NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SVETLANA ALEXIEVICH NGƯỜI VIẾT ESSAY VỀ ĐỜI SỐNG NGA THẾ KỈ XX

( 02-05-2019 - 03:39 PM ) - Lượt xem: 636

Về chủ nhân Nobel văn học năm 2015, Nguyên Ngọc khẳng định: “Lần đầu tiên giải nobel trao cho một tác giả mà chủ trương suốt đời không viết hư cấu, bà viết thể loại (mà trong tiếng Pháp) người ta gọi là essai” . Ông nhấn mạnh sáng tác của Svetlana Alexievich mang dấu ấn rõ nét của essay – Thể loại chưa nhận sự quan tâm nghiên cứu rộng rãi.

Svetlana Alexievich như một thanh âm độc đáo trong bản hòa ca về lịch sử. Tác giả luôn hướng sáng tác đến gần và đi sâu vào thực tế, phản ánh chân thật các vấn đề khác nhau về con người – điều tác phẩm khác cùng chủ đề thường lướt nhanh. Các văn bản thoát khỏi lối mòn của đề tài, đề cao kinh nghiệm, chủ động tư tưởng – dấu hiệu essay. Tác giả chia sẻ: “Tôi đã tìm kiếm một thể loại phù hợp nhất để thể hiện tầm nhìn của tôi về thế giới, để truyền đạt những điều tôi nghe và thấy về cuộc sống. Tôi luôn cố gắng vì điều đó, và cuối cùng tôi đã chọn một thể loại mà ở đó, giọng nói của con người cất lên vì chính họ”[1].

1. Essay như một thể loại văn học

 “Essay” xuất phát từ nguyên thể tiếng Pháp là “essayer”, có nghĩa là “thử” hay “cố gắng”. Michel de Montaigne (1533 – 1592), nhà văn Pháp, người đầu tiên gọi công việc của mình đúng với tính chất của essay là “cố gắng” để hiểu và mô tả đối tượng. Tập Essais (công bố trong hai bộ sách năm 1580) của ông được ví như tiền thân của essay hiện đại. Qua tác phẩm, tác giả đã góp phần khẳng định essay là một thể loại độc lập trong văn học chung.

Essay ra đời tại châu Âu từ rất sớm. Các tác giả nhanh chóng sử dụng nó vào tác phẩm của mình. Các đại diện tiêu biểu khi nhắc đến thể loại essay: Michel de Montaigne, Robert Burton, Sir Thomas Browne, J. Addison, R. Steele, D.Diderot,… Đây đều là khuôn mặt tiên phong, có đóng góp tích cực cho hình thức mới mẻ này. Trong từng giai đoạn phát triển, đội ngũ sáng tác luôn có sự bổ sung, hệ thống đề tài không ngừng mở rộng. Essay có bước tiến vững chắc cả về lượng và chất.  

Giống như các thể loại văn học khác, essay cũng có những đặc điểm riêng biệt:

Đề cao góc nhìn mới mẻ, đột phá: Xét trên bình diện nội dung, essay biện chứng hơn cả phép biện chứng, vì nó nói lên bản thân. Thể loại này được xem là phát ngôn mang đậm lý lẽ, cảm xúc chủ thể, chứ không phải là tiếng nói đại đồng, đại diện cho trí tuệ theo mô hình của đạo đức chung. Bởi tính chất của essay là dấn thân, khai phá nên mỗi lần “thử” tìm hiểu, “thử” đặt mình trong những thế khác nhau sẽ mang lại những giá trị khác nhau về nội dung và tư tưởng, và đương nhiên điều đó phụ thuộc vào một nhãn quan đột phá chứ không phải một màu như hình thức chung đang tồn tại.

Xem trọng sự thật và sự tự do: Trong sáng tác, dù người viết đứng trên tâm thế của một người ghi chép xã hội hay một nhà ghi chép trí tưởng tượng của bản thân thì tất cả đều phải trung thành với tâm lý chung của hiện thực trên một tinh thần khách quan nhất, và essay đã đáp ứng được tinh thần đó. Nó khác với nghệ thuật đương đại trong yêu cầu: phản ánh sự thật và thể hiện sự tự do. Phạm trù của các chủ đề này đã được đẩy đến biên độ cực đại, đạt đến một sự tổng hòa thống nhất; sự thật trong nội dung và tự do trong hình thức hoặc tự do trong cách nhìn, cách nghĩ để hướng đến sự thật cốt lõi của vấn đề. Một tác giả viết essay được cho là tinh vi trong công việc làm sáng tỏ một thực tế khách quan, bởi khai mở bề chìm của đối tượng là việc làm đi ngược lại với cái chung; nên để chứng minh và khẳng định nó là không hề đơn giản. Điều đó đòi hỏi người viết không chỉ thấu suốt đối tượng mà dẫn chứng cũng phải thật xác đáng.

Xem trọng trải nghiệm cá nhân: Essay được xem là thể loại mua lại quyền tự trị thẩm mỹ. Bởi những bức tường thành vĩ đại trong tiếp cận cũng như đánh giá đối tượng đã rạn vỡ trong hành trình tìm kiếm, thâm nhập của người cầm bút. Điều đó đồng nghĩa với việc, thể loại này không cho phép các ý tưởng tức thời, mà đòi hỏi phải có sự dấn thân, trải nghiệm để khẳng định ý tưởng đó trước khi truyền đạt. Những ý tưởng truyền thống trở về dưới dạng một hình mẫu, và khi được truyền đạt thì không chỉ đơn giản bắt chước như một sự phản ánh của các hình thức, mà nó tự biến mình là một khâu trung gian để nhìn thấu đối tượng ở những bề sâu, khía cạnh khác. Mặc dù luôn luôn tập trung vào hiện vật, song essay không phải là trình bày chúng, cũng không kể về những điều lớn lao đã được định hình sẵn. Ngược lại, nó làm lu mờ các giá trị nhận thức chung đã được hình thành trước đó để hướng vào cách nhìn nhận của chủ thể; cho phép người viết làm chủ đối tượng để hiểu nó một cách sâu sắc nhất.

Không có một kết thúc cuối cùng:Essay trình bày tất cả mọi vấn đề và dừng lại nơi nó cảm thấy đã đạt được sự hoàn toàn – không phải là nơi không còn gì để nói, mà là nơi bức tranh toàn diện về vấn đề đã được xác lập, một chỉnh thể chủ quan dưới một góc nhìn đột phá về đối tượng đã được hình thành để mang đến những chân giá trị tư tưởng đích thực. Aldous Huxley, một nhà nghiên cứu văn học, từng lưu ý rằng “Essay là một phương tiện văn học đưa tất cả mọi thứ về một thái cực gần như không có gì”[2]. Khi đã chiếm được cái căn bản nhất, sự dừng lại của essay như một sự khẳng định ngầm các giá trị của đối tượng; phần còn lại sẽ được xác lập, chứng minh qua suy nghĩ của bạn đọc từ các yếu tố đã được vạch ra.

Tính chất phân mảnh và ngẫu nhiên:Một nhu cầu trong essay mà ta nhìn thấy chính là sự phá vỡ trong hình thức của tính toàn vẹn và liên tục. Nó được hợp lại từ những mảnh ghép tuy không hoàn thành nhưng khả năng phản ánh thì rất lớn. Khó có thể chia một bài essay thành các đoạn trọng tâm và chỉ ra trình tự xuyên suốt; bởi trong cấu trúc của nó là sự hợp thành từ nhiều mảnh ghép chen lấp khác nhau, đôi khi không tương đồng về mặt chủ đề mà chỉ có sự liên quan ở một phương diện nhỏ. Các ý trong một bài essay được dẫn dắt, truyền tải theo cảm hứng ngẫu nhiên, ý này nương vào ý kia mà nảy sinh, phát triển, tạo thành một mạch liên kết cho toàn bộ tác phẩm. Chính vì việc bất quy tắc trong kết nối ấy đã khiến cho cấu trúc văn bản thoát khỏi hình thức chỉn chu, nghiêm ngặt của một bài nghiên cứu khoa học, tuy nhiên không phải không có một sự mạch lạc, rõ ràng. Giữa các ý vẫn có sự mắc nối vô hình, tương hỗ cho nhau để tạo nên một mạch ngầm thống nhất. Điều này đòi hỏi ở người viết phải có sự khái quát và bao quát các vấn đề một cách rõ ràng, chắc chắn. Cách tiếp xúc đối tượng trên một bình diện khác cho thấy một sự phóng túng ngay từ bước nhận thức, từ đó làm bước đệm, phân tích vấn đề ở nhiều chi tiết mang đến những giá trị và hiệu quả đột phá; chẳng hạn ứng những vấn đề vĩ mô như triết học dưới con mắt của kinh nghiệm đời thường; và ngược lại, xem xét những sự việc sinh hoạt từ cái nhìn khái quát của triết học và các lĩnh vực lớn lao khác.

Bố cục tự do:Phá vỡ mọi giới hạn trong hình thức là đặc trưng tiêu biểu trong kết cấu thể loại essay. Chính cấu trúc tự do đã cho phép cách viết được thoát mọi khuôn khổ, giới hạn hay trong các hình thức câu nệ. Từ ấy, khơi thông các nguồn ý tưởng mới, nội dung được phổ quát, bao hàm hơn; văn bản trở nên rộng lớn và toàn diện. Phá bỏ các hình thức của nghệ thuật, essay cho phép người sử dụng được vô tư trình bày cảm xúc của mình; ít khi nó dựa trên một hình thức cụ thể nào; hoặc chỉ xem hình thức là một công cụ để làm nổi bật nội dung thực tế, khách quan, chân thực.

Sự chân thật và giản dị của ngôn ngữ: Những hình ảnh, khái niệm trong các tác phẩm của thể loại này đều bắt nguồn từ những phương diện đặc biệt khác nhau của xã hội, mang tính xác thực cao nhất. Nó cho phép khai phá hiện thực từ trong ý thức, biểu hiện ra bên ngoài mà không câu nệ ở hình thức nghệ thuật. Xét thế không có nghĩa ngôn từ trong essay không có giá trị thẩm mỹ; song cái hay phải gắn liền với cái thật, luôn bám sát đối tượng phản ánh. Chính nhờ việc truyền tải những ngôn ngữ sống ấy đã cho phép người viết dấn thân sâu vào bề mặt bản chất, phô diễn một lối lập luận riêng, nêu lên cái đặc trưng của đối tượng.

2. Svetlana Alexievich – người viết essay về đời sống Nga thế kỉ XX

2.1. Svetlana Alexievich –Con người và sự nghiệp

Svetlana Alexandrovna Alexievich (Светлана Александровна Алексиевич) sinh ngày 31 tháng 05 năm 1948, người Belarus song được biết đến là một tác giả của nhiều bài báo và tác phẩm văn học viết bằng tiếng Nga.

Nữ nhà báo – nhà văn chào đời tại thị trấn Stanislav (phía tây Ukraine), thân phụ là người Belarus (Bạch Nga) còn thân mẫu là người Ukraine (Tiểu Nga). Trong những năm tháng miệt mài nơi học đường, Svetlana Alexievich từng viết khá nhiều cho báo, tập san của nhà trường, nhận nhiều giải thưởng tại các cuộc thi của Đảng Cộng hòa. Bén duyên với nghề báo, cây viết trẻ này nhanh chóng được nhìn nhận như là một ngòi bút đầy triển vọng của nhiều tờ báo địa phương. Tại thời điểm đó, tác giả của CTKCMKMPN bị giằng xé giữa hai lựa chọn: một là tiếp nối truyền thống giảng dạy, giáo dục mà gia đình đã xây đắp, hai là phát huy sở trường viết báo của bản thân. Sau khi tốt nghiệp Đại học Lenin, Svetlana Alexievich quyết định tiếp tục đeo đuổi công việc báo chí và trở thành phóng viên của tạp chí Văn học Neman ở Minsk (thủ đô Belarus).

Đối với sự nghiệp văn học, Alexievich đã gây được tiếng vang lớn với sáng tác đầu tay War’s Unwomanly Face hoàn thành năm 1983, tập hợp từ băng ghi âm lời kể của những nữ quân nhân Thế chiến II, đề cập đến một cuộc chiến tranh khác đã bị lãng quên mà chỉ có người phụ nữ mới ý thức được. Tác phẩm này mang lại cho bà giải thưởng “Leninsky Komsomol” danh giá năm 1986; sau đó, được dịch ra hai mươi thứ tiếng khác. Tuy nhiên, vì sự kiểm duyệt gắt gao mà nó đã không được xuất bản tại Belarus. Cũng kể từ đó, các sáng tác về sau của tác giả liên tục vấp phải những phản ứng trái chiều, bởi tinh thần cùng nội dung đi ngược lại với quan điểm chung của quy định, khuôn khổ nghệ thuật. Die letzten Zeugen (1985), Zinky Boys: Soviet Voices from the Afghanistan War – Zinky boys: Soviet voices from a forgotten war (1989) là những cuốn sách tiếp theo và chịu chung số phận bị “cấm cửa” vì mang tính chất “bôi đen” những cuộc chiến tranh, phơi bày các mặt trái, thể hiện sự cực đoan, nguy hiểm. Năm 1992, tác giả đã phải hầu tòa vì cuốn Zinky boys. Riêng với Voices from Chernobyl (1997) – viết về nỗi đau kinh hoàng đằng sau thảm họa hạt nhân Chernobyl ở Ukraine, đã đem đến cho nhà văn Giải sách Leipzig về Thông cảm châu Âu 1998, trở thành cẩm nang chung của toàn thế giới về ứng xử trước hậu quả nguyên tử.

Sau hàng loạt sáng tác bị “thổi còi”, năm 2000, Svetlana Alexievich rời đến Paris vài năm, sau đó là một số nơi khác. Năm 2011, bà quay trở lại Minsk, mặc dù đời sống có phần bị gò bó, mất tự do nhưng chính sự can đảm đã thôi thúc bà không ngừng lên tiếng cho những sự thật trong đời sống.

Năm 2015, Svetlana Alexievich nhận giải thưởng Nobel Văn học lần thứ 112. Bà chính là nữ nhà văn thứ 14 và là một trong số ít cây bút của dòng văn xuôi phi hư cấu chiến thắng hạng mục này trên thế giới. Năm 2004, nữ văn hào người Áo Elfriede Jelinek vinh danh cho các sáng tác lên án quá khứ phát xít và thực tại xã hội ngổn ngang, gia trưởng dưới góc nhìn nữ quyền, gây ra biết bao sự tranh cãi. Người ta cho rằng tác giả “hầu như không được biết đến bên ngoài thế giới nói tiếng Đức […] các tác phẩm của Jelinek chỉ là "khối văn bản hỗn độn không hề có cấu trúc nghệ thuật”[3]. Mười một năm sau, Svetlana Alexievich cũng với danh hiệu này, cũng là tiếng nói của phụ nữ trong thểhiện sự thật cuộc sống và cũng tạo ra làn sóng dư luận trái chiều không hề nhỏ. Tuy nhiên, nếu như tác phẩm của Elfriede Jelinek dừng lại ở sự phản ánh hiện thực thì Alexievich dấn thân, nhập cuộc, thử đưa ra các kiến giải, quan điểm, góc nhìn về đối tượng; do đó, nó có sức ảnh hưởng, tác động sâu sắc. Văn bản của bà không hề vô hình, ngược lại nó nhận sự hưởng ứng, đồng cảm người đọc từ sự thật mà tác giả mang đến; bà chính là “tượng đài tưởng niệm sự thống khổ và lòng can đảm trong thời đại của chúng ta”[4]. Sự công nhận từ Nobel chính là lời khẳng định cho cách viết và tư duy mới về lịch sử, cho nỗ lực đóng góp của Svetlana Alexievich trong việc làm sáng tỏ bản chất thế giới bằng điều bản thân lắng nghe, trông thấy và cảm nhận.

1.2.2. Hệ thống tác phẩm phi hư cấu của Svetlana Alexievich – Một bức tranh chân thực về đời sống Nga thế kỉ XX

SvetlanaAlexievich là một trong những người đã làm sống dậy giọng nói của con người trong văn học. Bà đã thử mình trong nhiều thể loại khác nhau từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, tiểu luận,… để tìm kiếm một cách viết phù hợp nhất cho tầm nhìn của mình về thế giới, cuộc sống, xã hội. Cuối cùng, nhà văn đã quyết định đưa giọng nói trực tiếp của chính những đối tượng có liên quan vào trang viết, nhằm truyền đạt hiệu quả hơn tất cả mọi thông tin, nhãn quan, cảm xúc. Bà nhấn mạnh, văn học từ lâu đã bỏ qua một yếu tố hết sức quan trọng đó là giọng nói con người. Do đó, tác phẩm thường mất đi độ sâu cùng sự chân thực vốn có. Giọng nói (“voice”) là phương tiện gần nhất trong việc tái hiện con người cùng các sự kiện. Bản thân nó luôn gắn liền với thái độ. Các suy nghĩ được truyền đi trực tiếp, khiến cho độc giả có cảm giác như đang được giao tiếp cùng nhân vật. Từ đó tác phẩm nâng cao chất lượng thông tin, độ chính xác và hiệu quả nghệ thuật. Sáng tác của Svetlana Alexievich là sự thoát thai từ hàng ngàn tiếng nói về số phận, mảnh vỡ của cuộc sống xung quanh. Để làm được việc đó, bà đã dành cả 3 đến 4 năm, gặp gỡ, trò chuyện cùng hàng trăm người cho mỗi cuốn sách. Do đấy, biên niên trang sách của bà bao trùm nhiều thế hệ. Những người xuất hiện, giao tiếp trong cuốn sách của bà, nói về nhiều vấn đề xã hội khác nhau như chiến tranh, thảm họa Chernobyl, và sự sụp đổ của một đế chế vĩ đại. Tất cả cùng thiết lập lại một lịch sử chung, lịch sử của dân tộc bằng lời nói của các cá nhân, thông qua trải nghiệm thực tế của mình. Ngày nay, trong thái cực đa chiều, các sáng tác như thế này vô cùng có giá trị. Với sự tôn trọng nguyên bản, chúng đã mang thực tế đến gần hơn với người đọc, đồng hành cùng độc giả trong quá trình chinh phục các vấn đề thuộc về bề sâu của đời sống.

Lịch sử trong sáng tác của Svetlana Alexievich là lịch sử của xúc cảm con người về đời sống Nga. Đó là điều mà mọi người nghĩ, hiểu, nhớ; những gì họ tin hoặc không tin; ảo tưởng hay hy vọng. Trong khi sáng tác đương thời hướng đến một mẫu hình lý tưởng, lớn lao thì Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ lại quan tâm đến từng cá thể. Tác phẩm của Svetlana Alexievich mang linh hồn của con người Nga trải qua biến cố thời đại. Tác giả nhìn sự kiện không thông qua diễn biến và kết quả mà soi chiếu bằng cảm xúc tâm hồn. Mục đích đạt được không phải là kết thúc của sự kiện ra sao mà là con người như thế nào xung quanh vấn đề đó. Cuốn sách đầu tiên của bà У войны не женское лицо (tức Chiến tranh không mang khuôn mặt phụ nữ, qua bản trung gian tiếng Pháp được Nguyên Ngọc dịch là Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ). Tác phẩm tái hiện hơn một triệu tâm hồn nữ quân nhân Liên Xô trong Thế chiến II. Họ xuất thân từ nhiều binh chủng, làm nhiều ngành nghề khác nhau, song sau khi hòa bình lập lại, “chiến tranh” mà họ đeo mang lại bị xem nhẹ, bỏ qua. Tác phẩm là cuộc dấn thân, thử đặt điểm nhìn vào tâm hồn người phụ nữ, nói lên vấn đề thuộc về tinh thần đã bị che khuất. Bức tranh toàn diện của Thế chiến II không chỉ gói gọn trong sự kiện mà còn trong diễn biến nội tâm con người. Bên cạnh người phụ nữ, ám ảnh chiến tranh còn hiện hữu trong ánh mắt của trẻ thơ, Svetlana Alexievich nhận ra điều đó, viết nên tác phẩm Những nhân chứng cuối cùng: 100 câu chuyện không trẻ thơ (Последние свидетели: 100 недетских колыбельных) dựng lại quá khứ dữ dội từ các kỉ vật chiến tranh của những trẻ em vô tội. Trong một sáng tác khác mang tên Những quan tài kẽm (Цинковые мальчики), lại là những câu chuyện chiến tranh khác của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tham chiến cùng các góa phụ, bà mẹ, thân nhân của các nạn nhân cuộc chiến. Đây là một hình dung cụ thể về cái ác với hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Tại sao con người lại tàn sát lẫn nhau? Trong tuyệt vọng, họ đã sống ra sao? Làm thế nào để mang lại một thế giới đại đồng khi hành động xung quanh lại vô cùng phi nghĩa?… Thông qua những sáng tác của mình, tác giả bằng cảm xúc đã bóc trần cái lõi bên trong của các cuộc chiến. Đặt chiến tranh với đúng tính chất ban đầu của nó. 

Từ những vấn đề xã hội, Svetlana Alexievich đã khái quát nên những chân lí nhân bản ở đời. Tác phẩm Lời cầu nguyện từ Chernobyl (Чернобыльская молитва) là hiện thực kinh hoàng của những người làm công việc dọn dẹp phóng xạ nói riêng và toàn bộ người dân Liên Xô ngày ấy nói chung sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. Để khắc phục hậu quả, chính quyền dùng áp bức huy động một lực lượng lớn. Người dân vừa chịu thiệt hại nặng nề sau tai nạn vừa đối mặt với hiểm nguy của việc đẩy lùi hậu quả. Tác phẩm đặt ra thực trạng trong suy nghĩ nhiều người: để tạo nên một xã hội “như mơ” thì cần phải dùng đến vũ lực. Đồng thời nhấn mạnh một chân lý: con người mãi chẳng thể thắng nổi tự nhiên. Lời cầu nguyện từ Chernobyl trở thành cuốn sách hướng mọi người đến cách ứng xử trước thảm cảnh nguyên tử hạt nhân. Đây cũng là một đặc điểm khá tiêu biểu cho thể loại essay, khi luôn gắn những sự kiện đời sống với tầm tư tưởng khái quát về chân lý, bản chất con người.

Có thể nói Svetlana Alexievich là người đã xóa nhòa khoảng cách của văn xuôi hư cấu và phi hư cấu. Bà thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn nhưng không dừng lại ở việc truyền đạt một cách máy móc. Thay vào đó là một sự khái quát, dàn xếp, hệ thống các câu chuyện với nhau. Vì thế những phần kí ức của các nhân chứng không bị rời rạc mà liền mạch, mắc nối lẫn nhau tựa như một truyện ngắn hay tiểu thuyết. Nhờ phương pháp xử lý này, tác giả đã tạo ra một lối viết độc đáo, biến những vấn đề phi hư cấu thành những truyện ngắn “có chuyện”. Sự thật trong nội dung vẫn luôn được đảm bảo, song hình thức lại uyển chuyển, linh hoạt. 

Giải thưởng Nobel Văn học 2015 trao cho Svetlana Alexievich vì những sự thật con người mà bà khai phá. Trong một bài phỏng vấn bà phát biểu rằng: “Đây không phải là một phần thưởng cho tôi mà là cho nền văn hóa, một quốc gia nhỏ bé của chúng tôi, mà đã bị rơi vào một cối xay trong suốt lịch sử”[5]. Tinh thần essay trong sáng tác của Alexievich nằm ngay trong sự tìm tòi, phát triển đề tài quá khứ, đời sống của Nga. Việc tách mình ra khỏi thái cực chung, đứng trên quan điểm của con người để nhìn nhận lại chiến tranh, nhìn nhận lại các vấn đề xã hội là một hành động dũng cảm, ý nghĩa và mang tính đột phá. Tác phẩm của bà tuy vấp phải những tranh luận, chịu sự kiểm duyệt gắt gao, nhưng không thể phủ nhận giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật mà nó mang đến. Từng mảnh ghép của đời sống Nga đã được lật mở, phô bày một thế giới hoàn toàn khác so với cái chung mà mọi người vẫn thường nhắc. Đó là một thế giới khủng khiếp nhưng lại đậm đà tính nhân văn.

 

NGUYỄN THÀNH LUÂN

[1]  Svetlana Alexievich, A search for eternal man, http://www.alexievich.info/indexEN.html, truy cập ngày 27.04.2017

 

[2] Thông tin dẫn từ trang Wikipedia với từ khóa “Essay”, truy cập ngày 27.04.2017.

[3] Hồng Vân (2015), Những giải Nobel gây tranh cãi, http://vnexpress.net/tin–tuc/the–gioi/tu–lieu/nhung–giai–nobel–gay–tranh–cai–3293556.html, truy cập ngày 19.04.2017.

[4] Dẫn theo Lời giới thiệu, trang bìa CTKCMKMPN, bản dịch Nguyên Ngọc (2016), NXB Hà Nội.

[5] Thông tin dẫn từ trang Wikipedia với từ khóa “Svetlana Alexievich”, truy cập ngày 27/04/2017.

Các Bài viết khác