NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SỰ XUẤT HIỆN VÀ ẢNH HƯỞNG CỦA F. M. DOSTOIEVSKY TẠI VIỆT NAM

( 21-04-2017 - 05:24 AM ) - Lượt xem: 1123

“Khó tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào, trong giai đoạn tiếp xúc ban đầu, có được một thành phần độc giả rộng rãi, mang tính đại chúng dành cho Dostoievsky. Việt Nam không ngoại lệ.

Đại văn hào Nga – F. M. Dostoievsky là một trong những gương mặt sáng giá nhất của văn hoá hiện đại thế giới.
So với Lev Tolstoi, hay André Gide, thì cuộc hạnh ngộ của ông ở Việt Nam có phần muộn hơn chút ít. Tuy rằng, với giới Tây học thời xưa, thì tác phẩm qua tiếng Pháp được một số độc giả ưu tú – nhà văn, nhà nghiên cứu – tiếp xúc từ khá sớm, gần như suýt soát thời gian với các tác gia trên.
Tuy vậy, sự đánh giá chính thức qua bản chuyển ngữ chậm hơn vì nhiều biến động phức tạp của tình hình văn nghệ, nhất là điều kiện môi trường tiếp nhận. Sự hiểu biết thấu đáo và thẩm thấu ảnh hưởng về Dostoievsky thì phải mãi tới sau này, cho tới ngày nay mới thật sự được công nhận.

Phạm Thị Phương đã có khảo sát khá kỹ lưỡng về Ảnh hưởng của Dostoievsky ở Việt Nam trước 1945.[5]
Theo đó, có thể nói: “Khó tìm thấy ở bất cứ quốc gia nào, trong giai đoạn tiếp xúc ban đầu, có được một thành phần độc giả rộng rãi, mang tính đại chúng dành cho Dostoievsky. Việt Nam không ngoại lệ. Độc giả của Dostoievsky ở nước ta (từ trước cho đến tận bây giờ) là loại độc giả ưu tú, khá chuyên biệt, một “thiểu số chọn lọc” giới phê bình, nhà văn, giảng viên, sinh viên đại học,..”
Từ những thập niên 20, 30 của thế kỷ XX, tiếng Pháp đã trở thành công cụ đắc lực cho trí thức Việt Nam tiếp xúc với văn học Pháp và phương Tây.
Tuy nhiên, Lev Tolstoi, André Gide du nhập vào Việt Nam lại là người gián tiếp “giới thiệu” Dostoievsky, và sau này, vào cuối thập niên 50 và thập niên 60 – 70, văn hào mới được giới thiệu rộng rãi hơn. Công trình của Bakhtrin trong thập niên 80 được giới thiệu, đề cập Dostoievsky với Trần Đình Sử (M. Bakhtrin và những vấn đề thi pháp Dostoievsky của ông).
Từ những năm 90, Dostoievsky được giới thiệu như một trong những nhà văn lỗi lạc của Nga vào nửa sau thế kỷ XIX trong giáo trình đại học. Văn hào Nga có vẻ “khó đọc” đã đi sâu vào kho tri thức của văn hoá đọc Việt Nam hiện đại.
Theo Phạm Thị Phương thì, với một số độc giả “ưu tú khá chuyên biệt” thời kỳ trước 1945 trong quá trình hiện đại hoá văn học: “Dostoievsky đã tiến hành những bước tiếp xúc đầu tiên, và đã thu được hiệu quả ban đầu... đó là giai đoạn tiếp nhận Dostoievsky khá sâu đậm, và hiệu năng nhất ở nước ta” (tài liệu đã dẫn). Tuy nhiên, xét cho công bằng, thì ảnh hưởng của Dostoievsky có ý nghĩa sâu sắc hơn trong giới sáng tác và cả giới phê bình, nghiên cứu trong vòng vài ba thập niên trở lại đây.
Có những ảnh hưởng theo những cách khác nhau, qua những yếu tố trực tiếp hoặc gián tiếp về tư tưởng nghệ thuật, hoặc về nghệ thuật viết, nhất là với tiểu thuyết – chủ đề, kết cấu, nhân vật, phương tiện biểu hiện,...
Có những ảnh hưởng xa xôi, hoặc gần cận do những nguồn tiếp cận khác nhau.
Nhìn chung, cho đến nay, ảnh hưởng của Dostoievsky là cả một quá trình, bao gồm những thời đoạn không thuận lợi, những con đường còn quanh co, khúc khuỷu.
Ngay ở Nga, phải đến khoảng năm 1972, giá trị đích thực của Dostoievsky mới được khôi phục và phát huy.
Ở Việt Nam, bản dịch của Phạm Mạnh Hùng được chuẩn bị xong từ khoảng những năm 60 của thế kỷ XX và nằm ở nhà xuất bản. Phải đến năm 1984, tác phẩm mới chính thức được ấn hành.
Giới phê bình, nghiên cứu cũng tích cực giới thiệu Dostoievsky từ những năm chuẩn bị và bước vào đổi mới văn học.
Trần Đình Sử đã giới thiệu những vấn đề thi pháp Dostoievsky qua đọc Bakhtrin (bài viết trên Văn nghệ quân đội số 10/1985, chỉnh lý lại năm 2014). Nhóm Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn giới thiệu Bakhtrin, Những vấn đề thi pháp Dostoievsky (sách được tái bản tại Giáo dục, 1998). Phạm Vĩnh Cư viết Dostoievsky, sự nghiệp và di sản trên Văn hoá nghệ thuật số 6/2001,...
Như vậy, nếu như trước đây Dostoievsky được du nhập vào Việt Nam bằng các con đường không chính thức, thì nay đã được vào bằng con đường chính thống, cả sáng tác và lý luận, trên thị trường và trong giảng đường đại học.

Xét về hiệu năng nghệ thuật, ảnh hưởng của Dostoievsky, trước năm 1945 là không tự giác, phần nhiều là do ngẫu hứng, thích thú cá nhân tìm đọc một cách tò mò để tìm hiểu, khám phá.
Giới trí thức Việt Nam, qua tiếng Pháp, đã được biết đến phần nào các tác phẩm, và do đó đã giới thiệu cho dư luận qua các trang báo chí đương thời.
Tại Sài Gòn, bản dịch tiếng Việt của Dostoievsky xuất hiện vào năm 1959 trên các tờ Bách Khoa, Văn học ngày nay với các trích đoạn tiểu thuyết. Từ những năm 60, 78, các tác phẩm dài hơi của nhà văn mới được giới thiệu hoàn chỉnh. Vào những năm 60, Dostoievsky đã được giới thiệu qua giáo trình đại học (Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tổng hợp Hà Nội), và sau đó được xuất bản như sách chính thức cho hệ đào tạo Đại học.
Trước năm 1945, ảnh hưởng rõ nhất của Dostoievsky là với giới sáng tác, và phần nào với một số nhà phê bình, nghiên cứu.
Lan Khai có trích dịch đoạn văn của Dostoievsky trên tạp chí Tao đàn số 3 (1/4/1939). Đinh Gia Trinh đăng hàng loạt bài nghị luận văn học có nhắc tới Dostoievsky trên Thanh Nghi từ 1941 – 1945. Các nhà văn Thạch Lam, Nhất Linh cũng xác nhận vai trò của Dostoievsky trong một số bài viết.
Đặc biệt là Nguyên Hồng, người đã tiếp nhận Tội ác và trừng phạt, tâm trí như được “dội lửa” khi viết Bỉ vỏ ở Hải Phòng.
Nguyễn Tuân có lẽ là độc giả đặc biệt số 1 của Dostoievsky tại Việt Nam. Ông đọc tác phẩm của đại văn hào Nga trong những ngày ngồi tù ở Sở Liêm pháp, và khi bị quản thúc vẫn tiếp tục đọc Dostoievsky. Có tư liệu (trên mạng) đáng tin cậy nói Nguyễn Tuân có di cảo kể về việc còn viết trong những ngày ở trại tập trung (Tiếng kèn rừng được đăng báo năm 1946). Ông lại có lời kháo: “Ở Hà Nội đã khối người say Đốt Xtôi”, và tự nhận: “thuở ấy tôi cũng là một chàng trai mê Đốt” (Nguyễn Tuân Tuyển tập, Tập III, tr 498).
Ngoài ra, có thể nhắc đến Nam Cao với các sáng tác trong những năm trước 1945.
Thời ấy, tiền đề tiếp nhận đã chín muồi. Đó là thời đại của Cái Tôi đã được tự ý thức cao. Tiền đề văn hoá – chính trị, xã hội đã đầy đủ, nhất là sự đòi hỏi hiện đại hoá của nền văn học với những nhu cầu cấp thiết mới.
Như vậy, Dostoievsky đã đáp ứng một xu thế văn học đang tìm tòi một phương thức nghệ thuật mới.
Quá trình ấy đã diễn biến qua hai bước như lộ trình của con đường tiếp nhận văn học ngoại lai, mà ở đất Nam Bộ là tiêu biểu.
Bước đầu tiên là mô phỏng, hay còn gọi là phóng tác. Như Vũ Bằng đã mô phỏng Đêm trắng của Dostoievsky.
Tuy nhiên, ảnh hưởng có sáng tạo là sự tiếp nhận đáng ghi nhận. Như với Nam Cao, Nhất Linh. Nhiều nhà nghiên cứu đã phân tích Bướm trắng của Nhất Linh là sự tiếp nhận có biến hoá trên các phương diện chủ yếu: chủ đề, đề tài, đối tượng phản ánh và nghệ thuật đối thoại tư tưởng của Dostoievsky.
Từ điển văn học (Thế giới, 2004) có ghi rõ: “... Bướm trắng đánh dấu một thay đổi lớn trong quan niệm nghệ thuật của Nhất Linh. Với ông, nghệ thuật không còn là sự khám phá con người từ bên ngoài, mà chính từ thế giới phức tạp bên trong của nó. Con người hiện ra không chỉ như một chứng nhân xã hội, do sự sắp đặt và định hướng của những xung lực tinh thần nào đấy. Mà trước hết, con người suy nghĩ, hành động như một sự tự thực hiện, ở đó có sự chi phối của cả ảo giác và thực tại, vô thức và hữu thức (...). Ông chỉ soi tỏ những ngóc ngách khuất tối trong tâm hồn, nó chi phối hành động của người ta một cách bất chợt, ngẫu nhiên, không thể tiên liệu”.
Trương trong Bướm trắng là con người phạm tội và mặc cảm tội lỗi, đã dao động gay gắt giữa Thiện và Ác, và lòng vẫn còn hoài niệm hoàn lương.
Tự ý thức đã “sa ngã xuống vũng bùn đen tội ác nhem nhuốc”: chơi bời, đàng điếm, thụt két, ngồi tù, nhưng vẫn hướng về ánh sáng của mối tình với “nàng tiên trong sạch” trong vùng thanh khiết. Trương là nhân vật chứa đựng những đối cực của tâm lý, tính cách, mang bóng dáng của Raskonhikov và Dimitri Kamarazov của Dostoievsky, nhưng vẫn gợi được đốm lương tri trong tâm hồn. Ngoài ra, Bướm trắng còn tiếp biến nhiều kỹ thuật tiểu thuyết của Dostoievsky, kể cả một phần tư tưởng, tôn giáo và triết lý của đại văn hào.
Từ năm 1975, đặc biệt trước và sau đổi mới văn học và quá trình hội nhập văn hoá thế giới, nếu quan sát khách quan, khoa học, ta cũng thấy thấp thoáng đó đây trong sáng tác văn xuôi, có những ảnh hưởng ít nhiều, tự giác và không tự giác với Dostoievsky.
Anh em nhà Karanazov xuất hiện chính thức từ 1988 (Phạm Mạnh Hùng dịch, NXB Văn học), và gần đây nhất là Tội ác và trừng phạt (2016, Cao Xuân Hạo, Phương Nam) đều là những kiệt tác của Dostoievsky được giới thiệu toàn vẹn ở Việt Nam.Trước đó là Tội ác và trừng phạt cũng của Cao Xuân Hạo (NXB Văn học, 2010). Đây là tác phẩm đã được tạp chí Time bình chọn là một trong những cuốn sách vĩ đại nhất mọi thời đại, đã đến Việt Nam sau 150 năm, vẫn mang tính thời sự cả về ý nghĩa tư tưởng và nghệ thuật trong hoàn cảnh hội nhập thế giới hiện nay.
Đối với các thế hệ nhà văn Việt Nam, đại văn hào đã trở thành người bạn tri kỷ vong niên đặc biệt, đồng thời là bậc thầy đáng kính.
Câu nói nổi tiếng như một danh ngôn quen thuộc và quý giá với giới văn nghệ sĩ: “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”còn dịch là “ Cái đẹp giải thoát thế giới” (bản Pháp văn, L’Idiot : “La beauté sauvera le monde” )
Riêng với những người viết văn xuôi, họ thường có cái nhìn hết sức khâm phục về tài năng sáng tạo độc đáo của Dostoievsky. Có rất nhiều định nghĩa về tiểu thuyết của ông: “tiểu thuyết tư tưởng”, “tiểu thuyết triết lý”, “tiểu thuyết - bi kịch”, “tiểu thuyết phức điệu”, “tiểu thuyết đa thanh”...
Nguyễn Tuân đã đánh giá Tội ác và trừng phạt: “mới đọc thì tưởng đâu như là một tiểu thuyết trinh thám”, nhưng đó là sự “biểu hiện tư tưởng qua nghệ thuật”. Nhà văn coi Anh em nhà Karamazov là “một thiên tuyệt tác chứng thực cái thiên tài tạo tác... về mặt xây dựng truyện từ kiếp người” ( Nguyễn Tuân, Tuyển tập, Tập 3, Văn học, 2005, tr 385, 387).
Cây bút văn xuôi nổi tiếng Ma Văn Kháng cũng đồng tình với luận điểm về tiểu thuyết: “Sức quyến rũ bí ẩn của nó là nhờ ở cấu trúc bên trong”. Như ở tiểu thuyết của Dostoievsky là cái khoái cảm sâu sắc và cảm giác lo âu nặng nề đang đến (Tiểu thuyết, nghệ thuật khám phá cuộc sống, 1997). Trong một tham luận hội thảo quốc tế, Ma Văn Kháng đã nhấn mạnh một đặc điểm về đổi mới văn học: “Phản ánh sự thật toàn vẹn về đời sống hiện thực và con người Việt Nam. Với tinh thần: trong đau khổ có tư tưởng (Dostoievsky), và chỉ có thẩm mỹ cao mới nhìn thấy cái đẹp trong nỗi buồn, nó không né tránh những văn cảnh bi đát” (Thuận theo người mà không bỏ mình!, 1992).
Những tác phẩm xuất hiện sau 1975 thường có khuynh hướng nhận thức lại như về chiến tranh, về vinh quang và sự trả giá, về thắng lợi và sự hy sinh,... có lúc đã phải hứng chịu những luồng ý kiến trái chiều – khen, chê. Phải chăng, đó là bởi quan điểm và trình độ thẩm mỹ khác nhau thời bấy giờ?
Không hẳn chỉ có tác phẩm được giải thưởng như Thân phận tình yêu (trước là Nỗi buồn chiến tranh) của Bảo Ninh, mà cả những Bến không chồng của Dương Hướng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Thời xa vắng của Lê Lựu,... Tất cả đều là những tác phẩm đã chạm tới nỗi đau thầm kín của con người. Khác với cái bi tráng, đây là bi thương, bi ai, là màu sắc khác của cái bi trong mỹ cảm của người viết.
Vấn đề chỉ là như ý tưởng của Dostoievsky, nêu tư tưởng gì trong đau khổ, tác phẩm làm con người ngẩng đầu hay cúi mặt.
Thành quả văn học nghệ thuật mang tính chất “hữu xạ tự nhiên hương”. Hương toả ra tự nhiên, người hưởng thụ, tiếp nhận tuỳ mỹ cảm cá nhân cũng tự nhiên, tự giác một cách tinh tế. Trong đời sống văn hoá, văn nghệ thế giới, sự ảnh hưởng lẫn nhau, ở những mức độ nào đó, là một sự tất yếu. Lỗ Tấn vào Việt Nam, W. Shakespeare vào Việt Nam, hay L. Tolstoi, F. M. Dostoievsky vào Việt Nam đều theo cách thức như vậy. Điều chủ yếu là những ảnh hưởng ấy được tiếp nhận như thế nào.
Trong truyện Nam Cao có thấp thoáng dạng đề tài, trong khi văn xuôi Nguyễn Khải lại có âm vang của giọng đối thoại khi nói tới sự tiếp nhận Dostoievsky. Chu Văn viết Bão biển và Nguyễn Khải viết Cha và con, và...cùng nói về Thiên Chúa giáo nhưng đã khác nhiều tư tưởng tôn giái của Dostoevsky
Trần Dần từng dịch Dostoievsky (di cảo) và sử dụng một số thủ pháp của văn hào trong sáng tác tiểu thuyết Những ngã tư và những cột đèn (Hội Nhà văn,2011). Như không gian vi mô vô cùng nhỏ hẹp (hai bên cửa sổ, hai bên bức tường là những cảnh tượng ,diễn biến đối nghịch), không – thời gian bất định ( “loáng nhoáng”, “bàng hoàng”…thể hiện cái bất an của tình thế, bất ổn của tinh thần nhân vật; hoặc như môtíp con người chấn thương ( nhân vật chính Dưỡng).
Nhà văn trẻ Lại Văn Long gây sốc dư luận với truyện ngắn Kẻ sát nhân lương thiện năm 1990. Nhân vật nổ súng hạ gục cả gia đình Lâm Quang Sang có nét hao hao giống môtíp của Tội ác và trừng phạt. Anh ta giết người để tiêu diệt một câu ca như đúng đề triết lý nhân sinh: “Con vua thì lại làm vua/ Con lão sãi chùa lại quét lá đa”. Như vậy, chẳng khác nào chàng sinh viên nghèo với lý tưởng siêu nhân, tuyên bố gây án mạng với mụ cầm đồ để giết chết một nguyên tắc – nguyên tắc bất công độc ác! ( “không phải là tôi hành thich một mạng người, mà chinh là tôi đã tiêu diệt một cái nguyên tắc” . Nguyễn Tuân , Sách đã dẫn trên,trang 386)
Nguyễn Minh Châu – ngọn cờ anh minh của đổi mới văn học có tham vọng đi “tìm con người trong con người” như người tri kỷ vong niên ở trời Nga xa xôi một thuở. Đặc biệt, là sự phát hiện bóng tối và ánh sáng trong tâm hồn con người sám hối, tự thú.
Xây dựng tiểu thuyết đa thanh với nhiều giọng điệu, nhiều tư tưởng, nhiều dòng ý thức... là một xu hướng khá nổi bật của văn học Việt Nam thời hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, là có sự tiếp nhận của lớp người viết trẻ vừa tự phát, vừa tự giác về những yếu tố hiện đại của những bậc thầy nghệ thuật tiểu thuyết thế kỷ XX, trong đó có Dostoievsky.
Ngồi của Nguyễn Bình Phương là một minh chứng về nhiều phương diện kỹ thuật, kết cấu, xây dựng nhân vật và phương tiện biểu hiện. Môtíp nhân vật tha hoá đầy dục vọng; hiện thực huyền ảo với không gian kỳ bí và con người hư ảo, những cơn “mê sảng”, những “giấc mơ” đan xen được thể hiện sinh động trên trang viết.

Sau khi Dostoievsky mất, hàng loạt danh nhân trên thế giới, nhất là ở Nga và châu Âu như đột nhiên phát hiện ra rất nhiều tiềm năng đặc sắc của bậc văn hào đầy cá tính sáng tạo.
Làn sóng hâm mộ nhanh chóng tràn sang phương Đông vào thế kỷ XX. Hàng trăm, hàng nghìn công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp và nhân cách của Dostoievsky nhanh chóng được công bố. Một trong các phát hiện tổng thể là sự xác nhận hiệu ứng tiếp nhận đa dạng về Dostoievsky trên các phương diện tư tưởng, triết học, thần học, đạo đức học, tâm lý học, chính trị học, luật học,...
Đại văn hào Marxim Gorki cũng từng nhận xét: “Dostoievsky vẫn là “nhà văn thiên tài, biết phân tích những bệnh trạng của xã hội thời ấy”, và “là một thiên tài không thể phủ nhận được, với sức biểu hiện như vậy, chỉ có Shakespeare mới có thể đặt ngang hàng được”.
F.Mikhailovitch Dostoievsky đến Việt Nam hơi muộn so với André Gide, Lev. Tolstoi,... do nhiều biến động và trở lực, chủ yếu là do ý thức hệ và quan điểm thẩm mỹ một thời.
Tuy chậm nhưng mà chắc. Đại văn hào đã gặp một mảnh đất có thổ nhưỡng thích hợp để gieo trồng những mầm mống tư tưởng nghệ thuật tiến bộ có tính thời sự và thời đại.
Các công trình dịch thuật, chuyển ngữ và nghiên cứu về Dostoievsky vẫn đang được thực hiện đến tận 2 thập niên cuối của thế kỷ XX.
Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2010, Thủ tướng Nga – Dimitry Medvedev đã trao tặng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bộ Tuyển tập Dostoievsky – tuyển tập xuất sắc nhất từ trước tới nay. Tới năm 2021, Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Nga và Việt Nga sẽ hoàn thành bộ Tuyển tập 10 quyển vào dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh đại văn hào.
Giới văn hoá, trí thức chân chính mẫn cảm, cầu tiến và thân thiện đã và sẽ gìn giữ và phát huy mãi di sản và ảnh hưởng tích cực của thiên tài Dostoievsky./.

ĐOÀN TRỌNG HUY

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] M. Bakhtrin (1998), Những vấn đề thi pháp Dostoievsky, Trần Đình Sử – Lại Nguyên Ân – Vương Trí Nhàn dịch, Giáo dục (1).
[2] M. Bakhitin (2013), Lý luận về thi pháp tiểu thuyết, Phạm Vĩnh Cư tuyển, dịch và giới thiệu, Hội Nhà văn (2).
[3] Phạm Vĩnh Cư (2001), Dostoievsky, sự nghiệp và di sản, Văn học nghệ thuật, số tháng 6
[4] Nhiều tác giả (1998), Lịch sử văn học Nga, Giáo dục.
[5] Phạm Thị Phương (2010), Ảnh hưởng của Dostoievsky ở Việt Nam trước 1945, Nghiên cứu văn học, số tháng 4.

Các Bài viết khác