NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

PHẠM CAO CỦNG TRONG TÔI

( 29-08-2019 - 03:20 PM ) - Lượt xem: 580

Nhân dịp CLB NYS Nguyễn Huy Tưởng tổ chức toạ đàm về PHUC MINH BOOKS, một cty làm sách chuyên về truyện trinh thám và sách trẻ em. Trong số sách trinh thám của PHUC MINH BOOKS có bộ sách của tác giả Phạm Cao Củng, một tác giả ưa thích của tôi từ thuở thiếu nhi nên tôi xin chia sẻ với bạn đọc về ấn tượng tốt đẹp của tôi với Phạm Cao Củng và tác phẩm của ông

 Tôi còn nhớ vào đầu những năm 50 thế kỷ trước, khi đang theo học lớp 5 trường Phổ thông Cấp II-III Nguyễn Thượng Hiền từ Nam Định (Liên khu III) chuyển vào làng Ngò (tên chữ là Ngô Xá) thuộc huyện Thiệu Hóa tỉnh Thanh Hóa, hễ có chút thời gian rảnh rỗi sau việc bài vở là tôi lại chúi mũi vào mấy cuốn truyện trinh thám và kiếm hiệp mượn được của mấy anh chị học lớp trên như “Gói thuốc lá”, “Lê Phong phóng viên”, “Vàng và máu”, “Vết tay trên trần”, “Kho tàng nhà họ Đặng”, “Bóng người áo tím”, “Chiếc tất nhuộm bùn”, “Bồng Lai hiệp khách”, “Lục kiếm đồng”, “Long hình quái khách” v.v…

Đặc biệt hình tượng chàng thám tử tài ba, hào hoa phong nhã Kỳ Phát đã ăn sâu vào ký ức tôi như một thần tượng. Và nhà văn Phạm Cao Củng - tác giả của các truyện trinh thám nói trên, như một trong số những nhà văn thân yêu nhất.

 Qua gần bảy mươi năm, biết bao chuyện vật đổi sao dời đã diễn ra, trí óc đã bắt đầu lú lẫn do tuổi tác và sức khỏe, nhưng bài thơ mật mã thất ngôn bát cú trong thiên truyện Kho tàng nhà họ Đặng của Phạm Cao Củng không hiểu sao vẫn tươi rói từng câu chữ trong tiềm thức của tôi:

Đến Văn Lý sự mấy ai tày

Bảy bước nên thơ đứng ngắm cây

Nguyệt lão dấu mình xoay tả hữu

Công hầu mở mặt chạy Đông Tây

Đông hai mươi bước thêm hai bước

Tây một trăm giây thẳng một giây

Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng

Kho tàng đâu đấy thấy trên mây.

 Bài thơ mật mã này được viết trên bốn chiếc đĩa cổ mà mỗi chi nhà họ Đặng giữ một chiếc. Có điều mỗi chiếc đĩa cổ chỉ vẻn vẹn có hai câu, song không theo trình tự đã sắp xếp như trên, mà theo cách phân bố kỳ cục như sau:

Hai câu thơ trên chiếc đĩa đầu tiên của chi thứ nhất:

Đến Văn Lý sự mấy ai tày

Đông hai mươi bước thêm hai bước.

Hai câu trên chiếc đĩa của chi thứ hai:

Bảy bước nên thơ đứng ngắm cây

Tày một trăm giây thẳng một giây.

Hai câu trên chiếc đĩa của chi thứ ba:

Nguyệt lão giấu mình xoay tả hữu

Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng.

Hai câu trên chiếc đĩa của chi thứ tư:

Công hầu mở mặt chạy Đông Tây

Kho tàng đâu đấy thấy trên mây.

Nếu đọc lần lượt hai câu ghi trên mỗi đĩa theo thứ tự các chi, thì đó là một bài thơ tối nghĩa, chẳng có vần luật nào cả, dường như đó là bài thơ của một kẻ mắc bệnh tâm thần:

Đến Văn Lý sự mấy ai tày

Đông hai mươi bước thêm hai bước

Bảy bước nên thơ đứng ngắm cây

Tây một trăm giây thẳng một giây

Nguyệt lão dấu mình xoay tả hữu

Nằm sấp chịu đòn trăm sáu trượng

Công hầu mở mặt chạy Đông Tây

Kho tàng đâu đấy thấy trên mây.

 Nhưng biệt tài của thám tử Kỳ Phát không chỉ là ở chỗ chàng ta đã tốn nhiều công sức mày mò sưu tầm đủ bốn chiếc đĩa cổ có đề thơ của bốn chi nhà họ Đặng, mà còn ở chỗ chàng đã tìm ra “công thức” đọc đúng bài thơ trên, bằng cách bày bốn chiếc đĩa theo thứ tự từng chi một, rồi bắt đầu đọc vòng tròn mỗi đĩa một câu. Hết một vòng lại bắt đầu đọc lần lượt câu thứ hai theo cách đó, thì trước mắt ta hiện ra một bài thơ có đủ vần luật như tôi đã trình bày ở phần đầu. Và cái khó còn lại của chàng thám tử Kỳ Phát là qua bài thơ bí hiểm này, bằng sự phán đoán tài tình và sự nhạy cảm của mình, mà phát hiện ra tấm bản đồ bằng ngôn ngữ chỉ rõ đường đi nước bước dẫn tới nơi chôn dấu kho tàng nhà họ Đặng.

 Sau này, khi được làm quen với Edgar Poe, ông tổ của thể loại văn học trinh thám, tôi mới thấy rằng thiên truyện “Kho tàng nhà họ Đặng” của Phạm Cao Củng có những nét hao hao giống truyện “Con cánh cam vàng” của Poe, còn truyện “Vết tay trên trần” của nhà văn Việt Nam này rõ ràng mang hơi hướng một tác phẩm nổi tiếng của Poe là “Vụ án mạng ở phố Morgue”.

 Có lẽ sự giống nhau này là câu chuyện ảnh hưởng giữa các nhà văn và xuất phát từ ý đồ tốt đẹp đáng biểu dương của Phạm Cao Củng là lòng mong muốn bản địa hóa tiểu thuyết trinh thám mà ông đã thổ lộ trong cuốn “Hồi ký” của mình là: “…Tôi luôn luôn chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam và vai chính cần có được những tính cách hoàn toàn Việt Nam”.

 Những bối cảnh mang đậm sắc thái Việt Nam trong sáng tác của Phạm Cao Củng, dù cốt truyện diễn biến ở “đại đồng rừng”- ở những vùng “mạn ngược” ma thiêng nước độc, khỉ ho cò gáy- hay ở “đại đồng bằng”- trong các đô thị sầm uất cũng như trong các làng mạc nên thơ, và những nét quen thuộc thuần Việt trong tính cách của chàng thám tử Kỳ Phát đã chứng tỏ điều đó./.

LÊ SƠN

Sài Gòn 15 tháng Bảy 2019

Các Bài viết khác