NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

SƠN NAM- NHỮNG MẨU CHUYỆN VỤN (28/07/2012)

( 07-09-2013 - 06:32 PM ) - Lượt xem: 1489

Khi Nghe Tôi Ngỏ Lời Về Ý Định Đến Thăm Nhà Lưu Niệm Sơn Nam, Một Người Bạn Văn Đã Làm Quà Mấy Câu Chuyện Về Ông....



 
Khi Nghe Tôi Ngỏ Lời Về Ý Định Đến Thăm Nhà Lưu Niệm Sơn Nam, Một Người Bạn Văn Đã Làm Quà Mấy Câu Chuyện Về Ông....
 Khi nghe tôi ngỏ lời về ý định đến thăm nhà lưu niệm Sơn Nam, một người bạn văn đã làm quà mấy câu chuyện về ông.
 Đầu tiên là chuyện Sơn Nam đi dép trái. Nhà văn tự nhận là người thành danh nhờ nghề đi bộ, sống đến hết đời người hơn 80 tuổi, ông chưa từng thử tập đi xe đạp, xe gắn máy… chỉ cuốc bộ. Chị Hằng con gái ông có kể cho chúng tôi nghe rằng hồi trước giải phóng, khi làm báo làm văn tại Sài Gòn những ngày nghỉ về thăm vợ con, bố chị thường dắt chị đi chơi khắp làng trên xóm dưới, nếu con gái mỏi chân thì được cha cõng, còn nếu ông mỏi chân thì thấy cửa nhà nào mở là ông ghé vào, ai mời cơm là ông ở lại ăn ngay, mời ngủ lại là ngủ lại ngay. Chuyến đi chơi có thể kéo dài thậm chí vài ngày. Sơn Nam đã một mình làm nên một cuộc độc hành kì lạ nhất trong văn chương miền Nam, như chính ông chia sẻ nhờ đi bộ mà ông đã thu được vào tầm mắt những gương mặt, con người miền Nam, tiếng nói miền Nam, đời sống phong tục miền Nam… mà những người đi xe lấy tốc độ làm chish đãk hông thấy được. Lấy đi bộ là nghề nên Sơn Nam có riêng bí quyết đi bộ của riêng mình, đó là đi dép trái. Sơn Nam đơn giản đến mức buông thả, quần áo xộc xệch, thoắt trông đã biết là người sợ nước, ngại tắm, đến đôi dép đi ở chân cũng đi trái. Nên phần nhiều nếu không được giới thiệu chẳng ai nghĩ Sơn Nam là nhà văn.
 Sau này chính ông đã hóm hỉnh mà rằng đi dép trái là bí quyết đi bộ được lâu đi được xa mà không đau chân của ông. Vì đi trái, chặt chân hơn, nên bước đi nhanh hơn không sợ rơi, sợ tuột,… Chuyện nhà văn Sơn Nam thích đi hát karaoke cũng là chuyện độc đáo không kém. Sinh thời thì cái thú này của ông già Nam bộ không lạ với bất kì ai quen biết ông. Ông không có biết hát hò gì, đến quán karaoke chỉ để … uống bia và nghe các “em gái tiếp viên” hát cho nghe. Có lẽ từ thuở tạo sinh nghệ sĩ cũng thuộc nòi đa tình nên văn chương từ xưa đầy những lời thương hoa tiếc ngọc các nghệ sĩ dành cho những phận gái đa tình. Bạch Cư Dị khóc kĩ nữ bến Tầm Dương, Nguyễn Du khóc Kiều… nhà văn Sơn Nam dân dã mà rằng: Tại sao lại đi coi thường công việc của các em gái tiếp viên ấy, họ rót cho mình uống, họ hát cho mình nghe, làm mình vui mà lại coi thường họ thì làm sao được (Cái này là thuật theo nguyên văn người kể được đi hầu karaoke với ông).
***
Hai câu chuyện về ông mà tôi nghe lỏm ghi vụng làm tăng thêm cái háo hức của chuyến đi về viếng ông nơi nhà lưu niệm Sơn Nam tại Mĩ Tho.
 Trong số gần 20 người trong đoàn của NXB Kim Đồng, Câu lạc bộ Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng và anh em báo chí đi theo, chúng tôi là số ít người chỉ biết Sơn Nam qua Hương rừng Cà Mau và yêu miền Nam từ mùi hương ấy, qua mùi hương ấy.
 Phó Giám đốc NXB Kim Đồng ông Nguyễn Huy Thắng có chia sẻ rằng: Cuốn sách “Sơn Nam- hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” mà đoàn chúng tôi mang đến tặng nhà lưu niệm Sơn Nam hôm nay là cuốn sách đầu tiên trong bộ Nhà văn của em viết về một tác giả sinh ra và dành trọn sự nghiệp viết về mảnh đất miền Nam. Ông bảo: “Sơn Nam là một đặc sản của văn học miền Nam, văn hóa miền Nam, đó là lí do nhà văn được chọn để giới thiệu với các em”.
 Chúng tôi hầu như không quen thân nhau nhưng chuyến xe chung một điểm đến, câu chuyện chung một nhân vật đã xích gần khoảng cách thành bạn. Ra khỏi thành phố, những cánh đồng thay cho những phố nhà, tầm mắt được rộng mở. Hà Nội bây giờ là cuối thu, Sài Gòn cũng nhang nhác một bầu thời tiết lúc thu vừa chớm nhưng mùi nắng tươi hơn, bầu trời thóang đãng hơn, gió lồng lộng. Lúa đang thì, trên thảm xanh mướt mát là những chấm cò trắng. Hình ảnh tưởng đã mãi xa rồi lầm lụi trong ca dao, phân vân trong thơ Xuân Diệu hay “cánh cò trắng bay hoài không mỏi” của Chế Lan Viên. Màu trắng cánh cò làm mình bất ngờ nhưng lại hơi nhói lên một chút vì đáng lẽ ra đó là thường tình mà sao lại làm mình bất ngờ. Cánh cò đã hiếm hoi như thế trên những cánh đồng miền Bắc và cũng đã dần thưa vắng trên mảnh đất trù phú miền Nam rồi ư? (!)
 Nhưng cũng chẳng kịp nghĩ lâu hơn, vì những cánh đồng dừa đã trải ra trước mắt. “Đây là dừa nước”, anh bạn miền Nam bảo. Anh nói thế nhắc mình chợt nhớ lại một bài thơ thuở rất xa rồi, cái hồi bé tí tị, nghe lỏm chị gái học thuộc lòng. Bài thơ này sau này mình đi học không thấy có trong sách giáo khoa nữa. Chỉ nhớ những câu này
 
Em bé miền Nam bảo em miền Bắc
Mai này thống nhất bạn vào quê tôi
Có trái xoài tươi, có dừa râm mát…
 Rồi nhớ cái điệp khúc cứ réo mãi “Miền Nam em dừa nhiều, miền nam em dứa ngọt, miền Nam em xoài thơm” trong bài hát. Lại nhớ hồi đọc Chị Sáu, thấy bảo tóc chị dài và dầy thằng Săm chặt không đứt vì được gội bằng nước dừa, đọc chị Út Tịch thấy chuyện tắm nước dừa… cái lũ học trò miền Bắc chưa bao giờ được uống nước dừa kì chán ấy thấy những chuyện đó xiết bao xa xỉ, hoang đường. Khu tập thể ngày ấy có trồng một hàng dừa nhưng chỉ có 1, 2 cây có quả. Dừa vừa cao vừa to. Quả trên cành lại chỉ bé như  cái bát ăn cơm mà quyến rũ lấp lánh trong nắng. Sau có đến mấy vụ tai nạn quanh cây dừa ấy, đứa thì cố leo mà ngã trẹo tay, đứa ném đá không trúng dừa lại rơi nhầm đầu bạn. Thế là cây dừa bị đốn cho đỡ nhức mắt, tứa nước miếng. Mẹ đi chợ về mua mấy lạng cùi dừa khô kho thịt, thương con mua thêm dăm đồng nước dừa vào bịch ni lông rồi cho đến đẫy đường mà vẫn thoang thoảng vị chua. Ôi miền Nam dừa nhiều, dứa ngọt, xoài thơm!
***
 Nhà lưu niệm được dựng trên một quả đồi nhìn xuống dòng sông Bảo Định. Một ngày nắng đẹp, trời xanh như từ trong những trang viết bước ra. Đón chúng tôi là vợ chồng người con gái lớn của nhà văn chị Đào Thúy Hằng và anh Trần Đức Nghị. Nén nháng thơm nhận từ tay người rể thảo của nhà văn khiến mọi người trong đoàn không ai khỏi sự xúc động. Những hình ảnh thân thiết nhất của ông đều được hội tụ về đây cho một không gian Sơn Nam đủ đầy và xúc động. Những bức chân dung, cái máy đánh chữ, những tác phẩm của ông và hôm nay, cuốn sách mỏng mảnh mà NXB vừa ấn hành cũng được trang trọng đặt vào nhà lưu niệm này. Chị Hằng chia sẻ rằng: chị vốn là một cô giáo nên những cuốn sách về nhà văn dành cho học sinh tham khảo như thế này chị thấy rất cần thiết. Còn thuở bình sinh nhà văn Sơn Nam luôn muốn những cuốn sách của mình được xuất bản làm sao thật đơn giản để giá không cao, bà con ai cũng có thể mua về đọc được, chứ in đẹp quá, dầy quá giá mắc quá cũng không thích.
 Ông Nguyễn Huy Thắng nhà thơ Lê Minh Quốc, nhà thơ Đoàn Thạch Biền trang trọng đề vào cuốn sổ lưu niệm.       
 Điều đặc biệt mà anh em trong đoàn đều không thể ngờ tới là mâm cơm đặc sệt Sơn Nam được chị Hằng chuẩn bị. Tôi lân la phụ bếp để gợi chuyện về cái ăn miền Nam mà chủ yếu là của Sơn Nam. Trái chuối hột miền Nam cầm chắc tay mà lại nhẹ hơn trái chuối tiêu Bắc nhưng cách ăn cũng vậy, tước vỏ thái mỏng. Bánh tráng, bún rối, thịt ba chỉ luộc, những rau ghém và đặc biệt là tôm chua kiểu Nam bộ. Chị Hằng bảo: ông Sơn Nam thích nhất món tôm chua này. Tôm là tôm sông, tháng lên theo con nước hai lần, ngoài chợ ê hề, nhưng phải lựa tôm còn tươi mới vớt dưới sông lên rửa sách rồi đổ rượu vô, cho tôm uống (!). Con tôm say rồi mới vớt ra làm rồi lại cho nó uống rượu lần nữa trước khi muối với gừng riềng mắm đường…cuối cùng thì thêm đu đủ thái ghém. Cái con tôm say này nó đưa rượu lắm.
Anh Nghị thấy chúng tôi đều há hốc nghe chuyện chị kể thì góp rằng: “Nhà tôi là con gái Sơn Nam và giống cha nhất là kể chuyện rất hay”. Còn chị Hằng bộc bạch: “Trước khi lấy chồng có biết nấu nướng gì đâu, ông chồng hay nhậu nên làm riết thành quen”. Nhìn anh chị tất bật với khách mà miệng luôn cười như vừa bước xuống từ cái ảnh cưới chụp bên cổng lá dừa trước đây đã ngót 40 chục năm. Ngôi nhà của anh chị lộng gió và ngập nắng một chốn về bình yên ai cũng mơ ước. Và Sơn Nam không vô tình chọn đây là nơi nằm lại.***
 Gió thổi từ sông. Những tàu lá dừa bên con lạch nhỏ sau nhà va vào nhau như tiếng chuông gió lúc hối hả cuống quít, khi trầm trầm vang xa. Biết rằng ngay bây giờ đây nếu giở bất cứ trang văn nào của Sơn Nam, sẽ thấy cái màu nắng ấy, tiếng gió ấy và vị con tôm tươi ròng ròng từ dưới sông lên…
                                                                                                    G.N
Các Bài viết khác