NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHẠM CAO CỦNG VÀ THÁM TỬ KỲ PHÁT SỰ KHỞI ĐẦU THÀNH CÔNG CỦA TIỂU THUYẾT TRINH THÁM VIỆT NỬA ĐẦU THẾ KỶ 20

( 04-06-2019 - 05:58 PM ) - Lượt xem: 683

Truyện trinh thám Việt Nam là sự kết hợp khá uyển chuyển giữa trinh thám cổ điển phương Tây, võ hiệp kỳ-tình Trung Quốc và văn học truyền thống. Truyện trinh thám thời kỳ đầu thế kỷ 20 được cho là thời vàng son của trinh thám Việt,

Từ sau khi nhà văn Biến Ngũ Nhy cho ra mắt truyện trinh thám Việt Nam (được cho là) đầu tiên: Kim thời dị sử - Ba Lâu rành nghề đạo tặc (đăng tải trên Công luận báo từ 1917 đến 1920); trinh thám Việt phát triển khá mạnh, và góp phần không nhỏ vào văn học nước nhà giai đoạn nửa đầu thế kỷ trước. Hầu hết các tác giả nổi tiếng thời kỳ này đều ít nhiều có các tác phẩm trinh thám như Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Bửu Đình, Phú Đức, Nguyễn Chánh Sắt, Bùi Huy Phồn, Thanh Đình Lê Văn Giới, Thế Lữ, Văn Tuyền Phạm Cao Củng…

Truyện trinh thám Việt Nam là sự kết hợp khá uyển chuyển giữa trinh thám cổ điển phương Tây, võ hiệp kỳ-tình Trung Quốc và văn học truyền thống. Truyện trinh thám thời kỳ đầu thế kỷ 20 được cho là thời vàng son của trinh thám Việt, thế nhưng để xây dựng những nhân vật thám tử - nhân vật tâm điểm của trinh thám – mang tính chất truyền kỳ được độc giả trông chờ, như trinh thám tây phương và võ hiệp kỳ tình Trung Quốc đã từng thành công; lại không có quá nhiều tác giả của thể loại này làm được. Điểm lại, có lẽ chỉ có Thanh Đình (với loạt tác phẩm về Lệ Hằng, Người nhạn trắng); Phạm Cao Củng (với các nhân vật Kỳ Phát, Tám Huỳnh Kỳ); Thế Lữ (với thám tử Lê Phong) là tạo được chuỗi tác phẩm với các nhân vật thám tử như vậy.

Nhắc đến nhân vật Kỳ Phát; ta sẽ liên tưởng ngay đến Sherlock Holmes lừng danh của C.Doyle: Ngay trong tập đầu của series về nhân vật thám tử này – vụ ánVết tay trên trần; chàng đã xuất hiện với cách mào đầu quen thuộc của Holmes. Và ngay tại vụ án đầu tiên, chúng ta có thể nhận ra một điển hình về vụ án ‘giết người trong mật thất’ của thường thấy trong trinh thám phương tây, nhưng lại mới lạ đối với Việt Nam tại thời điểm bấy giờ. Có thể khẳng định, câu chuyện vụ án đầu tiên của chàng thám tử Kỳ Phát chịu ảnh hưởng nhiều của Vụ án đường Morgue của Edgar Poe lừng danh. Các yếu tố giống nhau được liệt kê như sau:

1. Thông tin vụ án đều được đăng trên báo,

2. Hiện trường vụ án: căn phòng đóng kín, chốt phía trong,

3. Không gian thời gian: hẻo lánh và xa khu trung tâm, vụ án xảy ra vào ban đêm,

4. Chứng cớ và yếu tố tung hỏa mù: tiền bạc không mất, lời khai của nhân chứng mơ hồ, mâu thuẫn,

5. Kỹ thuật phá án: quan sát kiểm tra tỷ mỷ, phương pháp suy luận loại trừ; duy có phần phá án là có sự khác biệt (bạn đọc sẽ tự có cảm nhận khi thưởng thức tác phẩm).

Tuy vậy, nét độc đáo của truyện trinh thám Phạm Cao Củng nói riêng, và trinh thám Việt nửa đầu thế kỷ nói chung, là thể hiện văn hóa truyền thống nước nhà, lồng ghép vào các câu chuyện vụ án. Trong Vết tay trên trần, các suy luận không quá sâu xa, các chi tiết đều khá gần gũi với đời sống hàng ngày thời bấy giờ. 

Khác với các thám tử mang tính truyền kỳ, Kỳ Phát có một quá khứ khá rõ ràng và đau thương; chàng có biệt tài phá án ngay từ khi … mười hai, mười ba tuổi, thể hiện qua chuỗi các vụ án trong Chiếc tất nhuộm bùn, từ khi còn ở Hải Dương quê nhà, cho đến khi đi học tại Hải Phòng. Quá khứ đau thương của chàng (hay của chính tác giả) phần nào ảnh hưởng đến tác phong cách phá án sau này của gã thám tử kỳ tài này. Kỳ Phát, cũng mang dáng dấp của các bậc hiệp khách trong văn học phương Đông: nho nhã, điển trai, nghệ cao, hành hiệp trượng nghĩa (*). Anh không thu phí bất cứ vụ án nào (đôi lúc băn khoăn không hiểu anh kiếm tiền cách chi khác mà sống và tra án), mà hầu hết các vụ phá án của anh đều xuất phát từ ‘giữa đường thấy chuyện bất bình’ hoặc do người mộ tiếng tìm đến. Những xử lý của anh trong các án cũng mang đậm tính nhân văn phương đông, không đuổi tận giết tuyệt (như Vụ án Ba viên ngọc bích, Vụ án Nhà sư thọt)… 

Một điểm khá thú vị, là trong series Kỳ Phát, xuất hiện nhân vật thám tử - phóng viên Lê Song. Kỳ Phát và Lê Song làm ta liên tưởng đến cặp đôi Arsene Lupin và Herlock Shomes. Trong vụ án Người một mắt, Kỳ Phát và Lê Song đã giao ước đua tài, ai thua sẽ phải đổi tên; dĩ nhiên, Kỳ Phát dành thắng lợi, và anh có nói đùa: Anh hay chém gió, vậy nên đổi tên thành Lê Phong (**)…

Nói vậy, tôi không nghĩ cụ Củng có ý chơi khăm cụ Lữ, mà có khi các cụ có ‘thỏa thuận’ để tạo ra một kỷ niệm đẹp chăng?

Trong các câu chuyện, chúng ta cũng có thể mường tượng ra những khung cảnh và đời sống của xã hội bấy giờ, từ những nơi đô thị phồn hoa, đến những nẻo đường rừng dữ dội, đây là một yếu tố góp nên sự thành công của loạt tác phẩm, cũng như tạo sự gần gũi của tác phẩm với người đọc thời bây giờ. Đương nhiên, bên cạnh đó, ta có thể bắt gặp những câu thoại theo lối xưa, hay những quan điểm về luân lý từ những tháng năm đầu thế kỷ trước, có thể những bạn đọc trẻ không thấy ‘hợp tai’, nhưng không sao, tôi cho là như vậy cũng có những nét độc đáo, giúp các bạn phần nào hình dung ra cha ông ta trước đây ăn nói, làm việc, chơi bời ra sao…

Thám tử Kỳ Phát hay Lê Phong, những thám tử từng hùng bá một thời trên trường trinh thám Việt Nam thuở vàng son ấy, nay đã lần lượt trở lại. Chàng Lê Phong đã được Nhã Nam tái bản, và chàng Kỳ Phát sắp được Phúc Minh ấn hành. Đây thực ra không phải lần trở lại đầu tiên của Kỳ Phát, tuy nhiên, lần trở lại này, theo tôi có dấu ấn hơn và có phần đặc biệt hơn. Loạt Kỳ Phát do NXB CAND – Nhà sách Thành Nghĩa thực hiện, có thể do thời điểm, có thể do cách trình bày, mà series này được chào đón không mấy nồng nhiệt. Lần này, Kỳ Phát trở lại với hình thức đẹp đẽ hơn (***), trình bày ấn tượng hơn, và với một thời điểm thích hợp hơn, khi mà các độc giả trẻ đang quan tâm đến trinh thám nhiều hơn…

Rất hy vọng, Phúc Minh và series Kỳ Phát lần này, sẽ là một khởi đầu tốt đẹp cho sự trở lại của trinh thám Việt.

 TỪ XUÂN MINH

Chú thích:

(*) Ngoài truyện trinh thám, Phạm Cao Củng cũng rất nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyêt kiếm hiệp với những tác phẩm: Càn Long du bắc, Chu Long kiếm, Lục kiếm đồng, Quế phượng kỳ duyên, Giang đông tam hiệp,…

(**) "Ông có thấy bọn trẻ con mỗi khi thấy một cầu tướng đá hụt trái bản thì chúng chế giễu thế nào không? Chúng gọi là đá gió. Gió tức là Phong, vậy tôi yêu cầu ông đổi tên là Phong để kỷ niệm cái cuộc ông đã ... đá gió này!" (câu nguyên văn của Kỳ Phát trong tác phẩm)

(***) Trong Chiếc tất nhuộm bùn, Kỳ Phát được miêu tả: “ khuôn mặt xương xương, lưỡng quyền nhô cao và mái tóc hoa râm lòa xòa được vuốt ngược lên trên”, trong loạt bìa mới, chàng Kỳ Phát có hào hoa, nhưng hơi kém phong trần)

Tài liệu tham khảo:

- Văn học trinh thám-Thời vàng son của tiểu thuyết trinh thám Việt Nam - Trần Thanh Hà – Bản điện tử từ thethaovanhoa.vn – 18/08/2009

- Văn học trinh thám Việt Nam: Từ thám tử Kỳ Phát đến điệp viên Nguyễn Thành Luân – Yên Ba – tọa đàm “Văn học trinh thám có phải là văn học” – 21/03/2010

- Truyện trinh thám Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20 – từ đặc trưng thể loại – Nguyễn Thành Khánh – luận án tiến sĩ ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam- 2016

Các Bài viết khác