NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHỞ TRONG VĂN CỦA BA ÔNG NHÀ VĂN HỌ NGUYỄN

( 05-11-2014 - 05:21 AM ) - Lượt xem: 3360

Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả.

Thạch Lam (tên thật là Nguyễn Tường Lân; 1910-1942), Nguyễn Tuân (1910-1987) và Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) là ba nhà văn Hà Nội. Gọi “nhà văn Hà Nội” không phải vì các ông sinh ra ở đất Hà Thành. (Thạch Lam sinh ở Cẩm Giàng, xứ Hải Dương; Nguyễn Huy Tưởng sinh ở làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, xưa thuộc Bắc Ninh; chỉ có Nguyễn Tuân quê làng Mọc mới gọi là sinh ở Hà Nội – đúng hơn là ngoại thành Hà Nội.)  Sở dĩ các ông được gắn với danh hiệu này là nhờ ở những trang viết của các ông về Hà Nội.

Trước hết phải khẳng định, ba ông nhà văn họ Nguyễn này chẳng ai giống ai mà mỗi người chuyên về một thể tài không trộn lẫn. Thạch Lam chuyên truyện ngắn; Nguyễn Tuân chuyên tùy bút; Nguyễn Huy Tưởng chuyên tiểu thuyết và kịch lịch sử. Tất nhiên, trong cuộc đời đoản, thọ của mỗi người, các ông cũng từng thử sức sang thể tài khác, như Thạch Lam có viết tùy bút – Hà Nội băm sáu phố phường, và tiểu luận – Ngược giòng; Nguyễn Tuân có viết truyện ngắn, truyện dài – Hương cuội, Chùa Đàn; Nguyễn Huy Tưởng còn cả kể chuyện cổ tích cho thiếu nhi – An Dương Vương xây thành ốc… Điều đó chỉ càng nói lên sự đa dạng phong phú của ba cây bút này mà thôi.

Song có một thứ mà xem ra, cả ba ông nhà văn Hà Nội này đều quan tâm và đưa vào trang viết của mình một cách đầy cảm hứng. Đó là món phở – không biết có phải đặc sản của riêng Hà Nội không – mà từ Thạch Lam, qua Nguyễn Tuân đến Nguyễn Huy Tưởng đều đã đặc tả trong sáng tác của mình; không những thế, các ông còn có sự đồng điệu, kế thừa nhau rất chi là cảm động.

Đầu tiên là Thạch Lam trong Hà Nội băm sáu phố phường (1943), tập tùy bút về những cái đặc sắc của đất kinh kỳ thanh lịch, trong đó có món phở. Thạch Lam đã viết về món ngon Hà Nội này như sau: “Nếu là gánh phở ngon - cả Hà Nội không có đâu làm nhiều - thì nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai. Và anh hàng phở chả phải gánh nặng đi đâu cả, chỉ việc đỗ một chỗ nhất định, cũng đủ bán một ngày hai gánh như chơi. Và người hàng phố tìm dấu hiệu để gọi tên anh cho dễ nhớ: anh phở Trọc, anh phở Bê-rê, anh phở Mũ Dạ, anh phở Cao... và dặn thằng nhỏ chớ mua hàng khác về “ông không ăn mà chết đòn!”

(…) Nhưng có một nơi phở rất ngon mà không có ai nghĩ đến và biết đến: ấy là gánh phở trong Nhà Thương. Trong Nhà Thương vốn có một bà bán các thứ quà bánh ở một gian hàng dựng dưới bóng cây. Cái quyền bán hàng đó là quyền riêng của nhà bà, có từ khi Nhà Thương mới lập. Bà là người ngoan đạo nên tuy ở địa vị đặc biệt đó, bà cũng không bắt bí mọi người và ăn lãi quá đáng. Thức gì bán cũng ngon lành, giá cả phải chăng. Nhưng gánh phở của bà thì tuyệt: bát phở đầy đặn và tươm tất, do hai con gái bà làm, trông thực muốn ăn. Nước thì trong và lúc nào cũng nóng bỏng, khói lên nghi ngút. Rau thơm tươi, hồ tiêu bắc, giọt chanh cốm, lại điểm thêm một chút cà cuống thoảng nhẹ như một nghi ngờ. Mà nhân tâm tùy thích, nhà hàng đã khéo chiều: ai muốn ăn mỡ gầu, có, muốn ăn nạc, có, muốn ăn nửa mỡ nửa nạc, cũng có sẵn sàng.”

Hơn chục năm sau đến lượt nhà văn Nguyễn Tuân viết về đề tài này. Năm 1955, tham gia đoàn đại biểu Việt Nam đi dự Hội nghị hòa bình thế giới ở Helsinki, thủ đô Phần Lan, chạnh nỗi nhớ Hà Nội, tác giả Vang bóng một thời đã viết một tùy bút mà ông đặt tên chỉ bằng một chữ duy nhất: “Phở”, nhưng tàng chứa biết bao chuyện thú vị về món ăn này. Chỉ điểm qua một chút ông viết về phở gà: “… có một hàng bán phở gà ở Hà Nội mà nhiều người thủ đô không bằng lòng chút nào. Y bán vào buổi sớm, người xúm lại kêu ăn gạt đi không hết. Nói của đáng tội, gà ở đấy trông ngon mắt thật. Đã có những bạn lưu dung khen ông hàng là nhất nghệ tinh nhất thân vinh, và khen tay ông lách vào con gà béo vàng như tay một bác sĩ khoa mổ xẻ thuộc lầu từng khớp xương thớ thịt. (…) Hãy đứng ở đây một buổi sớm mà xem người ta ăn phở gà. Sốt ruột đáo để. Người ăn mề gà, người ăn đùi, ăn thịt đen chứ không ăn thịt trắng nó chua, ăn lá mỡ, phao câu, ăn đầu cánh. Miếng ăn ở đây đích thị là một miếng nhục, nhục theo cái nghĩa một miếng thịt ngon hợp khẩu vị, và cũng đi theo cái nghĩa nhục nhằn túi bụi. Ở vỉa hè đường ấy, cứ nhao nhao cả lên quanh một ông hàng mặt phớt tỉnh như đế quốc Ăng lê và bán hàng rất cửa quyền, khách phải đi lấy lấy bát. Có người đã giắt sẵn từ nhà đi một củ hành tây, có người quả trứng gà... đập trứng bỏ hành tây vào cái bát mình đã thủ sẵn và đánh dấu vào bát, dúi dúi bát trước mặt ông hàng, cười cười, nhắc nhắc, xuýt xoa nói to nói nhỏ, cứ như là sợ cuộc đời nó quên mình, nó nhầm mình...”

Gần như đồng thời với Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng khi viết Sống mãi với thủ đô cũng đã dành cho món phở một mối quan tâm đặc biệt. Trong năm trăm trang tiểu thuyết, nhà văn đã 14 lần nhắc đến chữ phở trong các cụm từ như ăn phở, bát phở, hàng phở, phở xào, anh hàng phở rong, bác phở trọc… Và ở một trường đoạn tả bữa tiệc của năm người Hà Nội tình cờ gặp nhau trong cái buổi chiều hôm vắng lặng ít giờ trước cuộc Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông đã để cho họ luận bàn về đủ thứ chuyện trên trời dưới biển của người Hà Nội, trong đó có thú ăn phở. Dù nhà văn qua đó muốn phê phán sự bàng quang của không ít người Hà Nội trước thời cuộc, thì món phở dưới ngòi bút ông, qua lời của một thực khách, vẫn có sự hấp dẫn đặc biệt: “Chúng ta thường chỉ đuổi theo cái ăn cái mặc, lao tâm khổ tứ vì cái ăn cái mặc, cả cuộc đời rút lại chỉ là cái ăn cái mặc. Sống làm gì như cái cô tân thời ăn mặc sang trọng, ngồi trên xe tay nhà gọng đồng sáng loáng, đi chợ Đồng Xuân chỉ có một xu trong túi để mua đủ một mớ rau muống bỏ vào một cái quả sơn đậy kín rồi lên xe vênh mặt trở về? Lại có anh công tử một sơ-mi, hàng ngày chải đầu bóng mượt, thắng bộ quần áo bảnh bao đi diện phố, lậu vé xi-nê, rồi buổi tối về, chờ cho mọi người đi ngủ, mới cởi áo đem giặt, phơi phóng rồi  nằm ngủ cởi trần, kết thúc một ngày vô lý. (…) Tôi đã từng trông thấy những người Hà Nội suốt đời chỉ có một mục đích là cái bát phở buổi sáng, họ đem hành tây, họ đem trứng đi, đến hàng phở quen, họ đánh dấu bát để đưa chan, họ hỏi hồ tiêu, họ đòi ít ớt, họ xin ít nước béo, họ vùi đầu vào bát phở một cách thô tục, xấu xí, rồi họ ra đi một cách tự mãn, có khi còn khinh khỉnh với người khác không sành phở như họ nữa. Con người mà thế thì buồn lắm. Phải khác. Ngoài cái ăn cái mặc ra, còn phải suy nghĩ làm sao có thể giúp ích cho đời, phải có cái gì để lại, nó đánh dấu sự tồn tại của một con người, nó nâng con người lên trên cái ăn cái mặc. Đấy là lý tưởng, đấy là lý do sự có mặt của mình trên trái đất.”

Trước sự hùng biện của người khách mới quen biết, anh chủ nhà, một người lập dị nhưng cũng thật sòng phẳng, khẽ khàng nói lại: “Ông nói có những cái đúng, tuy rằng ông đã mắng chính tôi đây, vì tôi là cái hạng ăn phở ấy đấy. Nhưng không sao. Chúng ta hoàn toàn tự do.”

Qua ba trích đoạn trên, không khó để nhận thấy cách khai thác “chủ đề” phở của ba ông nhà văn họ Nguyễn cũng khá là “đồng thanh tương ứng” dù cách viết cách cảm của mỗi người mỗi khác./.

NGUYỄN HUY THẮNG

Các Bài viết khác