn.. (Cô hàng xén)….Những cảnh, những người ấy đều được nhà văn mô tả bằng những nét mộc mạc, đơn sơ, giản dị…nhưng vẫn hết sức chân thực...

Có lẽ chính vì thế mà tác phẩm của Thạch Lam có nhiều yếu tố hiện thực. Yếu tố hiện thực trong truyện của Thạch Lam  không dữ dội như hình ảnh nhân vật Chí Phèo, lão Hạc của Nam Cao. Không  bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố...Cái riêng, cái độc đáo, cái thế mạnh giúp Thạch Lam không lẫn vào các nhà văn khách, chính là những trang văn của ông ngời ngời lòng nhân ái, ngời ngời vẻ đẹp tâm hồn. Nhân vật của Thạch Lam, dù ở hoàn cảnh nào, vẫn ánh lên cái chất nhân ái trong tâm hồn.. Truyện ngắn của Thạch Lam hướng chúng ta đến với lòng yêu con người, quý trọng con người. Và cũng từ đó ta thương cảm, nâng niu, chắt gạn từng chút tốt đẹp trong mỗi một con người. Là thành viên của nhóm Tự Lực văn đoàn, nhưng,  trước sau văn phong Thạch Lam vẫn chảy riêng biệt một giòng.

Có thể nói,  Thạch Lam là nhà văn có giọng điệu riêng không lẫn vào ai: đó là giọng điệu trữ tình hướng nội trong truyện ngắn, khơi nguồn sâu thẳm, phân tích tinh tế vào thế giới bên trong của cái "tôi".

              Trong lời giới thiệu tập truyện ngắn "Gió đầu mùa" do Đời nay XB năm 1937, Thạch Lam viết như là một lời  "Tuyên ngôn văn học" của chính mình: "Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn" (Lời nhà xuất bản Văn học"-1982- khi in lại tác phẩm "Gió đầu mùa"). Và soi rọi toàn bộ gia tài sáng tạo của Thạch Lam, hầu như bất kỳ một trang viết nào cũng thắm đượm tinh thần đó.

-Nhà văn Vũ Bằng của Thương nhớ mười hai nhận xét:  “Thạch Lam yêu sự sống hơn bất kỳ ai. Anh cẩn thận từng câu nói với …vì sợ lỡ lời...khiến người ta tủi thân mà buồn. Thạch Lam đi đứng nhẹ nhàng… Anh là một người độc đáo có tài lại khiêm nhường, người nhỏ mà nhân cách lớn...”

- Chính Thạch Lam cũng đã từng thổ lộ: “Xét cho cùng, ở đời ai cũng khổ. Người khổ cách này, người cách khác. Bí quyết là biết tìm cái vui trong cái khổ. Vì chỉ sống thôi cũng đã quý lắm rồi. Người ta không bao giờ nên phí phạm cái sống, coi thường sự sống”.

Thạch Lam cho tiền một đứa trẻ bán lạc rang bị cướp mất tiền, vì cho rằng: mình cần làm một việc xét ra phải làm, theo ý mình...

Thạch Lam cho tạm ứng tiền nhuận bút hơn số tiền người viết sẽ nhận vì nghĩ rằng: Chẳng ai muốn làm một việc như thế, người ta không còn con đường nào khác mới phải làm như vậy. Nếu không giúp đỡ, họ sống ra sao?

Thạch Lam là người quý bè bạn, dù là người nghèo nhất trong gia đình (nhà tranh vách đất) nhưng vẫn thường mời bạn văn đến  nhà và thiết đãi tận tình.

-Thạch Lam không chỉ nổi tiếng về truyện ngắn, mà còn thành công trong thể loại bút ký. Thiên tiểu luận viết kiểu tuỳ bút "Theo giòng" ghi lại suy nghĩ của ông về nghệ thuật tiểu thuyết, có những ý kiến khá hay.

-"Hà Nội băm mươi sáu phố phường" gồm nhiều mẩu văn ngắn sinh động nhưng thâm trầm, nhẹ nhàng nhưng sâu sắc, thể hiện phong vị đậm đà của quê hương, lời văn gợi cảm, giàu chất thơ trong trẻo, tạo cho người đọc ấn tượng khó phai, minh chứng cho vốn sống phong phú và tài hoa của ông...

Tuy nhiên, truyện dài "Ngày mới" của ông không đặc sắc về tư tưởng lẫn nghệ thuật (5)

Như vậy, có thể khẳng định, Thạch Lam là một cây bút có biệt tài về truyện ngắn. Nhiều truyện ngắn của ông dường như không có cốt truyện, nhưng sức lôi cuốn đã cuốn hút người đọc một cách nhẹ nhàng như chính lối văn nhẹ nhàng man mác chất thơ của ông.

...Tình cảm của Thạch Lam chân thành, qua những câu chuyện mang một dư vị ngậm ngùi, tội nghiệp, nhưng chỉ dừng lại ở sự băn khoăn, thương cảm đối với số phận người nghèo.

3/ Gia tài văn chương của Thạch Lam

Hầu hết sáng tác của Thạch Lam được đăng báo trước khi in thành sách. Gồm có 3 tập truyện ngắn, 1 truyện dài, 1 tập bình luận văn học, 1 tập bút ký, và hai quyện truyện viết cho thiếu nhi. Những tác phẩm có tên:

  • Gió đầu mùa (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1937)
  • Nắng trong vườn (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1938)
  • Ngày mới (truyện dài, Nxb Đời nay, 1939)
  • Theo giòng (bình luận văn học, Nxb Đời nay, 1941)
  • Sợi tóc (tập truyện ngắn, Nxb Đời nay, 1942)
  • Hà Nội băm sáu phố phường (bút ký, Nxb Đời nay, 1943)
  • Quyển sách, Hạt ngọc (truyện viết cho thiếu nhi, đều do Nxb Đời Nay ấn hành năm 1940).

Một số truyện ngắn của ông đã đi cùng năm tháng của tuổi học trò và lưu luyến mãi. Tưởng nhớ một nhà văn tài hoa, có tấm lòng nhân hậu, thảo thơm với thân phận những con người nghèo khó, những sốn phận hẩm hiu trong đời, năm 1996, ở quê hương Cẩm Giàng đã có một con đường mang tên Thạch Lam.

4/ Một vài nhận xét của bè bạn văn chương về bút pháp của Thạch Lam

- Nhà văn Nguyễn Tuân (3):  Sáng tác của Thạch Lam giàu chất thơ, và đọc ông, đời sống bên trong có phong phú hơn, tế nhị hơn; chúng "đem đến cho người đọc một cái gì nhẹ nhõm, thơm tho và mát dịu" .

Lời văn Thạch Lam nhiều hình ảnh, nhiều tìm tòi, có một cách điệu thanh thản, bình dị và sâu sắc…Văn Thạch Lam đọng nhiều suy nghiệm, nó là cái kết tinh của một tâm hồn nhạy cảm và tầng trải về sự đời. Thạch Lam có những nhận xét tinh tế về cuộc sống hàng ngày. Xúc cảm của Thạch Lam thường bắt nguồn và nảy nở lên từ những chân cảm đối với tầng lớp dân nghèo thành thị và thôn quê. Thạch Lam là nhà văn quý mến cuộc sống, trang trọng trước cuộc sống của mọi người chung quanh. Ngày nay đọc lại Thạch Lam, vẫn thấy đầy đủ cáo dư vị và cái nhã thú của những tác phẩm có cốt cách và phẩm chất văn học...

-Gíáo sư Phong Lê: Thạch Lam có quan niệm dứt khoát về thiên chức của văn chương: "Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn".

Có lẽ cả hai phương diện, vừa tố cáo, vừa xây dựng, đều được Thạch Lam chú ý; và trong phần thành công của nó, các dấu ấn hiện thực và lãng mạn trong văn Thạch Lam đều tìm được sự gắn nối ở chính quan niệm này.

Ở tư cách nhà văn, Thạch Lam đòi hỏi rất cao phẩm chất trung thực của người nghệ sĩ. Ông viết: "Sự thành thực chưa đủ cho nghệ thuật. Có thể, nhưng một nhà văn không thành thực không bao giờ trở nên một nhà văn giá trị. Không phải cứ thành thực là trở nên một nghệ sĩ. Nhưng một nghệ sĩ không thành thực chỉ là một người thợ khéo tay thôi".

-Gíáo sư Phạm Thế Ngũ: Thạch Lam là một nhà văn có khuynh hướng xã hội... Đối với ông, nhân vật thường là những người tầm thường trong xã hội: mẹ Lê trong xóm nghèo, cô hàng xén ở phố huyện, cậu học trò đi ở trọ, hai cô gái giang hồ trơ trọi…Và ông thường để ý vạch vẽ cuộc đời, tình cảm cùng ý nghĩ của họ, chớ không bận tâm lắm đến việc tuyên truyền tư tưởng cách mạng xã hội như trong các tác phẩm của Nhất Linh hay Hoàng Đạo…Ta thấy Thạch Lam, luôn hòa đồng trong cái xã hội nhỏ bé mà ông thương xót với tất cả tâm hồn đa cảm của ông...

- Nhà văn Vũ Ngọc Phan: Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió lạnh đầu mùa), người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng...Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng, ngòi bút chuyên tả tỷ mỷ những cái rất nhỏ và rất đẹp... Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy....(4)

Cảm ơn ngôi “nhà cây liễu”, mềm mại như liễu rũ, nơi đã giúp Thạch Lam có cảm hứng sáng tạo văn chương bên cạnh nhiều nhân tố khác. Cảm ơn ông, nhà văn trẻ Thạch Lam, một bậc tài hoa nhưng yểu mệnh, đã để lại cho đời những giá trị văn chương đích thực, giúp con người soi rọi vào đó mà sống tốt hơn với nhau.

                            Bên dòng cà Ty 30/9/2014

Tài liệu tham khảo:

1/Nhiều người vẫn gọi ngôi nhà ấy là nhà cây liễu, vì trong sân sát hồ có cây liễu lớn, thân nâu sần sùi nứt nẻ, bóng rũ thướt tha, do chính tay Thạch Lam trồng. Nhà thơ Huyền Kiêu ngày ấy đã có bài thơ chấm phá về ngôi nhà ấy như sau: Tây Hồ có danh sĩ/ Nhà thì ở mái tranh/ Cửa trúc cài phên gió/ Trước thềm bóng liễu xanh... 

2/Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam và Anh em Nguyễn Tường Tam-Nhất Linh... của Khúc Hà Linh.

3/Nguyễn Tuân, bài viết về Thạch Lam, in ở cuối sách Tuyển tập Thạch Lam, tr. 323.

4/ Nhà văn hiện đại (tập 2), tr. 1060.

5/Nguồn Wikipedia- Thạch Lam

NGUYỄN THỊ LIÊN TÂM

Các Bài viết khác