NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHẠM TIẾN DUẬT – CHÂN DUNG NHÀ THƠ TRƯỜNG SƠN

( 06-12-2017 - 06:32 PM ) - Lượt xem: 1525

Phần đời đẹp nhất, tuổi trẻ Phạm Tiến Duật hầu như đã gắn bó sâu sắc, đã sống hết mình vì sự nghiệp chiến đấu. Giáp mặt với gian khó, hiểm nguy, trong cận kề cái chết, trong mưa bom, bão đạn, anh đã sống đời nhà thơ - chiến sĩ đích thực

Đã có một thời, lớp lớp thanh niên lên đường ra trận “ Cả thế hệ dàn hàng gánh đất nước trên vai” (Bằng Việt) ý thức thật sâu sắc sứ mệnh lịch sử của tuổi trẻ. Các nhà thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ nhiều người đã từ cánh cửa nhà trường đi thẳng tới chiến trường cầm súng  chiến đấu  với tư cách  lính chiến thực thụ. Phạm Tiến Duật là một trong lớp chiến sĩ ấy và nhanh chóng trở thành một gương mặt rất sáng giá, đại diện ưu tú xuất sắc cho cả thế hệ thơ trẻ.

Sau ngày mất 5 năm, nhà thơ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Tuy nhiên, từ lâu khi còn cầm bút, nhà thơ đã nhận được nhiều sự tôn vinh cao quý của thế hệ bạn đọc đương thời.

Tất cả nói lên một nhân cách  thơ lớn Phạm Tiến Duật.

1.CON CHIM LỬA DŨNG MÃNH MIỀN TRƯỜNG SƠN HUYỀN THOẠI

Lên đường nhập ngũ, Phạm Tiến Duật đã nghe rất rõ  hiệu lệnh “báo động đỏ”  của cuộc chiến tranh quyết liệt. Ngày 4/8/1964 là đêm trước của “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”. Và anh đã dấn thân vào vòng lửa  đạn thực sự từ đó! Tốt nghiệp Đại học Sư phạm nhưng  nhà giáo tương lai  đã phải chuyển cây bút soạn giáo án  thành cây viết để ghi lại lịch sử của “cái tôi thế hệ” trong trang sử lớn dân tộc như ý tưởng của bạn thơ Hữu Thỉnh “Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lại cuộc đời mình”

Bám theo Binh đoàn anh hùng 559 xuyên dọc Trường Sơn,  Phạm Tiến Duật  đã lăn lộn trên những cung đường, những khúc lộ mà bom đào lên, lấp xuống” hố bom dày như lỗ hà ăn chân”. Không khí dữ dội, ác liệt của chiến trường đã làm bốc lửa một“ cái đầu” để con tim toát ra những câu thơ nóng bỏng. Phạm Tiến Duật đã chứng kiến. “Mười bảy trận bom Mỹ dội một ngày” (Tiếng cười của đồng chí coi kho), những cảnh “Nơi túi bom  bay mù bụi đỏ/ Đường gập ghềnh ngổn ngang cây đổ” và những nơi “Những chiếc xe  từ đất  lửa về đây/ Hai phút trên đầu một lượt máy bay” “bãi đất này như cái lưng người/ Đen xạm khói bom nham nhở vết thương”. (Nghe hò đêm bốc vác). Vượt lên tất cả cái khốc liệt, cái khủng khiếp là gương mặt kiên cường của những người anh hùng: anh lính lái xe, cô thanh niên xung phong… Có một phông nền rất hào sảng là những cuộc hành quân gấp gáp, hối hả của những “sư đoàn ùn ùn súng pháo”, của “những đoàn xe ngút đầy đạn gạo”. Trên đó nổi bật nhất là chân dung  sáng tỏ “Đèo nhằm hướng nam, đường nhằm hướng nam/Xe đạn nhằm hướng nam, vượt dốc”. Vượt dốc, vượt đèo, vượt lên 4 triệu tấn bom đạn, qua 15 vạn cuộc oanh kích của địch.

Phần đời đẹp nhất, tuổi trẻ Phạm Tiến Duật hầu như đã gắn bó sâu sắc, đã sống hết mình vì sự nghiệp chiến đấu. Giáp mặt với gian khó, hiểm nguy, trong cận kề cái chết, trong mưa bom, bão đạn, anh đã sống đời nhà thơ - chiến sĩ đích thực với chiến trường.

Đường Trường Sơn  là “vùng thẩm mỹ” đặc biệt mà nhà thơ chọn lựa. Thơ Phạm Tiến Duật được mệnh danh là một “ góc bảo tàng tinh thần” Trường Sơn. Đường Trường Sơn chính là Đường thơ đặc sắc  của Phạm Tiến Duật. Nơi ấy, Trường Sơn với chiến công huyền thoại, đã cất cánh “nhà thơ-con chim lửa”, có sức bay nâng bước những sư đoàn.

2.CÁNH “PHƯỢNG HOÀNG SƠ SINH” TRÊN ĐẠI NGÀN THI CA.

Bạn văn đồn đại lời khen của Xuân Diệu trong lễ trao giải nhất thơ Văn nghệ 1970 như một bái phục. Nguyên văn đó là câu “ Lão ô bách tuế xin cúi chào phượng hoàng sơ sinh” làm cả hội trường sửng sốt.

Mọi người nhạc nhiên vì đây là lời ca ngợi hết mức một tài năng trẻ mới xuất hiện. Nhà  thơ lớn tự nhận mình là “con quạ già” so với  hình ảnh “ chú chim phượng non” lộng lẫy tiềm ẩn  một sức bay tung hoành.

Với đánh giá ấy, Phạm Tiến Duật  được coi là nhà thơ-nhà sáng tạo nghệ thuật đầy tiềm năng.

Nhìn lại đời thơ, có thể thấy sức sáng tạo ấy mang tính tiêu biểu cho cả một thế hệ các nhà thơ trẻ trên nhiều phương diện của nghệ thuật thi ca.

Trước hết, Phạm Tiến Duật có mặt trên thi đàn thời đó là báo hiệu sự xuất hiện của một lớp nhà thơ mới, nhà thơ con đẻ của chế độ mới. Họ có đầy đủ sự giác ngộ lý tưởng, được rèn luyện trong ngọn lửa của chiến tranh cách mạng, có bản lĩnh sống và chiến đấu cùng với bản lĩnh nghệ thuật. Sự xuất hiện đó thật đúng lúc. Tuyên ngôn lên đường của nhà thơ là tiếng nói dõng dạc của cả thế hệ. “Ta đi hôm nay đã không là sớm/ Đất nước hành quân mấy chục năm rồi/ Ta đến hôm nay cũng chưa là muộn/ Đất nước  còn đánh giặc chưa thôi”. Cũng như  bộc bạch của Hữu Thỉnh, nhận thức của Thanh Thảo, ý tưởng của Nguyễn Duy. . . biểu hiện sự thống nhất chung cao độ  của một thế hệ tự biết rõ về vị trí, vai trò  trong sự nghiệp chung cách mạng và thi ca. Họ tự khẳng định mình để tạo ra chân dung, dáng điệu và tiếng nói riêng.

Phạm Tiến Duật đã là nhà thơ trẻ thực hiện hiệu quả nhất khát vọng sáng tạo thơ ca.

Bằng một tư duy nghệ thuật mới, nhà thơ mở ra một cái nhìn hiện thực mới về chiến trường. Nhờ vậy, việc dựng cảnh  là của người trong cuộc với những sự việc tươi ròng, sống động. Có thể tìm thấy qua thơ, về đại thể những cảnh tượng chân thực trực tiếp dữ dội, ác liệt nhất. Ống kính quan sát những cận cảnh “ Tàn lá đầy trời như mưa tuyết màu đen”, “ xe đi trong tầm bom rơi”. Rồi như từ trong nhìn ra ngoài “Xe không có kính không phải vì xe không có kính/ Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi/ Ung dung buồng lái ta ngồi/ Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”. . . Đấy là những bức ảnh, những thước phim  như còn vương khói bụi và mùi khét lẹt của đạn bom- những tư liệu vô giá. Có khi qua một cảnh tượng điềm tĩnh mà nói được cái dữ dội khủng khiếp “ Cạnh giếng nước có bom từ trường/ Em không rửa, ngủ ngày chân lấm/ Ngày em phá nhiều bom nổ chậm/ Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà”. (Gửi em cô thanh niên xung phong). Đây chính là thế mạnh của Nguyễn Đức Mậu (Trường ca sư đoàn), Nguyễn Duy (Cát trắng). Nguyễn Khoa Điềm (Con chim thời gian) . . . Cũng như Phạm Tiến Duật, họ đã nói thật sâu sắc, thấm thía, chân thật sự hy sinh gian khổ tột cùng trong đời sống chiến tranh ác liệt.

Phạm Tiến Duật được coi như một trong những người khởi xướng khuynh hướng đào sâu, mở rộng hiện thực trong thơ thời chống Mỹ, đây là một kiểu hướng ngoại mới trong tư duy.

Mặt khác, là sự kết hợp hướng nội trong những suy nghiệm thâm trầm  của thế giới cảm xúc.

Hướng nội trước hết đào sâu tâm tưởng của con người trong chiến trận. Nhớ thường được bình luận là một ám ảnh day dứt về nỗi nhớ xe, nhớ con đường, nhớ trận đánh, đó cũng là một nỗi nhớ “màu đỏ”. Tương tự , có những câu thơ tình đẹp dữ dội mà hồn nhiên của đôi trai gái “Anh lên xe” và “Em xuống núi”.

Phạm Tiến Duật  không phải là nhà độc quyền gia tăng chất chính luận, chất trí tuệ trong thơ trẻ. Ấy là khuynh hướng  chung  của các nhà thơ trẻ cùng thế hệ. Xét rộng ra, cũng là của cả các thế hệ thi sĩ chống Mỹ  kể từ Tố Hữu, Chế Lan Viên, Huy Cận đến Chính Hữu, Vũ Cao rồi Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Khoa Điềm, Vũ Quần Phương …

Tuy nhiên ở Phạm Tiến Duật có lẽ sự gia tăng các chất trí tuệ nhuần nhuyễn  hài hòa hơn với chất tâm tình, cái triết lý thơ hiện ra  hồn nhiên và nhuần nhị, tươi tắn, Lửa đèn là một chuyện liên tưởng để nói cái ý thơ như chân lý lịch sử. “Mạch đất ta dồi dào sức sống/ Nên nhành cây cũng thắp sáng quê huơng”. Chủ nghĩa lạc quan cách mạng được thể hiện qua những tiếng đời trong chiến trận..Ồn tập mà vẫn minh bạch, “Cao hơn tiếng bom là khe núi tiếng đàn/ Tiếng mìn công binh phá đá/ Tiếng điếu cày rít lên thong thả/ Tiếng oai nghiêm xe rú máy lên đường”Và đây là chân lý tình cảm chiến đấu “Thế đấy,giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”(Tiếng bom ở Seng Phan)

Dễ nhận ra một giọng điệu riêng nổi bật của Phạm Tiến Duật mang chất trẻ trung, hóm hỉnh, tinh nghịch qua cái ngang tàng, phóng túng. Tuy nhiên nhìn tổng thể có thể thấy đó là một phong cách thơ độc đáo trên toàn bộ các phương tiện biểu hiện thơ, từ cảm xúc tài hoa tinh tế đến suy tưởng, liên tưởng sâu sắc qua hệ thống hình ảnh, ngôn ngữ thơ. Tự mình, nhà thơ tạo dựng một trường cảm thụ thẩm mỹ riêng, rất hiện đại nhưng không xa rời truyến thống. Từ đó mở ra một đời sống thơ ca mới cả về nội dung và thi pháp nghệ thuật. Có thể nói, Phạm Tiến Duật có đóng góp hiệu quả vào cách tân thơ ca đương đại.Nhà thơ “say miền đất lạ”có nhiều khám phá mới, đặc biệt là mở ra một khuynh hướng mới có tính phá cách trong thi ca. Phạm Tiến Duật còn là một nhà phê bình lý luận thơ ca, nghệ thuật tài hoa và trí tuệ (Vừa làm vừa nghĩ-2004).

3.CHÚ CU CƯỜM HỒN HẬU TRÊN ĐỒNG BÃI CUỘC ĐỜI.

Phạm Tiến Duật có thể gọi là thi sĩ hoặc thi nhân – người thơ (cách gọi của Nguyễn Tuân). Có tố chất thi sĩ đích thực nhưng cao hơn có thể vinh danh là một  nhà thơ-nghệ sĩ .Xuất thân sinh viên Ngữ Văn, nhà thơ có đủ tri thức, kiến văn sáng tác và lý luận văn hoc. Đó là một cái vốn  cơ bản rất quý ban đầu. Trang sách cuộc đời chiến đấu còn sinh động, linh hoạt,biến hóa rất nhiều ,không chỉ hiểu biết trí tuệ thực tiễn mà tạo ra những cảm hứng mới lạ chưa từng có. Chỉ khi nhập cuộc dấn thân thực sự cháy hết mình bằng ngọn lửa chiến trường, người chiến sĩ mới biến thành nhà thơ-chiến sĩ.

Xét trong căn cốt, Phạm Tiến Duật có năng khiếu thơ và cả những hứng thú,tài năng nghệ thuật. Bạn cùng học kể: cùng với Nguyễn Đình Ảnh, Duật cũng có thơ đăng báo. Và cả học hỏi nghệ thuật nữa. Như múa, hát và vẽ, Nghĩa là có “mon men” và bước chân vào vườn nghệ thuật. Không thành tài, nhưng sáng tác được. Trên bàn thờ tưởng niệm Phạm Tiến Duật giờ đây có các tác phẩm thơ và đặc biệt  là một băng đĩa CD: “Anh đưa em đến Cửa Lò” nhạc và lời Phạm Tiến Duật . Thêm vào đó là bức tranh màu “Khát vọng”.

Phạm Tiến Duật không đa tài như Nguyễn Đình Thi, cũng không điệu nghệ đàn phách như Nguyễn Tuân, không làm thơ và làm nhạc như Nguyễn Trọng Tạo nhưng phải công nhận anh là con người tài hoa. Am hiểu nghệ thuật như Chế Lan Viên cũng để tạo ra một tâm hồn nghệ sĩ. Và điều quan trọng hơn: để làm cho thơ tăng tính nghệ thuật. Thơ  là nhạc, thơ cũng là họa. Cái chính là nhà thơ có cái tai nhạc sĩ, con mắt họa sĩ.

Trong thơ có những liên tưởng giàu chất họa “ Trái nhót như ngọn đèn tín hiệu…Quả cà chua như cái đèn lồng nhỏ xíu...Quả ớt  như ngọn lửa đèn dầu”. Tất cả chỉ nói màu đỏ với những sắc thái khác nhau. Cái  tai nhà thơ  rất thính nhạy. Nghe  từ tiếng đàn xen lẫn tiếng mìn, tiếng điếu cày, tiếng xe  rú máy…  trong tiếng bom và trên tiếng bom. “...giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ”. Một thời ta nói “ tiếng hát át tiếng bom” là vậy! Nếu  ngọn lửa, nguồn  sáng là một cảm hứng ám ảnh về thị giác và tâm tư thì có những đeo đẳng  âm thanh bám riết tâm hồn. Tiếng xe reo (Nhớ) dễ hiểu nhưng tiếng mèo tuổi thơ là điều kỳ lạ “Ngồi bên bom còn vẳng tiếng mèo” (Vô đề)

Nhìn đời bằng cảm nhận nghệ sĩ ,một mặt, là cái mạnh  nổi trội nhưng về mặt nào đó lại thể hiện một nhược điểm. Hình như đi vào thời bình, sự chuyển hưóng sử thi sang thế sự không thật rõ nét  và chưa đủ mạnh mẽ. Không còn cái đẹp thuần vẻ  hào hùng  của thời đã qua mà lại có những biểu hiện khác phức tạp, biến hóa. Sự chuyển  giọng có phần chậm làm thơ sau này  thiếu cái âm vang như xưa. (Tiếng bom và tiếng chuông chùa (1997), Đường dài và những đốm lửa (2001)

Nhà thơ hầu như vẫn chỉ quan sát hòa bình bằng con mắt của người lính với tâm thế một thời. Như bạn thơ nhận xét có “những vòng tròn đồng tâm” mà “tâm” là Trường Sơn để tạo ra những “tâm chấn”mới. Nhà thơ chưa đủ sự tỉnh táo bản lĩnh để vượt lên những tâm trạng trăn trở, bức xúc trước nhiễu tạp của  thế thái nhân tình mới. Phần  nào đó có nét tương tự  Chế Lan Viên  trong cảnh xã hội  đổi thay  phức tạp thời hậu chiến (Di cảo thơ). Nhưng phải chăng chính điều đó lại nói lên cái lương tri của một nhà thơ chân chính ?

Cái chất tự do, phóng khoáng  nghệ sĩ nhiều khi đã kéo nhà thơ đi tìm  những thú vui  chông chênh trong bồng bềnh mộng mị .. .

Có thể ví nhà thơ như chú cu cườm đỏm dáng hồn nhiên, điệu nghệ, dang cánh  bay  phóng lãng trên đồng bãi mông lung. Như  Tố Hữu  ngày nào, ta vẫn Nghe cu cườm gáy. . .  Vẫn là tiếng lảnh lót líu lo nhưng lắng nghe đôi lúc  thảng thốt, chơi vơi chưa hòa nhập thật sự với tiếng hát cuộc đời hiện thực hôm nay: ồn ã, hào hùng trong cái đa, sắc, đa đoan, đa sự của những đổi thay mới lạ.

 Những khoảnh khắc cuối đời, nhà thơ còn nhận ra” Những cánh chim bay  trong vườn.” . Vẫn nghe “chim hót” “tiếng cao lảnh lót”, vẫn như thấy “náo nức chim bay”.

Nhà thơ đúng là một cánh chim bay. Một cánh chim có đường bay lạ đẹp mắt, dù là con chim lửa tung hoành lửa đạn, cánh phượng hoàng  cất cánh trong thi đàn hay chú cu cườm  dân giã chao lượn  bầu trời  nhân gian.

Phạm Tiến Duật-một chân dung thơ đặc sắc một nhân cách thơ lớn, là nhà thơ tiêu biểu cho một thời đại – thời đại cách mạng và thơ ca mới.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác