NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

QUÁ TRÌNH DỊCH VÀ XUẤT BẢN TAM QUỐC DIỄN NGHĨA Ở VIỆT NAM

( 14-11-2016 - 09:50 AM ) - Lượt xem: 1532

Quả là hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được đông đảo công chúng văn học Việt Nam yêu thích như Tam quốc chí diễn nghĩa. Những trích đoạn Tuồng lấy chuyện từ Tam Quốc chí diễn nghĩa luôn lôi cuốn khán giả nhiều thế hệ: Đơn đao phó hội , Lã Bố hý Điêu Thuyền, vv

SƯU TẦM TRÊN INTERNET
Ngay từ đầu thế kỷ 20 khi chữ quốc ngữ mới manh nha hình thành và phát triển ở Việt Nam thì Tam quốc chí diễn nghĩa đã ngay lập tức được các nhà nho dịch sang chữ quốc ngữ để người đọc Việt Nam làm quen với một kiệt tác của văn học cổ Trung Quốc.
Có thể coi năm 1902 là cột mốc lần đầu tiên truyện Tam quốc chí diễn nghĩa được dịch và giới thiệu với độc giả Việt Nam. Theo học giả Vương Hồng Sển viết trong tác phẩm Thú chơi sách thì truyện Tam quốc vào Việt Nam là do Lương Khắc Ninh dịch (nhưng lại ký dưới là Chủ nhân Paul Canavaggio) đăng trên báo Nông Cổ Mín Đàm, một trong những tờ báo sớm nhất của báo chí chữ quốc ngữ Việt Nam do Canavaggio sáng lập từ tháng 8 - 1901.
Năm 1907 nhà xuất bản Imprimerie De L'Opinion tại Sài Gòn đã xuất bản Tam quốc chí diễn nghĩa in thành 24 quyển, mỗi quyển 5 hồi; sách không có hình minh họa, ngôn ngữ bình dân Nam bộ.
Năm 1909 Nhà xuất bản Impimerie-Express tại Hà Nội xuất bản mang nhan đề Tam quốc chí diễn nghĩa và phía trên có đề chữ Sách ngoài dịch nôm, người dịch là cụ Phan Kế Bính, có hình vẽ minh họa in thành 5 cuốn, khổ nhỏ. Việc dịch và in bộ Tam quốc này, theo như lời tựa ở đầu sách, chính là nhằm tuyên truyền cho việc học chữ quốc ngữ lúc bấy giờ. Lời Tựa do Nguyễn Văn Vĩnh viết có đoạn như một "tuyên ngôn" rằng: Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở như chữ quốc ngữ ... cái điều hay cho hậu vận nước Tổ-Việt ta ấy là nhờ như chữ quốc ngữ. Chữ đâu hay thế! Mà dễ học thay! Gốc hai mươi ba chữ, năm dấu soay (xoay) vần, mà tiếng nước Nam bao nhiêu cũng viết được đủ. Bản dịch này cuối mỗi hồi thường ghi cả những lời bình của Mao Tôn Cương và lời bình của người dịch.
Tháng 7 năm 1941 ”tiểu thuyết thứ bẩy” in số đầu tiên và liên tục hơn 200 số
Sau đó ở miền Nam cho ra bản dịch của Nguyễn Liên Phong, Nguyễn An Cư và Nguyễn An Khương, trọn bộ 31 cuốn, mỗi cuốn đều có hình minh họa. Không rõ lý do vì sao đến năm 1928 in lại rồi được tái bản nhiều lần sau đó, chỉ đề tên người dịch là một mình ông Nguyễn An Cư. cùng thời đó còn có bản do Tín Đức thư xã ở 37, sau đổi sang 25 đường Sabourain (nay là Tạ Thu Thâu) xuất bản, nhưng chất lượng dịch kém hơn. Ngoài ra ở miền Nam trong thời kỳ đầu thế kỷ 20 còn có bộ Tam quốc chí diễn nghĩa in năm 1930 ở Sài Gòn nó gồm 38 tập mỏng tổng cộng hơn 1500 trang, người dịch là ông Nguyễn Chánh Sắt; do nhà in Nguyễn Văn Viết ở 85-87 đường Ormay xuất bản. Ông Nguyễn Chánh Sắt đã từng dịch khá nhiều truyện Trung Hoa như: Tây Hớn (Hán), Đông Hớn (Hán), Ngũ hổ bình Tây, Càn Long du Giang Nam, Mạnh Lệ Quân, Chinh Tây...
Năm 1966 nhà xuất bản Hương Hoa cho ra bản dịch của Mộng Bình Sơn, in thành một tập duy nhất dày gần 1700 trang tiếc rằng bản dịch này đã bỏ bớt một số đoạn thơ trong nguyên tác, nhưng ở phần cuối sách lại có thêm phần "Ngoại thư" dài khoảng 60 trang, chưa kể những "lời nhận xét của người thời nay" cùng với lời bàn của Mao Tôn Cương trích trong Thánh thán ngoại thư ở cuối mỗi hồi. (Bản dịch này được tái bản nhiều lần)
Năm 1967-1968 Nhà xuất bản Á Châu cho ra bản dịch đáng chú ý khác của Tử Vi Lang chia thành 8 tập, cũng có lời bình và phần ngoại thư ở cuối sách.
Năm 1972 Nhà sách Khai Trí ở 62 Lê Lợi, Sài Gòn cũng xuất bản Tam quốc chí diễn nghĩa theo bản dịch của Phan Kế Bính in năm 1909.
Ở miền Bắc, sau bản in năm 1909 của dịch giả Phan Kế Bính, tròn 40 năm sau, năm 1949 nhà in Phúc Chi ở 95 Hàng Bồ, Hà Nội mới in tiếp Tam quốc chí diễn nghĩa, người dịch là Hồng Việt, bản này trình bày hai cột như trên báo, tổng cộng lên tới hơn 2000 trang.
Phải đến cuối năm 1959 và đầu năm 1960, Nhà nước mới chính thức xuất bản Tam Quốc chí diễn nghĩa tại VN. Việc này được giao cho Nhà xuất bản Phổ Thông : in và phát hành rộng rãi Tam quốc chí diễn nghĩa (chia thành 13 tập), vẫn dựa trên bản dịch năm 1909 của Phan Kế Bính, nhưng được cụ Bùi Kỷ - một nhà Nho uyên bác, hiệu đính khá kỹ bằng cách đem đối chiếu với nguyên bản tiếng Trung Quốc mới nhất vào thời điểm ấy do Nhân dân Văn học xã Bắc Kinh xuất bản năm 1958. Trong số tất cả các bản dịch trước đó thì đây là bản dịch được hiệu đính kỹ lưỡng nên được coi là bản dịch hay nhất từ trước đến nay. Đặc biệt tập 1 có đăng lời nói đầu của bộ biên tập Nhà xuất bản Nhân Dân Văn Học Trung Quốc dài tới 35 trang, phân tích khá kỹ nội dung truyện và lần đầu tiên có in bài từ mở đầu truyện do cụ Bùi Kỷ dịch với những dòng hào sảng, cùng với những tranh minh họa do hai hoạ sĩ Trung Quốc Từ Chính Bình và Từ Hoằng Đạt thể hiện thật sống động như trong một cuốn phim.
Năm 1987, Tam quốc chí diễn nghĩa lại được Nhà xuất bản Đại học và Trung học chuyên nghiệp cho in, chia làm tám tập, dựa vào bản in năm 1959 của nhà xuất bản Phổ Thông, ngoài ra còn có bản đồ và bảng đối chiếu địa danh xưa và nay. Ngay năm sau 1988, Nhà xuất bản Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp lại nối bản và Nhà xuất bản Giáo dục lại cho "in lần thứ hai" vào năm 1996. Kể từ đó, việc xuất bản Tam quốc chí diễn nghĩa được thực hiện một cách rộng rãi và thường xuyên. Đáng chú ý là bộ tập tranh Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa do hai họa sĩ Trung Quốc Từ Chính Bình và Từ Hoằng Đạt vẽ, Nhà xuất bản Mũi Cà Mau đã cho in đủ 7124 tranh, chia thành 30 tập, thật kỳ công và được tái bản năm 2004. Thực ra, bộ truyện tranh "Tam quốc diễn nghĩa liên hoàn họa" do gần ba mươi họa sĩ kỳ công vẽ nên, mỗi tập có từ một đến năm họa sĩ tham gia. Hai họa sĩ Từ Chính Bình và Từ Hoằng Đạt chỉ là người vẽ tập đầu tiên "Kết nghĩa vườn đào" mà thôi. Họa sĩ vẽ nhiều tập nhất là Uông Ngọc Sơn, tham gia vẽ 9 tập.
Đầu năm 2007, Nhà xuất bản Văn Học cho in lại theo bản 13 tập (cả phần tranh) của Nhà xuất bản Phổ Thông (năm 1959) do Phan Kế Bính dịch và Bùi Kỷ hiệu đính, đây là bản dịch được coi là hay nhất từ trước đến nay. Sách được in bìa cứng có hai loại khổ để người đọc lựa chọn (khổ nhỏ 4 tập, khổ lớn 2 tập) còn in kèm 40 trang phụ bản màu với hơn 100 các nhân vật và kèm theo bản đồ màu khổ lớn. Bản in này còn in y nguyên lời giới thiệu của Nhà xuất bản Phổ Thông năm 1959 và Lời nói đầu của bộ biên tập Nhân dân Văn học Xuất bản xã Bắc Kinh tháng 3 năm 1959. Cũng trong lần xuất bản này còn có mục Hành trình truyện Tam Quốc ở Việt Nam của Yên Ba (từ trang 30 đến trang 38) thống kê khá tỷ mỉ về những lần dịch và xuất bản ở Việt Nam.
Như vậy kể từ lần dịch đầu tiên đến nay hơn một thế kỷ, Tam quốc chí diễn nghĩa đã được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam cũng rất đa dạng, nhiều người dịch, in theo nhiều khổ, một tập có, nhiều tập có, in truyện tranh có, hiệu đính kỹ lưỡng có và cũng có những bản dịch bình dân …
Quả là hiếm có một tác phẩm văn học nào lại được đông đảo công chúng văn học Việt Nam yêu thích như Tam quốc chí diễn nghĩa. Những trích đoạn Tuồng lấy chuyện từ Tam Quốc chí diễn nghĩa luôn lôi cuốn khán giả nhiều thế hệ: Đơn đao phó hội , Lã Bố hý Điêu Thuyền, v.v…
Điểm đặc biệt là nhiều sự kiện, nhân vật trong Tam Quốc diễn nghĩa đã xen vào một cách tự nhiên những câu chuyện của cuộc sống thường ngày, trở thành Thành ngữ, tục ngữ:
"Vợ chồng như quần với áo, anh em như thể tay chân" (thê tử như y phục, huynh đệ như thủ túc);
"Nhắc đến Tào Tháo thì Tào Tháo xuất hiện" (thuyết Tào Tháo, Tào Tháo đáo) : để nói khi một người được nhắc đến đột nhiên xuất hiện; "Ba ông thợ thầy bằng một thầy Gia Cát” : ba người kém cỏi biết làm việc tập thể còn hơn một người giỏi giang; "Nóng như Trương Phi"; "Đa nghi như Tào Tháo", "Tào Tháo đuổi", v.v...

Các Bài viết khác