NGUYỄN HUY TƯỞNG CÒN VỚI THỜI GIAN
VẤN ĐỀ VÀ SỰ KIỆN
HỒ SƠ BÁO CHÍ
GÓC TƯ LIỆU
Hỗ trợ khách hàng
0909 210 761
Hỗ Trợ Online
Mr. Cường

0909 210 761

Thông tin liên hệ
Điện thoại: 0909 210 761
Email: [email protected]
VIDEO CLIP
Liên kết website
Thống kê truy cập

“NÚI NON, SÔNG NƯỚC” TRONG THƠ HỒ CHÍ MINH

( 04-05-2015 - 01:21 PM ) - Lượt xem: 2646

Trong Hồ Chí Minh – Thơ – Toàn tập (1), có lẽ là đầy đủ nhất, có ba phần gồm, những bài thơ viết bằng chữ Hán và tiếng Việt. Qua đó, không ít “cảnh thiên nhiên đẹp” hiện ra như một đối tượng thẩm mỹ để cảm thụ, “nói chí” với cảm hứng mới cách mạng. Những yếu tố thiên nhiên như thơ xưa “Mây, gió, hoa, trăng, tuyết, núi, sông” đủcảnhưng nổi bật giàu hàm nghĩa là “núi, sông” hoặc “núi non, sông nước” dưới ngòi bút tài hoa của thi nhân Hồ Chí Minh.

1/NHỮNG THỂ HIỆN QUA “CẢNH NÚI VỚI TÌNH SÔNG”

Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Chủ tịch Hồ Chí Minh có làm bài thơ đầy sảng khoái ngay ở ATK – chiến khu Việt Bắc (Khuổi Tất, Định Hoá, Thái Nguyên) để ăn mừng: Cảm hứng (1954). Đây là bài thơ đã gần như thâu  tóm được cảm hứng chủ đạo quán xuyến của Người thi sĩ lớn không chỉ một thời mà cả một đời:

Kìa bãi cát, nọ rừng thông

Nước nước, non non, khéo một vùng,

Đang đợi nàng thơ cùng bạn vẽ

Đến chơi cảnh núi với tình sông.

Núi xuất hiện nhiều nhất (trên 50 lần, ở gần 20 bài thơ) như đề tài miêu tả hoặc như hình ảnh làm nền.

Núi thường mang nhiều dạng vẻ và gắn với nhiều yếu tố khác: núi mùa thu (thu san), núi trập trùng (trùng san):(Mãn sơn điểu ngữ dữ hoa hương -Đây núi chim hót với hoa thơm)…, núi có chim và hoa, núi với ánh sáng mặt trời (Thái dương...chiếu đắc toàn sơn), núi và mây quấn quyện (Vân ủng trùng sơn, sơn ủng vân – Mây ôm núi, núi ấp mây)...

Nói chung, cảnh núi nào cũng đẹp, cũng hùng và hình như ngọn núi nào cũng hiền lành cả: Núi cao gặp hổ mà vô sự (Đường đời khó khăn), trong khi đường phẳng (bình lộ) lại nguy hiểm!

Nhà thơ ngắm núi, nhìn non  và có sự miêu tả đặc sắc, hầu như không ngọn núi nào giống ngọn núi nào, kể cả ở trong nước và ngoài nước (chủ yếu là Trung Quốc).

Tuy nhiên, núi còn là một nơi để Người quan sát quang cảnh rộng lớn, cao xa. Và đó còn là đối tượng để Người rèn luyện sức lực, ý chí, thể hiện tình cảm... Ấy là chuyện Lên núi(Thướng sơn), Mới ra tù tập leo núi (Tân xuất ngục học đăng sơn)hay Ức cố nhân, Lên núi (Đăng sơn - 1950).

Trong những trường hợp này, trước hết qua núi thể hiện tầm nhìn của một nhà chiến lược, nhà quân sự, nhà cách mạng lớn .

Lên núi vốn là một đề tài quen thuộc trong thơ xưa. Đoàn Văn Khâm trong bài Viếng Quảng Trí thiền sư hay Nguyễn Khuyến trong Đăng Ngũ Hành sơn lưu đề. Các vị tìm cái diễm lệ của núi sông, sơn thủy để quên sự đời, giũ bụi đời, cũng là để trút nợ đời. Tóm lại là họ tìm cái siêu thoát. Hồ Chí Minh, ngược lại, rất mới, rất cách mạng. Cùng một động tác, nhưng ngày nay Người có một tâm thế khác hẳn. Người lên cao để phóng tầm nhìn xa rộng:

Núi cao lên đến tận cùng

Thu vào tầm mắt muôn trùng núi non

(Đi đường – Tẩu lộ)

Đứng ở đỉnh cao, con người không thấy rợn ngợp, hoặc cô đơn “Một mảnh tình riêng, ta với ta” như lời thơ  của Bà Huyện Thanh Quan xưa. Tuy nhiên, câu thơ dịch trên của nhà thơ Nam Trân mới chỉ nói lên được vị thế. Dịch nguyên văn nghĩa sẽ khác đi: Vạn lý dư đồ cố miện gian là Quay đầu nhìn Tổ quốc, thêm lưu luyến non sông muôn dặm:

Đèo cao lên đến vừa xong

Giang sơn nhìn lại động lòng cố hương

Câu thơ dịch này của Trần Đắc Thọ đúng và hay hơn, vừa nói lên vị thế, lại nói lên được cả tâm thế - tức tấm lòng với đất nước thắm thiết của người tù vĩ đại trên đường bị giải đi. Theo lời kể của đồng chí Lê Quảng Ba – từng làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương, thì trong chuyến đi về nước lần đầu năm 1941 cùng Bác, đã có hiện tượng tương tự. Khi tới cột mốc 108, bên kia là đất nước Việt Nam, theo tay chỉ về phía thung lũng có bản làng Pác Bó, Bác đã xúc động, mắt rưng rưng lệ.

Nhớ nước ở miền xa cũng là nhớ bạn cũ ở quê hương – Nhớ cố nhân (Ức cố nhân) –  T.Lan dịch:

Bồi hồi dạo đỉnh Tây Phong

Trông về cố quốc, chạnh lòng nhớ ai.

Mây núi ôm ấp nhau: “Mây ôm núi, núi ấp mây”. Lòng sông trong vắt: “Lòng sông chẳng gợn, mảy may bụi hồng”. Phải chăng đó là tình người quấn quít, lòng người sáng trong ?

Cao hơn tâm thế còn là tư thế:

Cố trèo, cố trèo lại cố trèo

Cố trèo, không sợ núi cheo leo

Núi cao, ta bước cao hơn núi

Con đường thắng lợi vốn quanh queo

(Tập trèo núi)

 

Rõ ràng đây là một tư thế rất tự hào, thể hiện một khí phách lớn.

Thời kháng chiến chống Pháp, trong chiến dịch Biên giới, vị tướng Hồ Chí Minh đi quan sát trận địa. Người Lên núi (Đăng sơn) trong một khung cảnh thật hào hùng:

Chống gậy lên non xem trận địa

Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây

Với khí thế xung thiên:

Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu, Đẩu

Thề diệt xâm lăng lũ sói cầy

(Xuân Diệu dịch)

Đấy cũng là khí phách của lãnh tụ hòa nhập với khí thế quân sĩ.

Ở đây, ta còn thấy biểu lộ một tầm nhìn chiến lược, một dự báo về sự tất thắng của chiến trận.

Tóm lại, khác với người xưa, Người lên cao là để mở rộng tầm nhìn, để nhìn xa trông rộng cuộc đời và việc đời.

Ở Người luôn toát lên một phong thái đàng hoàng, dù là trong chiến trận:

Chống gậy lên non xem trận địa

Gậy thật để leo núi mà mang ý nghĩa “gậy chỉ huy” và có thể tưởng tượng – mà là đúng sự thật – “gậy thần” của chiến thắng. Tuy nhiên, cốt cách ung dung của một bậc hiền triết thể hiện rõ nét trong Lên núi (Thướng Sơn), trong cảnh dạo chơi của Người. Đỉnh núi cao vời. Thế đứng của Người là tột đỉnh trong một quan hệ thực tế mà kỳ lạ: “Ngẩng đầu: mặt trời đỏ”. Núi cao đến mức con người như gần cận, đối diện mặt trời (hồng nhật cận), đạt tuyệt đỉnh. Không chỉ ở vị thế mà còn ở tâm thế: “mặt trời chân lý” (Tố Hữu) và cả tư thế, khí thế nữa. Tất cả trong một con người vĩ đại.

Bài thơ làm ở Lũng Dẻ - 1942, là nơi đặt cơ quan in báo Việt Nam độc lập do Người sáng lập và trực tiếp phụ trách. Công việc bận rộn, sôi động mà Người vẫm sắp xếp thời gian để “Lên ngọn núi này chơi” với phong cách “tiên phong đạo cốt”. Câu thơ trong trẻo, tâm hồn thanh khiết nhưng đậm triết lý. Nhà nghiên cứu Phan Ngọc bình luận bài thơ: “Hai câu đầu nôm na để dẫn hai câu sau bất tử. Một tứ thơ cách mạng hòa với một tứ thơ Phật giáo. Ngạn là cái bờ suối cụ thể nhưng cũng là cái bờ bên kia, cái bờ đạt đến sự giác ngộ. Mai là cây mai cụ thể nhưng cũng là biểu tượng kẻ thoát kiếp luân hồi” (ĐTH). Mai ở thơ đây là ước lệ. Mai quý giá vì thanh khiết, tượng trưng cho chí khí và sức mạnh: Mai của Vương An Thạch, Mai tuyết của Lư Mai Pha đời Tống, bài thi kệ của thiền sư Mãn Giác đời Lý - Cáo tật thị chúng như một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương:

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một cành mai

Sông ít xuất hiện hơn nhưng lại linh hoạt hơn. Có khi là suối, có khi là nước nói chung một cách khái quát.

Cũng như núi, sông nướcmang vẻ sáng trong, tươi đẹp, sinh động. Con mắt thơ của người “chân treo tựa giảo hình” vẫn phát hiện ra bờ sông, làng xóm trù mật, lòng sông “thuyền nhẹ lướt thênh thênh”. Rồi bến sông ngày đưa tiễn, vẫn Nhớ bạn hẹn về trong cảnh “lúa đỏ đồng”.

Đặc biệt là suối. Có một con suối bất tử trong Cảnh khuya như ngâm vang mãi trong tâm hồn con người:

Tiếng suối trong như tiếng hát xa

Đã có một đêm như thế trong đời thi nhân Hồ Chí Minh (Hoàng sơn nhật ký):

Đêm nghe tiếng suối hòa cùng tiếng chim

Trong cảnh sông nước cùng với núi non vẫn nổi lên một cốt cách ung dung, lạc quan vô hạn. Ấy là thời Người ở chiến khu Việt Bắc chống Pháp năm 1947:

Non xanh, nước biếc tha hồ đạo

Người hẹn trở lại ngày kháng chiến thành công:

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này

Cảnh rừng Việt Bắc chiến đấu mà bao phủ làn sương tiên cảnh.

Bài thơ Nguyên tiêu có lẽ là tiêu biểu nhất về vẻ đẹp mỹ lệ của sông nước vào mùa xuân trong Tiết rằm tháng Giêng:

Đêm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân

Giữa dòng bàn bạc việc quân

Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền

Cảnh tình sông nước thường đậm trong thơ.

Tuy nhiên, cũng như với sông nước, sông nước bao giờ cũng thể hiện vị thế và tâm thế cao đẹp của lãnh tụ. Cảnh khuya “như vẽ”, Người không ngủ được. Nhưng nổi lên ở đây là tâm thức cũng là tâm huyết lớn: “Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà”.

Cũng vậy, giữa dòng “sông xuân”ngày Nguyên tiêu, vị Tổng tư lệnh tối cao cuả cuộc kháng chiến vẫn  “Giữa dòng bàn bạc việc quân”. Thơ sông nước như vậy thấm đượm tình và thép.

 

TÌNH YÊU MÃNH LIỆT VỚI NON NƯỚC, NÚI SÔNG

Trong thơ về thiên nhiên của Hồ Chí Minh, có ba loại đề cập đến hình ảnh núi non, sông nước: Loại núi, sông tách biệt như một đề tài riêng: Lên núi (Thướng sơn), Tập trèo núi..., Tiết rằm tháng Giêng (Nguyên tiêu)... Loại núi, sông, non nước như hai yếu tố cùng nằm trong một bài: Đến Quế Lâm (Đáo Quế Lâm), Nhớ cố nhân (Ức cố nhân), Cảnh rừng Pác Bó... Loại núi sông, non sông, non nước như một hình tượng thống nhất: Đi đường (Tẩu lộ), Trời hửng (Tình thiên), Cảm hứng...

Hai loại sau, thực ra là cùng một chủ đề núi sông, non nước. Loại thứ ba nhiều hơn cả, nổi bật ở mảng thơ tiếng Việt, chủ yếu nhằm tuyên truyền cách mạng, cổ vũ lòng yêu nước.

Xin chỉ nêu ra vài dẫn chứng về những vần thơ từ trước 1945:

 

Một người Việt hãy đương còn

Thì non sông Việt vẫn non sông nhà

(Bài ca Trần Hưng Đạo – 1928)

 

Hồn ơi, hồn có linh thiêng!

Hãy cùng người sống báo đền nước non

(Bài sớ ứng khẩu Chỉ Thôn – 1940)

 

Phen này rạng rỡ non sông

Vẻ vang mày mặt con Rồng cháu Tiên

(Những câu thơ đầu chương trong tập truyện ký đánh du kích)

 

Quyết làm cho nước non này

Cờ treo độc lập, nền xây binh quyền

(Mười chính sách của Việt Minh – 1941)

 

Non nước của ta ta lấy lại

Nghìn thu sự nghiệp nổi từ đây

(Tặng cụ Đinh Chương Dương – Liễu Châu – 1943)

Mong cháu ra công mà học tập

Mai sau cháu giúp nước non nhà

(Tặng cháu Nông Thị Trưng – 1944)

Để hiểu rõ tâm tình, ý chí của nhà thơ Hồ Chí Minh, xin dừng lại ở mấy bài thơ trữ tình tiêu biểu nhất, cũng là để hiểu rõ qua chủ đề nội bật chủ nghĩa yêu nước, tấm lòng thi nhân – chiến sĩ, sự kết hợp thép và tình trong thơ của Người.

Trong nhiều bài thơ, tuy núi non, sông nước... được miêu tả tách bạch qua văn bản nhưng vẫn nói về một khái niệm, một tình cảm chung. Ở những bài khác, núi – sông hay non – nước gắn liền với nhau là để chỉ một khái niệm thống nhất là Đất nước, là Tổ quốc (giang sơn, sơn hà,...). Tuy nhiên, khác với thơ xưa, sự kết hợp của các yếu tố thiên nhiên này mang  một tinh thần mới. Xưa cũng như nay, con người và thiên nhiên đều hòa hợp, nhưng đó hoàn toàn là tiên nghiệm. Thời mất nước, điều tiên nghiệm ấy dường như đã bị xóa bỏ. Việt Nam bị mất  tên trên bản đồ thế giới, chỉ còn là xứ An Nam nằm trong Đông Dương thuộc Pháp. Trong bài Chơi trăng (21/8/1942), nhà thơ lớn của dân tộc đã phải đặt ra câu hỏi về tấn bi kịch lịch sử:

Sẵn nhắm vài câu hỏi chị Hằng

Non nước tơi bời sao vậy nhỉ ?

Nhân dân cực khổ biết hay chăng ?

 

Người chỉ nhắc đến núi sông duy nhất một lần như một thực thể tự nhiên trong sự xoay vần của vũ trụ:

Vạn lý sơn hà sái cẩm chiêu

Muôn trùng sóng núi trải gấm thêu

(Tình thiên)

Những bài thơ còn lại nêu rõ thống nhất núi sông là lý do đấu tranh của Cách mạng: hòa hợp non sông để thành đất nước, Tổ quốc, giang sơn là nhờ bàn tay con người... Pác Bó hùng vĩ nói rất rõ ý tưởng ấy, cũng là tình cảm, ý chí cách mạng với sự nghiệp giải phóng dân tộc:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà.

Hồ Chí Minh đặt tên, tức là phả vào thiên nhiên cái hồn của cách mạng: suối Lênin, núi Mác. Nhưng ý chí cách mạng là ở quyết tâm hành động của con người: “Hai tay xây dựng một sơn hà”. Người ở trong hang chốn núi rừng bí mật không phải để ẩn dật vui thú lâm tuyền mà để làm cách mạng. Đó là hính ảnh hào hùng của người chiến sĩ hành động để cải tạo thế giới.

Bài thơ còn thể hiện một niềm tin tất thắng mạnh mẽ.

Mở đầu là sự miêu tả một không gian khoát đạt. Đó là cái nhìn từ một khoảng hẹp – một cái hốc lớn – hang Pác Bó. Non và nước kết hợp lại thành non nước – sơn hà. Nhà thơ thống nhất ngôn từ, thống nhất các yếu tố tự nhiên, thực chất là thể hiện một khát vọng lớn: tạo dựng giang sơn cho Tổ quốc. Pác Bó sẽ thênh thang vì vậy mà hùng vĩ vì là điểm xuất phát để mở nước qua sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Đã hơn một lần Pác Bó xuất hiện và được miêu tả với nét bút tài hoa, lạc quan:

Non xanh xanh, nước xanh xanh

(Cảnh rừng Pác Bó – 1942)

Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh trở đi trở lại với thi đề Pác Bó. Cùng trong tháng 2 năm 1941, Người viết Pác Bó hùng vĩ và Tức cảnh Pác Bó. Đúng hai mươi năm sau (2/1961), Người lại có thơ Thăm lại hang Pác Bó. Bởi Pác Bó được ví như cái nôi của cách mạng, cũng là nơi mở ra “con đường đánh Nhật, Tây”. Thành quả tạo dựng của cách mạng là hết sức lớn lao. Niềm tự hào tiềm ẩn trong những vần thơ “Pác Bó” như vỡ òa trong hiện thực rực rỡ:

Non sông gấm vóc có ngày nay

Nói rộng ra, cả Việt Bắc, căn cứ địa của cách mạng và kháng chiến, cũng nằm trong cảm hứng chủ đạo ấy:

Cảnh rừng Việt Bắc kháng chiến mà thơ mộng:

Non sông, nước biếc tha hồ dạo

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say

Lời hứa trong niềm tin mang màu sắc lãng mạn:

Kháng chiến thành công ta trở lại

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này

(Cảnh rừng Việt Bắc – 1947)

 

Quả nhiên, bảy năm sau là một cảm hứng vừa hiện thực vừa lãng mạn:

Kìa bãi cát, nọ rừng thông

Nước nước, non non khéo một vùng

Nhà thơ tự cho phép trong tưởng tượng:

Được phép ngao du cùng tuế nguyệt

Vì rằng kháng chiến đã thành công

(Cảm hứng – 1954)

Trong nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự đại tài Hồ Chí Minh còn có con người thiên nhiên với tình cảm thiết tha, nồng hậu. Thiên nhiên là đối tượng để thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng và cũng là để nghiệm suy đạo và đời. Núi non, sông nước trong thơ thường bày ra nhiều phong cảnh mỹ lệ, thấm đượm cảnh núi, tình sông. Đôi khi có núi cao, sông sâu nhưng không quá hiểm trở, hung dữ, có chăng hoàn cảnh khó khăn là để thử thách con người. Thiên nhiên thật sinh động, có hồn, có tình như bầu bạn cùng con người, là nơi để tỏ lòng, nói chí, giao lưu tâm tình.

Khi đọc thơ cuả người xưa, nhà thơ mẫn cảm chỉ không đồng tình ở chỗ “quá chuộng (thiên ái) thiên nhiên đẹp”, coi thưởng ngoạn là mục đích duy nhất và cuối cùng, đến mức quên hết sự đời, việc đời, chỉ mong được giải thoát khỏi những vướng víu tục lụy. Người rất giống với nhiều nhà thơ trung đại, thân thiết với núi non, sông nước, hòa hợp cao độ nhưng lại phả thêm vào đó một tinh thần nhân sinh mới: Nói chí một cách minh bạch, đàng hoàng, khác hẳn trước kia Tản Đà phải mượn đề tài tình ái để nói ẩn ý tình cảm với đất nước (Thề non nước). Qua thơ Hồ Chí Minh, ta thấy bộc lộ rõ một tình yêu lớn, thiêng liêng: chủ nghĩa yêu nước mãnh liệt của vị lãnh tụ vĩ đại. Người có một khát vọng cháy bỏng đấu tranh vì độc lập, tự do cho Tổ quốc và nhân dân: “Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh”. Đó là tấm lòng một đời vì nỗi nước nhà:

Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước

Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc  quê nhà

Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc

(Người đi tìm hình của nước – Chế Lan Viên)

Phong thái ung dung ,thư thái của Người – dù dạo chơi nơi sơn thủy hữu tình hay “độc bộ” dạo đỉnh Tây Phong cao ngất – làm ta liên tưởng tới Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Bạch Vân am thuở trước. Nhưng tiên cảnh đấy mà cách mạng đấy. Lên núi mà cũng là tập trèo núi vất vả, gian nan biểu thị cho nghị lực phi thường. Bình tĩnh, tự tại là để tính nước cờ chiến lược, sự xoay vần tất yếu của lịch sử để tin tưởng sắt đá vào tương lai chiến thắng:

Hai tay xây dựng một sơn hà

Dẫn đến:

Non sông gấm vóc có ngày nay

Thi đề, thi hứng trong hồn thơ thường như vậy, thể hiện rõ tính chất truyền thống và hiện đại, dân tộc và cách mạng. Tất cả đều thống nhất với nhau trong tư tưởng mỹ học Hồ Chí Minh qua sáng tác thơ.

 

CHÚ THÍCH

1)Hồ Chí Minh-Thơ-Toàn tập-Nhà xuất bản Văn nghệ  thành phố Hồ Chí Minh& Trung tâm Nghiên cứu Quốc học-2000.Tác giả sử dụng văm bản kể cả phần dịch trong tài liệu này.

2)Xem thêm:Lê Tiến Dũng-Như đỉnh non cao tự giấu mình…Tạp chí Đại học Sài Gòn-Bình luận văn học-Niên giám 2010  ,2/2011.

PGS.TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Các Bài viết khác