NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SƠN TÙNG-NGƯỜI XÂY ĐÀI SEN HỒ CHÍ MINH BẰNG VĂN XUÔI

( 01-07-2014 - 06:44 AM ) - Lượt xem: 1880

Cho tới nay, Sơn Tùng là nhà văn viết nhiều và thành công nhất về nhân vật huyền thoại Hồ Chí Minh. Cụm sáng tác của ông, mà nổi bật là Búp sen xanh và Bông sen vàng – hai tiểu thuyết lịch sử về Nguyễn Sinh Côn – Nguyễn Tất Thành – có thể được coi như tạo nên một Đài sen văn xuôi, góp phần tôn vinh Sen của Loài Người (Chế Lan viên). Thành tựu này chính là sự khẳng định một khuynh hướng sáng tác có triển vọng như một cái nhìn nghệ thuật mới.

I/ HÀNH TRÌNH MIỆT MÀI, DŨNG CẢM VIẾT VỀ HỒ CHÍ MINH

Cho tới nay, Sơn Tùng đã có một quá trình hơn 50 năm kiếm tìm tư liệu và đầu tư công sức để viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Gần đây nhất, có bài Bậc vĩ nhân thế kỷ hai mươi (Văn nghệ 35+36 – 1/9/2013 )Sơn Định ghi  lời kẻ Sơn Tùng.

Có thể nói đó là sự hội tụ và phát huy của ba yếu tố đặc sắc: một tấm lòng say mê vô hạn, một  trí mệnh lớn lao và một nghị lực phi thường.

Sơn Tùng xuất thân là con một nhà nho nghèo trọng chữ nghĩa, quê Nghệ An. Nhà văn có họ hàng xa với Bác Hồ. Đó là một điểm xuất phát có phần thuận lợi. Từ năm 16 tuổi (1944), Sơn Tùng đã tham gia cách mạng. Trưởng thành từ công tác Đoàn Thanh niên, rồi hoạt động tuyên truyền, là phóng viên báo Nông nghiệp (1961) và sauđó là báo Tiền phong. Nhà văn làm đặc phái viên tại vùng chiến sự ác liệt – Quân khu IV rồi đi B vào chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1967, Sơn Tùng thành lập và phụ trách Thanh niên giải phóng. Năm 1971, bị thương nặng, được chuyển ra Bắc, Sơn Tùng trở thành thương binh hạng nặng nhất: ¼.

Sơn Tùng vào đời với đấy đủ tư cách con người chiến đấu: nhà văn – chiến sĩ và sau đó là nhà văn – thương binh, tiếp tục cầm bút như cầm súng. Điều đặc biệt là, nhà văn ấy chỉ có một tâm niệm là viết về một đề tài hứng thú nhất là danh nhân văn hóa – lịch sử mà Bác Hồ là Thần tượng số 1.

Hướng tìm tòi bắt đầu là từ gốc gác, từ những gì cơ bản nhất.

Đó là tìm hiểu về tuổi ấu thơ, tuổi vị thành niên của Bác Hồ từ chiếc nôi quê hương và những nẻo đường xa xưa của Người. Tất nhiên, đây là điều hết sức khó khăn.Biết vậy,Sơn Tùng đã có những bước khởi động  từ 1948 khi công tác Tỉnh Đoàn

Với lòng kính yêu và khâm phục một vị lãnh tụ thiên tài, nhà văn muốn tìm hiểu sự nảy sinh và hình thành nhân cách lớn lao từ buổi sơ khai của một con người. Tất cả những hiện tượng thần đồng đều có  những dấu hiệu rõ nét từ  thuở bé. Đó cũng là quan điểm của Mác về nhìn con người từ cái “căn bản”: “Căn bản” có nghĩa là xem xét sự vật từ gốc rễ. Mà gốc rễ, đối với con người, lại chính là bản thân con người” (1). Những tư liệu thu thập được từ Nghệ An là rất đàng quý, nhưng đây là sự góp nhặt, tích lũy lâu dài và cần được sắp xếp, hệ thống hóa. Đi vào chiến trường miền Nam cũng là một thuận lợi để Sơn Tùng tiếp tục tìm tòi và phát hiện. Nhà văn đã gặp được bà Nguyễn Thị Thanh, ông Nguyễn Sinh Khiêm và các nhân chứng ở địa phương. Sau đó, ông cũng đã gặp gỡ nhiều nhân chứng và tư liệu khác ở những nơi có liên quan: Cao Bằng, Thái Nguyên, Phan Thiết ... Đặc biệt, từ năm 1975, mặc dù đã mất 81% sức khỏe, đi lại rất khó khăn, Sơn Tùng vẫn làm cuộc hành trình xuyên Việt vào tận Sái Gòn. Nhờ thế, nhà văn đã có trong tay nhiều tài liệu quý giá, thậm chí rất “độc” như gia phả, tử vi của anh em trong gia đình Bác Hồ , trong đó có Nguyễn Sinh Côn, lại có cả những tài liệu mật của Sở Mật thám Trung Kỳ và Công sứ Phan Thiết.

Sơn Tùng vừa tìm kiếm tài liệu, vừa viết. Tính từ năm 1974, ông đã cho ra đời hàng chục tác phẩm về Bác Hồ. Sau đó, nhà văn lại viết, lại tìm. Ông viết với cảm xúc, suy tư ghê gớm, thậm chí như một sự mách bảo của tâm linh. Ông viết trong dự cảm, dự đoán, bằng một niềm tin thiêng liêng sâu thẳm.

Trong số truyện, ký, tiểu thuyết đáng lưu ý, có thể kể: Nhớ nguồn (1975), Búp sen xanh (1980), Bông sen vàng (1990), Trái tim quả đất (2000), Bác về (2000), Sáng ánh tâm đăng Hồ Chí Minh (2005), Hoa râm bụt (2005), Bác Hồ cầu hiền tài (2006), Cuộc gặp gỡ định mệnh (2008), Bác ở nơi đây (2008), Từ làng Sen (2008),... Riêng Búp sen xanh được tái bản, nối bản hàng chục lần. Sáng tác của Sơn Tùng có sức gợi mở lớn. Tác phẩm của ông có một số được chuyển thể và biến thể thành thơ, truyện thơ, truyện tranh, kịch bản sân khấu và điện ảnh...

Sơn Tùng đã viết miệt mài với bao vất vả, cực nhọc. Nửa người ông gần như bị liệt. Chỉ còn một bàn tay với ba ngón, ông vẫn viết. Nhà văn vẫn còn mấy mảnh đạn găm trong đầu nên thường lên cơn co giật bất thường. Khi viết, ông thường phải nhờ vợ buộc người vào ghế để tránh bị ngã lúc lên cơn.

Ông viết từ trẻ, đến nay đã vào tuổi bát tuần, nhưng vẫn không rời  trang giấy. Đó là người từ lâu đã cầm bút như một người anh hùng (Nhà văn vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới vào tháng 7/2011).

II/ THỂ HIỆN XUẤT SẮC VỀ SỰ HÌNH THÀNH CON NGƯỜI CON ĐƯỜNG

Hai cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh Bông sen vàng là thành tựu nổi bật xuất sắc có ý nghĩa tiêu biểu cho tài nghệ văn xuôi Sơn Tùng trước những thử thách lớn lao về đề tài nhân vật lịch sử.

Cả hai đều nằm trong một ý tưởng nghệ thuật thống nhất, có mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Búp sen xanh gồm ba giai đoạn: Thời thơ ấu (Chương I) – 12 phần, Thời niên thiếu (Chương II) – 11 phần, Tuổi hai mươi (Chương III) – 7 phần. Như vậy, ông đã khái quát quãng đời từ sơ sinh, ấu thơ đến trưởng thành và ra đi tìm đường cứu nước. Bông sen vàng có quy mô bề thế hơn, như một trích đoạn minh chứng, tập trung vào tuổi vị thành niên của Nguyễn Sinh Côn thời học ở Huế với những biến động gia đình trong hoàn cảnh lúc bấy giờ ở đất Thần kinh.

Chủ đề nổi bật là quá trình hình thành tính cách, cũng là những nhân tố quan trọng nhất của một nhân cách lớn lao đầy hứa hẹn.

Trước hết, đó là những đức tính tốt đẹp ban đầu của một thiếu niên được nảy nở và hình thành qua quá trình giáo dục của gia đình có truyền thống thi thư văn hoá của quê hương.

Được tiếp thu một nền gia giáo, gia phong tốt đẹp, cậu bé Nguyễn Sinh Côn ngay từ nhỏ đã tỏ ra có thiên tư xuất sắc hơn người. Cậu rất ham học, luôn mạnh dạn tìm hiểu các vần đề từ tự nhiên đến xã hội nên trí tuệ phát triển vượt lứa tuổi. Đó là sự thấm nhuần sâu sắc về đạo học và đạo lý làm người có tính chất tiến bộ của người xưa: sự thông hiểu về ái quốc, ái quần, thân dân... Từ bé, cậu đã tỏ ra hiếu đễ, lễ độ với bề trên, thân ái với bạn bè và thân thiện với xóm làng. Đáng quý nhất là thái độ tự trọng, biết nhận lỗi và sửa chữa sai sót, ngay cả những lỗi nhỏ nhất, hồn nhiên như  nghịch ngợm của tuổi thơ. Đặc biệt, cậu bé đã tỏ rõ lòng yêu thương người nghèo khổ trong xã hội.

Những năm học ở trường Quốc học, một nhân cách lớn đã ngày càng bộc lộ rõ rệt. Bước đầu là những suy nghĩ về lịch sử và vận mệnh đất nước, từ đó đã nảy sinh chí hướng vượt thoát và ra đi tìm đường cứu nước. Được sự đồng tình và khuyến khích của các bậc bề trên – chí sĩ và quan trường yêu nước như Đặng Thái Thân, Phan Bội Châu, Đào Tấn, nhất là của người cha – ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã khẳng định chí hướng tìm đường cứu nước và định hướng rõ rệt về con đường sang phương Tây.

Vào tuổi hai mươi – tuổi trưởng thành – Nguyễn Tất Thành bắt đầu mưu sinh bằng nghề dạy học mà chủ yếu là dạy các em lòng yêu nước. Không bao lâu sau đó, thầy giáo trẻ phải từ biệt các em để hướng tới chân trời mới: “Hồn nước đang gọi chúng ta lên phía trước” (Thư gửi học sinh trường Dục Thanh).

Anh Ba bắt đầu một cuộc dấn thân vào lao động, hòa nhập với xóm thợ bến Nhà Rồng. Từ lòng yêu thương con người chung chung, trong người thanh niên trẻ đã bắt đầu nhóm lên tình giai cấp. Anh mở lớp dạy học cho bạn thợ thuyền, phu phen trong xóm để khai sáng đầu óc cho họ: “Chữ anh Ba. Chữ anh Ba thắp sáng lên trái tim những người thợ!”.

Cuộc lên đường ngày 5/6/1911 ở bến Nhà Rồng như một định mệnh của người thủy thủ Văn Ba – nhà cách mạng trẻ tuổi tương lai. Đó là một tất yếu có tính lịch sử của con người có nhân cách hoàn thiện.

Con người chân chính đã được xác định bước đầu thành thân. Con đường đúng hướng đã được xác định: đường đời cách mạng.

Từ kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành đã lập chí lập thân: Khởi đầu từ học vấn nho học và gia giáo mẫu mực tích cực, tiếp theo là từ chữ nghĩa của trường học mới mà bản thân nó chứa đựng một nghịch lý giữa mục tiêu đào tạo và văn hóa truyền thụ.

Tiếp thu được giá trị truyền thống gia đình, gia tộc, quê hương và tinh hoa văn hóa dân tộc, tiếp nhận có chọn lọc văn hóa tiến bộ Âu Tây từ nhà trường thời ấy, Nguyễn Tất Thành đã tự mở hướng khai sáng, đi tìm chân lý văn hóa, văn minh đích thực với lý tưởng cách mạng chân chính để cứu nước.

Tác phẩm khép lại như kết thúc một sứ mệnh của người viết với mục tiêu xác định. Qua câu chuyện tuổi ấu thơ và tuổi vị thành niên, Sơn Tùng đã thể hiện được giai đoạn hết sức quan trọng để hình thành nhân cách với các yếu tố cốt lõi hun đúc nên một con người cho tương lai huy hoàng.

Cậu bé Côn may mắn được sinh ra trong một tổ “đại bàng”: “Côn... ấy là tích loài cá hóa chim bằng” (Búp sen xanh – trang 9).

Ông bố là bậc khoa bảng – một trí thức đầu xứ. Là người cha thân yêu, cũng là người thầy khai tâm, dưỡng trí đầy tài năng, đức độ. Ông giáo dục con bằng tình cảm và trí tuệ một cách nghiêm cẩn, truyền thụ những bài học đạo đức thấm thía. Rất tâm đắc với đạo làm người phải có liêm sỉ quốc sỉ, ông dạy các con biết yêu thương và tôn trọng con người, yêu đồng bào, yêu nước qua những lời giảng về đạo lý, về lịch sử. Là chân nho mà không phải là hủ nho, ông Phó bảng thức thời đã cho các con học “chữ mới” (quốc ngữ) với ý nghĩa trang bị thêm một vũ khí văn hóa mới cho sự nghiệp tương lai “có chí vẫy vùng bốn bể” như mong ước của gia đình.

Bà mẹ cũng là một phụ nữ có gia giáo, hiền thục và tần tảo. Bà biết dạy con từ việc nhỏ nhất, từ điều bình thường nhất: “nhịn miệng thết khách”, “có miếng ăn chia cho đều, có cái tình thì thương cho khắp... Của ăn thì hết, của cho thì còn. Con nhớ kỹ cái điều ấy...” (Bông sen vàng, trang 137). Đúng như lời tôn vinh của bề trên, bà là một bậc “hiền thê, minh đức”,là hiện hữu tiêu biểu cho những bà mẹ cao cả”.

Chính cách đối xử của gia đình với những người hàng xóm thân thuộc xung quanh (chú phó mộc, người làng chài, ...) đã gieo vào đầu óc trẻ thơ hồn nhiên tinh thần bình đẳng và bác ái.

Truyền thống văn hóa, lịch sử quê hương cũng là một khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của Người vào tuổi thơ. Làng Chùa, làng Sen và rộng ra là cả đất Hồng Lĩnh là một vùng quê lao động cần cù, hiếu học, chuộng đạo lý và giàu nhân nghĩa. Ngay cả một bác xẩm cũng biết bài ca yêu nước. Đất ấy đã nuôi dưỡng những nhà yêu nước kiên cường – những tấm gương sáng để đời: các chí sĩ Cần Vương, những nhà Duy tân một thời.

Tác giả tiểu thuyết đã ý thức rất rõ về cái gốc của đời người: “Thấy cây và thấy cả rừng, thấy quả và thấy cả nhân, thấy sự vĩ đại nhưng cũng thấy cả những nét bình thường, đời thường gần gũi” (2).

III/ TÀI NĂNG NGHỆ THUẬT ĐẶC SẮC

Hai cuốn tiểu thuyết Búp sen xanh Bông sen vàng viết về tiểu sử Hồ Chí Minh từ thời niên thiếu cho đến tuổi thanh niên. Đây là loại truyện viết về nhân vật đặc biệt là danh nhân văn hóa và lãnh tụ cách mạng.

Nhà văn đã chọn được một cách viết phù hợp với đối tượng thẩm mỹ, là cách viết đúng nhất, hay nhất theo cái tạng viết của người cầm bút.

Trước hết, đó là nghệ thuật tạo dựng hoàn cảnh, mội trường sinh sống, cũng là hiện thực thẩm mỹ của truyện.

Đó là sự đặc tả một cách khái quát về hai vùng quê xứ Nghệ và xứ Huế: từ cái nhìn toàn cảnh các ngọn núi của dãy Giăng Màn, Thiên Nhẫn,... đến cận cảnh hai bờ sông Lam thật đẹp. Quê hương hiện lên từ thuở xa xưa: về gốc tích, làng Sen hồi còn là trang trại gọi là Trại Sen với những đầm sen bát ngát: Đồng Sen, Cồn Sen, Đầm Sen, Giếng Sen,...: “Do có nhiều Sen, cảnh trí trong làng, ngoài đồng lại rất đẹp nên Trại Sen đổi tên thành làng Mỹ Liên. Về sau, các cụ lại đổi thành Kim Liên: “Nhất vui là cảnh Kim Liên/ Cảnh tiên có cảnh, người tiên có người” (Búp sen xanh, trang 21). Ấy là đất lập nghiệp của dòng họ Nguyễn Sinh. Dải sông Lam, núi Hồng, quê hương của hát ví, hát dặm cũng là đất thi thư, khoa bảng.

Quê hương thứ hai của Côn, chính là đất Thần kinh Huế. Khu Đại nội đẹp như một thực tại vàng son đang tàn lụi. Dưới con mắt của một cậu thiếu niên, năm con chim phượng đỏ, uyên vàng, hộc trắng, loan xanh, nhạn thốc tía “như đang rũ cánh sắc phai màu nhạt trên Vương thành quốc điệu!” (Bông sen vàng – trang 307). Tiếp đó là cảnh sông Hương, núi Ngự nên thơ với điệu hò xứ Huế mênh mang: “...Lờ đờ bóng ngả trăng chênh/ Tiếng hò xa vọng nặng tình nước non...”.

Các vùng quê sinh sống, học hành đậm đà văn hóa ấy chính là cái nôi tuyệt vời  cho  trí tuệ, tâm hồn, cho tuổi ấu thơ và tuổi trẻ.

Nghệ thuật xây dựng tình huống truyện của Sơn Tùng tập trung vào hai hướng: một là tình huống tiềm ẩn kịch tính, hai là tình huống căng thẳng cao độ bộc phát.

Phông nền của truyện là những biến cố vui buồn trong gia đình vào thời niên thiếu đến tuổi thành niên, xen kẽ là những sự kiện lịch sử chủ yếu nơi đất đế đô của vương triều Nguyễn. Hoàn cảnh xã hội rõ nhất được biểu thị thông qua tình trạng khốn khổ của dân quê – qua sự kiện biểu tình chống thuế ở Huế và cảnh nghèo túng, khổ cực của phu phen, thợ thuyền bến cảng Sài Gòn.

Trong số đó, có những tình cảnh nung nấu tâm can – như ông cử sắc hai lần rớt thi Hội, lại có những sự phẫn nộ ngấm ngầm với nỗi niềm đau đáu trong một tâm trạng lớn về nỗi nhục mất nước và thân phận nô lệ, cùng dằn vặt và lao tâm khổ tứ về trách nhiệm cứu nước giúp dân của hai cha con Nguyễn Sinh Huy và Nguyễn Tất Thành. Riêng quan Phó bảng còn chất chứa nỗi niềm: “Sớm muộn rồi cha cũng sẽ là nạn nhân chứ không thể là kẻ sát nhân trên cái ghế quan trường này!...”.(Búp sen xanh-trang 197,269)

Tình huống kéo dài căng thẳng dẫn đến bùng phát. Anh Ba vào Nam tìm đường cứu nước. Quan Phó bảng rời chốn quan trường, chuyển sang làm lương y và đi xa vào  phía Nam.

Xuất hiện sự kiện vua Thành Thái bị bắt đưa đi đày biệt xứ. Ông vua yêu nước bị lật đổ cự tuyệt viết vào bản cam kết đầu hàng, ung dung tựu nghĩa. Đức vua chấp nhận ra đi, chấp nhận bị đày ải biệt xứ trước sự tiễn biệt của thần dân.

Về gia cảnh của Nguyễn Tất Thành, tập trung căng thẳng nhất là những tình huống quẫn bách, bi thảm. Ngày giáp Tết, ông cử Sắc còn phải đi coi thi xa. Ở nhà, vợ ốm nặng chỉ có mỗi cậu con trai nhỏ và đứa bé sơ sinh khát sữa. Bà Loan hấp hối rồi qua đời. Những người xóm giềng giúp làm tang ma chôn cất. Nguyễn Sinh Côn đêm đêm ôm em một mình ngồi khóc bên bàn thờ mẹ... Ông cử về, chết lặng trước nhà. Người cha ôm lấy đứa con bé bỏng tội nghiệp, hai vai phải gách vác một gia đình sụp đổ khi cha vắng nhà. Nỗi đau mới lại ập đến khi bé Nhuận chết. Mấy cha con phải tự tay đóng hòm đưa đứa hài nhi xấu số nằm bên mộ mẹ. Một tiếng nói vang lên giữa nghĩa địa mênh mông hoang vắng: “Gia... bần... vô... hiền... thê… quốc... loạn... vô... lương... tướng (Nhà nghèo không có người vợ giỏi giang đức hạnh, nước loạn không có vị tướng tài ba thao lược) (Bông sen vàng – trang 374).

Tiếng nói về nỗi đau nhà, đau nước hòa quyện của một con người đau khổ, tan nát ruột gan như khép lại tác phẩm, cũng là đóng trọn một nỗi đời trong tiếng sấm ran trời.

Người thuật truyện có lối dẫn dắt tự nhiên, khéo léo các sự kiện, tình huống, đan xen giữa tình cảnh riêng chung và cá nhân, gia đình, xã hội. Đặc biệt là lời kể chuyện hồn nhiên trong sinh hoạt, vui chơi và học tập, phù hợp với tuổi thơ. Tác giả cũng khéo đan lồng câu chuyện về đại sự quốc gia trong cuộc nói chuyện giữa các bậc cha chú với gia đình thông qua sự chứng kiến và tham gia của cậu thiếu niên Nguyễn Sinh Côn trong buổi hầu nước với Phan Bội Châu và buổi “tọa vị thụ tâm” của bộ ba Nguyễn Sinh Sắc, Đào Tấn, Lê Văn,...

Thế giới nhân vật trong truyện không đông đảo nhưng lại mang tính đại diện cao.

Nổi bật ở đây là thế giới tuổi thơ của anh em Nguyễn Sinh Côn, Nguyễn Sinh Khiêm và bạn bè đồng trang  lứa ở Huế, con nhà quyền quý cũng như bình dân: Công Tôn Nữ Huệ Minh, Lê Thị Hạnh, Hồ Quang, Diệp Văn Kỳ, Tôn Thất Tuấn, Xển Văn, Đầu Trái Bưởi và nhóm bạn đại lộ Đông Ba. Có những người gần cậu đầy uy danh. Đó là giới sĩ phu – thế giới các bậc cha chú như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Lê Văn – những đại trí thức, chí sĩ ưu thời,mẫn thế, yêu nước thương dân, có khí phách và tiết tháo. Đối chứng với họ là thế giới vua quan triều đình: có đức vua chính trực, yêu nước, có loại vua “tự khai tử trên ngôi thiên tử”. Qua đó, nhà văn Sơn Tùng đã tạo nên sự đối chọi nhân cách: túc nho, cao thượng đáng tôn kính – như quan Thượng thư Đào Tấn, đương kim Tổng đốc; hay hèn kém, vô sỉ đáng khinh như Quận công Hoàng Cao Khải cùng bè lũ Lê Hoan, Nguyễn Thân... phản dân, hại nước và bọn quần thần “cam bề thần phục người Tây”. Xóm thợ gần bến cảng Nhà Rồng là thế giới thợ thuyền thu nhỏ, chỉ được phác thảo qua, nhưng đó là nơi  dấn thân vào con đường vô sản hóa của Nguyễn Tất Thành.

Tác giả đã thể hiện một phong cách nghệ thuật văn xuôi độc đáo.

Trước hết, cá tính sáng tạo của nhà văn rất phù hợp với yêu cầu thể loại đặt ra ở đây là chân thực lịch sử.

Văn ở đây chính là sử - lịch sử được văn chương hóa. Sự thật cuộc đời kết hợp với sự thật lòng người, lòng chân thành hiếm có của người viết. Chính vì vậy mà tác phẩm rất giàu tính hiện thực. Điều quan trọng nhất mà tác giả đem lại ở đây là chân dung về vị lãnh tụ như một con người xứng đáng là Con người. Con Người được viết hoa là con người hội tụ những phẩm chất tốt đẹp nhất như vốn có, là con người vĩ đại mà bình thường hay chính là con người bình thường mà vĩ đại. TrongNgười chứa đựng cái bình thường mà phi thường. Ở tuổi vị thành niên, cậu học sinh non trẻ đã bàn chuyện “quốc gia đại sự”, chú cháu còn hẹn nhau: “Cứu nước! Cứu nước! Cứu nước!” (với chú Đặng Thái Thân) (Búp sen xanh – trang 160). Vào tuổi hai mươi, trong buổi cha con tiễn biệt nhau, chỉ có lời hứa hẹn đi xa của Nguyễn Tất Thành và lời dặn dỏ của ông Phó bảng: “Từ nay con đi... Đi vào tương lai”. Đó là cảnh vô cùng xúc động với nỗi đau “tử biệt không bằng sinh ly” của hai trái tim lớn vì nước, vì dân (Búp sen xanh – trang 268, 271).

Chất trữ tình thực ra đã hòa quyện vào hiện thực, đan xen với hư cấu, như phút chia ly đẫm nước mắt: “Anh Ba lau nước mắt, đỡ lấy tay cha. Anh thốt lên: - Cha! Ông Phó bảng ngăn lại: - Đừng! Con đừng gọi cha lúc này! Con phải gọi Tổ quốc! Đồng bào! Đi...đi con!.. Những ngọn trúc quân tử ngoài vườn xanh gục đầu vào cửa sổ chiêm ngưỡng hai trái tim thương nước, thương dân” (Búp sen xanh – trang 271).

Tả cảnh ngụ tình, tức cảnh sinh tình được Sơn Tùng sử dụng rất nhiều trên những trang văn.

Nổi bật trong truyện còn là nét giản dị, trong sáng. Từ trong kết cấu – kết cấu tuyến tính về thời gian, cốt truyện – cốt truyện biên niên bình dị, đời thường, có tính truyền thống đến văn phong – ngắn gọn, mạch lạc, hàm súc. Truyện còn hàm chứa màu sắc vừa cổ kính lại vừa dân gian, nhất là qua việc miêu tả lễ hội, phong tục tập quán đậm chất văn hóa vùng xứ Nghệ hay đất Thần kinh Huế.

Sơn Tùng đã làm nên hình tượng sống động là nhờ vào nhiều chi tiết nghệ thuật giản dị, đời thường nhưng lại ẩn chứa hàm nghĩa sâu sắc. Cậu bé Côn hái hoa nhài cài lên tóc mẹ, rồi ngẫm nghĩ về “tục hái hoa” và nhận xét rằng nó cũng có cái hay và cả cái dở. Khi được hầu rượu với các bậc bề trên đang bàn về việc áp đặt tên Tây vào một cây cầu, con phố, bị kích động Côn đã phản ứng: “... đứng phắt dậy! Tay nắm. Ánh đèn lấp lánh trong ánh mắt nảy lửa, gương mặt thơ ngây đã biến sắc, giọng đanh:...”. Đó là một cử chỉ hồn nhiên, thể hiện tuổi nhỏ “mà có một phong thái, một khí phách lớn” (Bông sen vàng – trang 244) như cảm tưởng của các bậc cha chú – các vị chân nho.

Búp sen xanh Bông sen vàng dựa trên nền lịch sử hào hùng của dân tộc, làm sáng thêm chất anh hùng ca như một nhận xét về nét phong cách Sơn Tùng (3). Tác phẩm đã phấn đấu vươn lên một phong thái sử thi như nguyện vọng chân chính của nhà văn.

***

Với thành tựu sáng tác của mình, Sơn Tùng xứng danh là người có uy tín cao bậc nhất trong sự nghiệp viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đây là kết quả của việc tích lũy vốn sống, tư liệu, tri thức nhiều mặt và công phu viết một đời của nhà văn.

Với hiệu quả nghệ thuật đã được kiểm chứng, Sơn Tùng góp phần mở ra một hướng viết đầy triển vọng về tiểu thuyết lịch sử với đối tượng thẩm mỹ đặc biệt – vị Cha già kính yêu của dân tộc Hồ Chí Minh

 

CHÚ THÍCH

(1)  C.Mác và Ph.Ăngghen – Về văn học nghệ thuật – Sự thật - Hà Nội, 1958.

(2)  Tương Hương – Nhà văn bát tuần kể chuyện Búp sen xanh – vnca.cand.com.vn, 5/6/2009.

(3)  Nguyễn Trường Lịch – Một phong cách viết về Bác Hồ - Tạp chí Diễn đàn văn nghệ, 5/2001.

PGS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác